Baudelaire khiến tôi nhận ra tôi khác; trước đây tôi không chịu nổi những gì là ý niệm ý luận, tôi thích đọc những gì cầm nắm được, những từ những chữ rõ ràng cho tôi hình dung; tôi không chịu được những cơn mơ mẩn của kẻ khác
khi cầm Le Spleen de Paris làm sách đọc trong chuyến đi chơi đầu năm, mặc nhiên coi nó là quyển sách khai xuân, cũng mặc nhiên nghĩ nếu mình bỏ ngang quyển sách cũng tốt, cho một năm bỏ ngang không đọc gì cũng tốt, như thế là mình thoát việc sách vở ám, mình chưa bao giờ hình dung hay nghĩ về một ngày trôi qua với một ai đó không đọc gì và với mình, mình không biết nếu một ngày mình không đọc gì, một tuần một tháng một năm không đọc thì mình có thoát được đau đớn từ chính các suy nghĩ của mình hay không, mà phần nhiều mình nghĩ cái đầu mình thế là do các suy tưởng từ việc đọc giáng đòn, nó làm mình quen, biết về mình hơn theo cách trò chơi đưa một vật có thể nhìn thấy được ra xa rồi lại về gần ngắm nghía rồi lại ra xa đổi phương diện nhìn rồi lại kéo về gần, cứ như thế
đây là một quyển sách lạ, có thể đọc nó bắt chợt bất cứ đâu, trang nào, đoạn nào, câu nào... đọc ngay cả khi không hiểu cho đến khi tóm được một ý tứ một câu mình thích và từ đó sẽ tiến lên trên hay trượt xuống dưới nơi mà ta thích để tiếp tục. Cũng chính nó khiến tôi đi qua 52 trang đầu như một mở màn của cơn mơ mẩn, trang 52 vì chính đến chỗ này thì thấy một lỗi typo, tự nhiên "tỉnh", nhập làm một con người sống trong cơn mơ ấy, đổi vai trò từ nhìn người mơ thành một người mơ đi trong cơn mơ mẩn cùng kẻ khác - ra khỏi một thế giới và nhập vào một nơi nào đó "vì tâm hồn mình du hành nhậm lẹ đến thế". Và kể từ đây thì bắt đầu đi vào nhịp của quyển sách hơn, thấy rằng nó có tính liên kết, ăn vào nhau nối với nhau ở từng bài chứ không phải nó vụn từng đoạn trong một bài như 50 trang đầu đã qua, càng về cuối lại càng "tỉnh", và khi về cuối rồi thì lật trở lại từ trang đầu để đọc lại cho đến dấu mốc trang 52 kia như một vòng lặp [thật ra trước giờ tôi cũng hay chơi thế, tôi thường đọc hết là quay lại từ đầu đọc quá lên mấy chục trang, có quyển đọc lậm đến hết quyển và lại quay lại :)] chính vì đọc vòng lặp thì tôi mới lại đọc lại Baudelaire gửi Arsène Houssaye đầu sách và mỉm cười: ngay từ đầu Baudelaire đã nói với mình rồi, nhưng vì mình lúc đó chưa có kinh nghiệm Le Spleen de Paris, đúng là muốn có kinh nghiệm thì phải có kinh nghiệm
đây cũng là một kinh nghiệm mới mẻ: văn bản hoàn toàn là văn xuôi nhưng nó gợi tình như một nàng thơ, tuyệt đối. Nhịp của nó không phải là những dấu ngắt văn bản, nếu quá tin tưởng vào dấu ngắt thì sẽ rơi bẫy; và để biết mình có đúng nhịp hay không, đọc thành tiếng là biết ngay mình lố, nó khiến ta đọc thành tiếng trong đầu, tiếng không thanh
với văn bản này, thật khó để tránh các lỗi, cũng không biết quy lỗi này là lỗi gì vì nhiều từ được dùng quái, nó trình hiện khác bình thường nhưng không phải bất thường, khó cho việc soát văn bản. Và đây là sửa, ngoài những sửa này thì cái ta tưởng sai mới là đúng, và tưởng sai đọc lại một vài nhịp thì mới thấy để như thế có ý của nó:
- tr 52 dòng 11 dưới lên: "người thằng cuộc" sửa thành "người thắng cuộc"
