Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

30.8.17

Giữa rừng già



Luis Sepúlveda đầu bảng với tôi là đây:
http://emidelicate.blogspot.com/2015/10/ben-dong-amazon-lao-oc-chuyen-tinh.html?m=1
Chuyện con mèo dạy hải âu bay dễ thương ngọt ngào nhưng làm sao có thể khuấy động được như cái quyển bên trên.
Đã bảo lòng là Luis Sepúlveda sẽ không còn gì đáng đọc ngoài ông gìa mê chuyện tình đâu, nhưng chuyện của ổng cứ có con chó con mèo con báo... thế là lại phải đọc. Chuyện con chó tên là Trung Thành của Luis Sepúlveda tiếp tục mối quan tâm của ông mà tôi rất thích: tộc người bản xứ và sự xâm lấn của người văn minh, xã hội hiện đại. Mối quan tâm ấy được lồng trong câu chuyện về chuyến phiêu lưu của một chú chó tên Trung Thành giống béc-giê Đức, khi bé được nuôi dưỡng trong một gia đình da đỏ và đến tuổi trưởng thành qua nhiều biến cố là hành trình Trung Thành tìm về với mảnh đất của những "con người của Đất".
Truyện chưa đầy 100 trang, chữ in to, có tranh minh họa, câu chuyện viết nông, đọc cho các bé trai tuổi Sói nhà tôi chắc sẽ thích lắm :). Tôi nhớ cách đây không lâu tôi kể cho cậu chàng về con mèo rừng 2m trong lão gìa đọc chuyện tình, cậu chàng đeo mục kỉnh mắt mở to miệng há hốc, ông ngoại còn chêm thêm về chuyện sư tử linh cẩu cướp đồ ăn của nhau, cậu chàng như bị bỏ bùa luôn.
Nhân tiện, về độ chán, nhạt của Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp thì khó lòng Luis Sepúlveda có thể phá được kỷ lục cá nhân của chính mình trên chính mảnh đất ấy, thật :)))

29.8.17

Tình yêu của người phụ nữ


4 năm trước cảm nhận khác, giờ đã khác. Và nghiệm ra rằng, sau một thời gian nếu đọc lại mà vẫn cảm nhận như cũ thì hẳn là đã sai, cảm nhận khác trước là chuyện bình thường. Nhìn thấy khác trước mới là chuyện vui.
4 năm trước đọc chú trọng đến câu chuyện, giờ đọc chỉ nắm “nôm na” câu chuyện nó là như thế, còn chủ yếu lại ấn tượng với những câu văn, chi tiết, tình tiết rất mảnh và những nhân vật phụ, rất phụ. Và khi nghĩ về sợi chỉ mảnh thì nó dẫn đến trung tâm câu chuyện, đến được đấy thì sẽ hít thở được bầu không khí câu chuyện tỏa ra
Năm người đàn bà si tình của Ihara Saikaku – một nhà thơ, tiểu thuyết gia, một trong những tác giả quan trọng của văn học Nhật Bản thời Edo (1603-1867), là năm câu chuyện tình có kết cục bi thảm mang nhiều yếu tố truyền kỳ, ma quái “chuyện kể lại rằng”, “người ta còn nói với nhau rằng”, “truyền tai nhau rằng”, “câu chuyện này được kể lại”… và thậm chí hoang đường, nhưng thật ra trên đời rất hiếm chuyện hoang đường, chuyện ngẫu nhiên (thực sự rất rất hiếm, gần như là không có, tưởng hoang đường mà không, tưởng ngẫu nhiên mà chẳng hề ngẫu nhiên chút nào). Trong Năm người đàn bà si tình, các nhân vật có mối quan tâm chủ yếu là sắc tình, những nam nhân như quan làm lịch, thương gia, cậu ấm, người thợ mộc… đến, đặc biệt là những nhân vật nữ, từ bậc phu nhân, tiểu thư tới con sen, gái làng chơi… tất cả họ đều là những con người đích thực nhất nhất đi theo tiếng gọi dục tình, tình cảm của mình. Trong bối cảnh thế kỷ 17 thì phụ nữ trao thân thường gắn với gửi phận. Và lẽ thường, ái dục vốn là nghiệp chướng, là khổ nạn và cũng là điều khó hàng phục nhất, nếu cứ nhất nhất lao theo thì không tránh khỏi tội lỗi, và làm sao tránh được việc phải trả giá, bị trừng phạt. Chưa nói đến việc, riêng ái dục đã là mối sầu khổ đời đời xưa nay rồi :). Và các nhân vật si tình bất hạnh, thất bại trên con đường truy cầu hạnh phúc, tình yêu trong Năm người đàn bà si tình nếu không tự tử thì phát điên hoặc đi tu, nhưng không chỉ chuyện ái tình mà đối với cuộc đời vốn bất trắc và hư ảo dường này, làm sao người ta có thể sống mà không hóa điên, tự tử hoặc đi tu cơ chứ. Sống vốn dĩ như là bước ra khỏi một giấc mộng hoang đường mà nhỉ ;)
Phụ nữ vốn không nhớ được đường hướng, bị đánh bật khỏi trung tâm của vũ trụ và họ phải tự tìm đường về nhà nên bản năng, linh cảm, sự nhạy cảm và hành động theo bản năng của họ là ân điển nhưng cũng là điểm mù chí tử. Thế gian phụ nữ từ bỏ nhiều thứ đi theo tình ái thì nhiều, nam nhân mấy người đây :). Tình yêu của người phụ nữ thời nào cũng vậy, là tất cả cuộc sống, nhiều khi nó là ý nghĩa của sự tồn tại hoặc được cho rằng đấy là mục đích duy nhất cần với tới (với nam giới chỉ là một phần thôi). Tôi biết nhiều người cho rằng nếu không tạo ra ý nghĩa ấy cho cuộc sống và sự tồn tại thì phụ nữ biết làm gì đây cho hết một đời :p
Sách được Phương Nam ấn hành quý III năm 2016, bản tiếng Việt là bản lược dịch (rút gọn) của Phạm Thị Nguyệt dịch từ bản tiếng Anh, y nguyên như bản năm 1988 của NXB Tiền Giang (y nguyên tới mức lúc cầm bản mới này, tôi mở luôn tới truyện áp chót Chuyện nàng Osen đa tình và thấy rằng lỗi để bà vú già là Nanny vẫn được giữ y nguyên, chưa biên lại :p) và có thêm bài viết đầu sách của Hoàng Long, bài viết về hai tác giả Ihara Saikaku với Năm người đàn bà si tình và Ueda Akinari với Hẹn mùa hoa cúc.
Tuổi băm này rồi, tôi không còn quan tâm nhiều tới cốt truyện chính, mà để ý những tình tiết lia ria và các nhân vật phụ - những ‘nhân sinh quan’ đa dạng nên Năm người đàn bà si tình là quyển truyện tôi thích thích [gấp đôi thích], có điều là bản lược dịch nên đọc vô cùng đau khổ, cứ đang vui thì đứt dây đàn, cảm giác thiếu hụt bị cắt cúp cực kỳ rõ. Tôi cứ đinh ninh sách làm mới thì sẽ được dịch mới, hoặc ít nhất dịch bổ sung, có sửa chữa…
Tôi tiếc


28.8.17

Nào cùng nhau ị tè :p



Sói đi vệ sinh lúc bé thì trym đái tồ vọt lên đầu dì, mặt dì vì dì ngồi xổm phía trước cho cháu vịn tay khỏi ngã mà. Lớn hơn tí thì con tụt quần, cởi truồng lon ton lũn chũn chạy vào toilet, con dì ở ngoài làm gì thì cứ tiếp tục làm nhưng ngoái cổ ngoạc mỏ hô cháu, con ấn trym xuống nhé, đi xong gọi dì rửa đuýt nhé, còn phải rửa tay xà phòng nữa. Tuy nhiên dì vẫn bị dính những quả vòi rồng của cháu vọt qua đầu, tưới ướt quần áo.
Năm nay Sói 5 tuổi, ở lớp các cô đã hướng dẫn và con phải tự chùi đuýt. Giờ, hôm nào đi vệ sinh ở lớp thì về đến nhà đều bảo mẹ ơi, mẹ rửa đuýt lại cho con, hôm nay con chùi rồi nhưng chưa được sạch lắm. Mẹ chàng còn trang bị cho chàng lọ rửa tay khô mùi hoa quả nữa.
Sun thối đi vệ sinh thì người lớn hỗ trợ là chính vì nàng mới có gần 3 tuổi thôi. Cô nàng chỉ việc phát lệnh đái tồ và rặn ị thôi. Mỗi tội nàng lười ăn rau nên cứ đi vệ sinh là khóc. Gìơ nàng có cách ngôn: Sun ăn rau, ăn rau cho xinh, ăn rau cho khỏi táo bón :))
Đi bán máu 2 tăng, rước về nhà số sách gần gấp đôi số tuổi. Con dì mua tặng cháu được 2 quyển nhỏ tí ti này, vì đọc thấy cấp thiết với hai cháu quá. Sách đẹp, dễ thương, diễn đạt và minh họa dễ hiểu. Dì mê tít mắt <3 p="">Mong hai con poo pee đều đặn, dễ dàng. Người lớn cũng như các con thôi, ị tè đảm bảo hai tiêu chí đều đặn và dễ dàng là sức khỏe tốt lắm đấy nhé :)
So much love <3 p="">
P/s: hôm qua đi mua sách cũ, có một chị bán sách tên là NTH (sau mí biết H là tên chồng chị ấy) nhận ra mình, ban đầu mình nghĩ chị ấy nhầm mình với ai. Nhưng sau đó chị bảo chị biết em, em có một con mèo [Ôi, thế là chuẩn mẹ EMi ồi]. Đứng chọn sách thêm một lúc chị hỏi hôm nay em không cho bé nào đi à, mình bảo à em chưa có bé nào ạ, chị ấy bảo chị biết rồi, biết đấy là cháu em, cháu gọi là dì rồi... [huhuhu, đêm qua kể mí chiến hữu, ổng bảo: Hỏng hỏng, ngồi nhà chơi mí mèo mà trong nam ngoài bắc ai cũng biết xế lày, hỏng hỏng]

20.8.17

Thiên môn chi uy



Tập thứ tư của Thiên môn hệ liệt, lỏng lẻo và yếu hơn hẳn ba tập trước. Bất an phết, vì nó bước chân sang nửa kia của bộ truyện mà phong độ xuống thế này thì lo rằng tác gỉa triển khai đại cục đến đoạn này đang bị bí, hoặc bôi ra cho đủ mặt để còn bài binh đoạn kết. Đọc hết tập này, 350 trang thiệt hại không đáng kể, hơn 2 tiếng thôi mà, coi như đọc giải trí và hy vọng nó là tập bước chuyển để vào hai tập cuối đặc sắc hơn; còn nếu hai tập cuối cứ giảm sút theo chiều tập 4 đang đà lao xuống thì âu cũng là lẽ thường [lao theo quán tính xuống dốc thì khó rì :p]
Tác gỉa xây khung ở các tập trước tương đối tốt, chỉ khi đi vào chi tiết hành động mấu chốt thì qua loa non tay, cái này có thể bỏ qua được vì thể loại truyện này không nhất thiết quá câu nệ [chém gío thần chưởng mà]. Nhưng đến tập 4 thì khung truyện không ổn nữa rồi, lung lay quá. Khung tập này xây rộng hẳn ra, có cảm giác vượt khỏi bờ cõi năng lực của tác gỉa, tác gỉa ôm đồm tham vọng lớn trong khi trụ nhà thanh dầm tường nhà rui nhà đều mảnh, dính tới chính trị chiến trận quyền biến giặc Oa rồi Ngõa Thích rồi Ma Môn câu kết lật đổ Đại Minh nên khi khép lại tập 4 thấy mình như trẻ con bị tác gỉa đánh thuốc quá liều ấy, đọc xong như đứng từ xa nhìn khung nhà và ớ ra, cbn, rối rắm tung hỏa mù mà thật ra là chả có cái chả rì, xây khung dàn trải thế này nguy hiểm vãi.
Hy vọng đã mất công trải qua một tập lỏng lẻo thì sẽ được đền bù bằng hai tập sau như thêm thanh dầm, các trụ kết cấu giữa hoặc xây kết cấu đan chồng cho cân với khung đang xây, cho nó vững chãi hơn, để có nước kết đẹp.
Gía kể tác gỉa gói bộ này vào 2-3 tập, tham vọng mở rộng bờ cõi ít đi có khi lại đẹp. Nói càng ít càng đỡ lộ nhược điểm í.
p/s: không biết mình không để ý hay thế nào, có lẽ đây là lần đầu mình nhìn thấy "súc sắc" thay vì "xúc xắc". Cái trò xúc xắc giống xí ngầu đúng không các bác. Gía kể mình có năng lực viết, mình sẽ viết về cờ bạc bịp, hì hì hì, cho đỡ uổng 2 năm chứng kiến nhiều trò bịp tá lả, chắn. Với mình cờ bạc bịp luôn là một nghệ thuật.


12.8.17

Sách của kẻ khác



[Khuyến cáo: dài lắm, đừng đọc (chỉ đọc, nếu yêu thích hoặc đã đọc Italo Calvino)]
Sách của kẻ khác (Other People’s Books)  – cụm từ này Italo Calvino dùng bâng quơ và hào phóng khi trả lời phỏng vấn nhưng phản ánh gần như đúng con người của ông trong vai trò độc giả vì ông đọc và điểm sách với tốc độ không tưởng; và giống như ông tiết lộ, khi ông viết về những điều mình suy tư thì cuốn sách mà ông muốn viết chính là cuốn sách mà ông không viết (chi tiết không viết, không nói, tính ‘không’ đặc biệt được nói đến trong Palomar), còn khi ông viết những thứ mang tính tự truyện thì thường cuốn sách được viết ra đi theo hướng ngược lại; và cũng như bao nhà văn thường có một nỗi chán chường mang tính lo sợ không thoát ra được cái bóng của mình trong tác phẩm, Italo Calvino cũng vậy, ông là người viết mang đặc điểm rất chú trọng đến cấu trúc mà ta có thể nhận thấy rõ nhất ông bị cấu trúc làm cho phát điên thế nào, tạo ra một tiểu thuyết (‘phản tiểu thuyết’) như Nếu một đêm đông có người lữ khách :) hay Những thành phố vô hình mang cấu trúc thơ diễn giải thành văn xuôi thì cụm từ ‘sách của kẻ khác’ còn được hiểu rằng những quyển sách ông viết như là sách của một kẻ khác, không phải ông. Thế nếu bạn giống như tôi, yêu Italo Calvino qua trang sách vì nhìn thấy ở chúng một triết lý sống nên đã phải lòng con người thoát khỏi trang sách của ông thì sao :p, thì cũng vậy thôi, vẫn con đường ấy, như chính Italo Calvino có xu hướng cho rằng ‘’tác phẩm của nhà văn là tất cả tiểu sử”
 Với Italo Calvino, sống mãi trong tôi là bộ ba Tổ tiên của chúng ta, đặc biệt là Nam tước trên cây, và sau đấy, như lần đọc gần đây tôi mới khám phá ra là mình thích Palomar đến thế nào, còn lại những gì người ta dùng với Nếu một đêm đông có người lữ khách, Những thành phố vô hình như là “đặc sắc”, “độc đáo”, “thú vị”… những từ ngữ sáo mòn dùng để nói về Italo Calvino của tôi, thật nhé, nghe thật muốn ói, dù thi thoảng bí từ tôi cũng nghĩ mình sẽ dùng nó :)), tôi không thích hai tác phẩm ấy vì tính văn chương ở chúng, tôi không cảm được và triết lý sống của một Italo Calvino nhà văn cũng không rõ nét như các tác phẩm khác, thì tôi vẫn nhớ nhiều vì nó là quyển sách của sự đọc (món quà kỳ quái Italo Calvino dành cho độc giả) và thành phố-giấc mơ trong mỗi chúng ta, chứ tôi cực lực phản đối những ý kiến sáo mòn chung chung như thế với hai tiểu thuyết rối bời cấu trúc ấy .I.
Tổ tiên của chúng ta là bộ ba tiểu thuyết Tử tước chẻ đôi (T6/1951 - 1952), Nam tước trên cây (1957), Hiệp sĩ không hiện hữu (1959), như Italo Calvino thừa nhận, xung đột giữa các lựa chọn trong cõi sống này với những ám ảnh của con người trong việc định ra ý nghĩa cho những lựa chọn ấy là hình mẫu lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của ông. Ở đây chúng ta có một Italo Calvino không những mênh mang văn chương mà còn có một Italo Calvino là công cụ cho triết lý sống: đó không còn là câu chuyện ngày xưa chỉ một mình Thiên Nhiên đã sáng tạo ra các hiện tượng sống, đó là câu chuyện sống là lý tính. Một tử tước bị chẻ đôi người với phần thiện và ác rứt xé nhau; Một nam tước trẻ tuổi chọn lựa cả đời sống trên cây, chân không chạm đất đầu đội vòm cây, tưởng như trò chơi con trẻ phản kháng người lớn nhưng thực chất là một bản tụng ca sự nhẹ nhõm nhẹ nữa nhẹ nữa đi; Một hiệp sĩ không hiện hữu nhưng hiện diện ở khắp nơi chàng đến, ở mỗi việc chàng làm, người ta buộc phải nghĩ đến việc trong cuộc sống này sự hiện hữu cũng phải học, hiện hữu nhưng không hiện diện và hiện diện nhưng không hiện hữu…
Trong Tử tước chẻ đôi là cuộc đấu tranh giữa những đối lập, mâu thuẫn, thiếu-khuyết, “vong thân” tồn tại trong mỗi con người, nó mạnh mẽ đến mức làm cùn nhụt và khiến ta ngụp lún, mất hút vào giữa cái ác hiểm và đức hạnh trong khi cả hai mặt ấy đều phi nhân như nhau. Italo Calvino chọn việc để nhân vật của mình chẻ đôi theo tuyến gãy vỡ thiện-ác, sự khác biệt hóa hai nửa thành một hiểm-ác và một tốt-lành tạo ra thứ tương phản cao nhất. “Để mỗi người có thể bước ra khỏi sự nguyên-vẹn cùn nhụt và ngu xuẩn của mình. Chú đã từng nguyên-vẹn và mọi sự đối với chú thì tất nhiên và hỗn độn, lãng nhách như không khí; chú đã tin là mình nhìn thấy toàn bộ, thế mà đó chỉ là cái vỏ. Nếu có ngày cháu trở thành một-nửa của chính cháu, chú cầu chúc đấy, chú bé con à, cháu sẽ hiểu các sự việc ở bên kia trí tuệ thông thường của các bộ não nguyên-vẹn. Cháu sẽ mất đi một-nửa của cháu và của thế giới, song nửa còn lại sẽ ngàn lần sâu sắc và quý báu hơn. Và cháu ắt cũng sẽ muốn mọi sự đều bị chẻ đôi và hành hạ trí tưởng tượng của mình, bởi cái đẹp, sự khôn ngoan, và công lý chỉ hiện diện trong những gì đã bị băm ra thành mảnh”. Khi nguyên-vẹn ta đã không hiểu, ta dịch chuyển trong tình trạng không thực sự nghe, cũng không truyền đạt, ta như một tồn tại bị bẻ gãy và bật rễ, què cụt và thiếu thốn trên thế gian, còn khi sự chẻ đôi theo tuyến diễn ra thì lúc này sự gặp gỡ giữa những mảnh trong cùng một cá thể, bất cứ cuộc gặp gỡ nào như vậy cũng là một cuộc rứt xé lẫn nhau, nhưng từ đó ta lĩnh hội được nỗi đau mà mỗi cá nhân phải cưu mang vì tính khuyết thiếu của mỗi nhân cách, mỗi sự vật trên thế gian. Chỉ cần lĩnh hội được nỗi đau thiếu-khuyết, “vong thân” thì chúng ta cũng sẽ tìm được phương cách chữa lành cho mình, một sự hòa hợp không hoàn toàn ác tâm cũng không triệt để từ tâm, chỉ như vậy chúng ta mới đầy đủ trọn vẹn, đủ kinh nghiệm với cả phần tốt và phần xấu của mình. Sống với sự hợp nhất luôn là thứ đòi hỏi nhiều lý tính, và đánh đổi, bất cứ sự hợp nhất nào. [thế gian tồn tại yoga – hợp nhất là có lý do của nó nhỉ :p]
Trong một bài phỏng vấn, Italo Calvino bộc lộ rằng ông thường bắt đầu xây dựng các câu chuyện từ một hình ảnh nhỏ, sau đó dùng đến sự ám ảnh cấu trúc truyện của mình để phóng hình ảnh đó thành một câu chuyện hoàn thiện, và thường ông sửa nó rất nhiều, nhiều đến mức ông gạch đi nhiều hơn là có thể viết ra :). Nam tước trên cây là hình ảnh một cậu bé trèo lên ngọn cây, đu bám trên cành, chuyền từ cây này sang cây kia và quyết định không xuống nữa. Italo Calvino không làm gì khác hơn là khai triển hình ảnh giản dị này và đẩy nó đến một hệ quả tối cực. Nhân vật sống cả đời trên cây, một cuộc đời không hề đơn điệu: chàng ta sôi nổi phiêu lưu và cũng không hề ẩn dật, luôn duy trì một khoảng cách giữa mình và đồng loại: tối thiểu song không hề dễ xâm phạm. Mỗi sự vật, sự việc với cậu chàng khi nhìn từ trên cây lại mang một chiều kích khác, với chàng chỉ điều này thôi đã là một niềm vui thú bất tận. Ngay khi từ bỏ cuộc sống chân đạp đất để bắt đầu đời sống đầu đội vòm cây thì cậu chàng đã bắt đầu bẻ hướng cuộc đời mình ra khỏi lối thông thường “từ nhiều năm nay tôi sống vì những lý tưởng mà mình cũng không biết giải thích cho chính mình, song tôi làm một chuyện khá tốt: tôi sống ở trên cây”.
Cuộc sống đã diễn ra bằng lý tính, chọn con đường của riêng mình “cháu biết con đường của mình, chỉ cháu mới biết con đường của cháu!” và mọi chuyện sẽ được duy trì từ đó về sau như một khẳng định: ai muốn trông thấy rõ cuộc sống nơi mặt đất thì phải giữ khoảng cách cần thiết, không phải thật gần mà là đủ xa. Một chuyến bứt vượt đánh dấu một tồn tại tách số phận của mình ra khỏi số phận của kẻ khác, nhẹ nhõm nhẹ nữa nhẹ nữa đi và thăng về trời ở nước kết. Ngay cả ở nước kết, lão nam tước cũng đu bám mình vào quả khí cầu và biến đi theo cách thăng về trời “Cosimo đã biến đi như thế, lại còn không cho chúng tôi được mãn nguyện là nhìn thấy anh trở về mặt đất trong tư cách một người chết. Trong căn mộ của gia đình, một tấm bia tưởng niệm anh với các hàng chữ:
Cosimo MưaGiông xứ Rondo
Sống trên cây
Luôn yêu thương quả đất
Thăng về trời”
Nhân vật tôi thích nhất trong Nam tước trên cây ngoài chàng Nam Tước [tất nhiên], chính là mẹ của chàng, một người mẹ yêu thương con rối rít rất đàn bà nhưng vô cùng thông tuệ, bà là người duy nhất trong câu chuyện này không tìm cách cắt nghĩa chàng Nam Tước, có thể vì tình yêu của người mẹ, hoặc cũng có thể bà nghe được giai điệu bản tụng ca sống nhẹ tênh của con mình, bà không cắt nghĩa cách sống của con trai và đơn giản là chấp nhận nó ngay từ đầu theo cách mọi việc sẽ như thế từ bây giờ cho đến mãi về sau. Một người mẹ cực oách. Tôi yêu bà ấy <3 p="">
Trong Hiệp sĩ không hiện hữu, hiệp sĩ Agilulfo không hiện hữu nhưng hiện diện mạnh mẽ, sống động trong từng việc làm, mọi nơi chàng đến, sự hiện hữu của chàng còn thật hơn sự thật, trong khi cậu chàng tùy tùng của hiệp sĩ Agilulfo thì lơ lơ là là hiện hữu khắp nơi nhưng lại không hề biết hiện diện. Nó nhắc người ta về việc sống lý tính, chuyện hiện hữu cũng phải học, hiện hữu không hiện diện hay hiện diện không hiện hữu, anh còn sống chừng nào anh còn được nhớ đến
