Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

25.2.22

duyên





cuốn tiểu sử bằng ảnh của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII - Hành trình thời gian, tôi mua trong một lần đi hội chợ sách nào đấy, cũng lâu lâu rồi, dễ chừng 7-8 năm rồi cũng nên, sách được bày hú hoạ cùng một vài đầu sách không ai biết từ đâu đến ở một cái bàn cũng không ai ngó ngàng, mà tôi thì luôn thích đọc tiểu sử của nhà tu hành, triết gia, tự truyện của nhà văn, yogi... nên tôi nhấc quyển sách bỏ luôn vào giỏ mà không cần xem 


mỗi lần tìm dọn sách, khi cầm đến quyển sách ảnh này, tôi lại tặc lưỡi không biết có lúc nào đấy mình đọc nó không, có quá nhiều ham hố đọc, liệu có sờ đến nó chăng; thế rồi hôm qua khi đang đọc một quyển tiểu thuyết, đang giữa trang sách, tôi bỏ ngang, vươn người nhấc quyển tiểu sử bằng ảnh này, ở chồng sách cách chỗ tôi ngồi ngả ngớn khoảng 2 mét, và đọc. Cuộc đời mỗi người nếu đủ duyên lành, thì sẽ có được một hạnh ngộ mà nhờ đó ta hiểu mình là ai ở cả khía cạnh thế gian và tâm linh. Đọc sách là cách tôi tiệm cận gần đến hạnh ngộ và tôi thường hay trở lại nơi cho tôi một kinh nghiệm nào đấy






cuốn tiểu sử bằng ảnh khái quát từ lúc Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII còn là cậu bé 4 tuổi "được chọn" xa gia đình đến tự viện hưởng nền giáo dục rất nghiêm khắc, cho đến nay, vẫn đang trụ thế tiếp tục Phật sự






24.2.22

cơn sốt




tôi có một ngôi nhà, ngôi nhà có vẻ đồ sộ và tôi đóng vai trò có vẻ rất oách trong nhà. Trong nhà có một đội ngũ người làm có nước da màu da người pha xám, tôi gọi là Xám, đứng đầu Xám là Xám Lớn, như tôi hiểu thì Xám Lớn bứt từ mình ra những mẩu nhỏ và chúng mọc ra mắt mũi miệng như người trong hình hài tròn tròn có chóp giống chocolate truffle vậy - gọi chúng là Xám Nhỏ


một ngày tôi từ trên cầu thang nhìn xuống, tôi thấy nhà có một hộp hàng được gửi đến, từ trong đó tràn ra một sinh vật giống Xám Lớn nhưng lại màu đen bóng, tạm gọi nó là Đen Lớn. Đen Lớn không tỉ mẩn, nhỏ nhẹ, ít nói như Xám Lớn; nó nói rất nhiều, gọi là hót rất hay, hình thức thì bóng bẩy, miệng lưỡi thì múa dẻo như kẹo kéo, đến mức đã biết là dạng bốc phét to còi lừa đảo thì cũng có lúc câu nói của nó khiến tôi gật gù khá khen cho mày. Tôi cứ đứng trên cầu thang quan sát nó nhanh nhẹn tự véo từ người mình ra những mẩu Đen Nhỏ, cái bọn tiểu iêu Đen Nhỏ cũng rất nhanh chóng chạy khắp nơi tung hoành ba hoa chích choè động vào đâu là phải ịn người vào để làm ra một bản sao giống bọn nó về màu da, thí dụ nó sẵn sàng cầm vào ấm đun nước và tạo ra một cái ấm đun nước màu đen giống nó, ba hoa xích tốc hơn bất cứ cái ấm nước nào trong bếp. Tôi nghĩ, rồi tao xem chúng mày làm gì, bọn tạo phản mất nết. Tôi đứng xem bọn Đen chạy nhảy trong nhà như chúng là chủ nhà, còn bọn Xám thì cứ ù lì việc chúng chúng làm, không có ý định can dự vào việc phách lối của bọn Đen, thậm chí nhiều đứa Đen còn ra thuyết phục mấy đứa Xám Nhỏ lâu nhâu nhập cuộc vui, cũng chỉ trong chốc lát, bọn Xám Nhỏ bị mua chuộc cũng ba hoa chích choè làm ăn vô lối như chốn không người không tôn ti trật tự giống y chang bọn Đen


tôi tính đứng quan sát thêm cái bọn hồ đồ này định làm gì, vì cứ phá mãi cũng chán chứ; thì bỗng tôi nhìn thấy Đen Lớn vẫy 2 đứa nhỏ một trai một gái, anh em trong nhà, và ịn người vào hai đứa nhỏ, lập tức ra một đứa gái màu đen và một đứa trai màu đen nhìn không hồn như trong truyện tranh Nhật Bản. Thế rồi Đen Lớn lại còn khuyên 2 cặp trai gái cả người cả bản sao rằng, hãy giao cấu để tạo ra nhiều hình hài hơn nữa. Cái con mất nết này, dám xúi giục bọn trẻ làm chuyện tồi bại ngay trước mắt tôi. Giải tánnnn


ý nghĩ vừa dứt, tôi cầm cái xẻng rất to hót tất cả những gì màu Đen ra khỏi nhà, một mẩu vụn thừa thãi được gọt ra từ các bản sao tôi cũng hót, hót bằng sạch không tiếc của. Sau khi hót sạch chúng xong, tôi bắt đầu đánh giá tình trạng ngôi nhà xộc xệch của mình, thì bọn Xám Nhỏ bị mua chuộc hiện giờ vẫn như ngáo đá ba hoa xích tốc khác hẳn bọn Xám hằng ngày, không cân nhắc, tôi hót tiếp bọn Xám lai tạp ra khỏi nhà, và tự hỏi mình có cần thiết giữ đội ngũ Xám lại không


mang ý nghĩ này, thẳng thắn nói với Xám Lớn, tôi nói tôi biết nó là tôi, tôi là nó, chỉ có điều tôi là chủ nhà thôi, còn nó từ bên ngoài vào; nhưng lúc này tôi hoài nghi, không biết có phải tất cả Xám đã nhiễm căn bệnh của bọn Đen không. Xám Lớn vẫn ù lì làm công việc cọ rửa ở bồn rửa bát, nó không nói gì, chính vì nó như điếc, tôi hiểu rằng có thế nào nó vẫn là nó. Tôi bảo Xám Lớn ạ, hãy tiếp tục như vốn dĩ xưa nay vậy, từ giờ tôi gọi Xám Lớn là Ngài Xám nhé, tuy nhiên tôi sẽ tự tay dọn dẹp những đứa Xám Nhỏ khả nghi của Ngài


tôi tỉnh dậy vẫn trong trạng thái ngờ vực mình đã dọn dẹp đúng chưa, có phòng bị đa nghi quá chăng khi lũ chúng nó vẫn được việc như thế. Quay sang trái, với tay lấy điện thoại, tôi thấy đầu tôi nhẹ bẫng, fresh, vậy là cơn sốt đã tan; như mọi khi nếu tập đêm rồi chìm vào giấc ngủ thì tỉnh dậy đồng hồ luôn chỉ 03:47, mới gần 4 giờ sáng. Trận ốm đã lùi dần, tôi đã dọn dẹp ngôi nhà của mình

20.2.22

đường tròn. xoắn ốc

 


Hy sinh là phần cuối trong trilogy về thiếu tá Camille Verhoeven, series theo thứ tự: Travail soigné - Alex - Sacrifices [phần 3 Sacrifices - Hy sinh, bản tiếng Anh lấy tên Camille cũng hay đấy chứ, ngoài việc trilogy bản Anh thống nhất là các tên riêng Irène - Alex - Camille, nó còn ẩn chứa nhiều nội dung truyện]

trong đó phần 1, Irène - vợ của Camille đã bị kẻ thủ ác sát hại khi đang mang bầu 8 tháng, đọc Alex và nhất là Hy sinh sẽ hiểu phần 1 và 3 liên quan nhau thế nào, tiếc là phần 1 chưa được dịch/xuất bản


về Alex http://emidelicate.blogspot.com/2015/05/hai-huoc-en-khoi-au-cua-ket-thuc.html?m=0


Hy sinh thì Hanoi đang 10 độ cóng tay quá cóng luôn cả miệng; không kể ở mảng trinh thám hay trinh thám Pháp, Michel Bussi hay Pierre Lemaitre, nhất là Pierre Lemaitre, được dịch gì tôi sẽ đọc đủ hết vì đây chính là tác giả thực hành ngưỡng mộ văn chương một cách đều đặn những tên tuổi văn chương mà ông ấy thích, như Hẹn gặp lại trên kia chẳng hạn, nó chính là sự ngưỡng mộ Céline; còn ở các tác phẩm trinh thám của ông ấy thì yếu tố hài hước đen là không thể phủ nhận, và có một đặc trưng nữa ở cách ông viết truyện điều tra phá án: mô tả tội ác, không thể cận cảnh và lạnh hơn được nữa

về Hy sinh: ta tưởng mình bị hoàn cảnh vùi dập; không phải; những điều xảy đến với ta đều do ta tự tạo ra chúng; có thể nói không tồn tại 'ngẫu nhiên', đặc biệt trong ánh tranh tối tranh sáng và trò chơi 'căn cước'


ps. lâu lắm mới thấy lại từ "oa trữ" :); và sao lại là: suy nghĩ rất "nung", nung này nung gì :))) đọc thấy "suy nghĩ rất nung" in trên trang sách, một cảm giác nhột nhạt không nhỏ :))))



15.2.22

punishment




Cuộc trốn chạy của Josef Mengele đã mượn hình thức tiểu thuyết kể lại cuộc đào thoát khỏi châu Âu của Josef Mengele - bác sĩ ở Auschwitz, cuộc sống chui lẩn ở Nam Mỹ hòng tránh sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế trong 35 năm [1979 Josef Mengele chết một cái chết tuổi già cô đơn bệnh tật, nằm xuống với một cái tên khác]


những người có tư duy về luật pháp thường nói, có mục đích có động cơ thì đấy là tội ác, không có thì nó là sự điên rồ; như nạn diệt chủng người Do Thái họ cho là tội ác, còn những kẻ giết người do tâm thần/thái nhân cách xã hội thì pháp luật gọi là bệnh nhân, sự điên, không tỉnh táo của người có bệnh [hôm trước tôi đọc một tiểu thuyết trinh thám, một nhà tâm lý học cũng nói rằng phần lớn con người nghĩ vậy]; nhưng tôi luôn nghĩ nó không khác nhau, là một, nhất là một lúc nào đấy, khi nhìn những gì mà châu Âu đã trải qua dưới chế độ độc tài toàn trị - Đức Quốc xã, có thể Thượng Đế đã quên nơi chốn này của Ngài, Ngài bỏ mặc công trình của mình, vì nếu không, tại sao "mọi sự đều được phép" [trong Shosha, Singer hình như nói, thế giới ốm to]


về bác sĩ Thiên thần chết ở Auschwitz - Josef Mengele, có rất nhiều tài liệu có thể tìm đọc, đặc biệt là những gì tay bác sĩ đã tiến hành ở trại tập trung [không có gì nhiều để nói :), tôi vốn vẫn biết bác sĩ và đao phủ, người làm khoa học và kẻ tội đồ không xa nhau mấy, chỉ như đầu sợi chỉ sát rìa lỗ kim, trước và sau khi qua một lỗ kim], cuốn tiểu thuyết mỏng này theo như tham vọng của tác giả, hình thức tiểu thuyết có thể cho phép nó kể một câu chuyện được dựng nên có phần giả thuyết, hư cấu, tiếp cận được những vùng tối chính trị; nhưng chính vì hình thức tiểu thuyết, nó gây cho tôi băn khoăn, đây là văn chương ư. Phần đầu như liệt kê các sự kiện, phần 2 có lẽ giống tiểu thuyết nhất, phần kết như một thông cáo báo chí 



It is not the real punishment. The only effectual one, the only deterrent and softening one, lies in the recognition of sin by conscience

[Dostoievski]


sự trừng phạt tương ứng với tội lỗi: bị tước bỏ mọi niềm vui sống, chán sống cực độ

[Kierkegaard]



10.2.22

Alain: văn xuôi



Các chớp loé cái đẹp của văn xuôi đúng mang tới sự thật không chứng cứ, theo nghĩa âm nhạc đẹp thì không chứng cứ. Những cái đẹp cũng là các cổ vũ nhiều hơn là các mẫu, chính bằng cách đó mà chỉ cái không thể bắt chước thì mới dạy dỗ được, cho cả hai chiều của bộ ba: nghệ thuật - sự sáng tạo - tưởng tượng

Cái đẹp có đặc quyền là tồn tại và đẹp là sự vị duy nhất của tinh thần 


[(Ghi chép một ngày gần 1 năm trước đọc Hệ thống mỹ thuật của Alain), và đến 10.02.22 thì thật ra là tôi bê từ page Mèo Điêng của tôi sang, ban đầu tôi định sẽ sửa note Hệ thống mỹ thuật hoàn chỉnh rồi post fb cá nhân, nhưng chắc dài quá tôi chả hơi sức đâu sửa, nhất là nó đã vốn nằm trong tôi rồi, nên thồi, bê bên kia về bên này rồi thi thoảng có gì tôi lại cắt 1 đoạn ở note ra dán thêm vào là ok, đỡ phải sửa, nhọc]



9.2.22

tháu cáy

 



Ngôi sao của quỷ và Người tuyết tiếp tục series thanh tra Harry Hole, tôi rất thích hình tượng tác giả xây dựng cho Harry: nghiện rượu bất cần ngang bướng kiêu ngạo mù quáng... chỉ cho thấy một điều chắc chắn là, người này sẽ đi đến cùng, không nửa vời, chỉ cần lăn tăn một tiểu tiết nhỏ trong vụ án, họ cũng sẽ không buông tha nỗi ám ảnh. Tôi không chút thất vọng với tác giả trinh thám Bắc Âu Jo Nesbo yêu thích của mình, nếu phải thất vọng thì đau đớn lắm, phước thay 🙂


Ngôi sao của quỷ đọc trước nhé, giải quyết xong với nhân vật hai mang Prince Hoàng Tử [các mắt xích chóp bu hơn thì chưa] - người liên quan đến cái chết đồng sự Ellen của Harry Hole ở Chim cổ đỏ, còn Người tuyết có lẽ đã có thêm vài sự kiện ngay sau Ngôi sao của quỷ vì đến phần này, phòng làm việc của Harry đã có thêm 2 đồng sự quá cố, tuy nhiên ở phần này xuất hiện một nữ đồng sự mới của Harry, có nhiều nét tính cách và khả năng tư duy giống Harry. Chi tiết đến già nửa Người tuyết Harry mới phát hiện ra thân phận của nữ đồng sự, Jo Nesbo cố tình tạo ngã rẽ cho mê cung vụ án hơi vụng, với độc giả đọc trinh thám nhạy chút là phát hiện ra sớm rồi


ở cả 2 phần này, hung thủ là những nhà viết kịch già dơ, tình tiết chồng chéo như một bức tranh ghép khó chơi, thậm chí khi đã cố gắng phân loại và bắt đầu từ những phân mảng chi tiết ít ỏi đã biết để đi tìm cái chưa biết thì vẫn đầy bất ngờ. Có một nguyên tắc với những hình tượng điều tra phá án bằng trực cảm và tư duy như "thôi miên ý thức" kiểu Harry Hole, là: ta không biết mình tìm gì cho đến khi ta thấy nó, trong quá trình tìm kiếm, cái ta chủ định tìm không thấy cũng quan trọng ngang cơ cái ta không tìm mà thấy và đừng cố ấn một miếng ghép mà ta nghĩ rằng khớp rồi tiếp tục đi theo chiều hướng ấy để đặt giả thuyết, dù đôi khi đặt ra giả thuyết của giả thuyết cũng là gợi ý không tồi [nghĩ về điều không thể theo cách có thể]


mê cung dựng ra trước mắt, phải vào mê cung thì mới có con đường dẫn ra khỏi mê cung, ngay cả khi biết rất rõ mê cung ấy là dead line và đối mặt với ta là kẻ tháu cáy lão luyện


tôi thường không đọc được tiểu thuyết tình cảm hay truyện ngôn tình vì nó cho tôi cảm giác chúng không phải những câu chuyện tình yêu, thậm chí cảm xúc đuội chuội đuột. Khi đọc truyện trinh thám, thì tôi lại có cảm giác đây là những gì mà khi người ta yêu, người ta có thể bị số phận giật phắt ném vào, hay cho lên sân khấu như sắm vai chính của vở kịch, như 2 phần này trong series Harry Hole thì chuyện tình - ngoại tình, chẳng hạn. Chưa nói đến việc, đọc và hình dung biểu cảm, tâm lý, hành động của các nhân vật trong thể loại trinh thám [mà thật sự có thể loại hay sao :)))], dù là nhân vật thoáng qua, luôn khiến tôi có cảm giác một thế giới sặc sỡ màu sắc, hình ảnh. Nó sặc sỡ vì nó thật, không giả tạo nhờ nhợ. Tôi đặc biệt thích trinh thám Bắc Âu bởi chất văn của nó, chậm mà nhanh, một người bị ám ảnh bởi các giấc mơ như tôi, lặng im nhìn chữ khi nghe Harry nói, chỉ 2 câu thoại cộc lốc với sếp khi vừa chớm thoát cơn say "Không muốn ngủ. Không muốn mơ" [Giấc mơ sẽ là cứu cánh khi ta chấp nhận được sự đoạ đày của nó], hay tôi nhớ ở một quyển trinh thám nào đấy nhân vật thanh tra chìm đắm vào ảo ảnh ký ức để mất em mình trong bão tuyết... nó khiến tôi phải dừng lại 


lúc trẻ tôi nói với một người khi anh ấy ốm yếu bệnh tật rằng cuộc sống của em sẽ ra sao khi không có anh; khi trưởng thành hơn, nhìn cái nhìn ngang bằng có phần chếch xuống câu chuyện của mình nhưng do người khác viết ra, tôi nhận ra, ở vị trí người bạn của mình, anh đã đảo câu nói ấy thành, cuộc sống của em sẽ ra sao khi có anh và tôi hiểu những gì anh nói với tôi khi anh còn minh mẫn. Tôi bắt gặp tình thế này trong Người tuyết 🙂, mindset giới luôn vậy. Đến một lúc, tôi nhận ra mindset của mình càng lúc càng xa giới nữ, trước tôi thường thấy mình có phần giống cô gái nhân vật chính trong Kiêu hãnh & Định kiến, còn giờ, thế giới thống khổ Kafka có lẽ mới là lâu đài của tôi 


6.2.22

viết về nhà




trong một tiểu luận Claudio Magris viết, sau tất cả Quê hương Tổ quốc là những gì mà anh bắt rễ vào và là những gì bắt rễ vào anh


dân tôi có thói quen chuẩn bị Tết với tầng tầng lớp lớp đồ ăn nhưng chẳng ăn mấy, đấy là sự bắt rễ vào chúng tôi và không mấy bắt rễ liên quan những thói quen no đủ sung túc đầu năm ấy, tôi đi hấp xôi ngũ sắc thắp hương đêm giao thừa cất tủ lạnh 6 ngày, hấp nóng ăn ngon hơn để tủ lạnh cứng quèo


lề thói phong tục đón Tết trong no ấm bắt rễ vào dân tôi, mẹ tôi chẳng hạn, bà mua sắm thực phẩm nhiều đến phi lý và tôi dần bắt rễ với Tết bằng nghi thức cứ Tết là dọn tủ lạnh, dọn theo nghĩa từ cái còn dư còn lay lứt trong tủ, tôi nghĩ ra món ăn làm sao để không bỏ mứa thực phẩm, phải chế biến nó thành cái gì đấy ăn được không độc hại không đau bụng. Nếu một ngày Tết mẹ tôi không mua sắm đầy ắp nhà cửa nữa và tôi không đi dọn dẹp hậu quả sắm Tết ấy nữa, chắc đấy không còn là Tết cổ truyền của riêng tôi nữa rồi 


trái với tưởng tượng khi break fasting rằng ngày thứ 2 tôi sẽ ăn cả thế giới, nay là OMAD đầu tiên trong năm của tôi, tôi xuống nhà tuyệt nhiên không thèm ăn một món gì cụ thể, nhưng tôi ăn cho đúng giờ bữa duy nhất trong ngày vào 3 giờ chiều đã lên lịch, thế là tôi thêm yến mạch vào nồi cháo đêm qua và bắt đầu bật bếp, xắt hành lá tía tô, luộc ít rau bắp cải, trong lúc đợi những thứ trên bếp chín đủ độ mong muốn, tôi ăn nửa quả bưởi 1 quả xoài 7 quả táo ta. Rồi tôi có các món chính: đĩa bắp cải luộc, bát cháo, đĩa xôi chỉ còn 3 màu vì 2 màu anh chị Đại đã ăn hết


tôi đang nghĩ về việc tại sao hôm qua tôi đã muốn ăn rất nhiều món, ăn cả thế giới; còn hôm nay tôi chỉ cần ăn những món tôi thấy đang có là ổn thoả rồi; tôi có bình thường với tôi bình thường của ngày hôm qua không, tôi nghĩ miên man đến câu của Nietzsche, đâu là nơi chúng ta có thể cảm nhận là "nhà" của mình đây. Những giới tuyến chúng ta đặt ra rồi dỡ bỏ để dựng những giới tuyến mới. Những giới tuyến không chỉ chia tách ta với người khác mà còn chia tách chính ta thành từng phân mảnh


trong các giấc mơ khoảng 1 năm trước tôi rất hay chạy men ngược dòng nước; đi ngược chiều đường của các phương tiện hay bơi cắt ngang con sông và bơi ngược dòng; chèo thuyền ngược dòng; nhảy ùm xuống giữa con sông để bơi ngược dòng theo một con thuyền phía trước cũng chèo ngược dòng vì tôi tin người đàn ông già mình trần da khô sắt đang quằn mình chèo ngược dòng... và tôi lạc vào những nơi tôi luôn thấy quen trong mơ và lại biết mình không tìm được đường về nhà, tôi bỏ cuộc mở mắt tỉnh dậy vì biết sẽ lại không về được "nhà". Gần đây, tôi thường thong dong hơn trong mơ, tôi đi men ngược dòng nước, xe cộ đi ngược chiều với tôi, tôi thong dong mà rất tự tin, tự tin đến độ lững thững đi cho trường kỳ... và rất thi thoảng đến đầu đến đũa thì cuối cùng tôi cũng về nhà, nằm ngủ trên giường của mình, ngôi nhà 2 tầng thuở niên thiếu


tôi nhớ lần xuống núi putaleng, chúng tôi rút ngắn hành trình xuống hẳn 1 ngày vì đoàn quá trâu, xuống núi cách bản khoảng 3 tiếng thì trời đã nhá nhem tối, tôi ngồi nghỉ ở suối và nói với chị Quay anh Kéng porter rằng, lần nào xuống núi em cũng dễ lạc ở đoạn suối, lần ở fansipan xuống em suýt lạc ở chỗ con suối cuối cùng, chị Quay bảo tôi, bị lạc thì cứ men theo suối, cứ bám lấy suối đi xuôi nước thì sẽ về dưới xuôi, mùa hè rồi có 1 cậu bị lạc đoàn 3 ngày trong rừng, cậu í đi xuyên sang tận tỉnh khác xuống núi đấy, cậu í cứ bám lấy suối đi thôi, còn em đi ngược thì sẽ lên thượng nguồn


viết, là đi men dòng sông, ngược về cội. Viết, là về nhà

nhà, nơi những gì anh bắt rễ vào, những gì bắt rễ vào anh, nơi các giới tuyến chằng chéo phân định và bản thân nó cũng là các giới tuyến; như cái nền để anh đặt chân xuống làm trụ, bén rễ xanh cây. Nhà tự đứng như quả địa cầu chung chiêng tự đứng nghiêng nghiêng tồn tại. Khi không đâu là nhà thì là đang đi lạc và, lạc thì không đâu là nhà

1.2.22

khai xuân

 [quyển sách khai xuân]



tập tiểu luận chất lượng của Claudio Magris; tính sáng suốt, sắc sảo và mạng lưới tác giả giăng ra khiến người đọc đôi khi dừng sững, đọc đi đọc lại một câu văn như một câu hỏi ai đó xoáy vào liên hồi, hay câu hỏi chính mình đặt ra cho mình

tất tật làm tôi nhớ đến một người, một ông già, cũng nước Ý: Umberto Eco 


sách đọc nhiều lần, sẽ còn trở lại 


ps. có nhiều chỗ đọc nghi hoặc, có lẽ bản dịch cần biên tập nhiều, VNT dịch từ tiếng Ý, ngay lời giới thiệu một sai sót thế nào đấy đã cho Claudio Magris sinh sớm hẳn 1 thế kỷ :))) 1939 thành 1839