có lẽ sự đọc thuần túy là hưởng thụ khi thông qua việc đọc người khác viết/kể khiến người ta đọc suy tưởng của chính mình; nó là chuyện về những cái mà câu chuyện/truyện khiến ta suy tưởng. Văn chương là gì nếu không tạo ra biến cố về ngôn ngữ trong tâm trí con người, nó không đơn thuần “lật tẩy ảo tưởng của những nhà tu từ học tưởng rằng chỉ cần đùa với từ ngữ là đủ để phát minh ra tư tưởng và những ảo tưởng của những nhà văn hiện đại nhìn thấy nơi từ ngữ một trở ngại cho tư tưởng”
cũng như nhiều người đọc khác đọc tập thơ Khách của Nguyễn Chí Hoan, dễ thích ngay các bài thơ/một vài câu dưới đây; còn lúc này khi đã đọc tập thơ khoảng 5 lần thì bài thơ Nói, cuối cùng đã đứng đầu trong những bài tôi thích, ban đầu ghim vào đầu luôn là Mưa sáng, Bạch [khổ cuối, thật ra tôi không thích câu cuối cùng], rồi mới đến Nói; nhưng sau mỗi lần mở hú họa một bài nào đó thì tôi vẫn quay lại Nói để đọc [ở lần thứ 3 đọc tập thơ tôi đã gần như chắc chắn tên cho văn bản này là “dốc ngược”, và đến tận giờ tôi vẫn phân vân “dốc ngược Thời Gian” chứ không phải tên văn bản mà hiện đang có]
Mưa sáng
[Mưa xuống như là mưa bóng mây
Người đi như vượt cõi lưu đày]
hay:
Hồi tưởng số 8
[và trên góc trần nhà xa tít
nơi tôi cuộn mình nhìn xuống mình thân xác
có thể nào như thế
mà như thế
đã không được chọn vào đời
cũng không được chọn ra đi
tôi gắng hết sức để quay về qua lỗ rốn mình kia
lỗ rốn tối tăm một con đường duy nhất]
hay:
Khoảnh khắc
[Mỗi khoảnh khắc là một lần giới hạn
Là một cửa vào hé mở một lần thôi]
hay
Bài tập
[Nửa đời ôm mộng lớn
Cây xòe trên chiêm bao
Bật cười khi nhớ lại
‘’Duy hữu độc thư cao”
Thức mãi mà chẳng biết
Có tỉnh ra lúc nào]
hay
Bạch
[Mưa mấy ngàn ngày mưa cũng thôi rơi
ta mấy ngàn năm mới khỏi bệnh người
trăng mấy ngàn xuân vẫn vầng trăng thứ nhất
chẳng còn đầy vơi khuất một chân trời]
hay
CỦA TÔI
Bên kia Mặt Trời là tuổi trẻ
của ai
…
tôi từng đọc tập phê bình văn học nghệ thuật Bút ký một người đọc sách của Nguyễn Chí Hoan cách đây hơn 10 năm, thời điểm ấy tôi chỉ đọc những bài viết về những tác phẩm mà tôi cũng đã đọc. Tôi thường tránh, phải nói là không thích, không muốn đọc những gì viết về cái mình chưa đọc. Tôi cần bảo toàn cảm nhận của mình, một địa phận riêng. Cái đọc mà bị xâm phạm, bị “bốc thuốc” ngay trứng nước thì mất cảm nhận thuần chất ban đầu mà chính cảm nhận này thường mới là cái khiến người ta ngây ngất đắm chìm của hạnh ngộ biến chuyển ý thức; “ngôn ngữ thoát khỏi quy ước và tinh thần trở lại tự do, thì sẽ đạt đến một phạm trù khác của tư tưởng” hãy luôn nhớ điều này như thần chú. Nên thời điểm ấy, đây là một quyển phê bình có thể nói duy nhất là rất hợp với tôi, vì phần lớn các đầu sách được nói đến tôi đều cũng đã đọc. Cách viết đúng chất một người đọc không quá khiên cưỡng bài bản phân tích mổ xẻ khen chê, hay viết vòng vo loanh quanh đi mãi không vào tử huyệt của cái cần nói đến sau khi đọc: câu dài cảm tưởng rối rắm nhưng lại rất có nhịp và đặc biệt là tác giả viết về một tác phẩm nào đấy chỉ bởi suy tưởng từ một [vài] chi tiết, một [vài] chương trong toàn bộ tác phẩm [thậm chí một tác phẩm được viết hai bài riêng, bóc tách điểm nhìn]. Thời điểm ấy tôi bỏ một số bài vì thấy giống “đơn đặt hàng”
gần đây, tôi đọc tập thơ Khách và không mấy bất ngờ khi biết trước tập thơ Khách, Nguyễn Chí Hoan đã có các tập thơ xuất bản dù đây là lần đầu được nghe nói tới, nhìn thấy những tập thơ kia. Không ngạc nhiên vì tôi nhớ rõ cách đây hơn 10 năm khi đọc Bút ký một người đọc sách, cách viết phê bình thơ/văn xuôi của Nguyễn Chí Hoan là đi vào âm vận và ông rất chú trọng nhịp của câu chữ [hồi ấy tôi ấn tượng bởi một câu của Jean-Paul Sartre được tác giả trích dẫn hai lần ở hai bài viết: từ ngữ như những sự vật và hiện tượng tự thân nó – đấy là một đặc điểm của thơ (từ ngữ trong thơ còn là, và chính là, các sự vật)]. Một người khi chú trọng nhịp, giữ nhịp trong cái mình viết như cái mình đọc và hoàn toàn có thể trình diễn nó thành cái đọc thành tiếng vô thanh có nhịp thì sẽ viết tự nhiên thành thơ. Một tâm hồn thơ tự nhiên không cần chuốt tỉa cố ý, nó cứ sần sùi tự nhiên mà nhẹ thanh
để trace back nhìn mình hơn 10 năm trước thông qua việc đọc, tôi đọc lại Bút ký một người đọc sách. Lần này tôi bỏ qua một vài cái tên Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà… vẫn bỏ qua mấy bài như lần trước vì chúng không cho mình cơ hội hưởng thụ thú vui suy tưởng. Có những bài viết tôi chắc chắn đã và sẽ không đọc quyển sách mà bài viết đề cập nhưng tôi đọc bài viết không sót một chữ vì nó giống như đọc một tác phẩm, có thể nói, tôi không đọc Bút ký một người đọc sách mà tôi đọc suy tưởng của một người đọc viết. Tôi là dạng rất khoái đọc linh tinh, đôi khi thậm chí nhiều khi, tôi đọc không phải vì nó hay, mà nó mang đến cho tôi những dự cảm trong tâm tưởng, những suy tưởng riêng về hình thức tiểu thuyết, kết cấu câu chuyện, dàn dựng cấu trúc hay những gì mà chi tiết/tình tiết câu chuyện tạo ra cho tôi suy nghĩ mơ hồ “linh cảm về điều sẽ đến là một tư duy về tương lai đồng thời là hồi ức về quá khứ" [Heidegger]. Lần này tôi có thể đọc liền mạch không ngáp bài về Tương lai của văn học và Viết để làm gì. Tôi vẫn sẽ đọc lại bài viết Tương lai của văn học là gì, để chuẩn bị và có thể đọc song hành cùng đợt sách tới đây Đọc Khác – Viết Khác - Lời Khác vì bản thân những suy tưởng của riêng mình khi đọc suy tưởng của người khác về những cái hai [nhiều] phía cùng đọc đã là viết khác rồi. Những suy tưởng như soi gương [nó làm tôi nghĩ đến một câu của Thanh Tâm Tuyền trong Tiếng động: “Chúng ta cũng chỉ là những mặt gương đặt trước nhau, đặt trước những người khác. Ảnh tượng trôi tít đến vô cùng, hoa mắt”] nó là cái nhìn động cho nhiều ảnh tượng, muốn soi gương muốn nhìn mình cho hết ảnh tượng hết ảo tưởng thì phải tận tâm và thành thật, chịu đựng vào, đừng thỏa hiệp li lai nhỏ nào
sự đọc nảy sinh suy tưởng và cảm năng, bản thân nó đã là một tư duy về tương lai và đồng thời, tư duy ấy cũng là hồi ức về quá khứ. Nó tạo ra dốc ngược dựng đứng Thời Gian bộ ba tuyến tính, hiện tại hữu hạn nằm giữa quá khứ và tương lai như nằm giữa sự sinh ra và kết thúc, như “chết rồi từ độ sinh ra” – “từ đầu này đến đầu kia/ là thời gian quá mỏng”. Viết là trút bớt ảnh tượng, ảo tưởng, trút cho bằng hết và trong khi những ảo tưởng cũ hầu như vơi bớt thì ảo tưởng mới ngõ hầu hình thành; là đau đớn chịu đựng, đày ải và an ủi, đồng thời; ở Viết để làm gì, Nguyễn Chí Hoan nói: "Thực tế như tôi được biết, nếu không ai hỏi ai rằng Viết để làm gì? thì cũng không phải ai cũng đã có một câu trả lời của mình cho câu hỏi ấy"
trước khi là một nhà văn, anh phải là một người đọc thứ thiệt cự phách. Đọc nhiều thì phải viết thôi, khác được hay sao. Đấy là đi đày trên sa mạc tờ giấy [chữ của cụ Trần Dần: "Tôi như kẻ đi đầy trên sa mạc tờ giấy"] chứ hưởng thụ thuần tuý thì đọc thôi, như Michel Houellebecq từng nói: viết không an ủi được mấy, y thực ra muốn được đọc, và chỉ đọc, suốt đời.
đến một thời độ, người ta trò chuyện bằng tiếng nói của lặng im, vô thanh. Suy nghĩ của tôi lúc này, liệu có không: hết ảo tưởng. Phước thay ta có cả sa mạc chữ còn ở lại
ps. trước đây đọc Bút ký một người đọc sách tôi biết rằng hóa ra tôi không phải người duy nhất đọc Nguyễn Ngọc Tư như thế, như 2014 tôi có từng nói với một người bạn rằng tập thơ Chấm của Nguyễn Ngọc Tư là một cú tạt đáng nhớ, chứ không phải những gì trước Chấm và sau Cánh đồng bất tận [hiện trong nhà tôi chỉ có Cánh đồng bất tận, Gió lẻ và Chấm (Gió lẻ là đọc xem có gì khác không)] chắc chắn sau đó tôi cũng không đọc văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư. Ngoài ra, ở Bút ký một người đọc sách tôi còn tìm thấy điểm chung nữa ít người nhắc đến, về cái nhìn với một tác giả nữ TQ mà tôi hiện giờ cũng không biết cô còn viết không: Quách Tiểu Lộ [hình ảnh ốc mượn hồn thi thoảng tôi hay dùng là tôi nhìn thấy lần đầu ở Thạch thôn, tôi thích tác giả này đến nỗi mỗi kỳ hội chợ sách trong khoảng 3-5 năm sau khi sách xuất bản, tôi đều mua ít sách ế, để làm gì không rõ :p]
có lẽ sau đây, tôi sẽ thử vận may của mình với văn học đương đại nước nhà, với Nguyễn Nguyên Phước, chẳng hạn. Lần đầu tiên của Nguyễn Nguyên Phước, tôi thích, thích ở việc truyện không là truyện, nhân vật không là nhân vật, tức là khi đọc người ta không nạp vào các chi tiết tình tiết biến chuyển tâm lý nhân vật, cái cách viết không là như thế lại chính là truyện, truyện là sự biến chuyển ý thức chứ không thiên về diễn biến tâm lý