Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

25.7.24

đọc

 



hôm trước một bạn fb có bảo hôm nào tú viết về hành trình đọc sách đi, từ lúc nào, bắt đầu với sách gì, từ lúc nào biết định hình đọc tác giả nào, tác giả nào yêu thích etc. tất nhiên là tú không chơi được nội dung í rồi. Nhưng có một gợi ý sách cho chủ đề và những câu hỏi trên, một quyển sách thường thức thôi, dùng "thường thức" vì nó là kiểu sách "vỡ đất" mảnh đất trước khi tiến hành làm tơi đất để cày bừa trồng trọt: Thú đọc sách của Charles Van Doren. Theo cách nhìn nào đấy thì Doren và người đọc thiết lập một phòng đọc chung, Doren đọc sách cùng ta trong khi ta đang đọc chính những bình luận của ông về mỗi tác giả


quyển sách có bố cục:

- lời đầu sách của tác giả - câu chuyện về hành trình đọc của một cậu bé đã bắt đầu như thế nào, cho đến tận lúc cậu bé thành học giả, hay sau đó, không làm gì nữa, chỉ đơn giản tuổi già nghỉ ngơi, họ vẫn là một người đọc [đọc cùng vợ]; một hành trình không vắng bóng người thân, ở đây là người cha, luôn mua sách tặng bất kỳ dịp nào, không khuyến khích cũng không ngăn cấm việc quá hăng say đọc của con trai mà chỉ mong cậu bé hãy có lúc buông sách ra và ra ngoài với các hoạt động ngoài trời... và như tác giả có đúc kết, hãy đặc biệt dành nhiều thời gian hơn cho các tác phẩm đã ra đời ít nhất 100 năm và vẫn còn tham gia vào dòng chảy văn chương - đời sống


- phần tiếp theo là phần chính khi Doren tiến hành chia lịch sử văn học, các tác giả ông gợi ý đọc thành các thời kỳ, 15 thời kỳ [việc chia các thời kỳ và lý do chia thành các thời kỳ với tên gọi như: Thời đại Hoàng kim, Sau Sụp Đổ, Thời đại Bạc của Đế Chế, Thời Trung Cổ... cho đến gần hiện tại với tên gọi Mới hôm qua... có cách lý giải hay, đó là một cách chia mang tính cá nhân, đồng thời cũng là công trình học thuật theo cách hiểu, nghiên cứu của Doren] và mỗi thời kỳ, ông sẽ chọn ra những cái tên gắn với những tác phẩm ông cho là điển hình, có giá trị - theo lựa chọn cá nhân; rồi nêu nhận định đánh giá, bình luận của mình về những tác giả tác phẩm ấy, đôi lúc sẽ gắn thêm nhận định của tác giả khác về đối tượng của bình luận [ví như Thời đại Hoàng kim với Homer, Doren bình luận Iliad và nhắc đến Simone Weil bình luận Iliad]


ở phần này liếc qua mục lục đã thấy 2 cái: 1, ở phần Trung Cổ, sao lại xuất hiện cái tên Joseph Bédier [nửa sau thế kỷ 19 - nửa đầu thế kỷ 20] bên cạnh Augustine, Dante, Aquinas; 2, Henning Mankell của tôi bị in thành Nenning Mankell. Khi tiếp tục vào nội dung của phần chính này, sẽ có những lựa chọn hết sức kỳ lạ của Doren, thí dụ Thomas Mann của tôi lại không thấy nhắc đến Gia đình Buddenbrook, Rousseau của tôi lại chỉ có thiên về chính trị luận chứ không có văn chương, đặc biệt Balzac tuyệt đối thiếu khi chỉ chọn mỗi Lão Goriot hay Dostoievski tri kỷ của tôi lại chỉ có Tội ác và trừng phạt, Henry James sao có thể thiếu Những người châu Âu... cũng chính ở cái phần dễ lòi đuôi này nhất, dịch giả của nó không phải độc giả văn chương, người hiệu đính cũng chả hiểu đứng hiệu đính làm gì. Thế nên nó là một cú đúp, tác giả đọc chưa đủ nhiều cho công trình này, sự lựa chọn của ông bị bó hẹp, không tinh, và dịch giả của nó thì không phải độc giả văn chương, cứ nhìn tên các tác phẩm bị dịch sai là biết, có thể dịch sai vì khả năng ngôn ngữ vì không đọc không thâm niên đọc, nhưng nếu đọc ở một mức tầm trung thôi thì sẽ không dịch sai được tên các tác phẩm í, và một cách dễ dàng nhàn nhất là đã đọc chúng bằng tiếng Việt thì biết cái mình đọc là gì, khi dịch sách sẽ có căn cứ để khó sai [chưa nói tới phần nội dung từng cái tên, dịch giả hiểu sai ý của tác giả Doren viết, nên dịch luẩn quẩn]


- phần cuối của quyển sách Doren xây dựng kế hoạch đọc sách 10 năm cho một độc giả, mang tính gợi ý các đầu sách đọc mỗi năm và ưu tiên tác phẩm cổ điển, kế hoạch này ai bỡ ngỡ đang không có hướng đi thì theo; có một ý tôi thấy an ủi cho tất cả những cơn lười đọc của người biết chữ: không cần gấp gì, nếu người ta đọc 10 quyển này trong 1 năm thì mình có thể dùng 2 năm cho 10 quyển í; cái này là ý của tôi: miễn ta sẽ làm đúng cam kết ban đầu, không nhất thiết 10 năm mỗi năm 10 quyển, 5 quyển/năm cũng ảnh hưởng hoà bình thế giới gì đâu, miễn lên kế hoạch thì phải đọc như một cam kết đã ký với chính mình, túc tắc đọc theo tốc độ của mình mỗi ngày, đó là một hình thức tập luyện tinh thần - một hình thức khó, sự túc tắc này sẽ bảo toàn niềm vui và tận hưởng niềm vui đọc sách ấy thay vì cắm đầu cắm cổ đọc lấy số lượng, và hãy cố gắng sống, đủ lâu, để hoàn thành từng năm kế hoạch đọc ấy; tôi nghĩ, chính vì không biết có sống đủ lâu để đọc không nên người ta thường đọc nhiều hơn 10 quyển/năm và đồng thời cũng chính vì đã tham đọc, đôi khi có ý nghĩ, không phải đọc gì nữa vì đã đọc hết rồi nên không còn gì đọc nữa, cho nó nhàn, mà người ta sợ sống lâu, vì sống càng lâu thì càng nhiều cái đọc, làm sao có thể không đọc bất cứ gì khi phải sống mà đã trót biết chữ, bất tiện thật đấy


đây là toàn bộ ghi chú của tôi có bổ sung vài chỗ, ghi chú ở điện thoại khoảng 9 năm về trước cho Thú đọc sách. Hôm nay, 9r sáng khi đang đầu bù tóc rối đứng trước gương thì người đã chuyển khoản tiền mua sách pass Thú đọc sách, gọi cho tôi, hẹn 10h hơn sẽ đến chỗ hẹn để lấy sách; thế là tôi cầm lại quyển sách để xem có kẹp gì trong sách không, thấy tờ giấy lịch ngày trong đó ghi mấy chữ: vấn đề dịch thuật biên tập, quyển sách dành cho người thích review sách mà không cần đọc sách, Trung Cổ Joseph Bedier [gạch chân chữ Trung Cổ]. Sau khi lấy tờ giấy ra, tôi làm lại 1 tour nhìn những cái tên xem 9 năm qua tôi đã đọc thêm gì, những cái tên còn lạ với tôi không [hồi đó tôi chỉ đọc những cái tên tôi biết, phải như thế để bảo toàn sự ngây thơ đọc của mình khi đến với mỗi tác giả] thì thấy mảng thời đại của Homer cho đến thời Plutarch tôi gần như giậm chân tại chỗ, chả muốn động vào, nghe thôi đã ù tai vì thử nghĩ xem tôi đang ở đây, cầm Iliad Odyssey đọc thì hình như hơi khó cho tôi nghĩ về những con người suy nghĩ thời ấy; cũng chính sáng nay tôi rửa mắt bằng stt của bạn fb, bạn là người đọc nhiều và thừa nhận khó lòng đọc Iliad Odyssey và nói luôn là chưa đọc; còn thì 13 trên 15 giai đoạn còn lại theo cách chia của Doren, tôi đã tiến đáng kể, chính vì không còn bỡ ngỡ nên khó lòng dừng lại đọc những gì Doren viết về tác giả trước đây mình chưa đọc. Tự dưng có chút huênh hoang của trẻ con biết ít mà tưởng biết nhiều, tưởng chỉ mình mình biết, đó là: thôi hoàn thành rồi, khỏi đọc gì nữa cho nhàn; từ đấy lại nảy sinh một nỗi khổ: nhưng chữ nó cứ đập vào mắt thì phải làm sao, khổ, quá khổ




bần thần




chuẩn bị đi ngủ, xổ mơ 2 đêm trước để còn đi ngủ. Giấc mơ khiến mình phân tâm 2 ngày nay


trong mơ mình đi đến một chỗ đông người và đứng nhìn lên một sân khấu kịch hay một màn ảnh rộng như sân khấu, còn mọi người thì chăm chú ngồi ghế nhìn lên sân khấu màn ảnh kia. Đang đứng tò mò vậy thì mình quay ra sau thấy nam nhân mình thích đứng hút thuốc; lúc này khi quay ra thì mình mới nhận ra, có lẽ mình đang ở một chùa hay lăng tẩm nào đấy; mình trong mơ rất khác mình ngoài đời, cô ấy tiến ra chỗ nam nhân cười tươi chào hỏi bắt chuyện, nam nhân đáp lại cũng vui vẻ tươi cười và nói với mình về 2 cái không, liên quan đến 2 quyển sách [cụ thể ra sao thì chi tiết này tỉnh dậy không thể nhớ được, chỉ nhớ câu nói nam nhân dặn nhấn mạnh mấy lần không abc không xyz nhưng là mình mà, số phận của chọn sai và sai không đúng chỗ, mình ngủ dậy quên đúng cái cần nhớ]; nói xong anh bảo mình đi cùng anh ra phía khuôn viên nơi có quán xá ngồi uống nước, ra tới đấy, từ phía hồ nước ở khuôn viên, trong bóng liễu xuất hiện một nữ nhân đang đi tới chào anh, ra là anh muốn mình và nữ nhân làm quen; cô tú ấy không giống tú ngoài đời nên cô tú ấy ghen và lẳng lặng quay lưng đi; cái pha lẳng lặng quay lưng đi này thì đúng cô tú ngoài đời thật, nếu có ghen, mà thường rất hiếm hoi ghen, hình như cũng không nhớ là mình có ghen bao giờ không, trong tình cảm ghen tuông hơi mệt, nhưng nếu khi cảm thấy buồn vì đối phương chú ý đến ai đó khác, không phải mình, thì mình đúng là sẽ chọn lẳng lặng co mình lại bặt không một âm thanh động tĩnh nào; còn cô tú trong mơ là ghen rõ và tỏ thái độ với nam nhân là em không thích và quay lưng lẳng lặng đi


giấc mơ tiếp tục bằng một cảnh khác, diễn ra tại nhà mình, căn nhà cũ 2 tầng ở mảnh đất hiện nay. Loan và mình ngồi 1 bên bàn, nam nhân từ ngoài bước vào ngồi đối diện bàn uống nước; thấy nam nhân đến mình nói: em đang định mail cho anh nói hay là... [đoạn này cắt, đó là câu chuyện sách vở] thì nam nhân cười nhạt hút thuốc bảo: 3 năm anh không liên lạc trước là em cũng không chủ động liên lạc...; nam nhân đang nói dở thì tôi sợ Loan "chưởi" tôi, vì Loan hay "chưởi" tôi giao tiếp với bạn bè lạnh lùng ơ hờ giật cục, nên tôi đứng dậy vội khoác tay nam nhân đứng dậy đi khỏi khu vực bàn nước, khuất bóng Loan [trong các giấc mơ của tôi, motif một nam nhân nào đó trách tôi không quan tâm, không chủ động hỏi han liên lạc, không chủ động bày tỏ... nó quá quen với tôi trong mơ; có lúc người trách tôi trong mơ tôi rõ mặt mũi người đó là ai, có lúc là một người lạ, có lúc tôi không thấy mặt nhưng tôi biết người trong mơ là ai... khiến khi tỉnh giấc, tôi nghĩ, sao mình hay bị trách thế nhỉ, mình ơ hờ lạnh lùng thật à, nhưng chẳng phải mình luôn để người khác được chủ động hay sao, như thế là tự do còn gì, không lẽ lại có người không thích tự do trong mối quan hệ với mình hay sao]


sau khi đứng dậy khỏi bàn nước thì vào khu bếp tôi lấy tay che vào miệng họ bảo không nói nữa, không Loan "chưởi". Họ đứng loanh quanh nhìn tôi làm một món chiên gì đấy, vì cứ líu ríu cầm tay với ôm tôi từ phía sau, nên cái món đó tôi rán cháy hết, tôi còn cứ nhắc họ đứng lùi xa tôi và cái bếp ra, không thì dầu ăn bắn, nhưng mà họ thì cứ líu ríu, thế là tôi bảo cháy hết đồ ăn rồi hay là đổi người thao tác đi, họ cũng đồng ý vui vẻ. Tôi chỉ nhớ một ấn tượng trong mơ là khi tôi thấy dầu ăn bắn tung toé, sợ họ bỏng, tôi ôm ngang bụng họ dỗ họ lùi ra để tôi làm nốt thì đó là một cái bụng của người gầy nhưng có vẻ mỡ bụng có và nó mềm của người chảy cơ bụng, chỉ là một lớp mỡ bụng ít thôi, có độ nẩy và chảy cơ, có lẽ là người u50 rồi. Sau đó tôi phải đền bù chuyện mình không chủ động liên lạc bằng cách họ cứ chỉ vào đâu thì tôi phải thơm vào đấy, mắt mũi môi... [đến đây tôi cắt đoạn kết]


khi tỉnh dậy tôi lại vẫn câu hỏi, thế là mình đang bị trách thật à, có thật là người ta trách mình không, hay mình tưởng bở rồi. Bần thần như vậy nên hôm đó tôi đã mặc ngược một cái chân váy; chân váy đó có khoá kéo và khuy cài đằng trước thì tôi cho nó ra phía sau, kéo kịch khoá nhưng chưa lên hết, tôi cố kéo nhưng không lên nốt, tôi tự nhủ khoá giọt lệ hay hỏng, mình lại sắp phải bỏ đi một cái chân váy khoá giọt lệ rồi, rồi tôi ù té chạy ra khỏi nhà đi việc; sau 3 tiếng ngoài đường, tôi trở về nhà, vào toilet và nghĩ, sao cái chân váy này hôm nay kì cục, kéo khoá xuống thì trơn thế này mà kéo lên lại mắc một đoạn; rồi tôi ăn cơm, rồi tôi ngồi đọc sách, rồi tôi nằm ườn ra đọc sách; tới đây thì cái gì đấy cộm ở thắt lưng, tôi đang đau lưng thì cộm thế này khó chịu; tôi chạy lên nhà thay cái quần khác thì lúc này cởi bỏ chân váy, tôi hay rằng mình đã mặc đằng trước ra sau và đằng sau thành trước, túi 2 bên vẫn chả cho tôi gợi ý nào từ sáng là tôi mặc ngược vì cả 2 cái túi đều là túi hộp, cái chỗ khoá không lên được nữa là đã kịch khoá và tiếp theo là cài khuy, chính cái khuy là cái gây cộm đau lưng. Tới đây tôi mới hiểu rằng, giấc mơ đã khiến tôi xáo trộn bần thần ra sao, vì cái chân váy này là một cái chân váy tôi hay mặc trong 2 mùa hè gần đây, thế mà tôi như người mất hồn không biết mặc quần áo sao cho đúng


nay có người bạn fb hỏi tôi có đi dự buổi toạ đàm này kia không; tôi nghĩ không lẽ đó là bối cảnh đoạn đầu giấc mơ hôm kia của mình, tôi đâm tò mò vì trong giấc mơ tôi gặp nam nhân mình thích; nhưng linh cảm nói với tôi rằng tôi không nên đi, nên tôi đã quyết định không đi; dẫu sao mỗi khi đi chỗ đông người cũng bởi tôi tò mò diện mạo của những người ngồi ghế nóng, xinh không đẹp không khuôn mặt hình thức hài hoà không etc. [không xinh là tôi không thiết tha gì luôn] nhưng mà buổi toạ đàm bạn fb rủ thì tôi đã tiêu hết vốn để ngắm rồi, tôi biết diện mạo họ rồi thì tôi ngắm gì nữa đây, đắng cay cho một con mèo 


ps. ảnh là hoa nguyệt quế bạn cắt ở vườn nhà bạn sau mưa gửi cho lúc 9h tối 

24.7.24

tên





Hà Nội, giấc mơ Tây phương ở Viễn Đông 

đây là sách ảnh được dịch từ tiếng Pháp, do Tổng cục thống kê Di sản văn hoá Pháp xuất bản năm 2013, biên soạn nó là 3 tác giả Pháp thuộc Hội đồng Vùng Ile-de-France, Ban Di sản và Thống kê. Sách gồm các bài viết gắn với các hình ảnh kiến trúc đô thị Pháp ở Hà Nội mà giờ đây đã trở thành di sản lịch sử có giá trị riêng biệt, có thể nói là độc nhất còn lại về quy hoạch xây dựng đô thị thời thuộc địa của Pháp ở châu Á


tôi chắc không nhớ được gì mấy từ những bài viết thông tin lịch sử vì đầu tôi không chịu nạp gì về lịch sử, thật đáng tiếc. Đọc xong quyển sách tôi thích một biệt thự kiến trúc Pháp Việt đan xen ở ngõ Tức Mặc - một cái tên lạ với tôi, tôi vừa search thì thuộc Cửa Nam, hôm nào đấy tôi phải lang thang chỗ này mới được, biệt thự đó xây dựng năm 1923, cách đây 1 thế kỷ có lẻ 1 năm, sách in 2013 cho biết ao phía trước đã không còn, giờ không biết hơn 10 năm trôi qua kể từ lúc có quyển sách ảnh này thì biệt thự đó còn không nhỉ, tôi chỉ muốn ngắm nhìn thôi 


trong này có bản đồ Hà Nội 1883, 1900 và 1936; ở địa giới Hà Nội 1936 tôi nhìn thấy chữ Khương Thượng in trên giấy - nơi tôi ở ngót nghét 39 năm từ lúc còn chưa hoài thai cho đến giờ, với hình ảnh cái hồ gần nhà mà ở đây mọi người hay gọi Ao Đình [cái ao ngay gần đình làng]; lúc ấy Thái Hà gọi là Thái Hà Ấp 🙂


Ỉn là người gửi sách ảnh ra Hà Nội nhờ tôi đăng thanh lý, khuya qua, một trong những tour review sách ảnh gần đây mỗi ngày Ỉn dắt tôi đi tour online qua messenger, là loạt sách ảnh liên quan đến các hoạ tiết khắc trên đỉnh đồng Huế [mà xuất phát điểm là nói về đồ ăn miền Tây, với con đuông dừa (thật kinh dị), con này cũng được khắc vào đỉnh đồng luôn]... vô tình cậu ta nói về tên Việt Nam, tôi cứ ồ với à, cậu ta hỏi tôi, đại ý: ủa trước giờ không thắc mắc sao tên Việt Nam ư; tôi trả lời hồn nhiên: không. Hôm nay đọc sách ảnh này, tôi mới để ý đọc mục Từ Thăng Long tới Hà Nội 1010 - 1873: lịch sử Hà Nội qua các tên gọi khác nhau. Hình như có mặt trên đời ngót nghét đôi tám, tôi mới biết tại sao tên tôi là Thanh Tú, một cách vô tình tôi nghe; chứ để tự tôi hỏi về tên gọi của mình, hình như cũng phải vài năm sau đó nữa :)

22.7.24

gaslighting




tôi thích đọc truyện trinh thám, lúc mua cả 2 quyển Lisa Jewell là mua may rủi vì hơi ngại đọc tác giả nữ viết. Ellie yêu dấu đã đọc cách đây mấy tháng và gả đi rồi, thấy bảo đấy là quyển nổi nhất của Jewell, đọc thấy ổn nên đã tiếp tục Gia đình lầu trên. Borges đã tiên đoán đúng, càng về sau càng khó kiếm được một người Mỹ [kể từ lúc Poe khai sinh ra thể loại này] biết viết truyện trinh thám mà không sa lầy vào bạo lực máu me tội ác tình dục; tôi thường chọn trinh thám Bắc Âu hoặc Anh, vì tôi vẫn tin chất phớt Ăng-lê, ví như tôi còn có thể đọc Lee Child vì ông ấy gốc Anh, không phải Mỹ 


Gia đình lầu trên có câu chuyện không khó đoán, cũng như Ellie yêu dấu; nhưng đó là một câu chuyện mình ít được nghe qua sách, ở mức độ như quyển sách khai thác: thao túng tâm lý; có thể thao túng tâm lý một nhóm người biến cuộc sống thường thấy của một dinh thự thuộc elite trở thành kham khổ dưới mác những nhà hoạt động xã hội bảo vệ môi trường, thậm chí khổ tu như một giáo phái... mọi thứ cứ dần dà từng chút một như đương nhiên là thế diễn ra từ lúc nào không hay. Nó làm nghĩ đến Ngầm của Haruki Murakami, khi tiến hành phỏng vấn những người trong giáo phái Aum, phần lớn họ đều cô đơn, mất phương hướng, hư vô, yếu nhược... muốn giao phó đời mình vào một thủ lĩnh, giáo phái với lý tưởng thủ lĩnh nói đó là tốt đẹp, thay đổi thế giới [bản án dành cho thủ lĩnh Aum là treo cổ trong nhà tù, người Nhật thật biết nghĩ ra những cách thức khác biệt; theo tính toán thì phải sau khoảng 2x-3x' thì người treo cổ mới được cho là trết thật, còn trước khoảng đó, đó là tình trạng trết giả, không thoải mái gì]


không có những chi tiết như những câu cuối bức thư Ellie để lại trong Ellie yêu dấu, thổi bùng cảm xúc, nỗi thương cảm con người; Gia đình lầu trên lại cho thấy tình cảnh một nhóm người, đặc biệt là những đứa trẻ đã có một tuổi thơ bi đát đến tàn khốc, thay đổi chúng mãi mãi, khiến người ta lại tiếp tục suy nghĩ về phận người; may sao nó có một cái kết rất dễ chịu. Cái kết này như Lời cảm ơn cuối sách, Jewell đã dành cho những editor của mình [trong xuất bản và viết lách, editor quan trọng lắm, rất rất quan trọng; khi đọc văn học hiện đại sẽ thấy đó như một equipe đọc và đọc và góp ý và sửa tác phẩm song song cùng tác giả - một hoạt động sáng tạo tham gia vào hình hài câu chuyện, một quyển sách hiện diện], những người làm truyền thông ở cả Anh và Mỹ, những thông tin có được nhờ mọi người trên fb đóng góp etc. từ đó có thể hoàn thành 3 chương cuối quyết định kết cục một kết cục đã được khởi động ngay từ đầu nhưng mang màu sắc dịu dàng hơn


và sau đây, tôi có thể ngừng tò mò về Lisa Jewell, sau 2 đầu sách - một tên tuổi trinh thám mà khi mua sách, tôi mua hoàn toàn vì thấy đó là tác giả được đọc rộng rãi, hơi hú hoạ vì tôi vốn không đọc nhiều best seller. Thấy thị trường sách trinh thám dịch ở vn đã khai thác 4-5 đầu Jewell, nhưng tôi thấy 2 là đủ với mình và sau đó, mỗi khi nhìn thấy sách Jewell, tôi không còn chút tò mò nào của một con mèo điêng đọc sách nữa



19.7.24

Saigon Chợ Lớn

 







đợt rồi một người bạn Saigon gửi cho quyển Pà Pá - mình kiếm món gì ngon ăn đi, một quyển sách ảnh tản mạn ẩm thực Chợ Lớn [bạn còn gửi nhiều loại bánh mua ở Chợ Lớn, trong đó tôi rất thích bánh trăng tròn sữa dừa của tiệm Đại Phát, tiệm bánh này cũng được nhắc đến trong sách, bạn mua bánh bà xã ở tiệm này luôn]. Quyển sách không chỉ nói về các món ăn của người Hoa ở Saigon Chợ Lớn, mà còn là không khí gia đình, nét văn hoá, sinh hoạt của họ nữa. Câu nói "pà pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi" là câu nói của mọi người trong gia đình tác giả trải qua 3 thế hệ gần 100 năm lưu lạc qua Việt Nam rồi định cư lại đây - cứ hễ chiều chiều là rủ nhau "kiếm món gì ngon ngon ăn đi"; câu nói hình thành thói quen đến giờ đứa trẻ 3 tuổi thuộc F4 của gia đình cũng nói; làm tôi nghĩ đến thói quen mấy đứa trẻ nhà tôi, cứ qua bữa trưa độ 2-3 tiếng, tức vào chiều, chúng sẽ rủ tôi: tú ơi có gì ăn vặt không, tú ơi bọn mình ăn gì đi; một không khí gia đình thật gần gũi dễ chịu, như những người bạn


nửa đầu quyển sách là các món bánh, đồ ngọt, nửa sau là các món mặn, món canh thịt. Có nhiều món ở đây tôi rất muốn thử, ví dụ bánh củ cải tôi nghe mà chưa hình dung được vị của nó; món tôi muốn thử nhất là nước mát rùa [đi vào Saigon tôi uống nước sâm dứa ngọt, đi miền Tây tôi cũng uống nước sâm rong biển nhạt nhạt đóng chai bán rong... nhưng nước mát rùa là thứ nước có vẻ nấu từ yếm rùa, giờ đây thay bằng các vị thuốc khác, gọi là nước mát, tôi rất háo hức] hay món trứng gà trà trứng gà nấu chè ăn cùng đá mát ư, thật là lạ; lại cũng có món tôi đã từng nấu mà không hay như chè mè đen [tôi nấu cho mẹ con Nếp ăn trước giờ đi đẻ con Nếp vì chè mè đen dễ đẻ] hay cải chua ruột heo của người Hoa chính là lòng xào dưa [cóong sại, trong đó sại tức là cải chua] hay người già Triều Châu thích ăn cháo trắng buổi sáng với các thức đi kèm như cóong sại... và dùng đũa lùa cháo 🙂 [mai mốt khi già, nếu cố gắng sống tới già, có lẽ tôi sẽ ăn cháo trắng/cháo hoa trường kỳ, dùng đũa lùa, ăn kèm nhà có gì ăn nấy]


món tôi muốn thử làm nhất là vịt hầm chanh muối, tôi không biết ăn vịt, nói chung thịt tôi ăn kém, nhưng tôi hình dung vịt hầm chanh muối hẳn sẽ còn vị đắng của chanh muối, tôi nấu ăn hay bị rõ vị đắng lắm :))) trong khi ngọt thì cho bao nhiêu cũng kém ngọt hơn người khác, đắng thì một chút cũng đội lên như người khác cho 10 lần đắng [thật kì diệu thức ăn nói lên tính cách người nấu chúng]. Tôi tò mò không biết ai ăn nổi vịt hầm chanh muối đắng lè của tôi, dù chỉ trong hình dung. Còn món ăn đó người Hoa làm cách nào không đắng, vị thực của nó thế nào, tôi thực muốn được nếm thứ nước dùng đó, chỉ cần 3ml chẳng hạn

[...]


đọc quyển sách tôi nghĩ lần tới vào Saigon Chợ Lớn tôi phải ăn sập Chợ Lớn các loại chè, các loại bánh, các loại bột chiên :))) chứ không thể để trượt như lần Tết 2016 tôi vào đây được. Vậy mà đã 8 năm tôi chưa quay lại Saigon, 5 năm trước tôi đi miền Tây là bay thẳng HN Cần Thơ, thời gian thật dã man không có tính người 🙂

18.7.24

paradico perduto




quyển sách ở trong nhà ngót nghét 15 năm, dẫu không phải khẩu vị của mình nhưng vẫn mua nó, vì tò mò tên sách Người thổi thuỷ tinh xứ Murano - một quyển sách có nhân vật chính là người thổi thuỷ tinh ư, nghề thổi thuỷ tinh à [nếu ai đó đọc thấy ở tiểu thuyết nào nói về nghề gốm ở Ý, hãy ới tôi nhé]


Người thổi thuỷ tinh xứ Murano đan xen 2 tuyến truyện, bối cảnh thời kỳ Phục Hưng nửa sau thế kỷ 17 và hiện tại, một câu chuyện có màu sắc thần bí lịch sử xoay quanh nghề truyền thống thổi thuỷ tinh của người dân Venice ở đảo Murano; một phụ nữ Anh xinh đẹp gác lại quá khứ như vết thương hở miệng toang hoác xuất hiện trên hòn đảo đã châm ngòi cho chuỗi các sự kiện dẫn cô cùng những con người ở hiện tại vẫn đang làm người thổi thuỷ tinh quay trở về với những ông tổ của mình - những nghệ nhân và thợ cả thổi thuỷ tinh vĩ đại thời Phục Hưng, những người như tài sản, nắm giữ nghề, kỹ thuật thổi thuỷ tinh-làm gương, bí quyết thương mại và sư hưng thịnh của Cộng hoà Venice


những câu chuyện thế này phù hợp làm phim tâm lý tình cảm, câu chuyện nhiều đất khai thác, cần chất xúc tác là diễn viên đẹp. Ngay đầu tôi ấn tượng với nhan sắc của tác giả Marina Fiorato; còn câu chuyện lại là sáng tác đầu tay nên rất dễ nhận ra tác giả xây dựng nhân vật chính dựa trên rất nhiều chi tiết cá nhân hoá chính mình, đọc nhận ra ngay, và quay lại check thì đúng thế thật


một câu chuyện không ấn tượng, nhưng nó tạo hiệu ứng là ngay sau đây tôi sẽ đi đọc lại một vệt Shakespeare [Thần khúc Dante thì phải chờ, tất nhiên tôi chờ ai đó dịch hay cho tôi đọc lại rồi, chứ bản tôi hiện có, tôi không thích], bởi tác giả Người thổi thuỷ tinh xứ Murano từng làm đề tài về kịch Shakespeare và tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử [tôi nghĩ điều tuyệt vời trong nghiên cứu lịch sử là luôn không bao giờ chỉ có một nguồn nhất định, mà nhiều; nếu dữ kiện là kim cương thì nguồn là các mặt cắt, mỗi mặt được đặt ở một góc cạnh riêng khác tạo thành tổng thể cái nhìn một viên đá quý; mỗi một tìm kiến là một khám phá riêng và tìm ra những mặt cắt của viên đá quý sự thật], cô ấy viết như nhét kịch Shakespeare vào câu chuyện với tần suất dày đặc, tôi cũng cần đọc lại The Tempest sau rất nhiều trì hoãn kể từ tháng 3 vừa rồi khi sờ đến mấy quyển Shakespeare tôi bỗng giật mình tại sao hồi xưa đọc, mình không để ý đủ nhiều đến tinh linh Ariel - một tiểu tinh linh [thần linh thì không phải, hồn ma cũng không đúng, phải gọi little spirit Ariel là gì, thôi tôi cứ để tinh linh vì cái âm từ đó vang lên hay] cầm đầu nhỏ bé tận tuỵ, vui vẻ, hiền lành, nhạy cảm nhưng không kém phần tai quái, nghịch ngợm; tôi đúng là trẻ con đọc sách 


16.7.24

pachinko




một câu chuyện trải dài 80 năm qua 4 thế hệ người Hàn ở Nhật trong một thời đoạn lịch sử điên đảo 1910 - 1989; dẫu thời gian trôi qua, cái nhìn về "ngoại tộc" của người Nhật vẫn chưa bao giờ được xoá bỏ, thậm chí còn trầm trọng hơn và ở phía còn lại, là tình trạng yếm thế của người zainichi - cộng đồng người Hàn ở Nhật. Trong tình cảnh luôn bị coi là người không thuộc về đây - nơi một cuộc sống mới, cũng không còn thuộc về đó - nơi mà ta gọi quê hương, nếu không có một gia đình đúng nghĩa, thì thật bi đát; theo nghĩa nào đấy, đại gia đình trong câu chuyện Pachinko thật đáng ngưỡng mộ, một gia đình với 4 thế hệ gắn kết, yêu thương và tôn trọng nhau - với tôi đây là một không khí gia đình thật đáng ngưỡng mộ


khi muốn hoàn thành ghi chú nằm trong điện thoại từ mấy năm trước về Pachinko, tôi không thực sự muốn viết gì vì nó đã qua lúc muốn viết gì rồi, cũng bởi tôi đọc Pachinko hồi đó vì tò mò, đó là một trong những quyển văn học đầu tiên Phanbook làm, chứ câu chuyện với tôi thì ở mức văn chương tầm tầm, đọc cho biết chứ không ấn tượng. Tác giả Min Jin Lee là một người Mỹ gốc Hàn, được biết đến với những tiểu thuyết chủ đề di dân; từng học lịch sử và luật ở Mỹ, từng ở Nhật mấy năm trước khi bắt đầu sự nghiệp viết văn tại Mỹ. Câu chuyện được viết theo dòng thời gian liền mạch, kết cấu tiểu thuyết đơn giản, câu văn ngắn, gọn, khúc chiết; nói về tư duy văn học, tôi thích những nhà văn đương đại Hàn hơn nhiều; khi nhìn lại cũng không hiểu tại sao sách lại dày tới tận 600 trang khổ to khi nội dung đặc của nó không nhiều, tác giả cũng không viết một thứ văn chương đánh đố vòng vèo gì. Tôi vừa đi search phiên bản điện ảnh của Pachinko, bản điện ảnh 2022, để xem những gương mặt vào vai các nhân vật trong truyện, thuần tuý tò mò, vì khi đọc nó tôi có một cảm giác rất rõ rằng, nếu nó được dựng thành phim thì hẳn sẽ dễ dàng hơn, có nhiều chi tiết tạo hiệu ứng và dễ khai thác được tốt hơn, so với việc tác giả kể nó qua ngôn ngữ văn học, cái này thuộc về tay nghề người kể chuyện 


trong truyện có một đoạn trên lớp văn học Anh, họ bàn luận về George Eliot, tôi nhớ mang máng thế, ở khoảng trang 345 - 347 [ngoài ra, thật hợp lý với câu chuyện chật vật sống của người Hàn tại Nhật, truyện của Dickens xuất hiện ở đây không gì hợp lý hơn] và ở đây tôi lại bắt gặp một quyển sách nếu được, tôi nên ngó qua: Cộng đồng tưởng tượng 





11.7.24

lại




mua Trở lại Babylon vì một cái tên gây tò mò nhất lúc này: Stephen Crane. Vì chưa từng đọc gì của ông. Nên khi mở sách thì vồ lấy Con thuyền không mui [The open boat] đọc luôn. Nhưng đọc được độ 2 trang truyện thì thấy quen lắm, truyện này đọc rồi, ngồi ngẩn ra không nhớ đọc ở đâu, bao giờ, lúc đầu còn nghĩ thấy quen vì nó gợi nhớ đến Hemingway. Thế là mở lại mục lục dò dò thấy Nụ cười Gioconda của Aldous Huxley, vỗ trán đét một cái; ngày xưa trong nhà có tập truyện ngắn tên Nụ cười Gioconda, bìa Mona Lisa đấy; tập Babylon này nhiều hơn tập Gioconda 3 truyện: Con bọ vàng của Poe, Thứ thiệt của James và Bữa tiệc ngoài vườn của Mansfield, 2 tập Gioconda và Babylon là một dịch giả [tôi hy vọng xuất bản hiện giờ không đi lại cách làm sách trước đây, các tuyển tập truyện ngắn chỉ đơn giản là tập hợp lại mỗi chỗ đôi ba truyện rồi in chung vào với nhau]; nhưng tôi vừa kết thúc một vệt đọc Poe thì chắc chắn có Con bọ vàng rồi, Tiệc vườn thì đã đọc đến mấy lần trước khi Katherine Mansfield hiện diện 2 tập truyện Tiệc vườn và Ở nhà trọ Đức. Thế là hoá ra từng đọc Stephen Crane rồi nhưng không nhớ; thế là tưởng có 2 trong 10 truyện chưa đọc thì hoá ra giờ chỉ còn duy nhất truyện Thứ thiệt [The real thing] của Henry James là mới tinh 


tuy nhiên, tôi vẫn đọc lại từ đầu, trừ Con bọ vàng [vì mới đọc gần đây, cả nguyên tác cả tận mấy bản dịch] và Bữa tiệc ngoài vườn [nhan đề dịch tôi không thích nên tôi bỏ qua, chỉ mở đến đoạn cuối cùng xem câu đó được dịch thế nào, lần nào cũng thế mỗi khi bắt gặp truyện ngắn này được dịch, tôi đều mở đến đoạn cuối cùng nghe 2 anh em nói với nhau mấy câu thoại cuối truyện]


vậy là tôi đọc lại 8 truyện, có mấy thứ tôi nhận ra [lại] về mình

  • mỗi một lần đọc lại gì đấy của Maugham tôi đều nghĩ: không khó chịu như mình từng cảm thấy Maugham khó chịu; trong khi Fitzgerald ở truyện ngắn Trở lại Babylon này lại nhạt, làm tôi nghi nghi giờ không biết tôi còn đọc được Fitzgerald không; đặc biệt Hemingway lúc nào cũng gây thêm ác cảm cho tôi, cứ mỗi lúc đọc lại gì của Hemingway tôi đều nghĩ mèo hiểu sao đáng ghét, khó chịu thế, chưa bao giờ chịu nổi, có lẽ của Hemingway thì Hội hè miên man là thứ tôi có thể đọc được nhất


  • Stephen Crane viết The open boat dựa trên một trải nghiệm mắc kẹt ngoài khơi của mình, đọc nhớ ngay đến Hemingway, Hemingway chịu ảnh hưởng của Crane ở mức độ nào thì tôi phải đọc thêm Crane đã. Tôi vừa search, bên Kim Đồng có tuyển tập truyện ngắn Mĩ, 17 truyện, có 1 truyện của Stephen Crane tên Lênh đênh, tôi ngờ nó cũng vẫn là The open boat


  • tôi đã từng rất thích Jack London, một cách thật thà có tí chút xấu hổ khi thừa nhận từng rất thích Jack London, có người biết thế từng cười tôi rồi, dù không sờ lại nhưng tôi biết giờ tôi không đọc được Jack London nữa nên đợt rồi đã đẩy hết ra khỏi nhà. Ở tập Babylon có một truyện của Jack London An Odyssey of the North - Kẻ lang thang phương Bắc, đọc lại đúng là không thể đọc nổi nữa, vậy tức là tôi cũng hiểu về mình tí chút đúng không


  • 3 truyện thích nhất ở tập Babylon là truyện Xứ sở người mù của Wells, truyện này tôi từng đọc ở một tuyển tập truyện ngắn in ở hải ngoại, giờ đọc lại vẫn thấy thích, hình như về nó tôi cũng từng viết gì đó. Truyện Nụ cười Gioconda của Aldous Huxley đọc lại vẫn thấy hay, một Huxley khác với Thế giới mới tươi đẹp và Vị bá tước thứ năm của giòng họ Hauberk. Thứ thiệt [The real thing] của Henry James tiếp tục một quen thuộc với độc giả của James: Vẽ; nếu có một cuộc bình bầu nào về nhà văn hiểu tâm lý con người, hiểu và viết về nó một cách cẩn trọng, ý vị như dò đường, tôi nghĩ tôi sẽ đề tên Henry James vào danh sách [có Flaubert, Maupassant... nữa]; viết đọc vừa dễ chịu vừa khó ở, đọc lúc nào cũng thấy cần đọc dè sẻn để dành, cũng chính thế nên tôi luôn tránh James vì một khi không tránh nữa, tôi sẽ đọc một vệt dài, tôi cũng mong Forma làm một lèo Henry James đi, tôi sẵn đọc, người lười nhận luôn thế cho nhanh



4.7.24

Trương Vĩnh Ký




Quanh quanh quẩn quần lối đường quai,

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.

Học thức giữ tên: con sách nát,

Công danh rút cục: cái quan tài,

Dạo hòn lũ kiến men chân bước,

Bò xối con trùng chắt lưỡi hoài,

Cuốn sổ bình sanh công với tội,

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai 


Trương Vĩnh Ký - một nhân vật lịch sử sẽ phải đọc nhiều 


quyển sách gả đi Saigon. Mọi người có bài viết nào hay về Pétrus Ký, không phân biệt cái nhìn, dán link vào comment nhé, thank youuu. Còn sách đọc thì tôi sẽ đi mượn dần 

3.7.24

xúc xắc đã gieo




Phố Academy đọc mấy năm trước nhưng ghi chú về nó cứ ở mãi trong điện thoại; gần đây quyển sách sắp gả đi Saigon mới nhớ đến nó; mở lại ghi chú mà không biết bắt đầu từ đâu hay thế nào. Chỉ nhớ cảm nhận hồi ấy khi đọc xong, gấp sách lại nhìn đâu cũng thấy thương cảm con người


nữ nhân vật chính Tess do Mary Costello dựng nên với tuổi thơ gắn với đời sống trang trại Easterfield [Ireland], người mẹ vắn số, di cư sang Mỹ, mất chị gái, mất cha, một cuộc tình ngắn ngủi với người đàn ông khép kín, làm mẹ đơn thân, cuộc sống cô đơn, mất con trong sự kiện 11/9... văn phong nhẹ nhàng, có kiểm soát, mọi sự tình dường như chẳng đến nỗi nào, thậm chí còn thấy đâu đó giữa các dòng cái cười thành tiếng chua chát, không hài hước gì ở đây, cũng chẳng bi thảm. Chỉ là một cuộc đời như bao số phận con người, ta đọc nó như sống cuộc đời ta trong trang sách và đồng thời cuộc đời đó như một cuộc đời do ai đó viết ra - chẳng phải tiểu thuyết do con người sáng tạo ra để cảm tri thực tại trong toàn bộ sự phức tạp của nó hay sao; Tess nghĩ: trong các tiểu thuyết điều Tess tìm thấy không phải những câu trả lời hay niềm an ủi giúp bớt cô đơn hay cô đơn thăm thẳm hơn, mà ý nghĩ từng có ai đó, một người xa lạ ngồi viết bên bàn, biết cặn kẽ cái mình biết, cảm nhận điều mình cảm nhận đã củng cố niềm tin của Tess, giúp bà kiên cường hơn "tác giả cũng giống ta, chia sẻ cảm xúc của ta". Và ta đọc. Đọc và thương cảm con người vì đó là cuộc đời con người, hạt xúc xắc được gieo xuống, xúc xắc đã gieo rồi


1.7.24

EORJ

 



khi quyết định mua một tiểu thuyết của tác giả trẻ, tôi thường sẽ không ngại ngần nếu tác giả đó từng theo học cử nhân văn chương, ngôn ngữ, triết học, lịch sử nghệ thuật etc.; đồng thời, cũng sẽ có chút hồ nghi 'lại học mấy ngành này à, ảo tưởng nhiều, nhiều ảo tưởng liệu viết ra gì không'; tức là sẽ có sự tò mò nhất định muốn biết người học những chuyên ngành đó, thì phải đọc nhiều và đọc nhiều thì viết, nhưng họ viết gì, viết thế nào; ít nhất, tôi không lờ đi, mà thế thì phải mua đọc thôi


Etta và Otto và Russell và James [EORJ] có cấu trúc đan xen không trật tự không tuyến tính; câu chuyện đổi điểm nhìn liên tục qua các nhân vật chính từ khi còn là những đứa trẻ lớn lên ở các trang trại, cho đến khi trưởng thành chọn ở lại hay đăng lính ra chiến trường và rồi thành những ông bà lão 83 tuổi hoán đổi vai trò cho nhau, làm những điều mình vốn vẫn luôn muốn làm nhưng không có cơ hội; cuộc đời vốn lặp lại, những người không đi và phải trông nom thì rồi sẽ đi và khám phá, đổi chỗ cho những người đã đi, thì giờ ở yên, tìm cách chăm nom tái tạo mọi thứ. Một tiểu thuyết để mở, súc tích, dễ đọc với những câu ngắn, cách viết gọn, nhịp rõ, lặp nhuần nhuyễn ở các mạch truyện không cao trào [không lạ khi tác giả là người chơi nhạc, không chỉ học, nghiên cứu mà còn chơi nhạc]. Emma Hooper không biết có đọc nhiều Borges không, nhưng đã thực hành tư duy về chính những gì mình viết thông qua cấu trúc của nó; đọc rất dễ nhận thấy, cô để câu chuyện mình viết dẫn dắt đi, không trù tính nhiều, không dựng sẵn cấu trúc; nên một cách tự nhiên-cố ý, các câu thoại nở ra ở giữa câu văn không ngoặc kép, giữa đoạn văn như không dự tính, giống khẩu ngữ [mà người ta thường nói đó là cách của Cormac McCarthy]; và khi đã như thế, để cái mình viết dẫn mình đi, các nhân vật, hiện tại - quá khứ - tưởng tượng thoải mái đan cài nhau dẫu tình tiết tăng đột ngột hay chùng bất thường, niềm vui hay nỗi buồn đau đều có thể bảo toàn thế cân bằng ban đầu - như cách nhân vật chính Etta mất trí nhớ ngắn hạn mỗi sáng thức dậy


just remember to remember, remember to breathe


ps. quyển sách ít ngày nữa gả đi ven đô