18.2.23

tạm biệt Bảo Bảo của con

 



trong ảnh là tiểu thuyết Bảo Bảo viết, hôm nói chuyện là đang hơ ngải huyệt túc tam lý cho Bảo Bảo, bảo con đi mua sách cũ, thấy sách bác viết thế là con mua, nhưng con chưa đọc; Bảo Bảo hỏi quyển gì thế; nói tên sách xong Bảo Bảo bảo, viết nhiều quá không nhớ được, đợi tí, à quyển đó đọc được đó con, không dở lắm :) [một số đầu sách trong 1 giai đoạn của Nhã Nam, có thể nói đoạn đầu đi, được lục từ nhà Bảo Bảo ra, thi thoảng trên thị trường sách mấy năm gần đây, cũng xuất hiện những quyển sách khi xưa Bảo Bảo từng làm; chúng xuất hiện lại trong một diện mạo mới]


lần đầu 2 bác con gặp nhau, hơn 11 năm trước, nói nhẹ là Bảo Bảo hút nhiều thuốc quá, hút thế này bác gái có khó chịu không ạ; Bảo Bảo cười bảo: bác gái còn hút ác hơn bác, nếu bỏ hút thuốc mà sống thêm được mấy năm thì bác hút chứ không bỏ. Nghe thế, tú tú phong Bảo Bảo là con người hoan lạc. Và đúng là vậy, Bảo Bảo sống và làm mọi thứ theo ý thích, thích là được, muốn là làm. 


2 năm trước đi viện về, tú tú qua chơi, đốt ngải bấm huyệt cho Bảo Bảo, vừa ngồi làm vừa 2 bác con nói chuyện và nghe bác tả tình hình bệnh, sức khoẻ; tú tú bảo thế thì phổi tắc nghẽn mạn tính copd rồi; Bảo Bảo nghe thế oà lên như tú tú trúng độc đắc, đúng rồi đúng rồi bệnh án bọn nó cũng bảo bác thế [lần vừa rồi nằm viện thì phải sinh thiết để loại trừ ung thư phổi, hôm ấy 2 bác con mừng với nhau vì thoát ung thư phổi, Bảo Bảo sợ đau, nghe tú tú bảo ung thư phổi thì đau đớn lắm, Bảo Bảo bảo may quá, đau thì tôi chịu sao được cô ơi]; Bảo Bảo nói bác từ viện về, vẫn còn ngồi trên xe, nhìn qua cửa xe đã nghĩ mai đi nhậu làm bát tiết canh vịt; mà vừa kể chuyện với mình vừa thở hồng hộc lấy oxy; dạy bác cách thở bảo bác cố lên, vẫn vừa thở hồng hộc lấy oxy vừa nói không ra hơi "tôi đang thở trết bà đây cô" và tay níu níu bấm vào tay tú tú run run ráng sức. Trẻ con lắm, lúc ốm dặn cái gì cũng nghe cũng làm, mang sang bác cái gì để ăn để uống để chữa bệnh bác cũng làm theo, hỏi tỉ mỉ như là chấp hành lắm; thế mà chỉ 10 ngày sau khoẻ, phóng xe vèo vèo ngoài đường, qua nhà tú tú trong trạng thái bác đưa trả "cái này đắng lắm bác không uống đâu, cái kia thì ăn rồi, còn cái đốt đốt này lâu bỏ mịe ra Bảo Bảo của con còn phải đi nhậu chứ"


trước Tết qua gặp bác, nấu món đậu đen hầm nước dừa cách thuỷ, nói Bảo Bảo ăn luôn cho nóng, bác bảo: con cứ để đấy, giờ chiều bác ăn, giờ tôi phải ngồi thở đã cô ạ [lúc í mới xuất viện về nhà được mấy ngày]; hỏi bác: con người hoan lạc đã chịu bỏ thuốc lá chưa; Bảo Bảo nói: bỏ rồi mà, bỏ lâu rồi, hơn tuần nay không hút nữa rồi; tú tú còn cười bò ra, thế mà bác nói với tú tú là bác bỏ lâu rồi, mới có hơn tuần đã nói lâu rồi, đúng là con người hoan lạc. Rồi 2 bác con ôm nhau chào tạm biệt, tú tú hẹn Tết đi chơi về sẽ qua chơi với bác lâu hơn, còn nhắc bác nhớ bỏ thuốc lá, ngủ giấc đêm và tập thở [vì bác thành thói quen gần sáng bạch mới chịu ngủ]


thế rồi hôm ấy là lần gặp cuối, lần 2 bác con ôm nhau lần cuối. Tạm biệt Bảo Bảo của con ❤️🙏🏻

8.2.23

xô động - Ung thư TTT [tiếp]




tr 279, Ung thư do Chủ nhật Khác thực hiện, trích chương II bản Bách khoa cho biết mốc thời gian của đoạn đầu Ung thư là Hà Nội năm 1951


phần thứ nhất, chương V, Thạch đọc thơ Vũ Hoàng Chương: Em ơi lửa tắt bình khô rượu, đời vắng em rồi say với ai. Đời vắng em rồi [say với ai], có lẽ tập thơ mà Thạch đọc là tập Mây 1943


phần thứ hai, Đồng đi chụp lại phổi, tự hỏi tôi sẽ làm gì với một thân thể lành mạnh, tôi chờ đợi cái chết và nó không tới, dừng lại mua thuốc lá, giá thuốc lá đã tăng, không thể chia đủ cho bốn đứa. Đồng buồn bã ngẩn ngơ trong đầu: Sáng mát trong như sáng năm xưa... Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em... [Đất nước Nguyễn Đình Thi 1948 - 1955]



phần thứ ba Ung thư, ở xóm Đồng Ong Cộ Saigon, bài hát vang lên là Nam bộ kháng chiến [1946]: Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến


cũng trong chương này, khi Liêm - anh trai Thạch ngồi tàu thuỷ từ Saigon trở ra Bắc, đất Phòng, trên tàu thuỷ Liêm nghe cô thiếu nữ ngồi trên giường hát nho nhỏ bài hát thật hay được nghe lần đầu [dễ hiểu vì Liêm đã ở Saigon chục năm]. Về đây khi gió mùa thơm ngát, ôi lũ chim giang hồ... lời Đàn chim Việt Văn Cao viết khoảng 45, gắn với mốc này [Bến xuân 42]. Ngay sau chi tiết này, Liêm đi gặp ông Phát - người bạn được Tường viết thư giới thiệu, Liêm không tưởng nổi người đàn ông ngồi trước mặt một thời lưu lạc giang hồ và chỉ mới trở về Bắc năm 45; thời điểm này là gần Tết, giao thừa 


cũng trong phần này, chương III, mùa hè đã hết, nửa năm đầu tiên của Liêm ở Hà Nội đã qua. Buổi sáng ngày Hải đi thi, Liêm đèo Hải đến cột Đồng-hồ, Liêm vòng lại xuống bờ Hồ, Hải hát một bài gì đó mà kiểm duyệt xuất bản đã đục bỏ; sau đó rẽ vào Trường-thi nhìn vòm cây xanh mát, Hải chun miệng thổi sáo vang lừng. Những bông hoa ngày mai, đón tương lai vào tay. Những xuân đời mỉm cười ca hát lên... [Tiến về Hà Nội Văn Cao 1954]



tôi đọc Le Spleen de Paris vì ngay trước đó trong Ung thư, chỗ sách đầu giường của Đồng, nằm dưới cùng là Le chute de Paris [chute sụp đổ và spleen ưu sầu ưu uất, người nào hay nghĩ hay âu lo thì đều hỏng tỳ cả]. Cũng trong đoạn này, Đồng đi thăm Thạch nằm nhà thương, Đồng nói: ngồi ở nhà thương gần người bệnh, tôi cứ nghĩ đến truyện của Tchékov. Thạch nói chưa đọc Tchékov. Ý tưởng bất chợt đến Đồng nói: nhìn cậu, nghĩ đến bọn mình, tôi thấy giống như bọn thanh niên Nga hồi thế kỷ 19 mà Tourgueniev tả, idéalistes, utopistes mỗi đứa một cách. Đọc Gogol, Dostoievski xong mới hiểu nổi Tchékov, Tchékov như sự rớt xuống tầm thường hay sự trở về đời sống hằng ngày cũng thế... tôi nghĩ đến cuộc đọc 2019 Dostoievski, một người đã nói với tôi về Gogol và nói phải đọc Gogol rồi cả Tourgueniev, cũng chính trong cuộc đọc này, tôi sợ lần đọc Demons - Lũ người quỷ ám nhất, tôi nghĩ mình đã đọc hết nó mà không hiểu gì về nó về một nơi chốn cứ trở đi trở lại trong đó, sau đó, khi đọc tắc bụp Ung thư qua ảnh chụp tạp chí Văn, tôi nghĩ nó và Bếp lửa là nối dài của nhau, cũng chính nó là một gì đó rất Demons của Dostoievski như tôi hiểu, ngay khi tôi còn chưa có một quyển sách Ung thư trên tay


cuối Ung thư do Chủ nhật Khác thực hiện, có in Những người đã chết đều có thực, nó là một trong những đoạn đầu của Ung thư, giờ được in về cuối, đọc nó có thể đảo lên đầu, có thể là một gợi ý đọc cho người mới, sẽ là thứ để phác thảo 4 người bạn Hà Nội: Thạch, Đồng, An, Cảnh; như tôi thì thích nó ở cuối, như một truyện ngắn từ đó hình thành Ung thư [Ung thư là tiểu thuyết dang dở, kết của nó có một dấu mốc chính là câu An nói với Nga - em gái: Thôi về đi, tôi buồn ngủ quá. Những người đã chết đều có thực là một phần của một chương trong phần thứ nhất Ung thư; Buổi sáng chủ nhật thì nằm ở Phần thứ hai, chương 1]. Tôi thấy mình giống Thạch quá 🤦🏻‍♀️ dẫu tôi thích tất cả các nhân vật trong Ung thư, ngay cả những nhân vật phụ. Nói về truyện ngắn, đoạn Thạch đi tìm nhà Liên và gọi to giữa đêm Liên ơi, không hiểu vì lẽ gì tôi nhớ nhầm với một truyện ngắn của TTT, Dọc đường, mãi vài ngày sau tìm trên vietmessenger đọc lại tôi mới biết mình nhớ nhầm, chắc cùng cảm giác đi tìm một người nào đó trong vô vọng và ta trơ lại còn có mình không nơi dung chứa; nhưng tôi nghĩ mình nhớ đúng chỉ là chưa nhớ ra khung cảnh ấy ở truyện ngắn nào khác hay phân cảnh nào khác của TTT. Còn đoạn An lần đầu đến nơi ở của Phúc, cũng gần như nhà chứa, làm tôi nghĩ đến Tiếng động, không biết tại sao