- tr 106 dòng 12 trên xuống và tr 154 dòng 5 trên xuống: sửa "rốt cuộc tôi cùng" thành "rốt cuộc tôi cũng"
- tr 107 dòng 3 trên xuống: "khốn khố" sửa thành "khốn khổ"
- tr 109 dòng 9 trên xuống: "trỗng rỗng" sửa thành "trống rỗng"
- tr 129 dòng 2 dưới lên: sửa "quỵ lỵ" thành "quỵ luỵ"
một lỗi được chỉ ra, "trong" in thành "trong trong" nhưng hiện tôi chưa nhìn ra, có lẽ phải đọc 2 lần chứ 1 lần rưỡi thì vẫn sót; update: tr 151 dòng 14 dưới lên "trong trong" bỏ bớt một "trong" :)
với bản dịch quái [ác] này, có lẽ để chép thì sẽ rơi vào đúng trường hợp người yêu thơ Đinh Hùng chép thơ Đinh Hùng, cứ chép là kiểu gì cũng sai với văn bản; và tôi đoan chắc rằng, đưa văn bản cho 10 người đọc thành tiếng thì xác suất đọc không lố chữ là rất rất nhỏ, phải gọi là ngang đánh đố
vì nó là một quyển sách đọc nhịp chậm, như đêm thì chậm với người mơ người tỉnh, người ngủ thì khác
dưới đây là X - Vào lúc một giờ sáng, có rất nhiều bài tôi thích [như bài ăn kỉ niệm XVII - Bán cầu lẩn trong một mái tóc, chẳng hạn], thích đoạn thích hình ảnh còn đọng lại trong tôi [nhiều lắm], tôi sẽ để dành để lúc nào hứng, mở ra tìm, và đọc lại, tôi biết mình sẽ dễ dàng tìm được chính cái mình muốn tìm ở khoảng nào trong trang, ở trang bên trái hay bên phải, thậm chí cả từ ngữ, tôi biết chắc chắn thế, với riêng quyển này vì nó là Baudelaire, một gì đấy rất riêng, bông hoa bất khả so sánh [lấy ý trong XVIII - Thỉnh du; bông tuy líp đen và bông thược dược xanh - hỡi bông hoa bất khả so sánh, hoa tuy líp tìm thấy lại và hoa thược dược phúng dụ] tôi chọn Vào lúc một giờ sáng vì nó làm tôi 2 đêm một giờ sáng vẫn chưa đi vào cơn ngủ ở thế giới này được [có lẽ một giờ sáng lúc này là một giờ sáng thứ 3] và phải ở lần đọc sau lần 1 tôi mới ồ, hoá ra có một bài, gọi là chương đi, tên là Vào lúc một giờ sáng và ở lần đọc này tôi thấy nó hợp tâm trạng của tôi hiện tại; Baudelaire cũng là người rất đêm về sáng, còn tôi thì kết thúc văn bản này cũng lúc một giờ sáng
ps. bìa sách bập bềnh cong đấy chứ không phải do mắt nhìn ảnh thế nào cứ thấy cong cong đâu, mở qua mở lại đọc nhiều nên thế, văn bản này không đọc lướt được, cũng không đọc một lần một câu một đoạn được
và thật lạ khi gọi Baudelaire là Charles Baudelaire, cũng như Rilke là Rainer Maria Rilke
X
Vào lúc một giờ sáng
Rốt cuộc! một mình! [...]. Được vài tiếng nữa, chúng ta sẽ sở hữu sự im lặng, nếu không phải là ngơi nghỉ. Rốt cuộc! ách bạo chúa của khuôn mặt con người đã biến đi, và tôi sẽ chỉ còn phải chịu đau đớn bởi chính tôi.
Rốt cuộc! vậy là tôi đã được phép thoải người vào một cuộc tắm bóng tối! Trước hết, khoá cửa hai vòng cho chặt đã. Cứ như thể vòng xoay chìa khoá ấy sẽ làm tăng thêm cho tôi niềm cô độc và củng cố các chiến luỹ giờ đây ngăn cách tôi với thế giới.
Cuộc sống khiếp hãi! Thành phố khiếp hãi! [...]
Phẫn với tất cả và phẫn với tôi, tôi những muốn cứu chuộc mình và hửng lên một chút trong im lặng và niềm cô độc của đêm. Tâm hồn của những ai tôi từng yêu, tâm hồn của những ai tôi từng ngợi ca, hãy tiếp sức cho tôi, nâng đỡ tôi, đẩy xa khỏi tôi lời dối trá và những mây khói băng hoại của thế giới, và Người, thưa Đức Chúa! hãy trao tôi ân huệ [...]