Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

31.3.20

desert



ở giữa sa mạc với hai bình nước nhỏ cầm tay, một đen một hồng; phía trước là núi đá có lối đi ở giữa, có lẽ tôi sẽ tiến đến đấy, ngút tầm mắt là bao la cát, có gì đâu ngoài cát, tôi nhỏ bé cát bụi. Sa mạc luôn mang vẻ ngạo mạn tối cao

núi đá nhiệt độ dịu hơn rất nhiều, phía trước có ánh sáng, vậy tức là tôi đang đi xuyên núi giống đi trong một đường hầm; tôi phải tiếp tục bước đi vì tôi phải bước đi, mỗi bình nước còn non nửa, tôi không nghĩ quãng đường từ ngoài kia vào đến đây xa như thế, chân tôi bỏng rát, tôi và hai bình nước đều mất nước chóng vội

đến được vùng ánh sáng, rất đông người, nhộn nhạo ngoài tưởng tượng của tôi. Họ đánh nhau giằng co hát hò cười nói đong đưa xoắn xuýt... nhưng chỉ có chuyển động mà không có âm thanh, có lẽ ai đó đã kích hoạt chế độ im lặng. Không ai biết đến sự tồn tại của tôi, tôi mỏi mệt và thả người ngồi tựa vách núi đá; rồi một cái xe tiến đến, nếu tôi không nhanh chóng đứng dậy nép vào sau vách núi hoặc trèo lên cao thì tôi sẽ nằm dẹp dưới bánh xe kia. Hình như tôi đang ở làn đường giữa của nơi này, tôi để ý rằng các loại xe, kể cả xe do người kéo đều đi làn giữa, đều giảm tốc ở vách núi nơi tôi đang đứng để lựa lái qua vì vách núi này chìa ra tạo với vách đối diện một khoảng cách vừa xinh cho một chiếc xe được lái thuần thục đi qua. Nếu muốn nghỉ lại đây, tôi chỉ có 2 lựa chọn: làn phải hay trái

tôi nhìn sang làn phải, một lối đi tạo bằng các bậc đá và phủ cát, nếu nheo mắt nhìn thật rõ thì trên ấy có một cái ghế to, một người rất nhiều màu sắc đang uốn dẻo quanh ghế, một cơ thể nhiều đường cong, linh hoạt, dẻo như mình rắn... hẳn là một phụ nữ; ghế phát ra thứ ánh sáng của kẻ trên cao, cô uốn lượn quanh ghế, lúc ngoắc đầu vào gầm ghế lúc đã lồng đầu và vai qua tay ghế để lên mặt ghế nhưng tuyệt nhiên không quay mặt ra phía trước; phía dưới mấy bậc là một nữ tì còn rất nhỏ, tóc dài, thân trên để trần, phía dưới là một quần ống túm, nữ tì bê trên tay một cái khay với khăn, hoa quả, nước và một đĩa thịt sống. Tôi nhảy khỏi vách núi bước sang phải đúng chiều đường suốt bao năm tôi đi, nhưng khi vừa chạm được một chân vào bậc thang đầu tiên của làn phải thì một giọng nữ trung niên vang lên: Cô không được chào đón ở đây, nơi này không dành cho cô. Tôi cố gắng nhìn lên để chắc chắn là người ở ghế trên cao nói với mình nhưng vẫn thấy người phụ nữ đang uốn dẻo. Tôi dợm bước tiếp thì giọng nói kia nhắc lại với nội dung như cũ, vậy là tôi hiểu họ không cần nhìn, tôi không được tiếp nhận; được, tôi không thích thịt, thịt sống lại càng không. Tôi quay lưng rời đi

tôi trở về vách đá, trèo lên cao và nhìn làn bên trái. Cũng là các bậc thang nhưng được tạc trên đất mềm rồi phủ cát. Có người, hai cô mặc váy đen; một cô dáng đứng kiêu hãnh, một cô có phần khúm núm; lại là một người phụ nữ có nữ tì kề bên; không may mắn chút nào. Thôi tôi cứ ngồi trên vách núi giữa nắng thế này thì hơn, tôi nghĩ chỉ 2 giờ nữa thôi nắng sẽ thôi thiêu đốt đỉnh đầu tôi, tôi phải tiết kiệm chỗ nước còn lại, ít nhất cũng phải có gì xảy ra chứ; dù cơ thể và hai cái bình này mất nước tiếp hay cạn kiệt thì cũng phải có gì xảy ra chứ. Tôi ngồi nhìn hai nửa bình nước nghĩ ngợi và nhìn lên làn đường bên trái; người phụ nữ có dáng vẻ bề trên đang liếc tôi với ánh mắt dao bổ cau, tôi càng thêm chắc chắn về lựa chọn ngồi trên vách đá hứng nắng trời của mình. Tôi luôn không muốn gần phụ nữ, thế giới ấy ngoài sức tưởng tượng của tôi

gần như đã thỉu đi một lúc vì nắng nóng và khát, tôi mở mắt, vẫn không âm thanh nhưng tất cả mọi người dường như đã ngừng mọi hoạt động, họ đứng trật tự như một thứ kỷ luật thường quy khiến tôi bỗng nhiên cũng ngồi thẳng thớm lại, lau mặt quệt mồ hôi cho tỉnh táo. Một chiếc xe xuyên qua đường xuyên núi tiến đến gần chúng tôi với tốc độ rất nhanh và tiếng rít của phanh báo hiệu một thằng điên nào đấy đang lái xe và trút giận vào cát. Đến eo vách đá tôi ngồi thì xe chồm lên và tất cả bọn họ đứng yên nhưng ngả người về chiếc xe như bu lấy cái xe trong một tiếng ồ à xì xồ. Ồ, vậy là chế độ âm thanh im lặng của những người này đã tắt, tôi bắt đầu nghe thấy âm thanh họ phát ra, có tiếng tôi hiểu, có tiếng không; chỉ đơn giản là cái xe lao với tốc độ quá nhanh và phanh gấp để chui qua eo núi, không biết bằng cách nào cái xe đi qua như một phép màu không gây tiếng động của va quệt hay đổ vỡ gì, không những thế còn kéo theo âm thanh của mọi thứ được kích hoạt và bọn người ở đây đi vào trật tự quy củ 

tôi nghĩ, mình không thể ngồi cheo leo ở vách núi giữa đường được nữa; khi tất cả họ đi vào trật tự thì việc ngồi chơ lơ thế này nằm ngoài cái gì đấy, cái gì đấy là cái gì thì tôi không biết, tôi phải thử bước vào làn trái để tìm một chỗ ngồi. Tôi nhảy khỏi vách núi, rơi vào cát khi mặt trời đã bớt thiêu đốt thật dễ chịu, nó cũng báo hiệu rằng sẽ rất nhanh chóng thôi, ở đây nhiệt độ sẽ xuống rất nhanh. Tôi ngập ngừng bước vào làn trái, nữ tì của bà hoàng mặc váy đen giơ tay ra hiệu tôi ngừng lại, tôi ngừng và nhìn họ trao đổi bằng mắt với nhau. Nữ tì hỏi tôi có gì, tôi bảo tôi có hai bình nước, một đen một hồng và mỗi bình chỉ còn như cô thấy; nữ tì cầm hai bình nước và đặt lên 4-5 bậc thang phía trên bậc thang tôi đang ngồi. Rồi bà hoàng mặc váy đen đi xuống, mở nắp bình nước đen và đổ chúng đi; tôi nhấc người đứng dậy trong một tiếng kêu không thoát ra nổi vì họng tôi khô rát. Bà hoàng cười, rồi dùng chân đá bay bình nước màu hồng còn lại của tôi, bình thuỷ tinh va vào vách núi đá vỡ tan. Tôi chồm lên như mất trí tóm lấy bồng váy của mụ và giật, quật ngã mụ và gào trong tiếng rít vì họng tôi bỏng rát; nữ tì tìm mọi cách xô tôi ngã khỏi người bà hoàng nhưng vô ích, cô ta dùng giày bị rơi của bà hoàng gõ liên tiếp vào trán tôi; máu tôi chảy xuống mắt lăn xuống làn da trắng ở mặt, cổ, ngực... bà hoàng nhưng tôi không có ý định dừng bóp cổ con điêng đã đổ nước của tôi đi, đã đập vỡ một nửa thứ tôi có

nữ tì không đánh vào trán, đầu tôi nữa, bà hoàng không giằng co để thoát khỏi tay tôi nữa, không phải mụ đã chết mà chỉ là mắt mụ trợn lên rồi buông cả hai tay đang ghì tay tôi để hướng về phía trên cao. Tôi không nghe thấy âm thanh gì nữa, câm lặng tuyệt đối, gáy tôi nóng cảnh giác và tôi dừng lại nhìn theo hướng tay nơi mụ đang hướng đến. Là một người đàn ông, mắt tôi cay mờ vì máu nên nhìn không rõ người đàn ông, mũi tôi xộc mùi tanh, họng tôi như rách ra vì cơn giận, tôi buông bà hoàng ra và loạng choạng đi nhặt vỏ bình nước màu đen mất nắp của mình. Một giọng nói nói: đêm nay tôi ngủ với cô; giọng nói cất lên và bà hoàng cùng nữ tì biến mất. Tôi nhìn quanh tìm hai người bọn họ nhưng không còn dấu vết nào của vụ ẩu đả, chiếc bình màu đen vẫn trong tay tôi, tôi đi tìm nắp bình, rồi một bàn tay nam giới chìa ra cho tôi cái nắp bình và nói: anh ngủ với em đấy. Tôi thỉu đi ngoài nhận thức của mình

tôi tỉnh dậy khi trời se se lạnh, ánh sáng mờ tối, có lẽ đã qua nửa đêm, se lạnh như hai giờ sáng, chỉ mấy tiếng nữa thôi mặt trời sẽ lên và tôi tiếp tục đi trong cát. Bắt chợt tôi láng máng nhớ mình vừa trải qua chuyện gì đấy rất kinh khủng, tim tôi đập rất mạnh vì bị kích động, rồi tôi thấy đau trán; rón rén chạm tay lên trán, vảy máu đóng rất dày, xung quanh xước xát không đáng kể, da tôi sạch, áo quần trên người rất rộng có mùi nắng và hơi mặn, ai đó đã giúp tôi được sạch sẽ và có lẽ nhờ thế tôi mới chìm vào giấc ngủ. Tôi đang nằm trên một cái gì đấy rất gần sàn, nếu nghiêng trái thì tôi đang ở gần cửa dẫn ra hành lang, ngoài kia rất nhiều cây, trong bóng tối mờ thì xa xa có gì đấy đang lay động dập dìu như có lớp sóng theo chiều gió. Sa mạc không có những điều này, tôi nhắm mắt định thần, tôi trở mình về tư thế cũ thì một bóng người tiến đến nói: anh nói anh ngủ với em. 

nói dứt câu anh ta ngả đầu vào vai phải tôi rúc rúc như một cậu bé nũng nịu. Tôi dùng tay trái vuốt tóc anh ta và quay đầu sang phải nhìn, bên phải là lưng một cái ghế, xa hơn nữa là một cái bàn rất lớn, tôi hỏi anh tại sao sa mạc lại nhiều cây như ở nơi tôi sống thế, ở xa kia cái gì đang chuyển động dập dìu. Anh ngóc đầu dậy bảo: tôi nói là anh ngủ với em

anh bắt đầu chuyển động của mình, mọi thứ khớp quyện vào nhau
[cắt 1440 chữ]

vết thương ở trán tôi hướng 1 giờ sát chân tóc; hướng 1 giờ kém 15 ở trán anh có một lỗ đen; chúng tôi chuyển động trong nhau, tôi dùng tay gạt tóc xoà trên trán anh, muốn dùng ngón tay viền chạm vào lỗ đen kia nhưng anh né đầu quay nghiêng mặt; tiếng rên nhiều âm rung khò khè, âm rung rất rõ; tại sao anh không hôn tôi, tôi rướn người đồng thời kéo cổ anh xuống thấp hớp lấy miệng anh; miệng anh là một hố đen khác, lưỡi tôi nút vào trong như lọt thỏm vào một khoảng không, một hố đen ẩm ướt mềm mại, một hố đen không đáy; tôi níu lực ở lưỡi và rút ra, tiếng rên xuất hiện trở lại với âm rung và khàn hơn trước; tay tôi luồn với ra xa chạm vào xương sườn - rất nhiều xương, một người gầy, vai rắn và ngang, gáy nhiều lông tơ, sau ót thì sao; qua khỏi lông tóc tơ anh lại nghiêng đầu tránh tay tôi; tôi trượt tay xuống hõm lưng - chuyển động trơn tru hõm lưng của nồng nhiệt, đốt cụt vẫn rõ, anh chưa già và bờ mông nhịp nhàng chậm rãi này không dày. 

tôi dừng bàn tay thăm thú của mình lại, dùng tay phải tóm bắt cằm của anh để nhìn vào đôi mắt; anh hổn hển trong một tiếng rên dài rồi úp mặt trở lại vào vai và ngực phải của tôi, tôi cảm thấy rất rõ hố đen ở trán anh đang hút chặt như để bám trên da thịt mình còn hố đen nơi miệng thì gần như mỉm cười; tôi thiếp đi với nửa thân dưới nóng giẫy và ướt át

anh cuốn tôi trong chăn mỏng và bế tôi ngang người anh tha lôi dọc hành lang, anh không chịu rút mình ra khỏi tôi nên tôi cứ gục mặt cười ngặt nghẽo trên cổ anh vì nắng làm chói mắt. Xa xa là cánh đồng lúa, có lẽ chỉ ít ngày nữa thôi là sẽ chín vàng, gió thổi cây lúa có độ ngả của hạt lúa nặng rồi; lỗ đen trên trán anh, nếu vô tình để tai đi qua và lắng nghe, nó có âm của gió, không hun hút nhiều thanh như vỏ ốc nhưng là tiếng của hút vào; miệng anh không lỗ đen, chỉ là trong nó phủ thăm thẳm

anh bảo tất cả dành cho em, hãy nhớ đến chúng, từng chi tiết nhỏ; rồi tôi ôm đầu anh gục trên ngực vai mình và nhìn ra xa ngoài kia; cây, cánh đồng, rất nhiều cát bay trong gió quyện nắng. Sa mạc, sự trải rộng của lặng im và ánh sáng

bố tôi đang nói qua với tôi về hành trình đến Bạc Liêu ăn sáng và khoảng 8 giờ sẽ có xe của người quen đi qua chở bố mẹ đi đâu đó; mẹ tôi tất bật đi qua đi lại gấp quần áo vào valise; tôi vâng dạ mắt không rời bức tranh giải phẫu cơ thể người nhìn từ phía sau đang treo trên tường và nghĩ về bờ vai lưng xương sườn hõm lưng xương cụt cơ mông của người đàn ông như vừa mới đây; rồi chuông điện thoại giọng bố a nô... ai mất... ừ... ông bà về luôn đây; rồi tôi hỏi ai mất hả bố; bố tôi nói ông abc, mẹ tôi nói #%^%+}$=<!\$#*

tôi mở mắt dậy tỉnh hoàn toàn khỏi giấc mơ. Sa mạc.giấc ngủ.dịu dàng.ốc đảo.chuyến đi.cái chết. Tôi sẽ kể phần câu chuyện có cái chết thật rõ ràng từng chi tiết cho ai đấy nghe, càng chi tiết thì sự việc càng được treo hoãn, thậm chí đảo chiều. Tôi kinh nghiệm điều ấy

tôi ngồi dậy hít thở luân phiên, tất cả rồi sẽ kết thúc trong yên bình của cát; câu chuyện về sa mạc thì không 





28.3.20

grave [.]

grave [.]
rạng sáng thứ Tư 25.03

tôi [lại] đi thơ thẩn trong nghĩa trang, lần này tôi đi với con mèo EMi; chúng tôi đi vòng vèo quanh khu nghĩa trang đá ghi sáng với cỏ khô quắt màu dưới nắng nên có vẻ bắt đầu chán. Tôi ngồi bệt xuống cùng con mèo, ló nhìn tôi mew mew, tôi nhìn ló hất hàm; chúng tôi ngồi nhìn hướng lên trên cao khu các ngôi mộ liền nhau xây bằng đá màu huyết dụ và dường như chúng tôi đang chờ; chờ gì không rõ

rồi các cô mặc váy tiến đến đông đảo, cô mặc váy màu vàng đầu tiên rồi váy màu mận... rồi đến cô mặc váy màu xanh dương, tôi nhận ra cô bạn thân học điều dưỡng cùng mình, rồi các cô khác nữa. Các cô nói cười, tạo dáng bên khu mộ màu huyết dụ và tíu tít sắp xếp ai đứng đâu, đứng thế nào để chụp ảnh. Lúc này tôi mới hiểu một điều rất đơn giản: họ là đồng nghiệp

khi cô váy xanh bạn thân học cùng khoá điều dưỡng với tôi ngồi bên mép trái khu mộ huyết dụ chụp một kiểu ảnh kỉ niệm thì một đoàn người kéo đến vây quanh khu mộ huyết dụ; họ đi hàng một, người cứng đơ như những bệnh nhân tâm thần dùng thuốc điều trị lâu ngày bị co cứng cơ đi giật giật, đi mà không nhìn đâu hay bất cứ gì hay ai, đôi mắt rỗng họ lần lượt đi bao quanh khu mộ. Rồi một người đàn ông mặc bộ đồ bà ba nâu giơ tay ra hiệu dừng lại, ngay khi đám người này dừng lại thì các cô mặc váy biến mất như bốc hơi, ông nhắm mắt chờ mấy giây như dừng một kẽ nhỏ thời gian rồi mở nắp quan tài đầu dãy, nắp nhỏ là một vuông gỗ rồi nhấc ra những xương cẳng chân vẫn còn thịt, xương đùi, một nhằng nhằng xương tay quấn vải và những xương nhỏ như đốt ngón tay. Ông làm điều tương tự với quan tài bên cạnh - quan tài thứ hai, rồi quan tài thứ ba; vẫn cách làm như cũ. Tôi và mèo EMi ngồi nhìn và không hiểu tại sao lại dễ dàng mở nắp quan tài như thế, giống một lễ hội triệu hồi những người nằm trong quan tài hơn là khai quật một khu mộ. Vì mải miên man nghĩ, khi nhìn lên tôi đang thấy ông nhấc từ trong quan tài thứ tư ra một người hoàn chỉnh mặc áo blouse trắng khoác ngoài, áo t-shirt màu vàng bên trong cắm trong một chiếc quần jeans, tóc màu sáng, da hồng, đeo kính gọng tròn màu đen và nụ cười sáp bất động trên mặt, cổ vẫn loòng thoòng tai nghe huyết áp 

là một kẻ trộm mộ khai quật xác chết à, tôi đứng dậy và nói EMi đi thôi, hoá ra ló đi theo là vì điều này à. Tôi chạy lên khu mộ huyết dụ, các quan tài nằm ngang bằng so với mặt đá chứ không nằm sâu bên dưới như các nghĩa trang tôi hay tha thẩn chơi, nắp nhỏ bằng kính của quan tài được thay bằng gỗ và có rãnh trượt, tôi nhìn vào quan tài đầu tiên. Lổn nhổn xương, đập vào mắt tôi là một xương cẳng chân phải, xương mắt cá, gót chân, vòm trên vẫn còn tương đối nguyên vị trí vì thịt da chưa phân huỷ hết, nước trong quan tài không có nhưng ẩm, không có mùi thối của phân rã, cũng không có giòi... lạ thật, tôi vén cao tay áo pull bên phải lên quá vai và thọc sâu xuống quan tài, cố lùa tay sâu nhất có thể lên các mặt tiếp diện. Đúng, không nước, chỉ ẩm, không mùi xú uế xộc lên... chỉ là không giống một cái gì sống rồi bị phân rã

Quan tài thứ hai, thứ ba tương tự. Lúc này người đàn ông mặc áo bà ba nâu quát gọi người quản trang về việc tử thi quan tài số 4 đâu, tại sao lại là một con mannequin bằng nhựa dẻo; ông ta có phải kẻ trộm mộ không, phù thuỷ đạo sĩ loại nào tôi không rõ, con EMi cứ đứng nghiêng đầu nghệt mặt quan sát, tôi nhòm vào quan tài thứ tư, nước lõng bõng, đen ngòm, mặt nước nổi váng dầu. Người quản trang đến, nhìn vào quan tài 1 và lập tức nôn mửa ở góc khu mộ, tôi hất hàm EMi, ló tiến đến đứng bằng hai chân sau còn hai chân trước đấm thùm thụp vào gáy người quản trang, tôi bỏ dở việc quan sát quan tài thứ tư và ra bảo ló không phải, lùi xuống 5-7cm, vỗ vào đây và làm mẫu cho nó bắt chước

khi tôi quay lại, chỉ 1' không nhìn sau lưng, thì giờ khu mộ huyết dụ không còn ai, 4 nắp nhỏ quan tài vẫn ghếch lên mặt quan tài nhưng con mannequin biến mất, đám người tôi từng cho là trộm mộ khai quật tử thi cũng biến mất; một không khí màu nụ vối nhăng nhẳng đen đổ xuống toàn cảnh cả khu nghĩa trang màu ghi đá dưới kia lẫn màu huyết dụ trên này, gió thổi lạnh như đêm về sáng, như một buổi chuẩn bốc mộ. Nhìn lại con mèo, cũng chỉ có tôi và ló, người quản trang mặc áo trắng kẻ sọc ngang thân áo cũng biến mất từ bao giờ

tôi đứng dậy lùa tay hết mức có thể để sắp xếp các xương bị đảo lộn về trật tự gần với trật tự một người nằm xuống nhất có thể, rồi trượt nắp gỗ trả về nguyên trạng cái quan tài thứ nhất rồi thứ hai rồi thứ ba. Tôi không biết làm gì với quan tài thứ tư vì hiện giờ là quan tài trống, tôi lắp nắp quan tài vào đường trượt nhưng không đẩy trượt để đóng, tôi mở chờ mặt trời lên làm công việc của mình

trên đường rời nghĩa trang tôi nói bâng quơ với EMi về những phù thuỷ thường dùng linh cẩu làm sứ giả dẫn đường, họ cưỡi linh cẩu để đi trộm mộ, cướp mộ chiếm xác, khai quật tử thi, bắt cóc trẻ con và vật nuôi; con biết không, trong thế giới động vật hoang dã, lửng mật là con mẹ rất thích nhưng tiếng kêu của nó không dễ mến tí nào, tiếng kêu có thể khiến cả đàn sư tử hổ báo vây quanh nó không dám đến gần; nhưng tiếng kêu chết chóc nhất là tiếng cười có mùi chết rữa của linh cẩu khi nó tìm được thức ăn; dù nó là linh cẩu, nghe giống chó đấy, cẩu mà, nhưng gần gũi hơn cả về dòng giống tổ tiên thì nó thuộc loài mèo đấy, nghĩ đến cái hàm dưới của nó với khe mang thịt chìa ra rồi đến hai răng nanh nhọn hàm dưới, bộ mặt dữ tợn, bộ lông bẩn thỉu... mẹ không nghĩ phù thuỷ sẽ chọn nó cho một công vụ cần thiết thế này

cưỡi chổi quét chuồng lợn còn hơn, thôi ta đi nào

tỉnh dậy lúc 4:34 sáng thứ Tư. Tôi nghĩ mãi có nên nhắn tin hỏi thăm cô bạn thân của mình không, cô đang làm cấp cứu a9; tôi hiếm khi thăm hỏi bạn bè vì sợ mất thời gian của họ, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, hỏi han có thể gây hoang mang. Dù thế, tối hôm ấy tôi vẫn nhắn cho cô chỉ để một ít rì đấy đi đến đâu được thì đến


trong ảnh là con mèo EMi đang đi vệ sinh; hôm kia mẹ tôi sau 12 năm EMi trong nhà, lần đầu tiên mẹ tôi thay chậu đi vệ sinh cho ló; không biết quy trình thay thế nào, ló thấy không giống mọi khi nên ló không đi chậu vệ sinh mà đi ra ngoài sân, đêm tôi lên sân thượng ngắm trời đất tí xéo vào bãi phân to như phân chó nằm chình ình giữa sân cách chậu vệ sinh 40cm, tình trạng phân theo khuôn, vẫn còn ẩm có vẻ như nhịn từ sáng giờ bố vừa phải bất đắc dĩ thải gần chậu cho mày hay đấy tú, dọn hộ nhé :)))


26.3.20

tro tàn và địa ngục

Tahar Ben Jelloun nhà văn Maroc, viết văn bằng tiếng Pháp [*]; trilogy: Đứa trẻ cát [The Sand Child], Đêm thiêng [The Sacred Night], The Wrong Night [chưa được dịch, tìm kiếm không cho nhiều kết quả, chắc vì the sacred night giành Goncourt nên nổi trội hết phần]

Bộ ba về số phần của Ahmed/Zahra - một cô gái vì khát khao của người cha muốn có một đứa con trai nên đã tạo ra tấn kịch và bí mật gia đình, nuôi dạy cô như một đứa con trai; và hành trình nhân vật đi tìm lại căn cước và từ chối căn cước dục tính kép. Một số mệnh bắt buộc bị tách ra khỏi sự đời thông thường, nữ sống trong hình thức nam, sống trong cả hai thân phận, trong thân phận nam từ chối nữ, nữ từ chối nam - đi lại giữa hai giới như một người nói hai thứ tiếng - không thuộc về giới nào, đứng giữa cả hai, nghĩa là ở địa ngục


Viết tiểu thuyết về thân phận của người phụ nữ chưa bao giờ dễ dàng, người phụ nữ trong thế giới Hồi giáo Bắc Phi lại càng trúc trắc [nơi mà ngay cả người viết cũng được cho rằng không đến từ đâu cả]; làm sao để không giáo điều không thống thiết khiến người đọc không còn gì để gây suy nghĩ, bị lu mờ những yếu tố khác; về thân phận người phụ nữ trong thế giới Hồi giáo, người ta [tiếp tục] trông chờ những tiếng kêu the thé, giãy đạp hay câu chuyện cảm động, không phải sao. Nếu là một tâm hồn mệt mỏi bị trói cả tứ chi rồi nhét giẻ vào miệng, hay câu chuyện là nhà tù giam hãm chính họ như rùa vác mai

Đứa trẻ cát làm nhiều người nhớ đến Nghìn lẻ một đêm - người kể chuyện [dân đọc nhiều nói xem nghĩ đến ông nào :p]; tác giả cho nhiều người kể chuyện xuất hiện, và mỗi người họ kể ra một kết thúc khả thể, tức là một quyển sách nằm trong một quyển sách nằm trong một quyển sách...; và kết thúc nào cũng không thoả đáng, nó tiến thoái lưỡng nan, mắc kẹt như số mệnh của nhân vật chính. Câu chuyện với nhiều giọng kể chuyện nhiều kết cục như một dãy liên tục những cửa bị bỏ ngỏ trông ra sa mạc trắng; bị chấm lửng, bị biến thành thiên truyện hoang tưởng dài vô tận, mê cung vòng vèo

Đêm thiêng là hành trình đi tìm căn cước và từ chối căn cước dục tính kép của Ahmed/Zahra - khi cô đã quen coi mình là bị cát, bị rã ra, không có khái niệm về sự hiện diện của mình trên cõi đời, thì cô biết yêu; ở đây ta bắt gặp rất nhiều giấc mơ, yếu tố thần bí, thậm chí như nhân vật tự nói với mình rằng cô chấp nhận số mệnh của mình "câu chuyện của tôi - một câu chuyện đã biến tôi thành đứa trẻ của cát bụi và gió bay - đã đeo đuổi tôi suốt đời. Nó sẽ chiếm choán toàn bộ cuộc đời tôi. Tất cả những gì mà tôi sẽ biết tới sau này đều là sự tiếp nối dưới hình thức này hay hình thức khác, một trong những biểu hiện trực tiếp hoặc nguỵ trang của nó. Câu chuyện của tôi là ngục tù giam giữ tôi... dù đi đâu tôi cũng tha ngục tù như rùa tha mai trên lưng. Tôi sống trong đó và chỉ còn có việc tập cho quen. Tình trạng cô đơn có lẽ giúp tôi cắt đứt dần từng sợi dây mà số phận bị chuyển hướng đã chăng dệt quanh tôi." Trong đoạn cuối Đêm thiêng có hình ảnh người phụ nữ Zahra lúc này đang thụ án giết người phải khoác lên mình bộ đồng phục nhân viên trại giam, một bộ đồ đàn ông - một ưu đãi mang tính chất mệnh lệnh số phận, thi hành mệnh lệnh số phận và một số bạn tù gọi cô như cấp trên, như một người chỉ huy áp đặt [nam giới], thậm chí gọi cô là "ông"

The Wrong Night theo tìm kiếm thì nhân vật chính vẫn là một người phụ nữ, nhưng ở tư thế của bạo lực nổ ra khi đã bị áp bức lâu dài, một người đàn bà không thực, người đàn bà đến từ những huyền hoặc

ở Đứa trẻ cát và Đêm thiêng, tôi đều rất thích các đoạn viết giấc mơ, mê sảng trong cơn ốm, cũng như việc giấc mơ của tôi luôn luôn bắt đầu bằng tôi đi ra khỏi nhà, tôi rời khỏi nhà mình, tôi lênh đênh trên biển, tôi ở nơi xa lạ không có thật etc. nó không gì khác hơn là chạy trốn, thật ra là từ chối thế giới vì thế giới ốm to và vì nó bị tiên tri. Mỗi đêm phải như mỗi cuộc dọn nhà, tống tiễn không chút do dự; những gì được tống tiễn khỏi tâm hồn mệt mỏi rệu rã này phải lấy làm sung sướng vì được tống đi 🙂

Tahar Ben Jelloun là bạn và chịu ảnh hưởng của Jean Genet và Jean Genet khuyên ông "khi viết hãy nghĩ đến người đọc, hãy giản dị" 🙂 như trong Đêm thiêng "Rời khỏi các đêm của tôi, những nhân vật lẫn vào bóng tối. Tôi nghe rõ tiếng bước xa dần, sau đó là im lặng và đôi lúc tôi thấy dội lên tiếng người gục ngã"

sa mạc có quy luật và ân sủng có bí mật riêng

[*] đọc phỏng vấn Tahar Ben Jelloun, tại sao không viết bằng tiếng Ả Rập, một ngôn ngữ uyển chuyển http://www.tanvien.net/pv/pv10_jelloun.html 
trong bài phỏng vấn có 1 ý ông nói: "Khi tôi nói, tôi được "hân hoan" đón nhận, không phải theo nghĩa "ào ào". Đây là một tiến trình "tà tà, nhẩn nha". Tôi nói một cách nghiêm túc: không phải như bây giờ, khi mà mọi người tranh nhau nói về một tác giả trong ba tháng, thí dụ vậy, rồi xong. Ông ta biến mất, chẳng để lại một dấu vết. Harrouda chỉ bán được ba ngàn cuốn, nhưng, trái ngược với những thành công sớm nở tối tàn khác, là, 24 năm sau, nó vẫn vớ được độc giả, theo kiểu lai rai, rỉ rả"

văn chương là rì nếu không gây suy nghĩ buộc người đọc phải làm kẻ đi đày trên sa mạc [sự hành hạ, kháng cự...] trở đi trở lại như một kẻ giết người kết liễu các nhân vật, hình thức kể chuyện, kỹ thuật của người viết... và thế thân, quay lại hiện trường vụ án như bị ám ảnh. Nhà văn tạo ra thế giới tưởng tượng và chuyển nó tới người đọc văn bản qua tưởng tượng

à, cả hai nếu được dịch hoặc biên tập lại thì tốt; tôi chưa mua được Đứa trẻ cát, quyển trong ảnh là mượn chiến hữu [sẽ không trấn lột nữa :p]




18.3.20

tan ra trong cát



xưa chú bảo em rằng: cha em không đẻ được con trai nên ông ta nuôi và dạy dỗ em như một thằng con trai, giống đứa trẻ trong The Sand Child - một phụ nữ trong hình hài đàn ông, một người đàn ông có vú đàn bà; chú sẽ chui vào từng ngóc ngách của em, em không cần giấu giếm che đậy vì điều ấy vô ích

bóc dần từng mảng trên làn da mình, như một củ hành, tự bóc vỏ trước mặt chú lớp từng lớp bằng chữ bằng các dòng cho tới khi chỉ còn lõi lộ ra sai lầm, cô đơn, sợ hãi

12 năm sau em mới đọc, vì một ngày nghĩ đã đến lúc mở những cánh cửa bít kín

giấc mơ đưa chúng ta về phía những cánh cửa của sa mạc
Giấc mơ