Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

24.4.24

biết quá nhiều để sống được đến già




quyển 2 Thời hoang dã hay hơn quyển 1 Công lý thảo nguyên [ở đây https://www.facebook.com/share/Gzba5SuFmCjPCQBa/?mibextid=WC7FNe

]; nhưng phải đọc từ 1 để liên kết với nhiều chi tiết ở 2. Nếu quyển 1 tầm tầm vừa miệng ăn thì quyển 2 câu chuyện mở rộng và có khối lượng thông tin nhiều hơn hẳn; tính cách nhân vật cảnh sát trưởng Yeruldelgger cũng được làm bổi bật hơn - một nhân vật điều tra phá án điển hình bạo lực: hãy cảnh giác trước một kẻ tuyệt vọng, nhưng hãy run sợ trước một người đã vỡ mộng, nhất là một tay cớm đã vỡ mộng 


đọc Công lý thảo nguyên, tôi - một người quanh quẩn ở nhà, lại đi giải thích cho một đứa em đi du lịch Mông Cổ khi nó thắc mắc "bên ấy nhiều đồ ăn quán ăn Hàn Quốc lắm chị"; và vẫn với Ian Manook - một tác giả Pháp viết trinh thám chọn Mông Cổ làm bối cảnh ở quyển 2 này [đến quyển 2 này tôi mới thao tác nhìn bản đồ Mông Cổ ra xung quanh để hiểu cái được viết], tôi tiếp tục hứng thú với ý nghĩ: nếu một lúc nào đó có cơ hội, mình thực sự muốn sống trong một cái lều truyền thống của người Mông Cổ, ăn các món ăn truyền thống của họ [chắc trừ món thịt đầu dê, nhưng nhìn họ ăn nó thì tôi muốn nhìn]


ps. 2 quyển này của Ian Manook hình như độc giả trinh thám vn đón nhận lạnh nhạt, uổng quá ha ha ha


22.4.24

tào lao




giọng văn nông, khiến tổng thể cả 3 quyển đều có thể lấy tên Chuyện tào lao [tên cả 3 quyển đều chán, đặt tên cho con quan trọng lắm đấy], dù các câu chuyện không tệ hại đến mức không thể đọc nổi


hay lỗi do quá ít đọc văn học nước nhà; coi như đến lúc này, tôi chỉ còn giữ đúng ấn tượng với Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ - mà vốn dĩ ấn tượng ấy tôi giữ từ hồi còn học cấp 3, giữ vì muốn giữ ấn tượng của mình, chứ không phải vì tác phẩm


nay gả 3 quyển đi saigon


19.4.24

and them there were none




tôi thích cái tên gốc này hơn là Mười người da đen nhỏ, chính cái nhan đề tiếng Việt này đã làm tôi hồi bé cứ sợ đọc phải truyện nô lệ, chủ nô, đàn áp gì đấy. Tên tiếng Anh của nó, đúng tinh thần câu chuyện: rốt cuộc chẳng còn ai [sống sót], người ta chỉ thực sự được công nhận là vô tội ngay sau khi chết "lại thêm một người [đã chết] trong số chúng ta được công nhận là vô tội - nhưng lại quá muộn"; một vụ án quá kinh điển với người đọc trinh thám: 10 người ở một nơi tách biệt như địa điểm kín và từng người 1 chết, cứ sau mỗi cái chết thì người chết trở thành người vô tội, số còn lại nhìn nhau trong ngờ vực "hung thủ là một trong số chúng ta, nhưng là ai", rốt cuộc không còn ai sống sốt [hình như truyện tranh Conan cũng hay nhắc đến motif này, tôi nhớ hồi bé đọc thế thì phải] và vấn đề nó đặt ra: tội ác và sự trừng phạt, toà án ở đây không phải cái mà luật pháp con người dựng nên để xét xử kết tội, toà án tối cao ở mỗi người với sự hiện hữu của các Đấng [thật Dostoievski] - vấn đề này nhiều tác giả hiện đại đặt vấn đề hay, không khô cứng [như Thánh giá rỗng của Keigo, chẳng hạn, tiếc là Keigo quá lúa cao sản]. Dù sau này, là người thích đọc trinh thám, tôi cũng luôn né Agatha Christie [đọc 1 quyển lý giải sao ăn khách là được rồi; tôi gần như không đọc Sherlock Holmes của Conan Doyle], chỉ đọc duy nhất quyển Mười người da đen nhỏ, quyển sách vào nhà nằm trong 2 thùng sách được bạn cho, chứ cũng không phải do tôi chọn mua [hồi ấy tôi soạn ra quá nửa là tình cảm âu mỹ rồi tôi chuyển thẳng cho ai đấy ở hội thích truyện trinh thám, giờ tôi không nhớ nổi là ai, chi tiết chuyển cho sách kia tôi cũng chỉ mới nhớ ra gần đây]; lý do né là vì không thích văn và câu chuyện được kể thế này, nó quá lôi cuốn quá nhanh với những câu trần thuật đơn giản không lắt léo không gợi gì nhiều tưởng tượng, và đặc biệt là nó không cho phép tôi ở vai trò người đọc được khám phá sâu gốc rễ của mỗi nhân vật - điều mà tôi luôn thích khi đọc tiểu thuyết: con người và số phận trong vòng chuyển động làm người [tôi hợp Dostoievski là thế, dù như thế quá cứng, quá nam]


