Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

28.5.24

Nevermore, chuyên khảo Poe




ở đây chỉ xoay quanh Nevermore - Hồi ức đau buồn và bất tận, sách chuyên khảo nghiên cứu và dịch thuật Poe của Hoàng Tố Mai [HTM (trong sách không thống nhất in đầy đủ tên tác giả hay viết tắt, tự nhiên đến 1 khúc thấy "HTM nhấn mạnh" "HTM in nghiêng" rồi lúc sau lại "Hoàng Tố Mai nhấn mạnh"], chứ không bàn đến những công trình khác về Poe [được dẫn trong Nevermore] hay tác giả khác bình luận Poe, như Baudelaire hay Borges chẳng hạn. Nevermore - Hồi ức đau buồn và bất tận, hiện là sách nghiên cứu Poe cẩn thận nhất cho đến giờ, ở Vn. Sách gồm 2 phần, phần 1 Nghiên cứu và phần 2 Dịch thuật [dịch 2 bài thơ (Những quả chuông, Con quạ), 2 tiểu luận (Nguyên lý thơ, Triết lý về soạn tác), 1 bài phê bình (Những câu chuyện được kể hai lần của Nathaniel Hawthorne - trong bài phê bình này, Poe chỉ ra những đoạn trong Dạ hội giả trang của ngài Howe, Nathaniel Hawthorne bắt chước, có thể dùng "đạo văn" William Wilson của Poe :p)]; có thể đẩy, đọc phần 2 Dịch thuật trước để nắm được văn bản thơ và 2 bài tiểu luận được phân tích ở phần 1 Nghiên cứu


lý do sau mấy năm mua sách mà giờ mới đọc Nevermore là vì giờ mới có thời gian đọc một vệt Poe liền mạch và hoãn tới giờ là vì, ngay khi mua sách, mở mục lục thấy Charles Baudelaire bị thành Vharles, rồi lại thấy cả Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu được lấy làm ví dụ dùng Triết lý về soạn tác của Poe để phân tích, mình hơi thảng thốt [lúc 19-20t đọc Bóng đè như tra tấn, không phải vì câu chuyện ấy lạ với mình nên như tra tấn, mà vì nó thường, nên hồi lâu lắm đã mang cho vào quán của bạn, không có ở nhà để đọc lại, đọc lại để lý giải tại sao HTM chọn Bóng đè; lâu lâu sau đó mình mới lên quán bạn cầm về để đọc lại được] nên chưa phải lúc sờ đến Nevermore 


và đúng là không đúng thời điểm thật, nếu 3 năm trước đọc. Đọc sách viết về những quyển sách, sách nhận định phê bình thì chỉ nên đọc khi đã đọc đủ nhiều các quyển sách, tác giả là đối tượng của nghiên cứu, phê bình. Nên lúc này đọc mới là đúng; đây cũng là quyển thứ 2 trong thời gian gần đây mình đọc liên quan đến lý thuyết văn học, nghiên cứu phê bình [quyển kia là Các khía cạnh của tiểu thuyết - Forster]


ngay những trang đầu tiên, người đọc biết mình đang đọc một công trình nghiên cứu mang tính học thuật [dẫn nguồn, gắn danh sách các sách tham khảo rõ ràng, index] nhưng không cứng nhắc như tài liệu giảng dạy, điển phạm [ở đây mình lại gặp Hoài Thanh được nhận định là cây bút phê bình Thơ Mới số 1, không thể chịu được câu này, khổ thân tú]; tác giả HTM viết thoát khỏi tính tỉ mỉ liệt kê không cần thiết, không ề a dài dòng, có nhận định cá nhân, đôi chỗ ta nhìn thấy một nụ cười khuất sau các câu kết [sự hài hước luôn thiếu trong vhvn và nhất ở nữ]


cái nhận được nhiều là ở phần 1 Nghiên cứu, trong đó các ý chính trong 2 tiểu luận Nguyên lý thơ, Triết lý về soạn tác của Poe đều đã được nói ở đây, phần Nghiên cứu ngả về Poe thơ hơn Poe văn xuôi, nhất là bài viết xếp Poe - Baudelaire - Hàn Mặc Tử [trong đó Hàn Mặc Tử là ảnh hưởng gián tiếp Poe qua Baudelaire, theo nhận định của tác giả]; bài viết này đã xoáy vào vai trò của hiệu lực cảm xúc [emotional effect] trong văn bản, chính nó đưa đến sự lây lan cảm xúc [contagion affective], bầu không khí tinh thần mà văn chương nghệ thuật tạo ra - là thứ tôi mong muốn, chứ không phải những lý thuyết văn học, phân tích kỹ thuật - một người đọc văn chương thuần tuý như tôi không cần học thuật để làm gì, chúng tôi càng ít tiếp xúc học thuật thì càng được bảo đảm niềm vui thuần tuý việc đọc văn chương của mình hơn 


ở bài về Poe văn xuôi, HTM thu hẹp phạm vi nghiên cứu dù đã chia Poe thành 3: kinh dị, trinh thám và rối loạn tâm thần [tôi thì làm 4, với tôi là phải có Poe tiên tri, thậm chí nhỏ nữa, tôi còn muốn 5, thêm Poe hài hước], nhưng chỉ chọn viết về Poe rối loạn tâm thần qua 3 truyện được đọc rộng rãi: Trái tim kể tội [ngay khi đọc một vệt Poe được dịch, tôi đã để ý chi tiết sách của nhà nào dịch đúng tên truyện The tell-tale heart thì tôi đọc nhà đó trước, và như thế quyển của Thư book lấy luôn tên Trái tim thú tội, tôi đã đẩy xuống dưới danh sách đọc luôn, nó chỉ đứng trên quyển của Trường Phương thôi hic], Con mèo đen, Thùng rượu Amontillado; ở đây rất tiếc vì tác giả đã không lấy thêm William Wilson vào [chính truyện này điển hình cho người kép, nó cũng gần với một giai đoạn cuộc đời Poe, tất nhiên không phải duy nhất, nhưng nó là điển hình, mà từ đó ta đặt Dostoievski chịu ảnh hưởng của Poe cũng không có gì lạ]


về trường hợp Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu mà tác giả HTM chọn dùng lăng kính Poe Triết lý về soạn tác để soi nghệ thuật kể chuyện, tôi thấy Bóng đè quá được ưu ái, tôi hay nói đùa rằng dùng dao mổ trâu giết gà. Tôi đã mất công đọc lại Bóng đè để nhìn theo hướng của tác giả, nhưng không cố nổi. Ở đây, qua Triết lý về soạn tác và bài phê bình sách của Nathaniel Hawthorne, Poe đặc biệt nhấn vào giọng/giọng kể [tone] và đưa ra 3 sự kết hợp:

- cốt truyện bình thường, giọng kể đặc biệt

- cốt truyện đặc biệt, giọng kể bình thường

- cả cốt truyện và giọng kể đều đặc biệt


HTM nhìn Bóng đè là trường hợp 3, và chỉ rõ dùng từ "đặc biệt" là chưa sát, mà mượn chữ của Poe "ám gợi" [suggestiveness] - yếu tính của thi ca; nhưng tôi lại thấy những gì được sử dụng trong Bóng đè thiên về "ám chỉ" [allusion] hơn "ám gợi"; từ xưa tôi không phủ nhận câu chuyện của Bóng đè là một câu chuyện lạ trong môi trường vhvn thời điểm ấy, có những đoạn viết thực sự lên đồng, từ ngữ dùng những đoạn đó ăn nhập như được lộc để viết, nhưng cơn lên đồng qua nhanh và hết cơn thì nó khiên cưỡng, gượng ép, rời rạc; Bóng đè cũng là truyện ngắn được viết tốt nhất trong cả tập truyện. Phần cuối của bài viết này, tiểu mục Khi trí tưởng tượng nằm trong giới hạn của hiện thực, không chỉ nhắc đến Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Huy Thiệp [cùng những ẩn dụ chính trị quan hệ tq-vn] mà còn dẫn Vụ án, Hoá thân của Kafka [nhất là khi nhìn 2 tác phẩm của cùng tác giả nhưng, 1 trong giới hạn của hiện thực và, 1 xoá bỏ ranh giới hiện thực ngay từ đầu; 1 ví dụ quá rõ ràng] và một nhận định của Dostoievski của tôi về Poe: "ông gần như luôn chọn hiện thực hiếm hoi nhất và đặt nhân vật của mình vào trong tình huống quan tâm khách quan nhất". Đây là một bài viết, phải dùng viết tốt; tôi rơi vào trúng tình cảnh đánh giá bài phê bình viết tốt hơn đối tượng bài phê bình nhắm đến


[phần nghiên cứu có 1-2 lỗi trình bày (trong đó có 1 lỗi lặp nhiều), phần dịch thuật riêng ở bài Con quạ đã có khoảng 3 lỗi typo, 1 lỗi chính tả (clasp - siết được để xiết, đây chắc là cách viết của HTM, TĐ giữ nguyên); mục lục viết Vharles... với sách chuyên khảo thì thế này là ok rồi]






Không có nhận xét nào: