Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

28.12.15

Mệnh lệnh số phận



Ngay khi đọc được một nửa Chân dung Dorian Gray biết là sẽ thích nhà văn này. Đọc xong thì biết không chỉ thích thứ suy tư của ông ấy, kỹ thuật viết của ông, mà còn thích cả cách ông xây dựng câu chuyện, ý tưởng câu chuyện nữa. Trong 2-3 ngày sau đó, cứ nghĩ mãi về việc ta có đúng như ta vẫn nghĩ về mình không. Lại là một ca trúng bả 
Chính vì thế mà tiếp tục luôn với một tập truyện ngắn của Oscar Wilde: Tội ác của huân tước Arthur Savile và các truyện ngắn khác. Tập truyện mỏng này chỉ gồm có 4 truyện ngắn, nếu bảo bị đẩy vào việc tiếp tục suy tư về sắc thái của Chân dung Dorian Gray thì cũng hoàn toàn là việc khó tránh, mà cho rằng tập truyện ngắn này thật dễ chịu so với những xô cỡi của Chân dung Dorian Gray thì cũng không sai.
Tội ác của Huân tước Arthur Savile-Câu chuyện về bổn phận cho thấy sức mạnh của mệnh lệnh số phận giáng xuống đầu óc con người, một sức mạnh hết sức điên rồ và quái gở, nó làm cho con người tầm phào, phù phiếm và diện mạo của đời sống táo tợn, đầy ải thân phận con người đến chỗ không thể đào thoát khỏi sự ngu xuẩn. Có rất nhiều chi tiết đặc sắc trong 4 truyện ngắn, nhưng chi tiết khiến tôi thấy điên rồ, khoái nhất chính là việc mệnh lệnh số phận ở Tội ác của Huân tước Arthur Savile, bỗng một ngày anh nhận thức rõ lối vận hành bí ẩn của Định Mệnh cũng như ý nghĩa nghiệt ngã kinh hoàng của Số phận tức là thình lình cuộc sống đã cho anh hiểu một điều nó vốn bày sẵn ra mà anh không nhận thức được: sự nhào nặn hoàn hảo của nó không nhằm mang đến một thứ vô lo vô ưu, mà chỉ tổ thổn thức những đầy vơi mà thôi. 
Bí mật nhân sư nhuộm trong câu chuyện tình ái và bảo rằng ta dám sống chân thật với mình tới đâu, có phương cách nào để tìm được con đường hiểu chính mình, ta có giống như ta vẫn nghĩ, vẫn hiểu về mình. Nó là câu chuyện của người khác phóng chiếu đến ta, và ta soi rọi chính mình.
Con ma của dòng họ Canterville mang màu sắc của truyện cổ tích, tôi hình dung nó hoàn toàn có thể trở thành một bộ phim ma vui vẻ cho các bạn nhỏ với kết thúc có hậu. Nhưng điểm khiến tôi thấy thú vị nhất ở truyện ngắn này chính là chi tiết hồn ma thế kỷ XVI đã liên tục nhiều lần cố gắng tái hiện lại hình bóng huy hoàng của một hồn ma thắng lợi trong quá khứ, khiến cho những thất bại liên tiếp ở hiện tại bốc một thứ mùi tuyệt vọng ảo não, lên men nẫu ruột. Một cái kết có hậu khẳng định: sự tinh khiết của một đứa trẻ khiến quyền năng của Địa Ngục cũng phải chào thua.
Người mẫu triệu phú là truyện ngắn nhẹ nhõm nhất trong tập truyện này, một triệu phú trong trang phục người ăn mày làm mẫu vẽ cho họa sĩ, sự ngông cuồng của triệu phú hay mục đích tiên quyết của người nghệ sĩ là phản ánh điều họ nhận thức, phản ánh hiện thực chứ không phải cải tạo nó. Câu chuyện gieo mầm cho sức mạnh của việc làm tử tế và lòng trắc ẩn.

Nhìn chung là tôi trúng bả Oscar Wilde rồi 

26.12.15

Chân dung con người





"hãy nhận ra vẻ đẹp thời trẻ của mình khi anh vẫn đang có nó, đừng ruồng bỏ thời gian vàng son, đừng nghe những lời vô vị, đừng cố gắng cứu kéo một sự thất bại không thể nào ngăn được, đừng ném tuổi xuân vào tay những kẻ ngông cuồng, những kẻ tầm thường, những kẻ chỉ biết nhìn đời bằng đôi mắt dung tục giả dối, cả những kẻ châm chọc ngu ngốc nữa. Hãy sống nhé! Hãy mạnh dạn sống một cuộc đời phong lưu huyền diệu anh đang có. Đừng đánh mất những gì thuộc về anh. Hãy luôn tìm những cảm giác mới lạ. Đừng sợ hãi bất cứ điều gì"

Một chủ nghĩa hưởng lạc mới-đây là điều mà thế kỷ của chúng ta đang mong muốn. Thế giới thuộc về anh trong một thời gian mà thôi. Oscar Wilde đã đoán định tư tưởng này hơn một thế kỷ trước trong tiểu thuyết duy nhất của mình Chân dung Dorian Gray (1891). Nào, ta tự đánh đu và nhập cuộc với cuộc đời hưởng thụ, cuộc đời cám dỗ thôi. Tìm kiếm cái đẹp trong thế giới này nếu chỉ dừng ở việc không tàn phá nó, và cũng không màng tới đổ vỡ của nó, thì vẫn hoàn toàn là chưa đủ, những xô cỡi tàn khốc, giãy dụa cắt cứa vật vã, nỗ lực đối diện trong tuyệt vọng ở nhiều chiều kích của thân phận con người co quắp đánh đu với bản năng tự nhiên mà con người gọi đấy là tội lỗi ngọt ngào nhơ nhớp, trì níu sự trần truồng của tâm hồn để nhìn vào thực chất của băng hoại thịt da nhục thể. Bóng tối của ảo tưởng màu đen sẽ trườn vào ngõ ngách của tâm thức, nằm ở đó vần vò thác loạn đến kiệt sức, rồi hé lộ chút chân dung phũ phàng của thực tế đủ để ta cảm nhận được sự lõa thể của cuộc đời mà chúng ta vốn đã quen thuộc nhưng chưa bao giờ ý thức nhận ra.
"Con người là một sinh thể rất phức tạp chứa đựng trong hệ tâm thức của mình rất nhiều giai thoại tư tưởng và những đam mê. Thân xác ngay từ buổi đầu vừa mới sinh ra đã mang theo những mầm bệnh đam mê ma quái cho đến ngày chúng ta chính thức tắt thở lìa xa cõi đời"

Mỗi chúng ta có cả hỏa ngục và thiên đàng bên trong con người của mình. Chúng ta không phải các thiên thần, cũng không phải là những cái xác không hồn, mà là những sinh vật có cả thân xác lẫn tinh thần. Không có đức hạnh gì trong chuyện trông tiều tụy và cảm thấy ảo não. Nhưng hoan lạc, cám dỗ, hưởng thụ, nhục thể cũng không là mục đích tự thân, mà chỉ là một phần trong cuộc hành trình của chúng ta để đạt tới sự trưởng thành, sự tử tế, hạnh phúc và tìm kiếm cái đẹp. Chúng không phải là mục đích của cuộc hành trình.
bởi thân phận con người sinh ra vốn dĩ đã phải chấp nhận sự ngu dốt là một sự kiện cơ bản của phận người, không gì trì hoãn được thực tế phũ phàng điên rồ ấy. Ai muốn đi thì đời đẩy đi, không muốn đi thì đời kéo lê đi.

Vào một chiều thu, tôi ngồi nói chuyện với người gấp đôi tuổi mình, "sách vở cứu bác khỏi hư hỏng", tôi thực sự hiểu điều ấy và cũng hiểu, sách vở xô tôi tới hoan lạc điên rồ và cũng cứu kéo tôi khỏi cám dỗ rồ dại không kém cạnh gì lúc chúng xô tôi. Đánh đu và nhập cuộc trên con thuyền trong cơn bão biển.

24.12.15

Ừ thôi em về



Con mều trắng đốm đen ngày xưa ấy, không khôn lanh và quái nít như EMi bây giờ, dáng vẻ cũng không bệ vệ oai phong uy hiếp tinh thần Lốc như EMi đã, đang ngự trị dưới tên gọi chủ nô-bệ hạ, còn Lốc là nô lệ-nô bộc-ngu thần, cũng không có cả tên ngoài cái tiếng gọi meo meo rất đỗi giản dị. Nhưng Meo Meo rất tình cảm, mỗi lần Lốc khóc hay buồn bã ngồi chửi bức tường, chửi cái quạt trước mắt đang quay tít vào mùa hè hầm hập nắng chênh chếnh không thể nằm luyện chưởng Kim Dung mà cứ phải vác xác ra ngoài đường vì rõ ràng là sẽ bỏ học ở lò luyện thi nhưng vẫn cứ phải ra khỏi nhà để khỏi bị nghi ngờ thì Meo Meo đều ngồi vào lòng Lốc mà ngước mắt long lanh kêu meo meo đầy chia sẻ.

Còn EMi bây giờ, hãy nhìn xem. Đêm qua bưng mẹt khóc từ toilet bưng ra đến phòng, rồi bưng tiếp xuống nhà tắm, rồi lại bưng vào giường. Mắt sưng như hai quả nhót đặt vào mí trên, áp vào quầng dưới. Thế mà nó vô tư bình thản như là ta không tàn phá cô và ta cũng chẳng màng đến những đổ vỡ cô đang ngự trị sở hữu, cô cứ làm nữ hoàng trên ngai báu u sầu của cô đi. 
Bố sư khỉ thèng mều điên, nỗ lực duy nhất của tôi là cố gắng nghĩ tới ưu điểm lúc này của nó, nó đang tôn trọng cuộc sống riêng và quyền được buồn của mẹ. Tức nó không thèm khóc nữa.
Tôi buồn :'(

16.12.15

Thế giới này chỉ tổ tốn thời gian :p




Câu chuyện Trạm thu phí quái lạ của Norton Juster kể về Milo, một cậu bé chán chường, luôn uể oải và chẳng thấy cuộc sống có gì thú vị, "cậu chẳng biết mình phải làm gì-không chỉ đôi khi, mà lúc nào cũng thế". Lúc ở trường, cậu mong về nhà và khi về rồi cậu lại muốn đến trường. Trên đường, cậu thích cảm giác ở nhà, và khi đã về cậu lại nghĩ đến chuyện ra ngoài. Ở bất kỳ chỗ nào cậu cũng mong mình đến một nơi khác, để khi tới đó cậu bắt đầu tự hỏi mình có mặt ở đây làm gì. Không có gì thực sự làm cậu quan tâm, nhất là những thứ mà lẽ ra cậu phải quan tâm. Tệ hơn, cậu chẳng có việc gì để làm, chẳng có chỗ nào muốn đi và chẳng có thứ gì muốn xem.
Một buổi chiều, cậu nhận được một cái thùng khổng lồ cùng phong bì chỉ dẫn đến Một Trạm Thu Phí Đường Cao Tốc Chính Hiệu. Cuộc phiêu lưu đã đưa Milo đến những vùng đất chưa có tên trên bản đồ: Vùng đất Sự Mong Đợi, Vùng Đờ Đẫn, Thành Phố Từ Điển, Phiên Chợ Từ Ngữ, lâu đài Không Trung, thung lũng Im Lặng, Vô Cực...Cậu nhận ra cuộc sống không nhàm chán như cậu tưởng, thế giới cũng có thứ để cậu sáng tạo, mày mò, phá vỡ, thậm chí cậu sẽ phải chiến đấu vì chúng, cuộc sống có đầy đủ mọi điều bí ẩn và kỳ lạ, những bản nhạc cậu có thể chơi, bài hát cậu ngân lên, những điều con người có thể tưởng tượng và một ngày kia biến chúng thành hiện thực.
Norton Juster sáng tác cái mà ông nghĩ sẽ là một câu chuyện nhỏ về cuộc chạm trán của một đứa trẻ với những con số, ngôn từ, ngữ nghĩa, những khái niệm quái lạ vẫn được áp đặt bấy lâu lên trẻ con. Những cảm nhận, băn khoăn khi còn là đứa trẻ, sao lại phải học nhiều thứ dường như chẳng liên quan gì tới đời mình như thế? thật khó để hiểu về thế giới cùng cái cách quái lạ, phi logic mà nó vận hành. Thế giới này quả là chẳng có vần điệu hay lý tính gì cả . Chen đầy chặt những ẩn dụ, cách chơi chữ, tôi nghĩ đây là câu chuyện cho những người lớn từng là trẻ con hồi tưởng về thời kỳ mà ta tuyệt đối thất vọng về thế giới, ta chẳng thể nào đến được nó từ chính nơi ta được tạo ra, nơi ta đang đứng, thế giới thật quay cuồng điên đảo và ta chẳng hiểu gì, nghĩ cái gì cũng chỉ tổ tốn thời gian ngay cả khi ta đang nghĩ về sự tốn thời gian vô ích thế này 
Tôi nghĩ nó là sự pha trộn của Phù thủy xứ Oz, Alice ở xứ sở diệu kỳ và cả Momo nữa 
Thế giới này chỉ tổ tốn thời gian, vô nghĩa và phi lý hết sức 

13.12.15

Con Tạo xoay vần



Tự sự về một kiếp hồng nhan bạc phận
Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất, Trung Bắc Thư Xã xuất bản lần đầu năm 1941, được tác giả định danh là tiểu thuyết lịch sử. Nội dung xoay quanh một bậc nữ lưu có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, mà chắc gây tiếng lớn là người phụ nữ trúng thầu phá tường thành Hà Nội. Đào Trinh Nhất sử dụng, khai thác từ nguồn giai thoại, những lời đồn, những bí mật được truyền tai, những sự việc được li kì hóa, phóng đại, thậm chí duy tâm, mê tín...xây dựng cô Tư Hồng, người phụ nữ từng khuynh đảo đất Hà thành: sắc sảo, liều lĩnh, đáo để, quái kiệt, tự chủ, quyết đoán...rất không vừa vặn với nhãn quan đạo đức đương thời. Nên, việc công chúng đón nhận Cô Tư Hồng phải nhờ vào con mắt của người viết Đào Trinh Nhất, viết tiểu thuyết lịch sử như kẻ trên cao khách quan nhòm xuống hệ quy chiếu nhân vật ấy mà không soi mói, phán xét tội trạng dù ông chọn xây dựng một người phụ nữ độc lập không để con tạo xoay vần, một phụ nữ hành động không theo phép ứng xử tiền lệ, khác rất xa với hình ảnh phụ nữ xưa kia (thậm chí cả ngày nay) ở những nét quen thuộc cam chịu, hy sinh, nhẫn nhục mà phần lớn phụ nữ vẫn cho rằng, là phận đàn bà chịu những điều ấy mới là lẽ thường, là nữ tính, là chính chuyên, là phải phép.
Được rồi, chúng ta cứ đấu tranh cho xã hội mới, nữ quyền trỗi dậy, giải phóng xã hội vân vân và vân vân, nhưng khoan nói về những điều ấy, hãy đọc Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất đi, để thấy chính hình ảnh người phụ nữ hiện nay sao mà gần cái cô Tư Hồng này đến vậy, cảm thông cho phận hồng nhan này đã là cả một khối thấu hiểu.

ps: càng ngày mình càng thấy câu phụ nữ giỏi giang, xinh đẹp không bằng phụ nữ may mắn, là đúng các cụ ạ. Thôi, mìn đi đọc Kiều đơi :p. Lẩy Kiều trong Cô Tư Hồng vô cùng ý vị.


12.12.15

Thoái lui vào thế giới co cụm



Một cốt truyện đen tối và trong veo, giả dối và chân thực đến trần trụi, tất cả được gói gọn trong văn phong vô cùng nữ tính và tỉ mẩn từng chi tiết với nhịp điệu chậm rãi băng giá rất Thụy Điển mà không đánh đố sức kiên nhẫn của độc giả. Công chúa băng được lấy bối cảnh tại chính thị trấn Fjallbacka của tác giả Camilla Lackberg, đằng sau vẻ yên bình của thị trấn nhỏ, từng viên gạch đã được lật lên sau hai mươi lăm năm để lộ ra những cái chết từ rất sớm mà mãi tới tận khi sự thật được phơi bày thì họ mới chính thức chết và được an táng. Một trật tự thế giới nội tâm luôn luôn được thiết lập để duy trì cuộc sống cho đến ngày ngọn lửa đốt cháy băng giá thiêu cháy ta thì mới hòng tìm được một con đường thoái lui vào thế giới co cụm. Nỗ lực sống với nỗi cô đơn, khiếp sợ dường như được xây bằng bức tường băng mà nếu mặt trời không đủ nắng ấm thì mãi mãi băng không tan chảy được. Đọc câu truyện này luôn có cảm giác đang đối mặt với bức tranh ghép toàn tuyết trắng với những dấu chân để lại trên tuyết đan cài nhau, rõ ràng chúng là ở một vùng tuyết trắng mà sắc thái không sao tóm được cho đến khi từng đường rãnh mỏng rối rắm của dấu giày để lại ăn khớp vào nhau thì ta mới thực sự nắm bắt được câu chuyện ta đối mặt.

Như tôi từng có nói, dường như những người như Umberto Eco đào bới quá nhiều lịch sử và như một phép màu, ông ta có năng lực làm một kẻ du hành xuyên thời gian và đứng cao ngạo nhìn xuống lịch sử với những con người đi lối này rẽ hướng kia, những đường zig zắc chạm nhau ở một mắt xích nhỏ và ông ấy chọn ra một mắt xích để cấu thành câu chuyện rẽ theo hướng ông ấy muốn thẳng tiến tới. Thì, với những người khai quật khác, tôi tin vào thứ năng lực đào bới lịch sử, tiểu sử bởi bất kỳ công tác đào bới nào cũng đòi hỏi một sự sắc bén, nhạy cảm không gì hơn được khi ta chọn chỗ đứng là một kẻ ngoài cuộc nhìn ngắm cuộc đời người khác như thể nhìn ngắm chính cuộc đời mình.
Đây chính là việc thôi thúc tôi nhất khi đọc Công chúa băng, vì biết rằng nhân vật Erica đóng góp cho việc điều tra, thu thập thông tin là một người viết, đang viết dở cuốn tiểu sử thứ năm về các nữ văn sĩ Thụy Điển. Ngay tức khắc tôi hiểu rằng, tôi sẽ được đọc một quyển trinh thám nữ tính, nhạy cảm, chậm rãi và không kém phần thu hút. Còn anh cảnh sát địa phương Patrik thì dễ thương quá, dịu dàng và vui tính quá, tất nhiên không hợp với gu anh hùng điều tra lơ tơ mơ suy tư, nóng tính và hơi khép kín của tôi rồi :v. Nhưng lâu lắm rồi mới đọc một quyển trinh thám không tiếng súng, không rùng rợn, chỉ có nền trắng như tuyết điểm máu đỏ, một sắc đỏ vần vũ như lửa, ánh lóe sắc vàng vừa như thiêu cháy dữ dội hơn, vừa như nắng ấm tan chảy vùng băng giá rét. Một bức tranh đẹp tuyệt vọng.
 * Bản dịch nữ tính, trong trẻo, gọn gàng, và rất hài hước, khác lạ với giọng văn của dịch giả Quỳnh Lê trong các đầu sách trước chị chọn dịch. Phải mãi sau này khi đã đọc San San chị viết và quan tâm Fb của chị, tôi mới hiểu rằng, chị ấy vô cùng nữ tính, một nữ tính dữ dội vươn mình.
* Bìa sách đẹp quá, bìa trước lạnh lẽo, bìa sau bình lặng đúng như vỏ bọc của thị trấn nhỏ Fjallbacka không hề bình yên.

9.12.15

Con của các vì sao




"Nếu mặt trời phát nổ, bạn sẽ không thể biết trong 8 phút. Vì ánh sáng phải mất từng ấy thời gian để đến chỗ chúng ta. Trong 8 phút, thế giới vẫn sẽ sáng tỏ. Và vẫn ấm áp. 
Đã 1 năm kể từ ngày bố mất. Và tôi cảm thấy 8 phút mình có với bố...đang cạn dần
Đây là một đoạn Oskar nói trong phiên bản điện ảnh Extremely loud & incredibly close (được dịch Hành trình của Oskar)
Con số này được khẳng định chính xác hơn trong bộ truyện Chìa khóa vũ trụ của George và Kẻ giấu mặt ngoài hành tinh (tác giả Lucy&Stephen Hawking). Chính xác không phải 8 phút mà là 8 phút 30 giây thì ánh sáng rời Mặt Trời mới đến được Trái Đất, giống như nếu một ngày Mặt Trời phát nổ hay đâm thủng bầu trời chiếu thẳng tới Trái Đất thì sự sống của chúng ta thế nào, 8 phút 30 giây còn lại thế nào nhỉ? 3.5 tỷ năm trước, vào thời Trái Đất 1 tỷ năm tuổi bầu khí quyển của chúng ta không như hiện nay, thuở xa xưa ấy không có oxy, tất cả chỉ thực sự thay đổi khi xảy ra đợt phun trào núi lửa và giải phóng vào bầu khí quyển rất nhiều hơi nước, cacbonic, amoniac, hydro sulfua. Thiên nhiên, vũ trụ đã ban tặng chúng ta những hiện tượng thực sự huyền diệu và những cơn thịnh nộ cũng điên cuồng không kém. Đừng cậy nhờ một phép màu nào nếu tin tưởng rằng tấm lòng của Mặt Đất sẽ mãi mãi thủy chung khi chúng ta dồn nén lên nó, thải ra trên nó, dưới nó những thứ ô uế ngàn năm không phân hủy mà mặt đất sẽ bằng lòng yêu thương ta vô điều kiện . Việc phát triển khoa học kỹ thuật mang đến rất nhiều quý giá đến kinh ngạc, và kéo theo nó cũng không ít hơn những cặn bã xấu xa. Thử tiến hành tìm kiếm sự sống ở các hành tinh khác xem sao nhé, cứ tuần tự điểm qua các hành tinh, hành tinh lùn lấy Mặt Trời làm mốc thì:
Sao Thủy gần mặt trời quá, quá nóng quá nóng, một ngày ở đó bằng 59 ngày trên Trái Đất, không có mặt trăng. 
Tiếp đến là Sao Kim, được ví như hành tinh song sinh với Trái Đất: có cùng kích cỡ, trọng lượng, và kết cấu như Trái Đất. Nhưng trong hệ Mặt Trời thì sao kim được cho là hành tinh ít có sự sống nhất vì nhiệt độ lên tới 470 độ C, ở nhiệt độ này thì đến chì cũng bị tan chảy, 1 ngày ở sao Kim bằng 243 ngày Trái Đất, 1 năm sao Kim bằng 224.7 ngày Trái Đất. Các bạn thấy vô lý? Không đâu. Trên sao Kim, một năm ngắn hơn một ngày bởi sao Kim xoay quá chậm, nó đi hết một vòng quanh Mặt Trời trong khoảng thời gian ngắn hơn thời gian nó cần để quay quanh trục của mình. Song, điều kinh dị là các đám mây axit sunphuric, đại dương khô cạn và bầu khí quyển đặc quánh đến nỗi ánh Mặt Trời không xuyên qua nổi. Không chơi được :p
Tiếp đến là Trái Đất thân yêu, hành tinh duy nhất trong hệ mặt trời có sự sống, và 1 mặt trăng. Đang và sẽ là nơi con người sinh sống, nhưng có vẻ càng ngày càng khắc nghiệt mà lỗi là do con người thôi.
Tiếp đến là Sao Hỏa nơi có 2 mặt trăng và bầu khí quyển rất giống với khí hậu trên một Trái Đất vô cùng lạnh lẽo và bị sa mạc hóa bao phủ hoàn toàn, bão cát và những cơn lốc băng giá lớn cỡ mười lần nước Anh. Sao Hỏa là hành tinh nhiều đá với một lõi sắt, dưới lớp bụi sắt gỉ ấy thì bề mặt sao Hỏa tương đối giống với Trái Đất, bầu khí quyển rất loãng và 95% là khí cacbonic, và hành tinh này không có nước. Nơi được cho là có nước thì ở tận hai đầu cực của hành tinh dưới dạng đóng băng. Năm 2006 các nhà khoa học đã phát hiện ra các đường rãnh nhỏ ở bề mặt sao Hoả và bắt đầu nghiên cứu theo giả thuyết: có lẽ trên sao Hỏa vẫn tồn tại nước ở thể lỏng nhưng nằm rất sâu dưới bề mặt của nó.
Tiếp đến là sao Mộc với 63 mặt trăng, tác động của lực hút mặt trăng lên trái đất sẽ làm ra quá nhiều thủy triều trên các đại dương, kích cỡ mặt trăng ngang với mặt trăng của Trái Đất, đêm tối suốt í nhỉ, trăng nhiều thế thì đến 1m2 phải có đến 20 thi sĩ ngắm trăng làm thơ đấy và nó được biết đến là hành tinh to lớn nhất trong hệ mặt trời với đường kính gấp 11.2 lần đường kính tại đường xích đạo của Trái Đất, thế thì tha hồ nhà thơ, nhể, nhưng phải mất khoảng 11.86 năm Trái Đất để xoay hết 1 vòng quanh Mặt Trời. Và đặc biệt là bao quanh nó là một lớp kim loại lỏng dần dần biến đổi thành hydro lỏng khi độ cao tăng lên và biến chuyển thành bầu khí quyển toàn khí hydro bao quanh hành tinh. Tuyệt quá thần linh ơi ặc ặc ặc
Tiếp đến là một hành tinh vô cùng xinh đẹp, sao Thổ, nó mất đến 29.46 năm Trái Đất mới hoàn thành một vòng xoay quanh Mặt Trời, hình ảnh của nó có thể được ví von như khối cầu có quấn quanh một dải ruy băng điệu đà, nhưng đừng bị cái đẹp oánh lừa, cấu trúc và bầu khí quyển của nó được xem là hao hao với người anh sao Mộc, dù bé hơn sao Mộc chút đỉnh, số lượng mặt trăng cũng tới con số 59 và nó khuyến mại cho chúng ta vận tốc gió thổi là 1795km/h, hoàn toàn không thể tính đến việc sinh sống ở một hành tinh như thế
Tiếp đến là sao Thiên Vương với 27 mặt trăng và Hải Vương 13 mặt trăng, hành tinh lùn sao Diêm Vương quá xa xôi với Mặt Trời. Các sao chổi đã được thống kê đến gần 1000 nhưng chúng là những quả cầu tuyết rất to, bẩn và xấu xí. Không thể có sự sống
Suy đi tính lại thì chỉ còn sao Hỏa, nơi có 2 mặt trăng. Câu chuyện 1Q84 của nhà văn Nhật Haruki Murakami có Tengo, Aomame nhìn thấy 2 mặt trăng trên bầu trời. Sống ở một hành tinh mà có 2 mặt trăng thì con người cũng đang được đến gần đường về nhà, dễ tìm thấy tình yêu của đời mình hơn đấy, tìm thấy tình yêu thì cũng tìm thấy đường về nơi người ta gọi là nhà. Có vẻ cũng lãng mạn đấy chứ. Nhìn trên hình ảnh chụp được thì Trái Đất sở hữu mặt trăng xinh đẹp nhất, ở các hành tinh khác mặt trăng thường méo mó, không tròn trịa, đúng là cái gì có tính duy nhất cũng kiêu hãnh nhỉ. Trái Đất là hành tinh duy nhất có một mặt trăng và mặt trăng này là hình ảnh phản chiếu của Mặt Trời, Mặt Trời xinh đẹp cũng là một ngôi sao duy nhất ban ngày. Tuyệt diệu không gì hơn tạo hóa, đỉnh cao chói lọi
Ngôi sao Mặt Trời từ đâu? Các ngôi sao được hình thành từ những đám mây khí khổng lồ trong vũ trụ, trong đó một ngôi sao đặc biệt duy nhất ban ngày chính là Mặt Trời (tại sao chỉ khi tối ta mới thấy được các ngôi sao? Màn đêm đen giữa các ngôi sao che giấu điều gì? Màn đêm giữa các ngôi sao có đen kịt như ta tưởng hay không? Quan sát phần đen giữa các ngôi sao chính là ta đang quan sát nguồn gốc của vũ trụ dù rằng ta không hề hay biết điều ấy… tất cả những điều kỳ thú ấy xin hãy tìm đọc ở một cuốn truyện của một trong số ít sinh viên được trực tiếp Stephen Hawking hướng dẫn, Christophe Galfard: Hoàng tử mây. Một cuốn truyện phiêu lưu được lồng các kiến thức khoa học vũ trụ, hiện tượng thiên nhiên vô cùng dễ chịu). Ngoài ngôi sao đặc biệt Mặt Trời có tính duy nhất ra, các ngôi sao khác sẽ trở thành hố đen và nếu không chúng sẽ nổ tung trước khi trở thành hố đen và phóng mọi vật chất trong lòng chúng qua vũ trụ. Mọi nguyên tố cấu thành nên loài người, toàn thể hệ động vật, thực vật, đá, không khí, các đại dương…đều được tạo nên từ các nguyên tố trong lòng ngôi sao. Bất kể chúng ta có chối bỏ hay nghĩ gì đi nữa thi ta cũng là con cháu của các vì sao, phải mất hàng tỷ, hàng tỷ năm Tự Nhiên mới có thể tạo nên chúng ta từ các nguyên tố này. Phải mất thời gian nhiều đến không tưởng nổi mới có thể có một hành tinh duy nhất sống được như Trái Đất và cũng phải nhiều thời gian không tưởng tương đương mới có con người. Nói cách nào thì chúng ta cũng tương đối vô nghĩa và cũng hoàn toàn có một ý nghĩa nào đấy, di chuyển một hạt cát trên sa mạc và thay đổi toàn bộ lịch sử. Một con người sau vụ nổ các ngôi sao tan thành ty tỷ phân tử nhỏ bay trong hư không được đến cuộc đời này. Bằng cách nào đấy mà các hạt cơ bản có thể kết hợp với nhau một cách tài tình đến thế nhỉ. Thật tuyệt diệu, nhất là khi sự kết hợp các hạt ấy tạo nên cái đẹp, những vẻ đẹp khiến kẻ khác điên đảo í 