gần đây có đọc Plateforme của Michel Houellebecq, dưới nhan đề tiếng Việt: Chênh vênh, Houellebecq có vẻ rất hứng thú nhận xét The Hollow của Agatha Christie có bản dịch tiếng Việt: Thung lũng bất hạnh [có vẻ nxb Trẻ rất thích đặt tên tác phẩm khác đi khi chuyển ngữ, tôi thì thích 1 là dịch nếu có thể, 2 nếu thấy không dịch được hết tinh thần của tên thì để nguyên tên gốc, ai muốn hiểu, tò mò thì tự mà đọc :)))] làm bỗng dưng gần như không đọc Agatha Christie, tôi bỗng cũng nảy tò mò muốn có quyển Thung lũng kia trong nhà, đọc xem sao, nhưng từng đấy hôm mua sách tiki chả hiểu sao né mua dù được giá tốt, mà mua sách pass thì cũng nhìn hời hợt không tiện tay vợt :))) 


chiều nay gả quyển này cùng 1 quyển của Deaver cho một bạn cỡ tuổi đang năm mấy đại học 



17.4.24

ngừng làm mẹ




Ellie yêu dấu, một câu chuyện hay dù hơi dễ đoán; tâm lý các nhân vật cũng rơi vào mẫu chung tâm lý... điển hình của phụ nữ viết văn; mình thích tên gốc Then she was gone hơn, nó đúng tinh thần của câu chuyện


Ellie yêu dấu làm mình nghĩ đến một câu chuyện, vừa được bạn nhắc tên, Room. Truyện này được dựng thành phim [Ellie yêu dấu có được dựng thành phim không nhỉ, hồi lâu lắm thấy một người bạn điểm phim, cốt truyện của phim cũng nhang nhác Ellie yêu dấu]: 1 người đàn ông bắt cóc 1 cô bé trên đường đi học về, sau đó cũng sinh 1 đứa trẻ và nhờ kế hoạch 2 mẹ con cô bé vạch ra đứa trẻ trốn thoát được và cuối cùng người mẹ bị nhốt trong cái chòi cách âm sân sau nhà cũng được giải thoát etc. và phần lớn phim là việc cô bé cùng đứa con trở lại cuộc sống [mình không biết truyện thì có hay không vì hình như mình không đọc, cũng không nhớ là có đọc không], chỉ nhớ cô bé ấy sau khi được trở lại cuộc sống bình thường, nỗi đau của gia đình sau từng đó năm cô gái mất tích và khoảng cách giữa họ, mỗi người đối mặt với mất mát này một đau đớn riêng khác, giờ đây khi cô trở về, vẫn còn đó chỉ là nỗi đau thay đổi hình dạng, và cô bé có nói một câu mình rất nhớ, đại ý: nếu bố mẹ không dạy con trở thành người tốt, không bảo con nên giúp đỡ mọi người khi có thể thì có thể con đã không bị tên khốn ấy lừa rằng hắn bị mắc kẹt cần con giúp và như thế con cũng không bị bắt bị nhốt, đời con đã không thành đống phân như thế này etc. Ellie cũng cởi các nút xoắn như vậy, nếu không cần gia sư Toán, nếu thẳng thắn bày tỏ rằng mình không muốn đi cùng cô gia sư, không muốn uống cốc nước ép không muốn xử sự như một người lịch sự etc. thì... 



có đoạn mình thực sự xúc động là, khi bà mẹ Ellie gọi điện cho chồng cũ hỏi ông ấy rằng tại sao cô con gái Hanna [chị gái của Ellie] "lại ghét em, con bé luôn không vui khi gần em, nó cư xử như một cái hố rỗng khi có mặt em" và ông chồng cũ trả lời rằng con bé không ghét em, nó cảm thấy có lỗi, nó cần sự tha thứ vì nó đã không phải là Ellie yêu dấu của em, sau khi Ellie mất tích, con bé không chỉ mất em gái, nó còn mất cả mẹ vì em đã ngừng làm mẹ; chính cái cụm "ngừng làm mẹ" làm mình nấc lên ngay tức thì; nhân vật Hanna cũng là nhân vật mình thích trong quyển này [nhân vật mình thấy tiếc cho kết cục không đáng có là ông nhà toán học, một người như thế ngoài đời mà chọn kết cục vậy thì thấy đáng tiếc lắm]... vẫn là ý trên, giống trong Room; việc một thành viên gia đình mất tích nó gây ra cho mỗi thành viên ở lại một tâm trạng một đau đớn riêng mà dù vùng giảm chấn của mỗi người có được kéo giãn khác nhau thế nào thì tất cả họ cũng đều co cụm lại với đau đớn của riêng mình, họ tan vỡ các cách khác nhau, không thể hàn gắn như cũ; nỗi đau không biến mất theo thời gian, nó chỉ vẫn đơn giản là ở đó và thay đổi hình dạng


có một chi tiết, khi Ellie nói chuyện với Noelle trong căn phòng dưới tầng hầm, đại ý muốn thêm nhiều sách nữa... đầu óc của độc giả đọc trinh thám sẽ nghĩ: sẽ có gì đó được tuồn ra ngoài qua những quyển sách, dù không hy vọng gì mấy, thường những kẻ bắt cóc sẽ rất cẩn trọng kiểm tra các thứ trước khi đưa chúng ra khỏi nhà...; thế nên khi có chi tiết kết truyện là một bức thư của Ellie kẹp trong sách, nó là chi tiết dễ định hình, dễ đoán định cho một cái kết, chi tiết bức thư lấy nhiều cảm xúc, đặc biệt là câu cuối cô bé viết trong thư, cô viết trong thư như nhắn với các thành viên gia đình rằng: "họ không cần phải đau khổ về những gì đã xảy ra với tôi, bởi tôi rất can đảm, thông minh và mạnh mẽ", nó rất Then she was gone, cũng là một câu làm người ta hiểu Ellie mãi là Ellie yêu dấu trong lòng người mẹ và các thành viên trong gia đình, và thật đau đớn, chính vì thế cô bé bị nhắm đến, bị chọn làm nạn nhân [bởi hào quang cầu vồng của cô bé quá tuyệt vời, nó thôi thúc những đầu óc u mê tuyệt vọng làm điều xấu] 


đọc truyện trinh thám người ta quen với việc đào sâu vào xuất xứ của một người với bố mẹ như thế nào, gia đình ra sao, quá trình người đó lớn lên trường thành, sự biến trong đời là gì, đã tác động như thế nào... những năm tháng thơ ấu quan trọng lắm, một mái ấm một gia đình yêu thương chưa bao giờ là không quan trọng với sự hình thành một cá nhân. Ngoài đời cũng vậy, khi cần thực sự hiểu một người, cần thực sự điều tra về ai đó hay một vụ án, người ta thường tính đến xuất phát điểm của người đó. Đời người rất dễ lật nhào chỉ bởi họ đã trở thành người như thế nào kể từ thời khắc họ nhận thức rõ ràng mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thế nào chung chứa những bí mật câu chuyện gì


hồi lâu có đọc một quyển trinh thám, đại để: cô vợ nói với chồng một quá khứ khác hẳn cuộc sống thực mà cô ấy đã trải qua, anh chồng từng đi tù vì ngộ sát, luôn thấy mình thực sự may mắn vì một người như vợ lại để mắt đến mình và chọn mình; trong các sở thích của vợ, anh luôn không lý giải được tại sao vợ mình đọc nhiều đến thế, trong nhà của họ có rất nhiều sách, cô ấy luôn luôn đọc và anh chưa thấy ai đọc nhiều như cô... mãi sau này anh hiểu, cuộc sống bình thường như mọi người là điều cô luôn ao ước, cô không có chúng nên cô thiếu thốn chúng khao khát chúng và đọc là cách để cô sống nhiều cuộc đời, mở các cánh cửa khác bước vào các thế giới khác, khác xa thế giới hiện thực mà cô sinh ra lớn lên và trải qua; đọc là một niềm an ủi và dù đọc có đưa cô đến chân trời nào thì nó cũng bình yên với cô hơn hiện thực cô trải qua. Poppy 9 tuổi và mẹ cô bé, Ellie 16/17 tuổi trong Ellie yêu dấu cũng nói: "chỉ có những câu chuyện trong sách mới là điều có thật trên thế giới này, mọi thứ còn lại chỉ là giấc mơ thôi". Đọc là hành động thực, là xếp-đặt-xây-đắp-dựng những thực tại riêng [và cả khả thể] mà qua nó người ta cảm nhận đó mới là hiện thực, thực tại, đời thực; đặt sách xuống, đóng sách lại giống như quay lại giấc mơ, thậm chí một cơn mộng ác


tóm lại thì tôi đang định viết gì đây, thôi hashtag cho kết [à, sáng mai gả quyển này đi, thấy bảo chủ mới là một bạn gái giọng miền Nam]


