Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

21.6.18

Cái gì không chết

Trilogy: Cuốn vở lớn, Chứng cứ, Lời nói dối thứ ba của Agota Kristof là cơn chấn động với cá nhân tôi, trong năm nay (thậm chí nhiều, rất nhiều năm sau nữa). Không màu mè kiểu cách, không mảy may thái quá, hóa ra người ta có thể viết về nỗi thống khổ trong chiến tranh, cách mạng, dưới chính thể chuyên chế độc đoán, nỗi thống khổ đeo đẳng suốt cuộc đời bằng một lối văn trào phúng, bình thản và u uất như thế Câu chuyện Cuốn vở lớn diễn ra trong Thế chiến II, những chi tiết mảnh và sắc về Holocaust, được kể qua con mắt của những đứa trẻ, hai anh em sinh đôi Klaus (Claus) và Lucas, hai đứa trẻ 9 tuổi sống với Bà Ngoại Phù Thủy mù chữ, bẩn thỉu, keo kiệt, độc ác, thậm chí từng giết người (đầu độc chồng bằng thuốc độc), chúng sống nhọc nhằn và cực khổ. Hai đứa trẻ học cách nắm lấy vận mệnh của mình bằng làm việc, tự học, tự kiếm sống, tự rèn luyện tinh thần: tự đánh cho nhau đau để quen với cái đau, tự nói đi nói lại những lời yêu thương như điệp khúc cho đến khi nỗi đau mà những lời yêu thương mang lại không còn đau đớn nữa, luyện nhịn đói, luyện không nói, một đứa giả mù một đứa giả điếc, đứa mù là cái tai của đứa điếc và đứa điếc là đôi mắt của đứa mù… Chúng sống sòng phẳng, tôn trọng sự thật, đôi khi tự kiêu mang hình bóng của tội lỗi, côn đồ khi cần côn đồ, tốt với kẻ yếu thế một kiểu cho đi dễ hơn nhận lại, chúng thiết lập quy tắc làm người của riêng mình… nhưng đâu đó người đọc nhận ra chúng bị tước đi, thậm chí vờ như quên đi những ý niệm sơ đẳng nhất về đạo đức, luân lý. Ở phần này, tác giả viết với lối trào phúng bình thản đến lạnh người, người ta đồng thời vừa có thể cười vừa có thể đau đớn, đôi khi người ta cứ ngồi lặng im chờ những đợt sóng qua đi Phần sau, Chứng cứ là cách viết u uẩn chậm rãi gần như co hẹp chiều dài câu chuyện lại cho đến khoảng 20 trang cuối phần này thì cánh cửa bật mở, một phần ‘thân bài’ được kể tuần tự rõ ràng. Người ta thấy một nữ nhà văn kể những mẩu tưởng như rất thường của đời sống: người ta mất ngủ, người ta đi quanh thành phố, người ta mở cửa rồi người ta đóng cửa, người ta tỉnh rồi người ta say rồi lại tỉnh để tiếp tục say, người ta chết, mong được chết, giết chết người khác để mong tìm được bình yên tạm thời… nhưng những mẩu nhỏ ấy để bao lấy trọng tâm là chiến tranh và giết chóc, sự hủy diệt trong thế giới cực quyền; cuộc đời, tình yêu và nỗi cô đơn, những khao khát và nỗi tuyệt vọng. Trong suốt nhiều năm tôi tưởng rằng mình đã mất đi âm thanh khóc, thế rồi vào một buổi chiều hè Hà Nội, tôi gạt sách bật dậy khỏi giường, nghe mình tru lên và nước mắt bung ra để giải thoát những gì ngoài sức chịu đựng. Đúng vậy, người chết không ở đâu cả và lại ở khắp nơi, không phải ai cũng hiểu và thấy được đúng điều ấy, người ta phải có cùng một cơn ác mộng ngay khi đang thức thì mới hiểu nó. Nỗi đau vẫn còn đấy, chẳng mảy may cả thay đổi hình dạng, nỗi đau không giảm đi, chả có cái gì phai mờ cả, ‘cái gì mà không chết cơ chứ’ ‘giảm đi mờ đi’ chỉ là một cách nói ảo tưởng để (tự) an ủi. Có nhà văn nào viết về nỗi cô đơn, tuyệt vọng như thế này không, tôi không còn nhớ được nữa Lời nói dối thứ ba là một mê cung sự thật và hư cấu của hai anh em sinh đôi – một nhà thơ ghét người và một người thích viết, đâu là sự thật, đâu là tưởng tượng hư cấu, nếu đây là sự thật thì quyển 1 quyển 2 là gì; nếu đây là hư cấu, là không thật thì đâu mới là sự thật; nỗi thống khổ, bi kịch nào đưa người ta đến ranh giới hư cấu sự thật. Viết những câu chuyện thật nhưng đến một lúc nào đó câu chuyện trở nên không chịu nổi tính xác thực của chính nó, để kể một câu chuyện sự thật không phải ai cũng đủ can đảm. Nó làm người ta đau đớn. Bức tường sự thật – hư cấu không toàn vẹn được nữa, tính chắc chắn chỉ là ảo tưởng, màu trắng dễ bị dây bẩn, phải tô màu lên tất cả và sự việc sẽ được kể không như chúng đã xảy ra mà theo ý muốn rằng chúng phải xảy ra. Đây là phần được tác giả viết kỹ thuật cứng nhất, người đọc cũng buộc phải tỉnh táo để gạn lọc chi tiết, thiết lập một bộ khung gây dựng câu chuyện thực sự mà tác giả muốn kể. Xuyên suốt trilogy là hình ảnh châu Âu già cỗi cùng những vấn đề và nỗi đau của nó, người ta ra đi khỏi nỗi đau này, để tập sống xa ngọn lửa – ngọn lửa sau những cánh cửa, ngọn lửa do con người đốt lên để thiêu cháy thân thể những con người khác, biên giới địa lý là không đủ, người ta còn cần cả sự lặng câm nữa và rồi để đến với một nỗi đau khác, cuối cùng người ta vẫn chọn quay về với nó để gánh chịu cả quá khứ và tương lai. Cuộc đời như những màn kịch ngắn bình thản đến ghê rợn. Bầu không khí bao phủ của Agota Kristof là bầu không khí rờn rợn, cái rùng rợn trong câm lặng kín bưng điển hình của các nhà văn nữ, nó làm tôi nhớ đến một nhà văn Hungary khác tôi đọc mấy năm trước, chính là Szabo Magda với Cánh cửa – nhát rìu bổ xuống bộ khung cuộc đời Ai đã ra đi thì người ấy phải tự trở về. Phải trở về, vì đã ra đi. p/s: Sách đọc do Bồ Câu tài trợ. Các cụ cho trilogy này tái xuất đi, con đa tạ ❤. Bộ này không tái thì còn tái cái gì nữa ạ 😉

Không có nhận xét nào: