Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

25.1.16

Điểm chạm Quá khứ-Tương lai, và những giấc mơ



Nếu 4-5 năm trước mình đọc được Khu vườn đêm của Tom (Philippa Pearce) thì có lẽ, câu chuyện này sẽ vỗ về, an ủi mình rất nhiều, thậm chí có thể chữa lành nữa.

cái Quá Khứ luôn bị Thời gian mang đi mãi mãi, "mãi mãi" nghe thật dài và cô đơn, thời gian là như thế nào, khi nào thì thời gian sẽ không còn nữa, có thể đánh đổi Thời gian lấy sự Vĩnh hằng không
Nếu đọc được câu chuyện này sớm hơn thì mình cũng sẽ không như đứa trẻ bật khóc khi vỡ mộng và lấy làm tội nghiệp cho người khác vì họ chẳng được biết gì cả về thứ mình biết, cũng sẽ không khóc òa khi sợ hãi rằng mọi thứ tốt đẹp sẽ biến mất, tan biến, khu vườn sẽ chỉ còn là một màu xanh trống vắng, và sẽ không nức nở như một đứa trẻ rối bời bởi chẳng hiểu gì cả, trong khi những điều đang muốn hiểu lại rất (thực sự) quan trọng với mình
và, sẽ không khóc ngay cả trong giấc mơ bởi không còn khu vườn nào cả, dù tất nhiên lúc nào cũng tồn tại một khu vườn ở đó, luôn chờ đợi.
vật chất đủ lớn có thể làm cong, bóp méo không gian, thời gian

17.1.16

Tán lá cây khế của bà




Vườn ở quê của bà Nội tôi rất nhỏ, quê Nội cách Hà Nội 17km thôi nhưng một năm tôi chỉ về quê được khoảng 4-5 lần nên không thực sự nhớ rõ khu vườn của bà có những cây gì, chỉ chắc chắn khoảnh vườn xưa có ổi, táo, hồng xiêm, 10 năm gần đây bà trồng khế thay cho cây táo.

5-7 năm trước về quê, vào mùa có khế, cứ đứng thấy quả nào vàng vàng có vẻ mọng nước là tôi kiễng chân hoặc nhảy lên vít cành bứt tựt tựt quả khế. Đứng dưới các tán lá khế, ánh nắng xuyên lá mềm xanh xanh vàng vàng điểm hắt xuống nền gạch đỏ tạo ra không gian yên ả như ta có thể bỏ mặc cuộc sống ngoài cánh cổng sắt của bà, vì thế nên bứt được quả khế nào, tôi kéo áo phông trắng lên lau từng múi từng múi khế. Cây khế của nhà không thứ hóa học phun tưới gì, quả khế lau xong chỉ thấy cái áo phông trắng hơi lem lem ố vàng của bụi, chỉ cần cắn bỏ hai đầu quả khế và sật sật răng bỏ viền khế trên từng múi là ăn ngon lành được luôn, cắn tham còn có thể khiến nước quả chảy ra ướt cằm ướt áo. 
Ngày ấy bà tôi còn khỏe, tinh anh minh mẫn, ngồi trong nhà nhìn ra sân thấy con bé cháu người vừa ngắn vừa mập nhảy choi choi, vít cành bứt quả thì chạy ra bảo: 
- nhìn mày ngứa cả mắt, để tao lấy cái sào bứt cho mà ăn, tội gì mà cứ vừa ăn vừa nhảy loi choi, ăn được quả khế nhìn mướt mát mồ hôi.
Dù tôi đã bảo bà cứ kệ cháu, cháu ăn quả nào cháu vặt, cháu phải chọn quả nào xinh xinh cơ. 
- Mẹ nhà mày, thế bà mày trảy cho mày quả không ngon à 
Bà dùng gậy ngoắc xuống cho tôi đầy cả thân cái áo phông tôi đang mặc vén lên để hứng khế, thế rồi con bé ngồi luôn dưới nắng hè thả áo xuống cho khế thoải ra sân gạch, rồi oạch mông ngồi lau lau khế, cắn bỏ hai đầu, sật sật cắn bỏ viền khế và cắn ngập răng nhai ngon lành. Bà ngồi xổm xuống bên cạnh hỏi con bé: 
- Mày thấy cây khế của tao thế nào, có ngọt không, ăn quả khế có mỹ mãn không? 
- Có bà ạ, mỹ mãn mỹ mãn. Nói xong cắm cúi lau lau nhai nhai không chú ý gì.
- Thằng thày nhà mày, quê hương là chùm khế ngọt, mày cứ nhớ lấy nhé, nói có nghe thấy không?
- Cháu có mà, cháu vẫn nghe mà bà
- Đấy, cây khế ngọt, ăn tỉnh cả người, mày nhớ lấy con nhé, về quê ăn cây khế của bà mày, ăn tới đâu tỉnh người tới đó
- Vâng ạ
Bà ấn tay vào trán tôi, ấn dúi dụi:
- Thằng cha nhà mày, quê hương là chùm khế ngọt, nghe rõ chửa
- Chửa rõ ạ hahahaha cháu nhớ rồi nhớ rồi mà, chị Tâm (bà Nội tôi tên Tâm :))
Mỗi lần nhìn thấy mẹt khế ngoài chợ, tôi lại nhớ buổi trưa năm nào đứng dưới tán lá khế của bà. Nửa năm gần đây bà tôi bị tai biến, 83-84 tuổi đang tự đi chợ, tự nấu ăn, bữa nào cũng hai bát cơm, 1 lon bia hoặc 1 chén nhỏ rượu, tắm rửa ì oạp suốt ngày, áo vải lúc nào cũng trắng tinh, người lúc nào cũng phải có tí nước hoa nồng mùi hương...mà bỗng dưng phải ngồi một chỗ, nói méo tiếng, đi lại khó khăn, tay không nhâng lên được. Sự tinh nhanh mất đi, không chịu nói, chỉ lắc và gật, miệng lúc nào cũng mím chặt, mắt quắc lên quan sát mọi thứ, con người đi vào lẽ cùn, cáu tính, bẳn gắt khiến con cháu đứa nào cũng ngại không dám gần. Tôi nghe bố kể hôm trước bố đưa bà đi vệ sinh, rất nhanh bà cúi người cắn nghiến vào tay bố tôi. Bố tôi giãy nảy lên sao bà lại cắn con. Mẹ đau lắm, trong người nó bứt rứt, con cho mẹ chết.
Cây khế không còn. Bà tôi nay đã quay về làm trẻ con lần nữa. Mỗi lần ăn khế tôi vẫn nhớ lời dặn của bà, quê hương là chùm khế ngọt và nhớ về cái yên ả của vùng trời xuyên các tán lá, của thời gian bay vắt ngang chiếu xuống sân gạch đỏ. Chỉ vì rằng thời gian qua đi, ta chứng kiến dấu vết từng chặng của nó trên những con người quanh ta như một mệnh lệnh với một chút yên ả của mọi sự phải như thế và phải là như thế.

Tôi vẫn luôn luôn cố gắng đi vào tâm hồn sự vật



Flaubert đã đáp lại bà bạn George Sand rằng: "ông chưa bao giờ muốn làm cái việc phê phán hay đả kích. Ông không viết những cuốn tiểu thuyết của mình để truyền đạt các đánh giá của ông tới độc giả. Ông tha thiết với một điều khác hẳn: “Tôi vẫn luôn luôn cố gắng đi vào tâm hồn sự vật…”. Lời đáp của ông cho thấy thật rõ ràng: chủ đề thực thụ của mối bất hòa này không phải tính cách của Flaubert (ông tốt bụng hay độc ác, lạnh lùng hay dễ cảm thông?) mà là vấn đề tiểu thuyết là gì."(Trích Đi vào tâm hồn sự vật của NL)

Tôi đọc xong Ba truyện kể (Gustave Flaubert) đêm qua, 2 trong 3 truyện kể ấy gây nên những cơn rùng mình ớn lạnh, rằng Flaubert đã viết các câu chuyện theo cách của mình, đưa những điều đã biết đã nghe thành truyện kể cho người ta cảm giác rùng mình nổi da gà chạy qua trong các tích tắc, những ớn lạnh tai tái mặt mũi và ngay sau đó là một chút yên ả, "dịu lòng", "lòng chợt bình yên mà sao buồn thế" 
Tôi rất muốn đọc Flaubert tiếp, nhưng không thể vượt qua được mặc cảm Không. thể.đọc.nổi.Madame Bovary. Giờ, mọi thứ đảo lộn vì tôi chưa từng nghĩ mình sẽ quay lại đọc Flaubert bởi khi bé, ngay sau khi đọc Madame Bovary tôi đã nghĩ mình sẽ tránh xa ông nhà văn này, Madame Bovary làm tôi chán đến mức như vậy đấy, đến mức nó làm thành nỗi mặc cảm không thể chịu nổi Madame Bovary không thể đọc nổi Flaubert
Con người đúng thật khôi hài, ngày qua có thể chối chết nói không với gì đó bởi tin vào thứ mình cho là chân lý, rồi ngày nay lại ngoắt mình chuyển đổi lăm lăm cho rằng điều ngày qua là trái, bây giờ sẽ là phải. Đấy là điển hình cho ngu xuẩn ở con người hay sự thông thái lóe lên ít ỏi trong đời người. Thôi, đi lục Xa-lăm-bô đọc đơi 

