Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

13.5.17

khi đêm buông



Một nhân vật của Italo Calvino có tên Người Đọc Thứ Bảy nhận định rằng: Thời xa xưa một câu chuyện có thể kết thúc theo hai cách, hoặc là sau khi vượt qua mọi thử thách hai nhân vật nam và nữ lấy nhau, hoặc là họ chết. Ý nghĩa tối hậu mà mọi câu chuyện đều gợi ra vốn dĩ có hai mặt: sự tiếp diễn của sự sống, sự không tránh khỏi cái chết
Dacia Maraini đi nước kết trong Nữ công tước Marianna Ucria theo hướng sự tiếp diễn của sự sống nhưng nằm ngoài cách quen thuộc, tức là không yêu hay tiếp tục yêu và giới hạn số phận của mình gắn với cá nhân đó như phần lớn nhân vật nữ trong tiểu thuyết (và cũng như cuộc đời này, phần lớn phụ nữ thường hành xử đời họ theo cách mẫu số chung ngay cả khi không tìm thấy hạnh phúc trong con đường chung ấy, lấy chồng sinh con và khép lại dần dần mọi tò mò về thế giới, khép lại việc mưu cầu, tìm kiếm niềm vui, sự bình yên từ trong chính sâu thẳm con người mình, cái nhân cốt lõi của mình, dường như với họ thế là đủ, ngay cả khi cảm thấy bất hạnh nhưng cũng không ngừng bó rọ mình trong bi kịch ấy), nhân vật nữ công tước của Dacia Maraini chọn ra đi để nhìn ngắm thế giới sau bao năm trốn mình trong những quyển sách, sự câm lặng của miệng, của đôi tai, của số phận như bao người phụ nữ cùng thời, lấy chồng rồi chồng già và mất, nhìn cuộc đời của con cháu mình tiếp diễn, và lại tìm thấy tình yêu của mình lần đầu trong đời ở tuổi không còn trẻ… thì bà chọn cách tiếp diễn sự sống của mình bằng ra đi, bằng cách lên đường lênh đênh. Tức là bước ra khỏi thế giới tưởng tượng, thế giới nhìn thấy của giới nữ. Đây là nước kết khiến tôi chú ý tới Daciai Maraini, dù nước đi này không mới (tôi không nhớ nó đã là nước đi của những nhà văn nào, nhưng chỉ biết rằng nó không mới với tôi) nhưng với câu chuyện rất nhiều nữ tính và đặc biệt đẹp ở sự trôi của thời gian qua người phụ nữ đã khiến tôi lưu tâm vô cùng. Để đọc Dacia Maraini thì phải nói nó xuất phát từ sự chú ý tới Alberto Moravia qua một tập truyện ngắn đặc biệt thông minh Những câu chuyện thời tiền sử, và tôi biết hai nhà văn gắn bó với nhau gần 20 năm, từ đấy mới đi lục tìm Nữ công tước Marianna Ucria sau 6 năm quyển tiểu thuyết nằm trong phòng không được mó tới thì tôi mới nhìn ra Dacia Maraini tuyệt vời như thế nào ;)
Hai quyển của Dacia Maraini có bản dịch ở VN (ảnh). Cảm ơn dịch giả Trần Thanh Quyết rất nhiều ạ.
Nếu ở tiểu thuyết Nữ công tước Marianna Ucria ta nhìn thấy một thế giới của nữ công tước từ lúc nhỏ bị mất đi tiếng nói của mình và âm thanh, sự câm lặng hoàn toàn về âm thanh đưa đến những cảm nhận về mùi hương được miêu tả đặc biệt đẹp, thế giới thinh lặng ấy được nữ nhân vật gửi gắm vào hết các trang sách trong thư viện của mình, bà ấy tưởng tưởng, mường tượng, vẽ nên thế giới từ những nhân vật, vùng đất, các quan niệm của các triết gia… ở chính trong vai trò người vợ, người mẹ, người bà, sau khi chồng mất là người tình và tiếp diễn cuộc sống bằng nước kết lên đường, ra đi lênh đênh trên biển ngắm nhìn và tìm hiểu thế giới với con tim làm đòn bẩy
thì ở tập truyện tranh Thế giới đêm của đồ chơi (nghĩ ngay đến Andersen vĩ đại của tôi), thế giới của cô bé Giulia gần 10 tuổi chỉ biết chúi mũi vào sách bỗng một đêm không ngủ trong căn phòng của mình được dựng dậy bởi các món đồ chơi mà cô đã thôi không chơi chúng từ lâu, cô bé bỗng tham gia vào thế giới ấy với cương vị ngang hàng với chú lính bằng gỗ, cô búp bê bằng vải len, người thổi sáo bằng dây cót, lão thương gia gãy rụng tơi bời… tất cả những hoạt động ấy được Dacia Maraini viết lại dưới dạng truyện tranh, như bà chứng kiến nó qua lỗ khóa (giống tên một tiểu thuyết hem hehe) mà trong đó, một đêm như bao đêm, thế giới bỗng nhiên xảy ra chuyện gì đó như một giấc ngủ mộng du của bé gái 10 tuổi, ở căn phòng quen thuộc của cô như bao ngày trước đó, cô không chỉ chứng kiến thế giới đồ chơi ấy tự tìm cách giải quyết với nhau mà cô tham gia vào cuộc nổi dậy của các món đồ chơi, cô hành động tìm kiếm và sửa đổi các giá trị về thế giới mà một cô bé 10 tuổi có thể có (giống Pippi của tôi quá <3 span="">)… Nó là sự không dừng ở nhìn thấy thế giới mà nhất định phải hành động, cho dù khi ánh sáng ló rạng, thế giới lại trở về là thế giới của cô bé 10 tuổi nói với mẹ, mẹ không tin, vẫn phải mẹ đánh thức dậy, hò đi học nào
Thế giới của giới nữ ở Dacia Maraini không chỉ dừng ở tưởng tượng, mường tượng, nhìn thấy mà nó còn phóng chiếu một sức mạnh, qua lỗ khóa căn phòng đọc sách, qua trang sách, là sự lao đi nhìn ngắm thế giới, tìm kiếm các giá trị, và người đọc lúc này đóng vai trò như người kể chuyện (tác giả) lại nhìn qua lỗ khóa theo dõi câu chuyện bắt đầu khi đêm xuống, khi thế giới lặng thinh rút vào lặng thinh và đóng lại khi bình minh len lên, khi thế giới lặng thinh nhưng xáo trộn không ngừng
Ps: cái này là sự chú ý của riêng tôi về Dacia Maraini, về thế giới tưởng tượng, thế giới nhìn thấy của giới nữ. Và mục đích cuối cùng là để Nữ công tước Marianna Ucria được chú ý lần nữa (tôi có viết một văn bản ngắn về tiểu thuyết nữ tính tuyệt vời ấy, cũng ở trong album này) mà tôi biết thừa là tình trạng vẫn sẽ như cũ thôi, rất ít người đọc Nữ công tước Marianna Ucria.
Tớ cảm ơn cậu rất nhiều, Đệ Anh <3 span="">

11.5.17

We walk in fields of gold



[Hôm nào có thời gian mình phải tìm hiểu về việc này, xem nó có phải giấc mơ thường gặp của những người phải chia xa với người thân, người thương yêu không. Trong suốt 5 năm qua từ lúc M mất, mình hay mơ mình và M nắm tay nhau đi, chạy, chơi đùa trên cánh đồng lúa, thời gian đầu gần như ngày nào cũng mơ, về sau có cách nhật và khoảng hơn năm gần đây thì lâu lâu mới mơ. Một nhân vật chính trong quyển sách dưới đây cũng vậy, nó là điều mình nhớ nhất nên mình dùng nó làm nhan đề cho văn bản này]

Phải nói ngay từ đầu rằng mình thất vọng với Tôi du hành một mình của Samuel Bjork. Nếu nó là trinh thám Mỹ thì mình sẽ không thất vọng nhiều vì Mỹ không phải là cái nôi tạo ra được giá trị gì đáng kể, ngoài sự nhảm nhí và chốc lát. Tôi du hành một mình là trinh thám Bắc Âu, rất đáng để kỳ vọng, sau đó tác giả lại được so sánh với Stieg Larsson và Jo Nesbo, hai cây viết mình đánh giá rất cao, không chỉ trong mảng văn học trinh thám mà ở văn học nói chung, chất văn ấy không phải ai cũng làm được.

Cốt truyện của Tôi du hành một mình không tệ: Năm 2006 một bé gái sơ sinh bị bắt cóc tại bệnh viện. Sáu năm sau, một bé gái sáu tuổi bị treo lơ lửng trên cây bởi sợi dây nhảy quanh cổ, cô bé mặc kiểu váy búp bê kỳ lạ, lưng đeo cặp sách và một thẻ có dòng chữ: Tôi du hành một mình.
Khi đó, nữ cảnh sát điều tra tài năng Mia Kruger đang ở ẩn cô lập mình ngoài biển, dùng rượu và thuốc ngủ đếm ngược đến ngày cô ấn định chết (tự tử), ra đi theo người chị gái song sinh. Người cấp trên, một đồng nghiệp thân thiết Holger Munch xuất hiện mang theo những bức ảnh vể nạn nhân, cô bé mặc váy búp bê. Ngay khi phát hiện vạch khắc số 1 trên móng tay cô bé, Mia đã biết đây chỉ là khởi đầu của chuỗi án mạng, dù chỉ còn ít ngày là đến thời điểm cô chọn kết thúc cuộc sống nhưng cô đã đồng ý quay trở về Oslo cùng đồng đội đối đầu với kẻ sát nhân xảo trá. Sau những phút căng thẳng nghẹt thở, cuối cùng quá khứ tìm về, mục tiêu của hung thủ không chỉ nhắm vào những bé gái 6 tuổi, mà còn vào chính cô, Mia…

Cốt truyện hoàn toàn có thể lôi kéo bất cứ độc giả trinh thám nào, nhưng tại sao lại gây thất vọng
1, Chất văn: với bất cứ thể loại nào, tôi đều chú trọng đến tính chất văn học của nó, Tôi du hành một mình chỉ cần đọc khoảng 5 trang đã thấy việc đặt Samuel Bjork gần Stieg Larsson, Jo Nesbo để so sánh là ngớ ngẩn rồi. Samuel Bjork viết kém chiều sâu hơn hẳn, tư duy văn học không mạch lạc. Cũng với những tình tiết, chi tiết nhỏ khắc họa nhân vật để tạo chiều sâu khi dựng những nét đầu tiên cho nhân vật ra mắt độc giả thì chiều sâu ở Tôi du hành một mình chỉ mang tính hình thức, khó lòng lấy được điểm của độc giả sói già, cáo già. Nhưng tôi không vì thế mà buông bỏ sách, tôi biết có nhiều người viết có mở đầu không mấy ấn tượng nên tôi kiên trì tiếp tục. Sau khi bỏ qua lỗi văn học kém chiều sâu, tôi đọc nó với mục tiêu, hy vọng nó là một truyện trinh thám chắc về cấu trúc, tư duy logic mạch lạc, và tôi đi được đến trang 200, tương đối ngon lành vì độc giả trinh thám Bắc Âu hiểu rằng, đặc điểm chung là dựng rất nhiều nhân vật phụ, mỗi nhân vật phụ tham gia với một vai trò nhân chứng, nhân chứng thứ cấp, một đường tơ nhện vòng ngoài... đều có một chương ngắn, qua đó phác những nét về đời sống, văn hóa, tập tục của đất nước trong bối cảnh câu truyện, nên nửa đầu truyện dành cho chân dung các nhân vật, tình tiết vụ án... ở đây tương đối cuốn hút. Vậy là đi được ½ truyện không mấy khó khăn, nó làm tôi liên tưởng nhiều đến cô gái điều tra trong Kẻ nhắc tuồng, dù kém hơn nhiều, nhưng nó có nét hao hao.
2, Về tư duy logic trinh thám: rơi vào nửa sau truyện, càng đọc càng thấy các nhân vật điều tra bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng, thậm chí kém nhạy bén, điều tra rối mù, linh cảm của nữ cảnh sát điều tra, người được vẽ ra ngay từ đầu là đã từng rất nhạy bén, nhưng trong Tôi du hành một mình, cô xuất hiện sau một thời gian tự đầu độc mình bằng rượu và thuốc ngủ nên lúc nào cũng lơ mơ, chậm, không lấy lại được phong độ của mình. Công sự cũng chính là cấp trên của Mia, Holger Munch được vẽ nên cũng như phần lớn các nhân vật điều tra của trinh thám Bắc Âu tôi yêu thích nhưng ông cũng kém trong tư duy phá án, linh cảm bị mờ. Đến nửa sau truyện, lỗi viết kém mạch lạc, tư duy logic rối rắm càng thể hiện rõ đây là một tiểu thuyết mở màn cho series gây thất vọng, tác giả kém chuyên nghiệp trong việc vạch định bộ khung của truyện, phân tách các nhánh nhân vật cũng như mục đích của hung thủ, chính vì lỗi này mà khi nhìn lại truyện sẽ cảm thấy truyện có rất nhiều lỗ hổng dẫn đến việc thấy nó vô lý đến buồn cười về nghiệp vụ cảnh sát điều tra, về tư duy của người điều tra phá án (quên đi chi tiết về người phụ nữ một mắt xanh một mắt nâu), về mục đích cuối cùng của hung thủ nhất là khi lại vẽ ra hung thủ đã lên kế hoạch và tiến hành từ nhiều năm trước. Nửa đầu được viết chậm, đôi khi cảm thấy hơi không cần thiết bao nhiêu thì nửa sau lại thiếu hụt bấy nhiêu, có cảm giác muốn cầu khẩn tác giả, xin người chèn thêm vào đây giúp độc giả một hai chương cho đỡ lỏng lẻo. Tôi vẫn luôn nói kết truyện được xem như nước kết, không có kết truyện tốt thì sẽ cho độc giả cảm giác rất tồi tệ, vì nó ập đến ngay sau khi đọc giả hoàn thành một quyển sách, kết của Tôi du hành một mình được viết như cho có, vô lý đến nực cười, chi tiết cô bé nạn nhân thoát chạy ra ngoài có cảm giác như của một cô bé 6 tuổi tưởng tượng về thế giới màu hồng, tức là khi rơi vào tay kẻ sát nhân hàng loạt thì ta cứ vạch kế hoạch luồn lách, lẩn trốn, co giò chạy là sẽ thoát ấy :’)

Vì hai lỗi chính này, rất nhiều khả năng tôi sẽ không tiếp tục theo đuổi series về Holger Munch và Mia Kruger, dù tập đầu tiên trong một series nếu không gây bất ngờ tạo sự chú ý thì có thể sẽ viết rất non tay, điều này thường gặp, có nhiều mở màn của series không mấy ấn tượng nhưng càng về sau tác giả viết càng lên tay, tôi biết thế nhưng vẫn cảm thấy không mấy tin tưởng vào Samuel Bjork, vì văn chương này thực sự không có nét riêng. Thà cứ viết như bản sắc Mỹ Lee Child đi, kiểu viết chuyên nghiệp ngắn gọn nắm bắt thị hiếu độc giả có khi lại hay. “Bạn có thể giải bằng phân số hay giải bằng phương trình, nhưng cách của Giông-giống không phải là cách của Từa-tựa. Bạn có thể vặn, bạn có thể vẹo, bạn có thể cào, nhưng cách của Na-ná không phải là cách của Hao-hao!”. Mình cứ là mình có khi lại tốt, cứ hao hao na ná giông giống thì kiểu gì cũng mất bóng :p
Cái được duy nhất của tôi khi đọc tiểu thuyết trinh thám này, đó là phát hiện mình ngu thậm tệ, điều này tôi phải cảm ơn lần gặp gỡ tháng tư vừa rồi, chỉ bằng vài câu nói liên kết giữa các chủ đề trò chuyện, con người tôi có sự thay đổi lớn, giống như một đứa trẻ học vo, tôi như đứa trẻ vẫn luôn dùng linh cảm của mình suốt những năm qua, dùng trái tim làm đòn bẩy để làm gì đấy nhưng không thực sự biết tại sao mình lại làm thế được, nay được nghe vài câu nói vô tình nó cứ đọng lại trong đầu và tôi dùng nó làm kính chiếu yêu :))). Các bác đọc trinh thám mà biết tôi, đều biết rằng tôi luôn thích những nhân vật điều tra phá án ngẫn ngớ ngẩn, lúc nào cũng lơ tơ mơ… tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có cái gout zẩm như thế về đàn ông (phụ nữ), cho đến lúc tôi đọc quyển tiểu thuyết này thì tôi như bừng tỉnh ra: Tôi suy nghĩ được về mình, về chuyện là những khi tôi im lặng, khi tôi không nói, khi tôi ở một mình, thì, các nhân vật điều tra tôi thích cũng vậy, họ không nói dù rất có khiếu hài hước, nhưng họ luôn như sống trong thế giới của riêng họ, vì sao vậy :))), vì khi không nói, người ta suy nghĩ được nhiều hơn, đấy chính là lý do các nhân vật tôi thích, họ luôn bết bát, vì họ bị các suy nghĩ trĩu nặng trong đầu và họ hiểu, chỉ có cách để nó trĩu nặng trong đầu như treo những sợi tóc trên da đầu cho đến khi nó thật dài, dài đến một độ nào đấy khi không còn trĩu nặng nữa, khi đã thông suốt một chi tiết, một mảnh ghép, một điều gì đấy thì cũng là lúc có thể cắt tóc ngắn đi được rồi :p.
Giải quyết được việc tại sao mình cứ thích những người ngẫn ngớ ngẩn u hoài khiến tôi vô cùng sảng khoái