Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

25.7.17

Cái đẹp biến đổi từng thớ vân hiện thực


Cuối cùng cũng khép lại The Goldfinch, lâu lắm không đọc dày nên cảm thấy hơi biêng, nhất là ban đầu chiến hữu bảo 3 ngày chứ [chơi nhau vãi]. Quyển sách sẽ là món quà cho những bạn thích đọc tiểu thuyết bàn về cái đẹp về nghệ thuật, cụ thể là hội họa; đồ cổ: đồ gỗ cổ (như tôi), đồ nội thất, đồ gốm sứ, đồ bạc, sách bản in đầu bản in lần mấy lần mấy, dù chỉ xuất hiện ít thôi (tất nhiên là có tôi rồi) và đặc biệt là những bức tranh cổ (tất nhiên là thế rồi, tên quyển sách đã nói lên điều ấy); những người không biết vì lẽ gì lại yêu cái gọi là ‘những mơ màng của phê thuốc phê chất kích thích đồ uống có cồn’, phê ngầy ngật ấy (như tôi nốt); và hehe, tôi thích những quyển sách được nhắc đến trong Chim sẻ cánh vàng, nhất là đoạn gần cuối nhắc đến Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, một chi tiết ghi dấu ấn với nhân vật bác Hobie trong tiểu thuyết, và có thể với nhiều người nữa, thậm chí họ không cho đấy là chi tiết, có thể là một cái gì đấy mà mỗi khi nhớ đến Proust thì họ đều nhớ đến Odette tóc xỏa lung tung, cặp má loang lổ mệt mỏi bê trễ <3 p="">
“những bức tranh ấy là một phần rất lớn trong tuổi thơ ông, phần sung sướng nhất, trước khi ông ốm – con độc, được các gia nhân yêu chiều chăm bẵm hết mực – vả, quýt, hoa nhài trên ban công – ông biết cả tiếng Ả rập ngoài tiếng Pháp, cháu biết mà, phải không? Và…” – Hobie khoanh tay thật chặt, đập đập ngón trỏ lên môi – “ông thường bảo với những bức tranh thực sự quý giá, có khi người ta hiểu được nó tận sâu bên trong, gần như sống trong nó, dù chỉ qua bản sao. Ngay cả Proust – có một đoạn văn nổi tiếng, Odette mở cửa khi đang bị cảm, hờn dỗi, tóc xõa lung tung, da chỗ trắng chỗ đỏ, và Swann, trước thời điểm ấy không hề để mắt đến cô ta, đã lập tức phải lòng vì trông cô ta y như một thiếu nữ của Botticelli trong một bức bích họa hơi bị hư hỏng. Mà Proust chỉ biết qua bản sao. Ông chưa bao giờ được ngắm bản gốc trong nhà nguyện Sistine cả. Nhưng dù có thế – cách nào đó cả cuốn tiểu thuyết là để nói về khoảnh khắc ấy. Và ngay cả chỗ hư hỏng cũng làm nên một phần sức hút, cặp má loang lổ trên bức tranh. Dù qua một bản sao Proust vẫn có thể mơ lại giấc mơ ấy, qua nó nhào nặn lại thực tế, và từ nó rút ra cái gì đó của riêng ông đưa vào thế giới. Vì – đường thẩm mỹ là đường thẩm mỹ. Có chạy qua máy photo một trăm lần cũng không có gì thay đổi.”

Mặc dù tôi có thoáng qua trong đầu, tôi đã đi qua cbn cái ranh giới người đọc chân chính của mình rồi, đọc mà bật công tắc cứng hết cả đầu mụ cả óc, nhưng có đến 4 lần đã phải đi tìm khăn để lau nước mắt đấy [tôi bựa nhỉ] :p
Bản word là 691 trang khoảng 357xxx từ, chiến hữu nhẩm tính khổ sách thường chắc phải tầm trên 1000 trang, tức ngang cỡ Suối nguồn; còn nếu khổ to chắc khoảng 800 trang. Thồi, tóm lại là giá bìa ngất ngưởng phết đấy, nhưng rất đáng. Tôi biết rất nhiều người đọc Hoa súng đen của Michel Bussi và mê tranh Monet, thì tin tôi nhé, đọc quyển này xong còn mê ngất ngưởng nhiều thứ nữa, không chỉ tranh [không nói chuyện mê chất gây nghiện nhóa, gì chứ trên đời này ngoài chất gây nghiện thì còn rì có thể đưa ‘một phát lên luôn’ con người ta đến được nơi muốn đến nữa đây hehe]
Chiến hữu đang đùa, hay đọc một loạt toàn chim là chim đi, những bồ câu hồng hộc kiểu kiểu thế J