14.4.24

16 năm

 



khoảng giờ này, ngày này, 16 năm trước [M. tt_nt]

em vẫn đang giữ lời hứa sống tốt: đi nơi muốn đi, làm điều thích làm, không tự giết mình không nghiện không cải đạo... dù nhiều lúc nhìn trời mây mong được kết nối, như mấy ngày vừa rồi cuối mỗi ngày leo núi, hoàn thành một chặng đường, ngồi thong thả hong người khô mồ hôi, ngửa mặt nhìn trời mây ánh hoàng hôn trên mỗi cây rừng như để nói "em vẫn đang giữ lời hứa" mà buồn bật khóc ngay giữa rừng, không muốn tiếp tục giữ lời

10.4.24

nhạc khí




20 bài học điện ảnh là cuộc phỏng vấn của Laurent Tirard với 20 đạo diễn, mỗi đạo diễn sẽ đưa ra trải nghiệm, kinh nghiệm và lời chứng làm nghề của mình [mà ban đầu tham vọng của ông là 70 đạo diễn, 20 đạo diễn trong quyển sách này rất đơn giản chỉ là 20 người đầu tiên ông chộp được, xen được cái lịch gặp đạo diễn vào lịch làm việc dày đặc của họ]. Bản thân Tirard mang mong muốn trở thành nhà làm phim, chứ không phải nhà báo; rồi khi ra trường bôn ba mấy năm, ông lại làm công việc đọc kịch bản phim và đôi lúc viết về phim ảnh mà bố mẹ ông thường an ủi, đại ý: thôi thì không được làm phim, ta phê bình phim vậy; rồi rốt cuộc ông cũng được làm phim sau khi đã thực hiện một loạt phỏng vấn 20 đạo diễn in trên tạp chí, in thành sách... 


bỏ qua các kinh nghiệm về góc máy, cảnh quay, nhạc phim, cảnh đi trước tình tiết câu chuyện, cảm hứng cần được giữ thế nào trước mỗi cảnh quay trước mỗi ngày đến phim trường... tôi đặc biệt thích những kinh nghiệm về diễn viên của các đạo diễn. Phải nói luôn, với tôi, ngôn ngữ văn học bao giờ cũng nhỉnh hơn ngôn ngữ điện ảnh; tôi chỉ xem phim khi cần nhàn, và với tôi, xem phim tốn thời gian hơn đọc. Vậy nhưng, tôi vẫn thích những nội dung trò chuyện liên quan đến diễn viên của 20 đạo diễn được phỏng vấn trong tập sách. Bởi diễn viên là nhạc khí, có giới hạn và hiện thực của riêng họ nên sẽ có việc sửa kịch bản theo diễn viên chứ không phải ngược lại [đạo diễn nhìn vào mắt diễn viên, chỉ đạo diễn viên như huấn luyện viên với các vận động viên để vượt qua lối diễn xuất, diễn không diễn và diễn có diễn mang đến các giá trị rất khác nhau], diễn viên phải được ưu tiên, cái ưu tiên này sẽ cho diễn viên tự do sáng tạo [ngay cả khi họ không hiểu/không lý giải được điều họ làm] hay ít nhất là cảm giác tự do, từ đấy mà có ý tưởng riêng cho vai diễn [thi thoảng tôi xem video phỏng vấn diễn viên nổi tiếng, tôi thấy phần lớn các diễn viên có thành tựu diễn xuất đều có ý tưởng riêng và ý tưởng này cũng được đưa vào thử nghiệm bởi đạo diễn, kết quả ngon nghẻ cả] và tôi nghĩ, bài học chọn diễn viên nghịch vai luôn là bài học cho cả người làm nghề và người xem, sẽ thật chán nếu diễn viên đóng mãi một loại vai quen thuộc, tính sáng tạo người ta thui, không xuất thần nổi nữa và người xem thì cũng cùn mòn con mắt nhìn 


quyển sách này ở trong nhà từ 2010 thì phải, hay khoảng đó, mua trong dịp kỉ niệm bao nhiêu năm ngành in ấn xuất bản tổ chức ở triển lãm Giảng Võ. Hôm nay lên đường gả cao nguyên


9.4.24

không vướng mắc

 



Ông già Goriot [Lão Goriot] nằm trong phần 1: Khảo cứu phong tục, cảnh 1: Những cảnh đời tư trong Hí trường thế giới [Tấn trò đời, Tuồng đời]


phải đọc Ông già Goriot, một tác phẩm quan trọng trong Những cảnh đời tư, không hẳn vì nhân vật lão Goriot với tình yêu thương con đến lầm mà vì, nó vẽ ra cảnh nhà trọ bình dân đối diện với cuộc sống phòng khách hoa lệ phù phiếm giả trá của Paris; vì những nhân vật điển hình như Eugène de Rastignac có thuở bình minh làm quen với Paris ở đây - nhân vật này sau đó đã xuất hiện lại trong rất nhiều tác phẩm khác [và sinh viên y khoa Bianchon mà sau này là bác sĩ, như Những vinh nhục của César Birotteau], điển hình là Miếng da lừa, anh chàng này nhìn chung diễn tiến đúng tiến trình của một chàng thơ ngây thuở đầu choáng ngợp trước hoa lệ và từng bước đi vào đi lên các từng lầu khác, một con người tham vọng, kiên trì, không đến nỗi nào với bạn bè và các quý bà; cũng từ Ông già Goriot còn biết về đời tư của 2 cô con gái [và nhân tình của họ] 2 chàng rể của ông, cũng như người bà con của Rastignac - nữ tử tước de Beauséant; và một nhân vật tôi rất thích: Vautrin [Jacques Collin, và biệt danh, và tên khác nữa] 

...

cảnh tôi thích nhất ở Lão già Goriot là cảnh Vautrin bị bắt. Đây cũng là nhân vật, hiện tại trong những gì đọc của Balzac, tôi thích nhất, một kẻ không vướng mắc ảo tưởng con người, nhưng vướng ảo tưởng mắt quỷ; nhân vật này đại diện cho motif giao kèo với quỷ của Faust, hình như tôi hay thích những nhân vật như thế: tinh quái, hiểu sự đời, có vay có trả, biết mua chuộc nhưng cũng không hề kém tình cảm... thật ra còn thấy dễ chịu với con người này, có gì đó kẻ sĩ anh hùng, nói được làm được 


cảnh thấy trường đời nhất là cảnh vũ hội ở nhà nữ tử tước de Beauséant, tất cả những tình tiết nhỏ liên quan đến đêm vũ hội ấy, những con người đến dự họ đã chuẩn bị gì, đến vì lẽ gì, những gì diễn ra trước trong và ngay sau đêm vũ hội. Hãy nhớ ngay sau vũ hội nữ tử tước de Beauséant rời đi và vì sao rời đi, sẽ là một cái mốc để có ứng chiếu với các nhân vật mong được mời, mong được đến sự kiện này [như 2 cô con gái của ông Goriot, chẳng hạn]


cảnh buồn thảm nhất là cảnh ông già Goriot giãy chết, đây bao hàm cả đám ma của ông lão, một trong những cảnh quan tài huyệt mộ thảm nhất trong những gì tôi đọc [Cuốn sách không tên của Hồ Dzếnh chính thế làm tôi mất ngủ, không chỉ vì câu chuyện buồn, vô vọng bất lực]


trong ảnh tôi đọc quyển bên trái [quyển sách xb năm 1968, chất lượng sách vẫn còn rất tốt, phải cái không biết sao lại nhiều lỗi thế]; quyển bên phải dịch tóm tắt tác phẩm Lão Goriot, còn chủ yếu là các bài viết mang tính trường học bình giảng tác phẩm, có thể tham khảo được, nhưng nên kiểm chứng các bài viết về cái được nói đến đối xứng với toàn bộ vở kịch của Balzac dựng nên. Đọc Balzac tức là gắn liền với một thao tác: đọc lại [và tra cứu]; nên mới có thêm 2 quyển bên trên để giở giở giở tìm các chi tiết cần tìm, cần đánh dấu; chính thế nên chú thích trong các tác phẩm của Balzac rất cần thiết, càng chú thích cặn kẽ càng dễ trở lại, cũng vì lẽ này nên bản Những vinh nhục của César Birotteau, Mặc Đỗ dịch, do NN làm sẽ được dùng nhiều trong hành trình đọc Balzac