Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

22.3.18



Sói đang tuổi vừa học vừa chơi nên thích có sticker để dán vào đúng các từ tiếng Anh tìm được trong hình minh họa, trước mình mua 2 quyển của NN tặng 2 bạn bé, ít từ thôi nhưng có sticker nên các bạn mê tít thò lò. Lần này thấy 1000 từ nên đặt trước 1 quyển xem ổn không đã, lúc nhận được hàng mở ra con lốc mê tít mù, quay vào tiki đặt thêm quyển nữa tặng bé khác thì đã hết hàng huhu. Sách lôi cuốn con trẻ, biên soạn tốt, chất lượng miễn bàn, gía lại siêu hợp lý, và nhất là các bé có thể học phát âm theo chủ điểm ở sách ngay trên trang usborne-quicklinks.com
[con dì ngồi làm văn bản tòi con mắt, rồi vào tìm sticker trong sách của cháu tòi con mắt tăng hai, song vẫn chưa hết tăng động vào web học phát âm theo hướng dẫn của sách, ngồi phát âm cả chiều, hay lại thích đi học nhở?!?!]

18.3.18

starry starry night




Sắp tròn 10 năm ngày mình gặp Minh. Hôm qua cô bạn phan quạt phim tình cảm tung quở hàn xẻng chắc dạo này cày phim ác quá, cổ bảo chiều nay em nghĩ đến chuyện của chị, nghe cái thấy ngay mùi chuyện tình, ờ thì nhiều nàng có xu hướng thích chuyện tình đẹp và buồn, mà chuyện của tôi thì đích thực siêu buồn :), cổ dặn khi nào chị nhớ ảnh thì chị bảo em cho em nhớ anh ấy với, chị đừng ghen nhá, em muốn nhớ ảnh với chị vì em hâm mộ người chị yêu thôi mà
Fine nắm, tôi kể những chi tiết tôi nhớ Minh với cổ, nằm vừa kể vừa khóc từ 11 giờ đêm tới 3 giờ sáng sưng húp mắt, quần áo ngủ, tóc, gối ướt hết, mà ngu lắm cơ, tuốt bít tất ra chấm nước mắt, sáng nay bít tất bẩn bụi bay vào mắt chứ không khóc đâu, mắt húp như đau mắt đỏ á
Ảnh chụp lúc 3 rưỡi giờ sáng thèng EMi nhìn mẹ dùng bít tất chấm nước mắt [lần cuối thứ n] :)

17.3.18

phía sau







Tôi là người sẽ thoái thác việc phải đưa ra quyết định, lựa chọn tới lúc không thể lùi được nữa thì thôi. Không như nhiều người, cuộc đời luôn ở phía trước, luôn có khát khao đuổi theo, vươn tới, chạm vào. Tôi chỉ là một trốn tránh cuộc đời, thường có cảm giác bị nó đuổi ngay sau lưng. Nó đốc thúc, ùn ẩy tôi tới phía trước. Và tôi có xu hướng để mọi thứ cứ tự đến, ‘sự đã rồi’, thậm chí còn thầm cảm ơn mọi sự vì mình càng đỡ phải lựa chọn :v, cứ thế chấp nhận. Sự vật sự việc đến theo cách đó luôn mang một thông điệp, ý nghĩa, tin tức nào đó, rất cần thiết, với tôi, tôi nghĩ vậy
Vẫn như thói quen mọi khi vào bất cứ chùa nào, tôi đều ghé qua gian phòng đặt ảnh những người đã khuất mà gia đình họ gửi lên chùa. Tôi dành 5’, đôi khi 20’ nếu tôi được một mình trong phòng, để nhìn ngắm những tấm ảnh chân dung đặt trên giá trong tủ kính. Tôi cần nghe những câu chuyện qua nét mặt của người trong ảnh, cần nhắm mắt để tiếp nhận những giác quan khác. Những lần gần đây đến ngôi chùa gần nhà, tôi như mọi khi, đi đến gian phòng có những tấm ảnh, và một tấm ảnh duy nhất gọi tôi. Tôi nhìn người đàn ông trong ảnh cho đến khi một cảm giác quen thuộc, rất quen thuộc đến. Tôi nhắm mắt thở đều. Mở mắt. Tôi nhận ra đó là bố của bạn gái học cấp 3 với tôi. Hai lần gần nhất tôi nhớ đeo kính khi đến chùa chỉ để nhìn cho rõ họ tên và năm sinh của bác ấy. Và tôi đã không nhận nhầm bố của bạn, người năm nào tôi đến nhà bác, bác cười thật hiền, một thày giáo, giảng viên HVNH. Tôi mỉm cười và chào bác như 15 năm trước tôi đến nhà bạn chơi, bác đang lúi húi chuẩn bị đi dạy. Hôm vừa rồi tôi nhìn bác trong ảnh và cười chào bác, bác nheo mắt như dưới nắng nhẹ và cơ miệng cười với tôi :)
Tôi thường hỏi Sói theo con dì nên mặc áo nào, màu gì, dì đóng giá sách ở đây được không, chi tiết này dì nên tô màu gì, con thích số 75 hay 80, cái này nên đặt ở đây hay ở kia, tí nữa có nói ông ngoại chuyện này không, nên ăn rau muống hay bắp cải, su hào xào hay luộc… :))
Ảnh tôi và con trai EMi U60 tuổi mèo, như nhiều buổi sáng trong suốt các năm chúng tôi chung sống, cùng nhau tiến hành tiết mục ‘hôm nay đọc gì’ và luôn luôn là vậy, EMi chọn sách cho tôi, trong số những quyển sách bằng cách này hay cách khác chúng thu hút tôi, được ùn ẩy đến tay tôi. Cờ đến tay thì phất, sách EMi chọn thì tôi đọc. Chữ có mùi. EMi ngửi thính nhạy hơn lốc <3 p="">

