Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

30.11.16

Trừ tuyệt



2 tháng vừa rồi đọc lê lết Kim Các Tự, nhiều lúc có cảm giác ngày lại ngày đi trên sa mạc, ngày lại ngày và không có hồi kết. Tôi không tìm ra cách gì chữa lành cho tình yêu của mình ngoài việc đọc một tiểu thuyết cực đoan cự tuyệt thế giới như Kim Các Tự, đã có lần tôi nghĩ: cái quái gì thế này, Yukio Mishima chường ra thế giới này Kim Các Tự chỉ để mà cự tuyệt à. Tôi không cần ai đó chữa lành cho mình, tôi chỉ cần trong lúc mình đang liếm láp vết thương thì có ai đó hiện hữu bên tôi thôi. Tôi không cần ai đó cố công băng tường vào thế giới của tôi để tôi lại phải phòng thủ cầm chày giã tỏi chờ sẵn để mà bưởng cho họ một bưởng ngã lăn quay ra chết phía bên kia tường. Tôi dùng chính cách thức bệnh hoạn dị hợm của nhân vật chính trong Kim Các Tự, tôi chọn cách thức ấy bởi không tìm được một phương cách nào khả dĩ hơn, sòng phẳng với bản thân chỉ còn có cách ấy: giết chết chính điều mình từng xây đắp trong tâm tưởng, phải tự bước ra khỏi đám sương mờ.

Yukio Mishima viết Kim Các Tự (Kinkakuji) dựa trên một sự kiện có thật năm 1950 khiến cả nước Nhật quan tâm: ngôi chùa Kinkakuji hơn 500 năm tuổi ở Kyoto bị một chú sadi (chú tiểu) phóng hỏa đốt cháy rụi. Mishima dựng nên nhân vật chính chú sadi với nội tâm đầy xáo trộn bị ám ảnh bởi cái đẹp không sao có được và con đường từ lúc manh nha ý định cho đến khi chắc chắn đưa chú sadi ấy đến chỗ hủy hoại cái đẹp một cách điên cuồng và tuyệt vọng. Câu chuyện mang đầy yếu tố nội tâm lung lạc nhằm lí giải động cơ đốt chùa của kẻ yêu cái đẹp "điều quan tâm của tôi, vấn đề thực sự của tôi chỉ là cái đẹp mà thôi", cái đẹp tách rời cậu ta khỏi cuộc đời và che chở cậu ta trước cuộc đời, "Khi tập trung tư tưởng vào cái đẹp, người ta có thể chạm trán với những tư tưởng hắc ám ở trong thế giới này mà không hay biết gì hết. Tôi dám nói rằng nhân gian vẫn có phong thái như vậy"
Mizoguchi chú sadi trong Kim Các Tự của Yukio Mishima là một thiếu niên xấu xí, mắc tật nói lắp. Cậu là con trai một tăng lữ của một ngôi chùa nhỏ, từ bé cậu đã được nghe cha kể về vẻ đẹp của Kim Các Tự ở Kyoto. Hình ảnh ngôi chùa trong tâm trí đã khiến cậu say mê nó lúc nào không hay. Lần đầu tiên nhìn thấy ngôi chùa, Mizoguchi thấy đó chỉ là một tòa kiến trúc xấu xí tầm thường soi bóng xuống mặt ao đầy bèo, Kim Các Tự trong tưởng tượng của cậu đẹp hơn nhiều Kim Các Tự trong hiện thực. Sau khi được tiếp nhận như một chú tiểu sống trong ngôi chùa, Mizoguchi dần cảm nhận được vẻ đẹp mãnh liệt của nó. Cậu bị ám ảnh đến mức nhìn thấy cái gì đẹp cậu cũng so sánh với Kim Các Tự, cậu xa rời và khinh miệt cuộc đời, Kim Các Tự như án ngữ ở mọi cái đẹp trong cuộc sống thường ngày của cậu, ngay cả khi gần phụ nữ thì Kim Các Tự cũng hiện lên, Kim Các Tự ám ảnh cậu đến mức cậu cho rằng Kim Các Tự là nguyên nhân gây ra sự vô lực của mọi người, cậu xa lánh sự vô lực mà mọi người tiết ra nồng nặc và việc không được người khác hiểu thấu chính là lý do tồn tại của cậu. Kết hợp với những kiến giải về cuộc sống, cái đẹp, cũng như công án thiền đầy tính triết lý tự kỷ của người bạn thọt Kashiwagi đã gây nên nhiều xáo động lung lạc trong tâm hồn Mizoguchi. Càng lúc Mizoguchi càng bị cầm tù trong vẻ đẹp của Kim Các Tự, cậu manh nha ý định đốt chùa, ý định ấy ngày càng rõ khi quân đội Hoa Kỳ oanh kích trên bầu trời Nhật Bản, cậu như bừng tỉnh quyết tâm "ta phải hỏa thiêu Kim Các Tự" và sẽ cùng chết với ngôi chùa. Sau khi đốt nó, cậu từ bỏ ý định giết mình, trong cậu ngập tràn một cảm giác tự do và ham sống như bước ra khỏi một màn sương mộng ảo
Cái đẹp tuyệt mỹ thường khiến lòng người hóa điên, cái đẹp khi ấy mang vẻ đẹp bi đát quá sức chịu đựng, vẻ đẹp không thể với tới, trác tuyệt đến mức làm người ta hóa điên trong cõi thực hư, nó báo hiệu cái chết yểu rằng vẻ đẹp này sẽ sớm tự hủy, cái đẹp này rồi sẽ sớm tàn lụi. Quanh Mizoguchi những gì thuộc về cái đẹp, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cuối cùng đều bị hủy diệt đầy thảm khốc. Cô gái Uiko đại diện cho cái đẹp diệu vợi của phụ nữ bị nhân tình bắn chết. Tsurukawa người bạn của chú tiểu là hình ảnh của cái đẹp trong sáng nhưng rốt cuộc tự giết mình. Kim Các Tự vẻ đẹp tuyệt mỹ toàn bích khiến chú tiểu hóa điên mà đốt cháy rụi. Yêu Kim Các Tự đến mức tôn thờ nên tâm trí Mizoguchi bị giam hãm trong chính vẻ đẹp của nó, chỉ đến khi thiêu trụi được ngôi chùa thì chú mới được giải thoát khỏi cái đẹp không sao với tới. Kết cục bi thảm của cái đẹp như một sự giải thoát đối với kẻ yêu cái đẹp đến cuồng vọng.
Nếu quả thực trên đời này tồn tại cái đẹp đến mức khiến con người ta cuồng vọng thì chúng ta hẳn phải bứt rứt lắm đấy vì tại sao vẻ đẹp này đã tồn tại trên đời từ lâu mà ta không hay biết, nếu nó thực sự có tồn tại ở đó thì chẳng phải chính sự tồn tại của ta xa lạ với cái đẹp hay sao :p. Còn nếu cuộc đời chỉ có sinh và diệt, sinh và diệt là một, có cùng ý vị như nhau, cuộc đời thiếu tất cả những gì gọi là tự nhiên hay thiếu những cái đẹp như Kim Các Tự, nếu cuộc đời như vậy thì có giống một thứ co quắp thiếu thốn không nhỉ :p

"Cái làm cho thế giới thay đổi hình dạng, chính là sự hiểu biết. Chỉ có sự hiểu biết mới làm thay đổi thế giới này đồng thời lại vẫn để thế giới này trong trạng thái bất biến. Khi nhìn thế giới với con mắt của sự hiểu biết, cậu sẽ thấy thế giới thực ra vĩnh viễn bất biến và đồng thời cũng vĩnh viến biến mạo... con người có được sự hiểu biết làm võ khí để có thể chịu đựng được cuộc sống. Đối với súc vật những cái đó lại không cần thiết. Súc vật không cần ý thức hoặc cái gì tương tự để có thể chịu đựng được cuộc đời. Nhưng con người cần phải có một cái gì đó và với sự hiểu biết con người có thể làm cho chính cái tính cách không sao chịu nổi của cuộc đời trở thành một võ khí mặc dù lúc ấy cái tính cách không sao chịu nổi của cuộc đời không thể giảm bớt lấy mảy may... Ngoài cách ấy ra thì chỉ còn điên cuồng hoặc cái chết...Cái đẹp là ảo ảnh, thực ra không có cái gọi là cái đẹp, điều đã đem cho ảo ảnh một sức mạnh như thế, điều đã làm cho ảo ảnh có nhiều hiện thực tính như thế là sự hiểu biết, quan điểm của sự hiểu biết thì cái đẹp không bao giờ là niềm an ủi. Nó có thể là một người đàn bà, nó có thể là một người vợ nhưng chẳng bao giờ nó là niềm an ủi hết. Tuy nhiên, từ sự kết hôn giữa cái đẹp vốn không bao giờ là niềm an ủi với sự hiểu biết đã này sinh một cái gì đó. Nó thường mong manh như bọt nước và tuyệt đối vô vọng. Song, đã có một cái gì đó ra đời. Đó là cái mà thế gian gọi là "nghệ thuật".

"- Bạch Thày, giữa con người của con dưới mắt người đời và con người của con dưới mắt chính con, con người nào thực sự vững bền?
- Chẳng mấy chốc cả hai sẽ cùng đi tới chỗ trừ tuyệt. Dù cho con có cố gắng tự mình thuyết phục là con người của mình bền vững đến đâu đi chăng nữa, cái con người của con chẳng chóng thì chầy cũng sẽ phải trừ tuyệt. Trong khi con tàu đang chạy thì hành khách đứng im một chỗ; nhưng khi con tàu ngừng lại thì hành khách lại bắt đầu đi từ điểm ấy. Chạy mãi cũng có lúc chấm dứt và ngừng mãi rồi cũng có lúc chấm dứt. Cái chết mới là sự nghỉ ngơi tối hậu, song ngay cả sự nghỉ ngơi tối hậu ấy, mình cũng không thể biết là sẽ tiếp tục trong bao lâu nữa"


29.11.16

touch my own skin and hope that I'm still breathing



Mở đầu Anna Karenina, Leo Tolstoy viết: "Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng"
Tôi chưa bao giờ thực sự đọc Anna Karenina, chưa bao giờ đọc cho hết nhưng câu mở đầu thì tôi luôn nhớ. Tôi nghĩ đến nó rất thường xuyên. Tôi hay để tâm đến các gia đình "có vấn đề", thật sòng phẳng thì tôi nghĩ mình thô bỉ và lạnh lùng, tôi muốn biết những rạn vỡ càn quét mỗi gia đình đến mức độ nào, họ đối mặt thế nào, họ thành ra thế nào trong và sau rạn vỡ, họ còn lại những gì... Nhẫn tâm quá nhỉ.
Tôi chú ý đến Bụi lý chua máu vì vẫn như mọi khi, nó là sách ế. Hồi mới xuất bản nó ế lắm, và lúc tôi gặp lại đầu sách này ở 176 Thái Hà thì nó cô đơn cũ kỹ lẻ loi sứt mẻ nằm dưới cùng ở trệt sát đất như lặng lẽ ngắm nhìn những sách kinh tế, kỹ năng hào nhoáng mới tinh phù phiếm bao xung quanh mình. Vậy là tôi chính thức mở cửa nhòm ngó. Ngay ở mép gấp bìa trước, tôi đọc lướt vài dòng và biết mình sẽ muốn đọc nó. Đọc lướt bìa sau "bụi lý chua bất thường... gia đình sống trên ngọn đồi... thám tử ám ảnh sâu sắc về quá khứ... những rạn nứt gia đình không còn hy vọng cứu vãn", tôi thở dài vượt qua, rạn nứt không còn hy vọng cứu vãn ư, không thể cứu vãn được nữa à :(
Bụi lý chua máu của Arnaldur Indridason đến từ Iceland có một mở đầu khác hẳn mạch mào đầu  của trinh thám Bắc Âu chậm chậm lan man, chỉ bằng một câu văn: "Anh ta nhận ra ngay đứa trẻ chưa đầy một tuổi đó... đang ngồi gặm một mẩu xương người". Chỉ bằng một câu văn có mùi tội ác như vậy, người đọc được đưa thẳng đến sự việc cần làm sáng tỏ của quyển sách: một bộ hài cốt được phát hiện, có thể đã ở sâu dưới đất 60-70 năm, nó của ai, ai đã bị giết và tại sao, ai đã chôn nó, kẻ sát nhân là ai, câu chuyện thực sự là gì...
Arnaldur Indridason viết rất khéo. Câu chuyện không sa vào lan man, có lẽ đây là chủ định của tác giả vạch rõ từng tuyến truyện nhỏ để kết cấu thành một câu chuyện có dung lượng vừa khéo. Câu chuyện về một gia đình năm người: một cặp vợ chồng và ba đứa trẻ, sống trong cái tù túng bi đát của bạo lực gia đình được tác giả sử dụng làm cái tâm chính để từ đó đảo đi đảo lại nan đề này. Bạo lực trong gia đình làm những đứa trẻ thành ra như thế nào, giá trị tuyệt đối của đứa trẻ ấy sau này được lấy cốt lõi từ giá trị âm hay dương... cách ông lồng ghép chi tiết về những rạn vỡ trong các gia đình khiến người đọc cứ âm thầm đi theo và bùi ngùi. Và sẵn đây, tôi đồ rằng công của dịch giả rất lớn, trên sách ghi Phương Phương dịch, với tôi đây là một bản dịch mềm mại, nhiều văn chương, kết hợp với kỹ thuật viết, câu chuyện vừa đủ của tác giả, những điều không vui thực như cuộc sống ở quanh ta, vậy thì, sao thế nhỉ, tôi ngạc nhiên đấy, sao sách lại ế thế :v (fét thôi, ngạc nhiên gì, chuyện này là bình thường)
Cái tôi thích nhất ở tác giả này là kết cấu câu chuyện rất không trinh thám và cách ông xây dựng hình ảnh các nhân vật điều tra. Một tiểu thuyết trinh thám hiện đại nhưng đi quá già nửa quyển sách, không xuất hiện các yếu tố khoa học hình sự, không DNA không da không móng không tóc không lý lịch không hồ sơ không báo cáo, chỉ có một đội khảo cổ hết ngày này đến ngày khác đào đào bới bới quét quét phẩy phẩy từng tí đất một trên bộ xương với tốc độ như khai quật mộ cổ để đưa bảo tàng chứ không phải điều tra hình sự; chỉ có tư duy logic của con người lồng ghép, suy luận, loại trừ để tìm ra thông tin chuẩn. Hình tượng thám tử Erlendur và đồng nghiệp (nhân vật đồng nghiệp cũng rất sống động) không đến mức ấm ớ ngớ ngẩn như sở thích anh hùng điều tra phá án của tôi nhưng mà sở thích không hề biến mất mà nó chỉ thay đổi hình dạng :v. Erlendur cũng vẫn có cái kiểu ấm ớ ngớ ngẩn, hướng điều tra của ông bắt đầu từ linh cảm và suy tư khi đứng ở khu đất tìm thấy bộ xương nhìn lên phía trên đồi và thấy bụi lý chua thì tự hỏi ai đã trồng chúng, lý chua dại mọc ở Iceland ư, rồi ngẫn ngẫn nói chuyện với bộ xương: "Anh có còn sống không?" khi tự bới được xương bàn tay như chĩa lên trời cầu cứu hay suy tư về chính nơi mình sống, về việc làm cha mẹ, về khái niệm gia đình... ông quan tâm đặc biệt tới các vụ mất tích ở cả quá khứ và hiện tại vì ông bị ám ảnh có một người em trai mất tích trong bão tuyết, rất sòng phẳng với bản thân, dám nhìn nhận thực tế về những rạn nứt bên trong mình, về việc mình chia tay vợ (vợ mình đã bao giờ là người yêu của mình chưa), về việc bỏ gia đình mà đi và sự xa cách với hai con, ông cảm nhận được sự lặng yên ngự trị cuộc đời mình, thuộc dạng người tự chữa lành vết thương cho mình mà không thèm đếm xỉa đến sự an ủi (thật tâm hay xã giao) của người khác, nếu bạn tỏ vẻ tôi hiểu mà trước vấn đề riêng của ông thì ông ta sẽ rất sẵn lòng và thản nhiên nói anh chị làm sao mà hiểu được vì đến tôi còn không hiểu được chuyện của mình cơ mà; nếu bạn an ủi thời gian sẽ xoa dịu vết thương thì ông ấy là người dám lấy kinh nghiệm cá nhân đối mặt với mất mát để đưa bạn chạm vào thực tế mà nói rằng thời gian á, thời gian chả chữa lành được vết thương nào cả. Ông quyết liệt tách bạch các khái niệm, không thích cào bằng sự việc, tội ác là tội ác, giết người sẽ vẫn là giết người cho dù bao năm tháng đã trôi qua, nên có thể độc giả cũng có ý nghĩ như người đồng nghiệp của ông rằng: tại sao ta phải mất công vì một bộ xương đã nằm dưới đất 60-70 năm trong khi còn rất nhiều tội ác phơi phơi cần được làm rõ ngoài kia... Ông thuộc kiểu người sống lâu trong bầu không khí ảm đạm u ám của mùa đông đến mức đã lãng quên mùa xuân có thể đẹp thế nào, còn mùa hè trở nên quá nhiều ánh sáng và phù phiếm với ông. Điểm khác biệt là Erlendur có những thời điểm đột biến đi thẳng được tới mối quan tâm của mình, khả năng tập trung cao độ, tác phong nhanh gọn dứt khoát, có xu hướng hành động tốt hơn các anh điều tra khác ấm ớ ngớ ngẩn mà mình thích ở trinh thám Bắc Âu :v

Tôi đã rất nhiều lần xoay khớp cổ như chuẩn bị lao vào chiến đấu khi đọc quyển sách 400 trang này, chỉ bởi người mẹ trong truyện thật dũng cảm, bà chấp nhận những trận đòn tra tấn thể xác và tinh thần của chồng để bảo vệ các con, bà chấp nhận rút lui vào thế giới của mình một cách tủi hổ đầy quả cảm, đóng cửa nỗi đau của mình để bảo toàn thế giới của các con. Một người mẹ dũng cảm. Tôi khâm phục, cảm động và trân trọng nhân vật người mẹ này, nên không tránh được việc một đứa bất cần như tôi, ngồi đọc  mà xoay khớp cổ chuẩn bị đối đầu, lòng nóng như thiêu vì đó là cách tôi chọn, tôi chống trả bất chấp hệ lụy, tôi luôn luôn tìm một con đường để sớm kết thúc mọi tồi tệ mà không màng đến việc điều gì còn lại hay còn lại gì sau tất cả.
Bụi lý chua máu ở nhà tôi cũng lâu đấy, nhưng tôi cứ canh đi hội sách để vợt Vết bớt màu cà phê sữa. Tôi muốn đọc vài đầu sách liền nhau của một tác giả, để thử mò mẫm sự liên kết giữa những thứ họ viết con người viết của họ và con người cá nhân, để xem họ lên hay xuống tay viết, để biết họ chế biến có công thức hay không và đặc biệt, cái gì ám ảnh họ thực sự.
Gần đây, tôi hơi ngạc nhiên vì một người bạn fb tôi chưa từng gặp mặt có thể áng được cái "gu" trinh thám của tôi, và chỉ ra đích danh một tác giả trinh thám Bắc Âu sẽ khiến tôi quan tâm trong khi ở mảng trinh thám, tác giả này xuất hiện ở VN mờ nhạt, độc giả ít ỏi. Tôi cũng vẫn đang để ý tác giả này dù chưa thực sự đọc, thế mà anh bạn kia chỉ ra đúng cái ông tác giả ít người đọc này làm tôi chột dạ phết, ơ hay cái ông này, tự tin thế, nêu đích danh ông tác giả và cái mẹt mình cứ như đi dép xốp chạy đại náo trong lòng mề mình đọc vị í nhẻ. Có thể xem năm nay là một năm tôi đọc rất ít sách, ít hơn hẳn, chả khám phá ra thêm nhà văn nào để yêu, mảng trinh thám lại càng ít. May thay được anh bạn kia lôi ra ông tác giả này, chỉ chỉ vào cái mẹt mình như kiểu: nài, cô đọc ông nài đê, anh thấy đúng khẩu vị của cô đấy