Trong bộ sách này có những khám phá mới về Hố đen rất hay và tôi đặc biệt yêu thích (tất nhiên là yêu thích sau việc cân nhắc lên sao Hỏa sống nếu có một lần được kết hợp các nguyên tố để làm người lần nữa vì một tư duy mơ mộng, lên xứ 2 mặt trăng thì tôi sẽ dễ kiếm tìm được người tri giao, tri âm tri kỷ, tìm được đường về nhà hơn :p). Đó là khi rơi vào một hố đen lớn, bạn vượt qua mép hố đen mà gần như không cảm thấy gì. Từ xa quan sát cũng sẽ không thể thấy bạn bị nuốt vào hố đen, ngay cả khi bạn băng qua mép hố đen bởi trọng lực bẻ cong thời gian và không gian cận hố đen. Bạn cứ mờ dần mờ dần vì ánh sáng của bạn phát ra càng lúc càng phải mất nhiều thời gian hơn mới thoát ra được khỏi hố đen. Nếu bạn băng qua mép hố đen vào một giờ nào đấy cụ thể thì người quan sát bạn sẽ thấy đồng hồ chạy chậm dần và không bao giờ đến được thời khắc ấy. Tức là ở đó có một khúc ngắt của thời gian. Thời gian dừng dần và dừng lại tại chính không gian mép hố đen do bị bẻ cong. Nó lại tiếp tục một lý thuyết về vật lý thiên văn sự giãn nở của vũ trụ và thời gian khi ánh sáng bị bẻ cong, rất có khả năng quá khứ, tương lai chạm vào nhau. 
Nếu ta vươn tay chạm vào cái điểm chạm ấy, thì điều gì sẽ xảy ra hỡi những đứa con của các vì sao :p