9.3.18

Cần phải để cái chết đuổi kịp


Công lý thảo nguyên là một tiểu thuyết trinh thám được viết bởi tác giả người Pháp Patrick Manoukian dưới bút danh Ian Manook, giọng văn và mạch truyện mang đậm màu sắc điện ảnh Mỹ lồng trong bối cảnh tội ác diễn ra ở Mông Cổ. Quyển tiểu thuyết hiếm hoi miêu tả về văn hóa, lối sống, ẩm thực, tâm linh truyền thống lâu đời của các hậu duệ Thành Cát Tư Hãn – một Mông Cổ của thế kỷ 21 với nhiều chuyển dạng về chính trị, kinh tế, cũng như văn hóa hiện đại – truyền thống giao tranh,
Chất liệu trinh thám Mỹ, mạch truyện nhanh, nhiều tình tiết giật gân, đường đạn cú ra đòn lạnh mùi máu khốc liệt nhưng các chương cuối hơi rườm rà và không thực sự ấn tượng. Tất cả đều ở mức tầm tầm vừa miệng ăn. Đúng như tên truyện, dù quá trình điều tra, chứng cứ buộc tội đều dựa trên khoa học hình sự nhưng cách hành động đi tìm công lý của nhân vật điều tra phá án và đồng nghiệp thì đậm chất thảo nguyên, dựa trên những nguyên tắc truyền thống du mục tựa như con người nhỏ bé hữu hạn đứng trước không gian lộng gió bao la và hùng vĩ, có lẽ chính bởi yếu tố anh hùng ca ấy mà những chương nhân vật cảnh sát trưởng Yeruldelgger ra tay dọn dẹp đống rác rưởi được viết có phần cliché, gồng và tâng quá mức so với mạch truyện chung
Tôi ấn tượng với những đoạn viết rất hay về đời sống trên thảo nguyên, những tín ngưỡng và đặc biệt là giấc mơ. Giấc mơ không thuộc về những người mơ thấy nó hay giải nghĩa nó, nó là mối liên hệ vô hình giữa các linh hồn và những trái tim. Tôi không tin vào những điều mê tín hay thuật bói toán, trắc nghiệm tâm lý… nhưng tôi tin vào những kết nối bí ẩn chưa được lý giải ở trong chính mỗi người hoặc thậm chí là những gì ta còn chưa biết. Giấc mơ không phải bói toán hay tiên tri, giấc mơ nói với ta những điều ta chưa dám thú thực với chính mình, những chi tiết bị vùi lấp, những trực cảm, linh cảm thoáng qua, những suy diễn bị kìm nén vì điều này điều khác và nó sắp xếp tất cả những điều ấy, diễn giải theo cách thức mà ta biết nó vẫn nằm ở đấy, có sẵn trong ta nhưng ta chưa biết cách khơi dậy, và nó tái hiện bằng ngôn ngữ, bằng logic khác với logic khi ta thức ta không mơ. Điều tiên quyết là, ta sẽ làm gì từ những giấc mơ ấy  [Người Mông Cổ không kể lại giấc mơ của họ ;)]
Cái chết nếu không đuổi kịp mỗi người, nếu không quật ta tơi tả bầm giập bẻ gãy ta về thể chất, ta ngã xuống kệt quệ bải hoải cả về tinh thần thì nó sẽ không dạy ta cách tái tạo bản thân và tìm lại chính mình. Thế giới phải phá thì thế giới mới thành. Nhân vật cảnh sát trưởng Yeruldelgger là điển hình cho điều này.
P/s: Hôm trước xem The way back, về cuộc đào tẩu của tù nhân trốn trại cải tạo quân đội Xô Viết từ Siberia vượt qua dãy Himalaya đến Ấn Độ, hành trình của họ qua Mông Cổ trong thời kỳ rối ren chính trị, quyển tiểu thuyết này cũng đảo qua Mông Cổ giai đoạn ấy, và có đoạn ngắn các nhân vật tai to mặt lớn của chính phủ đứng sau hoạt động mua bán đất công rồi chuyển nhượng lại cho các tập đoàn lớn ăn chênh lệch, Vũ Nhôm nhẻ