19.7.17

Đồ phù phiếm màu mè



Trong Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino, nhân vật Người đọc nữ nhất định từ chối việc truy nguyên các tiểu thuyết xoay vòng xoay với quan niệm rằng có một lằn ranh phân định: người làm ra quyển sách và người đọc sách, cô muốn là một trong những người đọc sách và luôn giữ mình cẩn thận bên phía của mình. "Nếu không, niềm vui đọc vô tư lự sẽ chấm dứt, hay ít nhất là biến thành cái khác, không phải những gì em muốn. Lằn ranh ấy, nó mơ hồ, dễ bị xóa đi: thế giới những người dính dáng tới sách theo nghĩa chuyên nghiệp ngày càng đông và có xu hướng tự nhập vào làm một với thế giới những người đọc sách. Dĩ nhiên, độc giả cũng ngày càng đông hơn, song dường như những kẻ dùng sách này đặng làm ra sách khác đang ngày càng đông hơn những ai chỉ thích đọc sách và chỉ thế thôi. Em biết rằng nếu vượt qua ranh giới đó, dù chỉ như một ngoại lệ, do tình cờ, em tất có nguy cơ hòa lẫn vào cơn triều đang dâng này; vì vậy em từ chối bước chân vào một nhà xuất bản, dù chỉ trong vài phút"
trong khi nhân vật Người đọc nam thì làm việc truy nguyên về các tiểu thuyết đọc dang dở như một việc nhất định phải làm, và thế là chàng ta bị đưa đẩy đến cái nơi "ở cái văn phòng này sách được coi là nguyên liệu thô, là linh kiện thay thế, những thiết bị cần tháo dỡ rồi lắp lại" và chàng ta kinh sợ rằng mình đã bước sang "phía bên kia ranh giới" và "đánh mất mối quan hệ có tính đặc quyền đối với sách mà chỉ người đọc mới có: cái khả năng coi những gì được viết ra như một cái gì đã hoàn tất và chung quyết, không thể thêm gì vào mà cũng không bớt được gì ra"

Tôi muốn dành thời gian để đứng trên chính lằn ranh ấy, rất thỉnh thoảng thò chân thò tay nghiêng mặt ngó nghiêng tí toáy "bên kia", còn phần lớn thời gian tôi thu mình lại khóa bớt giác quan để ở "bên này" tận hưởng.
hề hề hờ hờ tôi phù phiếm tôi màu mè cũng được, chỉ là khi tôi mở một  quyển sách tương đối hoàn chỉnh ra, tôi tìm những chỗ tôi tí toáy rất rõ dấu ấn của mình vào, và thấy là: à đây, nó đã hiện hữu đúng như tôi tí toáy.
Thành quả lao động chính là niềm vui bé mọn hiện thực hóa triết lý sống của mình gờn gợn như tinh vân đó mà :p. Em bảo tôi đồ phù phiếm đồ màu mè, tôi nhận luốn.
Sapiens - Lược sử về loài người là sách kiến thức phổ thông, người đọc chỉ chơi tiểu thuyết như tôi còn chiến một chương ngon lành ở nửa sau sách từ lúc còn là bản thô được thì các cụ cứ yên tâm nhé. Dễ tiếp cận cực kỳ.

16.7.17



Tôi đang cảm thấy tệ quá.
Như mọi ngày, tôi chỉ gặp EMi lúc thức dậy khoảng 30', trưa khoảng 15', từ 22h đến sáng hôm sau hai chúng tôi ở với nhau. Vừa rồi tôi ngồi nghe nhạc, EMi đến ngồi bên cạnh như mọi khi, không có biểu hiện khác lạ. Mãi 23h, tôi lên phòng, theo thói quen EMi chạy cầu thang dẫn đường, tôi có thói quen hay nhìn mông con lúc lắc đi cầu thang, lúc ấy tôi mới biết con mình bị rách một vết to cách hậu môn khoảng 1cm. Tôi khóc thét lên, tu tu khóc như một con điêng tìm bông băng thuốc bôi. Vết rách nhìn rõ đã rách hai lớp da, chắc EMi bị từ sáng và đã tự liếm cầm máu. Hôm nay tôi chơi với các cháu cả ngày, nhờ mẹ lên đổ thức ăn cho EMi, đến lúc này tôi cũng không biết EMi bị từ bao gìơ. Tôi đi từ tầng 6 xuống 3 kiểm tra các vật nhọn, góc nhọn trong nhà và không hiểu con mình bị từ đâu để xử lý chúng, suốt 9 năm qua nó chơi ở mọi ngóc ngách trong nhà, sao lại bị rách toạc như thế
Cuối năm ngoái tôi có một giấc mơ, không hiểu sao con tôi bị rời thành nhiều phần, mắt nó nhìn tôi, còn hai phần tay rời khỏi thân không cử động, nửa thân dưới tách ra riêng biệt hẳn trong đó đuôi vẫn quẫy... là một người hay bắt gặp chính giấc mơ của mình trở thành những sự kiện thật. Tôi hy vọng EMi có thể ở bên tôi một thời gian nữa. Tôi sẽ chăm sóc con đến cuối chặng đường. Tôi nợ EMi cuộc sống tôi đang sống.
Tôi làm mẹ kiểu gì thế này. Tôi ôm con cố ngủ. Tôi không sợ hãi, nhưng cơ thể tôi đau.

15.7.17

Tòa tháp đằng xa



Tôi không định đọc Kẻ móc túi của Nakamura Fuminori, sách mua lúc mới xuất bản nhưng tôi muốn có độ lùi thời gian với sách mới, tức là xem dân tình đọc sách như nào rồi mới nhảy vào đọc sau, đọc trước quen rồi, thay đổi cách tiếp cận xem thế nào. Thay vì đọc sách mới, tôi đọc lại những gì đã thích đã đọc, và có thể chính vì thế, mọi thứ thay đổi hơi có phần bất ngờ, với chính tôi J. Dễ nhận thấy nhất là với sách triết học, giờ có thể đọc tập trung hết một quyển một cách hoàn toàn bình thường, không phải cố nhồi hoặc mang tâm lý: đọc không hiểu thôi thì cứ đọc, đọc mãi rồi sẽ có lúc vỡ ra mà hiểu J. Bỗng dưng đọc lại hiểu, thế mới nẫu. Là tôi đã hóa rồ, đã khác :v
Đó có thể là nguyên nhân Kẻ móc túi được phần lớn mọi người khen nhưng khiến tôi không hiểu sao nó lại được khen, mặc dù rất ít sách tôi và người khác có cùng quan điểm [như Kẻ trộm sách, Bóng hình của gió… chẳng hạn] nhưng tôi vẫn bị nhiễu loạn, "nhiều người khen quá, đọc phát xem dân tình dạo này như nào" và y như rằng, nhận ra mình vẫn ngu như ngày nào, mình không tin vào mình. Đọc mãi mới hết 39-40 trang sách, vẫn hy vọng và đến lúc hết thì ngồi nhệch miệng cười, mày ngu quá là ngu Lốc ạ, tốn thời gian không đâu hơn tiếng đồng hồ đọc quyển này làm rì :3
Kẻ móc túi là tiểu thuyết Nhật viết theo phong cách phim Hàn :p, ý tôi là tính giải trí cao và có vẻ so deep. Nhưng fake thôi. Đọc xong không đọng lại gì. Cả quyển sách được cái kết đôi ngả lạ lạ và như những người đọc trước tôi viết thì nhân vật "kẻ móc túi" đúng như tên gọi "không hiện lên một cách cụ thể chân thực", tôi hiểu là sống bên lề xã hội, có thể là bất cứ ai dù trong vỏ bọc giàu có hay ất ơ, không tên, không hoàn cảnh xuất thân…, bậy nào, trong sách có nói hết, mà còn là tên thật của "kẻ móc túi" thật đến mức bạn thân của hắn còn chả biết, hoàn cảnh xuất thân cũng có nói tương đối rõ. Tôi rất chấm hỏi, tôi đọc nhớ nhầm hay họ đọc hiểu nhầm. Khi tôi vừa đọc xong, tôi nghĩ có vài câu thoại của ‘’ông trùm’’ Kizaki cũng ổn, nhưng ngay sau đó, ngồi nghĩ, cũng hàng fake nốt.
Điều tôi chê nhiều nhất ở Kẻ móc túi là văn hời hợt, thô, viết không tới, chỉ phơi ra mà không đi sâu vào. Tác giả ôm quá nhiều mà không thực sự đi vào bất cứ chi tiết nào, dung lượng tác phẩm ở bản tiếng Việt có 150 trang, như vậy là quá ôm đồm [viết ngắn rất khó nhé], nó tạo cho người đọc cảm giác như truyện bị cắt cúp ở đâu đấy, tất cả thiêu thiếu và các sự kiện vẫn chưa được đặt đúng trình tự như tác giả hình dung. Và thể loại gì cũng vậy, logic cao luôn là ưu điểm, văn chương phải đúng, đúng rồi mới đến hay, quyển này lỏng lẻo yếu ớt quá. Những gì văn chương được nhất tập trung ở khoảng 1/2 – 2/3 của chương 16, nó cũng là điều tôi ấn tượng nhất, nên tôi dùng làm tên cho văn bản này, ngoài ra còn đoạn ngắn cô bạn gái của ‘’kẻ móc túi’’ kể lại giấc mơ, tôi không thích toàn bộ giấc mơ, điều tôi thích là trong giấc mơ tác giả đã để cô gái của mình rơi xuống rất sâu dưới lòng đất, không phải rơi xuống giếng nhé, mà rơi vào một chiếc giường, chiếc giường vừa hin cho nhân vật nằm và nó cứ hõm xuống hõm xuống siết chặt lấy cô gái.

Các bạn trẻ phần lớn sẽ thích quyển này, phần nhỏ thì chắc giống tôi, già rồi hoặc già trước tuổi nên không xâu đíp được nữa ;), hoặc như chiến hữu của tôi: “ai bảo đọc linh tinh còn kêu than nỗi rì”, tức là còn không cả quan tâm :v

11.7.17

Việc chết



Triết học trở thành da thịt


Có hai chủ đề mà tôi quan tâm trong tất cả những thứ tôi đọc: sự ngu xuẩn và cái chết. Với sự ngu xuẩn, nói như Milan Kundera, sự ngu xuẩn không phải là một khiếm khuyết về mặt tri thức mà nó là sự kiện cơ bản của phận người. Còn cái chết, tôi coi cuộc sống đang diễn ra, tiểu thuyết mình đọc là những tiêu bản về số phận, về cái chết và sự hiện hữu bằng việc sống như tôi như mọi người xung quanh thì nhất định phải học và việc chết cũng là nghệ thuật. Tất cả mọi sinh vật sống trên Trái đất đều sống là đi dần đến cái chết, đang chết và luôn luôn đang chết, sau đời sống thì ta đã chết, ngay giữa đời sống ta cũng đang chết, “ngay khi con người bước vào đời sống, lập tức y đã đủ già để chết”. Tôi muốn mình chết vì điều mà mình đã tận hiến sống. [Nam tước trên cây là một nhân vật tôi đặc biệt mến mộ]. Những quan tâm đến chủ nghĩa khắc kỷ hay thuyết mạt thế (cái chết, sự phán xét, thiên đường, địa ngục) cũng xuất phát từ hai chủ đề tôi quan tâm nói trên.
Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia bàn về những triết gia chọn cái chết để bày tỏ tư tưởng của mình; một kiểu triết gia cam kết, triết học là ngôn ngữ trở thành da thịt, thân xác; cụ thể ở đây là Socrates, Hypatia, Giordano Bruno, Thomas More, Jan Patocka… Và rốt cuộc các triết gia đã dùng sự hiện sinh của mình để “diễn tấn hài kịch” như thế nào? Và tại sao cuộc đời của các triết gia lại là cuộc đời nguy hiểm? Sự hiện sinh của con người có phải là tấn hài kịch không… Costica Bradatan bố cục sách thành hai phần rõ rệt với giọng văn dễ hiểu và có phần thoải mái như đang cùng bàn luận với độc giả; phần đầu xem xét các triết gia đã nhìn cái chết như thế nào, và ở phần hai là cái chết nhìn họ ra sao J
Độc giả được nhắc lại, làm quen chủ đề dẫn nhập: Triết học như một nghệ thuật sống với Montaigne, Schophenhauer, Nietzsche; Quyền năng của cái chết với chúng ta bắt nguồn từ sự xa lạ của nó, đó là lý do chúng ta cần những bài tập tinh thần để học cách giáp mặt với cái chết, thuần hóa nó; Làm quen với suy nghĩ tồn tại hướng đến cái chết: sống đời sống con người tức là tồn tại hướng đến cái chết; Triết học là một nghệ thuật sống chỉ trong chừng mực nó đem đến cho ta một nghệ thuật chết; Làm triết học tức là học cách chết; Cái chết là điều quý giá nhất được trao cho loài người và thật bất kính nếu ta làm nó không hiệu quả; Làm thế nào để chết hiệu quả… [Tất nhiên, cái chết vì chán quá muốn chết, tự tử chết, làm thế nào để chết như vậy hiệu quả… sau nhiều năm nghiên cứu và thực hành, nếu cần hãy tin tôi, tôi chuyên gia phết đấy :p. Còn thì, tôi vẫn gợi ý để các cụ đọc sách hay làm gì thì làm, để nhìn và thấy mình chết vì đâu, để bằng cách nào đó, bánh lái con thuyền của các cụ tới được nước kết]. Quyển sách của Costica Bradatan nói nhiều về những cái chết cho tư tưởng của các triết gia, những cái chết “tử đạo”, ở góc nhìn khác, nó cũng là sự thánh hóa triết học, tôn vinh triết học như cách cải đạo tư tưởng, biến đổi trong cách tồn tại, cách sống của chúng ta… và có thể bạn nghĩ nó thật luẩn quẩn, chẳng phải chúng ta lại quay trở về nguồn gốc vấn đề và chốt lại: cái gì trước? Nghệ thuật cách sống hay nghệ thuật về cái chết; nghệ thuật cách sống ngay cả ở nước kết là cái chết, hay là, nghệ thuật về cái chết để biết mình sẽ dành thời gian sống cho điều gì hay hiện thân cho tư tưởng nào J
Phải làm quen với ý nghĩ triết học không phải là cái gì đó và càng không nên nghĩ nó là cái gì đó xa rời đời sống, đừng mặc định ý nghĩ này là bản chất của triết học. Nguyên ủy sâu xa thì triết học là cuộc sống này, mở rộng và đào sâu, làm ta trọn vẹn hơn, thoát khỏi những giả tạo, tăm tối, thoát khỏi trạng thái lo âu để đến được với đời sống chân thực, nhãn quan chính xác về thế giới và sự tự ý thức mình, bình yên và tự do bên trong. Triết gia là người nói sự thật, mọi thứ sự thật. Cuộc đời triết gia chính là văn bản triết học sống động với ba mệnh lệnh chính: 1, Mọi thứ không phải như vẻ bề ngoài. 2, Ta không được để thế giới như hiện trạng. 3, Tầm quan trọng của trí tưởng tượng trong triết học có tán dương bao nhiêu cũng chẳng là nói quá
Sự mỉa mai ở ngay đây, các triết gia trả giá bằng chính thứ họ coi trọng thông qua hành động mà người khác cho rằng ít quan trọng nhất: cái chết. Và cái chết là chết cho tư tưởng, cái chết hiện thân cho tư tưởng. Họ phải vượt qua chính sự hiện thân của mình. Ta có nên đặt cái chết cho tư tưởng của các triết gia cạnh những người tham dự vào những dự phóng tương tự như tử đạo trong tôn giáo, tuyệt thực đến chết, tự thiêu và đánh bom cảm tử - những cái chết biến thân thể mình thành phương tiện triết lý? Câu trả lời nằm ở việc nắm bắt ý nghĩa tối hậu cuộc đời của một ai đó, chúng ta buộc lòng phải nhìn nó từ một góc đặc biệt: kết cục của nó. Đời sống của con người chỉ bắt đầu có ý nghĩa đầy đủ sau khi họ chết. Cái chết mang ý nghĩa hồi cố, buộc lòng phải được nhìn lại từ những gì ai đó đã làm, từng làm, yêu ghét, tạo ra hay phá hủy. Thật ra, phải bàn cãi gì nữa khi cho rằng triết gia chính là những người mỉa mai đại tài nhất, những tự do ý chí bất khuất bậc nhất. Và không ngạc nhiên khi cuộc đời của triết gia là cuộc đời của cô độc ở trên cao nhìn đám đông, xa rời đám đông, họ trung thành với tư tưởng triết học của mình trong đơn độc, và tất nhiên, tìm thấy lẽ sống và niềm vui của mình trong đó.
Triết học có phải là một truy cầu nguy hiểm không J Anh sẽ viết, nói, đọc, nghe, tìm hiểu về nó, hay anh huân tập nó để “không nói”, trong khi thực ra đến một lúc nào đó, anh sẽ nhận ra triết học bắt đầu ở nơi sự viết kết thúc. Nhà văn hay triết gia, triết học của họ không nằm trong trang viết, nó ở nơi nào đó khác. Tư tưởng triết học là thứ anh sẽ nói về, hay là thứ thôi thúc anh phải hiện thân cho nó? Các triết gia tử đạo chết vì họ tin rằng tư tưởng triết học nhất thiết phải được biểu lộ và không thể tách rời khỏi triết gia, nếu anh không thể minh họa cho chính tư tưởng triết học của mình thì ai sẽ làm điều đó; trong tình thế cưỡng buộc, nếu anh khước từ quan điểm của mình thì chẳng phải chính anh là người vô hiệu hóa nó, anh không làm điểm tựa cho tư tưởng của mình thì ai có thể… hoặc đơn giản chỉ là các triết gia chơi một trò đùa nghiêm túc với Thượng đế, diễn vai diễn hiến sinh trần tục trong vở kịch mà vũ trụ sắp đặt. Giống như yoga, tôi rất hiếm khi nghĩ về yoga là những động tác tập luyện khó nhọc, tôi nghĩ về nó là tinh thần, tinh thần yoga. Thì triết học cũng vậy, tôi không xem nó là các chủ đề, tôi xem nó là tinh thần sống, cách sống. Mà chính những triết gia trong quyển sách này đã tận hiến tinh thần sống trong cả cái chết, chính trong nước kết ấy mà họ trở thành lịch sử. Cuộc đời của triết gia thực chất không gây hại cho bất kỳ thể chế, nhà nước hay tập thể nào, ngoại trừ chính họ. Nhưng những cuộc đời ấy là nguy hiểm vì trở thành vật hiến tế của đám đông, theo như Rene Girard thì trong tình huống sự điên loạn của đám đông át đi lương năng của xã hội thì chỉ có duy nhất một giải pháp: nếu xã hội lọc ra được một thành viên để lái toàn bộ sự hung hãn của tập thể nhắm vào người đó thì cái chết của cá nhân đó có khả năng chấm dứt bạo lực đang nhân rộng, đây được gọi là cơ chế hiến tế. Nhưng tại sao các triết gia, những người không có quyền lực, không gây hại lại có nguy cơ trở thành nạn nhân hiến tế, vật hiến tế? Sự hiện sinh nghịch lý tiếp tục xuất hiện ở đây, chính là bởi họ là những người phi quyền lực, thứ mà kẻ trấn áp cần là thân xác của triết gia, lúc này cũng như việc chọn những cô gái điếm, kẻ ăn mày, người điên hay những kẻ bên lề xã hội khác. Tiềm năng triết gia trở thành vật hiến tế chính bởi triết gia là người coi công việc của mình là nói sự thật, họ sống trong trạng thái xa lạ với xã hội của mình, không thuộc về nơi nào và chính vì thế họ “không có khả năng thiết lập hoặc chia sẻ những kết nối xã hội”, càng yếu trong việc thiết lập kết nối với kẻ khác hay bên ngoài thì họ lại càng có khả năng thực hành ‘parresía’-nói sự thật tốt hơn [một ý niệm hấp dẫn, nhưng về mặt xã hội thì thật thảm họa; không ai muốn nghe mọi thứ, mọi sự thật, luôn có thứ gì đó ta không muốn nghe, muốn giấu giếm ngay cả với chính mình :p]. Theo lý thuyết của Girard thì chính sự thiếu khả năng hòa nhập xã hội này là tiêu chí tiên quyết biến những triết gia thành nạn nhân tiềm năng, trở thành vật hiến tế. Cũng theo thuyết này thì tiêu chí tiếp theo biến triết gia trở thành nạn nhân tiềm năng chính bởi cái chết của họ không tự động kéo theo hành động báo thù, sẽ chẳng có ai tìm cách báo thù cho triết gia tử đạo J. Nhưng nếu các triết gia chơi khăm thì sao, họ không tiếp nhận cái chết trong trạng thái bị động, mà họ tạo tác cái chết của mình chủ động hơn, họ là diễn viên, nhà biên kịch, đạo diễn cho chính cái chết của mình trở thành một phương tiện diễn đạt tư tưởng của họ? Kẻ hiến tế trở thành một hình tượng chủ đạo trong đời sống cộng đồng, góp phần định hình và chuyển dẫn tương lai của cộng đồng ấy. Như vậy cái chết hiến sinh của triết gia trở thành hình tượng người sáng lập, mang hào quang của ‘’ai đó’’ ngoài con người, thần thánh thế tục, một trạng thái tồn tại thiêng liêng. Thật mỉa mai khi chủ đề chết cho tư tưởng của các triết gia, chúng ta buộc lòng phải xuất phát điểm từ chốn tù ngục, buồng giam, phòng thẩm cung… và như mọi điều quan trọng của cuộc sống thường xảy ra ở những khung cảnh và tình huống tầm thường. Vì vậy, xin đừng quên vai trò, các tác nhân kiến tạo hậu thế cho kẻ tử đạo. Những cái chết này sẽ không mang hào quang được như nó đã và đang là, nếu không có những việc làm của hậu thế để truyền tụng từ nơi này đến nơi khác, xuyên không gian thời gian. Ví dụ ở đây: Sẽ không có Socrates nếu thiếu Plato, ngôn từ của Plato đã bất tử hóa cái chết của Socrates, thậm chí có thể nói rằng Socrates là một ví dụ điển hình bị văn chương hành quyết, Socrates thật bị xóa sổ và được thay bằng nhân vật văn chương Socrates của Plato mà chúng ta nghĩ rằng đó là Socrates thật :p