ps: tôi muốn có kính viễn vọng hí hí hí ;)

3.12.15

Cũng vẫn là ngẫu nhiên



Không có ngày mai là quyển thứ ba mình đọc của Lee Child. Vẫn là người hùng Jack Reacher độc lập, tự tin, giỏi quan sát, suy luận sắc bén, và tất nhiên là lúc nào cũng có nhân vật nữ xinh đẹp, thông minh để Reacher tình một (vài) đêm. Không có ngày mai kết cấu không nhanh như Một phát một mạng, cũng không gói gọn như Reacher báo thù mà câu chuyện rộng, nhiều lớp lang hơn hẳn với nhiều nhóm, tổ chức điều tra mục đích khác hẳn nhau, chỉ có duy nhất người hùng Jack Reacher như bao lần là hành tẩu giang hồ thấy việc chướng mắt là không đành lòng ;), Không có ngày mai là một tình huống ngẫu nhiên khi ngồi tàu điện ngầm lang thang tìm một điểm nghỉ qua đêm thì chàng thành nhân chứng gần nhất cho một vụ tự sát bằng súng, trong khi những nhân chứng còn lại có vẻ rất ngẫu nhiên, ngẫu nhiên hơn rất nhiều lần thì thực ra lại không hề ngẫu nhiên, lại được chia thành những nhóm, mục tiêu khác nhau. Hẳn là cuộc đời không ưu ái với kẻ mặc cả với đời một cuộc sống không nhà cửa, không người thân, không công việc, một ít tiền mặt, một thẻ ATM, một cái bàn chải gập đôi, một bộ quần áo vài hôm lại vứt, nhỉ. Nhìn chung là không nên mặc cả với đời :v
Điểm cộng cho Không có ngày mai chính là lịch sử các cuộc xung đột, chính trị và các pha hành động. Lee Child là tuýp nhà văn trinh thám viết có nghề, kỹ thuật viết rập khuôn căng đét, bao giờ cũng giống một phim hành động Mỹ, trên đường điều tra phá án hẳn phải có động tay động chân với những đòn dứt khoát, nhanh gọn, và hẳn là cuối truyện cũng có pha đột kích cuối cùng vào sào huyệt phe kia bắn nhau đánh đấm dao diếc chí chóe, phải có một tình tiết gay cấn ngoài kế hoạch hành động của anh hùng và tất nhiên bằng phán đán nhanh nhạy, khả năng hành động chuẩn xác thì viên đạn cuối cùng bao giờ cũng để kết liễu kẻ khác, người vươn mình đứng dậy bao giờ cũng là anh :p
Người đọc Lee Child luôn nắm được mô-típ ấy, thế mà vẫn cứ cắm đầu đọc như là, cũng vẫn là ngẫu nhiên tôi vô tình chọn quyển sách này, tác giả này.

ps: tuần vừa rồi bận quá, ủ mưu nhiều quá, không đọc sách, cũng chả ngủ được, mặt mọc thêm 8 cái mụn, chia đều sang 2 má. Tự ti và tổn thương sâu sắc