Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT
6.3.16
Tình yêu chết đi mà không chịu ẩn mình trong nấm mồ
Tôi đã trúng bả Romain Gary (ông là ông hoàng tại vị lâu nhất đời đọc sách của tôi), rồi Julian Barnes, rồi Ian McEwan..., thật lạ là chưa có nữ nhà văn nào khiến tôi thực sự bị trúng sét ái ân (thu hút giới tính mới thật rõ nét làm sao :v). Và gần đây nhất, tôi trúng bả Oscar Wilde. Họa mi và hoa hồng là quyển thứ 3 tôi đọc của Oscar Wilde, nó gồm 9 truyện có thể định danh là truyện thần tiên, truyện cổ tích, và tôi nghĩ nó không hề dành cho trẻ em.
Tôi đọc xong Ba truyện kể của Gustave Flaubert và nghĩ, có khi mình nên đọc một kiểu kiểu gì đó gần gần như ba truyện kể kia (dù đã được khuyên nên thử tiếp Xa-lăm-bô :p). Vì thế tôi đi lục tập truyện Họa mi và hoa hồng của Oscar Wilde, nhưng khi hết truyện đầu tiên Ông Hoàng Hạnh Phúc thì tôi lại nghĩ đến một người khác, Andersen, một cái gì đấy rất Andersen, tôi nghĩ vậy và vẫn cắm cúi đọc tiếp. Song chỉ hết được truyện thứ hai Họa mi và hoa hồng, họa mi ơi họa mi, họa mi rúng động tâm can, họa mi đẹp đẽ đau đớn mãi không thể quên ngay cả khi đã gục ngã bên hoa hồng trước buổi bình minh, thì tách một tiếng trong cái đầu hóa rồ của mình, tôi biết rằng thôi rồi, phải đi tìm Truyện cổ Andersen thật rồi, vì nó gợi lại một cái gì đấy về cái đẹp bị bỏ quên, bỏ rơi như Một mảnh lá của trời, nên tôi đã đọc Truyện cổ Andersen trước, và khi quay lại Họa mi và Hoa hồng thì thấy rõ một sợi chỉ mảnh. Tôi không nghĩ về mối nối Nàng tiên cá (Một linh hồn bất diệt) của Andersen với Chàng đánh cá với linh hồn của mình của Oscar Wilde, vì Chàng đánh cá với linh hồn của mình gần như chỉ là một mối cảm hứng được lấy ý tứ từ câu chuyện Nàng tiên cá. Tôi cũng không nói đến những ông hoàng, nàng công chúa, họa mi, cây pháo thăng thiên, bông hoa hay Giăng bị thịt hay Giant ích kỷ hay cây kim, đồng tiền xu, chú lính chì, hay cái bóng, linh hồn...vì nó chỉ là công cụ diễn giải, mà tôi muốn nói đến những câu văn rất thông thường tộc tệch, không cầu kỳ, trong một diễn giải cũng bình thường không hoa lá cành gì, nhưng cái cách thả nó vào câu chuyện thì hết sức quái dị, khiến cho cả câu chuyện xoay ngược lại góc nhìn, ở Andersen thì có thể thấy ở Một chuyện đau lòng, ở Oscar Wilder là Chú bé Sao Băng, tức là người đọc có thể đọc một truyện chục trang, thậm chí năm chục trang để đi đến cuối câu chuyện, chờ đợi một kết cục hoặc thậm chí chưa thể biết cái gì đến tiếp thì chỉ bằng bốn năm dòng cuối cùng, hai ông này dẫn ta đến chỗ ngẩn người tò te thảm hại, tự thấy mình như một vai diễn bi hài ở đời. Tất nhiên cả hai con người này, mặc dù viết những truyện cổ tích thần tiên nhưng chất hiện thực vẫn còn đó, cái kết có lúc có hậu, có lúc cái thiện lụi tàn, cái ác vẫn tiếp tục, có thể hoàng tử coi thường bỏ mặc công chúa, cái đẹp không phải lúc nào cũng ca khúc ca khải hoàn vì vốn dĩ, cái đẹp không dành cho nơi này, cái đẹp không thể ở đây.
Hình ảnh tuyệt đẹp là hình ảnh họa mi vừa cất tiếng hót vừa vươn mình cắm sâu vào gai hoa hồng trong những giờ khắc cuối cùng của ánh trăng, khi con người được đánh thức khỏi những giấc mơ. Và đẹp đau đớn là một câu chuyện thần sầu quỷ khóc Ngày sinh nhật của Inphanta
ps: Tôi là người không hiểu giá trị của chim họa mi và cả hoa hồng, nhất là khi chưa bao giờ tôi thấy lòng thổn thức vì hoa hồng, hoa hồng xanh thì còn có chút chút, hoa mai trắng lại là chuyện khác nhé :p.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét