Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

28.1.24

đất lạnh

 



giỗ bà nội là 19 tháng Chạp nhưng năm nay làm vào Chủ nhật 18 tháng Chạp; thế nhưng từ 14 mình đã ngủ mơ gặp bà nội, tưởng gặp bà 1 đêm thôi mà đêm sau lại gặp bà tiếp; mà lần nào gặp bà, bà cũng nói chuyện trồng cây; thí dụ lần thì bà bảo trồng cây hoa hồng trắng, lần thì bà bảo sửa cái mái bạt cho đỡ vướng cây; còn 2 lần gần đây bà nói phải uốn cây đăng tiêu và giàn cây leo ra phía ngoài, không cho nó vươn vào phía trong lòng nhà, rồi thì nếu có hạt đậu biếc thì gieo đi, nhất là đêm cách đây 2 hôm bà nhắc mình đi xem chỗ đất bỏ không, chỗ đất bỏ không biết đâu là chỗ màu mỡ đấy "phải để ý những chỗ mình không để ý vì chính nó vô tình lại cho hoa màu" [mà trong giấc mơ công nhận, đất cằn như không ai ngó ngàng mà cây trái lúc lỉu]


hôm nay về quê ra thăm mộ các cụ, đứng ở mảnh đất bỏ không của nhà, quay qua hỏi Thắng: hay ý bà nội con là phải xem xét gieo trồng làm gì đấy ở mảnh đất này bố nhỉ, tự dưng nhìn mảnh đất bỏ không con nhớ ra lời bà nói, chứ không phải mấy chậu đất bỏ không của con [có lần mình mơ ông nội mình bảo xây cho ông cái "toà án" cách đường quốc lộ với làm lễ cắt duyên cho ông với người tên abc; đúng năm đó duyên cớ thế nào xây mộ cho các cụ thật]


nay cũng không hiểu thế nào tự dưng dắt xe đạp loanh quanh làng, đạp chán thì đạp đến cung đường lạ, thế nào vọt lên tận quê bà nội [đồng thời lúc í Thắng cùng anh con trai bác cả cũng đang mang lễ tết lên "quê mẹ"], mà bé giờ chỉ biết quê ngoại của bố trên Thượng chứ không biết Thượng ở đâu. Thế mà hôm nay đạp xe lên tận Thượng, lúc đạp về tưởng lạc, mà chả hiểu sao cứ đạp đạp cũng về tới nhà, dừng ở đúng giữa thôn mua chai lavie đứng uống ngắm mấy cây đa to như người khổng lồ trấn yểm 😊


18.1.24

đọc Dostoievski




Stefan Zweig bình luận Balzac - Dickens - Dostoievski, tôi mới đọc phần Dostoievski, lý do như đã nói: chưa đọc ai đủ nhiều theo như mình nhận định thì tôi không đọc bình luận họ


SZ dành nửa dung lượng sách cho Dostoievski, thế mà tôi tí bỏ ngang khi đi hết chương đầu vì chán quá, sang chương 2 thì nghĩ cố qua tiếp tiểu sử D. xem có gì mới không [vì D. chính là type nhà văn muốn nhìn cá nhân họ thì hãy nhìn sâu vào cái họ viết], phải đến chương 3 SZ bình luận D. mới thấy có thể cố được dù những bình luận này không sắc sảo. Đồi núi tinh thần Dostoievski là của tín đồ Kito giáo đến tận chiều sâu, một Kito giáo mới vì những gì Dostoievski viết là tiên tri về bản tính người, các nhân vật luôn thành hình kinh qua lò luyện chẻ đôi liên tục khi tịnh tiến trong chiều đi của tác phẩm; không như hình mẫu các nhân vật của Balzac được khuôn ngay từ đầu và sự tịnh tiến của các nhân vật là khớp vào khuôn; cũng không như hạng người của Dickens... Cái gỡ gạc được duy nhất trong những ý bình luận D. của SZ là ông dành một chỗ đứng nhỏ nhưng điểm nhấn khi nói về một vài nhân vật nữ [và tình yêu của họ] của D.


dịch giả không phải độc giả của Dostoievski 


[bận chơi với trẻ con, tiếp sau]

10.1.24

đọc Dostoievski





trong một ngày mưa cuối hè 2019 sau khi đọc một vệt rất dài Dostoievski, tôi biết ngay rằng mình không ở phía Tolstoi, dù gần đây có lúc tôi nghĩ tôi sẽ đọc lại một ít Tolstoi nhưng nếu vẫn còn nghĩ quá nhiều đến ý thức mạnh của Dostoievski thì khó lòng sờ lại Tolstoi


cũng trong ngày mưa, hôm nay, tôi lẩm nhẩm với mình rằng, chừng nào tôi còn sống như tôi đang sống thì chừng đó tôi vẫn đang thực hành ý thức Dostoievski mà như thế tức là, tôi đã ở ngả Dostoievski nhìn ngả Nietzsche và như thế, tôi biết mình khó lòng sờ lại và sờ tiếp Nietzsche. Cũng như vậy, năm xưa tại sao khi đọc Myshkin tôi luôn thấy sự đồng dạng với mình, thậm chí cả sự bất lực, cảm nhận của mình về nhân vật ấy: sự bất lực; thì hôm nay mới nhận ra cái mình cảm thấy, mình biết mà không biết rằng mình biết; sự bất lực ấy đến từ bất hạnh và bi kịch: dẫu giải đoán và thức ngộ được nhưng không biết nuốt lấy và kết hợp [chiếm lĩnh và hợp nhất] những giải đoán thức ngộ - thì thật bất lực, bất lực thật, và lại còn không xê dịch để thay đổi sự bất lực [có lẽ biết bất lực mà xê dịch đổi dời được thì không phải bất lực - buông tay chịu trói đứng quan sát toàn diện]


Gide và Berdyaev có nhiều cái nhìn Dostoievski chập nhau, tất nhiên họ đều đi sâu tinh thần Kito giáo, không phải Công giáo hay đa thần ở Dostoievski; Thần nhân không phải nhân thần ở Dostoievski... rất nhiều cái nhìn chập nhau. Nhưng ở Gide thì vấn đề tiên quyết Dostoievski trao trọn là sự hiện hữu của Thượng Đế, còn trong cái nhìn của Berdyaev thì Dostoievski là vấn đề con người và số phận của nó trong sự hiện hữu của Thượng Đế, tức là chủ đề nhân bản - vấn đề Thượng Đế là về nhân bản và vấn đề của con người là vấn đề của Thượng Đế [Simone Weil tại sao âu lo: nghĩ về God là việc của con người và nghĩ về con người là việc của God, sao ta âu lo]. Đến đây thì ý thức của Berdyaev nhập làn quy tụ về sự tồn tại Thần nhân của con người trong ý thức mạnh của Dostoievski trong sáng tạo; còn Gide thì nhập thẳng làn ngay từ ý thức "sự hiện hữu của Thượng Đế". Và như thế Dostoievski không chỉ giọng Nga quá Nga mà "giáo lý" hướng Đông hơn Tây. Trong cái nhìn của Berdyaev, Dostoievski là lửa [ngay từ đầu Berdyaev đã nói nhìn Dostoievski trong con mắt "khí thiêng học" (?)] và khi là lửa thì ngả kia là nước, điều này Berdyaev nhìn Dostoievski trong chủ đề tình yêu - nhân học của Dostoievski thuần tuý nhân học nam giới; người phụ nữ xuất hiện như một sự kiện, khoảnh khắc trong số phận của người đàn ông, trên con đường con người [Nietzsche cũng cho là thế :); một nhà văn vn tôi đọc một vệt dài gây ấn tượng lớn với tôi cũng nói thế, TTT]

...

[mưa làm tôi tỉnh ngủ và mưa lại ru tôi ngủ lại, lúc nào tỉnh tôi nghĩ tiếp viết tiếp 'ở đây']


4.1.24

đọc Dostoievski

 



có mấy bạn inbox nói chuyện bảo đọc mấy sách chuyên khảo/luận, bình luận văn chương bị buồn ngủ, đọc khó vào... 


đấy chính là lý do phải đọc kỹ đọc đủ tác phẩm của đối tượng chuyên khảo/luận, đối tượng của bình luận đấy. Nếu đọc đủ nhiều rồi thì khi nghe người ta bình luận, đọc về đối tượng của mổ xẻ ấy... sẽ tỉnh lắm, như đang thấy lại những gì mình từng nhìn mà không biết là mình nhìn thấy [thậm chí có thể phản biện hay bắt lỗi dịch giả (có khi dịch giả cũng đọc chưa đủ he he)]. Nó cũng là một cách đọc lại và hệ thống cái mình biết


và thật dễ dàng để chém gió ngay cả khi chưa đọc một tác giả nào đấy, cũng chỉ cần thông qua đôi ba quyển "sách phân tích", miễn là phải biết lừa mình hiểu ngay cả khi không hiểu gì, giống như chép soạn văn ngày xưa í, lọc ra ý chính mà chém :)))

3.1.24

đọc Dostoievski




tôi không đọc ai đó bình luận tác giả tác phẩm khi tôi chưa đọc đủ nhiều đủ kỹ tác giả tác phẩm đó


khi khoảng 20 tuổi tôi bập ngay vào Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamazov và tôi chạy một mạch khỏi văn học Nga. Vì Dostoievski quá Nga. Tôi nghĩ đời này có chết tôi cũng không sờ tiếp Dostoievski


khi 33 tuổi, chính xác là 32 tuổi 7 tháng, sao con số này nó ứng dã man đến thế, trong một trận ngứa ghẻ [từ mèo] đúng nghĩa sốt liên miên cả tuần vì viêm da, như xuống địa ngục, nhìn da dẻ mình tôi hiểu sao điển tích Phật có chi tiết nhìn người đau ốm ghẻ mà ta phát tâm tu; tôi rục rịch đọc Dostoievski, với kỷ luật đề ra dù có thế nào và bao lâu, tôi sẽ đọc bằng hết những gì Dostoievski từng được dịch sang tiếng Việt; sự vụ tập luyện tinh thần ròng rã này gần 3 tháng và phải nửa năm sau mới hoàn hồn [sau gần 3 tháng ấy, tôi rơi vào trạng thái hụt hẫng không nghĩ là mình còn có thể đọc gì khác mà thấy hay, cảm thấy như cơ thể bị đuội]; cho đến giờ, rất nhiều khi đi trên đường, ngồi trên xe, nhắm mắt ngủ, nhắm mắt hít thở... trong mọi hoạt động, kể cả ban ngày, tôi vẫn nghĩ đến các chi tiết, các ý nghĩ phát sinh từ việc đọc Dostoievski


thế mà phải đến mãi tuần trước, tôi mới quyết định đọc người ta bình luận Dostoievski, mở màn bằng Gide bình luận Dostoievski; vốn không thích Gide, vậy mà tôi phải mỉm cười suốt các trang đọc bởi Gide bình Dostoievski không hề tệ, rất đáng đọc. Tôi vẫn bảo toàn việc, phải đọc đủ nhiều đủ kỹ thì mới đọc bình luận 

đọc Dostoievski




dù không thích Gide nhưng Gide là độc giả của Dostoievski [đọc Chàng ngốc tới 4 lần, chưa kể đọc lại toàn bộ D không chỉ một lần] và bình luận D không hề dở; thậm chí, chính vì G bình luận không dở mà suốt tuần qua mình vẫn cứ phân vân có nên vì thế mà đọc và đọc lại G không; dối lòng thì đọc G, không dối lòng thì muốn đọc lại D, phải cái giờ gom sách thì thấy ngại thôi [tới lúc này vẫn bảo toàn là thích Người chồng muôn thuở và Con bạc, dài hơi hơn thì thích Chàng ngốc (cảnh mở đầu và kết thúc, đặc biệt là kết thúc, khủng long bạo chúa)