24.11.16

mùa đông trong tôi - 1, Đêm tối và ánh sáng

Thế giới buổi sáng của tôi là thế giới khi đứng trước gương tán lớp kem che bọng mắt quầng thâm, tô son lên môi và tán mờ mờ cái màu chocolate lên hai bên lông mày. Chỉ cần như vậy thôi, 5 phút phù phiếm gây mê hoặc và khiến tôi vô cùng mệt mỏi với chính mình có thể giúp tôi chuyển dịch thế giới từ gương mặt uể oải sang long lanh hơn mấy phần. Tô son xong tôi thường tự cười mỉm một cái với hình ảnh trong gương, thói quen ấy chỉ muốn khẳng định một cách nhanh chóng nhưng vờ vĩnh rằng, trông mình có vẻ ổn (mọi người vẫn nói tôi rất ăn son phấn mà). Phần lớn thời gian trong ngày, chúng ta thua cuộc. Đúng rồi, phần lớn thời gian tôi mệt mỏi, tôi chỉ thấy mình khỏe mạnh tự do nhất khi đêm về, tôi gỡ bỏ hết lớp lang của mình, thoải mái là mình cứ như khi ở một mình là tôi đang được yêu thương, gồm cả ích kỷ là chính tôi ngay cả với con mèo: tao không thích bị làm phiền, nhưng nếu tao muốn có tí hơi sự sống ở da thịt tao thì tao cứ phải được ôm, mài có cào thì tao vẫn cứ làm điều tao thích
Người đầu tiên tôi nhìn thấy hôm nay là một người bạn, cậu ta phải chịu đựng câu kêu rên quen thuộc bao năm qua của tôi với hầu hết những người tôi quen thân: đã sinh ra Tú, sao còn có cái gọi là mùa đông uhuhu uhuhu. Cũng vẫn người ấy, 1 tiếng sau dí hai cái tay lạnh vào tai má cổ tôi khiến tôi rụt đầu rụt cổ như một con rùa muốn chui vào mai và không quên nhắc tôi mặc ấm vào nhé, ngoài đường lạnh lắm. Rồi thấy tôi cứ lăm lăm nhìn vào gương thắt cái nơ áo thì hỏi tôi: Tú chuẩn bị đi đâu à, Tú đi đâu à? chắc do thấy trang điểm, trong khi tối qua nhìn quả mặt chi chít mụn của tôi thì bảo bố chữa bệnh cho Tú, thế không chữa được mụn à :v. Lúc nghe đến mụn cũng tự ti phết đấy, nhưng AQ tự nghĩ bụng bảo dạ chứ: hạnh phúc cho anh là được nhìn thấy người ta lúc cuối ngày đấy, lúc í gỡ bỏ hết trang điểm, bao nhiêu mặt nạ bao bố bịt bọc người ta bỏ xuống hết, như thế là vinh dự lắm đấy cái đồ rồ ạ
Tôi thường vẫn nghĩ mình mệt mỏi vì thế giới này, vì các mối quan hệ, vì công việc, vì việc làm sao mà cứ phải sống hay làm sao lại cứ sống giữa thế giới buổi sáng vừa lung linh vừa rẻ rúng và cái thế giới của riêng mình khi đóng cánh cửa phòng vào... :p tôi nhầm nhé. Chỉ cần ngồi lặng im 15' và chỉ tập trung vào việc thở thì nhận ra cơ thể có thể toát mồ hôi vào buổi sáng đầu đông chỉ bởi nó phải gồng gánh chính việc thở của mình; không phải bởi yêu một người có thể vô cùng đau đớn, khiến ta như được bồi thêm và cũng khiến ta mất đi sức nặng trọng tâm; không phải bởi mệt mỏi vì ta là chính ta hay ta không là ta; không phải bởi ai hay việc gì xảy đến. Mà chỉ tại việc thở của ta, riêng việc gồng gánh mình đã là quá sức chịu đựng rồi.
chỉ tại thế thôi

20.11.16

Chuyện cái quạt, ổ điện, máy sấy tóc, xe đạp và vết loang trên sàn

1,
- K: ối, sao quạt vù vù thế này, (ấn ấn ấn quạt vẫn vù vù)
- tú: à, nó hỏng số rồi
- K: mai dậy sớm ta sửa cho tú
- tú: không không, kệ nó
2,
vì phòng chỉ có một ổ điện đầu giường, tú rút đèn ngủ lấy ổ điện cắm máy sấy tóc, đang ngồi sấy tóc trong bóng tối, K. lại kêu quạt vù vù
- K: quạt cứ vù vù, K lạnh
- tú: đây, để tú chắn quạt cho, đắp chăn vào (nói xong kéo chăn đắp cho bạn)
- K: mai ta sửa quạt
- tú: thôi mà, không sao mà
- K: (lui ra sau đắp chăn trong bóng tối) phòng gì mà thiết kế đầu giường có mỗi cái ổ cắm
- tú: (vẫn sấy tóc) thôi mà, đợi 2' nữa tú sấy tóc xong thì lại có đèn sáng mà
- K: mấy hôm nữa ta chạy lại đường điện, ta sửa quạt nữa
- tú: (tắt máy sấy) thôi mà, quạt chạy một số tú vẫn dùng được, đầu giường một ổ cắm tú thấy không sao, tú quen quạt một số quen một ổ cắm rồi, không sao mà, đừng động vào cái gì, đừng thay đổi gì cả, K. có hiểu không, tú không muốn thay đổi gì cả
- K: (vỗ lưng tú) sao thế, K. chỉ nói thế thôi mà, rồi, không sửa thì không sửa, làm gì mà bắn cả tràng :))
- tú: (im lặng, vì thấy mình tự nhiên nói cả tràng vô cớ)
3,
- K: xe đạp để đây vướng nhỉ
- tú: ừ, đi ra đi vào toàn quệt đổ xe suốt í
- K: để ta khoan cho một cái thanh, xong treo xe lên
- tú: thôi, không không, không thay đổi gì cả, xe tú vẫn để đây, không sao mà
4,
- K: cái quạt này cứ vù vù
- tú: thì nó hỏng số mà, lúc nào chả vù vù vù hihihi
- K: K. sửa cho tú được không?
- tú: không, tú không muốn sửa gì
- K: sửa nhanh thôi, K. sửa được không?
- tú: tú nói không rồi mà (quay lưng ngồi thiền)
 15' sau nghe tiếng lịch kịch xoảng
- K: tú, K. vừa làm đổ đèn tinh dầu của tú đấy, tú vẫn thiền được à?
- tú: (hoa im lặng)
- K: (cầm cái tay đang thiền của tú) hihihi, sao tú nghiêm túc thế, vừa đổ đèn tinh dầu đấy
- tú: (hoa im lặng)
- K: (cầm tay tú lúc la lúc lắc)
- tú: (hoa im lặng)
2' sau
- tú: mà này, đổ đèn tinh dầu ra sàn, K. không lau sàn cho tú à? (vì không nghe thấy âm thanh dọn dẹp sau tiếng xoảng)
- K: không, hihihi, nó bị thấm hết vào chăn rồi, còn ít trên sàn chắc không sao, chăn càng thơm
- tú: hummm (thả chân không thiền nữa)
- K: hihihi may quá không thiền nữa hihihi
- tú: (lườm bạn xong nhìn vết dầu loang trên sàn hết sức nhẹ nhõm)
- K: hihihihihi


