Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

19.9.24

deleting deleter




một truyện trinh thám Hàn của tác giả 197x [tôi hợp đọc các cây viết Hàn ở quãng này] viết không quá xuất sắc nhưng bố cục tốt, tình tiết vừa đủ, cái đặc biệt là tác giả không chọn làm tới ở bất cứ chi tiết cao trào nào nhưng cũng không khiến người đọc hụt hẫng. Khả năng đây là một quyển trinh thám lọt thỏm, ế lòi dù tôi thấy hoàn toàn đọc được. Tôi đọc được trinh thám Hàn Nhật nhưng không thể đọc nổi Trung, trong khi mọi người nói Trung hay :); cũng có thể giống như tôi đọc được nhiều trinh thám Bắc Âu chậm nhưng Mỹ thì chỉ rất ít [nơi sản sinh thể loại này cuối cùng lại không mang gene tinh hoa và không có truyền nhân :)]. Tôi vẫn luôn nói thích tư duy văn học của những cây viết Hàn khoảng tuổi tác này, không lậm những chủ đề cũ, cũng không giống mùi phim truyền hình Hàn; Cái bóng của bí mật khai thác chi tiết, có thể gọi là ngạch hẹp của các nhân vật chính điều tra phá án, chưa từng nghe đến trong quãng thời gian 10-12 năm đọc trinh thám của tôi: deleting - deleter, một công việc hợp đồng xoá bỏ những gì khách hàng mong muốn ngay khi họ chết và người thực thi được gọi là deleter 


chương 7 khoảng tr77-82, deleter nhận hợp đồng deleting, khách hàng là một nhà văn, thứ nhà văn muốn thuê xoá là các tiểu luận truyện ngắn ông viết khi còn trẻ đã gửi cho một người trong giới [sau khi chết muốn xoá vì không muốn người kia công bố trên văn đàn, lấy đó làm bôi nhọ sự nghiệp nhà văn của mình bao năm] và các bức thư tình gửi cho một phụ nữ đã xa xôi rồi. Đây là chương khiến tôi gật gù chuẩn, nếu là một kẻ viết nhiều, tôi cũng mong tiêu huỷ hết thật; thế nên sau cú đầu tiên đốt hết những gì viết trước tuổi 22, thì từ đó trở về sau, cứ năm hoặc 6 tháng tôi hoá vàng một bận; có người hỏi tôi tại sao phải làm thế, tôi nói vì từng chút mỗi trút được ra rồi là ra, phải hoá đi mà tha cho mình và, tránh đau đớn cho người nào phải đọc nó


nó đặt ra một ý nghĩ, trước khi chết, hay chết rồi được phép nhìn lại, thì người ta chọn xoá bỏ gì; một câu hỏi quen thuộc là, người ta chọn giữ gì, nuối tiếc gì, mong muốn mang theo gì nếu có thể, nhưng đây lại là ý nghĩ: ta muốn xoá bỏ gì; hẳn là quan trọng, hẳn là bí mật nóng như than buộc phải ngậm mà mang xuống mồ nhưng làm gì có bí mật nào mà không có bóng, bí mật thì chỉ nên là bí mật, nó không trở lại đúng vị trí của mình thì dở, cái bóng của nó cái chết đâu thể mang theo hết bóng của bí mật được. Cuộc sống sau khi chết vốn là thứ bản thân không thể điều khiển, nhưng deleting lại cho phép ta mượn sức của deleter để thay đổi cuộc sống ấy đi ít nhiều... tác giả nghĩ ra và khai thác ý tưởng này, nghe như tiểu thuyết vị lai giả tưởng, nhưng đơn thuần nó là một tiểu thuyết trinh thám hiện thực màu sắc tiểu thuyết đen, thế mới hay 


có một cái giếng rất sâu, vì sâu nên không thể rõ lòng giếng. Vô tình ta ném một cục đá xuống giếng chẳng vì lý do gì, cứ ném vậy thôi, đợi mãi chẳng nghe thấy âm thanh nào cả, ta mất hứng và bỏ đi, có khi cũng quên hành động vô tình ấy. Mỗi người đi qua, cũng vô tình ném một viên sỏi xuống giếng, họ cũng chẳng vì lý do gì. Cái giếng cứ ở đó, nó sâu nên mọi người cứ ném xuống chẳng để ý làm gì. Nhưng một ngày nọ, đang đứng gần giếng thì nghe thấy "tõm". Không thể biết tiếng tõm ấy là cục đá hòn sỏi do ai ném nữa. Chưa biết chừng là cục đá mình ném từ lâu trước đó rồi bây giờ mới chạm nước và đáy, cũng không loại trừ là viên sỏi ai đó vừa mới ném. Nhưng không hiểu sao lại có cảm giác đó là âm thanh cục đá mình ném xuống vì mình cũng đã tham gia ném xuống giếng mà. Nên tiếng tõm ấy, phần nào cũng là trách nhiệm của mình. Dù bất khả nhưng vẫn muốn buộc sợi dây vào mình, nhảy ùm xuống, cũng không rõ có kéo được gì hay nhảy xuống để xác nhận gì, có đúng cục đá mình ném đã gây ra âm thanh tõm đó không... vì tất cả chúng đều theo tiếng tõm mà đi mất rồi. Nhưng việc muốn làm thì vẫn muốn làm thôi. Nếu không muốn liên đới, chi bằng đừng làm bất cứ gì, dù chỉ là một viên sỏi ném vô thức, không bất cứ gì. Mà đời như cái giếng, lấy đâu "không bất cứ gì" 


ý tưởng về cái giếng của Kim Jung Hyuk không lạ, hình như rất nhiều nhà văn nghĩ đến cái giếng [Haruki, Pamuk, cổ hơn hãy nghĩ đến La Motte Fouque, hãy nghĩ đến cây đoạn và cái giếng...]; còn tôi nghĩ về mấy năm trước một bạn nam bảo tôi giống một cái giếng khi gọi xuống luôn nghe âm vọng hồi nhưng cái giếng không bao giờ lên tiếng trước; tất nhiên rồi, nếu không bất cứ gì thì cái giếng làm sao vọng hồi bất cứ gì, nếu vọng hồi, e giếng ma như truyện gì của Nhật


khổ thân Cái bóng của bí mật, text bìa có lỗi, câu in mặt bìa sách cũng sai ý của văn bản trong sách; bìa sách thật ra phải đến gần cuối mới có hình ảnh liên quan, hoạ sĩ thiết kế bìa chọn hình ảnh này kể ra cũng là cố gắng bám víu nội dung lắm rồi... Một quyển trinh thám lọt thỏm, hơi đáng tiếc 



Không có nhận xét nào: