Pheromone là
những chất được sử dụng như những tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài,
những chất này được tiết ra ngoài cơ thể côn trùng và có thể gây ra những phản ứng
chuyên biệt cho những cá thể cùng loài khác. Goth – Những kẻ hắc ám của
Otsuichi làm tôi nghĩ mãi về con người nhìn con người là con người và con người
nhìn con người là con mồi để bị săn. Hồ của Kawabata Yasunari có nhân vật nam
chính đi theo phụ nữ như thể lão lạc vào ma cảnh, những người phụ nữ lão đi
theo như tiết ra thứ gì đó triệu hồi nhân tố bệnh hoạn bên trong lão; lão bám theo có thể chỉ bởi đôi bàn chân xấu xí dị
hợm nhăn nheo của lão muốn bám theo, đôi chân xấu xí ấy nằm ngoài cơ thể và sự
kiểm soát của ý chí; hoặc có thể, bởi chính cái đẹp tỏa ra từ những người phụ nữ
đó hoặc thứ đó khiến họ phải bị bám theo một cách ma quái, mời gọi, đánh thức,
và dẫn dụ kẻ khác phải bám theo, "một thứ giống như ma giới, ở đó có loài
ma quỷ khác với con người sống lẫn giữa loài người"; dù bởi điều gì thì
lão hay những cái đẹp ấy cũng là những cư dân trong cùng một ma giới. Hay như nhân vật phụ trong Ác nhân
của Yoshida Shuichi nói về cô gái nạn nhân trong truyện “loại con gái như thế này
phải bị đàn ông giết thôi”… Tức là có tồn tại những cá thể tiết ra pheromone mời
gọi những cá thể khác cùng loài với lời hân hoan “xin mời bước vào maya”, và tồn
tại con người nhìn con người là con người và con người nhìn con người là những
con mồi.
Goth của
Otsuichi thì đậm đặc pheromone :), là truyện gồm 6 truyện xoay quanh hai cô cậu học sinh cấp 3 dị hợm, và như tên truyện
Goth – Những kẻ hắc ám thì cả 6 truyện, có thể đọc như 6 truyện ngắn vì nhiều
chi tiết quanh hai nhân vật chính được lặp đi lặp lại; các nhân vật đều không
có ai là không Goth :). Tất cả được sắp đặt kể dưới con mắt của Người Quan Sát –
cậu học sinh cấp 3 [truyện cuối cùng người đọc mới biết tên nhân vật nam chính].
Vai trò của người quan sát là nhập vào cái ác, dần tìm ra hung thủ, chứng kiến
tội ác diễn ra nhưng chỉ quan sát, cậu tự nhận mình là kẻ hắc ám, với cậu những
thứ cậu phô diễn ra với mọi người vốn chỉ là tạp âm của một cái đài bị chỉnh sai
kênh. Kẻ dùng dao sẽ chết bởi dao, chảy máu bởi dao, muốn hiểu về cái ác thì phải
hóa thân vào nó, vô hình trung khơi dậy nhân ác vốn có sẵn trong mình, thậm chí
rất có thể anh trở thành chính cái ác, trong mỗi người luôn tiềm tàng một kẻ dị
hợm sẵn sàng để được tô điểm càn khôn bằng tính phi nhân của mình. Và lúc này
thế giới chia thành 2 loại người: loại có thể giết người và loại không :p, nó
chính là một biến thể của dục vọng, kẻ tuân theo dục vọng và không, muốn và
không muốn, có thể có được cái mình muốn một cách dễ dàng và khoái hoạt nhưng có người chọn làm
và có người không. Đã nói rồi, không làm một việc gì đó khó hơn làm một việc gì
đó rất nhiều :v
Tôi nhớ tập
truyện Zoo của Otsuichi có một truyện ngắn, không phải truyện tôi thích hay ấn
tượng nhất, Trong công viên [hay Trong công viên buổi chiều tà hôm ấy?] thế
này: Đứa trẻ chơi trong công viên đến lúc hoàng hôn tắt nắng thì ra nghịch cát,
nó thọc tay xuống cát thì túm được mấy sợi tóc, nó thọc tay sâu xuống lần nữa
thì có bàn tay chạm vào tay nó và viết vào lòng bàn tay nó chữ [đại để] Cho tôi
lên trên ấy, đứa trẻ nhanh chóng viết đáp lại Không được, thế là bàn tay dưới
cát kia buông tay đứa bé ra luôn. Sau đó, bãi cát được người ta quy hoạch xây nhà
cao tầng và đứa bé tự nhủ, điều đã xảy ra là không thể và có thể hay không thể thì
câu trả lời của nó cũng là Không được :p. Đây chính là bầu không khí chung của
Otsuichi, rất sòng phẳng và “cứ như không”. Ngóc ngách tối tăm quỷ dị thì cũng “cứ
như không” vì nó là phần bản chất phi nhân của con người, nhắm mắt không nhìn
nó thì nó sẽ không tồn tại ư :v. Nếu mở mắt soi rọi nó bình thản và tĩnh lặng,
rất có thể ánh sáng bình minh tinh khiết sẽ phủ ấm và thay đổi cục diện. Một
con đường để đi có thể sẽ mờ mờ hiện ra trong bụi tàn tro
P/s: Mình
thích truyện Khuyển nhất, một vài đoạn trong Đất. Otsuichi hay dùng lại đòn nhỉ,
cái cách lừa độc giả bằng chị em sinh đôi rồi đảo xưng hô cho độc giả tin vào
cái độc giả muốn tin í :p. Đây là người viết điển hình cho cách viết chỉ dùng
câu trần thuật đơn giản, tất cả sẽ được kéo lại bằng ý tưởng câu chuyện và cách
ủ bột câu chuyện [nó sẽ nở thành cái gì gì gì đây].