Sống là gì? Là thực hành sự thuần hóa, quá trình làm người là quá trình biến thế giới thành nhà và vũ trụ thành nơi cư ngụ. Là huân tập chịu đựng, xử lý khổ đau. Là chuẩn bị cho cái chết, học cách giáp mặt với cái chết, mời thần chết vào nhà chơi ván cờ. Là học cách hiện hữu đúng nghĩa. Là trở thành chính mình. … Có gì sai ở đây không? Tôi yêu sự phi lý. Những cái chết của các cá nhân mang tư tưởng mạnh mẽ như vậy cũng chỉ được đặt trong cái nhìn làm vật hiến tế như những cô gái điếm, kẻ ăn mày, những người bên lề xã hội. Vậy sẽ ra sao khi vào chính khoảnh khắc nhìn xuyên thấu vào tấn hài kịch này, triết gia nhận ra cái chết nực cười của mình, cả thế giới đang cười ta. Vậy làm được gì đây :p? Chỉ có sự châm biếm, tự châm biếm, tiếng cười mới có thể bảo vệ ta. Ta cười vào chính mình, cười lại thế giới, cười với toàn bộ vũ trụ, với Thượng đế đã lừa ta, đã sắp bày tấn kịch hề cho ta nhập vai. Triết gia nhập vai như một sự ngụy trang ngất ngưởng, bị nhạo báng cười chê, họ chơi khăm lại bằng cách giả vờ như chẳng ngạc nhiên gì, giả vờ diễn kịch ngay từ đầu, chơi khăm kẻ đã chơi khăm mình, ít nhất đây là việc ta tự chủ được ngay cả khi cận kề cái chết. Không đơn thuần, cái chết là hiện thân của chương trình triết học đã nhào nặn nên cuộc đời cũng như tiểu sử của triết gia và cái chết của họ là tác phẩm triết học; mà những triết gia được nhắc đến trong quyển sách này, nếu họ đã tự chủ cái chết bằng cách ấy thì chính họ là người tạo ra ý vị mỉa mai cho tấn hài kịch của tồn tại. Triết học như một trò chơi nghiêm túc
Chúc các cụ đọc sách vui vẻ và đừng quên nghĩ về cuộc đời nguy hiểm của các triết gia, tư tưởng triết học chính là cuộc đời họ và triết học trú ngụ trong thân thể triết gia của họ; về những bài tập tinh thần chăm chú vào khoảnh khắc hiện tại, kiểm soát nỗi bất an sợ hãi về “cái không biết”. Hành trình truy cầu, đào luyện sâu vào bên trong mình luôn là hành trình đơn độc và đau đớn, còn nhìn thấy một cá nhân khác, còn nhìn thấy ai khác là hành trình ấy còn phải trở đi trở lại để đi đúng đường. Và nhất là phải đi đến cùng. Ngày chúng ta chết, ta cần biết ta hay ai vừa chết. Nếu muốn không phản bội chính mình thì việc chăm sóc cho thứ sâu bên trong mình phải được duy trì bằng bất cứ giá nào, đừng ngừng truy cầu dẫu có gì đó hứa hẹn xán lạn hơn ở đâu đó, đừng do dự hay ngần ngại, cuộc đời không dễ dàng chút nào khi quyết định ‘không thuộc nơi nào’, nhưng với những cá nhân ấy nó đáng giá , và có thể đó là cuộc đời tốt đẹp nhất mà ta có thể có trong hành trình lần này. Chưa hiểu chính xác mình muốn gì nhưng hiểu rất rõ mình không muốn gì thì đây chính là một trong những quyển sách dẫn nhập cần thiết (ít nhất là dễ hiểu với tôi, dù có thể ngày mai tôi sẽ không còn đồng ý với nó)
NB: Tôi cũng như nhiều người, “tự nhiên” đến một thời điểm nào đấy, tư tưởng của họ đột ngột thay đổi, sự biến đổi này như là… đến lúc nó phải biến đổi mà thôi. Tôi bắt gặp rất nhiều luồng tư tưởng mà phải đến lúc đọc nó thì tôi mới biết rằng tôi đã sống đã nghĩ đã làm những điều này, nó định hình trong tôi từ trước, một cách mà bản thân tôi cũng không nhận ra hay không biết nó đến từ đâu, từ khi nào. Nói như Boethius thì đây là Sự an ủi của triết học. Tôi cứ nghĩ rằng mình đã cô đơn với những suy nghĩ của mình, từ rất lâu rồi, nhưng có thể giờ đây, cô đơn ấy mới bắt đầu. Mà thật ra là không cô đơn, cô đơn làm sao được khi đã tìm thấy cô đơn ở “bên ngoài” nông choèn khó lòng cô đơn này :p
Cái chết của Simone Weil không phải trường hợp triết gia tuẫn nạn theo nghĩa quyển sách này nói đến, nhưng tôi cảm thấy có sức hút với trường hợp này hơn cả, mối quan hệ giữa bà và thân xác của mình, một sự giải vật chất hóa chính bản thân mình. Tiểu sử của bà có các yếu tố tập dượt với cái chết, hành xác như một thói quen: ngủ trong giá lạnh, không được sưởi ấm, sống như nữ tu, làm việc cật lực cho đến chết, và ngừng ăn… Đây còn là gì nữa ngoài nỗi hổ thẹn bản thể, cảm giác xấu hổ vì sự tồn tại, sự hiện hữu của mình [con người]