Cơn nghiện Italo Calvino của tôi có thể kéo dài mãi nếu tôi không cố tình cắt cơn bởi tôi là kiểu một khi đã thích gì thì cứ thế mãi mãi sẽ thích như vậy, điều này đặc biệt không tốt trong việc đọc :p, bởi tiểu thuyết thì bao la lắm và còn rất nhiều quyển hay để đọc :v. Cách đây không lâu tôi lần tìm lại kênh phim cũ Việt Nam để tìm một bài hát được nhân vật chính hát trong phim (sau này mới vỡ mộng vì thật ra không hiểu sao ngày xưa nó lại nằm tốt đẹp trong ký ức như thế, why i got you on my mind :v). Và nhờ xem lại phim đó mà tôi bắt được một câu thoại xuất thần, câu thoại mà khi cô bé 12 tuổi trong phim nói xong, nó chạy thẳng vào não tôi và tôi tự hỏi, liệu người viết kịch bản này có từng đọc Những thành phố vô hình của Italo Calvino :). “Bố tớ bảo có một Hà Nội lơ lửng phía trên kia không có hình, chỉ có hương và có tiếng”. Tóm gọn Những thành phố vô hình chỉ trong một câu văn không gì đầy đủ hơn, đó là: Mỗi người có một thành phố (mảnh đất) cho riêng mình, thành phố lý tưởng hay thành phố hỏa ngục (đây có là câu hỏi không), mà dù lý tưởng hay hỏa ngục thì nó mang tưởng tượng, vô hình nhiều hơn, nhiều khả năng không tồn tại thật, nó có thể là một nơi trú ẩn bình yên trong lòng mỗi người, có thể trong giấc mơ, trong tưởng tưởng, trong lòng hoài nhớ…
 Và với riêng tôi, tôi tìm về thành phố của mình hay thậm chí, thành phố gói gọn tôi vào lòng trong những giấc mơ, bao giờ cũng nhiều ngõ nhỏ, nhiều nhà san sát nhau lúp xúp có thể dễ dàng trèo qua lan can, qua trần nhà để sang nhà hàng xóm, những cái lồng chòi ra để lấy đất ở, những buổi tối hoa sữa hăng hắc nhè nhẹ trên đường vắng tĩnh lặng không gì ngoài tiếng một vài bao giấy rác lăn nhẹ nhẹ theo gió thổi… Thành phố của tôi gắn với ngôi nhà 2 tầng có giàn hoa lan tiêu cam rực ông nội trồng mà mỗi lúc cần một mình tôi đều chui ra khóc khuất nhất của lan can tròng các cành lá hoa dày rậm vào người để nhìn xuống đường một cách kín đáo, cứ ngồi đấy không làm gì cả ngày. Thành phố của tôi. Không phải một Hà Nội như động rồ thế này, chổng ngược bật rễ lên trời phơi hết cả gốc rễ ra thành những tòa nhà xa lạ xa xa những ô cửa sáng đèn le lói. Kinh khủng, nó bắt nhịp vào thế giới đang có xu hướng đồng nhất hóa lẫn nhau, thế giới đang tan ra và việc bắt nhịp này như thể nó bị dụ dỗ dấn thân vào sự tàn hoại, từ đấy chuyển sang điêu tàn hổ lốn :(
Italo Calvino ca ngợi thành phố cụ thể nào :p, Torino ạ :). Nhà văn và thành phố (Italo Calvino, chuyển ngữ Duy Đoàn): “Nếu ta thừa nhận rằng tác phẩm của một nhà văn chịu sự ảnh hưởng từ môi trường sống nơi nó được sản sinh ra, từ các yếu tố của cảnh vật xung quanh, thì khi đó ta phải thừa nhận Torino là thành phố lí tưởng để làm công chuyện viết lách. Tôi không hiểu người ta làm sao mà xoay xở viết lách này nọ được ở những chốn đô thành tại đó những hình ảnh của hiện tại quá ư tràn ngập và mãnh liệt đến nỗi chúng chẳng cho nhà văn chút khoảng trống hay khoảng tĩnh lặng nào bên lề. Ở thành phố Torino này, bạn có thể viết lách bởi vì quá khứ và tương lai nổi bật hơn hẳn so với hiện tại, lực đẩy của lịch sử quá khứ và dự liệu của tương lai đã đem lại tính cụ thể và cảm quan đối với những hình ảnh rời rạc, có trật tự của ngày nay. Torino là thành phố lôi cuốn nhà văn hướng đến cái tinh lực, theo một lối thẳng tiến, hướng đến một phong cách. Nó cổ xuý tính luận lí, và thông qua luận lí nó mở lối vào chốn cuồng điên.
Lần đọc lại này, khi Italo Calvino đã được dịch 6 quyển ở Việt Nam, tôi đẩy Nếu một đêm đông có người lữ khách lên đọc đầu tiên vì tôi cho nó riêng một chỗ đứng khác biệt. Khác biệt bởi về văn chương, nó kém hơn hẳn 5 tác phẩm còn lại. Cấu trúc mới lạ là điều mà nhiều người đọc cho là thế mạnh của Nếu một đêm đông có người lữ khách thì tôi lại không ưa nhất, tôi ghét Italo Calvino của tôi ở những trò quái chiêu, tôi chỉ thích ông phóng to một hình ảnh mà ông muốn thôi. Nếu một đêm đông có người lữ khách là câu chuyện về những con người đang nỗ lực thu vén đời mình giữa một mớ những điều ngẫu nhiên, cụ thể ở tiểu thuyết này là nhân vật Người đọc (Nam và Nữ, mà chủ yếu là nhân vật Người đọc Nam), người luôn đi tìm chương tiếp theo của cuốn sách anh ta đang đọc dở. Còn với tôi, đây là tiểu thuyết về chính sự đọc, đọc là niềm hạnh phúc cô đơn [vì thế mới là độc giả, thay vì đọc giả :p], đặc quyền người đọc, là một quyển sách buộc tôi phải thực hành việc vạch một con đường qua sự đọc như thể qua rừng rậm; một quyển sách diễn giải mối quan hệ nhà văn-người đọc, nhà văn-dịch giả-người đọc... theo cách khiến tôi cho rằng mình đang trở thành một con bài trong trò chơi quái chiêu của Italo Calvino. Nhà văn có một công cụ trong tay đó là xóa bỏ thế giới và xây dựng nó theo cách của họ; người đọc đọc văn bản đó cũng có năng lực xóa bỏ thế giới mà người viết dựng nên và thay vào đó một thế giới khả dĩ hơn và mọi điều đều có thể được chiêm quan dưới logic của những phóng chiếu. Và như vậy, sự đọc luôn là pha chuyển tiếp giữa người viết và người đọc, người ta tìm đến sự đọc để trốn và để làm những việc không thể nói được ;)
Đọc Nếu một đêm đông có người lữ khách rất thường có cảm giác đang chơi threesome trong đó độc giả và các nhân vật fucking, fighting. Thông qua cuộc làm tình, độc giả kết liễu chính mình trước thời điểm đọc sách, đóng băng nhân vật và thế chân họ tham gia vào tiến trình câu chuyện, vì độc giả kết liễu nhân vật, phá ngang nên phải tiếp tục từ giờ phút phá ngang ấy cho đến cuối cùng, cùng trải qua những cơn rung mình, những rung chấn của câu chuyện như qua một cuộc làm tình thực thụ
Độc giả thường quan tâm tới tác giả như là một người hiện hữu trong tác phẩm, độc lập với tác giả là một chủ thể, một con người hiện hữu ngoài trang sách. Mọi quyển sách đều tiếp tục ở ngoài trong thứ ngôn ngữ khác, thứ ngôn ngữ im lặng mà tất cả các ngôn từ trong các sách ta tin là mình đọc đều dẫn chiếu tới. Đọc là tiến về phía cái gì đó sắp sửa hiện hữu song chưa ai biết nó sẽ là gì; đọc là băng qua sự dồi dào của chi tiết vốn che phủ cái khoảng rỗng mà độc giả không muốn nhìn ra hoặc không đủ khả năng nhìn ra; đọc là sự buông mình đầy hân hoan theo làn sóng các sự kiện, hay là sự rút lui vào trong bản thân mình như thể tập trung vào một dự đồ ám ảnh, mọi cái đọc khác đều chỉ để ngụy trang còn dự đồ kia là nỗi ám ảnh không mục đích… nên tôi không nhớ rõ là những nhà văn nào, nhưng ít nhất nhớ rõ Umberto Eco thuộc típ nhà văn luôn mong mình chết trước khi tác phẩm được biết đến rộng rãi để tác phẩm có đời sống riêng của nó, hành trình của quyển sách được viết ra thoát khỏi những phân tích, nhìn nhận của chính người viết áp đặt lên nó. Tiểu thuyết hay bất cứ quyển sách gì đều có rất nhiều điểm nhìn, khi độc giả nắm lấy điểm nhìn của mình, khước từ ý tưởng chuẩn thức về sự thẳng, đường thẳng thì đó luôn là điểm nhìn hay nhất, ít nhất là với người đọc chọn điểm nhìn ấy.
[có rất nhiều cái có thể nói về quan niệm của nhà văn, đặc quyền của người đọc, độc giả lý tưởng, tiểu thuyết lý tưởng với độc giả, vai trò của dịch giả mà tôi muốn nói, nó được Italo Calvino lồng vào các tiểu thuyết dang dở (các chương) trong Nếu một đêm đông có người lữ khách, tôi cú mèo lắm vì mình không đủ năng lực để làm gì đó cho mình đặng mai này nhìn lại. Câu chuyện tôi khoái nhất (nhẹ nhất, không phải hay nhất) trong tiểu thuyết này là câu chuyện diễn ra ở Nhật Bản: Trên thảm lá sáng ánh trăng; pha tôi thích nhất là cuộc giao hoan của vợ thày giáo và học trò, cô con gái thày giáo đứng chứng kiến và lặn ngụp vào trạng thái giao hoan, và trên hết là thày giáo-người đóng vai trò bài binh bố trận đứng quan sát biểu cảm của con gái đứng nhìn vợ và học trò của mình giao hoan. Câu chuyện này tất nhiên làm tôi nhớ nhiều đến Chiếc chìa khóa của Junichiro Tanizaki, nhưng ở đây là Italo Calvino, và tôi thích nhìn nhận người viết trong vai thày giáo, độc giả trong vai cô con gái, các nhân vật trong vai hai người giao hoan. Và tổng thể cuối cùng, người đọc câu chuyện là người quan sát từ trên cao tiểu thuyết trong một tiểu thuyết khả thể. Thế này nhé: Từ những quyển sách làm thành những tạo phẩm, rồi nhét tất cả những tạo phẩm này vào một quyển sách, từ quyển sách này tạo ra tạo phẩm, tạo phẩm khác. Rồi lại cho nó vào một quyển sách khác… cứ như vậy (có ai hiểu ý tôi không? Kiểu mỗi file sau là một file trước nó được ghi đè thêm lên í @.@ #$#%$^$#$^$^#$ fuck .I.)]
Khép lại Nếu một đêm đông có người lữ khách, tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ, giữa việc đọc và việc không đọc thì việc làm nào dễ dàng hơn, chúng ta được dạy về đọc-viết từ khi vẫn còn lò thò mũi xanh, vậy thì thường có xu hướng đọc bất cứ gì bị quăng ra ngay trước mắt, chẳng dễ dàng gì để thắng được thôi thúc đọc, vậy là suốt đời ta cứ làm nô lệ cho những gì được viết ra và quẳng trước mắt ta, ta cứ thế là đọc, vô tình đọc, mong muốn đọc. Vậy làm thế nào để khước từ việc đọc? Italo Calvino trong Nếu một đêm đông có người lữ khách đã có một gợi ý để không đọc, “không khước từ nhìn vào những con chữ viết. Ngược lại, ta phải nhìn vào chúng, thật chăm chú, cho đến khi chúng biến mất”. Nhưng lúc đó có là đọc những gì được viết ra không, hay là đọc giữa các dòng :p

Ngày xưa tôi đọc Palomar ngay sau Nam tước trên cây, lúc ấy Palomar với tôi mang màu ảm đạm, già cỗi với những suy tư và tản mạn rất khó nắm bắt. Đến giờ Palomar vẫn thế, vẫn là những ghi chép suy tư, những bài tiểu luận mà như Italo Calvino có nói những lúc ông viết về những suy tư thì những gì ông muốn viết là những gì ông đã không viết, điều này đọc ở phần 3 Im lặng của Palomar là rõ nhất, sự im lặng luôn bao hàm điều gì đó nhiều hơn cái ngôn ngữ có khả năng biểu lộ. Palomar tác động đến tôi khác trước đây, có phải tại tuổi tác không hehe. Không ngạc nhiên khi ông viết Palomar năm 1983 chỉ vài năm trước khi mất, ở thời điểm mà tuổi tác nằm lọt thỏm trong những suy tư bắt nguồn từ những việc nhỏ hiện ra trước mắt (bụng của con tắc kè, một kí lô rưỡi mỡ ngỗng, hai con rùa giao hợp, tiếng huýt của con sáo, …) dường như mọi thứ diễn ra đều trở thành những thước phim tua chậm trải suốt dòng suy tư. Palomar là những câu hỏi nối tiếp những câu hỏi của một nhân vật ôn hòa nhưng nhức nhối bẳn tính, hài hước nhưng chua chát. Tôi tự hỏi Italo Calvino liệu có phải là chính Palomar, Nam tước Cosimo hòa với vũ trụ với xã hội với đồng loại ở một khoảng cách đủ xa còn Palomar thì lần chần giữa việc ta không thể hòa điệu với xung quanh và ngay cả với chính ta nhưng Palomar vẫn duy trì một con đường với cách thức vừa ở trong và cũng ở ngoài, vừa trên đường và vừa ở dưới bề mặt “chỉ khi đã biết bề mặt của sự vật, ta mới có thể mạo muội đi tìm cái bên dưới. Nhưng bề mặt của sự vật không bao giờ cạn”, “chúng ta không thể biết gì về bên ngoài nếu chúng ta không vượt trên chính chúng ta… Vũ trụ là một chiếc gương qua đó chúng ta chỉ có thể chiêm ngắm cái chúng ta đã học để nhận biết chính chúng ta”.  
Italo Calvino ngoài trang sách mình viết là thế nào :p. Ông qua bản ghi chép từ băng phỏng vấn, từ hồi ký của nhà phê bình văn học Ý, từ trong cái nhìn của dịch giả William Weaver (dịch giả gắn bó lâu năm với Italo Calvino, người dịch tác phẩm của Italo Calvino sang tiếng Anh) thế nào… không khác nhiều với các nhân vật của ông. Đầu tiên là cô đơn, không một người bạn thân, không nói nhiều và không chan hòa với người khác, lúc nào cũng ở một thế giới khác, thế giới có một tử tước bị chẻ đôi người, của một thằng bé sống cả đời trên cây đội vòm cây chân không chạm đất, của một hiệp sĩ xủng xoẻng trong bộ giáp sắt mà không có hình thù, thế giới của một tiểu thuyết lúc nào cũng dở dang ở những chương đầu tiên, thế giới của những thành phố vô hình là trú sở trong tâm tưởng và giấc mơ… làm sao một người sống ở những thế giới như thế có thể tìm thấy một cô đơn khác ở vũ trụ này, làm sao có thể chan hòa với xung quanh với đây với kia :). Thứ đến là nghiện đọc nghiện viết nghiện suy tư nghiện cấu trúc nghiện từ ngữ, ông dường như rất thích tra từ điển, diễn giải từ ngôn ngữ của mình sang một ngôn ngữ khác và ông kiên định đến ngờ nghệch ngây ngô với ngoại ngữ của mình, William Weaver kể một câu chuyện, ông đã từ chối một dịch giả vì dịch một truyện ngắn của ông thành In Black anh White thay vì Without Colors, Italo Calvino từ chối vì sự sáng tạo quá trớn của dịch giả thật lố bịch, ông nói “vì đen và trắng cũng là màu sắc” và theo như lời William Weaver thì Italo Calvino có xu hướng muốn tự dịch tác phẩm của mình hơn là tìm đến bất cứ dịch giả nào. Thế rồi nhà văn ông muốn đọc kỹ là ai :), Kafka nhé, với Amerika :)
Bạn có thể tìm đọc những bài viết ngắn của ông như Tại sao đọc tác phẩm kinh điển, Từ ngữ thành văn và bất thành văn, Nhà văn và thành phố, 3 truyện ngắn trong tập Numbers in the Dark and Other Stories dưới tên Chỉ cần vậy thôi, Tia sáng, Người gào tên Teresa; bài viết của Michael Wood, Rowan Gaither: Những bức thư của Italo Calvino, Nghệ thuật hư cấu của Italo Calvino… tất tật được Duy Đoàn chuyển ngữ, ở trang chiecnon.wordpress.com
[Thôi, tôi phải tạm để đây thôi, khép lại 2 ngày mà tôi đã tự hứa từ rất lâu rồi, là tôi sẽ tạo một ổ quan trọng về Italo Calvino cho riêng tôi. Mai đi chơi, không thì ma sách ám í]

7.8.17

tại sao phụ nữ là người khác :p (III)




[Hồi tháng 3 Đại hiệp bẩu muối mặt hỏi mình về bộ Giới nữ, lúc í mình hơi tủm tỉm cười về “muối mặt”, nhưng giờ thì bắt đầu hiểu cảm giác “muối mặt” rồi, đã có rất nhiều thứ nhưng vẫn tha thiết muốn có thêm một thứ mình chưa có :p, mà cái thứ mình muốn thì nó lại đang ở chỗ thế nào thế nào đấy. Thôi nói luôn, con xát muối vào mặt rồi đây, cụ nào có bộ Giới nữ xin rộng lòng đổi cho con mí, chiến hữu của con vụ này rắn quá, con pó tay zồi, cụ nào có thì để cho con mí, con cung Thiên Bình, con chả đòi quà rì đâu, đổi cho con đã là món quà lớn zồi, nhất là các cụ nam giới, rì chứ chịu nhường phụ nữ bộ sách về giới tính của chính họ là nam tính lắm í, đàn ông ngất ngưởng luôn í, oách luôn í, thật đấy thật í]
Bộ Giới nữ nói thật là mình đánh vật tính năm thì phải từ năm ngoái sang năm nay, cứ tiến được chừng hơn trăm trang thì lại bỏ bẵng một đôi tuần, một đôi tháng, lúc sờ đến thì đọc lại từ đầu, cứ độ vài ba lần như thế. Mãi gần đây chiến hữu đòi khủng khiếp quá, mình đành gác lại cả cơn phê Italo Calvino để luyện cho xong bộ Giới nữ. Lần quay lại này ngầy ngật mãi không quá được bốn chục trang, thế mà một ngày dân rồ sách phát rồ về dịch thuật, mở màn là bảy rưỡi sáng mình đang ngủ, chiến hữu tink tink tin nhắn kiểu thất thanh ‘’Sapiens bắt đầu bị ném đá” :p, thế là mình bật cbn dậy xem dân tình ném dư lào, ngắm có chuẩn không hay là cho đá đi tìm chim trên zời, mình bảo chiến hữu nhẹ đê nhẹ đê, bắt chước Nam Tước trèo lên cây vui chơi mí vũ trụ, thi thoảng xem thiên hạ xỉa nhau kiểu ‘nhạc bất quần’ nó dư lào, vì xem đại hội quần hùng được có một buổi sáng thì chán mớ đời, được khoảng 5-7 người ngắm chuẩn, còn đâu toàn đông và hung hãn vãi, với thế lực kiểu này cứ để bọn chúng té nước theo mưa đê, việc của mình là nguẩy mông rời xa, ngửa mặt ngắm vũ trụ cho vui. Trong một diễn biến khác, loạn lạc như thế mà chiến hữu vẫn đạp xe cuối tuần tung tẩy ngoài đường chỉ để qua nhà con đòi Giới nữ các cụ ạ [thật vãi]. Thế là con phải đành lòng ngồi trên cây đọc Giới nữ thay vì ăn chơi nhải múa thi thoảng zỏng tai nghe các vận động viên môn đá ném ném đá rơi dưới gốc cây [vụ này hay phết, sáng cbn mắt về nhiều nhân vật hí hí hí]
Trong đêm mưa gió nằm đọc Giới nữ với áp lực tiến độ đè nặng lên tóc, con đọc một mạch hơn trăm trang sách, nuốt không biết bao nhiêu sỏi [Đại hiệp cũng công nhận là dịch như khỉ mà], ghi chép note niếc đàng hoàng. Phần I Số phận, Phần II Lịch sử, Phần III Huyền thoại…, bắt đầu từ cuối phần II đầu óc sáng bừng bừng, từ đó về sau [sang đến tập 2 và hết] không thể ngừng kinh ngạc về công trình đồ sộ của Simone de Beauvoir, càng đọc càng thấy thần sầu quỷ khóc. Cụ thể thế nào thì các cụ đợi sách tái bản đọc nhé, hy vọng là có tái bản bộ này. Có mấy thứ phục vụ việc cá nhân của con, nên con note lại
Simone de Beauvoir đã dùng rất nhiều các ghi chép tư vấn tâm lý [và qua lịch sử các thời đại, xã hội loài người] để minh họa, dẫn chứng cho những lý luận, kết luận, thăm dò của mình. Ngoài ra, phần này rất quan trọng với con, đó là bà phân tích các nhân vật nữ trong tiểu thuyết đặt trong bối cảnh xã hội, tình huống cụ thể để giải quyết luận điểm của mình. Simone de Beauvoir đã chọn ai trong những nhà văn nữ, các cụ hẳn nghĩ đến Virginia Woolf - tất nhiên, George Sand – hẳn là thế, chị em Bronte – có lẽ :p…, thế có ai nghĩ đến Colette như con không :p. Về Colette, cách đây không lâu con có sờ đến Nàng mèo và Chừa yêu, nhưng con đặc biệt thấy rõ cái gọi là không khí phủ đầy lên những thứ bà ấy viết, một sự nữ tính, đàn bà tính không lẫn vào đâu được. Và cuộc đời bà ấy cũng là một cuộc đời có thể dùng để suy nghĩ về giới nữ, những ai quan tâm tới văn học Pháp nói riêng, văn học nói chung thì chắc không lạ gì câu chuyện về vợ chồng Willy – Colette, cuộc đời của bà ấy có thể coi là một tiểu thuyết điển hình tính nữ. Vì vậy khi đọc Giới nữ của Simone de Beauvoir, nhìn thấy sự xuất hiện dày đặc của Colette trên các trang viết nghiên cứu đồ sộ về giới nữ, lòng con thấy mãn nguyện, à, vậy ra là mình ngửi mùi đúng [hơi kiêu mạn tí], nhưng quả tình là sung sướng, suy nghĩ của mình hóa ra cũng đuổi sau đuýt của người đàn bà thông tuệ Simone de Beauvoir, mình không ăn hại lắm. Người viết nữ thường rơi vào nghịch lý sáo mòn, tức là chính lúc họ nghĩ họ độc đáo đủ để nhìn nhận mình và đưa hình ảnh của mình ra bên ngoài thì cũng chính là lúc họ tìm cách tái tạo lại bản sao nhàm chán của chính mình. Còn Colette, Colette tìm vào sâu bên trong mình một cách kiên nghị những cảm giác sống động màu mè nhất, vi tế nhất [đọc những đoạn viết về thiên nhiên, vườn tược, chim ca hát véo von bướm nhịp nhàng lượn hay dáng điệu uyển chuyển, cái ngước mắt nhìn của một nàng mèo… đọc cái là nhận ra ngay Colette] và cho nổi nó lên bề mặt ngôn ngữ tức thì, không cân nhắc không chần chừ một cách vô úy, tính bột phát vượt lên trên và ra ngoài tư duy gò bó của giới, thay vì nắm bắt từ ngữ như một mối quan hệ giữa chính mình và xung quanh thì bà thản nhiên bộc lộ cảm xúc nữ tính, một hình thức dám tự tạo lập bản thân. Còn George Sand, hehe, tạm đóng băng, bảo khởi sự đọc nghiêm túc bà ấy từ 2 năm trước mà kiếm sách của bà ấy chưa đủ :p. Còn Emily Bronte và Virginia Woolf, con gộp hai người vào một bởi một nghiên cứu cái chết, một nghiên cứu cuộc sống, song đều có màu bi quan, hai người họ không băn khoăn không đặt câu hỏi, không tố cáo mâu thuẫn… chỉ đơn giản là họ xét đoán cuộc sống theo một cách rất nghiêm túc, trong đó V. Woolf tiếp cận chính tính nữ của bà trong sự tự do tương đối, tìm cách giải mã những ý nghĩa xa lạ trong mình và tự đánh mất mình để hòa vào một sự hiện diện khác, trong khi tính nữ, nữ quyền, giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới là gì, là tháo bỏ sự nhốt chặt trong mọi quan niệm về giới, là tự do để phụ nữ được là phụ nữ, phụ nữ nên là phụ nữ, chứ không phải phủ nhận nó, gồng nó lên để thành người khác [đến đây con cũng lý giải được việc đọc V. Woolf của mình, luôn luôn là cảm giác chạm không tới, mở sai cửa, bơi giữa các dòng]. Đến ngày nào đó phụ nữ có thể sống và yêu trong chính sự tồn tại của mình chứ không phải sự yếu thế, không phải để tự trốn tránh mình mà là để tìm thấy mình, không phải để tự khước từ mà là để tự khẳng định mình, tự nhận thức mình… thì sinh ra là phụ nữ mới là một nguồn sinh lực chứ không phải một tai họa sinh ra là một người khác, chỉ đơn giản phụ nữ là phụ nữ thôi. Nói như Nietzsche thì “Một phụ nữ càng yêu với tư cách một phụ nữ thì càng là phụ nữ một cách sâu xa”, mình thích nghĩ “yêu” ở đây chính là “sống”
Simone de Beauvoir trong công trình này trích dẫn những anh tài nào :p Lev Tolstoy, Marcel Prevost, Francois Mauriac, Stendhal, Marcel Proust… và đặc biệt là ai, he he, Balzac nhé;), đến đây lại vểnh mũi kiêu ngạo tí, người tôi ngưỡng mộ quay lại đọc Balzac và dịch, cũng từ đó húc đầu vào những suy nghĩ về giới nữ hahaha, nên ngay khi đọc thấy Simone de Beauvoir nhắc tới Balzac thì tôi hiểu ngay rằng, Giới nữ kiểu gì cũng sẽ xuất hiện nhiều Balzac, và quả không sai. Về Balzac cũng như những người viết nam giới, sẽ tạm đóng băng:p
Giới nữ được viết năm 1949, đến nay đã có rất nhiều thay đổi về xã hội, cách nhìn nhận trong chính giới nữ nhưng nhìn chung, tôi vẫn giữ quan điểm tất cả những tư tưởng, triết lý sống, thậm chí cả khoa học hiện đại chỉ là sự diễn giải, ứng dụng của những giá trị trước đây, bổ sung thêm cho trước đây. Thần chú khép lại, Simone de Beauvoir mượn lời của Marx, tôi hoàn toàn bị thuyết phục: “Mối quan hệ trực tiếp, tự nhiên, tất yếu giữa con người với con người là mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà… Đó là mối quan hệ tự nhiên nhất giữa người với người.
Vậy thì sao nào :p, phụ nữ chưa bao giờ và cũng không nên tạo cho mình một xã hội độc lập tới ngẩng cao anh dũng :p và khép kín. Sợi dây gắn bó của nam giới và nữ giới là sợi dây đoàn kết với tư cách đồng loại dựa trên cơ sở là một cộng đồng thống nhất, tuy nhiên nên và rất cần xác định cho mình một quyền tự do mang tính hiển nhiên và làm cho tinh thần này đốt lửa được trong lòng thế giới không phải để vượt lên sự phân hóa tự nhiên giữa nam giới và nữ giới mà là để nhận thức đúng giá trị của mình. Phụ nữ là phụ nữ thôi, đơn giản chỉ là phụ nữ.
Và xin đừng quên sự tồn tại kiên định, táo bạo của những người không phải giống đực, không phải giống cái, mà chỉ là đứa con của vũ trụ
p/s: khi đang đọc tập 2 của Giới nữ thì tôi đi tìm mối liên hệ giữa Colette và Simone de Beauvoir dù nhẩm nhẩm thì họ chênh nhau 35 tuổi, cái này là do tôi nhớ nhầm vì trước đấy đọc Colette thấy bà ấy nữ tính quá, không hiểu sao tôi nghĩ tới Simone de Beauvoir dù sự nữ tính của Beauvoir ở thái cực khác của táo bạo, nên đầu óc tôi cho luôn hai người đàn bà Pháp Colette và Beauvoir làm bạn với nhau :v, nên khi tôi tìm kiếm mối quan hệ bạn bè của họ thì không thấy dấu vết gì, thế là lại phải check lại tiểu sử Colette J. Tuy nhiên, nhờ vậy mà biết rằng có tài liệu về bộ ba Colette, Simone de Beauvoir, Marguerite Duras từ năm 1999, và nó được dùng để tham khảo khá rộng rãi, vậy đấy, tự tìm hiểu nó khổ nó sướng vậy đấy :p


6.8.17

tại sao phụ nữ là người khác :p (II)



Mình biết điều trong ảnh kia, nhưng mình vẫn không ngừng ngạc nhiên mỗi ngày khi phải nói nó với những người phụ nữ quanh mình rằng với đàn ông, tình yêu chỉ là một phần của cuộc sống, với từng người thì nó là một phần nhất định phải có hoặc một phần như bao phần khác hoặc một tỉ lệ nào đấy; còn với phụ nữ, phụ nữ luôn nghĩ tình yêu là tất cả cuộc sống của họ, tình yêu là điều tiên quyết phải có trong đời.
Hằng ngày, mình vẫn phải bơn bớt cười mỗi khi đọc một cảm nhận sách nào đấy của chị em viết, tức là thế nào thì thế, có những bạn bao giờ cũng bắt đầu từ điểm nhìn tình yêu, chuyện tình yêu, và tất nhiên, cũng kết thúc bài cảm nhận của mình trong tình yêu bi kịch, bi đát, nồng thắm hoặc thích hay không thích cô này anh kia vì họ đã hành xử với tình yêu như trò mèo, như con điêng như thằng dở . Mình thú nhận mình cười co người đỏ mặt trào nước mắt trên giường mỗi khi đọc cảm nhận như thế, nhưng gần đây mình bơn bớt cười rồi, vì mình đã bắt đầu hiểu ra tâm lý của chị em. Xin ăn năn 
Có một lần nói chuyện với ông bố, mình bảo tại sao đàn ông có người yêu, có vợ có con… người ta vẫn tiếp tục học tập, tìm tòi, đam mê còn phụ nữ thì lại zẩm như thế, cứ có người yêu vào là coi như mọi thứ chấm dứt từ đây, đời em chỉ có tình yêu của anh, lấy chồng xong phát thì đời này em chỉ có anh có con, chấm dứt tất cả, đầu óc bít bùng vào, trầm cảm sau sinh, có việc áp lực căng thẳng cái là gần như phát điên; nhưng vẫn may mắn chán nếu phụ nữ còn có người yêu có chồng vì bi kịch lại nằm ở số chị em không có người yêu, không chồng hoặc chuyện tình yêu hôn nhân cắc cớ không tới đâu, trông họ hết sức thiểu não, mất sức sống, nếu có thể chọn màu thì màu của họ mờ mờ như thể một cơn gió vội qua màu sắc ấy tan vào thinh không, và họ thường xuyên ‘bán than’ rằng mình cô đơn, họ ngừng mọi vui thú cuộc đời, không còn gì thu hút họ ngoài những rệu rã quanh đi quẩn lại cũng là ‘người ở nơi đâu, Mr của đời em’. Bố mình hôm í cười sặc hết cả rượu bảo, thế các bạn kêu với con nhiều lắm à, bố thì thấy có nhiều người người ta còn không biết mình cô đơn cơ, dạng ý mới nguy hiểm. Mình nhẩu mỏ bảo, không, con nghĩ cô đơn hay không nhiều khi là một lựa chọn, người không biết mình cô đơn là người không tự nhận thức được mình, nó thuộc về nhận thức sự tồn tại, những người này con không quan tâm, thật đấy. Con chỉ để ý những người nhận ra mình cô đơn và bế tắc. Và đặc biệt hơn, những người nhận ra mình cô đơn và người ta chơi được với cô đơn ấy. Về khoản chơi với cô đơn, đàn ông khá hơn hẳn phụ nữ, đàn ông luôn có một cái gì đấy quan tâm ngoài tình yêu [ông nào không có thì úp mặt vào tường tự xử nhé], còn phụ nữ thì 10 than cô đơn có đến 9 vì tình. Mình thẳng thắn nói với ông bố mình rằng, con không thấy buồn khi phải một mình, vì với con nó là lựa chọn, con cũng cần đàn ông làm bạn để cân bằng để giao thoa những cái thiếu thừa như mọi phụ nữ trên đời nhưng con là phụ nữ mà, phụ nữ là phụ nữ thôi, bọn con là những gì bị đánh bật ra khỏi trung tâm trong cơn hỗn loạn trời đất nên bọn con phải tìm về cái nôi ấy, và trong hành trình về nhà thì lúc nào chả cô đơn, con cảm thấy cô đơn thực sự khi con nghĩ về chính con, con không hiểu được con, tại sao con lại là con như thế này mà không phải như thế kia, tại sao con cứ mãi thấy mình còn nhiều ràng buộc đến như thế, tại sao con lại là con ở đây lúc này… Đấy, nên con không hiểu được phụ nữ, lúc nào con cũng cảm thấy con là ai khác sống trong cơ thể phụ nữ này của con :’)
Nhân tiện mình cũng mở ngoặc chuyện này, bà nội mình tên Thanh Tâm, còn mình là Thanh Tú, mình không phải chị Thanh Tâm hay anh Biết Tuốt. Cái nhìn của mình về tình yêu, hôn nhân, ứng xử giao tế… rất không đúng chuẩn, trên đời này không có đúng sai nhưng mình không đúng chuẩn, mình lại hay nói sự thật, sòng phẳng thẳng thắn quá nên kiểu gì thì kiểu, các bạn cũng bị shock, nói thẳng nhé, cho rằng mình dạng máu lạnh, đầu óc méo bình thường, tách bạch quá đâm ra không phù hợp với những thứ các bạn muốn nghe [dù sau một thời gian, lại thấy mình nói đúng quá, nên lại tỉ tê với mình huhu]. Con người thường hay có xu hướng chỉ muốn nhìn thấy những gì mình muốn thấy, muốn nghe những gì mình thích nghe… Cái này mình tiên quyết không thực hành. Vì vậy, mình xin quỳ xin lạy các trạng thái tâm trạng sau 23 giờ. Mình sống rất không đúng cái dàn bài chung của mọi người, nên các bạn đừng chấp, có rì 9 giờ sáng hôm sau nói chiện tiếp [ ngoại trừ các trường hợp cực thân quen, không ‘bán than’ với mình được thì sẽ lục mạch điên đảo nhé :p]

Thần chú đây 
Người ta không phải sinh ra là phụ nữ. Người ta trở thành phụ nữ [trích Phần IV, Chương I: Giới nữ - Simone de Beauvoir]

4.8.17

tại sao phụ nữ là người khác :p (I)



Những biến đổi về sinh lý làm cho mình nghĩ cơ thể mình là trung tâm của cái diễn ra trong chính mình nhưng lại không liên quan tới cá nhân mình. Tức là với mình, những biến đổi này như một dạng tai ương sao chổi rơi xuống đầu í, chỉ còn cách chấp nhận, biết cách đánh lừa bộ não để sống với những biến đổi sinh lý này được lúc nào tốt lúc í, vậy thôi nhỉ :'). Các bạn đừng cười, mình nói thật đấy, dù là phụ nữ nhưng mình luôn nghĩ: Phụ nữ là người khác [bi kịch quạ], và câu Tại sao phụ nữ là người khác, với mình không phải là câu hỏi 
Mình coi thân thể là công cụ tìm hiểu về thế giới, về chính mình nên hai năm nay mình rục rịch những ghi chép riêng nhỏ lẻ có ý nghĩa với mình về tâm sinh lý phụ nữ, và nói thật là càng lúc càng rối tinh rối mù vì theo thời gian những người thân, bạn bè nữ giới đều đi lấy chồng sinh con và mình càng lúc càng không hiểu tâm lý phụ nữ, dù đã cố gắng đặt mình vào vị trí của họ nhưng vẫn chỉ cho thấy tâm bệnh của họ quá lớn lao, cao cả đến mức mọt đời mình cũng chả thể hiểu được sao trên đời này lại tồn tại một điều, một gì đấy phức tạp như phụ nữ. Và vì tính phức tạp quái gở của phụ nữ, mà mình là một trong số quái gở ấy thì bản thân mình đã không gồng gánh nổi mình rồi, nên mình rất hạn chế chơi thân với nữ giới [một việc mình đã linh cảm và thực hành trong suốt 12 năm qua]
Kể chuyện vui hôm qua đi khám, ngay khi y bác sĩ bảo mình cởi hết áo, bỏ thắt lưng khuy quần... nằm lên giường, hướng dẫn mình cách nằm là mình biết quả này hình ảnh siêu âm lại bình thường rồi, mình không mong nó bất thường, nhưng mình biết có khối u tồn tại trong cơ thể mình, điều mình cần là kích thước của nó suốt 5 năm qua đã nhỏ đi được bao nhiêu sau 9 tháng làm chuột bạch cho nhân điện, một việc mà 4 lần đi khám thì 2 lần siêu âm ra hình ảnh khối u, 2 lần thì không thấy gì bất thường he he he, nhưng chuyên môn bảo rằng mảng này phức tạp và khó nên mình không trách gì, thật tình đấy, chỉ là mình cần biết cố gắng dùng y học bổ sung năng lượng sinh học chữa bệnh của hai bố con mình thử nghiệm trên cơ thể mình có tác dụng ở mức độ nào thôi. Bác sĩ siêu âm hôm qua hỏi mình đi xung bao gìơ chưa? Mình bảo chưa [mình đến gìơ vẫn không biết xung là gì, có thể là xung điện khối u]. Xong rồi hỏi mình thấy u ở vị trí nào vì trên hình ảnh siêu âm vẫn chưa thấy khối u, mình bảo những lần trước sờ thấy và hình ảnh siêu âm nó ở vị trí cách trung tâm 1cm, hướng 6 gìơ. Nhưng, gần đây tự khám thì thấy dường như ở hướng 6 rưỡi. Xong rồi hỏi lại mình chưa xung bao gìơ à? Mình bảo chưa. Rồi bảo mình chỉ vị trí u vì đặt đầu dò lăn qua lăn lại không thấy khối u, mình lần mần cứ ba ngón tay nhích từng tí từng tí một ra cái u, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nhìn nhìn mình làm rồi hỏi em sinh viên y à. Mình bảo ko, trước e học điều dưỡng, cách khám này em học của các bác sĩ ung bướu
Thật ra đến 70% những kiến thức y khoa mình có, đều do đọc các thể loại mà ra, chứ bạn nào học điều dưỡng với mình đều biết, ngày xưa mình học hành lớt phớt, bệnh phòng thì láo nháo bỏ suốt, cả mấy năm không viết hết được một quyển vở mỏng, điểm cũng ngon nhưng ngon là do khả năng nhớ tạm thời của mình tốt [trước ngày thi gìơ thi mới cắm mặt đọc tài liệu, xuất hiện từ khóa là đọc, chứ chả biết mịa rì hết]. Nên mình không đặt kỳ vọng gì vào việc làm mang tính zẩm này của mình, những ghi chép tâm sinh lý nữ giới, các trường hợp bệnh và đáp ứng thuốc cũng như tiến trình tâm lý tác động tới sinh lý và ngược lại... cứ tiến hành thôi, tiến hành mãi chả nhẽ không ra cái rì, mà không ra cái rì cũng là chuyện bình thường mà. Anh D có lần nói với mình rằng, đọc về maya rất rối rắm phức tạp, nhưng chỉ cần tóm được sợi chỉ của nó thì mọi thứ dường như lại cực kỳ đơn giản. Mình thì mình nghĩ về phụ nữ chắc chả bao gìơ tồn tại cái sợi chỉ ấy, hoặc có tồn tại thì nó sẽ như này: phụ nữ á, phụ nữ là phụ nữ thôi 
Chỉ muốn nói Simone de Beauvoir viết về phụ nữ, tâm sinh lý, biến chuyển tuổi trẻ tuổi gìa bệnh tật vân vân vân vân mình rất mang ơn, nhưng sao bộ Giới nữ lại loằng ngoằng dư lày, vừa đọc vừa luận, kiểu này đầu hàng thật í huhuhu
Năm nay 31-32 tuổi, có mấy thứ phụ nữ Lốc muốn thay đổi: 1, ngủ trước 1-2 gìơ sáng. 2, tắm trước 11 gìơ đêm. 3, cố gắng đọc dưới 10 quyển sách/năm, sách nói chung, không kể thể loại. 4, duy trì tập yoga, tuần 1 buổi hay thế nào thì thế, đừng bỏ bẵng tính bằng năm nữa... đại loại thế