14.1.16

Tóc trên đầu đã bạc :p



Cha mẹ sinh ra một thân hình ngắn có 150cm suốt từ 12 tuổi đến 30 tuổi không nhúc nhích thêm chút nào (nếu đúng là phải 96 tuổi mới đi cõi khác thì lúc í chắc chỉ còn 147cm thôi), chiều ngang tiếp tục mập hóa, chân tiếp tục không ngừng to ra vì đạp xe và leo núi. Một gương mặt, mắt lúc nào cũng quầng thâm vồng quả nhót mà nếu không có hỗ trợ son son phấn phấn thì mình ngất khi đứng trước gương chứ không cần đợi người khác thấy. Đôi con mắt thì mờ mờ của kẻ ngộ tính kém. Cái mỏ thì full lips rõ zành zành. Cái mũi thì hếch hếch tẹt tẹt đến là ngán, cứ hít khí lạnh là viêm họng vì đường hầm không kịp sấy nóng không khí 
Học hành bê trễ, tính ra đến lúc này mặt ngay chân tay cong không biết làm gì. Học qua học lại cuối cùng cũng con buôn, con buôn người ta tiền đè chết người, con buôn mình thì hàng tồn kho đè bẹp cả ruột. Thích đàn, học đàn mãi không qua được căn bản, cứ nghỉ gãi đàn 1 tuần là quên bằng sạch. Thích vẽ, học vẽ thì bóng ánh sáng làm mãi không đạt, thày giáo thường xuyên nhìn cái cây mình làm bóng ánh sáng thành vải quần đùi chấm bi hoặc vải quần đùi hoa.
Không ăn thịt nên làm rau luộc là đạt nhất, còn cứ xào nấu mắm muối là vợ chồng em gái sẽ bảo đóng hộp để tủ thuốc, làm thuốc tăng huyết áp. Thích đồ nướng cháy cháy tí thì thường cho bố mẹ ăn than. Để giảm thuốc tăng huyết áp trong bữa cơm, rút bớt gia vị đi, lập tức ông bố ăn bảo hôm nay con cho nhầm đường vào rau à. Thích hạt tiêu nên cái gì cũng cho hạt tiêu, tính đến giờ chỉ mỗi nồi cơm là chưa zẩy hạt tiêu vào.
Bệnh lười, bừa bãi đeo bên hông và không bao giờ cảm thấy có nhu cầu dọn dẹp, lúc nào cũng cảm thấy mình thật siêu khi nhìn thấy cái đẹp của bừa bãi, cầu thang nửa năm mới lau một lần khi mà các bậc cầu thang mất màu gỗ, chỉ còn màu cát (cát chứ không phải bụi), phòng ngủ 1 năm không hút bụi được một lần, ga trải giường cứ bẩn thì chồng cái mới lên, đủ 4-5 cái thì đi giặt cả thể. Vẫn còn biết xấu hổ nên ngày nào cũng tắm gội thay quần áo, nhưng ăn uống cùng mèo, ngủ cùng mèo, tủ quần áo cũng là ổ nằm của mèo nên mèo 4 năm không cần tắm luôn mang một thứ mùi thoảng thoảng "có vấn đề" ấp vào người ở cùng. Và cả chủ cả mèo nói không với bọn nước hoa nồng ngát mùi hương. Tư duy lang thang cơ nhỡ thì phải chuẩn bị một đôi giày tốt nên luôn có nhiều giày, nhưng cứ đi tầm 2 năm hoặc ít nhất 10 tháng thì mới mang khoảng 15 đôi ra oánh giặt một lần. Và thường xuyên cãi mẹ cha chả là con không dọn là để dành cho mẹ có việc làm.
Thấy suốt ngày úp iếc sách vở nhưng thật ra sách mua để bày cho oai, trưng cho oách chứ một năm đọc không quá được vài quyển, phàm cái dạng càng hay khoe thì càng chả có cái vẹo gì
Tự hào là mình thù dai nhớ lâu, khó tính bẳn gắt khó chiều, không biết đằng nào mà lần. Nhai nhải ở mỏ là tha thứ, tha lỗi, bỏ chấp thì là có lợi cho mình, càng ôm lâu nhớ lâu thù dai thì mình càng tổn hại. Nhưng (lại nhưng) nhất quyết không cho qua, nhất là khi người ta còn x buồn biết đến lỗi lầm, tức là mình có giận hay không thì người ta cũng x quan tâm nhưng mình thì cứ nhất định là phải quan tâm để giận, để thiệt hại. Lỗi này là ở mình, ở mình cả, là tại mình không chịu bỏ chấp, x phải tại người ta.
Bẳn gắt thì thôi rồi, lý lẽ thì nhem nhẻm, dù Eva có được tạo ra từ xương sườn Adam, mục đích là để Adam vui, không cô đơn, có bầu bạn nhưng con sinh ra không phải để phục vụ, bố ạ. Con có cuộc sống của con, có hoan lạc của con, tại sao con phải khoác áo đạo đức cho người ta ngắm. Tại sao phải lập gia đình, tại sao không thể chỉ yêu thôi, con nhất định không để phát sinh thêm trách nhiệm cho con và cả cho chính người khác, ai yêu con đến mức tự chịu trách nhiệm với con là lỗi của con một ít, của người ta nhiều ít, thế nhá. Còn con biết, ai cũng được sinh ra từ một tử cung, tử cung có độ co giãn đàn hồi tốt, về giải phẫu chỉ nhỏ bé như thế này này *giơ ngón tay* mà vẫn có thể ra được cái đầu đứa trẻ to như thế, nên sức chịu đựng của con người là gần như không thể đong đo đếm được, nhưng con sẽ cố gắng không rút lui khỏi cuộc đời, chỉ có điều đừng bắt con phải khoác quá nhiều áo.
Cuộc đời không có tham vọng gì, lúc nào cũng thích cuộc sống zừng zú, lang thang cơ nhỡ, nhưng "Trời kia đã bắt làm người có thân" nên chỉ cần đủ ăn và thi thoảng mua vài quyển sách bày cho oai, còn lại thích nằm giở sách chụp ảnh úp fb múa võ qua mắt thiên hạ. Nhiều lúc cũng có tham vọng kiếm nhiều tiền tí để về già cả ngày nằm trên giường giả dạng gái xì tin chat chít tán tỉnh giai trẻ trên mạng mà không phải lo cơm áo gạo tiền, cứ bấm một cú điện thoại vài cú chạm, click là thực phẩm để tận cửa, hóa đơn thanh toán đàng hoàng, lúc nào đời bảo dừng là dừng như ngọn đèn lửa đỏ lửa vàng rồi lửa xanh hết dầu vụt tắt, đấy, thi thoảng cũng tham vọng thế. Nhưng chả được mấy tiếng, lại phệt mông ngồi, ườn ra nằm, đời mình chỉ cần câu cá đủ ăn thôi, cá nhiều ăn không hết, trữ đông lạnh cũng độc mà để ươn thì ăn vào sẽ chớt bệnh chớt tật đó.
Đã thế lại hay ngồi ngẩn ra, nghệt ra như ngỗng ị, ra chiều suy nghĩ lung lắm, mà thật ra chỉ suy nghĩ vấn đề tối quan trọng là 2 có phải một con số đẹp không, 2 hẳn là số nguyên tố chẵn duy nhất, 2 viên súc cù là cũng là một con số đẹp (dù lúc ăn 5 viên thì vẫn khăng khăng trong đầu 2 là một con số đẹp)
....
Tổng kết lại là chả có cái vẹo gì, ai nghĩ mình không nhỏ là do người ta tự tâng mình, người ta tự thiệt hại. Còn mình, mình còn ít lòng tự trọng là không chụp ảnh mẹt tự sướng , ngậm mỏ không nói để phong thanh nói rằng, cuộc đời mình hoàn toàn không muốn để lại dấu gì, bằng trắc huyền sắc sắc sắc không không hay dấu vết vân vân và vân vân, mình hoàn toàn không muốn, chả có vẹo gì cả, thế giới này chỉ tổ tốn thời gian
ngay cả thời gian để viết cái đang viết, ngay cả thời gian vừa đạp xe vừa nghĩ về việc viết những điều mình đang nghĩ
hoàn toàn vô bổ, mất thời gian, nó chỉ nhằm giải quyết mỗi việc, sẽ cảm thấy thoải mái hơn để tiếp tục chịu đựng cuộc đời, quay đi quay lại, cuối cùng cũng lê lết được 30 năm trên đời  chả có cái vẹo gì, chỉ có súc cù là là ngon 

13.1.16

đổ ập xuống





Mishima Yukio được biết là một nhà văn chuẩn bị cho cái chết của mình kỹ đến từng chi tiết, như một quan niệm về cái đẹp: cái đẹp nằm trong bạo tàn và tự hủy. Ông có sự say mê lãng mạn với cái chết, nỗi ám ảnh với những cái chết mổ bụng Harakiri đến mức, dường như ông dùng cả nghiệp văn để tưởng thưởng, tạo tác cái chết cho mình.

Em T đẩy một lúc gần 30 quyển sách sang nhà tôi kiểu chị cứ đọc đi, kiểu ốc nhồi, nhồi gà. Nhìn quyển này là biết không phải gu, nhưng mục lục có Chết theo chồng (Yukio Mishima) nghe cái tên là nghĩ đến Lòng ái quốc (Ái Quốc) nhưng không biết có phải không, mở ra đọc thì đúng là Lòng ái quốc (Ái Quốc). Có lẽ nào đã tới lúc đọc toàn bộ Mishima Yukio. Vừa mới trúng bả Oscar Wilde, giờ lại thấy bẩu Mishima Yukio cũng kết Oscar Wilde , thế này có mà sướng bằng chớt , vì hôm trước tôi mới nghĩ về bi kịch xưa như Trái Đất: hai anh em cùng yêu một phụ nữ, sau khi đọc xong quyển trinh thám Nemesis, không hiểu sao tôi lại nghĩ tới các cặp song sinh, mà nghĩ tới song sinh thì tôi muốn mần George Sand cơ (muốn mần hàng nửa năm nay rồi), giờ lại nảy ra ý mần Yukio Mishima 
Đúng là đời đọc tiểu thuyết sướng bằng chớt 

11.1.16

Nemesis



Tôi chuyển sang con phố Vô Ưu

nhưng điều đó cũng chẳng ích gì nhiều
(Ola Bauer)

Bi kịch xưa như Trái Đất: hai anh em cùng yêu một người phụ nữ, được xoắn kép hai lần trong Nemesis - Kẻ báo thù của Jo Nesbo. Vòng vặn xoắn bi kịch lần một tạo ra một phụ nữ vừa trong trẻo vừa điên rồ, cứ tự nhiên như không, chẳng mặc gì mà bước vào đời, cuộc đời có đáng sống hay không là câu hỏi căn bản của triết học, không còn lý do gì để sống thì người ta nghĩ ra cách tự giết mình, tự tử là vấn đề duy nhất thực sự của triết học , ta tự tử theo kế hoạch hoàn hảo và lôi tất cả người mà ta từng yêu xuống bùn, ta trở thành Nemesis sừng sững không thể nào quên, tự sát như một cách báo thù, đổ lỗi cho những người làm ta tổn thương, chĩa họng đại bác lên trời để trả thù Chúa, như thái độ một ngón tay thối cho cuộc đời vậy.
Vòng xoắn bi kịch lần hai, hai anh em cùng yêu một người phụ nữ tạo ra một hình ảnh Nemesis khác, một vụ giết người được tính toán tinh vi hoàn hảo ngụy trang dưới vỏ bọc vụ cướp ngân hàng.
Nếu chỉ có hai lần vặn xoắn bi kịch như vậy thôi, thì sẽ không làm nên Jo Nesbo khiến tôi đọc mà phải đen đét ghi lòng tạc dạ, tí nữa phải tìm xem zai này hát hò trong band Di Derre như nào 
Vẻ đẹp trinh thám của Kẻ báo thù, nhìn qua thì nghĩ nó nằm trong kỹ thuật viết đánh lừa của tác giả, cách ngắt mạch truyện, tuyến truyện cài nhau, nhưng nhìn kỹ hơn thì nó nằm ở chính tại nút của điểm xoắn. Tại các nút xoắn ấy Nesbo xây dựng các nhân vật điểm nút kết nối chuyển màu cho tuyến bi kịch chính, sương mù kéo đến che mắt độc giả rất nhanh và đậm đặc trắng xóa làm cho cốt truyện chồng chéo đánh đố khả năng tư duy mạch lạc, làm người đọc xuất hiện thôi thúc muốn được tiếp tục lạc vào sâu hơn, thử thách và kích động hơn nữa, như là ta phải tiếp tục đọc và tư duy, chưa phá đảo đâu, game over ư-làm sao đã đến lúc ấy. 
Kẻ báo thù cốt truyện không trải rộng qua các biến chuyển lịch sử, hay các mốc thời gian, nhân dạng và danh tính chồng chéo của nhân vật như Chim cổ đỏ, người đọc tiếp tục song hành cùng Harry Hole điều tra về cái chết của người đồng nghiệp Ellen (tiếp nối ở Chim cổ đỏ về Prince-Hoàng Tử), Nesbo viết linh hoạt hơn, khai thác sắc nét hơn về chính nhân vật của mình nên đọc cảm thấy vừa cuốn hút, vừa giảm được tải trọng thồ hàng đáng kể mà Chim cổ đỏ tạo ra. Dù không có những đoạn văn đẹp tả cảnh nhưng lại có những đoạn văn chêm vào rất ý vị về các nhân vật, nó khiến người đọc truyện trinh thám đôi khi được buông lỏng tự hỏi về chính bản chất con người. 
Người đọc nhạy cảm sẽ đoán ngờ ngợ ra ngay Kẻ Hành Quyết qua chi tiết khoảng cách giữa con tin và tên cướp nhà băng, lời "Đó là lỗi của tôi" của con tin trước khi bị bắn nằm trong đoạn băng mà sau này luận ra, chi tiết người anh trai khó tiếp xúc và quý mến người khác nhưng tỏ ra quý mến bạn gái của em khi dẫn đi dạo quanh nhà...nhưng chỉ là đoán dựa trên nhạy cảm. Còn thì vẫn cứ hào hứng tiếp tục lạc vào mê cung của Nesbo bởi Nesbo tung nhiều tình tiết mới và hỏa mù lắm, càng đi càng thấy dẫu lạc cũng cam lòng, dù vẫn chưa tóm được Prince. Bạn nào thích trinh thám sớm thấy và thấy nhiều xác chết, thì cứ vô tư nhé. Chưa muốn nói là các đoạn ấy Nesbo viết rất ấn tượng, có đoạn nghĩ đến hiệu ứng máu me của zai Quentin Tarantino nữa cơ.
Đọc truyện trinh thám xong mà tôi lại nghĩ về tình yêu có chết dở không, chúng ta nói chúng ta yêu nhưng người biết yêu thì có nhiều như vậy không, hay ta như diễn viên diễn vai diễn mình tự viết kịch bản, ta đọc lời thoại này nhặt ở tiểu thuyết kia, ta diễn động tác nọ bắt chước ở bộ phim khác và ta không dám thừa nhận, không dám tự soi mình vì sợ soi nhìn thì sẽ thấy mình thực sự không biết yêu, ta què quặt, ta tốn công cho một thứ tình cảm mà ta còn không hiểu. Rồi, tại sao yêu nhao không đến được mí nhao . Ai yêu mà cũng đến được mí nhao thì Trái Đất nổ tung xừ nó mất, hết cả đất sống. Rồi, cứ bảo không hiểu được ý nhao nên cuộc sống mới phức tạp; các cụ tin tôi đi, thực sự hiểu được ý nghĩ của nhau thì có mà thành cuộc sống hỗn loạn điên đảo í 
Mình không thích Nemesis được dịch thành Kẻ báo thù, ở một tuyến truyện là Nữ thần báo oán/thù, ở tuyến truyện khác đúng là Kẻ báo thù, nhưng nếu để nguyên tên Nemesis thì hình ảnh tượng trưng đẹp và hoàn thiện hơn nhỉ, khi báo thù trở thành chuyện của cả xã hội, thoát khỏi vị thế cá nhân thì hình ảnh Nemesis trở thành biểu tượng của nhà nước pháp quyền hiện đại í chứ. Cứ để nguyên tên Nemesis là đẹp.

7.1.16

My Pussy My EMi



Yêu thích, cưng chiều, cuồng si, thậm chí sùng bái mều
Hay chúa ghét, không ưa, kiêng dè đến nông nỗi sợ mèo như ông cháu Sói của tôi, cứ hư là mẹ mang mèo ra dọa.
thì phải đọc Những lá thư mèo của tác giả Helen Hunt Jackson làm quen với bạn mèo gái "Aff Pussy" vô cùng dễ thương mí được, bạn í biết oánh vần, đọc chữ và viết thư cho cô chủ nhỏ (thi thoảng viết Goodbye thành Good by thui). Đọc đến trang 74, 75 miêu tả tình trạng rụng lông của Pussy nhớ EMi mấy năm trước thế, bị dầu hỏa dội vào người, một nửa người có lông, một nửa trắng hếu, dầu hỏa nóng nên EMi cũng không đi lại mất mấy ngày (chắc từ đấy cứ bị mỡ hóa, mập hóa dần dần), rồi mẹ lại còn định mua vỏ bưởi về tắm cho cháu mọc lông trở lại nữa chứ 
Nhất định Sói phải được đọc quyển nài, không thể nào để Sói sợ EMi được, con dì con già nà phại iêu nhao mí lại thương nhao chớ 


Ps: hôm nay 8/1, được cập nhật thông tin bạn dịch giả là học sinh lớp 11, chuyên Sinh, mình bất ngờ thêm lần nữa. Bất ngờ lúc đọc sách là do giọng văn dịch trong sáng, dễ thương quá, không ai nghĩ của nam giới dịch. Hôm nay thêm thông tin kia, thì thấy yêu quá yêu quá

5.1.16

em ơi, buồn mà làm chi :p




Cuộc đời về cơ bản là buồn. Còn ngay sau đó là cái chết 
Câu trên kia lấy trong Cô đơn trên mạng, nghe có vẻ buồn. Nhưng nếu đọc và xem tranh biếm họa trong Đời về cơ bản là buồn (cười) của Lê Bích thì đời vẫn có tí vui. Câu đầu sách tương ngay cho ta cái cười không thể không vu vơ, rồi nhệch mỏ cười "Căn bản mà nói nếu không cẩn thận, mọi thứ đều có thể gây ra hạnh phúc", biết cười trên nỗi buồn cũng là một dạng hạnh phúc do không cẩn thận mà lỡ ngồi suy tư.
Đời vẫn có tí vui chừng nào ta còn cười cợt giễu nhại nó.

4.1.16

almost everything comes from nothing



Mình đang ngồi ăn hạt dẻ, vừa cắn, bóc, nhai, tận hưởng vị ngọt bùi của hạt dẻ Trùng Khánh vừa nghĩ về tính chất phi lý của tồn tại, sự bất trắc của cuộc đời, và tại làm sao mà ta cứ phải sống, nguồn gốc thực sự của ta theo khoa học và theo đạo thì liên quan gì, khoa học là chân lý nhưng sự tồn tại hoài nghi trong khoa học là điều cần thiết, thế thì ta đích thực được tạo ra từ đâu, ta đích thực là ai. Và vẫn là, tại làm sao mà cứ phải sống, sống là như thế nào , tại sao biết rõ sự kiện cơ bản của phận người là sự ngu xuẩn mà con người vẫn phải sống để chứng kiến tính chất ngu si ấy tăng dần, cái đống hỗn độn là cơ thể ta có thực vẫn chứa đựng cốt lõi con người ngu si ở mức chấp nhận được 
Tự nhiên mấy tháng nay mình nghĩ rất nhiều về các vụ nổ trong vũ trụ, về nguồn gốc sự sống, ta vừa vô nghĩa vừa có một ý nghĩa nào đó. Rồi lần đầu tiên trong cuộc đời mình thực sự đọc hết Kiều, có những câu, đoạn làm ruột gan mình muốn lên men bốc mùi vì đời là như thế này, kiếp người bôn ba, thổn thức thì tại làm sao chúng ta lại có mặt trên Trái Đất này để sống để thổn thức những đầy vơi
Mình vẫn đang cặm cụi ăn từng mẩu nhân của hạt dẻ. Một mảnh vỏ vừa găm vào răng cửa hàm dưới, chêm chặt sự đứt đoạn tách rời nhỏ nhoi gần như không đo được giữa hai cái răng.
một cái zằm kinh kích hai thế giới
Ps: Con mèo luôn nhìn mình với ánh mắt tôi biết loài người các người ngu muội và mình đặc biệt cảm kích cái nhìn ấy như một lời an ủi chân thành