Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

28.7.22

hang thỏ trên đảo xa

 



cuốn tiểu thuyết trinh thám Bắc Âu Nhựa cây của Ane Riel mang đến một câu chuyện có thể là độc nhất trong cùng một mô típ lấy bối cảnh câu chuyện ở đảo. Đảo thì luôn xa, nhưng gọi đảo xa vì từ đất liền ra đảo ta còn phải băng biển để đến một đảo nhỏ biệt lập hẳn với đảo gần đất liền 


một độc giả tinh ý bập vào bối cảnh này sẽ đoán biết một gia đình duy nhất ở đảo xa sống tách biệt hẳn với thế giới, họ sẽ mang tâm lý thế nào với những người họ yêu thương, những người là thế giới duy nhất của họ và với họ; và câu chuyện đưa đẩy các tình tiết diễn tiến, người đọc có thể mường tượng chi tiết nhựa cây sẽ được các nhân vật làm gì, nhằm mục đích gì... vì bản thân mỗi người đọc khi đang đọc, họ mang trong mình thế giới tưởng tượng ngang cơ với bất kỳ tiểu thuyết gia hay một tiểu thuyết khả thể nào đó


nhưng dù có là độc giả tinh ý, họ cũng không thể mường tượng một câu chuyện tưởng như chung chứa những mảnh ghép tâm lý của các nhân vật có tiêu bản số phận quen thuộc lại có thể tiến xa đến mức như thế; có thể chính bởi chưa sẵn sàng đi đến cùng nên người ta buộc phải bằng lòng đọc tiểu thuyết do kẻ khác viết ra. Bằng giọng kể đan xen qua các chương: giọng của tác giả, của cô bé 7 tuổi, của người mẹ qua trang viết trong quyển sổ... đến nửa sau truyện, người đọc như cùng cô bé 7 tuổi sống trong ngôi nhà trên đảo xa với bố và mẹ - họ ở đấy nhưng không hiện diện, như một pha rơi hang thỏ của Alice: một thế giới qua gương - thế giới tàn khốc không tưởng, không chỉ đảo chiều 


ta yêu người, có thể huỷ hoại, tàn nhẫn với người và với chính ta mà không hay ly rượu độc trần gian ta ngửa cổ uống tự lúc nào; bất kỳ tình yêu nào, đặc biệt, mối quan hệ cha mẹ và con cái vốn được xem là thiêng liêng, ôm đầy chung chứa thì cũng chưa bao giờ dễ dàng bởi chính tính chất vốn có của nó ngay từ đầu


con người là cây, máu huyết là nhựa cây, có thể với cây này nhựa cây thành huyết phách hổ phách bảo quản 'khoảnh khắc thời gian' bằng cách mang theo tất cả những gì nó băng qua trong dòng 'sự kiện thời gian' đó; và có thể với cây khác, với những thương tật, nhựa cây tích tụ nuôi dưỡng làm lành thương tổn, từ nỗi đau ký ức đó hình thành nu [nu gỗ], có đặc tính và vẻ đẹp khác hẳn với cây chủ 


ps. hôm trước nghe một người nói về việc họ đọc Hoa súng đen và vô tình đọc đúng 1 câu spoil: 3 người là 1; từ đấy họ không thể đọc tiếp quyển truyện được nữa :))) tôi tủm tỉm nghĩ bụng rằng, để viết về một câu chuyện mà không lộ ra câu chuyện, không làm ảnh hưởng đến sự đọc của kẻ khác nhưng vẫn lôi kéo người ta tò mò đọc chính cái câu chuyện í, nó thật là một hành động vô cực cả về IQ và EQ :))))


cảm ơn người tặng sách, một tiểu thuyết trinh thám lạ miệng, hậu vị nhiều cảm xúc, gần như có thể tái hiện ngôn ngữ văn học thành những diễn viên sống động, một bộ phim khả thể của riêng mình. Và có thể đoán, Nhựa cây sẽ không ăn khách như các tiểu thuyết trinh thám khác ngoài kia :))))



22.7.22

land of tranquility










tôi hay để dành truyện thiếu nhi, truyện loài vật, picture book... để lúc mệt mỏi, tôi cho mình được xả láng nghỉ ngơi nằm oằn èo đọc. Đây là những truyện đọc mấy ngày qua:


