Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

27.4.17

Chết cũng không dễ như sống



Romain Gary tiếp :p
(các cụ bội thực chưa, người ta gọi là rồ sách, ma sách ám đấy :p)
Tôi mở màn có thể rất ngu, dân không chuyên mà. Tôi bắt đầu nhé, bắt đầu bằng cái autofiction (tự hư cấu):”Tự hư cấu về bản thân mình, dựa trên một số/nhiều yếu tố tiểu sử có thật, làm lạc lối, rối trí người đọc, gây ra những bất ổn về cảm nhận/nhận biết/đạo đức về sự thật". Người đặt ra thuật ngữ autofiction là Serge Doubrovsky trong tiểu thuyết Fils (tôi không biết ông này đâu, có đọc gì đâu mà biết). Nhưng nói tới autofiction là vì khái niệm này tận những năm 1970 (Fils in năm 1977) trong khi Romain Gary của tôi đã sử dụng kỹ thuật này từ năm 1960 qua tiểu thuyết được dịch ở VN dưới tên Lời hứa lúc bình minh, chưa nói đến Chó trắng (1970) cũng dùng kỹ thuật này. Ở Lời hứa lúc bình minh, Romain Gary trở thành nhân vật trong tiểu thuyết, dùng tiểu thuyết để tự hư cấu. Nhà văn trở thành nhân vật trong văn bản, các mối quan hệ nhà văn-nhân vật, nhà văn-văn bản, đời sống thực-hư cấu… được thiết lập, và từ đó nó gây ra một sự rối trí ở người đọc, đôi khi lạc lối và cảm giác đi lòng vòng quanh co rồi lại trở về chỗ cũ cho những độc giả có sự quan tâm đặc biệt tới nhà văn ấy. Trong trường hợp của tôi là Romain Gary, sự kết hợp của chứng nghiện viết và nói dối bệnh lý, một con tắc kè hoa màu mè hài hước và sầu muộn đau đớn được trộn quánh lại với nhau, đôi lúc tôi cảm thấy vô cùng rối trí. Nhưng không sao, chưa tới mức ma sách ám mặt xám ngoét đâu, tôi đã đọc 5 quyển tiểu thuyết của Romain Gary nhưng cái may mắn của tôi, là cho tới tận lúc này, vừa kết thúc Bao người chờ đợi (Nền giáo dục Châu Âu) thì với tôi, vẫn không gì tuyệt vời được như Lời hứa lúc bình minh, tức là tôi vẫn chỉ chọn giai đoạn Roman Kecew là Romain Gary làm giai đoạn tôi chuyên chú, giai đoạn Emile Ajar như một sự quan tâm đầy đủ để bao quát tác giả tôi yêu thích mà thôi.
Bao người chờ đợi (Nền giáo dục Châu Âu hay Giáo dục Châu Âu) là tác phẩm đầu tay của Romain Gary, tôi đọc phộc tu, quyển đầu tiên của ông lại là quyển thứ 5 tôi đọc cho cả 2 bút danh, 2 giai đoạn sáng tác. Tiểu thuyết đầu tay được viết trong giai đoạn Romain Gary làm phi công lái máy bay ném bom, viết trong lúc nghỉ giữa các giờ lái (hơn 65 giờ bay và thực hiện 24 phi vụ thành công), tức là câu chuyện có thể ngừng bất cứ lúc nào vì không biết còn sống để tiếp tục viết hay không và đúng là Bao người chờ đợi được kết cấu như vậy, có thể ngừng ở bất kỳ đâu, tính liên kết trong tác phẩm đầu tay của Gary không cao, mỗi nhân vật, tình tiết, mỗi mẩu chuyện là một chương ngắn gọn, dẫn dắt người đọc hình dung cuộc kháng chiến chống phát xít Đức của nhân dân Ba Lan. Các nhóm kháng chiến tiến hành đấu tranh rời rạc, không có sự lãnh đạo chung, thậm chí bắn nhầm lẫn nhau. Câu chuyện diễn ra vào mùa đông trong những cánh rừng Ba Lan đầy tuyết phủ và những căn hầm dưới tuyết, với thức ăn duy nhất là khoai tây, những nhóm du kích Ba Lan, nhân dân Ba Lan trải qua những câu chuyện, hoàn cảnh của riêng mình, từ đó họ học được bài học, sự giáo dục của mình: họ phục kích, bắn chết lính Đức nhưng người đó lại chính là người có khả năng làm cho một cậu bé “phe mình” hiểu thế nào là âm nhạc, là nghệ thuật, là điều tuyệt diệu của cuộc sống; một người cha thân Đức nhưng con lại đi theo kháng chiến, mỗi người theo đuổi một ý thức riêng, số phận của một nòi giống là phải sống chứ không phải chết đẹp hay chỉ vì muốn viết “Tự do muôn năm” trên tường các nhà xí; một cô gái trinh sát hy sinh trinh tiết làm nô lệ tình dục cho lính Đức để moi tin; một ông lão lên án con mình vì chiến thuật rút quân không ở lại giữ làng… tất cả những cái chưa làm trọn, chưa làm đủ các việc cần phải làm, có thể là bài học cho nền giáo dục Châu Âu, chỉ ra con đường, cách thức để giải phóng Châu Âu khỏi họa phát xít dựa trên những thiếu hụt của các câu chuyện du kích Ba Lan (Tiểu thuyết này được viết khi chiến tranh chưa kết thúc):”Không có cách nào khác để bắt buộc những con kiến phải tránh xa con đường quen thuộc xưa nay. Chúng leo qua vật chướng ngại không chủ ý và vội vàng… Phải có gì khác hơn là một cuốn sách mới làm cho chúng tránh xa con đường, con đường mà hàng triệu con kiến khác đã đi theo trước chúng, mà hàng triệu con kiến khác đã vạch ra. Thử hỏi từ bao nhiêu thiên niên kỷ nay rồi chúng nó đã phải vất vả như vậy và còn phải biết bao nhiêu thiên niên kỷ nữa chúng sẽ còn phải vất vả, cái giống ngộ nghĩnh, bi thảm và không biết mệt này… Đấu tranh và cầu nguyện, hy vọng và tin tưởng dùng để làm gì? Thế giới mà trong đó những con người đau khổ và chết đi cũng chính là cái thế giới mà trong đó những con kiến đau khổ và chết đi: một thế giới ác nghiệt và khó hiểu, trong đó điều duy nhất đáng kể là phải mang đi thật xa một cọng cỏ mơ hồ, một mẩu rơm, đi xa hơn nữa bằng mồ hôi trên trán và nước mắt lẫn máu, luôn luôn xa hơn nữa! Không bao giờ được dừng lại để thở hoặc để hỏi tại sao…”
- Bao người chờ đợi có những đoạn với tôi được viết đẹp tuyệt vời, tất nhiên với Romain Gary thì cái đẹp là đau đớn, là chương gần cuối có đoạn Đôbơranxki viết và đọc cho mọi người nghe, có đầu đề: Ngoại ô Xtalingrat, về dòng sông Vônga ôm lấy, xoáy nước quanh xác của những người lính và chương có đoạn về cậu bé Do Thái nhìn Gianếch ăn khoai tây trong cào xé của cái dạ dày trống không, chính chú bé ấy chơi đàn vĩ cầm trong giá lạnh, chết khi đang ôm chặt cây vĩ cầm trong tay hoặc đoạn đối thoại của Gianếch với người đàn ông Đức trước khi chết, người đã cho cậu biết âm nhạc nghĩa là như thế nào (nó là tiếng sét, là sự trúng bả)
- Cách đây khoảng 9 tháng, tôi có đọc một tiểu thuyết của Hà Lan, Còn chị còn em (Tessa de Loo) cũng có đề cập đến những suy nghĩ rằng người dân Đức cũng chịu chung số phận là nạn nhân, ở Bao người chờ đợi, nó được nói dưới dạng những câu hỏi: "Làm thế nào mà nhân dân Đức có thể chấp nhận những điều đó? Tại sao họ không vùng lên? Tại sao họ chịu lãnh vai trò đao phủ? Có thật lương tâm Đức bị tổn thương, bị chế giễu vì không có một chút gì nhân đạo, đã vùng lên và đã từ chối khuất phục chăng?”
- Bao người chờ đợi của tôi là bản bên trái, còn bản bên phải là của bồ câu xe đạp xanh. Hôm trước tôi có nói chuyện với anh bạn, anh hỏi tôi đọc chưa, tôi bảo mình đọc được mấy chục trang rồi dừng, lúc ấy tôi cũng không thể nhớ được lý do tại sao mình dừng đọc, khi mà đây là Romain Gary của tôi cơ chứ, tối hôm ấy về lấy sách ra đọc, hiểu ngay ra vấn đề, đó là tên nhân vật bị phiên âm kiểu Gianếch, Dốxka... tên ngắn như thế này thì tôi nhớ được, nhưng về sau có rất nhiều tên phiên âm ra dài là dài, kiểu đọc phải thành 4-5-6 âm í, và tôi không thể nhớ được, nên tôi buông sách 
- Tôi hình dung lại việc viết của Romain Gary qua những quyển tôi đã đọc:
Giai đoạn Romain Gary: Bao người chờ đợi (1945), Lời hứa lúc bình minh (1960)
Giai đoạn Emile Ajar: Chó trắng (1970), Quất Quít (1974), Cuộc sống ở trước mặt (1975)
Thì có đặc điểm tôi nhận thấy rõ nhất: Giai đoạn Romain Gary là cái gì đấy khiến người đọc xúc động bị sét đánh bị trúng bả bị mũi tên xuyên bị bỏ bùa, nó là cái, nói như Flaubert “luôn cố gắng đi vào tâm hồn sự vật” và nó có tính nhịp điệu rõ rệt hơn hẳn giai đoạn Emile Ajar, giai đoạn Ajar thổi bùng và lóe lên gấp gáp, là hài hước nhưng chua cay sầu muộn trộn quánh lại và ông không biết làm gì hơn là ném chúng, nhét chúng vào việc viết như trốn chạy, viết một cách cẩu thả, viết cho xong, như trong Chó trắng:”khi anh vấp phải một cái gì đó mà anh không thể làm thay đổi được, không thể giải quyết được, không thể vực dậy được thì anh loại trừ nó ra. Anh tống nó vào trong một quyển sách. Sau đó anh không bị nó đè nặng lên mình nữa. Anh ngủ được hơn” và như vậy, giai đoạn Ajar là giai đoạn hễ cứ có nhu cầu được phân lập, được tách biệt, được tha hóa thì tức khắc ông bắt tay vào việc viết, viết như một cách thức sáng tạo một thế giới mới, như giai đoạn lột da ở rắn. Nên tôi sẽ đặc biệt chú trọng giai đoạn Romain Gary vì với tôi đây mới là giai đoạn ông là nhà văn mà tôi yêu, sắp tới đây, rất có thể Goncourt của Romain Gary sẽ xuất hiện bản dịch tiếng Việt, với tôi thì đúng là nhìn thấy khủng long bạo chúa <3 p="">

Không có nhận xét nào: