Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

25.8.24

hiệp sĩ




Rafael Sabatini được coi là hiệp sĩ cuối cùng của dòng tiểu thuyết "áo choàng và thanh kiếm", trước đó tất nhiên, với tôi là Walter Scott và Alexandre Dumas rồi. Ba tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Sabatini là Chim Ó Biển, Scaramouche - Kiếm sĩ không trái tim, The Black Swan [không biết đã được dịch chưa]; còn một tiểu thuyết độc giả vn đã quá quen là Thuyền trưởng Blood, thì tôi lại chưa đọc :), có thể vì mơ ước từ bé của tôi là được làm cướp biển chứ không phải thuyền trưởng, nên tôi đã chọn đọc Chim Ó Biển mà bỏ qua Thuyền trưởng Blood rất nhiều người đã đọc [một chủ đề quen thuộc của tiểu thuyết: trả giá cho mơ ước; thế nên, phải cẩn thận với những mơ ước điên rồ của mình ha ha ha]


không được như Scott hay Dumas, được đọc nhiều và rộng rãi ngay cả ở thời nay, có lẽ vì ngòi bút của Sabatini thiếu sự sắc sảo [có thể cũng bởi, khi Sabatini bắt đầu với thể loại này, nó đã đi vào hoàng hôn], các kết chuyện thường thường không để lại dấu ấn. Mở đầu và kết cục luôn quan trọng và thường cùng chuyển động, khúc giữa chỉ là hưởng sái của mở màn và là cái phải có để người ta đi đến cuối một câu chuyện mà không để lại ấn tượng mạnh như mở màn và kết cục

[...]


quyển đỏ đọc 9 năm trước, quyển xanh đọc 7 năm trước. Hai quyển sẽ nằm trong số 19 cân sách gả vào Saigon :). Quyển xanh là phần thưởng của một người, cho lòng dũng cảm [tinh thần hiệp sĩ chưa], thành thật, tôn trọng cuộc chơi vì đã dám thú tội cho quả trượt tay chốt đơn sách trong 1 tuần độ không được mua sách


quái dị bình thường



bảy bảy bốn chín - câu chuyện kể không có chi tiết đắt giá hay giọng văn đặc biệt; các tình tiết đều có thể từng gặp đâu đó, nghe đâu đó trong đời sống, được kể lồng vào 2 phần chương đan xen: tuần và năm, tuần thứ nhất đến tuần thứ bảy đan xen cùng năm thứ nhất đến năm thứ bảy, ứng với 7 tuần sau khi người vợ mất, ứng với 7 năm 2 con người trong mối quan hệ hôn nhân, nhìn thấy mình và đối phương thay đổi như một điểm toạ độ và hai toạ độ tương tác trong hệ trục cuộc đời


đời đơn giản, cuộc đời nhiêu khê. Một câu chuyện chỉ thuần tuý viết về tất cả những chi tiết đời sống thường gặp, không chừa chi tiết nào không. Vậy mà khi gặp tất cả nó trong trang sách không khỏi làm ta nghĩ chúng thật quái dị, không khác gì một câu chuyện kinh dị mà các tiểu thuyết gia dựng nên cho ta. Một nghịch đảo vòng khiến ta băn khoăn trong cái nhìn ở giữa, giữa trang sách và đời thực 


24.8.24

Mata Hari




trong khoảng 10 - 12 năm trở lại đây là không hề có ý định đọc Paulo Coelho; quyển sách đáng đã được gửi đi mấy hôm trước, nhưng nó trốn kỹ quá; thế nên thôi lại sờ mó vào một tí, khi mở ra nhìn thấy "dựa trên những sự kiện có thật" và lại về Mata Hari - một vũ nữ thoát y từng bị nhìn nhận là điệp viên hai mang [và trở thành motif đại chúng: những người đàn bà đẹp, dùng sắc đẹp quyến rũ, điều khiển người khác nhằm moi tin tức etc.] nên lại mở sách ra đọc, vì nó cũng mỏng, độ dày chắc chưa đến 200 trang, chưa kể ảnh iếc rồi chữ in to in nhỏ...


nhưng mà quá tiếc thời gian. Paulo Coelho chọn nhân vật và định dạng tiểu thuyết viết về một người nổi tiếng dựa trên những sự kiện có thật, nhưng viết hổ lốn cải mả, vụn vặt và không phương hướng. Khi đã nhắm đến những con người và sự kiện có thật, ngoài khả năng sục sạo tài liệu, viết khoẻ viết tốt thì còn phải có can đảm không có gì không dám viết, chưa nói đến việc kiên định với con mắt nhìn của mình vào mục tiêu và cái mình muốn thực sự nhắm tới


mà tất cả điều này thì Coelho luôn yếu. Văn Coelho là văn để đọc cho vui, để biết thế giới đọc gì, một nhà văn được dịch ra nhiều ngôn ngữ thì viết thế nào [kiểu sứ giả hoà bình của Liên Hiệp Quốc đấy]. Chỉ thế thôi. Thôi chào bái biệt Paulo Coelho 🙂



17.8.24

vô thần




đấy là lần đầu tiên tôi gợi ý bố mẹ tôi không đốt vàng mã nữa; lý do tôi nói chỉ là ý nghĩ của tôi: con thấy nó vô nghĩa về logic, nếu đã siêu thoát đã đầu thai đã sống một đời sống khác thì mình đốt vàng gửi các cụ là gửi ai gửi làm gì gửi gì mới được; còn nếu mình nghĩ ok các cụ tổ tiên đã làm điều ấy và mình cũng làm điều ấy như một thói quen hay mình thích mình thích thì mình làm, thì ok, mình làm điều mình thích mình làm điều muốn làm, vậy sao mình lại kêu ca lại thấy phiên hà; hay là mình hoàn toàn có thể lựa chọn không làm vì mình có quyền lựa chọn làm hay không làm mà, chứ không phải mình biết là mình không có lựa chọn


và đang là năm thứ 6-7 gì đấy nhà tôi không còn hoá một tí đồ mã nào nữa; những lần đầu tiên, bố mẹ tôi hỏi tôi: thấy thiếu thiếu cái gì, hay là đi mua 1-2 bộ, 1-2 đinh tiền về thôi; tôi bảo tuỳ bố mẹ, chứ con là quan điểm như thế, con báo trước để nếu bố mẹ mai mốt già mất, muốn con duy trì thì vì nghe lời đấng sinh thành con sẽ duy trì, nhưng nhớ dặn con, chứ để con tự quyết thì con không hoá đâu


hôm nay chị hàng xóm sang nói chuyện là năm nay chị định bỏ đốt vàng hương rồi, nhưng làm mâm cỗ chay thắp hương rằm tháng 7, lên mâm xong thấy trống tuềnh trống toàng không quen, thế là lại chạy đi mua về đủ như mọi năm 


quyển sách trong ảnh trình bày quan điểm của Richard Dawkins, cách tiếp cận vấn đề và lý giải của riêng ông về một khoảng trống cần thiết theo hướng là một người vô thần là lựa chọn nhận thức. Tôi nghĩ, xã hội sẽ luôn tồn tại những cá nhân vô thần, có thể cho vô thần là nguyện vọng thực tế, có phần can đảm, còn tốt đẹp hay không thì [tôi nghĩ God biết], một người vô thần mãn nguyện về tinh thần, cân bằng, tử tế [tôi sợ dùng từ đạo đức]; một người không tin vào God [hay những Đấng tối cao nào] nhưng vẫn có những cảm nhận tôn giáo sâu sắc, kính ngưỡng giáo lý và là một người tâm linh biết cái thiêng cái phàm và sống với những khoảng trống cần thiết giữa chúng


The God Delusion được Richard Dawkins đề tưởng nhớ Douglas Adams - người đã viết một series tiểu thuyết khoa học giả tưởng viễn tưởng, đã được dịch ở vn nhưng tôi theo có 2 tập thấy không thích theo nữa nên tôi bỏ ngang; điều đó cho thấy một điều, Richard Dawkins là người điển hình của nhà khoa học cho rằng một khu vườn đẹp để ngắm nhìn kính ngưỡng là quá đủ, sao cần phải tin rằng có thánh thần ở trong đó; đúng là một nhà tập tính học và sinh học tiến hoá 

tôi hay tự nhận mình là người vô thần vô đạo [kẻ vô đạo], có thể xem là kẻ sùng đạo vô tín ngưỡng tin cái tôi tin, thực hành cái tôn tin và thực hành như một trường phái của riêng tôi, đọc quyển sách này như tôi nghe một người trình bày quan điểm vô thần của họ và cái nhìn về một xã hội vô thần. Tôn giáo và tâm linh với tôi trước giờ luôn ở khoảng cách chưa bao giờ gần nhau; tôi giữ những cái tôi tin và không tin cho mình; mọi người cũng nên vậy; hoàn toàn có thể sống mà tin hay không tin bất cứ gì, với tôi đấy không phải nâng cao nhận thức hay khai phóng hay những cái gì to tát lifestyle, đấy chỉ là quyền con người thôi, tự do. Ý nghĩ chỉ có một Chúa nhân xưng với tôi xa lạ, thậm chí ngây thơ; tin hay không tin, theo đạo hay vô thần không liên quan gì đến mở rộng giới hạn nhận thức, hiểu biết; nếu thực sự có cái gọi là mở rộng giới hạn thì thực ra người ta phải nghĩ đến không tồn tại giới hạn, như vũ trụ đây 

 


quyển sách mai gửi đi ven đô; tôi bị cái bệnh, sách không phải của mình, nhưng đã vào nhà là tôi phải đọc trước khi rời nó trao vào tay người khác; lời nguyền của biết đọc và sợ tái mù chữ, sợ mình đã lãng phí gì đó mình từng có trong tay mà không hay biết; kiếp trước tôi có quên gì đó rất quan trọng không mà 6 tháng trở lại đây tôi luôn nằm mơ mình đã quên một điều gì cốt tử, đã không làm đã để lỡ điều mà mình đã rất tâm tư trông chờ cùng công sức giữ gìn gây dựng, tỉnh dậy giữa đêm tôi luôn tiếc nuối vì đã quên đã lỡ đã làm hỏng làm sai "đã mất mát" "đã hỏng", cho đến khi thực sự từ giấc mơ trở về thực tại, tôi mới hay tôi còn chẳng nhớ được, chẳng biết là mình quên gì tiếc nuối gì, thậm chí còn chẳng còn có lại được cảm giác vuột mất điều mong chờ; chỉ là một cảm giác khó ở còn vương lại và luôn tự hỏi mình chắc chắn đã quên gì đó ở tại thời đoạn này của con người tên nguyễn thanh tú, linh cảm sâu xa báo với mình như thế, nhưng là điều gì thì nguyễn thanh tú quá thực để không hay biết 


ps. là người vô đủ thứ, tôi đang ở ngày thứ 37 trong 50 ngày uống thuốc, tôi tự kê đơn và tự nhất định không dừng thuốc dù cơ thể ổn được mục đích tôi muốn ổn và không ổn cái nó đã không ổn từ 3 tuần nay do thuốc; hôm nay lần đầu trong đời được trải nghiệm cảm giác không đi vệ sinh được vì sợ đau; tôi nghĩ không biết những người có đạo, có khi nào không đi vệ sinh được như mình, họ cầu nguyện Đấng của họ không nhỉ; nghĩ tới đây tôi tự thấy mình có ý nghĩ bất kính với Đấng đáng kính của người khác, nhất là đang ngồi toilet chứ sorry 


15.8.24

người phụ nữ mẹ




quyển sách đọc lâu rồi, mãi gần đây vô tình mới biết tác giả Shin Kyung Sook là nữ nhà văn châu Á đầu tiên thắng giải The Man Asian Literary - giải thưởng cho tiểu thuyết hay nhất viết bằng tiếng Anh hoặc dịch sang tiếng Anh của nhà văn châu Á, và Shin Kyung Sook thắng giải với Please look after mom [tôi biết tin này vô tình do bạn gửi cho bài báo độ mấy năm trước đưa tin Shin Kyung Sook bị văn đàn Hàn tố đạo văn. Hãy chăm sóc mẹ giành giải thưởng người ta gọi là Man booker châu Á; hình như Man Group đã dừng tài trợ giải thưởng này ở châu Á sau vài năm, sự việc ấy cũng chừng 10 năm rồi, không biết giờ có nhà tài trợ hay quỹ nào không]


cả chiều dài câu chuyện, không xuất hiện câu Please look after mom - Hãy chăm sóc mẹ, nó chỉ xuất hiện khi câu chuyện khép lại, ngay sau nó là dấu chấm hết tiểu thuyết, khi nhân vật nhà văn trong truyện sau 9-10 tháng cùng cả gia đình không tìm được mẹ của mình đi lạc ở ga tàu Seoul, cô ấy đi du lịch và ngắm bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Chính lúc ấy, cô ấy nói câu cuối cùng khép lại tiểu thuyết: hãy chăm sóc mẹ


người ta thường biết những tiểu thuyết thế này sẽ kể câu chuyện gì, tôi nghĩ rất nhiều người đọc tiểu thuyết sẽ biết nó kể chuyện gì, thậm chí kể như thế nào dù không phải nhà văn; vậy hãy nói chi tiết khiến mình nhớ nhất về quyển sách đã đọc sau 13-14 năm gặp lại


đó là chi tiết nhân vật nhà văn nhớ lại, lúc này mẹ cô đã đi lạc nhiều ngày mà không có tung tích, cô nhớ lại một buổi chiều trở về nhà không báo trước, mẹ cô không kịp làm căn nhà trở nên sạch sẽ tươm tất như mọi khi được con cái báo trước sẽ về nhà; và cô được chứng kiến nhà cửa tuềnh toàng còn mẹ thì đau đầu đang nằm co mình như bất tỉnh, không thể khóc nổi vì đau, sau đó khi bà đã đỡ hơn, mẹ và con gái nói chuyện, không biết vì lẽ gì cô kể với mẹ rằng ở tư cách nhà văn, cô được mời đi nói chuyện với những người khiếm thị về quyển sách của mình được làm phiên bản chữ nổi và đó là cảm giác ngôn ngữ hạn hẹp bất lực, không ngôn ngữ nào nói được khi cô đứng trước hàng trăm người "không nhìn được", cô tự hỏi mình biết nhìn đi đâu khi nói [tôi nghĩ, tại sao không chọn nhắm mắt để nói chuyện với những người không nhìn được hay là, ta biến mình thành đôi mắt của họ, chẳng phải một người khiếm thị đọc tiểu thuyết của cô và đã hỏi cô về đất nước và chuyến tàu cô đi trong tiểu thuyết của cô hay sao]


đó là chi tiết khi cầm tờ rơi tìm mẹ đi in ở hiệu in photocopy, người đàn ông chủ hiệu mặc một bộ quần áo sờn và chất vải lạ ít gặp. Cô nhà văn vô tình nhận xét về bộ quần áo, người chủ hiệu nói với cô rằng mình bị dị ứng sợi vải, chỉ duy nhất loại vải mình đang mặc là không gây dị ứng, thế nên mẹ của ông đã tự khâu may cho ông những bộ quần áo như bộ đang mặc bằng loại vải đó, và khi mẹ ông mất, mở tủ quần áo của mình ra, ông nhận ra chỗ quần áo này đủ cho mình mặc tới tận cuối đời và bộ ông đang mặc chính là như thế. Nói đến đây cô nhà văn bất giác nhớ đến em gái nói chuyện với mình rằng, khi có chồng và 3 đứa con, cô ấy gần như căm ghét cái bếp căn nhà đang ở, chuyện nấu nướng dọn dẹp khiến cô ấy không hạnh phúc, thậm chí đã đập và ném đồ vật để giải toả, lúc ấy cô nghĩ đến mẹ mình - người phụ nữ cả đời phục vụ con cái ăn uống bếp núc, lại kiêm luôn trụ cột kinh tế gia đình làm lụng nuôi 4 đứa con, vậy mẹ chúng ta có hạnh phúc khi làm điều ấy không [bà mẹ nói, mẹ không tự hỏi mẹ có hạnh phúc hay không, mẹ bận bịu và mẹ làm việc mẹ phải làm thôi, có hôm mẹ đã đi ra sau nhà đập vỡ nắp chum đấy]; cô nhà văn nghĩ vậy và hỏi ông chủ hiệu rằng: ông có nghĩ rằng mẹ ông là người hạnh phúc không; chính ở đây Shin Kyung Sook ghi điểm với tôi, ông chủ hiệu nói rất lịch sự nhưng vẻ mặt thể hiện rằng, lời của cô là bất kính với người mẹ của tôi, ông nói: mẹ tôi không giống với phụ nữ ngày nay


cuốn tiểu thuyết này có một điểm tôi cho là ưu điểm, đó là dành một chương cho người phụ nữ mẹ được nói, như một ảo ảnh còn vương vấn thế gian và để như thế thay vì tìm một kết thúc cụ thể, trong đó bà nói về những bí mật giấu kín, những điều muốn nói [còn motif khi người thân mất tích, những người còn lại trong gia đình, mỗi người được dành các phần các chương các cảnh phim riêng, nhìn sự việc bằng con mắt điểm nhìn của mình, hồi tưởng... đó là điều thường gặp trong ngôn ngữ văn học và điện ảnh] ở chương này, người mẹ mất tích bày tỏ một mong muốn với cô con gái út, đại để: con là một đứa trẻ tài giỏi, con đã tự do cương nghị thể hiện mình, dắt mẹ đi đến trường đại học của anh con để biết sinh viên đã đấu tranh đòi dân chủ thế nào, anh con đã bị đánh bị dính xịt cay khi biểu tình vì điều gì... vậy tại sao con lại đẻ tận 3 đứa con để rồi từ bỏ tất cả những mơ ước tuổi trẻ và nếu đấy là lựa chọn của con vậy ít nhất hãy chọn hạnh phúc, tại sao con lại chọn lựa chọn mà con không hạnh phúc 


đó chính là cái nhìn của người biết và hiểu đau đớn là thế nào, nên chính họ, luôn muốn mang hạnh phúc đến cho người khác dẫu chịu thiệt thòi an phận về mình. Hết quyển sách, ngày ấy, tôi bị ám ảnh mãi trong tưởng tượng về một đôi dép màu xanh đã lằn vết trên ngón chân người, lằn nghiến vào lộ rõ xương và mưng mủ bốc mùi hoại tử ruồi nhặng bu vào - đó chính là hình ảnh người mẹ già bị lẫn và đi lạc ở thành phố lớn quanh các điểm mà các con bà từng ở, họ chỉ nhớ được những việc rất xa xôi khi bệnh tật chưa gặm nhấm đến vùng ký ức ấy


[...]


quyển sách có obi này của tôi chiều nay đáng gả sang nhà khác, nhưng đổi lịch nên ở thêm nhà tôi 1-2 ngày; tôi không định viết về những quyển sách kể những câu chuyện đánh động những tình cảm, cảm xúc tất phải có, điển hình như không thể điển hình hơn ở con người [nên khi nghe bạn fb bảo em học Ngữ văn Hàn quốc và đề tài em chọn làm tốt nghiệp là hình ảnh người mẹ trong văn chương đương đại Hàn, tôi nghĩ kiểu gì cũng có Hãy chăm sóc mẹ]... thay vì thế tôi thích nghe bạn bè kể với giọng của họ về những điển hình, tất phải có, vì chỉ cần có thể qua một vài từ hoặc chất giọng, ngữ điệu, biểu hiện cơ thể nét mặt hay sự lặng im của họ, tôi biết tình cảm, cảm xúc của họ... thế nhưng vừa rồi lại có một quyển Hãy chăm sóc mẹ nữa vào nhà tôi, quyển sách không obi, chất giấy ngà xốp hơn chất giấy quyển sách của tôi. Thế nên tôi ngồi nhàn quá sinh ra cầm điện thoại type :) 

12.8.24

người mẹ Gong Ji-Young




ngoài Han Kang và Kim Young Ha thì một tác giả Hàn khác tôi đọc được vài ba quyển là Gong Ji-Young - tác giả thuộc thế hệ 386. Đây cũng là một tác giả Hàn được tôi ưu ái khi viết đủ về cả 4 quyển đọc của bà


thích nhất là 2 tiểu thuyết Yêu người tử tù và Cá thu; 2 quyển còn lại trong ảnh, tản văn Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ và tiểu thuyết tự truyện Ngôi nhà vui vẻ, là những trang viết của Gong Ji-Young trò chuyện cùng con gái. Tản văn Dù con sống thế nào thì rõ ràng là những trò chuyện ngắn viết dưới dạng những bức thư trong khoảng thời gian mẹ và con gái không thể trực tiếp đối thoại với nhau, còn tiểu thuyết tự truyện Ngôi nhà vui vẻ thì bà chọn viết bằng điểm nhìn của con gái mình trong 2 năm mẹ và con gái ở cùng nhà; gọi đây là tiểu thuyết tự truyện vì các chi tiết đời tư của Gong Ji-Young đều được kể ở đây, chiến lược sáng tác là "một hình ảnh gia đình mới" trong đó nhân vật nhà văn trải qua 3 lần đổ vỡ hôn nhân sống với 3 đứa con mang 3 họ khác nhau; cũng qua Ngôi nhà vui vẻ, ta bắt gặp các chi tiết tiểu sử như Gong Ji-Young là thế hệ 386 những người sinh viên tham gia phong trào đấu tranh dân chủ, người chồng đầu tiên từng ngồi tù vì đấu tranh dân chủ, đây là một quãng lớn trong tiểu thuyết Cá thu của bà, hay là, ở đây có nhắc đến chỉ một câu về quan niệm án tử hình [bà được mời đi diễn thuyết nói về án tử hình] và đó là một chủ đề bà đề cập trong Yêu người tử tù...


Ngôi nhà vui vẻ có lẽ là bản dịch của một nhóm các bạn trẻ học ngôn ngữ và văn hoá Hàn Quốc, cũng không biết bản dịch này có được hiệu đính tốt không, biên tập ở mức độ nào; nhưng chắc chắn là về logic câu văn có thể kể ra cỡ 15 câu dịch lỗi mà không cần phải đọc nguyên tác hay đối sánh các bản; phải đi qua đến 1/2 đầu mới thấy bản dịch có vẻ tốt hơn dù thi thoảng vẫn thấy vênh phần nọ phần kia, 1/2 sau thì lỗi giảm dần rõ rệt hoặc cũng có thể câu chuyện xúc động cũng làm tôi quên luôn việc soi 🙂



4.8.24

Poe tiếp



[ohhh hoá ra dùng đt vẫn chưa up được ảnh]

tập Poe trong ảnh của một bạn bán sách quen gửi ra HN cho mượn đọc, thank youuu ❤️; hôm bạn khoe mới vợt được, chụp mục lục cho nhìn, thấy có tiểu thuyết/truyện dài The Narrative of Arthur Gorden Pym of Nantucket; ra là truyện đã được dịch rồi, in ở nửa sau của quyển sách trong ảnh, sách in năm 2004


phần 1 là truyện ngắn, gồm 15 truyện; chỉ có 2 truyện được dịch không trùng với các tập khác ở stt này https://www.facebook.com/share/uFQgV9mrDyMShiwt/?mibextid=qtnXGe: Cái hòm gỗ bí ẩn [The Oblong box] và Morela; ở phần này tôi thích phương án dịch tên truyện Trái tim tố giác và truyện vực xoáy giữ Maelstrom trong tên [The tell-tale heart và A Descent into the Maelstrom; dù nghe "tố giác" nó không bằng "kể tội" nhưng ít nhất nó hơn "thú tội" và "mách lẻo", Tụt xuống vực xoáy Moskoe Strom nó không hay lắm nhưng nó giữ Maelstrom - Maelstrom hoàn toàn có thể có trong từ điển văn học, nó sẽ trở thành một hiện tượng, sự việc, điển tích mà khi nhắc đến, nó đại diện được cho gì đó, Poe xứng đáng đi vào lịch sử văn học vì đã viết những gì đã viết]


phần 2 là truyện dài: Cuộc phiêu lưu của Goocđơn Pym vùng Năngtucket. Truyện này hồi 2 tháng trước tôi đọc ngoại văn đọc mãi mới hết được nửa sau, vì tôi thấy nửa đầu hay hơn hẳn [lúc đọc 2 tháng trước, tôi chưa đọc truyện The open boat của Stephen Crane, tới lúc sờ đến truyện ngắn kia của Crane nghĩ ngay đến chi tiết vị thuyền trưởng của con tàu đầu tiên trong Pym vùng Nantucket bị cướp tàu đuổi xuống thuyền cứu hộ cùng vài ba người nữa lênh đênh trên biển tự sinh tự diệt; không biết Yann Martel viết Cuộc đời của Pi có đọc truyện của này của Poe không nhỉ], nửa sau Poe viết dài quá, như ý kiến cũ, tôi thấy Poe hay tìm cách đánh lạc hướng, trộ độc giả, nên có thể hiểu tại sao dịch Poe ở vn một thời người ta rất thích dịch tóm tắt, lược dịch vì nếu chỉ để nắm được các tình tiết truyện của Poe thì lược dịch không ảnh hưởng gì hoà bình thế giới; truyện được dịch in ở quyển sách này chương 12 đoạn rút thăm quyết định ai phải trết phải trở thành thực phẩm cứu đói trong 4 người để 3 người còn lại có thịt ăn vượt qua cái đói bị mắc kẹt trên tàu [hồi tôi đọc ngoại văn và đến giờ tôi cũng không hiểu logic của 3 người trên tàu trong cơn bão, sao lại chặt nốt cột buồm còn lại cơ chứ, chặt 1 thì ok, chặt nốt 1 còn lại, tàu không buồm thì tàu trết đứng yên à, 1 trong 4 nhân vật trong lúc bị trói cũng cản, nhưng 3 người còn lại không nghe] và sống sót, đoạn này dịch giả xin phép không dịch, lúc đọc ngoại văn tôi cũng bàng hoàng vì hoá ra có truyện ăn thịt người "giữa những người văn minh phương Tây" từ đầu thế kỷ 19 mà tôi giờ mới biết [người rút thăm vào cái án trết đó đã bị đâm 1 nhát, gục xuống và chân tay đầu bị chặt ra cùng bộ ruột ném xuống biển, 3 người còn lại đã ăn những chỗ thịt còn lại của cái xác ấy và tiếp tục sống được ít ngày nữa, chính máu của người phải hy sinh đã giúp họ đỡ khát etc. nên hiểu tại sao dịch giả chọn không dịch] và một đoạn khoảng chương 23 thì phải, đoạn về sơ đồ hình vẽ mà 2 nhân vật chính bị người thổ dân lừa rơi xuống vực núi vẽ ra nhằm dò đường từ trên núi xuống lại biển [...]


lúc nào có thời gian, tôi phải tìm hiểu về người tên Reynolds [J. N. Reynolds]; người này như ở stt dài về Poe tôi đã nói là cái tên Poe nhắc đến liên tục trong mê sảng trước khi chết; Reynolds này là một nhà thám hiểm xuất hiện 1 lần trong phần tài liệu chuyến đi ở truyện Arthur Gordon Pym [khoảng chương 16-17]; đó ngoài đời là một nhà văn nhà báo, nhà thám hiểm thật, nhưng có thể trong mê sảng Poe nghĩ Poe đang tiếp tục chuyến đi với một người Poe mong muốn là Reynolds như trong truyện Nhật ký tìm thấy trong chai và Arthur Gordon Pym; người đó khiến tôi tò mò, chính Melville cũng chịu ảnh hưởng mà

[...]