Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

9.1.25

sốt


so với nhiều tiểu thuyết đề tài lò thiêu, nạn diệt chủng người Do Thái thì Cơn sốt lúc bình minh là một quyển dễ đọc [ngay cả khi so với 2 quyển văn học Hungary cùng đề tài, đều do GVC dịch (Không số phận, Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời) thì nó lại càng nhẹ, như bông gòn]. Đề tài bối cảnh này, sức nặng vẫn là những chi tiết liên quan đến giai đoạn đen tối đó, đôi khi nó chỉ là nửa câu văn, một vài chữ, một chữ, hay chỉ là một khoảng trống không gì cả nhưng đủ nói lên điều đã xảy ra. Quyển sách này cũng vậy; lời kết của nó cũng gây ấn tượng cho tôi hơn bản thân câu chuyện tình và khát khao sống của những người trẻ tuổi trong thời đoạn lịch sử đen tối ấy

nội dung của nó đã được nói gần như đủ ở text bìa sau của quyển sách. Mở ra đọc tất nhiên không còn gì nhiều, nhưng vẫn phải đọc, chẳng phải sao, song tôi không hy vọng gì. Người viết nó là đạo diễn, Gárdos Péter, ông nhận lại chồng thư của bố mẹ mình ngay khi bố mất và khởi sự viết câu chuyện của bố mẹ mình, hoàn thành sau 10 năm. Đọc câu đầu tiên thấy tác giả chọn xưng "cha tôi" làm chủ điệu là thấy một lựa chọn văn chương kì lạ rồi, thấy tiếc luôn rồi, và vì quá quen với ngôn ngữ điện ảnh tham tình tiết nên khi viết tiểu thuyết Péter đã giữ đặc sản điện ảnh này cho ngôn ngữ văn học, tạo ra một tiểu thuyết với tôi là bị phí. Với ngồn ngộn đất thế này, vào tay nhà văn khác, câu chuyện có độ vươn nẩy tốt [quyển sách này ngay tay gấp trước đã có lỗi câu, đi tầm 20 trang lại thêm lỗi nữa ("mép giường" thành "m giường") khiến tôi ngập ngừng, tôi hay sợ sách biên tập sót nhiều lỗi]

Tôi đã nghĩ người ta nhận phán xét lá phổi chỉ cho phép sống 6 tháng thì phải có lý do gì đặc biệt lắm cho nỗ lực dùng thời gian còn lại để viết thư gửi tới 117 cô gái [nếu tôi nhớ đúng] chứ; nhưng khi đọc tới câu "muốn lấy vợ" tôi mặt đần thối ra, tôi xuẩn hay thế giới ngông cuồng thật rồi; chỉ có 6 tháng để sống mà người ta cống hiến nó cho sự nghiệp lấy vợ á. Và câu chuyện này chắc chắn hư cấu đâu đó, điều ấy đương nhiên, nhưng có những mốc thời gian là thực, nó là minh chứng đã gặp rất nhiều, rằng, nhiều khi bác sĩ tuyên án tử nhưng trước khi thi hành án tử thì nhiều người phải qua án sống chung thân hơi bị dài, như nhân vật chính của truyện là đã sống 52 năm có lẻ kể từ lúc bác sĩ hô chỉ sống được 6 tháng

sốt cũng tốt, nó là phản ứng cơ thể. Trong cơn sốt tất tật đều tệ hại, thế giới như ốm to. Sau cơn sốt, mọi thứ dường như sáng rỡ, bừng tỉnh hơn, thế giới có màu khác. Nếu có nó để làm ranh giới phân định các chu kỳ mê man rồi bừng tỉnh, như chết và còn sống etc. cũng tốt :) [mỗi khi nghĩ đến một cuộc sống treo với án như vậy, tôi đều nghĩ đến Núi thần, dẫu đó gần như là tôi ghét nhất trong những gì Thomas Mann viết, nhiều đoạn nhân vật nam chính của Cơn sốt cũng làm tôi nghĩ đến Núi thần]. Tên quyển sách, ngay từ text bìa đã cho tôi biết câu chuyện theo hướng nào, nhưng cái tên ấy vẫn khiến tôi tò mò. Tai hại thật cái con mèo tò mò này

6.1.25

lưu đày và sự sống



tập truyện ngắn của Angela Carter gồm 11 truyện có thể xem như một tập các truyện kể cổ tích theo phong cách Carter mang màu sắc Gothic. Người đọc luôn có cảm giác ngay khi vừa đọc từng truyện rằng, mình đã nhận ra truyện ngắn này Carter đang kể câu chuyện cổ tích, dân gian nào, nhưng truyện kể của Carter lại được khai thác theo lối đi âm lạnh của chốn thiếu ánh sáng, phá bỏ giới hạn về trí tưởng tượng của một người khi nghĩ về những câu chuyện cổ tích mình từng nghe [qua tập truyện ngắn này, khi tìm hiểu tôi mới hay rằng nhiều truyện cổ tích, dân gian có dị bản khác xa với nội dung mà ta vẫn thường quen, ở đây nên nhắc đến Charles Perrault]. Carter có một trí tưởng tượng, tôi dùng từ bạo liệt; những truyện kể của Carter làm tôi nghĩ đến một người - hầu tước Sade; màu sắc của kẻ đồ tể dịu dàng, hay sự tương đồng của nhân tình âu yếm và kẻ tra tấn chăm sóc [Baudelaire], hay kết cục của lưu đày hành xác là kết cục của sự sống [nói theo Leopardi thì thế giới cũng như phụ nữ, thuộc về kẻ nào quyến rũ nó, tận hưởng nó và quá tay với nó]


lời bạt đặt cuối sách của Helen Simpson viết về sự nghiệp sáng tác của Angela Carter cho rằng 3 truyện xếp ở vị trí 4-5-6 trong tập truyện không có sự ăn nhập; còn tôi thì thấy vị trí ấy chỉ dành riêng cho truyện số 6: Mèo đi hia; tôi nói không ăn nhập vì không khí truyện ngả ngớn tục tĩu tươi vui ánh sáng lạc quẻ quá, nó được lấy bối cảnh ở Ý, làm tôi nghĩ đến các câu chuyện trong Mười ngày của Boccaccio, khác hẳn màu sắc Gothic và nhiều hình ảnh, kí hiệu, biểu tượng về máu, da thịt trần truồng, lông, tuyết, gương, hoa, lồng nhốt... xuất hiện dày đặc ở 10 truyện còn lại trong tập truyện ăn nhập nhau như nhà nhiều hành lang. Helen Simpson nhìn nhận truyện Căn phòng máu là viên pha lê sáng của không chỉ riêng tập Căn phòng máu, mà còn trong cả sự nghiệp của Carter; tôi không có ý định lúc này đọc nhiều Carter nhưng truyện đó sẽ được chọn vì những ẩn dụ của nó, sẽ được chọn nếu có lúc nào tôi nhắc đến Colette nhưng không phải truyện ngắn tôi thấy hay trong tập, nó quá sáo, đặc mùi phim ảnh truyền hình phương Tây xưa, với cái kết không thể chán hơn; điều duy nhất tôi thích ở truyện ngắn này, là ý một chi tiết, đại ý: chiếc chìa khoá căn phòng cấm được bày ra cốt để người ta đi vào nó và chết vì tò mò [nó cũng không khác gì ẩn dụ, luật được dựng cốt để người ta phạm vào, luật được dựng nên với các khe hở không phải là sự ngẫu nhiên]. Truyện tôi thích nhất trong tập là Thần dụ trẻ; một truyện viết đặc biệt đẹp, không cố gắng lồng ghép ẩn dụ hay cố phải gợi các chi tiết để người đọc nghĩ đến câu chuyện cổ tích, dân gian nào ngoài cái tên của nó Thần dụ trẻ [The Erl King], truyện ngắn ấy như tên gọi và như khu rừng của Thần dụ trẻ vậy: trông mọi thứ có vẻ thế nào thì chính xác nó là như thế


đọc tập truyện này, tôi biết người bạn nào của tôi sẽ tò mò về nó :)) vì đầu óc của người ấy luôn tưởng tượng tất tật mọi thứ theo hướng đồi truỵ và máu M, dù chính nó cứ khơi khơi nói tôi máu M :))))