2 quyển đều xoay quanh Nam Ý, mafia Nam Ý những năm 80-90 của thế kỷ 20 kéo đến những năm đầu thế kỷ 21 qua cái nhìn của nhà văn và nhà báo ha ha ha :p. Nam Ý là vùng đất bầm dập vì bị tra tấn bởi chính những kẻ được sinh ra ở đó và chỉ biết yêu thương nó trong máu và chết chóc. Miền đất lửa này được nhà báo ví như Gomorra [Gomorrah] - thành phố trong Kinh Cựu Ước bị Thượng Đế trừng phạt vì những tội lỗi của dân chúng
Thiên thần mù - tập truyện ngắn mafia - 15 truyện ngắn của nhà văn Maroc viết tiếng Pháp; Tahar Ben Jelloun đến Nam Ý, Sicilia với thủ phủ Palermo và vùng phụ cận theo đề nghị của một tờ báo, đi để viết bài song cũng không hẳn mang tính chất công vụ báo chí hay hẳn là du lịch, đây là Nam Ý mà, nơi người ta thường nghĩ đến bất hạnh và bị nguyền rủa; ông đi cùng một người bạn là dịch giả, chuyến đi không dự kiến thời gian vì lúc này đang bế tắc sáng tác [nếu đọc một vài quyển của ông sẽ hiểu bị nhân vật trong tiểu thuyết của mình hành hạ là thế nào, đôi khi nhân vật dỗi và phải có thời gian hoà giải thôi :)] nên giống như vừa đi vừa kể chuyện, để các nhân vật - có thể là người thật việc thật của địa phương - dẫn dắt sự chú mục ngây thơ, thậm chí vô tội của nhà văn, một người ngoài cuộc hiếu kỳ quan sát nó. Kết quả là 15 truyện ngắn trong Thiên thần mù. Vì thích 4/15 truyện ngắn và hứng thú với vùng đất Nam Ý phong cách đảo, tự trị, ven biển, núi lửa, mafia... tức là một mảnh đất chết chóc, nên tôi sực nhớ ra trong nhà có một quyển mafia Ý tên Gomorra [Bố Già, có thể nói tôi gần như không đọc tí nào, phim xem bập bõm nhớ mỗi mặt 1 diễn viên do mọi người hay dùng hình ảnh của anh ta nên tôi nhớ, ngại quá :p]
Gomorra của Roberto Saviano là một thiên phóng sự thâm nhập vào đế chế kinh tế và giấc mơ thống trị của Camorra* [* các gia tộc, Hệ Thống, mạng lưới mafia có tổ chức và vận hành thứ bậc nghiêm ngặt, quy mô toàn thế giới] ở Nam Ý, Campania và vùng ven biển. Tác giả trẻ thôi, giờ khoảng 40 tuổi, học triết tại Naples, sách xuất bản năm 2006 và từ đấy tác giả bị truy sát toàn lãnh thổ, phải sống dưới sự bảo trợ của các lực lượng chức năng Ý [một dạng như chương trình bảo vệ nhân chứng]; không biết hiện giờ anh ta sao, thấy có tham gia viết kịch bản series phim truyền hình Gomorrah. Ngay chương đầu tiên về cảng Naples, tác giả sống dưới vỏ bọc một thanh niên đi tìm việc và nhận bốc dỡ hàng ở cảng; các chương sau có chương là con nghiện, có chương làm thợ xây, có chương đi tìm chân trời mới và dẹo sang Scotland... vì mafia Ý chính là không buông tha một mặt trận nào: vũ khí, ma tuý, xây dựng, may mặc, điện tử, xử lý rác thải, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, bệnh viện, chính trường... tay của Comorra quá dài. Sách xuất bản cách đây hơn một thập niên rồi, nhưng vấn đề vẫn nóng như lò luyện đan, ví dụ như không ai nghĩ rằng mức tăng trưởng những năm đầu 2000 của các gia tộc từ xử lý rác thải, kinh doanh rác lại sánh ngang ngửa với hoạt động của thị trường cocaine... rất nhiều kịch bản có thể nghĩ tới, có thể không, nhưng khi nó là phóng sự, mang tính báo chí thì không khỏi rợn gáy
có điểm này, Tahar Ben Jelloun là nhà văn và được đặt hàng viết phóng sự thì lại tạo ra văn chương, tập truyện ngắn ấy làm tôi nhìn thấy con người Nam Ý, tôi nhìn thấy đảo, miền đất lửa... nhà văn từ một vùng đất khác tới [cái nhìn của đất liền] bị ném vào thực tế của vùng tự trị, ông nhìn thấy nguyên dạng sự vật mà chính những người dân bản địa không còn phân biệt nổi nữa vì nó là câu chuyện hằng ngày, tức là văn chương hư cấu bằng những nguyên liệu thực tế, như chính ông nói "bước khởi đầu của văn học là đánh cắp vẻ ngoài của sự thật"
còn tham vọng của phóng viên Roberto Saviano là tạo ra một thiên phóng sự miêu tả, phản ánh sự suy tàn của vùng đất này dưới sự kiểm soát của đế chế Camorra; rất nhiều con số và thống kê, người ta thường cho rằng con số, thống kê... đại diện cho sự thật, phản ánh sự thật, nhưng những đoạn thật nhất trong thiên phóng sự Gomorra lại chính là những đoạn mô tả không kèm con số :), những đoạn dài dòng ngoài lề không nằm trong sườn bài, dường như đọc thiên phóng sự này không phải để nhìn thấy con người Campania và vùng phụ cận, mà là để nhìn những xác chết, có vô số cái chết và chết man rợ
câu chuyện lúc này sẽ đến với một câu nói được cho là của Oscar Wilde [dù tôi tìm không ra nguyên tác, nhờ người mê Wilde tìm cũng không ra luôn], đại ý: báo chí luôn muốn tiếp cận hiện thực nhưng kết quả của nó lại xa sự thật; văn chương là hư cấu nhưng kết quả của nó là hiện thực
p.s: người trung thực thì mới nguy hiểm các cụ ạ [hình như cụ Nietzsche bảo xế]. Vừa search phát thấy anh tác giả Gomorra có tham gia viết kịch bản cho series phim Gomorrah, tài thật, theo như ảnh nói thì chính vì có phim ảnh về mafia mà các ông trùm cùng thuộc hạ biết cách thể hiện hình ảnh của mình [nhờ xem phim nên các tay súng bắt đầu kết liễu kẻ khác phải dùng đến 2 viên đạn, vì 1 viên đầu bắn trượt do mải biểu diễn theo các tư thế cầm súng trên phim ảnh :)))] thế rồi giờ thiên phóng sự của ảnh đưa lên phim truyền hình. Wth wtf xế mà nà nghệ thuật ư
mai mồng 2, lại đi một bước nữa, chắc chả có thời gian đọc sách nổi, ít nhất cũng tạm dừng 2 tuần :); mấy nay nghĩ về 1 ông nhà văn 1 ông nhà báo xử lý cùng 1 vấn đề; từ đấy tòi ra tiếp 2 hướng dang dở
- vai trò ráp nối văn chương và báo chí của Khái Hưng Trần Khánh Giư [Giữa] những năm 20-30 của thế kỷ 20
- báo chí nhìn vào văn chương tức là nhìn sự thật, có hay không; triết học nhìn vào văn chương [triết học trực giác, triết học cảm năng...] nhưng nghe sự thật, nhìn sự thật đi đến viết sự thật, miệng nói sự thật thì lại rơi vào cái hố, không, là cái bẫy, bẫy ngôn ngữ. Nói như Heidegger: ngôn ngữ có khả năng phản bội chúng ta 🤣