Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

28.12.15

Mệnh lệnh số phận



Ngay khi đọc được một nửa Chân dung Dorian Gray biết là sẽ thích nhà văn này. Đọc xong thì biết không chỉ thích thứ suy tư của ông ấy, kỹ thuật viết của ông, mà còn thích cả cách ông xây dựng câu chuyện, ý tưởng câu chuyện nữa. Trong 2-3 ngày sau đó, cứ nghĩ mãi về việc ta có đúng như ta vẫn nghĩ về mình không. Lại là một ca trúng bả 
Chính vì thế mà tiếp tục luôn với một tập truyện ngắn của Oscar Wilde: Tội ác của huân tước Arthur Savile và các truyện ngắn khác. Tập truyện mỏng này chỉ gồm có 4 truyện ngắn, nếu bảo bị đẩy vào việc tiếp tục suy tư về sắc thái của Chân dung Dorian Gray thì cũng hoàn toàn là việc khó tránh, mà cho rằng tập truyện ngắn này thật dễ chịu so với những xô cỡi của Chân dung Dorian Gray thì cũng không sai.
Tội ác của Huân tước Arthur Savile-Câu chuyện về bổn phận cho thấy sức mạnh của mệnh lệnh số phận giáng xuống đầu óc con người, một sức mạnh hết sức điên rồ và quái gở, nó làm cho con người tầm phào, phù phiếm và diện mạo của đời sống táo tợn, đầy ải thân phận con người đến chỗ không thể đào thoát khỏi sự ngu xuẩn. Có rất nhiều chi tiết đặc sắc trong 4 truyện ngắn, nhưng chi tiết khiến tôi thấy điên rồ, khoái nhất chính là việc mệnh lệnh số phận ở Tội ác của Huân tước Arthur Savile, bỗng một ngày anh nhận thức rõ lối vận hành bí ẩn của Định Mệnh cũng như ý nghĩa nghiệt ngã kinh hoàng của Số phận tức là thình lình cuộc sống đã cho anh hiểu một điều nó vốn bày sẵn ra mà anh không nhận thức được: sự nhào nặn hoàn hảo của nó không nhằm mang đến một thứ vô lo vô ưu, mà chỉ tổ thổn thức những đầy vơi mà thôi. 
Bí mật nhân sư nhuộm trong câu chuyện tình ái và bảo rằng ta dám sống chân thật với mình tới đâu, có phương cách nào để tìm được con đường hiểu chính mình, ta có giống như ta vẫn nghĩ, vẫn hiểu về mình. Nó là câu chuyện của người khác phóng chiếu đến ta, và ta soi rọi chính mình.
Con ma của dòng họ Canterville mang màu sắc của truyện cổ tích, tôi hình dung nó hoàn toàn có thể trở thành một bộ phim ma vui vẻ cho các bạn nhỏ với kết thúc có hậu. Nhưng điểm khiến tôi thấy thú vị nhất ở truyện ngắn này chính là chi tiết hồn ma thế kỷ XVI đã liên tục nhiều lần cố gắng tái hiện lại hình bóng huy hoàng của một hồn ma thắng lợi trong quá khứ, khiến cho những thất bại liên tiếp ở hiện tại bốc một thứ mùi tuyệt vọng ảo não, lên men nẫu ruột. Một cái kết có hậu khẳng định: sự tinh khiết của một đứa trẻ khiến quyền năng của Địa Ngục cũng phải chào thua.
Người mẫu triệu phú là truyện ngắn nhẹ nhõm nhất trong tập truyện này, một triệu phú trong trang phục người ăn mày làm mẫu vẽ cho họa sĩ, sự ngông cuồng của triệu phú hay mục đích tiên quyết của người nghệ sĩ là phản ánh điều họ nhận thức, phản ánh hiện thực chứ không phải cải tạo nó. Câu chuyện gieo mầm cho sức mạnh của việc làm tử tế và lòng trắc ẩn.

Nhìn chung là tôi trúng bả Oscar Wilde rồi 

26.12.15

Chân dung con người





"hãy nhận ra vẻ đẹp thời trẻ của mình khi anh vẫn đang có nó, đừng ruồng bỏ thời gian vàng son, đừng nghe những lời vô vị, đừng cố gắng cứu kéo một sự thất bại không thể nào ngăn được, đừng ném tuổi xuân vào tay những kẻ ngông cuồng, những kẻ tầm thường, những kẻ chỉ biết nhìn đời bằng đôi mắt dung tục giả dối, cả những kẻ châm chọc ngu ngốc nữa. Hãy sống nhé! Hãy mạnh dạn sống một cuộc đời phong lưu huyền diệu anh đang có. Đừng đánh mất những gì thuộc về anh. Hãy luôn tìm những cảm giác mới lạ. Đừng sợ hãi bất cứ điều gì"

Một chủ nghĩa hưởng lạc mới-đây là điều mà thế kỷ của chúng ta đang mong muốn. Thế giới thuộc về anh trong một thời gian mà thôi. Oscar Wilde đã đoán định tư tưởng này hơn một thế kỷ trước trong tiểu thuyết duy nhất của mình Chân dung Dorian Gray (1891). Nào, ta tự đánh đu và nhập cuộc với cuộc đời hưởng thụ, cuộc đời cám dỗ thôi. Tìm kiếm cái đẹp trong thế giới này nếu chỉ dừng ở việc không tàn phá nó, và cũng không màng tới đổ vỡ của nó, thì vẫn hoàn toàn là chưa đủ, những xô cỡi tàn khốc, giãy dụa cắt cứa vật vã, nỗ lực đối diện trong tuyệt vọng ở nhiều chiều kích của thân phận con người co quắp đánh đu với bản năng tự nhiên mà con người gọi đấy là tội lỗi ngọt ngào nhơ nhớp, trì níu sự trần truồng của tâm hồn để nhìn vào thực chất của băng hoại thịt da nhục thể. Bóng tối của ảo tưởng màu đen sẽ trườn vào ngõ ngách của tâm thức, nằm ở đó vần vò thác loạn đến kiệt sức, rồi hé lộ chút chân dung phũ phàng của thực tế đủ để ta cảm nhận được sự lõa thể của cuộc đời mà chúng ta vốn đã quen thuộc nhưng chưa bao giờ ý thức nhận ra.
"Con người là một sinh thể rất phức tạp chứa đựng trong hệ tâm thức của mình rất nhiều giai thoại tư tưởng và những đam mê. Thân xác ngay từ buổi đầu vừa mới sinh ra đã mang theo những mầm bệnh đam mê ma quái cho đến ngày chúng ta chính thức tắt thở lìa xa cõi đời"

Mỗi chúng ta có cả hỏa ngục và thiên đàng bên trong con người của mình. Chúng ta không phải các thiên thần, cũng không phải là những cái xác không hồn, mà là những sinh vật có cả thân xác lẫn tinh thần. Không có đức hạnh gì trong chuyện trông tiều tụy và cảm thấy ảo não. Nhưng hoan lạc, cám dỗ, hưởng thụ, nhục thể cũng không là mục đích tự thân, mà chỉ là một phần trong cuộc hành trình của chúng ta để đạt tới sự trưởng thành, sự tử tế, hạnh phúc và tìm kiếm cái đẹp. Chúng không phải là mục đích của cuộc hành trình.
bởi thân phận con người sinh ra vốn dĩ đã phải chấp nhận sự ngu dốt là một sự kiện cơ bản của phận người, không gì trì hoãn được thực tế phũ phàng điên rồ ấy. Ai muốn đi thì đời đẩy đi, không muốn đi thì đời kéo lê đi.

Vào một chiều thu, tôi ngồi nói chuyện với người gấp đôi tuổi mình, "sách vở cứu bác khỏi hư hỏng", tôi thực sự hiểu điều ấy và cũng hiểu, sách vở xô tôi tới hoan lạc điên rồ và cũng cứu kéo tôi khỏi cám dỗ rồ dại không kém cạnh gì lúc chúng xô tôi. Đánh đu và nhập cuộc trên con thuyền trong cơn bão biển.

24.12.15

Ừ thôi em về



Con mều trắng đốm đen ngày xưa ấy, không khôn lanh và quái nít như EMi bây giờ, dáng vẻ cũng không bệ vệ oai phong uy hiếp tinh thần Lốc như EMi đã, đang ngự trị dưới tên gọi chủ nô-bệ hạ, còn Lốc là nô lệ-nô bộc-ngu thần, cũng không có cả tên ngoài cái tiếng gọi meo meo rất đỗi giản dị. Nhưng Meo Meo rất tình cảm, mỗi lần Lốc khóc hay buồn bã ngồi chửi bức tường, chửi cái quạt trước mắt đang quay tít vào mùa hè hầm hập nắng chênh chếnh không thể nằm luyện chưởng Kim Dung mà cứ phải vác xác ra ngoài đường vì rõ ràng là sẽ bỏ học ở lò luyện thi nhưng vẫn cứ phải ra khỏi nhà để khỏi bị nghi ngờ thì Meo Meo đều ngồi vào lòng Lốc mà ngước mắt long lanh kêu meo meo đầy chia sẻ.

Còn EMi bây giờ, hãy nhìn xem. Đêm qua bưng mẹt khóc từ toilet bưng ra đến phòng, rồi bưng tiếp xuống nhà tắm, rồi lại bưng vào giường. Mắt sưng như hai quả nhót đặt vào mí trên, áp vào quầng dưới. Thế mà nó vô tư bình thản như là ta không tàn phá cô và ta cũng chẳng màng đến những đổ vỡ cô đang ngự trị sở hữu, cô cứ làm nữ hoàng trên ngai báu u sầu của cô đi. 
Bố sư khỉ thèng mều điên, nỗ lực duy nhất của tôi là cố gắng nghĩ tới ưu điểm lúc này của nó, nó đang tôn trọng cuộc sống riêng và quyền được buồn của mẹ. Tức nó không thèm khóc nữa.
Tôi buồn :'(

16.12.15

Thế giới này chỉ tổ tốn thời gian :p




Câu chuyện Trạm thu phí quái lạ của Norton Juster kể về Milo, một cậu bé chán chường, luôn uể oải và chẳng thấy cuộc sống có gì thú vị, "cậu chẳng biết mình phải làm gì-không chỉ đôi khi, mà lúc nào cũng thế". Lúc ở trường, cậu mong về nhà và khi về rồi cậu lại muốn đến trường. Trên đường, cậu thích cảm giác ở nhà, và khi đã về cậu lại nghĩ đến chuyện ra ngoài. Ở bất kỳ chỗ nào cậu cũng mong mình đến một nơi khác, để khi tới đó cậu bắt đầu tự hỏi mình có mặt ở đây làm gì. Không có gì thực sự làm cậu quan tâm, nhất là những thứ mà lẽ ra cậu phải quan tâm. Tệ hơn, cậu chẳng có việc gì để làm, chẳng có chỗ nào muốn đi và chẳng có thứ gì muốn xem.
Một buổi chiều, cậu nhận được một cái thùng khổng lồ cùng phong bì chỉ dẫn đến Một Trạm Thu Phí Đường Cao Tốc Chính Hiệu. Cuộc phiêu lưu đã đưa Milo đến những vùng đất chưa có tên trên bản đồ: Vùng đất Sự Mong Đợi, Vùng Đờ Đẫn, Thành Phố Từ Điển, Phiên Chợ Từ Ngữ, lâu đài Không Trung, thung lũng Im Lặng, Vô Cực...Cậu nhận ra cuộc sống không nhàm chán như cậu tưởng, thế giới cũng có thứ để cậu sáng tạo, mày mò, phá vỡ, thậm chí cậu sẽ phải chiến đấu vì chúng, cuộc sống có đầy đủ mọi điều bí ẩn và kỳ lạ, những bản nhạc cậu có thể chơi, bài hát cậu ngân lên, những điều con người có thể tưởng tượng và một ngày kia biến chúng thành hiện thực.
Norton Juster sáng tác cái mà ông nghĩ sẽ là một câu chuyện nhỏ về cuộc chạm trán của một đứa trẻ với những con số, ngôn từ, ngữ nghĩa, những khái niệm quái lạ vẫn được áp đặt bấy lâu lên trẻ con. Những cảm nhận, băn khoăn khi còn là đứa trẻ, sao lại phải học nhiều thứ dường như chẳng liên quan gì tới đời mình như thế? thật khó để hiểu về thế giới cùng cái cách quái lạ, phi logic mà nó vận hành. Thế giới này quả là chẳng có vần điệu hay lý tính gì cả . Chen đầy chặt những ẩn dụ, cách chơi chữ, tôi nghĩ đây là câu chuyện cho những người lớn từng là trẻ con hồi tưởng về thời kỳ mà ta tuyệt đối thất vọng về thế giới, ta chẳng thể nào đến được nó từ chính nơi ta được tạo ra, nơi ta đang đứng, thế giới thật quay cuồng điên đảo và ta chẳng hiểu gì, nghĩ cái gì cũng chỉ tổ tốn thời gian ngay cả khi ta đang nghĩ về sự tốn thời gian vô ích thế này 
Tôi nghĩ nó là sự pha trộn của Phù thủy xứ Oz, Alice ở xứ sở diệu kỳ và cả Momo nữa 
Thế giới này chỉ tổ tốn thời gian, vô nghĩa và phi lý hết sức 

13.12.15

Con Tạo xoay vần



Tự sự về một kiếp hồng nhan bạc phận
Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất, Trung Bắc Thư Xã xuất bản lần đầu năm 1941, được tác giả định danh là tiểu thuyết lịch sử. Nội dung xoay quanh một bậc nữ lưu có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, mà chắc gây tiếng lớn là người phụ nữ trúng thầu phá tường thành Hà Nội. Đào Trinh Nhất sử dụng, khai thác từ nguồn giai thoại, những lời đồn, những bí mật được truyền tai, những sự việc được li kì hóa, phóng đại, thậm chí duy tâm, mê tín...xây dựng cô Tư Hồng, người phụ nữ từng khuynh đảo đất Hà thành: sắc sảo, liều lĩnh, đáo để, quái kiệt, tự chủ, quyết đoán...rất không vừa vặn với nhãn quan đạo đức đương thời. Nên, việc công chúng đón nhận Cô Tư Hồng phải nhờ vào con mắt của người viết Đào Trinh Nhất, viết tiểu thuyết lịch sử như kẻ trên cao khách quan nhòm xuống hệ quy chiếu nhân vật ấy mà không soi mói, phán xét tội trạng dù ông chọn xây dựng một người phụ nữ độc lập không để con tạo xoay vần, một phụ nữ hành động không theo phép ứng xử tiền lệ, khác rất xa với hình ảnh phụ nữ xưa kia (thậm chí cả ngày nay) ở những nét quen thuộc cam chịu, hy sinh, nhẫn nhục mà phần lớn phụ nữ vẫn cho rằng, là phận đàn bà chịu những điều ấy mới là lẽ thường, là nữ tính, là chính chuyên, là phải phép.
Được rồi, chúng ta cứ đấu tranh cho xã hội mới, nữ quyền trỗi dậy, giải phóng xã hội vân vân và vân vân, nhưng khoan nói về những điều ấy, hãy đọc Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất đi, để thấy chính hình ảnh người phụ nữ hiện nay sao mà gần cái cô Tư Hồng này đến vậy, cảm thông cho phận hồng nhan này đã là cả một khối thấu hiểu.

ps: càng ngày mình càng thấy câu phụ nữ giỏi giang, xinh đẹp không bằng phụ nữ may mắn, là đúng các cụ ạ. Thôi, mìn đi đọc Kiều đơi :p. Lẩy Kiều trong Cô Tư Hồng vô cùng ý vị.


12.12.15

Thoái lui vào thế giới co cụm



Một cốt truyện đen tối và trong veo, giả dối và chân thực đến trần trụi, tất cả được gói gọn trong văn phong vô cùng nữ tính và tỉ mẩn từng chi tiết với nhịp điệu chậm rãi băng giá rất Thụy Điển mà không đánh đố sức kiên nhẫn của độc giả. Công chúa băng được lấy bối cảnh tại chính thị trấn Fjallbacka của tác giả Camilla Lackberg, đằng sau vẻ yên bình của thị trấn nhỏ, từng viên gạch đã được lật lên sau hai mươi lăm năm để lộ ra những cái chết từ rất sớm mà mãi tới tận khi sự thật được phơi bày thì họ mới chính thức chết và được an táng. Một trật tự thế giới nội tâm luôn luôn được thiết lập để duy trì cuộc sống cho đến ngày ngọn lửa đốt cháy băng giá thiêu cháy ta thì mới hòng tìm được một con đường thoái lui vào thế giới co cụm. Nỗ lực sống với nỗi cô đơn, khiếp sợ dường như được xây bằng bức tường băng mà nếu mặt trời không đủ nắng ấm thì mãi mãi băng không tan chảy được. Đọc câu truyện này luôn có cảm giác đang đối mặt với bức tranh ghép toàn tuyết trắng với những dấu chân để lại trên tuyết đan cài nhau, rõ ràng chúng là ở một vùng tuyết trắng mà sắc thái không sao tóm được cho đến khi từng đường rãnh mỏng rối rắm của dấu giày để lại ăn khớp vào nhau thì ta mới thực sự nắm bắt được câu chuyện ta đối mặt.

Như tôi từng có nói, dường như những người như Umberto Eco đào bới quá nhiều lịch sử và như một phép màu, ông ta có năng lực làm một kẻ du hành xuyên thời gian và đứng cao ngạo nhìn xuống lịch sử với những con người đi lối này rẽ hướng kia, những đường zig zắc chạm nhau ở một mắt xích nhỏ và ông ấy chọn ra một mắt xích để cấu thành câu chuyện rẽ theo hướng ông ấy muốn thẳng tiến tới. Thì, với những người khai quật khác, tôi tin vào thứ năng lực đào bới lịch sử, tiểu sử bởi bất kỳ công tác đào bới nào cũng đòi hỏi một sự sắc bén, nhạy cảm không gì hơn được khi ta chọn chỗ đứng là một kẻ ngoài cuộc nhìn ngắm cuộc đời người khác như thể nhìn ngắm chính cuộc đời mình.
Đây chính là việc thôi thúc tôi nhất khi đọc Công chúa băng, vì biết rằng nhân vật Erica đóng góp cho việc điều tra, thu thập thông tin là một người viết, đang viết dở cuốn tiểu sử thứ năm về các nữ văn sĩ Thụy Điển. Ngay tức khắc tôi hiểu rằng, tôi sẽ được đọc một quyển trinh thám nữ tính, nhạy cảm, chậm rãi và không kém phần thu hút. Còn anh cảnh sát địa phương Patrik thì dễ thương quá, dịu dàng và vui tính quá, tất nhiên không hợp với gu anh hùng điều tra lơ tơ mơ suy tư, nóng tính và hơi khép kín của tôi rồi :v. Nhưng lâu lắm rồi mới đọc một quyển trinh thám không tiếng súng, không rùng rợn, chỉ có nền trắng như tuyết điểm máu đỏ, một sắc đỏ vần vũ như lửa, ánh lóe sắc vàng vừa như thiêu cháy dữ dội hơn, vừa như nắng ấm tan chảy vùng băng giá rét. Một bức tranh đẹp tuyệt vọng.
 * Bản dịch nữ tính, trong trẻo, gọn gàng, và rất hài hước, khác lạ với giọng văn của dịch giả Quỳnh Lê trong các đầu sách trước chị chọn dịch. Phải mãi sau này khi đã đọc San San chị viết và quan tâm Fb của chị, tôi mới hiểu rằng, chị ấy vô cùng nữ tính, một nữ tính dữ dội vươn mình.
* Bìa sách đẹp quá, bìa trước lạnh lẽo, bìa sau bình lặng đúng như vỏ bọc của thị trấn nhỏ Fjallbacka không hề bình yên.

9.12.15

Con của các vì sao




"Nếu mặt trời phát nổ, bạn sẽ không thể biết trong 8 phút. Vì ánh sáng phải mất từng ấy thời gian để đến chỗ chúng ta. Trong 8 phút, thế giới vẫn sẽ sáng tỏ. Và vẫn ấm áp. 
Đã 1 năm kể từ ngày bố mất. Và tôi cảm thấy 8 phút mình có với bố...đang cạn dần
Đây là một đoạn Oskar nói trong phiên bản điện ảnh Extremely loud & incredibly close (được dịch Hành trình của Oskar)
Con số này được khẳng định chính xác hơn trong bộ truyện Chìa khóa vũ trụ của George và Kẻ giấu mặt ngoài hành tinh (tác giả Lucy&Stephen Hawking). Chính xác không phải 8 phút mà là 8 phút 30 giây thì ánh sáng rời Mặt Trời mới đến được Trái Đất, giống như nếu một ngày Mặt Trời phát nổ hay đâm thủng bầu trời chiếu thẳng tới Trái Đất thì sự sống của chúng ta thế nào, 8 phút 30 giây còn lại thế nào nhỉ? 3.5 tỷ năm trước, vào thời Trái Đất 1 tỷ năm tuổi bầu khí quyển của chúng ta không như hiện nay, thuở xa xưa ấy không có oxy, tất cả chỉ thực sự thay đổi khi xảy ra đợt phun trào núi lửa và giải phóng vào bầu khí quyển rất nhiều hơi nước, cacbonic, amoniac, hydro sulfua. Thiên nhiên, vũ trụ đã ban tặng chúng ta những hiện tượng thực sự huyền diệu và những cơn thịnh nộ cũng điên cuồng không kém. Đừng cậy nhờ một phép màu nào nếu tin tưởng rằng tấm lòng của Mặt Đất sẽ mãi mãi thủy chung khi chúng ta dồn nén lên nó, thải ra trên nó, dưới nó những thứ ô uế ngàn năm không phân hủy mà mặt đất sẽ bằng lòng yêu thương ta vô điều kiện . Việc phát triển khoa học kỹ thuật mang đến rất nhiều quý giá đến kinh ngạc, và kéo theo nó cũng không ít hơn những cặn bã xấu xa. Thử tiến hành tìm kiếm sự sống ở các hành tinh khác xem sao nhé, cứ tuần tự điểm qua các hành tinh, hành tinh lùn lấy Mặt Trời làm mốc thì:
Sao Thủy gần mặt trời quá, quá nóng quá nóng, một ngày ở đó bằng 59 ngày trên Trái Đất, không có mặt trăng. 
Tiếp đến là Sao Kim, được ví như hành tinh song sinh với Trái Đất: có cùng kích cỡ, trọng lượng, và kết cấu như Trái Đất. Nhưng trong hệ Mặt Trời thì sao kim được cho là hành tinh ít có sự sống nhất vì nhiệt độ lên tới 470 độ C, ở nhiệt độ này thì đến chì cũng bị tan chảy, 1 ngày ở sao Kim bằng 243 ngày Trái Đất, 1 năm sao Kim bằng 224.7 ngày Trái Đất. Các bạn thấy vô lý? Không đâu. Trên sao Kim, một năm ngắn hơn một ngày bởi sao Kim xoay quá chậm, nó đi hết một vòng quanh Mặt Trời trong khoảng thời gian ngắn hơn thời gian nó cần để quay quanh trục của mình. Song, điều kinh dị là các đám mây axit sunphuric, đại dương khô cạn và bầu khí quyển đặc quánh đến nỗi ánh Mặt Trời không xuyên qua nổi. Không chơi được :p
Tiếp đến là Trái Đất thân yêu, hành tinh duy nhất trong hệ mặt trời có sự sống, và 1 mặt trăng. Đang và sẽ là nơi con người sinh sống, nhưng có vẻ càng ngày càng khắc nghiệt mà lỗi là do con người thôi.
Tiếp đến là Sao Hỏa nơi có 2 mặt trăng và bầu khí quyển rất giống với khí hậu trên một Trái Đất vô cùng lạnh lẽo và bị sa mạc hóa bao phủ hoàn toàn, bão cát và những cơn lốc băng giá lớn cỡ mười lần nước Anh. Sao Hỏa là hành tinh nhiều đá với một lõi sắt, dưới lớp bụi sắt gỉ ấy thì bề mặt sao Hỏa tương đối giống với Trái Đất, bầu khí quyển rất loãng và 95% là khí cacbonic, và hành tinh này không có nước. Nơi được cho là có nước thì ở tận hai đầu cực của hành tinh dưới dạng đóng băng. Năm 2006 các nhà khoa học đã phát hiện ra các đường rãnh nhỏ ở bề mặt sao Hoả và bắt đầu nghiên cứu theo giả thuyết: có lẽ trên sao Hỏa vẫn tồn tại nước ở thể lỏng nhưng nằm rất sâu dưới bề mặt của nó.
Tiếp đến là sao Mộc với 63 mặt trăng, tác động của lực hút mặt trăng lên trái đất sẽ làm ra quá nhiều thủy triều trên các đại dương, kích cỡ mặt trăng ngang với mặt trăng của Trái Đất, đêm tối suốt í nhỉ, trăng nhiều thế thì đến 1m2 phải có đến 20 thi sĩ ngắm trăng làm thơ đấy và nó được biết đến là hành tinh to lớn nhất trong hệ mặt trời với đường kính gấp 11.2 lần đường kính tại đường xích đạo của Trái Đất, thế thì tha hồ nhà thơ, nhể, nhưng phải mất khoảng 11.86 năm Trái Đất để xoay hết 1 vòng quanh Mặt Trời. Và đặc biệt là bao quanh nó là một lớp kim loại lỏng dần dần biến đổi thành hydro lỏng khi độ cao tăng lên và biến chuyển thành bầu khí quyển toàn khí hydro bao quanh hành tinh. Tuyệt quá thần linh ơi ặc ặc ặc
Tiếp đến là một hành tinh vô cùng xinh đẹp, sao Thổ, nó mất đến 29.46 năm Trái Đất mới hoàn thành một vòng xoay quanh Mặt Trời, hình ảnh của nó có thể được ví von như khối cầu có quấn quanh một dải ruy băng điệu đà, nhưng đừng bị cái đẹp oánh lừa, cấu trúc và bầu khí quyển của nó được xem là hao hao với người anh sao Mộc, dù bé hơn sao Mộc chút đỉnh, số lượng mặt trăng cũng tới con số 59 và nó khuyến mại cho chúng ta vận tốc gió thổi là 1795km/h, hoàn toàn không thể tính đến việc sinh sống ở một hành tinh như thế
Tiếp đến là sao Thiên Vương với 27 mặt trăng và Hải Vương 13 mặt trăng, hành tinh lùn sao Diêm Vương quá xa xôi với Mặt Trời. Các sao chổi đã được thống kê đến gần 1000 nhưng chúng là những quả cầu tuyết rất to, bẩn và xấu xí. Không thể có sự sống
Suy đi tính lại thì chỉ còn sao Hỏa, nơi có 2 mặt trăng. Câu chuyện 1Q84 của nhà văn Nhật Haruki Murakami có Tengo, Aomame nhìn thấy 2 mặt trăng trên bầu trời. Sống ở một hành tinh mà có 2 mặt trăng thì con người cũng đang được đến gần đường về nhà, dễ tìm thấy tình yêu của đời mình hơn đấy, tìm thấy tình yêu thì cũng tìm thấy đường về nơi người ta gọi là nhà. Có vẻ cũng lãng mạn đấy chứ. Nhìn trên hình ảnh chụp được thì Trái Đất sở hữu mặt trăng xinh đẹp nhất, ở các hành tinh khác mặt trăng thường méo mó, không tròn trịa, đúng là cái gì có tính duy nhất cũng kiêu hãnh nhỉ. Trái Đất là hành tinh duy nhất có một mặt trăng và mặt trăng này là hình ảnh phản chiếu của Mặt Trời, Mặt Trời xinh đẹp cũng là một ngôi sao duy nhất ban ngày. Tuyệt diệu không gì hơn tạo hóa, đỉnh cao chói lọi
Ngôi sao Mặt Trời từ đâu? Các ngôi sao được hình thành từ những đám mây khí khổng lồ trong vũ trụ, trong đó một ngôi sao đặc biệt duy nhất ban ngày chính là Mặt Trời (tại sao chỉ khi tối ta mới thấy được các ngôi sao? Màn đêm đen giữa các ngôi sao che giấu điều gì? Màn đêm giữa các ngôi sao có đen kịt như ta tưởng hay không? Quan sát phần đen giữa các ngôi sao chính là ta đang quan sát nguồn gốc của vũ trụ dù rằng ta không hề hay biết điều ấy… tất cả những điều kỳ thú ấy xin hãy tìm đọc ở một cuốn truyện của một trong số ít sinh viên được trực tiếp Stephen Hawking hướng dẫn, Christophe Galfard: Hoàng tử mây. Một cuốn truyện phiêu lưu được lồng các kiến thức khoa học vũ trụ, hiện tượng thiên nhiên vô cùng dễ chịu). Ngoài ngôi sao đặc biệt Mặt Trời có tính duy nhất ra, các ngôi sao khác sẽ trở thành hố đen và nếu không chúng sẽ nổ tung trước khi trở thành hố đen và phóng mọi vật chất trong lòng chúng qua vũ trụ. Mọi nguyên tố cấu thành nên loài người, toàn thể hệ động vật, thực vật, đá, không khí, các đại dương…đều được tạo nên từ các nguyên tố trong lòng ngôi sao. Bất kể chúng ta có chối bỏ hay nghĩ gì đi nữa thi ta cũng là con cháu của các vì sao, phải mất hàng tỷ, hàng tỷ năm Tự Nhiên mới có thể tạo nên chúng ta từ các nguyên tố này. Phải mất thời gian nhiều đến không tưởng nổi mới có thể có một hành tinh duy nhất sống được như Trái Đất và cũng phải nhiều thời gian không tưởng tương đương mới có con người. Nói cách nào thì chúng ta cũng tương đối vô nghĩa và cũng hoàn toàn có một ý nghĩa nào đấy, di chuyển một hạt cát trên sa mạc và thay đổi toàn bộ lịch sử. Một con người sau vụ nổ các ngôi sao tan thành ty tỷ phân tử nhỏ bay trong hư không được đến cuộc đời này. Bằng cách nào đấy mà các hạt cơ bản có thể kết hợp với nhau một cách tài tình đến thế nhỉ. Thật tuyệt diệu, nhất là khi sự kết hợp các hạt ấy tạo nên cái đẹp, những vẻ đẹp khiến kẻ khác điên đảo í 

Trong bộ sách này có những khám phá mới về Hố đen rất hay và tôi đặc biệt yêu thích (tất nhiên là yêu thích sau việc cân nhắc lên sao Hỏa sống nếu có một lần được kết hợp các nguyên tố để làm người lần nữa vì một tư duy mơ mộng, lên xứ 2 mặt trăng thì tôi sẽ dễ kiếm tìm được người tri giao, tri âm tri kỷ, tìm được đường về nhà hơn :p). Đó là khi rơi vào một hố đen lớn, bạn vượt qua mép hố đen mà gần như không cảm thấy gì. Từ xa quan sát cũng sẽ không thể thấy bạn bị nuốt vào hố đen, ngay cả khi bạn băng qua mép hố đen bởi trọng lực bẻ cong thời gian và không gian cận hố đen. Bạn cứ mờ dần mờ dần vì ánh sáng của bạn phát ra càng lúc càng phải mất nhiều thời gian hơn mới thoát ra được khỏi hố đen. Nếu bạn băng qua mép hố đen vào một giờ nào đấy cụ thể thì người quan sát bạn sẽ thấy đồng hồ chạy chậm dần và không bao giờ đến được thời khắc ấy. Tức là ở đó có một khúc ngắt của thời gian. Thời gian dừng dần và dừng lại tại chính không gian mép hố đen do bị bẻ cong. Nó lại tiếp tục một lý thuyết về vật lý thiên văn sự giãn nở của vũ trụ và thời gian khi ánh sáng bị bẻ cong, rất có khả năng quá khứ, tương lai chạm vào nhau. 
Nếu ta vươn tay chạm vào cái điểm chạm ấy, thì điều gì sẽ xảy ra hỡi những đứa con của các vì sao :p

ps: tôi muốn có kính viễn vọng hí hí hí ;)

3.12.15

Cũng vẫn là ngẫu nhiên



Không có ngày mai là quyển thứ ba mình đọc của Lee Child. Vẫn là người hùng Jack Reacher độc lập, tự tin, giỏi quan sát, suy luận sắc bén, và tất nhiên là lúc nào cũng có nhân vật nữ xinh đẹp, thông minh để Reacher tình một (vài) đêm. Không có ngày mai kết cấu không nhanh như Một phát một mạng, cũng không gói gọn như Reacher báo thù mà câu chuyện rộng, nhiều lớp lang hơn hẳn với nhiều nhóm, tổ chức điều tra mục đích khác hẳn nhau, chỉ có duy nhất người hùng Jack Reacher như bao lần là hành tẩu giang hồ thấy việc chướng mắt là không đành lòng ;), Không có ngày mai là một tình huống ngẫu nhiên khi ngồi tàu điện ngầm lang thang tìm một điểm nghỉ qua đêm thì chàng thành nhân chứng gần nhất cho một vụ tự sát bằng súng, trong khi những nhân chứng còn lại có vẻ rất ngẫu nhiên, ngẫu nhiên hơn rất nhiều lần thì thực ra lại không hề ngẫu nhiên, lại được chia thành những nhóm, mục tiêu khác nhau. Hẳn là cuộc đời không ưu ái với kẻ mặc cả với đời một cuộc sống không nhà cửa, không người thân, không công việc, một ít tiền mặt, một thẻ ATM, một cái bàn chải gập đôi, một bộ quần áo vài hôm lại vứt, nhỉ. Nhìn chung là không nên mặc cả với đời :v
Điểm cộng cho Không có ngày mai chính là lịch sử các cuộc xung đột, chính trị và các pha hành động. Lee Child là tuýp nhà văn trinh thám viết có nghề, kỹ thuật viết rập khuôn căng đét, bao giờ cũng giống một phim hành động Mỹ, trên đường điều tra phá án hẳn phải có động tay động chân với những đòn dứt khoát, nhanh gọn, và hẳn là cuối truyện cũng có pha đột kích cuối cùng vào sào huyệt phe kia bắn nhau đánh đấm dao diếc chí chóe, phải có một tình tiết gay cấn ngoài kế hoạch hành động của anh hùng và tất nhiên bằng phán đán nhanh nhạy, khả năng hành động chuẩn xác thì viên đạn cuối cùng bao giờ cũng để kết liễu kẻ khác, người vươn mình đứng dậy bao giờ cũng là anh :p
Người đọc Lee Child luôn nắm được mô-típ ấy, thế mà vẫn cứ cắm đầu đọc như là, cũng vẫn là ngẫu nhiên tôi vô tình chọn quyển sách này, tác giả này.

ps: tuần vừa rồi bận quá, ủ mưu nhiều quá, không đọc sách, cũng chả ngủ được, mặt mọc thêm 8 cái mụn, chia đều sang 2 má. Tự ti và tổn thương sâu sắc 

26.11.15

Bản chất của sự ngẫu nhiên



Truyện trinh thám mà tên sách cứ có cướp giết bắn, răng xương, báo thù trả đũa...là tôi hay lờ đi ngay, vì cái phom của tôi thường không thích những gì quá lộ liễu. Nên đã nhảy vào đọc trinh thám muộn, rồi thêm những tên sách Reacher báo thù, Một phát một mạng...tôi đã bơ Lee Child đi ngay và luôn. Mãi cho đến cách đây hơn 2 năm nằm nhìn đống sách ngồn ngộn mà vẫn băn khoăn đọc gì đọc gì đây nhỉ, thì thấy Reacher báo thù nằm tận cùng chồng sách, thế là bảo thôi, đổi phỏm tí, xem có ra cái vẹo gì không  
Thế là vô tình lại đọc đúng thứ tự của loạt truyện về Reacher, Reacher báo thù trước Một phát một mạng.
Câu chuyện Reacher báo thù lôi cuốn kinh hồn, nhất là những gì xoay quanh đường dây làm giả đồng đô-la Mỹ: chất liệu giấy có sợi bông, đô-la Mỹ là tiền giấy mà các mệnh giá đều có cùng kích cỡ, chính phủ kiểm soát giấy in tiền chặt như thế nào...rồi ý tưởng tẩy tờ 1$ thật để in tờ mệnh giá cao $ giả, hệ thống thu gom tờ 1$, quá trình vận chuyển...Vụ việc mở đầu bằng một xác chết rồi dẫn đến một vụ án tầm cỡ mà ban đầu tưởng chừng không hề có tí liên quan nào, đây chính là điểm cộng lớn của Lee Child, luôn nhắm vào bản chất của tính ngẫu nhiên là không gì thực sự ngẫu nhiên .
Câu chuyện của Một phát một mạng thì không gây tò mò như câu chuyện làm giả đồng đô-la ở Reacher báo thù, nhưng nói như độc giả trinh thám thì mở màn đã rất hành động Mỹ, 6 phát súng 5 mạng người, như một vụ xả súng giật gân của một kẻ điên loạn. Tất cả chỉ phơi bày khi nhìn thật sâu vào bản chất của sự ngẫu nhiên, thế là người đọc lại được ồ lên đầy sảng khoái, Fuck Lee Child .l.
Điểm cộng tiếp theo và cũng có thể là lý do Lee Child được ra mắt ở VN bằng Một phát một mạng là tính kịch tính ở các pha hành động, lối văn gọn gàng dứt khoát đậm chất phim hành động bom tấn Mỹ và máu lạnh rất Nga, tất cả các pha hành động được miêu tả dễ hình dung, ra đòn thẳng tay dứt khoát. Một hình mẫu anh hùng không mấy ràng buộc, hành động độc lập, nhạy bén, quyết đoán. Một kết cấu truyện cho người đọc cảm giác tức thì của một món hợp miệng, tiện lợi và đúng vị, cứ tuần tự trang qua trang, đi theo Reacher là sẽ hiểu tại sao anh ta tiến hành việc này, dò xét việc kia, suy luận ra đầu mối này, loại bỏ phán đoán kia. Tất cả không hề ngẫu nhiên như ta tưởng.
Tưởng hết duyên với Lee Child rùi, nào ngờ được em bé dễ thương Quảng Nam nối dây tơ hồng. Cảm ơn em  

ps: đọc Một phát một mạng xong, sao thấy bắn súng hay thế 

23.11.15

Đoàn tàu



Với tôi, văn chương Thạch Lam đẹp bởi những tiểu tiết rất thanh và mảnh gợi cho người đọc cái đẹp của hiu tàn, yếu đuối và quá vãng. Những mảnh ký ức mang vẻ tiếc nuối thỉnh thoảng lại phảng phất trước mặt như hình ảnh mơ màng không có thật. Tập truyện ngắn Nắng trong vườn, đảo qua đảo lại khung cảnh trăng sáng, ánh sáng chập choạng của hoàng hôn, trong bóng tối buổi chiều, đêm khuya trong vườn, bóng cây trong vườn lung lay trên mặt mỗi khi ánh nắng chiếu ngang, hay chi tiết nhiều truyện ngắn gần nhau có tên nhân vật trùng lặp (Mai, Bình, Tiến) như những đoàn tàu ngày hôm qua chạy lại ngày hôm nay và về phía ngày mai, cứ thế đưa người đọc chìm vào cái không gian bình dị với những mỹ cảm nhỏ bé.
Không khỏi hoài nhớ những ngày xa khi tuổi thiếu niên ngồi ngắm mưa trong buổi chiều nhập nhoạng âm u tối, đoàn tàu cuộc đời đưa ta đi đâu.

22.11.15



Thêm một cuốn nữa trong Bộ sách văn học về các loài vật của tác giả Hàn Quốc Hwang Sun-Mi: Những người bạn ở thung lũng mặt trời mọc, với Thỏ rừng Tai To hay tò mò, Sóc đỏ Dương Đào chuyên làm nũng, Chó mực Mũi Bóng dũng cảm, nhân hậu, thân thiện, Hươu Nước Răng Khểnh kiên cường, và đặc biệt là loài hai chân Ông Dược Thảo. Tất cả dệt nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, đọc xong quyển truyện thiếu nhi có tranh minh họa ngọt ngào như được dạo bước trong rừng thế này làm cô gái thực sự muốn đi vào trong hoang dã để sống các cụ ạ :v
Cần nhạy cảm hơn nữa để thấu hiểu và cảm thông cho cái nơi mad world chúng ta đang sống, nên thôi, hãy đọc sách truyện thiếu nhi đuê.
ps: những lá cây ở xứ sở kim chi (đầu tháng 11 vừa ồi đới ạ)

12.11.15

Giọt nước cam lồ



Hà Nội lầm than (1938), thiên phóng sự bi thương của Trọng Lang là Hà Nội của những hạng người, nghề "nghiệp" bị coi thường rẻ rúng, nằm ngoài chuẩn mực của xã hội: hạng phụ nữ nô lệ tạm thời để mua vui, những người vẫn bị coi là kẻ thù chung số một của người làm mẹ, làm vợ, "cầu đoạn trường" của kiếp đàn bà trụy lạc, họ là gái nhảy, cô đầu, nghề nhà thổ, sống làm vợ khắp người ta, nghề nhân tình, địa vị bán ái tình có môn bài...; đám "nhà thổ đực", một cái nhục đau đớn cho người "có râu"; và kẻ ăn mày, phận lang thang cơ nhỡ. 
Trong vai một tay chơi có hứng nghe chuyện, có máu điều tra "tôi đã đàng hoàng bước vào nhà thổ với ngòi bút và tình thương" Trọng Lang đã tái hiện lại tình cảnh của các giai tầng bị thứ nghề "nghiệp" này làm cho người không ra người "trông như móm già làm đĩ", "hơi thối của ruột, gan, phổi đã nẫu vì lao lực, thức đêm, kém ăn, hơi thối của các thứ vi trùng bệnh kín, và ho lao", một thứ lối sống "vui vẻ và chán vô cùng vì không có nghĩa lý gì hết", những đưa đẩy cuộc đời tạo cho phận người câu trả lời rất nghề "một câu sáo vô nghĩa "vì hoàn cảnh"
Những nhân hình dựng lại một Hà Nội "có thể làm cho mặt trăng u ám đi được" chỉ bằng những câu chuyện khiến người đọc nó ở vào trạng thái luỡng phân không ưa và thương hại, xót xa, bi thương làm người
Nhổm người dậy ngó Hà Nội gần 80 năm qua vẫn trên đà hiện đại hóa kéo theo phân hóa rõ hơn hết giàu-nghèo, cũ-mới, truyền thống-hiện đại, những mong manh phận người mà lối sống hưởng thụ trụy lạc trên hình thái nào cũng mang màu sắc của miếng thịt bạc nhạc bèo nhèo mà tiếng kêu thương của nhà văn chỉ nhằm hy vọng xã hội lắng nghe và thấu tỏ, không mong một giọt nước cam lồ đủ tưới hàng vạn người lầm than chỉ mong "đã có vài giọt tưới ra, và tưới mãi"

ps: trang 120-121 có hình ảnh một bà chủ của các cô đầu khác hẳn những chủ khác "bà chủ suốt ngày ăn chay tụng kinh, và sửa soạn đến cái chết của bà nhiều quá". Người ta đã kinh qua một cuộc đời như thế nào để đứng như một người sống giữa hai thế giới như thế 
Ông nội của mẹ tôi là một thày lang có chút tiếng tăm tay nghề. Ông có hai người vợ, người vợ cả là con gái thày lang mà nhờ theo học nghề thuốc mà ông làm rể và được truyền thụ nghề; người vợ thứ hai của ông là cô đầu, một người khi đã nằm liệt rồi mà vẫn mang hình bóng cái đẹp của một ngày xa. Ngày bé, tôi không hiểu cô đầu là gì, chỉ nghe bà nội tôi nói rằng nghề ấy là nghề đánh đĩ, xướng ca vô loại. 
Cụ ông đã chăm cụ bà hai tới ngày cụ bà hai cười và nhắm mắt đi về thế giới bên kia. Cụ ông ôm cụ bà hai người cứng lạnh và khóc hu hu như tiếng rền với giọng khàn khàn của người già 90 tuổi tiếng nói còn không đủ hơi. Chưa đầy 6 tháng sau, cụ ông rời đến thế giới bên kia. Và 8 tháng sau ngày của cụ ông, cụ bà cả cũng lặng lẽ rời đi.

8.11.15

Điểm mù chí tử


"liệu chúng ta có khả năng hiểu tường tận về người khác không? Cho dù yêu người đó sâu đậm đến mấy"
Không thể, tất nhiên là không, luôn luôn tồn tại điểm mù, điểm mù chí tử. "Nếu thực sự mong muốn nhìn thấu người khác thì chỉ còn cách là nhìn thật thẳng, thật sâu vào chính con người mình" mà điều này thì khó tới mức như một thứ cấm kỵ, ta không biết ta đích thực là ai, ta đều sống và mang theo bên mình những điểm mù gần giống như nhau.
7 truyện ngắn trong tập truyện Những người đàn ông không có đàn bà của Haruki Murakami trong từng câu chuyện vẫn chứa nhiều chi tiết tưởng như rời rạc, tưởng như kỳ quái mà khớp vào nhau vừa vặn như một chỉnh thể thống nhất, không còn đậm yếu tố siêu thực thứ vốn dĩ vẫn được xem như phong cách của Murakami nhưng với giọng văn bình tĩnh, sức đào bới sâu cùng vào bản chất con người tiếp tục tấn công vào người đọc những cú đòn hiểm hóc. Buộc ta phải đối diện với câu hỏi ta có hiểu về kẻ khác không, kẻ mà ta yêu, kẻ mà ta những tưởng rằng mình hiểu mình biết tường tận, cũng như việc ta có hiểu có biết về chính ta chăng.
Tập truyện ngắn này không có mục lục (cũng là lần đầu Nhã Nam trích chéo tiểu sử tác giả theo một hướng khác). Một người thích HM như tôi, không để ý tới giới thiệu sách, cứ HM là khuân về nhà đọc, mở ra không thấy mục lục, đọc hết truyện đầu tiên và sang một trang của truyện thứ hai mới vỡ ra rằng hóa ra là truyện ngắn, ta vừa đọc hết một truyện ngắn chứ không phải một chương. Sức quyến dụ của HM ở tập truyện này chính ở chỗ những câu chuyện riêng biệt nhưng rất hài hòa trong cái giằng xé của vỏ bọc bình yên êm ả tĩnh lặng.
Tôi thích nhất truyện ngắn Scheherazade, đặc trưng những nhân vật nữ của HM. Truyện Samsa đang yêu có phong vị Kafka trong Hóa thân. Kino là truyện ngắn nhiều HM phi lý (nói như các bạn là chả hiểu gì tự nhiên mèo biến mất rắn xuất hiện và bao nhiêu thứ bỏ ngỏ, bao nhiêu câu hỏi vân vân và vân vân; tôi thích HM cũng một phần ở điểm này hehe). Drive my car và Yesterday (tên 2 ca khúc của The Beatles, "chẳng phải John thích những thứ vô nghĩa sao"   lều lều) là hơi thở HM lãng mạn suy tư hồi ức nhất.
Bài viết ngắn ở bìa sau sách gọn ghẽ và rất đủ (chính xác là tôi thích nhan đề và cách thả câu kết)
"Bình tĩnh đến kỳ lạ
Dù trong sách này có người biếng ăn, bị không khí rút đi từng calo và cơ thịt hằng ngày cho đến khi chết một cách xương xẩu;
dù có người đi công tác về sớm xô cửa và nhìn thẳng ngay vào mặt vợ mình đang trên một người đàn ông;
dù có người đã dành suốt những ngày hè đi học chỉ để đột nhập vào nhà người ta và hít ngửi nách áo của họ...
thì bầu không khí chung của cả cuốn sách vẫn bình tĩnh đến kỳ lạ.
Nó phù hợp để đọc cả với những người vốn vẫn tránh Murakami vì không quen với thế giới siêu thực của ông. Hoàn toàn không có bóng dáng một cơn mưa cá, mưa đỉa, những giấc mơ nguyên tội hay thậm chí một cái giếng.
Đây là những câu chuyện đời thành đô, với những suy tư thị dân mà ai cũng có nhưng ít khi tìm được cách diễn đạt thành lời.
Cả bảy truyện đều như thế, rất bình tĩnh, dù rằng không mấy bình yên"

ps: it's something I do "something" for you, "something" between "nhận nhóa" and "nhìn nhóe" 

7.11.15

Phải sống




Hai cây bút chính đồng thời cũng là tinh thần trung tâm của Tự Lực văn đoàn, một Khái Hưng mơ mộng dịu dàng lãng đãng mây mờ, êm ả trôi nhưng khiến người ta không thể quên, một đôi khi nhớ lại là dắt díu theo sau như khi nhớ về những mối tình xưa cũ; một Nhất Linh quyết liệt gọn gàng dứt khoát. Hai tinh thần ấy tựu chung trong tập truyện Anh phải sống (1934) gồm 15 truyện ngắn, trong đó có Nùng Chi Lan và Cánh buồm trắng của Tứ Ly (bút danh của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, em trai kế ngay sau Nhất Linh Nguyễn Tường Tam) nhưng vì thói quen muốn bảo toàn cảm giác khởi nguyên khi đọc, tôi đã đẩy bài viết đầu sách của anh CVD để đọc cuối cùng, cũng không nhìn mục lục sách để biết truyện ngắn nào của ai, nên khi đọc cái cảm quan nhận biết đâu là Khái Hưng, đâu là Nhất Linh tương đối rõ rệt, vì không biết còn một cây bút Tứ Ly nữa nên đọc Nùng Chi Lan tôi thấy thấp thoáng cái quyết liệt gọn ghẽ của Nhất Linh còn Cánh buồm trắng thì lại tạo cảm giác ngơ ngẩn bồi hồi mộng tưởng của Khái Hưng. Truyện ngắn Dưới bóng hoa đào được ghi Khái Hưng và Nhất Linh cũng là vệt vẩy sơn lạ trên nền tinh thần Khái Hưng-Nhất Linh khi cái mơ hồ êm đềm đầu truyện hòa vào cái dứt khoát gọn ghẽ ở kết truyện. Tôi gọi chung những truyện ngắn có hơi thở tình ái bảng lảng trong tập truyện này là chút tình kín đáo, và cái hay của sự kết hợp hai tinh thần này là rất dễ nhầm lẫn Khái Hưng và Nhất Linh, cũng như tưởng là Nhất Linh mà lại hóa Khái Hưng . Phong vị của ái tình trong tập truyện này thực là tuyệt đẹp. Truyện ngắn tôi thích nhất là Véo von tiếng địch (Khái Hưng), một truyện ngắn đẹp bi thảm gợi lại cho ta cái quen quen, (sau đó đọc bài viết của anh CVD thì mới ồ, nó làm ta nhớ đến chuyện Trương Chi), tôi thích nó có lẽ bởi cảm được nó mà mộng huyền không sao nắm bắt được. Tiếc thay, tôi không thích trong tập này cũng là một truyện của Khái Hưng: Sóng gió Đồ Sơn.
Truyện ngắn Anh phải sống (Khái Hưng) như một khẩu lệnh đã hết sức nổi tiếng rồi, nhưng trong một hoạt cảnh thực như vậy, tôi thấy Đầu đường xó chợ (Nhất Linh) cũng phải sống không kém cạnh gì 

Nếu bạn đang phân vân đọc gì ở nền văn học nước nhà như tôi phân vân mấy năm gần đây thì tôi sẽ nói, tôi gạt phăng những gì đang được cho là đáng quan tâm, tôi lội ngược dòng về đọc những cái cũ không quen, quen không cũ. Việc trở ngược dòng này là cần thiết, chỉ bởi vô tình mùa hè vừa rồi một lần ngồi quán cafe đợi bạn, tôi vớ hú họa một quyển cũ cũ để đọc và đọc trúng truyện ngắn Đói (Thạch Lam). Tôi nghĩ, sao giờ mình mới chịu đọc nó, từ đấy tôi nghĩ rằng tôi sẽ bám trụ Việt Nam Danh Tác của Nhã Nam và Văn học tiền chiến của Tao Đàn.

Các cụ cuối tuần vui vẻ nhóa ;)

4.11.15


Mình bắt đầu quên dần (mọi thứ)
Sáng nay tỉnh giấc sớm, cầm quyển sách vào toilet ngồi đọc. Đọc được mấy trang ngẩng mẹt lên cho đỡ mỏi cổ thì nhìn thấy cái khăn mặt không phải khăn mặt ngày hôm qua. Xong rồi nghĩ ai đã treo nó vào đây, nhà có hai bố con, tuyệt đối không thể là bố, gái Hồng chỉ ở có 2 ngày thì hôm kia đã bay đi Hàn rồi. 
Thế thì chỉ có thể là Lốc, mà mình thì không nhớ đã làm việc làm đó khi nào, thậm chí có đúng là mình làm không, cái khăn mặt cũ đâu rồi.
Mình bắt đầu quên dần (mọi thứ)

3.11.15

Tình dưới bóng từ bi




"Thưa ni cô, ni cô không ngại. Tôi xin thú thật với ni cô rằng tôi yêu ni cô, tôi yêu ngay từ lúc còn tưởng ni cô là trai. Ni cô là một người thông minh dĩnh ngộ, xinh đẹp như thế thì ai lại không yêu được... Mà lạy Phật tha tội cho, có lẽ ni cô cũng đôi lần cảm động" (trang 92)
"Nam mô A di đà Phật! Tôi bắt đầu bức thư của tôi bằng một câu niệm Phật, để xin Phật độ trì cho kẻ khổ sở này, như Phật đã độ trì cho hết thảy các chúng sinh. Vì tôi chỉ là một người lạc lối trong rừng người, như một hạt cát bị vùi trong bãi cát sông Hằng Hà
Nhưng cô cũng là một người, cũng chỉ là một người. Dù cô muốn xa lánh cõi tục, dứt bỏ trần duyên, song cái bản tính của con người dễ một lúc mà cô xóa bỏ nổi được. Cái bản tính ấy là Tình, là... A di đà Phật! Là Ái tình.
Ái tình là bản tính của loài người, mà là hạnh phúc của chúng ta. Tôi yêu cô, và nếu tôi đoán không lầm thì cô cũng chẳng ghét tôi, vậy can chi ta lại làm trái hạnh phúc của ta?
Đức Thích Ca Mâu Ni xuất thế để đưa linh hồn chúng sinh tới cõi Niết bàn mà hưởng hạnh phúc bất vong bất diệt.
...Nhưng hạnh phúc của chúng ta chỉ ở ái tình. Đó là...A di đà Phật! đó là Niết bàn của chúng ta.
Mấy hôm nay tôi đọc quyển Phật giáo, tôi thấy tôi yêu đạo Phật. Tôi yêu đạo Phật thì tôi lại càng yêu cô, tôi yêu một cách chân thành, tôi yêu trong linh hồn, trong lý tưởng. Cô tha thứ cho tôi, tôi không thể cứ yêu mãi chú Lan, phải cho phép tôi yêu cái linh hồn thực của chú Lan mới được: cái linh hồn ấy, là cô Thi. 
Cô xem thư mà xét thấu lòng này, thì tức là cô vâng ý Phật cứu vớt được một linh hồn đương bị đắm đuối ở cõi nhân gian" (trang 72-73)

Hồn bướm mơ tiên (1933) cuốn tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng cũng là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Một mối cảm phảng phất vui buồn bị thắt chặt bởi hai tròng, một chuyện tình dưới bóng từ bi trong văn vắt màu nắng, linh hồn đôi trẻ bị ái tình và tôn giáo lôi kéo với mãnh lực tương đương.
Cứ đọc Tố Tâm, Lan Hữu, Hồn bướm mơ tiên...thế này, bị mị tình, gái già ngẩn ngơ đắm đuôi như kẻ mộng du mất thôi 

Đoạn trường



Cuộc đời một con ốc đúng là bi ai trầm luân, sinh ra là loài thân mềm nhỏ bé mà đèo bòng vỏ cứng xoắn vặn. Là một thể dạng khung cửa nào bình yên ta nhốt một đời. Đến tận cuối hành trình tồn tại, một số được phục vụ thú vui ăn uống của con người, là thêm một đoạn trường. Vẫn phải gạn đục khơi trong, ăn nước gạo ăn mặn ăn chua ăn cay, thậm chí ăn cả cái vị tanh của kim loại thì mới được vớt lên chờ thời khắc cho vào nồi và nở bung trắng xóa cùng sả, lá chanh. Thế rồi rốt cuộc ăn đủ chua cay mặn ngọt để nhả bùn đắng cay, nhả ra hết bi ai trong từng thớ thịt thì thịt đúng là vô vị nhạt, người ta ví von: nhạt như nước ốc. Lại phải viện tới thứ nước chấm chua cay mặn ngọt và thứ đồ ăn kèm chua chát khế, sung để mua vui một vài trống canh.
Đời con người và thân phận một con ốc hay nhiều loài, có khác không. Ngồi nhể từng con ốc chấm chấm ăn ăn, tôi lại nghĩ, lẽ nào từ hư không, tôi từng là con ốc mượn hồn người, một luân hồi chuyển kiếp giờ làm người mượn hồn ốc dung nạp bùn đất-thải bùn đất bằng chua cay mặn ngọt-nạp vào thớ thịt nhạt vị mặn ngọt chua cay chát...thế rồi kẻ ăn ồ à chà chà xuýt xoa xuýt xẩy tiếng ngon ngon. 
Mỗi một là một mua vui vài trống canh cho mỗi một khác. Là những bụi tro của muôn ngàn vụ nổ cô độc không được biết đến cấu thành nên, chúng ta hoàn toàn là một đám đông cô đơn, sinh ra là để chết đi thậm chí vẫn chưa biết được ý nghĩa của mình trong sa mạc này, sống từng ngày là đi dần đến cái chết, còn sống là còn đau. Bi đát lớn lao trong niềm hạnh phúc không nhận ra nỗi khổ làm người, không biết ta là ai, ta là người hay ốc, là hổ hay người, là người hay bướm
Điều duy nhất còn lại, vẫn là sa mạc.

vĩ thanh: Lốc lăn lông lốc vào bếp chỉ bởi sáng đi chợ nhìn thấy một con ốc nằm chơ lơ ở vỉa hè, liền nghĩ chúng ta cùng nhau mua vui cũng được một vài trống canh, ốc nhỉ.

2.11.15



Kê tay trên trang giấy, những thanh âm rột roạt rột roạt của ngòi bút, tôi lắng tai nghe sự hiện hữu của mình giữa từng con chữ nhỏ, nhận biết về sự vắng mặt của (thêm) một người trong cõi tạm. 
Có một người vừa rời đi.

31.10.15

Nhiều khi nghĩ, giờ có người nào đó cao thủ và chân thành vào và toẹt 1 câu: viết như con điêng, đừng viết nữa
Để mình đủ dũng cảm nhìn lại đống dớ dẩn này

Trò chơi Cứ Vui Thôi




"Dì ơi, chỉ hít thở thôi thì không thể gọi là sống được dì ạ. Khi ngủ, chúng ta vẫn hít thở đó thôi, nhưng ta đâu có sống. Ý cháu sống nghĩa là được tận hưởng những điều tuyệt diệu xung quanh: vui chơi ngoài trời này, đọc sách này (tự đọc ấy, tất nhiên ạ), leo đồi này, trò chuyện với ông Tom trong vườn này, và với cả chị Nancy nữa, rồi khám phá tất cả những ngôi nhà, những người láng giềng và tất tần tật mọi thứ ở khắp nơi trên những con phố tuyệt diệu cháu vừa qua hôm trước. Như thế cháu gọi là sống dì ạ. Chỉ hít thở thôi thì chưa đủ"
Pollyanna, cô bé mới 11 tuổi thôi mà đã rất biết sống rồi nhỉ. Nếu từng thích thú với những Heidi, Anne tóc đỏ, Mary Lennox (Khu vườn bí mật), Sara Crewe (Công chúa nhỏ), Chuyện của Katy, Emily ở trang trại trăng non, Rebecca ở trang trại suối nắng, Lũ trẻ đường tàu... thì Pollyanna đích thị là khẩu vị của bạn. 
Ngày mốt nhá, bác nào kêu ghét thứ Hai, là tôi sẽ bắt chước luận điệu của Pollyanna trong trò chơi "Hãy vui lên" á: Sáng thứ Hai là buổi sáng nên cảm thấy vui nhất mới phải vì còn cả tuần nữa mới đến sáng thứ Hai kế tiếp cơ mà 

Ps: cuối tuần nằm ườn dưới nắng nhẹ ziu ziu đọc sách thì đời đúng là oách quá đi mà

29.10.15

Bên dòng Amazon, lão đọc chuyện tình



Tôi biết đến Luis Sepulveda là nhờ Chuyện con mèo dạy hải âu bay, nên mãi 7.2010 tôi mới đọc Lão già mê đọc truyện tình và với tôi, có lẽ Lão già mê đọc truyện tình mới là quyển hay nhất của Luis Sepulveda, còn cái quyển Ốc sên gần đây thì rõ ràng là quyển chán nhất rồi 
Hôm qua tôi nhận được Ông già đọc chuyện tình, bản dịch khác, xuất bản năm 2001, sách nhà người ta, tôi nhận hộ thôi nhưng người ta bảo cứ từ từ đọc đi, bảo là đọc bản của Nhã Nam rồi, không đọc lại đâu. Bị chửi là đồ lười nên con Lốc lăn lông lốc đi tìm lại bản Nhã Nam và đọc song song cả hai bản dịch. Giọng văn ở bản dịch của Phạm Minh Điệp nuột hơn hẳn nhưng để nói về dịch thoại thì Ngô Duy Khánh ăn đứt bởi thoại được dịch không gì có thể hoang dã tanh nồng rừng rú hơn 
Lý do chính tôi không muốn đọc lại là bởi, tôi sẽ lại khóc ở trang cuối cùng khi ông lão bóp cò súng bắn vào ả mèo rừng dài gần 2m, một con mãnh thú điên cuồng, một cỗ máy giết người được tạo hóa sinh ra đẹp đẽ như một ân điển hiếm hoi. Tôi sẽ khóc mất nếu đọc lại trang cuối khi lại thấy một thực tế chơ lơ rằng, mình là một con người, luôn mang cái man dã, tàn ác mang tên con người xâm lấn vào đời sống của thiên nhiên kỳ vĩ
Trong tiểu thuyết một cuộc sống đáng sống (theo tôi) luôn là thứ thu hút tôi gần như nhất, được ở trong rừng, ăn lông ở lỗ giữa muôn loài, giữa tộc người xa văn minh và ôm sách đọc chuyện tình, những chuyện tình buồn với những người yêu nhau vì điều tốt, họ phải đau khổ nhiều và tất nhiên phải kết thúc có hậu...Một ông già 60 tuổi, 40 năm sống trong rừng, thích đọc chuyện tình, ngủ rất ít, thường dùng thời gian vào việc suy nghĩ vẩn vơ về những bí mật của tình yêu và tưởng tượng về nơi mà câu chuyện diễn ra, ổng đọc sách hình học và nhớ mãi câu văn dài này: trong một tam giác vuông cạnh huyền nằm đối diện với góc vuông, câu văn này ổng sẽ nói mỗi khi bực tức, khiến cho những người Shuar tưởng ổng niệm thần chú hay đang nói câu gì đó với nghĩa tục tĩu...còn có ai có thể mơ mộng và đáng yêu hơn được nữa hông 
Và bởi thế, tôi phải cho quyển này lên sóng luôn 

28.10.15

Nơi mùa thu ra đi



Nếu Cá thu của Gong Ji Young chỉ là câu chuyện tình yêu thì tôi đã bỏ cuộc rồi, ý định này tôi từng nảy ra: có lẽ mình đã chọn đọc nhầm thêm một quyển nữa , nhưng khi qua được gần 70 trang thì tôi biết đây không phải chuyện yêu đương như phim truyền hình Hàn Quốc, nó đúng là chuyện tình yêu nhưng là tình yêu mang vẻ đẹp với những tháng ngày thanh xuân tươi trẻ sống vì lý tưởng, mà vì chính lý tưởng ấy họ ôm trong mình mộng tưởng và bị mắc kẹt lại quá khứ tự hỏi "suốt mười năm trời tôi đã làm gì" hay phát điên hoặc chết hoặc thỏa hiệp, chối bỏ chính mình (trang 185) thích ứng cuộc sống với nhiều ám ảnh. Chuyện tình của hai nhân vật chính bị trói chặt với nhau bởi quá khứ, tình yêu theo đúng tên gọi tình yêu của nó là hai người làm tổn thương chính mình và những người khác theo cách khác người của họ. Câu chuyện lấy bối cảnh Hàn Quốc giai đoạn đấu tranh dân chủ những năm 1980 vừa buồn đau mất mát vừa mang màu sắc của bức tranh niềm hy vọng mang tên tuyệt vọng và kéo dài đến tận những năm 90 khi đất nước đã có hình hài và những thành quả nhất định như một tất yếu của đấu tranh, đổ nát và tái thiết
Tuổi thanh xuân và tình yêu tuổi trẻ giống như lớp vảy sáng bạc của cá thu vậy: "Đó là sắc bạc khiến người ta vô cùng thích thú. Bầy cá bạc với sống lưng màu xanh lá, tự do bơi lặn giữa làn nước như những mũi tên. Mỗi sống lưng ấy là một sự sống. [...] Những con cá đó khi nằm phơi bụng ngoài chợ, có lẽ sẽ nghĩ tại sao mình lại rời bỏ làn nước trong xanh để bị ướp muối như thế này. Nhưng đến lúc bị đặt lên bàn đá nướng, không chừng chúng lại nghĩ tại sao mình từng ở mãi trong biển, vất vả bơi đi bơi lại làm gì cũng nên"
Gong Ji Young là nhà văn nữ thứ hai xuất hiện ở VN thuộc thế hệ 386 (những người Nam Hàn sinh vào thập niên 60 thế kỉ XX và hoạt động chính trị sôi nổi, trước đó còn có Shin Kyung-Sook với Hãy chăm sóc mẹ) nên lời cuối sách để dành tặng (tôi nghĩ rằng) tất cả những người đã từng trẻ, không chỉ ở Hàn "những người dù năm tháng qua đi vẫn giữ được tâm hồn tươi trẻ, bất chấp những vết thương gây ra cho tháng ngày thanh xuân của cuộc đời họ bởi một thời lịch sử đau đớn trong quá khứ"

ps: chắc chỉ có Hàn Quốc mới xây dựng những tình tiết kiểu bắt một người đàn ông phải vào cảnh nhìn người yêu cũ, vợ cũ và người yêu hiện tại ngồi cùng nhau trên ghế trong cùng căn phòng và phòng bên cạnh là đứa con từ cuộc hôn nhân không tình yêu của anh ta đang nằm ngủ không hay biết gì.
tréo ngoe rất là nẫu  và đậm chất phim dài tập của Hàn.