Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

31.3.21

nghỉ một chốc



khi mệt cá mệt cá

tôi nghị ngơi một chốc 

Eldorado

 



ông trăng có mọc không ở những vùng trời khác

 

trong ảnh là một quyển sách tuyệt vời, sách mỏng, có minh hoạ, của thiếu nhi. Câu chuyện về một gia đình người Syria - tiêu biểu cho số phận của người dân Syria, trong cái nhìn của một cô bé, gia đình cô buộc phải rời khỏi ngôi làng từng rất yên bình để tránh khỏi bom đạn của cuộc nội chiến. Họ đành lòng hoà vào dòng sông tha hương, bỏ lại tất cả, ra đi hòng tìm một nơi an toàn hơn ở châu Âu

"được tự do, được sống, được cười, và yêu thương lần nữa. 

Đi tìm một chốn mà bom không rơi,

Nơi người ta không chết trên đường đi chợ.

Một dòng sông của những người tìm kiếm hoà bình."


tác giả Margrite Ruurs mượn cái nhìn của một cô bé viết những câu ngắn tự sự thơ; trong cái nhìn thơ trẻ, cô bé cùng gia đình hoà vào dòng chảy tị nạn, tha hương. Sách được minh hoạ bằng hình chụp các tác phẩm được tạo nên từ sỏi, đá. Quyển sách còn là câu chuyện về người nghệ sĩ, lựa chọn đi không đi, Nizae Ali Badr. Ông chưa bao giờ rời khỏi thành phố quê hương hay Tổ quốc mình, nhưng vẫn luôn dõi theo dòng người tị nạn Syria, những người buộc phải rời bỏ quê hương nơi bạo lực đang tiếp diễn


vô tình cách đây ít lâu tôi xem phim tài liệu More than honey [tôi đang bị ong ám :)], từ đó tôi xem một phim tài liệu khác cũng của Markus Imhoof, Eldorado, đề tài tị nạn. Như Markus Imhoof có nói, ông kể câu chuyện cá nhân khi nhìn làn sóng người tị nạn từ châu Phi sang châu Âu, điều gì xảy ra khi họ đến biên giới "Eldorado", những suy tư, câu hỏi về con người, trách nhiệm xã hội etc. đưa ông trở lại thời thơ ấu khi lớn lên với một người chị - người Ý tị nạn, Giovanna mà bố mẹ ông nhận nuôi trong suốt Thế chiến II "you are the reason Giovanna, that im making this journey to see what i dont really want to see"


chiều nay khi đọc Ngàn dặm sỏi đá đến hình ảnh họ lên thuyền ra khơi - thuyền nhân; tôi ngồi im mất một lúc nhớ lại lời M. kể, khi anh còn là cậu bé cùng người vú nuôi lên thuyền lênh đênh trên biển rời VN, ký ức tôi hoá mù trong những câu chuyện thuyền nhân tôi được nghe kể, đọc, xem; cũng đồng thời tôi trải qua lại cảm giác vào đầu phim Eldorado, tiếng trực thăng lực lượng cứu trợ bay trên cao nhìn xuống những chấm nhỏ là người tị nạn, camera rung lắc tràn vào tiếng biển khơi là hình ảnh người đàn ông nói lời khẩn cầu với âm run rẩy trong nước giá lạnh please please i cant swim-min please please i cant swim-min please please và trong tay anh ấy là một đứa trẻ 


vì thế, tôi lấy tên Eldorado thay vì tên sách dù tôi rất thích Ngàn dặm sỏi đá cùng tác phẩm minh hoạ [tôi follow fb và page của người minh hoạ, không hiểu tí ti nào những dòng xoắn xoắn ông type nhìn như tua cuốn cây rừng, nhưng thật ra có cần không khi người ta hoàn toàn có thể thay thế bằng cảm năng]


Em yêu sách Kim Đồng


21.3.21

Thomas Mann thương cảng




viết xong tên Thomas Mann thì chưa biết viết gì tiếp, việc này trì hoãn cũng mấy tháng rồi, nhưng nếu không đặt tay viết thì sẽ mãi không biết bắt đầu câu chuyện thế nào, không phải vậy sao. Hơn nữa, nếu chưa làm cho xong một vệt thì khó lòng tiếp tục được cái gì sau nữa


thôi thì cứ túc tắc cách ngu ngơ nhất, đi theo tiến trình thời gian 


1, novella: Nàng Luidơ bé bỏng và Ngài Friedemann bé bỏng

[Little Lizzy/ Luischen (1897) và Little Herr Friedemann (1898)]


là các novella [tôi đọc trong Tuyển tập truyện ngắn tác giả Nobel bộ 2 tập in năm 1998, tập 1 có Nàng Luidơ bé bỏng, tập 2 có Ngài Friedemann bé nhỏ], tôi rất thích hai novella này, mà thật ra, tôi thích những gì bình minh nhất của các nhà văn, nó cho ta không khí rất rõ về nhà văn ấy, ấn tượng đầu tiên chẳng hạn. Tôi luôn nghĩ Thomas Mann viết ngắn hay hơn viết dài, ông tham nhồi nhét, khi đọc Núi thần cảm giác này rất rõ, tôi thậm chí đã nói rằng Thomas Mann lặp lại trăm ngàn lần câu chữ của những người ông chịu ảnh hưởng, nhiều người cho rằng ai đó luôn chịu ảnh hưởng của ai đó và ‘câu’ của ai đó câu từ nào đó là chuyện bình thường, nhưng cái chính là phải hợp lý, tỉ lệ và liều lượng sao cho đừng gượng ép 


tôi rất thích kết của hai novella này, đây chính là Thomas Mann tôi thích


2, Gia đình Buddenbrook (1900 – 1901)

[NXB Trẻ 2016]


tôi đã chọn Gia đình Buddenbrook làm phát mở màn Thomas Mann với tên Mộng cảnh. Chọn Buddenbrooks chính bởi, với tôi, đây là một tiểu thuyết nhiều nhạc tính, âm nhạc trong nó phối dày, nhất là nửa sau [Thomas Mann viết về âm nhạc trong Buddenbrooks như ông biết chơi nhạc cụ, dẫu sự thật là không] tạo nhịp độ cho sự xung đột giữa các đối cực, sự dịch chuyển qua lại trầm bổng giữa triết lý thẩm mỹ và tư sản thực dụng… lặp lại trong các trang viết sau này của Thomas Mann. Điều này giúp tôi hiểu vì sao dịch giả Huỳnh Phan Anh để tên novella Tonio Kroger là Tình yêu và lý tưởng; dường như Thomas Mann luôn muốn viết những câu chuyện trung hòa “nghệ thuật có sứ mạng thống nhất” [‘trung’ ở chiết trung, trung dung, trung lưu]; tôi chọn Buddenbrooks vì thấy tất tật những gì kể từ đây về sau đều là bóng hình của Buddenbrooks. Sự suy sụp của đại gia đình tư sản [bốn đời] trong bối cảnh cạnh tranh của đế quốc chủ nghĩa - câu chuyện này sẽ còn gặp lại trong các tác phẩm sau này, và nó cũng chứa nhiều chi tiết từ chính gia đình Thomas Mann... nó là quá trình chuyển dịch giữa hai điểm nhìn. Một tác phẩm phản ánh lối sống thị dân với những lớn lên, trưởng thành, hôn nhân, bệnh, cái chết, lớn mạnh, suy thoái, sụp đổ, phù du… rất con người, rất dân tộc, nói như Thomas Mann “phong cách sống Lubeck thương cảng”


3, Lưỡi gươm của Thượng Đế - Gladius Dei (1902)

[Novella này tôi đọc trong Tuyển truyện quốc tế của Giao Điểm 1967, trong ảnh tập truyện xếp ngay gần Gia đình Buddenbrook]


lấy bối cảnh Munich những năm đầu 1900 nơi lúc này được xem như thành phố của nghệ thuật, với mở màn so sánh Florence và Munich [vầng Ý, Tonio Kroger nói chán ngấy Ý :p], câu chuyện gói trong cái nhìn về nghệ thuật và tôn giáo của chàng thanh niên Hieronymus khổ hạnh sùng đạo khi nhìn thấy bức tranh Madonna theo chàng là đặc biệt báng bổ và cũng chính vẻ đẹp của người đàn bà trong hình hài Đức Mẹ trong tranh khiến chàng choáng váng, không một bài kinh nào đủ sức trừ khử được nó ‘’cặp mắt lớn chất chứa dục tình được tô quầng và đôi môi thanh thoát giữ nụ cười hàm tiếu với vẻ kỳ dị. Những ngón tay thon của nàng giữ hông của Chúa Hài-đồng một cách hơi nóng nẩy, đó là một đứa trẻ trần truồng, đáng chú ý bởi thân hình gầy ốm nguyên thủy. Nó đang nghịch đôi vú và nhìn những người thưởng lãm với tia nhìn ranh mãnh” Vẫn tiếp tục chủ đề sự xung đột, ở đây nó còn là câu chuyện nghệ thuật và đời sống, tôn giáo đạo đức và sự trần tục… Câu chuyện kết thúc với hình ảnh Hieronymus nhìn lưỡi gươm Thượng Đế phá hủy các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày nơi nơi ở Munich tại thời điểm ấy “một thanh gươm cháy đỏ rực đâm thẳng lên trời, tỏa ánh sáng của chất lưu huỳnh trên đô thị tưng bừng” Nếu Ảo ảnh gây hụt hẫng cho tôi bởi cái kết chóng vội thì Lưỡi gươm của Thượng Đế ở chính việc Thomas Mann cố gò nhân vật của mình, một Thomas Mann quyết liệt non trẻ và cứng nhắc đến phi lý, rất khác những gì Thomas Mann thu hút ở Buddenbrooks. 


khi hệ thống lại quá trình đọc Thomas Mann, theo các dấu vết, tôi lần đến Lessing [Gotthold Ephraim], thật ra đến lúc này tôi cũng không chắc về những ghi chú nguệch ngoạc của mình; và trong tiểu sử của Thomas Mann có nhắc đến 1929 viết Lessing. Nếu đúng thì có thể Thomas Mann bị ảnh hưởng bởi chính Laocoon của Lessing, mãi gần đây vô tình tôi bị tên Lessing đập vào mắt, tức là tôi cảm thấy có gì đó ở đây, chứ để xác minh cảm nhận của mình thì giờ tôi buộc phải dừng lại, để tạm đây đã, viết đây để có lúc quay lại còn lục; chứ mỗi lần húc đầu tìm gì ra toàn kết quả tìm kiếm bằng tiếng Đức, nhìn nhìn luận luận, cũng đủ giật tóc trên đầu đấy, nhưng ít ra là đỡ hơn tiếng Pháp hay gì đó tượng hình


có một chuyện vui ngoài lề, về Tuyển truyện quốc tế của Giao Điểm xuất bản năm MCMLXVII – 1967 [khoe tí, tôi ít gặp người nào viết số La Mã dưới 4000 nhanh như tôi ha ha ha], trong tập này không biết vì lý do gì, truyện ngắn solitare và solidaire, tức Jonas or the artist at work – Jonas hay là người nghệ sĩ lúc sáng tác, của Albert Camus bị mất độ 3-4 chục trang và ai đó đã xén ở đâu đó 3-4 chục trang không liên quan [gì mà tên Ngày nào còn đàn bà với chả Cho đến khi tôi chết hay vợ tôi chết :))], màu giấy gần gần giống để đóng vào thay cho chỗ trang bị mất, thế là tôi dù không có ý định lướt Camus, thấy bị pha như này, tặc lưỡi đi tìm văn bản khác đọc vậy, thôi bằng tiếng Anh chứ biết tiếng gì giờ, ngó cái đoạn thiếu ấy xem sao cái thân bài, chứ kết thì ai cũng biết mà, quá nổi tiếng rồi, chẳng phải sao, hơn bản thân câu chuyện người nghệ sĩ sáng tác [thiếu gì người nói về quyển sách ngay cả khi chưa đọc nó :)))]


nhưng chưa dừng ở đấy, tôi đi tiếp Tuyển truyện quốc tế từ Albert Camus đến Hemingway thì mở màn A clean, well-lighted place – Một nơi sạch sẽ và rất sáng đèn, tự nhiên đô thị Munich rồi nhằng cái lại trong quán rượu một ông lão vừa mới tự tự bất thành, tôi nghĩ, có gì đó sai sai, tôi gạt qua việc đó để đọc tiếp câu chuyện Hemingway kể, dù sao thì chuyện này xảy ra với thiếu gì người; rồi tôi đến Lưỡi gươm của Thượng Đế của Thomas Mann thì ha ha ha mặt giấy trước mở màn hai anh bồi nói chuyện ông lão mới tự tử bất thành thì mặt giấy sau mô tả sự hào nhoáng của Munich; cùng một tờ giấy, vậy thì lỗi này không phải ai đó cố ý, mà của nhà sản xuất :))); đến khi gần như gấp lại tuyển truyện thì tôi đọc được những dòng “lưu ý độc giả” và nhà xuất bản cáo lỗi vì sự nhầm lẫn sai sót này. Một số phận quyển sách không lấy gì làm đỏ cho lắm, hơi nhiều oan sai :))). Không sao không sao 🙂


hôm vừa rồi đọc Nàng tóc đỏ của Orhan Pamuk, không khí câu chuyện cổ xưa Ba Tư mà Pamuk sử dụng bỗng nhiên làm tôi nhớ đến câu chuyện Khúc mình của Ivo Andritch trong tuyển truyện, một cái gì đấy. Trong tuyển truyện này, tôi rất thích câu chuyện Bắt cóc của Luigi Pirandello [gần như là những gì đầu tiên tôi đọc của ông] và không ngờ nổi, tôi vẫn khó chịu với Boris Pasternak như xưa nay khó chịu với văn học Nga, thế mới thấy tôi động vào Dostoievski cả một vệt dài năm kia là một cú bẻ lái kinh thế nào nhờ 😛


4 - 5, Tình yêu và lý tưởng – Tonio Kroger (1903) và Chết ở Venice (1911)

[Tình yêu và lý tưởng – Ngày Mới 1974 và Chết ở Venice – NXB Trẻ 2012]


gộp 4 và 5 vì đây chính là lời bộc bạch của Thomas Mann, Tonio Kroger được xem như [bán] tự truyện của Thomas Mann còn Aschenbach có rất nhiều nét trùng tiểu sử tác giả. Dùng nhân vật Tonio Kroger, Thomas Mann mổ xẻ cuộc đời nghệ sĩ của mình “chàng trưởng giả dấn thân vào con đường nghệ thuật, chàng trưởng giả lạc đường”, “một lãng tử giang hồ luôn hoài vọng mái ấm gia đình, một nghệ sĩ không ngừng bị lương tâm cắn rứt”; Tonio Kroger - nhân vật pha trộn giữa người cha dòng họ Kroger lãnh sự quyền quý [dòng họ Kroger xuất hiện trong Buddenbrooks] và người mẹ tâm hồn nghệ sĩ [hình tượng người mẹ nghệ sĩ Thomas Mann dùng xây dựng nhiều nhân vật nữ], chàng phân ly giữa đời sống và nghệ thuật, giữa miền Nam và Bắc… 


trái với Tonio Kroger chán ngán Ý, thậm chí khinh miệt "xa rồi thời mà tôi tưởng tượng rằng đó là quê hương của mình với nghệ thuật, nền trời xanh lơ như nhung, rượu ngọt dồi dào và dục tình êm ái […] con người sắc sảo, cái nhìn âm u” thì nhân vật nhà văn Gustav von Aschenbach trong Chết ở Venice lại đến Venice, Ý “Đó là Venice, thành phố với vẻ đẹp phỉnh phờ khả nghi, nửa thần thoại, nửa cạm bẫy, mà trong bầu không khí ngột ngạt của nó đã có một thời nghệ thuật đua nhau nở rộ thừa mứa trên mọi lĩnh vực, gợi cảm hứng cho người nhạc sĩ tạo ra những âm thanh huyền ảo ru ngủ và khêu gợi hồn người" Aschenbach tiếp tục cuộc độc thoại xung đột giữa tư tưởng thị dân tư sản và nhân sinh quan nghệ thuật của mình, và tại đây sự phân ly còn nhìn từ thái cực tuổi trẻ sự sống mơn mởn và già nua cái chết, đạo đức và dục vọng, nếu buông thả theo cảm xúc, lơ là trách nhiệm và nghĩa vụ thì kết cục ra sao… Tôi nhớ có một cảnh tôi rất để ý, vì thích: khi nhân vật nhà văn và cậu bé Tadzio đứng cùng nhau trong thang máy, ông nhìn ngắm cậu bé ở khoảng cách gần, cậu bé trong chiếc áo thủy thủ, nước da trắng xanh, hàm răng khấp khểnh và ông nghĩ em bé mỏng manh yếu ớt quá, có khả năng em sẽ không thọ được lâu “Ý nghĩ này mang đến cho ông một cảm giác yên dạ và thỏa mãn mà ông không muốn đi sâu tìm hiểu nguyên do”… dục vọng khốc hại, cái đẹp mơn mởn sự sống và cái chết... Sức quyến rũ của cái chết, hay bị vẻ đẹp của cái chết mê hoặc, ta sẽ còn gặp lại trong Núi thần  


phải nói luôn từ đây rằng, trước giờ tôi vẫn luôn thích Chết ở Venice. Ở lần đọc này, một vệt dài hơn, hơn cả tôi nghĩ, tôi vẫn thích Chết ở Venice, nhưng có một số chuyển dịch nhỏ. Tôi thích Thomas Mann co kéo giằng qua lại nhưng phải thêm nữa ma quái suy đồi, người ta phải chết đi theo cách nào đấy, thì mới thật sự là con người sáng tạo nên… thứ hạng có xê dịch 🙂


Chết ở Venice ban đầu định viết về một vĩ nhân, còn ai vào đây, là Goethe của Thomas chứ ai, Thomas định để Goethe sa ngã vào mối tình muộn màng với cô gái trẻ. Giờ hãy nhìn họ làm gì nhau, Goethe viết Faust cho Faust sa ngã vào mối tình với Gretchen; còn Thomas chịu ảnh hưởng của Goethe thì định viết Goethe sa ngã với cô gái trẻ trong mối tình muộn màng, Thomas không định nữa mà viết Doctor Faustus ; còn Klaus con trai Thomas thì viết Mephisto hơ hơ hơ


Tonio Kroger cùng với Chết ở Venice như tiếp tục câu chuyện của Hanno, Kai… ở cuối Buddenbrooks, chính vì vậy hình ảnh thằng bé mặc áo thủy thủ hay bộ đồ lính thủy Anh thêm cái yếm lính thủy etc. xuất hiện ở đây ở kia ở đó thì nó là chuyện tự nhiên phải thế, cũng tự nhiên thôi. Tôi không nói gì về xu hướng đồng tính của Mann [vì như đã biết, con trai Klaus của Thomas cũng có xu hướng đồng tính, những gì Klaus viết, khía cạnh tình yêu đồng giới xuất hiện nhiều, có thể nói, có rất nhiều việc không thể không nghĩ nó mang tính gia đình (em gái Erika của Klaus cũng vậy)], vì các câu chuyện luôn có cách kể câu chuyện và ngõ ngách nội tâm của chính người viết ra nó


có một chi tiết ở Tonio Kroger, khi Tonio quay trở lại quê nhà “chạm vào điểm khởi hành của mình sau mười ba năm” nơi cha chàng từng là viên lãnh sự Kroger thuộc dòng họ Kroger, ở tại một khách sạn, trả phòng chuẩn bị ra bến xuống tàu đi Copenhague thì chủ khách sạn cùng một viên cảnh sát với khuôn mặt nhà binh giữ chàng lại, căn vặn chàng từ Đức đến? đi Copenhague? Tonio Kroger nói muốn đi tắm biển ở Đan Mạch [vầng, lại là nước, tính chất của con người thương cảng, trên biển thì đâu chỉ tự do ngang tàng tung hoành, người nghệ sĩ với phẩm chất thương cảng là khát vọng phiêu lưu tinh thần, trí tuệ], rồi anh tên gì, nghề nghiệp… hóa ra viên cảnh sát đang tìm một mối liên hệ nào đấy mơ hồ, nghi ngờ Tonio Kroger với một người “một cái tên lạ lùng và lãng mạn, giống như tập họp liều lĩnh của những âm thanh [..] người có cha mẹ không ghi nhận rõ ràng và thuộc nguồn gốc mơ hồ bị cảnh sát Munich theo dõi vì nhiều vụ lường gạt và các vụ phạm pháp khác” và viên cảnh sát nói thêm “và hắn có thể đã trốn sang Đan Mạch” etc. Đó chính là chuyến tạm lưu của Tonio Kroger tại thành phố chôn nhau cắt rốn của chàng; chi tiết này chính là cầu nối dài tới tác phẩm dịch chuyển cuối cùng, chưa kịp hoàn thành, phải nói là mới xong được một phần nhỏ [thật đáng tiếc] của Thomas Mann: Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull


6, Núi thần (1924) 

[ NXB Trẻ 2 tập 2013]

[bước chuyển sau Thế chiến I (hãy nhớ mốc 1930 vì còn quay lại Thomas Mann, sẽ sờ tới)]


tôi hiểu vì sao lần đọc 6-7 năm trước, tôi dừng giữa quyển 2 Núi thần và ì ra không mua quyển 2 sau khi để quên sách ở cánh đồng và mất. Thomas Mann nhồi nhét nhiều tư tưởng câu chữ, quá liều so với cơ thể của tôi. Tôi không chịu được không dung nạp không đáp ứng thuốc, nên phới. Có một việc mà lần nào mở sách tôi cũng buồn cười, đến sau này tôi luôn tránh để không mở phải chỗ buồn cười ấy, trang 5-6 quyển 1, chỗ ấy là Lời giới thiệu sách, nói như ngôn ngữ hổ lốn hiện nay thì pha xử lý đi vào lòng đất, đọc mà không biết phải khóc hay nên cười. Ai đâu ở yên đấy, người nào vật nào chỗ nấy, Andersen nói rồi 


thời điểm quay lại đọc Thomas Mann, chính bởi tôi đã đi một ít Goethe, ở lần đọc này, khi động tới Núi thần, tôi biết mình phải trace back Goethe với Wilhelm, việc đáng ra lúc đọc Goethe tôi phải tiến hành rồi, nhưng nhìn Wilhelm tôi xuội cả người nên tôi nhắm mắt lờ đi mà dông cho nhanh. Trong bài nói chuyện Lubeck, một phong cách sống tinh thần (1926) Thomas Mann đọc nhân dịp sinh nhật 700 năm thành phố Lubeck quê hương ông, ông nhắc lại chính tinh thần Goethe mà ông chịu ảnh hưởng không nhỏ, và trong Núi thần ông đã thể hiện sự ảnh hưởng này ở những đoạn Hans Castorp giữa thiên nhiên: “Không có gì tiêu biểu cho nhân sinh quan của chúng ta hơn là mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên, nói đúng hơn, vì bản thân con người cũng là một phần của thiên nhiên, là mối quan hệ của chúng ta với phần thiên nhiên không kể loài người” Thiên nhiên là tinh thần, tinh thần không là gì khác ngoài thiên nhiên.


Hans Castorp của Núi thần xuất thân ở biển, nhưng trải qua câu chuyện ở trên núi, một nhân vật khi lên núi, vô tình sa vào đời sống bệnh tật đo giường, như một cậu "học sinh cá biệt của trường đời” và sung sướng lĩnh hội thử thách này bằng cả tâm hồn mình; một kiểu chiết trung rất khác với thị dân trong Buddenbrooks. Biển cả và núi non là nơi ta trải nghiệm tính vĩnh hằng, hư vô và cái chết, là những gì nguyên thủy và phóng khoáng nhất, là sự kỳ diệu không thuộc về loài người; đó còn là nỗi kinh sợ, kính phục, xa lạ thần bí, dữ dội ngoài sức chịu đựng của con người. Với khung cảnh cuộc sống đo giường ở viện điều dưỡng của các nhân vật, Thomas Mann còn tiếp tục chủ đề sức dụ hoặc của cái chết ở Chết ở Venice. Cái chết luôn ở đó chờ đợi ta, đón ta đi bất cứ lúc nào miễn ta xong việc, vì vậy cái chết là sự cám dỗ và phần thưởng mà ta phải xứng đáng với nhiệm vụ thì mới có được. Nhưng ở Núi thần, còn là sự mỉa mai, nụ cười nhạt, cái nhún vai nhạo báng của con người trước những gì hữu hình-siêu hình; mọi thứ giáng xuống có thể nghiền nát thể xác bé nhỏ của con người nhưng con người tư tưởng ngoan cường vẫn dùng sức mạnh tinh thần nhỏ nhoi để chống chọi. Đây chính là một mặt khác, đối cực của Aschenbach ở Chết ở Venice


2 cảnh/ chi tiết tôi rất thích ở Núi thần


- Cảnh Hans Castorp và người anh họ, Joachim đứng cùng một cô gái bệnh nặng, tiên lượng xấu. Ba người trẻ đi dạo trong nghĩa trang vùng núi, và khi vô tình họ dừng chân ở ô đất trống giữa 2 ngôi mộ, cô gái bước vào ô đất trống và quay lại nhìn 2 chàng trai, ánh mắt của 3 người họ nhìn nhau như một cái nhún vai, cử chỉ ăn ý và một lời chào với việc chết; hồn nhiên và bi thương. Thật đẹp

“Đâu đó giữa những ngôi mộ chen chúc nhau trong lòng cái truông vắng trên sườn núi, khoảng giữa bãi, có một rẻo đất trống bằng phẳng vừa đủ cho một người nằm, kẹp giữa hai ngôi mộ có vòng hoa giả quàng trên bia đá, và ba người khách không ai bảo ai bất giác dừng cả lại. Họ đứng đó, cô gái hơi vượt lên trước hai người đồng hành, chăm chú đọc những dòng số non trẻ trên các tấm bia – Hans Castorp dáng điệu thanh thản, hai tay chắp trước bụng, miệng hé mở, mắt thẫn thờ; chàng trẻ tuổi Joachim trong tư thế nghiêm, thậm chí hơi ưỡn ngực về phía trước – chẳng ai bảo ai hai người cùng tò mò đưa mắt liếc trộm xem vẻ mặt của Karen Karstedt. Cô bé nhận ra ánh mắt họ và đứng lặng thinh, thẹn thùng khiêm tốn, mái đầu cúi thấp nghiêng nghiêng, môi chúm chím trong một nụ cười ngập ngừng, mắt chớp chớp liên hồi”

Đây cũng là đoạn kết một chương, ở lần đọc này, tôi dừng ở đây vào một đêm mùa đông rất lạnh, bất giác tôi nhìn trần nhà rồi với tay qua đầu tắt đèn ngủ, nhủ thầm, ngủ đi thôi, ngủ nào tú, đo giường


- Cảnh chấn động, chính là vụ đấu súng giữa 2 ông già – những người thày của “cậu học sinh cá biệt của trường đời” Hans Castorp. Đời đọc tiểu thuyết của tôi đến giờ, nhắc đến đấu súng, tôi đọc ít thôi, nhưng phát nào chấn động phát đó, và nghĩ nhanh rằng 2 vụ này sẽ vào top các màn quyết đấu tay đôi trong tiểu thuyết, của mình. 1 là ở The point of honor: a military tale của Joseph Conrad (bản dịch tiếng Việt: Mối thù bí ẩn, nhưng đừng đọc bản dịch tiếng Việt huhu), một novella tuyệt vời tuyệt vời [trước khi đọc novella của Joseph Conrad, tôi cũng rất thích việc đàn ông quyết đấu tay đôi vì danh dự, đấu súng - kiếm etc. ngoài đời, dẫu là nữ, tôi cũng thuộc dạng thế, khúc mắc tôi hỏi thẳng, không chịu nổi hay xúc phạm nhau thì chỉ muốn nói “tao mày ra kia chiến”; nói vậy chứ thật ra hỏi thẳng vào trọng tâm thì thường xuyên chứ chưa xúc phạm ai hay ai xúc phạm mình, đời nói chung dịu dàng với tôi ở mức độ tôi thấy thu xếp được]


và 2 là màn đấu súng ở Núi thần. Bàng hoàng ngoài sức tưởng tượng. Hai ông già, 1 người chĩa súng bắn lên trời và nói tôi thích bắn đâu là quyền của tôi và kiên quyết không bắn phát khác, bắn xong thì đứng nghiêng người, chĩa mặt lên trời chờ phát súng của đối phương; còn đối phương thì thét lên giận dữ và thú nhận rằng muốn bắn vào người khác cần nhiều can đảm hơn là để người ta bắn vào mình, rồi ông ta nâng khẩu súng trong tay kê lên đầu và bòm; một cảnh tượng thê lương bàng hoàng sửng sốt khiến người đọc nhìn chữ mà đờ người không cả chớp mắt, trong khi núi đồi thản nhiên tung hứng với tiếng súng tội lỗi thì người đàn ông lảo đảo loạng choạng ngã úp mặt xuống tuyết, một lỗ đen ngòm bên cạnh thái dương 


- ngoài lề, sau đó tôi nói chuyện với anh bạn về quyết đấu tay đôi, tất nhiên ở khắp châu Âu việc đấu tay đôi vì danh dự hay vì bất cứ gì không phải hiếm, nhưng hình như người Ba Lan dùng cách này để giải quyết sự vụ nhiều hơn, ở đâu nhiều tước vị được như Ba Lan chứ; anh bạn có nhắc đến một truyện Puskin, tất nhiên chúng tôi không nói chuyện Puskin chết trong một cuộc đấu súng, mà anh nhắc cho tôi truyện ngắn của Puskin, tôi cứ để đấy đã, tính đọc sau vì nhắc đến Nga tôi luôn ngại đọc. Ngờ đâu ngay sau đó, đêm hôm tôi đi loanh quanh đọc linh tinh, thì tôi vớ phải một tản văn của Haruki Murakami hình như Quyết đấu với quả anh đào [cherry], HM nhắc đến truyện ngắn đấu súng của Puskin, thế là thế là, tôi đọc The shot [Phát súng] của Puskin. Vậy là đời đọc của tôi có luôn 1 2 3 vụ quyết đấu tay đôi vào top 😛


Núi thần cho tôi một loạt gạch đầu dòng Thomas Mann viết về mối liên hệ giữa cái chết, bệnh tật và tình yêu, cảm xúc [Thomas Mann đi thăm vợ ở viện điều dưỡng về thì bắt tay viết Núi thần]. Nó chính là niềm cảm hứng để lần đầu tiên sau rất nhiều năm tều tều bên ngoài, tôi bắt đầu thực sự thất tình chí trong đông y - một cánh cửa thông xuyên [tí đọc ở cuối đi]


7, Ảo ảnh (1952-1953) – La Mirage

[NXB Văn học 1998] 


Ảo ảnh, novella đi sâu vào tâm lý nhân vật là người nữ, cũng vẫn là một gia đình với người cha mất sớm, người mẹ sa vào mối tình muộn màng với chàng trai Mỹ trẻ tuổi… cuộc co kéo tâm lý, đạo đức và dục vọng, lý trí và tình cảm etc. tôi không có mấy ấn tượng với Ảo ảnh, hihihi chắc vì tính nữ và sự nghiêm túc của bầu không khí truyện, dù phân tích tâm lý nhân vật nữ rất hay, những cuộc trò chuyện của mẹ và con gái trên cơ sở mối tình muộn màng của người mẹ; tôi đi tìm văn bản tiếng Anh để biết novella này có bị dịch rút gọn hay không [bản dịch tiếng Việt, Ảo ảnh của Huỳnh Phan Anh, tôi để ý trong nhà tôi nhìn sơ sơ cũng mấy quyển Huỳnh Phan Anh dịch rút gọn nên tôi hồ nghi thôi] vì cảm giác có nhiều chỗ không hợp lý diễn biến câu chuyện và tâm lý nhân vật nhảy cóc; nhưng khi kết quả tìm kiếm cho tôi Die Betrogene tức là tiếng Đức, La Mirage tiếng Pháp, thôi ngược


8, Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull (1954)

[NXB Trẻ 2018]

Felix Krull chưa kịp hoàn thành thì Thomas Mann mất, với những gì văn bản mở màn và dừng lại thì thấy rằng Thomas Mann tham vọng Felix Krull rộng, triển khai tiếp những gì nối thẳng Buddenbrooks, Tonio Kroger, Chết ở Venice; ở đây ta bắt gặp một Mann ma quái, màu mè linh hoạt hơn nhiều, không chút gượng ép… Thomas Mann đã giữ mình khỏi kết cục của Aschenbach trong Chết ở Venice nhưng vẫn luôn day dứt vì bằng cách nào đó, dẫu sáng hay mù mờ, người ta luôn biết mình đã phải đánh đổi những gì; song có thể về cuối đời, người ta giải quyết mối xung đột giữa các luồng, sự phân ly, không phải bằng lựa chọn, mà bằng sự chấp nhận chăng


sự dịch chuyển của Thomas Mann với tham vọng tìm được một vị trí làm sao trung gian/ chiết trung giữa triết lý thẩm mỹ và tư sản thực dụng, đạo đức và dục vọng… khiến các nhân vật luôn phải di chuyển ; sự dịch chuyển ở Felix Krull được Thomas Mann thiết lập bằng cách ông cho nhân vật của mình đi; cũng như phần lớn các nhân vật của ông trước đây phải tha hương, phải dịch chuyển, phải chạy đuổi theo những nấc thang thực dụng và đam mê nghệ thuật… thì Felix Krull là pha đi mang tính bùng vỡ nhất  – sự dịch chuyển đi kèm tài năng, có cái này thì phải có cái kia và có cái kia tất sẽ dẫn đến cái này, dẫu Felix Krull không đi được nhiều như ngay mở đầu Thomas Mann làm người đọc trông đợi  


viết tới đây, Thomas Mann dừng giữa chừng Felix Krull thì tôi cũng vậy; khác là ông ấy xong việc được đi còn tôi thì không biết phải gì tiếp, ha ha ha ngôn từ là kẻ thù của bí ẩn, kẻ phản bội nhẫn tâm vạch trần mọi tầm thường, chúng phản bội ta.

-----------------------------------


I, Đây là những dấu viết truy ngược, thật ra đọc Goethe tôi truy xuôi đến Thomas Mann, nhưng đọc Thomas Mann thì tôi sẽ phải trace back nhiều phát :p: Lessing, Goethe, Schiller, Schopenhauer, Richard Wagner, Nietzsche, Tolstoi, Tchekhov, chắc tôi bỏ Freud vì chưa bao giờ tôi chịu nổi Freud… ; tôi định sờ vào Heinrich Mann đi theo hướng 2 anh em bất hòa với nhau ngay sau Zola [1915] của Heinrich Mann, đến tận năm 1922 Heirich Mann ốm nặng thì 2 anh em mới có động thái giảng hòa, tuy nhiên động vào đây thì khó quá khó quá với tôi lúc này, sau này thì ai biết đâu được đấy 


II, Tristan có 6 truyện ngắn/ novella, Chết ở Venice thường được gộp vào sau khi Thomas Mann mất thành selected stories:

1, Little Herr Friedemann [Ngài Friedemann bé nhỏ]

2, The Joker/ The Clown/ Der Bajazzo [chưa dịch]

3, The road to the churchyard [chưa dịch]

4, Gladius Dei [Lưỡi gươm của Thượng Đế]

5, Tristan [chưa dịch]

6, Tonio Kroger [Tình yêu và lý tưởng]

7, Death in Venice [Chết ở Venice]

mà sao Thomas Mann hay để tên riêng ở tên tác phẩm thế nhỉ ha ha ha


III, Thất tình chí và bệnh tật theo cách nói của Thomas Mann

- Tình yêu là nguồn gốc của mọi bệnh tật

- Bệnh tật là thói vô đạo của sự sống

- Bệnh tật là hình thức buông thả trụy lạc của sự sống

- Khát vọng sống, gắn liền với nó một cách bình dị nhất, hợp lý nhất là khát vọng yêu, giữa chúng có một mối dây liên hệ mật thiết và khăng khít… và chỉ đến với những ai thực sự thiết tha với cuộc sống

- Bệnh tật là sự sống ở mức độ cao hơn, bệnh tật là trạng thái hội hè của cơ thể

- Bệnh tật là sự đề cao thái quá của thể xác, nó đẩy linh hồn vào vòng giam hãm của cơ thể và làm tổn hại nhân phẩm của con người, thậm chí nó có thể hủy hoại nhân phẩm bằng cách hạ thấp con người đến mức chỉ còn tấm thân trần tục. Bệnh tật là điều vô nhân tính

- Người ta cắm cúi chạy vòng quanh, tự hành hạ mình đến kiệt quệ, ôm ấp trong tim ảo tưởng đạt được một điều gì đó, kỳ thực chỉ vạch ra một đường cong vô nghĩa, khép kín, đến một lúc nào đấy tự lặp lại như chu kỳ bí hiểm của một năm. Người ta cứ luẩn quẩn vòng quanh. Người ta không về nhà được

- Sự sống là sự đốt chất đạm trong tế bào bằng oxy

- Động kinh là hình thức cực khoái của não bộ

etc etc.


thôi thế thôi nhỉ, 5 ngàn ba chữ có dư tới nơi, lảm nhảm rõ lắm :))))

- 3, 4, 7 là sách được tài trợ. Em cảm ơn ạ 🙏🏻❤️🥰

- à tôi đã đọc những gì của Thomas Mann thì đều đọc riêng 1 lần thu tiếng gửi cho j nghe; giờ nhìn lại chồng sách, tôi thấy như cơn mơ hơ hơ hơ

 

16.3.21

giếng

 




[không phải giếng của HM đâu]

khoảng mấy tháng trước tôi đọc một đoạn thơ Cây đoạn của Wilhelm Muller, có hình ảnh cái giếng. Giếng được đào sâu dưới lòng đất, nơi có nước ngầm không ngừng tuôn chảy; hình ảnh tiềm tàng uẩn khúc, là nguồn nuôi dưỡng sự sống, nhưng đồng thời cũng có thể lấy đi sự sống của những sinh vật rơi xuống giếng [lại nói chuyện kinh dị Nhật đi, vì nó là cánh cổng dẫn xuống thế giới âm phủ, nước của nó là nước cửu tuyền]


Orhan Pamuk pha loãng các ẩn dụ. Hy Lạp phương Tây Oedipus giết cha và Ba Tư phương Đông Rustam giết con trai Sohrab; bi kịch cha và con trai, lịch sử-ký ức và hiện đại, vong thân, chạy trốn/ rũ bỏ định mệnh và sự vị tất yếu. Và Istanbul [Thổ Nhĩ Kỳ] giữa phương Tây và Đông, giữa mới và cũ, hiện đại và truyền thống, được chọn thì mới được chọn lựa "có thể cô sinh ra đã có tóc đỏ nhưng tôi chọn thành người tóc đỏ"


cái giếng [nghĩa trang, đại dương, vùng đất, thành trì] của mỗi người - những gì xảy ra, gắn với "chốn" ấy là trở lực để ta tiến đến một cuộc đời nhìn vào có vẻ, trông như là bình thường. Cem nghĩ "giấc mơ trở thành nhà văn của tôi chóng lụi tàn vì tôi đã bỏ thày Mahmut lại dưới đáy giếng"; dẫu không ai nói được thế nào là một cuộc đời bình thường, dường như bình thường và bất thường chỉ là ranh mong manh của thời khắc ta nhận ra không phải ta đào cái giếng xuống lòng đất, đến trung tâm sâu bên trong, mà ta đi lên, nhìn ngắm những gì trên cao và các vì sao; và đôi khi thò đầu nhìn xuống hun hút, thậm chí nhảy xuống giếng, đối diện, chấp nhận cái giếng thì mọi sự mới ở đúng vị trí của sự sống thay vì mờ mịt vô tri trong vòng xoay