  • Cáo Pax [Sara Pennypacker]: câu chuyện này tôi đọc xong và kể lại cho Sói Sun nghe, bọn trẻ thấy tôi khóc và hỏi ơ dì khóc ạ, sao dì lại khóc :p
  • Snofrid ở miền đồng thảo [Andreas Schmachtl] và series Gia đình Mumi - The Moomins [Tove Jansson]: là các hình tượng con vật đáng yêu được các tác giả sáng tạo ra, không cụ thể là loài nào. Snofrid thì pha chuyện chàng Hobbit; còn Gia đình Mumi thì chắc chắn là truyện thiếu nhi kinh điển rồi, hình tượng các Mumi sẽ mãi ở trong tâm tưởng những ai từng đọc series này [hiện tập đầu của series chưa xuất bản, nhưng không mấy ảnh hưởng đến nội dung các tập sau]. Hôm trước tôi mơ ngủ, ngồi bên ánh nến bàn ăn với các Mumi; dường như cứ cảm thấy thiết thân với ai hay nơi chốn nào là lập tức tôi phải mơ ngồi ăn với họ hoặc ăn ở nơi chốn ấy 
  • Bồ câu bay đi tìm bà [Walter Macken]: một câu chuyện phiêu lưu cảm động, như truyện nói thì cậu bé 12 tuổi dám bỏ nhà đi cùng cô em gái bé bỏng 7 tuổi vì thằng bé có tính cách phiêu lưu Ai-len. Ở cuối truyện khi thẩm phán hỏi thằng bé lý do bỏ nhà đi, câu trả lời của nó khiến người ta không khỏi xúc động. Một câu chuyện có màu sắc Dickens. 
  • Dì Rumphius [Barbara Cooney]: picture book này bạn tôi tặng vì thấy dì Rumphius giống tôi quá. Câu chuyện dựa trên một hình mẫu có thật, người luôn mang những hạt giống đậu hoa trong các chuyến đi và vãi hạt tự nhiên như một cách làm gì đó tô điểm cho thế giới trở nên tươi đẹp. Dì Rumphius không đi xe, nuôi mèo, từng chăm nom thư viện, đọc sách, làm vườn... tôi thấy giống nhất là tôi cũng đau lưng và già giống dì í, à quên, tiểu sử không hề nhắc đến chồng con gì nữa :))))
  • Lâu đài bay của pháp sư Howl [Diana Wynne Jones]: tôi xem phim hoạt hình Ghibli trước, đọc truyện sau, mỗi ngôn ngữ mỗi khác không so sánh nhưng tôi luôn hợp ngôn ngữ văn học hơn. Tôi rất thích câu chuyện này, logic của nó trong một thế giới pháp thuật và việc ta thổi hồn, sự sống vào những việc ta làm 
  • Miền Dâu Dại [Jill Barklem]: picture book về những chú chuột ở miền dâu dại. Câu chuyện xây nên một thế giới bình yên của các chú chuột với tổ chức xã hội gắn bó thân thương cùng nhau đi qua các mùa và tiếng bước của thời tiết. Khi tìm hiểu về tác giả, tôi mới hay rằng trước khi được xuất bản thì Brambly Hedge đã bị từ chối đến mấy lần vì câu chuyện không có cốt truyện rõ ràng; nhưng đấy cũng là suy nghĩ chung của người lớn khi nhìn vào thế giới trẻ thơ, vậy nên họ là người lớn mà không phải trẻ thơ, cũng như tôi luôn nói "trẻ em của loài người", trẻ em là trẻ em, loài người là loài người, tôi luôn nghĩ vậy :))). Một bộ sách khi mở ra người ta ngay lập tức muốn biết về người vẽ chúng người kể câu chuyện này và ngồi mơ màng về những chi tiết màu sắc mình đang lần giở trang từng trang. Như lời người tặng sách, sách đẹp quá nên họ mua cho tôi ngắm :p



7.7.22

phế tích trong buổi hoàng hôn

 [vực trống cách]





năm nay, mùa hè tôi đọc được một vệt chủ đạo Thanh Tâm Tuyền mà đến lúc này, tôi nghĩ suốt gần 2 tháng qua lúc nào tôi cũng nghe và ở trong một trường bi ca, mùa hè vì thế không còn mênh mông hay mênh mông hơn nữa thì tôi cũng không biết nữa rồi; còn 3 quyển nữa sẽ phải đọc ebook trên vietmessenger, Ung thư thì qua tạp chí Văn được đâu thì được. Cuối Mù khơi – Kẻ Sĩ năm 1970 có giới thiệu sẽ xuất bản truyện dài Thềm sương mù của Thanh Tâm Tuyền, nhưng có vẻ không mọc mũi sủi tăm Thềm sương mù



Bếp lửa tôi đọc ebook từ trước, cũng lâu lâu rồi; sau đó vì ấn tượng với một vài bài hát, tôi đọc thơ Thanh Tâm Tuyền. Năm 2019 khi đọc hòm hòm gần như đủ Dostoievski thì một duyên do nào đấy tôi đọc Tuổi nước độc và Sợi tóc tìm thấy của Dương Nghiễm Mậu; ngay khi đọc xong 2 quyển của Dương Nghiễm Mậu, sự điên trong văn chương ấy và một cảm nhận mơ hồ nào đó đã khiến tôi đặt Thanh Tâm Tuyền - Dương Nghiễm Mậu gần nhau, tôi nghĩ đến sự gần nhau trong văn chương của họ. Thanh Tâm Tuyền thì gần Dostoievski, Dương Nghiễm Mậu thì gần Charles Dickens, nhưng tại sao từ đấy tôi lại chập Thanh Tâm Tuyền và Dương Nghiễm Mậu, ngoài văn chương của sự điên, thì phải đến khi đọc Tạp ghi của Thanh Tâm Tuyền tôi mới nhìn ra một cảm nhận rất hiển nhiên mình đã có mà chưa tóm bắt được, chỉ biết nó là một cảm nhận mơ hồ kéo dài suốt đến tận 2021 tôi đọc lại Bếp lửa lần 2. Cũng như Dostoievski và Dickens thì nối vào nhau thế nào, cũng phải đến khi lật mảnh ghép Thanh Tâm Tuyền vào 2022 này tôi mới hiểu cái điều mình mơ hồ lảng vảng trong đầu: ý thức mạnh mẽ về ý thức mồ côi, lạc loài, xa lạ. Văn chương của sự điên ở Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu cho tôi giả thuyết về sự gần nhau trong văn chương, trong đời sống về một cái nhìn sụp đổ: một nhìn sụp đổ và đi bằng bước đi không đi và một nhìn sụp đổ lanh tanh bành và đi bằng bước đi có đi

[giống như sự mơ hồ mà sau này tôi có dịp hỏi người thân của Dương Nghiễm Mậu rằng có phải Dương Nghiễm Mậu không biết đi xe đạp như một nhân vật trong truyện ngắn của ông không và được xác nhận là đúng; và trong hình dung của tôi, Dương Nghiễm Mậu thâm trầm rất đàn ông và được nghe kể rằng Dương Nghiễm Mậu nói và cười rất to, thậm chí, nói cười dữ... với tôi, ông là một người có thể viết về sự điên trong và qua văn chương, dám đi đến cùng]

 

 

khoảng 2 tháng trước ở một nơi rất nhiều sách để xem, sờ mó và lục lọi, khi đi một vòng qua giá từng giá sách và quay lại cái giá sách mở màn giờ đây đã không vướng, sau rất nhiều cái tên, tên tuổi mời gọi sự tham lam ngấu nghiến của mình, thì đập chính diện vào mắt tôi là Thanh Tâm Tuyền. Các gáy sách cho rất ít thông tin vì cũ vì mờ [mắt tôi mờ] thì thế nào một trong những cái gáy rất mỏng nhìn rõ chữ Thanh Tâm Tuyền, thế là tôi nhấc xuống như một hiển nhiên: vậy tức là mình đọc Thanh Tâm Tuyền rồi



và tôi đọc rất chậm, khác hẳn thói quen đọc tập trung của tôi khi quyết định đọc một vệt tác giả nào đó; tôi muốn đọc theo nhịp tự nhiên, không cố gắng. Một người bạn của tôi, anh bảo của bác Tâm anh mới đọc Bếp lửa và dĩ nhiên 2 tập thơ; khi anh nói với tôi, là lúc tôi đang đọc Dọc đường và cảm thấy hình như thiếu trang nên nhờ anh check hộ, chính lúc ấy anh mới hay rằng Dọc đường bản Tân Văn 1970 tôi đang đọc nhiều hơn bản Sáng Tạo 1966 2 truyện ngắn, trong đó chính cái truyện Sắc trời nằm cuối cùng trong Dọc đường 1970 lại là truyện tôi thích nhiều. Qua lời của anh nói, tôi lờ mờ hiểu rằng, tôi và như ai đọc cũng có cảm nhận Bếp lửa là kiệt tác, nhưng điều này với tôi mới là mới: nhắc đến Thanh Tâm Tuyền thì người ta thường nghĩ đến thơ của ông. Khi đọc tập thơ đầu Tôi không còn cô độc, tôi không có nhiều ấn tượng, tôi từng đọc trước đó đúng Lệ đá xanh vì được phổ nhạc một phần thành Nửa hồn thương đau, đọc rất nhanh. Đến Mặt trời tìm thấy [Liên. Đêm. Mặt trời tìm thấy] thì tôi bị pha choáng váng thơ, ngoài những bài trước giờ tôi từng đọc: Dạ khúc, Bài ngợi ca tình yêu [mà sau người ta thường biết đến qua nhạc Phạm Đình Chương mà nhiều người cho là hỏng, phổ nhạc hỏng, thì tôi cũng vẫn thích] thì có những bài tôi rất thích khi đọc đầy đủ cả tập thơ, như Thành phố, chẳng hạn



nhưng, khi đọc tiếp đến Khuôn mặt, Tập kịch Ba chị em. Bão rớt. Cửa đêm, Cát lầy, Mù khơi thì tôi gần như quên cú choáng váng thơ Thanh Tâm Tuyền. Với tôi lúc này chỉ còn văn xuôi Thanh Tâm Tuyền, nó chính là ấn tượng ngay từ đầu khi đọc Bếp lửa, nó hiển nhiên ở đấy rồi, một văn xuôi nhịp rất rõ, miêu tả không lẫn vào đâu mà tôi cho là sự ý tứ trong văn chương phải có, không cần nhiều nhưng nhất định phải có, như là "mưa rơi sâu vào giấc mơ", "điện thì mỏng như cánh chỉ", "tiếng chuông nhà thờ chụp xuống", "đánh đĩ tinh thần mình", "mọi căn nhà đã ngủ", "tiếng bước của thời tiết, trên lá cỏ và nóc nhà", "những cây cao ngó xuống", "mưa dày như bức tường" hay ở các tác phẩm văn xuôi khác "tôi ngồi chờ nghe chuông đổ hồi vang đập trong ngực chẳng khác nào thân mình là những vách trống", "tôi nghe mình trơ khấc như một hòn đá vô hồn", "mưa kín như lưới khít", “buổi sáng già êm, không chuyển dịch”, “câu hỏi của tôi vang lên như một viên đá ném lăn lách cách trên một mái ngói. Tôi ném tiếp không thể để tiếng động rơi không trơ trẽn”, “những ý nghĩ mê mê mờ mờ, những tư lự thảng thốt, những giấc chiêm bao mở mắt” etc. thơ ở đây thơ ở đâu xa. Văn xuôi tức là năng lượng dài hơi, tần số và sự rung giữ nhịp, cái này ở thơ, luôn khó đủ; còn nếu nói thơ hay hay không là phải do đọc, người đọc đọc đúng nhịp đúng tinh thần thì văn xuôi cũng vậy, sai nhịp sai không khí tinh thần cũng hỏng bét, hỏng kiểu. Tôi gần như thuộc một vài đoạn trong Bếp lửa, với tôi, đó là thơ, bởi khi đọc lên, tôi đọc chúng là thơ; một trong những đoạn đó, khi tôi buông câu cuối "mưa rơi sâu vào giấc mơ" tôi luôn có cảm giác mình đã khép lại một bài thơ



từ Khuôn mặt trở đi, tôi nhận ra ảnh hưởng rõ nét của Dostoievski lên Thanh Tâm Tuyền, một văn chương bạo tàn hung hiểm, ý thức mạnh mẽ như móng sắc cấu vào kẽ nứt da thịt, không cho phép chối bỏ chạy trốn sự đứt lìa và lạc loài: Tôi là ai khác - sự điên, ốm, phát sốt. Điển hình là truyện ngắn Cuối đường [truyện dài Ung thư như được triển khai từ đây], nhân vật tôi trong Cuối đường và chi tiết đòi chỗ ngồi của mình trong thư viện, sao lại là thư viện, như đòi một chỗ trong đời dù không tồn tại vị trí chỗ của riêng mình, nó như sự phù phiếm của tồn tại vậy; một sự rất điên trong văn chương "Thân thể của tôi cũng rung lên như mặt đất mỗi lúc một dữ dội. Tôi nghẹn ngào và lại nằm lăn xuống cỏ. Tay chân mặt mũi tôi như bị cào cấu bởi những móng tay sắc. Lát sau thì cảm giác tê dại. Trong tận cùng của cơ thể sự vùng vẫy từng hồi yếu dần, lịm đi. Tôi nhắm mắt vì nắng rực ở trên mi. Đầu óc tôi rất sáng. Giá lúc ấy người ta mang chôn tôi, tôi cũng biết nhưng không thể nào làm gì để chống lại” [đoạn kết Cuối đường]

 

đến Cát lầy, Mù khơi thì đặc biệt rõ về sự điên, sự chết của Dostoievski. Cát lầy có lẽ là tiểu thuyết tôi thích nhất [tất nhiên không kể Bếp lửa] của Thanh Tâm Tuyền, chưa bao giờ tôi đọc tiểu thuyết mà ăn dè như thế. Trong Cát lầy, một nhà văn miền Bắc được réo gọi, có lẽ duy nhất trong các trang viết của Thanh Tâm Tuyền: Nguyễn Tuân, đoạn nhân vật tôi nhìn thấy Thuận – người phụ nữ đất Bắc đi trên phố, một hình ảnh rất Bắc rất Hà Nội. Với tôi, Dương Nghiễm Mậu luôn rất Hà Nội, còn Thanh Tâm Tuyền thì Hà Nội bảng lảng trồi lên trong từng quãng níu giữ mang tính định mệnh, dù cả 2 người đều văn chương miền Nam, nhưng trong đoạn khi réo tên Nguyễn Tuân [trang 70 Cát lầy], thì Thanh Tâm Tuyền cho tôi một kinh nghiệm về Hà Nội rất Hà Nội, Hà Nội hơn cả Hà Nội của Bếp lửa [có lẽ vì Hà Nội Bếp lửa, Ung thư là Hà Nội tuổi trẻ của Thanh Tâm Tuyền và các bạn], của truyện ngắn Cuối đường trong Khuôn mặt “thành phố ngơ ngác điêu tàn”. Tôi thích Cát lầy theo nghĩa thích có lựa chọn cân nhắc, còn thích theo nghĩa hay thì thích, lãng mạn thì thích, thì là Một chủ nhật khác. Cũng chính Cát lầy xây dựng nhân vật rất Dostoievski “hai mươi tuổi vào lúc tiếng súng im, đó cũng là một mắt của định mệnh” - nhìn người khác, kinh qua người khác để nhìn và thấy mình [Tội ác trừng phạt] và tự sự về một trí tuệ ly thân hay chính mình như một kẻ lạ [gần với Anh em Karamazov, Lũ người quỷ ám] - "con người là một cái gì phải vượt qua, tôi vụt hiểu [...] Tôi, tôi cũng là kẻ mở mắt trong những đêm tối quá dài của tôi. Không thể nói không trống trơn, nhưng cũng không thể trở lui" [Cát lầy]

[Nietzsche: Man is a rope stretched between the animal and the Superman--a rope over an abyss. A dangerous crossing, a dangerous wayfaring, a dangerous looking-back, a dangerous trembling and halting. What is great in man is that he is a bridge and not a goal: what is lovable in man is that he is an over-going and a down going – Đến Tiếng động, sẽ quay trở lại với Zarathustra]

 

chuyện tình trong Cát lầy "Tất cả em từ bao giờ cho đến bây giờ và mãi mãi vẫn thuộc về người khác, anh cũng vậy. Chúng ta không thuộc về nhau. Em không hiểu, không bao giờ chịu hiểu. Một người là của nhiều người, không là vật sở hữu, cũng không thể cung hiến làm vật sở hữu của một người. Trừ phi anh chết, em chết... Tôi nhìn hoàng hôn phía cuối sông, những ý nghĩ trôi nổi lềnh bềnh, buồn thảm, chậm chạp" [trong truyện Tiếng động, Thanh Tâm Tuyền có viết một đoạn: “Em từ bao giờ đến bây giờ vẫn một mình. Mọi người đều như thế. Một mình với rất nhiều người khác. Nhiều người khác, em hiểu không, không phải một mình với một mình. Em có thấy không?”] có thể nói Thanh Tâm Tuyền đã triển khai riêng chuyện tình này, viết thành một vở kịch tên Cửa đêm trong tập kịch Ba chị em, hình ảnh nằm phơi mình trên mũi đá và ngọn hải đăng cũng như 2 con người trước biển đêm mịt mùng tìm chết và người gác hải đăng xa xa và họ nói lời của nhau, từng phía, nó là một khung cảnh rất Shakespeare. Điều tôi lấy làm lạ là kết thúc chuyện tình của nhân vật chính Cát lầy lại ở thành phố nghỉ mát sang trọng trưởng giả [thung lũng đường ngoằn ngoèo, tệ hại] mà không phải ở nơi cát lầy, biển đêm…

 

sau Cát lầy, tôi chọn Mù khơi với những chi tiết như cơn ốm của các nhân vật Dostoievski "giấc mộng là sự xâm nhập khủng khiếp của ngoại vật vào mình". Tôi đặt Cát lầy và Mù khơi cùng nhau, nhân vật tôi ở 2 tiểu thuyết này và Kiệt ở Một chủ nhật khác, tôi đều rất thích, những người như đứng vực trống cách nghiêng ngả chấp chới chập choạng giữa bóng tối và ánh sáng vì bản thân họ là chính vực trống cách nhưng chính vì vậy họ lại rất quyết liệt. Mù khơi có những đoạn làm tôi nghĩ đến Gã khờ/Chàng ngốc của Dostoievski, nhân vật tôi trong Mù khơi cũng nhắc đến một cảnh trong Gã khờ, tất nhiên không phải đoạn kết Gã khờ khiến người ta đọc xong trơ mắt đứng hình mất một lúc, nhưng cũng là một phân đoạn điên rồ mà chỉ văn chương Dostoievski mới có thể, đoạn người phụ nữ bị xã hội trưởng giả coi là không đứng đắn đã yêu cầu các vị khách của mình có mặt trong phòng mỗi người phải kể một câu chuyện - một kinh nghiệm bản thân mà họ cho rằng tệ hại méo mó bẩn thỉu xấu xa etc. mà khi kể xong có người lăn quay ra chết ngất và ốm như động kinh ấy


Tạp ghi là tập hợp những bài “tạp ghi” của Thanh Tâm Tuyền dưới bút danh Ba Tê viết đăng báo mà ban đầu Thanh Tâm Tuyền không muốn có nó, tức tập Tạp ghi, sau đó thì để tuỳ nhà xuất bản "muốn làm sao thì làm". Các bài tuyển vào có tính liên kết cao, có thể đã theo đúng thứ tự Ba Tê viết đăng khi giữ mục trên nhật báo. Đúng như tên “tạp ghi” phong cách báo chí phiếm luận, tản văn giữ mục trên báo… các bài viết cách nay gần 70 năm nhưng vẫn còn rất hợp thế cuộc. Và để nhìn suy nghĩ của một người [đại diện] văn chương miền Nam thời VNCH thì rất nên đọc Tạp ghi của Thanh Tâm Tuyền, đọc nó xong có thể hiểu hơn về những gì đã đọc trước đấy và càng về sau càng cảm thấy mình yêu công cuộc đọc Thanh Tâm Tuyền hơn. Một mặc khải gây kinh ngạc và sửng sốt không ít. Mấy bài viết đầu tôi hơi thất vọng vì yếu tố tư tưởng chính trị, nhưng qua được đôi ba bài thì bắt đầu thấy hứng thú, đến chuỗi Về đàn bà [3 bài] thì thả lỏng đúng như đọc báo cho vui. Nhưng pha rùng mình là bài Về Lệnh Hồ Xung [và bài ngay sau Về những đứa trẻ bất hạnh của Kim Dung] nhân vật tôi có thể nói thích gần nhất trong kho Kim Dung, đây cũng là 2 bài viết có lẽ tôi thích nhất trong tập Tạp ghi mà khi đọc tôi không nghĩ mình lại nhìn thấy nhiều đến thế. Cũng từ 2 bài viết này, tôi trở ngược nhìn lại những gì đã đọc trước đấy của Thanh Tâm Tuyền thì tôi hiểu cái mình cảm nhận, nó ở đấy mà giờ mới hiện hữu sáng rõ với tôi. Tôi nghĩ có thể đã đến lúc phải đọc một vệt dài không đứt đoạn Dickens rồi [Ba Tê: “đối với các tác giả khác, đứa trẻ bất hạnh vào đời chỉ là một đề tài nhất thời. Duy đối với Dickens thì đó chính là đề tài của ông. Kim Dung ngày nay cũng là một thứ Dickens vậy”] đáng ra phải từ 2019 gối vào ngay khi đọc Dương Nghiễm Mậu nhưng phải đến Thanh Tâm Tuyền ở chính một câu của Dostoievski, Thanh Tâm Tuyền nhắc lại cuối bài viết Về Lệnh Hồ Xung: “Sự khốn khổ chỉ của một đứa trẻ thôi làm cho hết thảy mọi người không ai dám nhận là mình vô tội cả”

đến đây thì tôi vỡ lẽ tại sao tôi lại thấy họ gần nhau đến vậy: Dickens Dostoievski Thanh Tâm Tuyền Dương Nghiễm Mậu chính bởi đây là đất mồ côi, những đứa trẻ mồ côi bất hạnh; mồ côi không chỉ nghĩa mất cha mất mẹ, mà đất mồ côi là người ta cô độc xa lạ long rong tẻ nhạt giữa một chốn chẳng thân tình, tách lìa tan nát, lênh đênh biến ảo trong và với chính mình, cũng như với người khác và chung quanh "tôi không về, tôi đi lại giữa những nơi chốn không còn dính líu tới mình" [Cát lầy] hay "đời người là một sự trống rỗng lớn cần lấp đầy bằng tất cả những gì mình có" hay “tôi đi đâu mới được. Đi đâu tôi chắc tôi cũng vác theo cái đầu lảo đảo nặng chịch… tôi là thứ casanier. Đi quanh quẩn thôi” [Mù khơi] dù sự trống rỗng bấp bênh ấy phải dùng chính những trống rỗng để qua vực trống cách này đến vực thẳm khác như nhân vật trong Một chủ nhật khác của Thanh Tâm Tuyền tự vấn mình “nhưng chàng lại sợ những ý nghĩ mê mê mờ mờ, những tư lự thảng thốt, những giấc chiêm bao mở mắt [...] chàng không còn hiểu mình chờ đợi, mong ước gì lúc này”, “Như kẻ mộng du, Kiệt tự hỏi: mình đang tìm kiếm gì? Và người khác tìm kiếm gì ở mình. Bây giờ chàng ngạc nhiên về tình trạng giữa mình và người. Chàng không rõ gì cả về những người đang đến gần chàng và ngược lại cũng thế. Họ có hiểu được rằng chàng hiện như thế nào không? Chàng như một tảng đá cheo leo trong cơn lở núi đang bị rung chuyển tận gốc rễ. Họ phụ lực trong cuộc lay động chăng? Rồi lúc nào tảng đá bật tung, lao vút, vỡ nát?”

 

dù nhìn thông 2D: Dickens Dostoievski tôi chưa thấy ăn nhau. Nhưng trong mảng màu này ráp thành một chi tiết, hay một phần của chi tiết [tối quan trọng], tôi nghĩ có thể tôi sẽ có một chi tiết trọng yếu mà từ nó hoặc tới nó, tôi thấy nguồn sáng mà tôi vẫn thấy, rõ và có thể sẽ khác đi dù vẫn là thứ ánh sáng ấy. Nỗi thống khổ mang hình hài Kafka – sợ hãi, xua đuổi và trốn chạy hạnh phúc – đất mồ côi lạc loài



truyện Tiếng động được ghi là truyện tình, nhưng giống nhật ký và thư từ hơn, đọc như húc đầu vào tường. Vị trí của Tiếng động trong chuỗi các tiểu thuyết truyện ngắn kịch giai đoạn này có thể nói như lời tự sự bị bắn ra khỏi một tổng thể nào đó, nhân vật này tôi thấy gần với nhân vật trong truyện ngắn Tư ở tập Dọc đường [các chi tiết liên quan đến cái ví và những gì ở trong ví, căn cước rất hay] và Trường ở Mù khơi, một ít Trí ở Cát lầy, dù mở đầu là ảnh hưởng của Nietzsche với Zarathustra đã nói như thế [tôi cảm nhận rằng nếu có lần đọc lại Thanh Tâm Tuyền thì có lẽ là bởi Tiếng động và rất có thể tôi bắt đầu từ đấy vì hiện tôi chưa hình dung nổi về nó]. Lời cuối sách TTT nói: “Trên đây là một tập nhật ký và ba lá thư trong một xấp thư không gửi. Tất cả đều bỏ dở, không cái nào viết xong. Tác giả thấy không cần thiết phải lục đăng thêm, vì đại khái những thư sau nội dung quanh quẩn giống như mấy thư đã in, không có gì khác lạ nữa cả…”

“Anh hiểu rằng mọi người sống hết vô lý. Trước kia anh tưởng một mình anh như một ông Chúa đang phải vác thánh giá cho hết thảy không phải thế. Chẳng hề có thế. Mỗi người tự vác lấy mình, chẳng phải một cây thánh giá mà là những khúc cây lượm lặt trên đường. Bất cứ lúc nào mình cũng có thể liệng cái bó cồng kềnh ấy xuống, ngồi thở, lau mồ hôi nhìn người khác. Điều khốn nạn là chúng ta cần có một sức nặng nào đó ở trên vai để nghe mình thở ì ạch và thấy mình sống

Từ buổi chúng ta chưa thành người, người ta đã tập cho chúng ta thói quen ấy mà chúng ta khó rũ bỏ được. Sống như chịu cực hình. Sống bất thường vô lối. Em có hiểu như thế không?” [tôi biết nhiều người nghĩ đến Camus, tôi lúc đọc thì nghĩ đến Céline trước tiên, chỉ có Céline thôi, chỉ có ông ấy nhận mình là đao phủ: tôi là cây thập tự mà mọi người phải mang vác]

 

“Đây là lúc anh phải tỉnh dậy (hay mê thiếp đi cũng không có gì quan trọng) Anh phải nhìn mọi sự trong dáng xuất hiện của chính nó, bằng đôi mắt của mọi người. Chúng ta cũng chỉ là những mặt gương đặt trước nhau, đặt trước những người khác. Ảnh tượng trôi tít đến vô cùng, hoa mắt”



Một chủ nhật khác là tiểu thuyết tôi thích nhất theo nghĩa thích là thích thôi, lãng mạn thì thích, một cách tự nhiên bản năng. Mà những thứ tự nhiên bản năng thì giống như ngọn gió độc, sảng khoái và độc :p, nó như điểm sáng trổi lên giữa “những ngày lặng lờ bằn bặt”. Quyển sách tôi đọc thiếu độ 4 chục trang, là những trang lãng mạn ngây ngất choáng váng đến u mê mà tôi thích ngờ rằng người chủ cũ cố tình lấy nó ra khỏi tổng thể quyển sách, đôi khi tôi cũng thoải mái nghĩ một cách xấu xa ti tiện về người khác như nghĩ về chính mình thế. Nhân vật chính tên Kiệt, “Kiệt nghĩa là hết sạch, chẳng còn gì, chẳng còn tí tẹo nào” hết nhẵn kiệt cùng không còn gì “chàng sống trước những chuyện có thể xảy tới, sắp xảy tới, sẵn sàng hứng nhận. Mọi chuyện hiển hiện như thực, trong tâm trí cô độc buốt giá. Chàng mất hêt. Chàng không đau đớn”. Một chủ nhật khác lấy bối cảnh Bình Long mà như sau đó tôi biết thì hóa ra trận An Lộc có nhiều tài liệu nhắc đến. Kết chuyện khép lại tất cả là khung cảnh trong tiếng nổ hỏa tiễn các sĩ quan giáo sư bàn luận, đặt nghi vấn, giả thuyết về những lý do đưa đến tai nạn giết chết Trung úy Kiệt.

Thanh Tâm Tuyền viết Một chủ nhật khác vào 1972 - 1973 còn quyển sách được phát hành vào tháng 3 năm 1975, để trống ngày, một khoảng trống khuyết ngày, chỉ có tháng và năm, có lẽ vì ảnh hưởng dấu mốc 4/1975 đang tiến đến gần

 

 

kết lại vệt đọc Thanh Tâm Tuyền lần này là tập Thơ ở đâu xa. Các bài thơ viết trong thời gian ông đi cải tạo ở miền Bắc [Yên Báy Lào Kay Vĩnh Phú…] không còn hồn thơ Thanh Tâm Tuyền; nửa sau Ba bài sinh nhật con gái “từ những ý thơ thấp thoáng nhớ” [do mỗi lần chuyển trại bị lục soát, các bài thơ bị mất] và Vài khúc dạo tặng tri âm thì tôi đọc thấy bắt nhịp được một chút những ý thơ hay “hát ở đâu đâu giấc mộng cuối”, “có nghe lòng đá héo mòn”, “đợi khách nửa đêm cây ngát thức”, “người là mộng viễn ai kia gửi/dư ảnh hiện thân dội vắng không” [Chia tay]

 

một vài đoạn tôi note lại:
“Rồi những thành phố đứa nhỏ đi qua để lớn lên, những nhà ga trước những ngả đường rộng hiu quạnh, những phòng ngủ tỉnh nhỏ, những con sông cùng bến chợ, tới khi trở về nơi ấu thơ hắn hiểu rằng mình sinh ra không cội rễ, xa lạ với một mảnh quê hương phần mộ cũ. Càng đi nhiều bao nhiêu hắn càng nhận thấy mình mất hết ràng buộc thân tình để còn một mình giữa một không gian ở đâu cũng là xứ sở” [Khuôn mặt]

 “Kiệt lạc lõng giữa những kỉ niệm hờ hững của mọi người và những kỉ niệm lác đác le lói nơi chàng. Chàng chẳng tìm thấy bóng chàng đâu cả […] Mấy đứa sang với Kiệt đều biệt tăm luôn. Chúng sống dễ dàng. Có công ăn việc làm, lấy vợ đẻ con theo nề nếp dân bản xứ chính thống. Có đứa làm nên danh phận, có đứa đóng vai lưu vong. Cũng có đứa lêu bêu khốn khổ. Chẳng đứa nào tơ tưởng đến quê hương, chốn ấy chỉ còn trong kỉ niệm để nhắc nhở khi gặp nhau. Đến một ngày rồi chúng cũng chẳng cần thiết nhắc nhở nữa [Một chủ nhật khác]

“Tại sao anh không chịu đi nhỉ? […] Có chị đi rồi, tôi còn đi làm gì nữa… Bạn mình đi thì cũng như mình đi vậy. Trong đám bạn bè, người nào cũng đi cả thành thử có lẽ tôi muốn ở lại… Đi hết thì ra ngoài lại cũng vẫn từng ấy mặt tìm gặp nhau… Ít nhất phải có người ở lại một chỗ nào chứ. Tôi chọn cho tôi cái vai ấy. Tôi chọn làm cái trí nhớ của mọi người… Một trí nhớ kể thì cũng không hay ho gì… Chẳng hạn như chị là chắc có thể biền biệt luôn, nhưng nếu giả thử một ngày nào chị trở về, chị chỉ cần gặp tôi là chị gặp lại cả một quãng thời gian cách biệt… Lưu Nguyễn trở về trần chăng? Cứ cho là như thế đi. Bởi tôi nghĩ người nào đi là đều có ý tìm kiếm một chốn nào đó cho là quê hương mình phải không? Trở về còn có tôi đỡ lạc lõng biết mấy, nếu ngày nào động lòng trần […] khoảng đất chị nghĩ tới bớt hoang vu đi chứ” [Mù khơi]

“Người đàn ông tìm một điều gì khác qua tình yêu. Lúc này tôi nghĩ với tôi, tôi tìm chính tình yêu, tình yêu đích thực như sự chọn lựa khởi đầu. Nhưng trong khung cảnh đời sống quen thuộc nhàm chán, cái người ta gọi là tình yêu chỉ là một sự níu kéo trở lại những gì muốn dứt bỏ, từ chối” [Cát lầy]

 

“Chúng ta là những người sinh ra để đi một mình suốt đời. Thanh hãy can đảm nhận ra điều ấy. Đi một mình suốt đời khó nhọc đấy chứ. Không một sự ràng buộc ta, thật là bất hạnh

Những buổi trời lạnh, tự sửa soạn bữa ăn lấy, anh nhớ Thanh hơn hết. Anh chỉ còn có Thanh và chắc Thanh chỉ còn có anh. Hãy cho anh sự tin tưởng khi anh có dịp trở về quê hương, anh đã có sự ràng buộc thật thà từ trước, ràng buộc, ấy là Thanh. Không phải những người cùng máu mủ với mình

Chúng ta phải tự tạo lấy sự ràng buộc nhau để cùng nhau bám chặt quê hương nếu không chúng ta sẽ mất trong sự quên lãng

Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng

Tâm” [Bếp lửa]

 

 

Ps. Thanh Tâm Tuyền đan nhiều tiếng Pháp, cũng hiếm khi thấy văn bản của tiểu thuyết để nhiều mở ngoặc thế này, còn lỗi chính tả thì vô biên. Những cái tên không gì ăn khớp được hơn: Cát lầy – Cửa đêm – Mù khơi – Tiếng động  – Dọc đường – Cuối đường

ảnh chụp là vệt đọc Thanh Tâm Tuyền lần này của tôi, Bếp lửa bản sách ảnh ấn theo ấn bản lần 4 có 2 bài viết đầu sách của Thanh Tâm Tuyền, rất nên đọc, tự nhiên thấy bùi ngùi như tuổi trẻ của chính mình; và 1 bài của Huỳnh Phan Anh in cuối sách; là quyển tôi đã có từ trước trong nhà, tôi dùng quyển này đọc 2 lần Bếp lửa, còn lần đầu tôi đọc ebook lâu rồi, nên có thể nói nhiều đoạn Bếp lửa tôi thuộc, tôi như sống trong không khí ấy. Những quyển sách quý trong ảnh tôi may mắn được cầm đọc; cảm ơn người đã cho tôi mượn sách một cách hào phóng, luôn hào phóng và dịu dàng với tôi