tôi rất sợ người khác bước vào thế giới của mình vì (...)

5.11.16

thế giới vô thanh




Khoảng 6 năm trước mình đi làm thêm trên Đinh Lễ, 35k/buổi, làm được bao nhiêu là mua sách hết, có thể nói thế quái nào một tháng có hơn 1tr cả đóng học, cả xăng xe cả mua sách mà vẫn cứ đủ, vẫn có tiền ăn bánh ngọt mí kinh chứ, trong khi các bạn nữ cùng lớp may 2-3 cái áo đã hết gấp đôi chỗ tiền đi làm thêm của mình rồi. Hồi í nhận lương chia các khoản ra xong, để 200-300k trong ví, ra khỏi nhà là thấy cả một khối chắc nịch yêu đời thênh thang, cbn chứ, thế mà các bác csgt cứ tuýt còi mình vào để hỏi thăm mấy trăm k còm cõi. Thuở ấy chắc bài học quý gía nhất với mình là nhận ra ta là thần hộ mệnh của chính ta :v
Quyển sách này được mua trong giai đoạn ấy vì nhà sách mình làm dán nhãn giảm 40% cho đầu sách này, mà mình thì bệnh mãn tính đọc sách ế. Nó ở nhà mình 6 năm qua, không biết bao lần xếp lại sách mình đều nghĩ sẽ đọc nó nhưng cứ lần qua lần qua lần mãi. Thế mới nói đọc sách có sách vân vân vân với sách cũng phải có duyên, vì nếu mình đọc nó sớm hơn thì hẳn mình sẽ không thấy từng cái đẹp li ti tiểu tiết của nó :p, tuổi gìa cũng có cái đẹp của nó í hị hị hị hị khửa khửa khửa
bởi vì rằng, Nữ công tước Marianna Ucria là tiểu thuyết lấy bối cảnh thế kỷ XVIII về một nữ công tước không thể nói, không thể nghe, lý do bị tước đi hai cánh cửa cuộc đời thì bi kịch vô cùng, các bạn phải tự đọc thôi, lúc đi được 2/3 quyển sách thì cả nhân vật và người đọc mới khám phá ra bí mật đau đớn kia. Thái độ của nữ công tước thật đáng ngưỡng mộ, dường như sống với ít cánh cửa mở ra thì người ta biết chấp nhận thế giới, số phận hơn. Nữ công tước sống dựa vào thính giác và khứu giác, một cuộc đời mất đi âm thanh chỉ còn sự lặng im bị bó chặt vào truyền thống và sự ép buộc có thể được quan sát và miêu tả đẹp đến như vậy, vừa như sẵn sàng cho sự táo bạo cũng vừa như buông xuôi trước những bó buộc, đặc biệt là các câu văn tác gỉa Dacia Maraini tả về cảm nhận mùi hương hay khả năng hiểu thấu suy nghĩ của người khác của nhân vật nữ công tước. Nếu đọc quyển sách này sớm hơn, tôi đảm bảo mình không biết cái đẹp của nó.
Và đặc biệt, quyển sách này là các cuộc đời, các tiêu bản về cuộc đời của những người phụ nữ, hôn nhân không tình yêu, tình yêu tình bạn, độ lùi của thời gian trong mắt phụ nữ... Bạn đọc nó và cảm nhận về những miền xa xăm, như ta đang nhìn ta là một ai đó trong một thế giới khác, lấy chồng khi 12-13 tuổi, 18 tuổi là mẹ của 3 đứa con, chớp mắt ta lên chức bà nội bà ngoại ở tuổi chưa đến 30, chớp mắt sau ta đã phải nhuộm những lọn tóc bạc, rồi tình yêu đến muộn khi ta vừa như có tất cả vừa như không có gì, ta quay cuồng loay hoay với chính mình trong vương quốc của lặng im và tự vấn về sự im lặng của mình, cả hai đều cho ta cảm giác mất mát, có đáng sợ không :)
Ta có phải là kẻ tàn tật với các giác quan đang bị tha hóa cùng thế giới này không hay ta vẫn đang cố công không đánh mất mình trong chính mắt mình :)

ps: tác gỉa Dacia Maraini đã sống cùng nhà văn Alberto Moravia trong khoảng 20 năm, lại thêm một lý do chí ní chí ní vì đã đọc quyển sách này muộn, chứ 6 năm trước thì mềnh chả biết Alberto Moravia là cái ông nhà văn khỉ nào nữa :v

2.11.16

ốc mượn hồn



sinh ra là loài thân mềm nhỏ bé mà đèo bòng vỏ cứng xoắn vặn. Là một thể dạng khung cửa nào bình yên ta nhốt một đời. Đến tận cuối hành trình tồn tại, một số được phục vụ thú vui ăn uống của con người, là thêm một đoạn trường. Vẫn phải gạn đục khơi trong, ăn nước gạo ăn mặn ăn chua ăn cay, thậm chí ăn cả cái vị tanh của kim loại thì mới được vớt lên chờ thời khắc cho vào nồi và nở bung trắng xóa cùng sả, lá chanh. Thế rồi rốt cuộc ăn đủ chua cay mặn ngọt để nhả bùn đắng cay, nhả ra hết bi ai trong từng thớ thịt thì thịt đúng là vô vị nhạt, người ta ví von: nhạt như nước ốc. Lại phải viện tới thứ nước chấm chua cay mặn ngọt và thứ đồ ăn kèm chua chát khế, sung để mua vui một vài trống canh.
Đời con người và thân phận một con ốc hay nhiều loài, có khác không. Ngồi nhể từng con ốc chấm chấm ăn ăn, tôi lại nghĩ, lẽ nào từ hư không, tôi từng là con ốc mượn hồn người, một luân hồi chuyển kiếp giờ làm người mượn hồn ốc dung nạp bùn đất-thải bùn đất bằng chua cay mặn ngọt-nạp vào thớ thịt nhạt vị mặn ngọt chua cay chát...thế rồi kẻ ăn ồ à chà chà xuýt xoa xuýt xẩy tiếng ngon ngon. 
Mỗi một là một mua vui vài trống canh cho mỗi một khác. Là những bụi tro của muôn ngàn vụ nổ cô độc không được biết đến cấu thành nên, chúng ta hoàn toàn là một đám đông cô đơn, sinh ra là để chết đi thậm chí vẫn chưa biết được ý nghĩa của mình trong sa mạc này, sống từng ngày là đi dần đến cái chết, còn sống là còn đau. Bi đát lớn lao trong niềm hạnh phúc không nhận ra nỗi khổ làm người, không biết ta là ai, ta là người hay ốc, là hổ hay người, là người hay bướm
Điều duy nhất còn lại, vẫn là sa mạc.

vĩ thanh: Lốc lăn lông lốc vào bếp chỉ bởi sáng đi chợ nhìn thấy một con ốc nằm chơ lơ ở vỉa hè, liền nghĩ chúng ta cùng nhau mua vui cũng được một vài trống canh, ốc nhỉ.
Nhà ít người, tự làm ở nhà xong, ăn xong, rửa dọn xong, nghĩ bụng, nhất định lần sau ra hàng, ăn thì ít mà làm thì kích rích :p