Nàng Tóc Đỏ, một câu chuyện hay. Tôi rất thích lựa chọn những câu chuyện cổ xưa để bắt đầu cái giếng Orhan Pamuk - Đỏ và Istanbul; nhưng ông viết câu chuyện tệ hại, có thể người đào giếng này tay mỏi rồi, bận việc khác rồi; đào một cái giếng quá sâu hết lớp đất này đến lớp vỉa khác cứng mềm địa chất phức tạp mà vẫn chưa đến nguồn nước; một người đào giếng phải có niềm tin kiên định đến mức cố chấp, tàn phá mọi thứ và chính mình thì mới đủ khả năng giữ vững những gì thâm căn cố đế mình muốn làm và làm. Mà giải Nobel là phát công phá, Orhan Pamuk không tránh được sức tàn phá của nó


định mệnh là tất yếu, chạy khỏi định mệnh cũng là tất yếu, số phận sẽ dội lại ta không đường này thì đường khác một chung cuộc khốc liệt nồng nực như nhau, đi đường nào thì cũng gặp sự điên rồ cả, có thế nào thì cũng sẽ khóc thôi. Phản kháng hay thoả hiệp là lựa chọn, được chọn thì mới được chọn lựa. Oedipus là Oedipus, bởi đầy đủ cả ba sự kiện giết cha, ngủ với mẹ và giải câu đố của Nhân Sư. Chính thế bi kịch có sức sống vĩnh hằng, chính thế mà ta là con người, còn nơi đâu như cõi người, bình thường và bất thường cũng là "thường" với sự quay vĩnh cửu khốc liệt của vũ trụ. 


ps. việc Cem bỏ đi để lại thày Mahmut dưới đáy giếng làm tôi nhớ đến một truyện tôi đọc cách đây 5-6 năm, khi nó còn là bản dịch thô thì tôi thế nào đấy lại mó tay vào biên, tác giả trẻ, văn phong hơi cổ quái của văn học Anh thì phải. Cô gái nhân vật chính trong lúc cãi nhau với bạn trai vô tình xô đẩy anh người yêu ngã ra trước đầu xe và bị xe tông bất tỉnh. Tuổi trẻ mù mịt và sự hoảng loạn, cô gái đã bỏ mặc người yêu và bỏ chạy; sống vất vưởng qua các thành phố 15-20 năm với mặc cảm mình đã giết người, mình đã giết người yêu

những giếng hun hút

hình ảnh cái giếng, nó thế nào, nhắm mắt nhớ lại hồi bé khi đứng chấp chới trò chuyện với cái giếng đi


Văn Cao viết gì í nhỉ 🙂

Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn.

5.3.21

Uýtman Walt Whitman

 



leaves of grass mua cũng lâu lâu rồi, hình như mở ra chép lấy le làm hàng 1-2 câu :); đợt rồi bác bạn cho Lá cỏ thì mới gọi Whitman trong nhà. Đêm qua đọc Leaves of grass xong đi ngủ, tôi mơ mình kéo violin, tài là ngón tay tôi bấm dây không bị đau, trước giờ tập guitar bao lần tôi đều bỏ sau 1-2 tuần, đều vì đau nên bỏ, thế mà giờ trong mơ kéo violin và tự thắc mắc ồ, mình không đau, giơ ngón tay lên nhìn và xác nhận có vết của dây đàn hằn vào đầu ngón tay nhưng không đau


khi Walt Whitman mất thì Ezra Pound mới chỉ là cậu bé 7 tuổi, nhưng với Pound thì Whitman là cú trace back dài; ban đầu, Pound không thích Whitman, phải nói là ghét, rồi sau đó rồi sau đó thì... [Pound từng không thích, ghét Whitman trở thành việc ai ai cũng biết]; trong tập Lá cỏ, Vũ Cận dịch và viết lời tựa cũng có nhắc đến, nhưng là nhắc không chuẩn, và cắt cúp 🙂


còn Emerson thì gây ảnh hưởng không ít tới Whitman; transcendentalism - trào lưu/thuyết siêu nghiệm 'con người không phải thờ Thượng Đế mà thờ bản thể vô vật chất - linh hồn của thế giới, linh hồn này chói lọi trong thiên nhiên và thiên nhiên sẽ giúp con người nắm được bí mật của đời sống trí tuệ' etc. Đến đây, Goethe chứ ai. Thật là thuyền Xích Bích 🙂


tôi thi thoảng tìm kiếm theo dòng miên man của tôi, nên hay lạc vào trang này trang kia của các trường, may quá từ khoá tôi tìm cho tôi toàn kết quả bằng tiếng Anh, các bài viết của giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên trường này trường kia, miễn là tiếng Anh và đúng cái tôi tìm thì tôi có thể đọc hay tua lướt lướt đến đúng cái tôi tìm [có phải lúc nào cũng đủ kiên nhẫn đọc dài đâu], đôi khi bắt đăng nhập để vào thư viện trường các thứ các kiểu thì tôi phải nhờ đến bàn tay ma quái của bạn :)); nên tôi mới đọc trúng Pound 


còn bài dưới đây, là một bài mới rơi trúng https://poemanalysis.com/ezra-pound/a-pact/