Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

30.3.15

think about something stupid


Sói à, dì Lốc của con rất hay băn khoăn. Có một chú bạn của dì đã nói rằng, anh nào yêu dì khổ lắm, sướng thì sướng đó vì tâm hồn được phong phú, nhưng mà sẽ khổ banh xác, banh não vì dì suy nghĩ nhiều quá Biểu tượng cảm xúc cry
Đêm qua dì đọc một quyển sách, và dì lại bắt đầu băn khoăn về điều này, thực sự dì là ai, hay là cái gì Biểu tượng cảm xúc cry
Tự nhiên con người lâm vào cảnh đắm chìm trong suy nghĩ. Dì không nghĩ không xong, mà dì nghĩ thì dì sợ mình rồi cũng sẽ không chịu nổi mình nếu cứ suy nghĩ hoài thế này. Vậy là dì xem ảnh của con. Ngày nào bế con ngủ, con ngắn tun tủn nhìn như một khối tròn mà tới gần đây chân đã dài thoòng rùi, cái kiểu phải bế vác khi ngủ thì vẫn như xưa hihihi
Sói à, "con chim không có gì khác quả trứng mà từ đó nó đã đạp vỡ để chui ra...con chim là cách thức để một quả trứng trở thành những quả trứng khác"
Giờ này con đang ngủ bữa đệm nhỉ. Ngủ ngoan con yêu Biểu tượng cảm xúc kiss

26.3.15

Con trai ánh sáng


"Tôi chẳng biết gì về nguồn gốc của mình. Tôi sinh ra ở Paris, chẳng biết mẹ là ai, còn bố là người chụp ảnh các nữ diễn viên chính. Ít lâu trước khi qua đời, ông thổ lộ rằng tôi được sinh ra từ một nụ hôn điện ảnh"
Cuốn tiểu thuyết mỏng hơn 200 trang Những nụ hôn điện ảnh (Éric Fottorino) bắt nguồn từ một người cha Jean Hector luôn "điều chỉnh sự thật tùy theo khách ngồi ở băng ghế sau, như vậy ông biến lời nói dối thành một tuyệt kỹ, một cách để hít thở, để còn tồn tại đôi chút, để được giải thoát". Sinh ra từ một nụ hôn điện ảnh, luật sư Gilles Hector nhận được phần thừa kế duy nhất từ cha mình Jean Hector, một nhiếp ảnh gia trường quay chính là sự nhạy cảm với ánh sáng. Cuộc đời Gilles chỉ gồm toàn những người đi vắng. Một người mẹ thì đã từ muôn thủa vắng mặt và nay là người cha đã mất. Gilles thường xem đi xem lại những bộ phim trào lưu Làn Sóng Mới hòng mong tìm kiếm một khuôn mặt cho rằng mình giống nữ diễn viên ấy, nữ diễn viên ấy là mẹ mình vì anh không có nét giống cha.
Vào một ngày chỉ nhìn thấy toàn tổn thương: bố mất, anh gặp Mayliss người phụ nữ có vẻ đẹp buồn, hoang mang và (cũng) rất tổn thương, người phụ nữ hiện thân cho ánh sáng, cội nguồn và đích đến của ánh sáng. Ánh sáng. Thứ duy nhất mà anh thừa kế được từ cha mình: khả năng nhạy cảm với ánh sáng. Gilles lao vào tình yêu mang tên Mayliss có chồng, con không chỉ như chuyện yêu đương đơn thuần mà nó là mối quan hệ gợi ra khao khát yêu và gợi ra cái chết đôi khi đến cùng với nỗi khát khao kia. Anh như lục địa đơn độc mà không có gì có thể ngăn cản được sự trôi dạt.
Vấn đề trong cuộc sống, ai cũng có cái lý của mình, cái lý của Gilles là ý nghĩa sâu kín cuộc đời này anh không ngừng tìm kiếm một người mẹ đã biệt tích, anh tìm hình bóng mẹ trong các thước phim, trong những bức hình cha anh chụp đen trắng hay xử lý ánh sáng, trong hình bóng người tình Mayliss, người khiến anh trở thành kẻ nghiện chất mang tên Mayliss...anh luôn không ngừng tìm kiếm, ngay cả đến ngày tình yêu Mayliss mang "một khuôn mặt tình yêu khác, mặt sau trái tim em, mặt nghịch tình yêu" thì anh vẫn tìm kiếm
như thể, người mẹ mà anh chưa từng biết kia là tác nhân, lý do thôi thúc, giục anh sống, trong ánh sáng những khuôn mặt, những bức hình, trong bóng tối của quá khứ, ký ức
Tôi thường nói, tôi thích cái đẹp đi liền với buồn bã. Là thế đấy.

25.3.15

Bước vào thế giới tĩnh mịch


Câu chuyện 7 năm bóng tối được Jeong You Jeong viết như thể tác giả giăng màn sương đậm đặc mù mịt xuống ngôi làng, con đập, trường tiểu học...Se Ryung vậy.
Choi Seo Won cậu bé 12 tuổi là kết quả cuộc hôn nhân chóng vội của Choi Hyun Soo-cầu thủ bóng chày giải nghệ, uống rượu triền miên và Kang Eun Joo-một người phụ nữ là nỗi chịu đựng với hầu hết đàn ông (ngay cả phụ nữ cũng khó lòng ưa nổi Eun Joo, có cần tỏ ra thô lỗ, gàn dở thế này không)
Oh Se Ryung cô bé 12 tuổi cũng là kết quả cuộc hôn nhân bất hạnh của Oh Young Je-nha sĩ thích dùng bạo lực để "điều chỉnh" vợ con, con trai của địa chủ sở hữu con đường hàng trăm dặm dọc theo sông Se Ryung (cô bé được đặt theo địa danh Se Ryung này) và Moon Ha Young-người phụ nữ luôn bị đeo cái bóng sợ hãi sau lưng kể từ khi bước vào hôn nhân
Hai đứa trẻ 12 tuổi này chưa từng gặp nhau song cảm nhận sâu sắc từ phía Seo Won khiến cậu bé như nhìn thấy cô bé Se Ryung đã chết kia hàng ngày, gần gũi, thân thiết và thấu hiểu cô bé trọn vẹn. Nhưng bố của Seo Won lại là người gây nên cái chết của bé gái Se Ryung, dù không thể khẳng định, việc cô bé sống với ông bố bạo lực kia và việc bị xe đâm, bị bẻ gãy cổ, vứt xác xuống sông thì đâu là điều may mắn hơn . Chính từ sự kiện Se Ryung mất tích, rồi được tìm thấy xác, trải qua rất nhiều móc xích, sâu chuỗi lập luận mà bố của Se Ryung-Young Je đã vạch ra kế hoạch trả thù, không chỉ nhằm vào Hyun Soo mà vào cả gia đình anh, đặc biệt là cậu con trai Seo Won-người được coi như trái bóng cuối cùng cần được bảo vệ của Hyun Soo.
Từ đây mở ra 7 năm u tối của cả hai bố con. Hyun Soo mang án vặn cổ sát hại đứa bé gái 12 tuổi, dùng dùi cui đánh chết bố đứa bé, giết vợ quăng xác xuống sông, mở cửa đập nước nhấn chìm 4 cơ sở và một nửa số dân của làng. Còn cậu bé Seo Won sống trong cảnh "con trai của kẻ sát nhân", họ hàng ruồng bỏ, chưa tới 7 năm mà chuyển trường trên dưới 20 lần, đặc biệt luôn đeo trên lưng mặc cảm mạng sống của mình được đánh đổi bằng nửa số dân làng. 7 năm đó còn là 7 năm bóng tối u buồn, tĩnh mịch phủ xuống quan hệ cha con của hai người. Hyun Soo mong muốn con trai sẽ không trở thành người như mình: giết chính mình, giết người, rồi trở thành quái vật, anh đã làm hết sức để dẹp bỏ bóng tối bám theo, phủ bóng lên Seo Won
Câu chuyện trinh thám này được viết theo lối tiểu thuyết trong tiểu thuyết, lập luận, tư duy, tình tiết được nhìn từ nhiều góc, nhiều nhân vật mà phần lớn các nhân vật đều là những con người chứa hiểm họa nội tại theo các cách khác nhau. Việc ai là hung thủ thì không có điểm cộng thu hút vì mọi sự đã rất rõ ràng, không hề lắt léo nhưng người đọc vẫn sẵn sàng đi hết gần 600 trang sách chỉ để được suy nghĩ về việc tại sao họ lại làm như thế. Có một luận điểm tâm lý khẳng định rằng, mọi hành vi của con người đều có căn cứ, lập luận chắc chắn trước khi nó được thực hiện, vấn đề là, chúng ta có tìm ra hay hiểu được căn cứ hành vi đấy của mình hay của người khác hay không. Điều này có thể nói là cơ sở cho nhân vật Ahn Seung Hwan-người chú cùng đội bảo vệ với bố của Seo Won, cũng là người sống cùng phòng với cậu bé, áp dụng triệt để và hết sức tĩnh tại quan sát toàn bộ những người xung quanh, giống như anh ta muốn đi đến chương kết của tiểu thuyết vậy. Nhân vật này là điểm sáng chói, được xem như cái tâm để các nhân vật khác, cũng như người đọc choãi chân tìm hiểu toàn bộ câu chuyện u tối này, đây là hình tượng nhân vật đặc biệt thu hút với những thói quen ghi chép, đánh dấu các suy nghĩ, đam mê thám hiểm..
Và đặc biệt là khả năng bước chân vào thế giới tĩnh mịch của người khác lặng lẽ bền bỉ như một chuyến lặn sâu khám phá ngôi làng bị nhấn chìm dưới nước. Một người tự do ý chí bình thản và lạ lùng 

ps: hình ảnh được chụp lúc gần 0h đêm, Lốc thèm cơm nóng ăn với muối vừng đen nên lại lục tục xuống tầng 1 cắm 1/2 ống bơ gạo 

19.3.15

Nụ cười trong đêm không ngủ



Rất thường xuyên trong những đêm không ngủ, vừa tắt đèn đọc sách, tôi nghĩ về câu hỏi: có còn không, idea nào nữa mà các tiểu thuyết gia không chạm đến.
Thật kỳ diệu, nhỉ wink emoticon
Nhưng không nhất định phải là các ý tưởng, tư duy văn học chồng chồng lớp lớp hay ngoắt ngoéo tréo ngoe...Nó chỉ rất đơn giản như Ngày đẹp trời để cô đơn (Aoyama Nanae) cũng cho ta cảm giác rồi mọi thứ sẽ ổn, sẽ đến sẽ đi sẽ tới sẽ về. Rằng mọi sự sẽ có thời điểm của nó, chuyện sẽ đi con đường của nó, sẽ có thời khắc triều dâng. Rồi tất cả đều là chuyện thường ở cõi tạm này.
Chizu 20 tuổi chuyển đến sống với bà lão Ginko hơn 70 tuổi, một bà lão cô đơn mà vô cùng ấm áp. Căn nhà của bà có một phòng treo kín các tấm ảnh mèo màu sắc, đen trắng...và tất cả các chú mèo đó đều tên Cherokee-tên của chú mèo đầu tiên bà Ginko nuôi vì bà không thể nhớ hết tên của chúng. Cô gái 20 tuổi Chizu đầy mâu thuẫn với tuổi thơ như không có bố, tự cảm thấy mình đáng thương, muốn trở nên hư hỏng để phản kháng mọi thứ xung quanh nhưng vì không biết phải hư hỏng thế nào nên đành từ bỏ khao khát được hư wink emoticon, luôn muốn được gần gũi nhưng lại giữ khoảng cách với mọi người, muốn được sống tự lập nhưng luôn lo sợ liệu mình có sống ổn được không...cô ấy là điển hình của một thứ cảm giác trôi dạt tuổi trẻ.
Cuốn tiểu thuyết mỏng này gồm 5 chương: Mùa xuân, Mùa hạ, Mùa thu, Mùa đông và Đón xuân tuần tự như thời gian đời người Xuân, Hạ, Thu, Đông, rồi lại Xuân (mượn tên phim tí), cuộc sống với việc chia tay một người, kiếm công việc, gần gũi với một người và rồi lại xa, những thay đổi nho nhỏ theo ngày tháng, những cảm nhận mới, những lắng nghe xôn xao đời...khiến con người lớn lên, trưởng thành. Rồi tất cả sẽ lại bình thường, phải không tongue emoticon. Chúng ta bị ném vào cuộc đời và chúng ta phải sống cho đến ngày phân rã, nổ tung thành triệu triệu bụi cacbon bám lại trên trái đất chờ đợi để được cấu thành một hình hài sống khác smile emoticon
Thật, tôi luôn cố gắng sống thật, sống tốt nhất, vui vẻ nhất, đối đãi với bản thân được nhất, vì tôi hy vọng cuộc đời có ý nghĩa nào đó colonthree emoticon
ps: thêm một hình ảnh già nua sống giữa đảo mều wink emoticon tongue emoticon
-----------------
1, Hồi thiếu niên ấy, tôi luôn có cảm giác giống cô gái Chizu này, tức là tôi thấy tuổi trẻ thật mệt mỏi, cái cảm giác muốn với tay tới mọi thứ, mọi giới hạn...chính những suy nghĩ, khát vọng ấy khiến tôi mệt muốn ngất. Thường xuyên nghĩ tại làm sao mà cứ phải sống chứ, làm sao mà sống lại mệt mỏi cỡ thế này, tại sao không thấy ai kêu ca gì, mọi người làm thế nào chịu đựng được cuộc sống này...nhiều khi tôi phát điên với chính mình chỉ vì không chịu nổi mình thôi, thậm chí đến tận bây giờ, quá mệt mỏi với mọi trách nhiệm tôi từng thốt lên với ông bố: con mong sao con phóng vèo phát đến tuổi 50-60 như bố để được nghỉ ngơi. Hôm qua đọc quyển sách mỏng này, đến đoạn đối thoại giữa Chizu và bà Ginko, họ hỏi nhau có muốn đi xuyên thời gian để bắt kịp tuổi già không? Tôi đang ở cái cữ sắp bập vào tuổi đầu băm, không thể nói là chưa hề cảm nhận nhưng cũng chưa ai từng nói rõ, zí đầu tôi vào chỉ cho tôi biết rằng, tuổi trẻ dù mệt mỏi với khát vọng với tay tới mọi thứ nhưng vẫn khá khẩm hơn rất nhiều tuổi già khi thấy bất lực, thứ muốn với tay đến để lấy càng ngày càng ít đi cry emoticon
2, hề hề, còn cái vụ chôm chỉa đồ nhỏ nhỏ của người khác và lấy làm thích thú, làm bộ sưu tập của riêng mình í, ờ thì nói chung, nó là cố tật rồi. Mọi vật dù nhỏ tiu tiu, tôi cũng luôn cho rằng chúng có linh hồn của chúng đó chớ, và vì khi mất đồ, mọi người còn chả từng hay biết có đồ vật đó ở bên mình, thì thôi vậy, chúng về ở với tôi có phải tốt hơn hem pacman emoticon

9.3.15

Giải phẫu căn bệnh thất tình - thế giới là Istanbul khi tôi có em


(It's true. I was made for you)

Bảo tàng ngây thơ (Orhan Pamuk) không gì chính xác hơn là biểu đồ giải phẫu căn bệnh thất tình. Kemal hủy bỏ hôn ước để tiếp tục mối tình chớm nở gần 2 tháng với cô em họ xa Fusun. Ngay sau lễ đính hôn, Fusun biến mất, đã mở ra cho Kemal một năm dài triển vọng về nỗi đau khổ không có hồi kết, cảm giác cô đơn như một con chó nhỏ bị đưa vào tàu phóng lên vũ trụ xa xăm. Bắt đầu từ đó cuốn tiểu thuyết gần 500 trang chứa tới hơn 300 trang sách thất tình, đeo đẳng suốt 9 năm gần như đến phi lý, khó chấp nhận: 1 năm không tìm thấy em và 8 năm đến ăn cơm cùng gia đình em 4 bữa/tuần khi em đã có chồng, Kemal miệt mài sưu tập các đồ vật níu giữ thời gian gắn với Fusun-tình yêu sầu muộn của anh, chiếc cốc nàng uống nước, thước kẻ học toán của nàng, đầu lọc thuốc lá nàng hút, vỏ chai nước nàng uống, cặp tóc của nàng, lọ muối tay nàng cầm vào, bộ bài có mùi thơm tay nàng... và lập nên Bảo tàng ngây thơ. Sức mạnh của các đồ vật phụ thuộc vào trí tưởng tượng và năng lực hồi tưởng của Kemal, ít nhất cũng bằng những kỉ niệm gắn với nó, tình yêu của Kemal với Fusun dần dần lan sang toàn bộ thế giới của người đọc, sang tất cả những sự việc, đồ vật có liên quan đến quãng đời nào đó. Nó nhắc ta nhớ đến những quãng thời gian yêu đương đằng đẵng khốn khổ khốn nạn đã từng kinh qua trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc trong đau khổ. Không cần quá già để mất ngủ vì đau đớn, dần dần nỗi đau thất tình sẽ quen với việc nằm đếm sao trời chờ lúc đêm tàn. Nằm nhìn ngôi sao sáng nhất và thầm nhủ thân yêu đang dõi theo mình và đặc biệt cảm thấy mình không còn cô đơn nữa, khi nghĩ ngôi sao duy nhất kia chính là thân yêu. Những cơn đau dạ dày quặn lên khi nỗi nhớ không biết ở đâu tìm đến ta. Những giờ phút đi về nơi chốn cũ như một triệu chứng bệnh mãn tính để tìm kiếm một cảm giác dễ chịu. Những ảo giác mơ màng nhìn thấy người ta yêu gần như ở mọi nơi mọi lúc, thậm chí giọng nói thân yêu ấy ngọt ngào bên tai...khi ấy ta cũng hiểu như Kemal rằng: không có tình yêu sầu muộn kia thì thế giới không còn đủ hấp dẫn, đủ vui vẻ.
"1, Khi ở xa Fusun, thế giới đối với tôi hỗn độn như các mảnh lộn xộn của một bộ đồ chơi xếp hình, nhưng vừa nhìn thấy em là tôi cảm thấy mọi thứ trở về đúng chỗ đâu vào đấy, thấy thế giới thật tuyệt vời và đầy ý vị.
2, Mỗi lần tôi đến nhà em và chúng tôi nhìn nhau: một cảm giác khải hoàn, vì bất chấp mọi yếu tố hủy hoại niềm hy vọng và bất chấp lòng tự trọng, tôi đã lại có mặt; và trong đa số lần, trong mắt em tôi cũng thấy vẻ hạnh phúc tương tự, hay ít ra là tôi tin như thế. Tôi cảm thấy quyết tâm và sự kiên nhẫn của tôi đã tác động tới em, và tôi tin cuộc đời tôi tốt đẹp"

Cuộc sống cũng như tình yêu đều giống đi ra từ giấc mơ, trôi qua rất nhanh trong mờ ảo, lúc nào cũng là cảm giác tuột khỏi tay mong manh như sương như khói. Nhưng rồi giấc mơ vẫn tự đến, chúng ta cũng vẫn mơ, và muốn cả vũ trụ biết rằng "tôi đã sống một cuộc đời hạnh phúc". 
Đơn giản hơn, tôi đã biết tình yêu thực sự, không ở việc yêu như thế nào, mà tình yêu đã làm tôi cảm nhận ra sao. Về ánh nắng một sáng mùa hè. Về sự kỳ diệu của một giấc ngủ sâu. Về mùi của không khí. Về màu của buổi ban ngày. Về việc không biết phải làm gì vào mùa thu-một kiểu thời tiết mix đáng ghét hay những ngày xuân ảo não mưa lây phây hàng tuần. Về âm thanh của một đêm vắng. Về tất cả thế giới quanh tôi...được thay bằng một người.
"Người ta gọi tình yêu là tình cảm mà Kamel cảm nhận khi nhìn thấy Fusun đi trên đường, trên vỉa hè, trong nhà, trong các khu vườn, các căn phòng, khi nàng ngồi bên bàn trong các tiệm trà, nhà hàng và bên bàn ăn"
Tôi không thích văn Orhan Pamuk vì cái Nobel văn chương 2006 (I'm not fucking excited) mà chính bởi văn ông đặc biệt hay khi viết về hồi ức, về Istanbul, về ký ức những buổi chiều, những đêm trông xa là con tàu trên sông...nên có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông tôi thích (sau 3 tiểu thuyết đã đọc trước đó có mặt ở VN), nó rất dễ khiến ta xúc động khi nói tỉ mỉ, chính xác về bản chất của sự lãng mạn, về tình yêu dai dẳng đến phi lý (ờ, cũng đậm mùi ký ức), dù thừa biết rằng cuộc đời là chồng chất phi lý 
Tôi nhất định xem đây là cuốn tiểu thuyết lãng mạn, bàn về nền tảng của thế giới là tình yêu, không thêm bất cứ góc nhìn nào khác. 
Đọc sách và yêu đê.

4.3.15

Nhát rìu bổ xuống bộ khung cuộc đời

Cánh cửa (Szabó Magda) là câu chuyện về mối quan hệ của chính nhà văn (rất nhiều sự kiện có thật trong văn nghiệp của Szabó Magda xuất hiện) và người đàn bà Emerenc (gần như) là người quản lý cho một khu nhà, bà quét dọn đường phố, trông nom, nấu nướng, dọn dẹp cho gia đình văn sĩ Szabó Magda... Mối quan hệ này, tại sao lại vượt thoát mọi thu hút thông thường của độc giả khi đọc một tiểu thuyết; nó không phải tình yêu đôi lứa, không phải một câu chuyện dòng họ, không phải chiến tranh, không chính trị, không rất nhiều thứ không... Nó chỉ là câu chuyện về mối quan hệ giữa hai người đàn bà, xét về tuổi tác thì như hai mẹ con một nhà văn nhạy cảm vì mang trong mình hạn mức chịu đựng nỗi đau gấp đôi, nỗi đau tình và nỗi đau trang sách. Một Emerenc co cụm, khép kín, xa cách đến cực độ; nước mắt, tiếng cười đều không phải thế giới của bà, đơn giản vì bà là mặt hồ lặng sóng, mà vốn dĩ, điều gì càng đơn giản thì càng khó cảm nhận. sự nhạy cảm của một nhà văn ở bên này cánh cửa với sự bình thản của Emerenc ở bên kia - người quan tâm tới những thứ đổ nát, tàn phế, người giữ gìn sự cô đơn và sự khốn khổ đến bất lực, người mà chứa trong mình triệu chứng đóng kín cửa, từ chối thế giới để lang thang đau đớn trong mê lộ thế giới tình cảm của riêng mình. Chính thế mà mối quan hệ của họ tưởng như đời thường lại trở nên quái dị. khi người đọc bắt đầu nhận ra tính chất vượt thoát, băng qua cái bình thường, tầm thường của quan hệ này cũng là lúc nhận ra, thật ra văn chương của Szabó Magda là gì chứ, là cái quỷ dị bà với tới tận ngóc ngách tâm lý con người, và bà cứ đào mãi tới cùng, cái quỷ dị này ập đến qua mỗi chương như một phần triệu triệu của một giây mà kẽ nhỏ thời gian có thể chui qua. Szabó Magda viết về Emerenc như thể trong một cuộc đời duy nhất ấy có thể dồn nén biết bao nhiêu cuộc đời. Emerenc chấp nhận cuộc đời như nó vốn có nhưng nếu cuộc đời có thể ghi lại vào một cuộn băng, bà muốn nó dừng một giây ở chỗ bà muốn. Sức dồn nén ấy là vô hạn, tới mức độ làm cho người đọc, thậm chí chính bà văn sĩ tin vào Emerenc, sức mạnh của Emerenc không chỉ thể hiện ở lệnh cấm vào căn nhà cửa đóng mà còn có hiệu lực với tất cả. Với cả cái chết. cho đến ngày chiếc rìu bổ vào cánh cửa (trang 207) thì Emerenc, người đàn bà hiện sinh quái đản đã bổ nhát rìu vào bộ khung của cuộc đời Szabó Magda sau cánh cửa gìn giữ sự cô đơn là 9 chú mèo, là chú bò Viola trên sân ga, trên con phố trong hình hài một chú chó Viola. Một cuộc đời dồn nén biết bao nhiêu cuộc đời và hạnh phúc trong cô đơn. Cánh cửa gìn giữ sự cô đơn ấy chỉ mở ra một lần, với duy nhất một người-bà văn sĩ, và dường như nó không như ý của hai người họ. Sự cô đơn cùng cực chỉ có thể được nói với một quạnh quẽ ít nhất là ngang với nó mà thôi, nếu không phải cái tương thích thì nó sẽ như bà văn sĩ, tưởng rằng mở cánh cửa là cứu Emerenc khỏi cái chết, mà không phải, đó là cánh cửa mở ra sự chết, một việc không thể thay đổi được. ps: Tôi chỉ muốn nói rằng tôi lâm vào cảnh sến rền rệt, đọc đến dòng cuối cùng, tôi liền mở lại những trang đầu như đi trọn một vòng tròn có đè thêm nét ở đường vòng đầu tiên. Rồi mới an tâm đóng sách, như là, tôi tha thứ cho bà nhà văn, tôi đang cố hiểu cả hai người họ vì họ làm tôi bị đâm bởi một lưỡi dao sắc, tôi chưa thể biết mình ngay lúc này, tôi thơm vào bìa sách, hình một người đàn bà mang khăn trên đầu (bà ấy trong truyện còn vận trang phục như giả trang nữa). Khuôn mặt bà là cánh cửa không để lộ gì. Sự lặng câm rốt cuộc, số phận kẻ cô đơn già cỗi chỉ có thể sống ở hòn đảo mèo. Đôi khi đọc đâu đó, đi đâu đó bắt gặp hình ảnh một bà lão với bầy mèo, chó; có thể, khi ấy Emerenc với tôi mờ đi hình tượng có tính duy nhất, cũng có thể, hiển hiện ập đến