Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

23.12.24

lối mòn




Chuyện các bà vợ già là bức tranh tỉ mỉ về đời sống Anh, tỉ mỉ một cách thái quá và hoàn toàn có thể coi nó là tài liệu để biết về xã hội trung lưu Anh nửa sau thế kỷ 19 đến thập niên đầu thế kỷ 20. Một truyện rất Anh, cũng là một truyện con người nói chung; đúng như lời đầu của tác giả viết, nó không khỏi làm người ta nghĩ đến Một cuộc đời của Maupassant [tôi cũng chính vì đọc lời đầu sách này mà đã đọc Chuyện các bà vợ già - một tiểu thuyết dung lượng hơi gây cho tôi chút bối rối, liệu mình đọc tới chừng nào đây, có phí phạm sách không khi mình đang có chồng từng chồng sách phải đọc đồng thời cùng nhau (nhất là khi tôi đã mất thói đọc một tác giả nào đấy chỉ với một quyển), vì tôi bắt gặp ở đây con mắt nhìn của Arnold Bennett, ông không đánh giá cao Một cuộc đời, ít nhất là trong đối sánh với Pierre và Jean - tôi cũng nhìn như vậy, không muốn nói, tôi đã cho Pierre và Jean vé hạng nhất trong địa hạt Maupassant ngay khi đọc xong (ở lời giới thiệu, lỗi sót, tên bản dịch ban đầu "Dấu vết thời gian" chưa được đổi về tên gốc The Old Wives' Tale - Chuyện các bà vợ già; ngoài ra trong cả quyển sách dày này chỉ còn 1-2 lỗi typo, 1 lỗi trang 252 thì phải, lỗi còn lại tôi không nhớ, tỉ lệ lỗi thấp đáng kinh ngạc cho dung lượng sách gần 650 trang khổ cơ bản, với các đơn vị xuất bản khác, có lẽ đã thành khoảng hơn 900 trang, thậm chí cả nghìn :)]

với một chút tự tin, Bennett đã dựng như đúng tên Chuyện các bà vợ già, những tận hai nhân vật chính với bố cục quyển sách cho ba người phụ nữ - những thiếu nữ rồi thành người vợ rồi thành bà vợ già, và dễ hình dung, bà vợ già thì khả năng phải gắn với đời sống bà góa: một người mẹ và hai cô con gái [và đúng là ba người họ đều góa chồng, dẫu một người gần như không phải sống đời bà góa, ngắn ngủi vô cùng] trong đó hai cô con gái là nhân vật chính của truyện - cô chị ở lại tỉnh nhà nhỏ bé ở Anh và cả đời bà có lẽ có thể tính là không đi đâu khỏi nơi mình sinh ra và sống cả đời trong một ngôi nhà [trừ quãng ngắn như một cuộc cách mạng bất thành] và cô em thì trôi dạt sang Pháp, thân lập thân với một khối tài sản đáng kiêu hãnh sau 30 năm mới đoàn tụ với chị. Bennett cùng người đọc theo dõi đời sống của hai người phụ nữ, Constance và Sophia, từ thuở ấu niên cho tới già, đúng như motif của Maupassant với Một cuộc đời [đây cũng là một motif điển hình của tiểu thuyết], nhưng nếu chỉ đọc như đọc các motif quen, chắc không còn ai đọc tiểu thuyết văn chương văn chương. Bennett đã biến cái motif quen thuộc ấy, bình thường hóa ấy thành cái khiến người ta phải đọc và đọc trong tiếc nuối vì mỗi trang qua đi đồng nghĩa nó đang dần đi đến hồi kết, như đời một con người mỗi ngày qua đi, mỗi sự kiện qua đi là người ta đang đi dần đến cái chết; người đọc không còn rõ mình phải cười hay khóc hay vừa khóc vừa cười trước màn tâm lý nhân vật tơ mành mành và giọng của Bennett. Hai người phụ nữ chậm chạp thay đổi theo ngày tháng trôi qua; tình cảm, hành động, cơ thể, tinh thần... dần không còn mềm mỏng, linh hoạt, mạnh mẽ kiêu hãnh như trước, nhưng dường như họ không nhận thấy, vẫn tưởng mình chẳng thay đổi gì cả, trong khi người đọc với sự dẫn lối của Bennett rõ ràng đã nhận ra sự thay đổi li ti từng chút, nhận ra dấu thời gian vết từng sự kiện chặng đường - một lối mòn

thời gian thay đổi mọi thứ ngay cả bi kịch ta cũng quên mình đang có nó, quen với tất tật bất thường như bình thường mà ta không nhận ra. Kết cục của Sophia làm tôi chờ đợi trong những năm tháng tới đây, nếu có thể sống đủ già hơn, về ý nghĩ tiếc nuối của Sophia rằng mình đã không sinh con [Katherine Mansfield cũng có cùng nỗi tiếc nuối này], có lẽ giờ tôi vẫn còn chưa đủ già, còn quá kiêu hãnh để có nó, tôi sẽ trông mong nỗi tiếc nuối đó đến, nếu nó có tồn tại và có nó; còn kết cục của Constance, nếu không có Sophia là một tham vọng thêm vào của Bennett khi viết Chuyện các bà vợ già thì kết cục ấy với chỉ riêng nhân vật chính là Constance, có thể cũng mang nhiều màu sắc theo ngả Một cuộc đời của Maupassant

con người không hiểu đời chừng nào chưa trải qua các sự biến số của mình, chừng nào chưa trải qua một phần lớn đường đời để thực sự chính đáng được nói câu "đời là thế đấy" - tên quyển bốn của câu chuyện, với giọng điệu bình thản nhất có thể có. Và nếu ta sớm hiểu đời ở ngưỡng tuổi chưa hiểu đời, nhìn thấy các tiêu bản cùng những dị bản số phận đi kèm, thì ta còn muốn sống như vậy không, còn đặt chân bước tiếp không dẫu cũng không thể giữ mọi thứ ở một chuyển động đứng yên hay trở lui, thậm chí là dợm chân bước. Biết gần như tất tật sẽ như thế và đủ kiêu hãnh để chống đỡ chịu đựng chấp nhận phần còn lại biến số thì người ta có chọn tiến tới 🙂 [nếu ở vào một tình thế phải quyết, chắc chắn sẽ khiến tôi sinh ra cái mà người ta gọi là, suy nghĩ muốn chết, tôi tất nhiên không muốn chết, ý muốn chết thật báng bổ, nhưng sẽ may mắn hơn nếu tôi đã chết rồi (lại một câu quen, "muốn sống thanh tao lên trên trời mà ở", muốn không phải nghĩ thì chỉ có chết thôi, vì còn sống là còn biến số còn phải nghĩ), còn thì ở đây tôi muốn nói suy nghĩ muốn chết tức là suy nghĩ nhiều muốn chết luôn, nghĩ nhiều dức đầu muốn chết cho rảnh nợ]


11.12.24

Hans Olav Lahlum: Người

 Hans Olav Lahlum: Người


[mưa lạnh đọc trinh thám sướng thật]

thêm một tác giả trinh thám Bắc Âu đáng để theo đuổi vài quyển: Hans Olav Lahlum. Tác giả trẻ, 1973, là nhà sử học, kì thủ cờ vua nên series K2 cùng cộng sự, một cô nàng ngồi xe lăn, có câu chuyện lấy bối cảnh những năm cuối 60 thế kỷ trước, lồng ghép nhiều chi tiết, sự kiện thế chiến 2. Thế mạnh của trinh thám Bắc Âu là câu chuyện có chiều sâu, khai thác chi tiết tốt hơn hẳn trinh thám Mỹ, series này thiên về tư duy điều tra cổ điển thu thập thông tin, bối cảnh ấy thì không trông mong gì các phân tích pháp y hay kết quả giám định khoa học tiên tiến


Người ruồi có câu chuyện hay hơn Người vệ tinh, nhất là tác giả đề tặng một người bà của mình, cuối sách nói rõ câu chuyện của người bà trong thế chiến 2, câu chuyện đó gợi cảm hứng cho Olav Lahlum viết Người ruồi; nhưng đó mới chính là một câu chuyện thu hút và nếu có đủ khả năng viết câu chuyện theo đúng tài/tư liệu lịch sử về người bà thì đó thực sự là một câu chuyện đề tài điệp viên/chiến tranh, số phận con người trong cối lịch sử... có sức nặng, thậm chí nó vượt thể loại trinh thám vốn dĩ bị nhìn là bình dân, tôi chắc phải dành thời gian tìm hiểu về câu chuyện người bà này của Olav Lahlum, theo như tác giả viết thì câu chuyện này đã được xuất bản dưới dạng tiểu sử, hồi ký và có người đã viết thành phóng sự báo chí, đề tài học thuật. Người ruồi không có plot twist, cũng dễ dàng đoán ra thủ phạm, suy luận không đánh đố... nhưng, như thế mạnh của trinh thám Bắc Âu thì bản thân câu chuyện đó đã hay, không quan trọng phá án, nhất là khi hình ảnh K2 ngô nghê làm nền cho Patricia - một tư duy sắc bén bị trói chặt với xe lăn


Còn Người vệ tinh được viết tốt hơn hẳn quyển đầu Người ruồi, nếu nhìn nhận theo hướng thể loại trinh thám; plot twist tốt hơn, nhịp ổn định và cái kết theo hướng trinh thám hơn... nhưng vì quá ấn tượng với niềm cảm hứng viết Người ruồi nên đó vẫn là đầu dây để tôi theo series này, có thể thêm 1-2 quyển nữa nếu được dịch, nghe nói series 6 quyển nhưng hiện mới có 3 quyển được dịch sang tiếng Anh 


theo cách nhìn của Olav Lahlum thì mỗi chúng ta có thể đều đang là những Người ruồi, là những Người vệ tinh. Không biết là Người vệ tinh của [những] ai, nhưng những Người ruồi phần lớn là những người mà họ cứ quẩn quanh mãi, thậm chí quẩn quanh trong thế giới những cuộc đời khác qua sách vở, sống những cuộc đời khác, sống đời mình như tiểu thuyết do kẻ khác viết, bởi ở đó, bất cứ ngõ ngách đường hầm nào, họ cũng bắt gặp chính mình 









 

4.12.24

Tarax Bunba




quyển nhỏ bên trái là bản in 1966, nay là tròn 5 năm tôi cầm quyển sách này của anh bạn he he sorry anh :); quyển bên phải tôi mới kiếm được trong năm nay, tái bản lần ba, in 1983


chỉ khác nhau Lời giới thiệu, bản 1966 viết đầy đủ những gì về Ukrain và Nga theo cách hiểu Gogol của tác giả; còn bản 1983 cứ những câu Ukrain và Nga là cắt, thậm chí nhân dân Việt Nam chống Mỹ cứu nước ở bản 1983 cũng cắt. Bản 1983 sửa một vài lỗi typo, trình bày viết hoa viết thường. Còn đâu y nguyên


may tôi cầm bản 1966 lâu nên có cái đọc, sách in đẹp chỉ bị 1 trang giấy in mặt trước mặt sau hiện chữ nhau mờ mờ, chứ bản 1983 nhoè quá với mắt tôi. Ôi mẹ của con, cứ những ngày mẹ ốm, không còn tiếng điện thoại các chương trình hẹn hò, kén dâu kén rể bên tai, không nghe mẹ gào thét xuyên từ trong nhà ra phố... sự yên tĩnh này con đã giải quyết bao nhiêu sách vở tồn đọng; xin các Đấng tha lỗi cho con khi nghĩ và nói điều ấy 🤦🏻‍♀️

29.11.24

ngọn cỏ gió đùa



có lẽ là quyển cuối cùng đọc Hồ Biểu Chánh, vậy là đã hết các chuyện nhân tình thế thái Hồ Biểu Chánh trong nhà tôi. Tôi chỉ mua duy nhất một quyển Ngọn cỏ gió đùa, vì tôi thích cái tên của nó nhất trong các tiểu thuyết của ông [các tên khác thường trỏ quá rõ, hết tò mò]; Ngọn cỏ gió đùa, cái tên đã đủ hình dung thân phận những con người sẽ xuất hiện trong truyện: phận hèn, nát thân bồ liễu, nắng táp mưa sa, đường ngay nẻo vạy... Đây cũng là tiểu thuyết dài hơi nhất trong mấy truyện Hồ Biểu Chánh tôi đọc, nó lấy một phần bối cảnh sự kiện lịch sử Lê Văn Khôi nổi dậy 1833 - 1835, ai biết tôi cũng biết, dính đến lịch sử thì khổ cực cho tôi nhẽ nào, tôi đọc mà có biết có nhớ gì đâu; trong này cũng có duy nhất nhân vật tôi thích trong từng đó nhân vật của Hồ Biểu Chánh: Lê Văn Đó - con người trọng lời, quân tử, hào sảng [tôi đọc tới tên nhân vật, có ngẩng lên bảo Loan, các cụ xưa đặt tên buồn cười, thằng anh Lê Văn Đây, thằng em Lê Văn Đó, Đây với Đó; Loan bảo thế xưa đẻ 3 đứa mày tao khéo bảo đặt tên Hát Tê Mờ, tôi hỏi sao đặt thế, Loan bảo thích thì đặt thôi; cũng trong truyện này có tên Từ Thu Vân, làm tôi nghĩ đến một cái tên tôi luôn tính sẽ dùng :))) Từ Vân Du]

Hồ Biểu Chánh là người nghe vào tai nhiều chuyện, và thuần tuý thuật lại chuyện nhân tình thế thái. Ông không phải người kể chuyện hay, tài văn chương, với tôi, nhưng tôi vẫn đọc để biết rồi thì không cần quan tâm nữa 

bản in cũ hơn 400 trang Ngọn cỏ gió đùa, tôi không cố nổi, mắt tôi mờ cứ căng ra đọc như hóc nên tôi nhớ mang máng trong nhà có một quyển Hồ Biểu Chánh hình như đúng Ngọn cỏ gió đùa, nên tôi đi lục đọc cho nhanh, giải quyết hết Hồ Biểu Chánh trong nhà. Không ngờ thấy luôn, may quá 


thôi đi đạp xe :)

nhầm

 


Constance - một người phụ nữ trong Chuyện các bà vợ già của Arnold Bennett sau kỳ trăng mật trở về, đối diện với vai trò mới và một hệ quả sờ sờ kéo theo vai trò ấy: vực thẳm giữa 2 con người [phải giả vờ không thấy hay thậm chí ngờ rằng có vực thẳm], cô cho rằng, cuộc đời người phụ nữ kết hôn của mình sẽ không thiếu sóng gió

Đoàn Thu Hà - người phụ nữ trong Khóc thầm của Hồ Biểu Chánh, nhìn nhầm. lấy nhầm. khóc thầm 

nhìn thấy nhiều, từ rất sớm, các tiêu bản phụ nữ sống cuộc đời kết hôn, cả chiều dài dấu vết thời gian, người ta còn muốn sống như vậy. Băn khoăn :)

kiếp phù sinh




kiếp phù sinh như hình bào ảnh

có chữ rằng: vạn cảnh giai không

[ND]

hôm qua đọc Con nhà giàu, hôm nay đọc Con nhà nghèo. Tôi hay nói nhả, ăn ở gây thù chuốc oán bạc đãi nhau, rồi đời sau con cháu lại va nhau duyên nợ, kết duyên không được dứt tình không xong, làm sai quấy mà lĩnh quả ngay là nhẹ, đợi tới hậu vận sau lĩnh quả e quả nặng lĩnh không nổi

thôi đạp xe dạo mát vài vòng cái

nhân tình thế thái Hồ Biểu Chánh




chuyện nhân tình thế thái. Đọc truyện nghĩ tới 2 ông con nhà giàu bạn tôi

một ông có suy nghĩ giống Thượng Tứ trong truyện: má hỏi tôi thi đỗ không, tôi đỗ làm sao được, thằng đó đỗ vì nó con nhà nghèo nó phải học phải lo công chuyện sinh nhai, tôi con nhà giàu thì tôi học làm chi, tôi phải chơi phải tiêu xài, có biết chơi biết tiêu xài thì mai mốt tôi ra đời tôi mới rành các mánh khoé ở đời mà không bị người ta lừa gạt. Ông bạn mình thì như ổng nói, tớ chơi chán xe cộ bán rồi; đứa em hỏi anh chơi hết tiền bạc các thứ rồi có tiếc không, ổng bảo tiếc gì, chơi sướng thế rồi thì còn tiếc gì nữa. Ổng nói ý tứ thì cũng bị gái và người đời tệ bạc nhiều, ổng bỗng tỉnh mộng nhân tình, tắt lửa lòng dù trước giờ 7-8 năm quen nhau mình gọi ổng don juan, rồi giờ bỗng nhiên lại nghĩ chuyện giúp người giúp đời làng xóm các thứ, thấy tâm tư si nghĩ lung lắm. Nếu nửa sau truyện của Thượng Tứ là đường don juan đang đi thì tốt thôi; dẫu sao kịch bản cuộc đời cũng vừa rất nhiều mẫu và chung quy cũng chỉ bấy nhiêu


một ông thì là công tử nhưng lại chân chất học hành, theo nghĩa ngược ông don juan, không chơi bời chi hết, chỉ lo thâu nạp kiến thức để không bị ngu ngơ trước đời, không bị lừa lọc khi ra đời. Mà đời thì phải chơi, sống là chơi mà ông không chịu chơi lại chỉ lo học để cập nhật kiến thức chạy theo guồng tri thức tiến từng ngày. Nên đời lại hay chơi ông, cứ nghe ổng kể chuyện là lại thấy ổng bị người ta lừa bị người ta dắt mũi lợi dụng. Bảo ổng nếu đọc sách thì đọc ít sách hộp kiến thức thôi kẻo thành mọt sách ngơ ngác trước đời; đọc tiểu thuyết đi cho cái mắt nhìn người nó thật thoát khỏi đôi mắt kính 5 đi ốp, ra đường chỗ nào cũng va vào cho vui... nhưng không, ổng ra đường chỉ đi thử đồ ăn các nhà hàng, đi triển lãm, rạp phim, hiệu sách... rồi lâu lâu bỗng bị đời chơi, ổng nói: nay em nhớ lời tú nói, đúng là abc đúng là xyz, sao tú có nhiều câu bất hủ vậy, cô có muốn mai này cô trết thì tôi hay truyền nhân nào chép lại các câu đó hay là tạc nó vào bia mộ cho cô không :))))


rốt cuộc tôi chọn đọc Con nhà giàu đầu tiên thay vì Con nhà nghèo, đều của Hồ Biểu Chánh, vì tôi là con nhà nghèo mọi mặt trận rồi, tôi nghĩ chắc tôi cũng hiểu phận Con nhà nghèo tí chút, nên tôi đọc Con nhà giàu cho đổi không khí. Mà đầu tôi nghĩ đến 2 tiêu bản số phận con nhà giàu 2 ông bạn tôi :))) sao mà mũi lao lao 2 hướng song song. Lô Hồ Biểu Chánh này tôi được tiệm sách quen gởi cho đọc, tôi phải đọc cho biết chuyện nhân tình thế thái Hồ Biểu Chánh, đọc xong tôi sẽ cho lại ai đó muốn đọc như cách tiệm sách quen cho tôi; ai lấy đọc nhớ chắc chắn là mắt phải đủ tinh nhé :)