có một chi tiết An ở bên gái điếm, nhớ Thạch ví gái điếm như nhà cách mạng [Thạch cãi với Cảnh: "Gái điếm ấy à... cũng có thể coi như những nhà cách mạng. Này nhé... ôm ấp yêu thương hết mọi người mà chẳng yêu ai thực hết. Chỉ cái thói quen phải hành động như thế. Sống chui rúc, bí mật và bị xã hội hắt hủi. Mong một tương lai chẳng bao giờ thấy tới"]', một cách nào đấy, hình ảnh đi chơi gái xuất hiện trong rất nhiều các trang viết của TTT, không chỉ ở Ung thư, nó cũng là một gợi ý đọc TTT, các nhân vật tìm quên, đẩy mình về một phía khác sống cuộc đời khác, tự khinh mình... đổi dạng hoặc không, luôn thoi thóp [như Đồng]


ps. vẫn chưa thể ráp các đoạn vào nhau, có lẽ viết thế này nhàn hơn 



4.2.23

vào lúc một giờ sáng




Baudelaire khiến tôi nhận ra tôi khác; trước đây tôi không chịu nổi những gì là ý niệm ý luận, tôi thích đọc những gì cầm nắm được, những từ những chữ rõ ràng cho tôi hình dung; tôi không chịu được những cơn mơ mẩn của kẻ khác


khi cầm Le Spleen de Paris làm sách đọc trong chuyến đi chơi đầu năm, mặc nhiên coi nó là quyển sách khai xuân, cũng mặc nhiên nghĩ nếu mình bỏ ngang quyển sách cũng tốt, cho một năm bỏ ngang không đọc gì cũng tốt, như thế là mình thoát việc sách vở ám, mình chưa bao giờ hình dung hay nghĩ về một ngày trôi qua với một ai đó không đọc gì và với mình, mình không biết nếu một ngày mình không đọc gì, một tuần một tháng một năm không đọc thì mình có thoát được đau đớn từ chính các suy nghĩ của mình hay không, mà phần nhiều mình nghĩ cái đầu mình thế là do các suy tưởng từ việc đọc giáng đòn, nó làm mình quen, biết về mình hơn theo cách trò chơi đưa một vật có thể nhìn thấy được ra xa rồi lại về gần ngắm nghía rồi lại ra xa đổi phương diện nhìn rồi lại kéo về gần, cứ như thế 


đây là một quyển sách lạ, có thể đọc nó bắt chợt bất cứ đâu, trang nào, đoạn nào, câu nào... đọc ngay cả khi không hiểu cho đến khi tóm được một ý tứ một câu mình thích và từ đó sẽ tiến lên trên hay trượt xuống dưới nơi mà ta thích để tiếp tục. Cũng chính nó khiến tôi đi qua 52 trang đầu như một mở màn của cơn mơ mẩn, trang 52 vì chính đến chỗ này thì thấy một lỗi typo, tự nhiên "tỉnh", nhập làm một con người sống trong cơn mơ ấy, đổi vai trò từ nhìn người mơ thành một người mơ đi trong cơn mơ mẩn cùng kẻ khác - ra khỏi một thế giới và nhập vào một nơi nào đó "vì tâm hồn mình du hành nhậm lẹ đến thế". Và kể từ đây thì bắt đầu đi vào nhịp của quyển sách hơn, thấy rằng nó có tính liên kết, ăn vào nhau nối với nhau ở từng bài chứ không phải nó vụn từng đoạn trong một bài như 50 trang đầu đã qua, càng về cuối lại càng "tỉnh", và khi về cuối rồi thì lật trở lại từ trang đầu để đọc lại cho đến dấu mốc trang 52 kia như một vòng lặp [thật ra trước giờ tôi cũng hay chơi thế, tôi thường đọc hết là quay lại từ đầu đọc quá lên mấy chục trang, có quyển đọc lậm đến hết quyển và lại quay lại :)] chính vì đọc vòng lặp thì tôi mới lại đọc lại Baudelaire gửi Arsène Houssaye đầu sách và mỉm cười: ngay từ đầu Baudelaire đã nói với mình rồi, nhưng vì mình lúc đó chưa có kinh nghiệm Le Spleen de Paris, đúng là muốn có kinh nghiệm thì phải có kinh nghiệm


đây cũng là một kinh nghiệm mới mẻ: văn bản hoàn toàn là văn xuôi nhưng nó gợi tình như một nàng thơ, tuyệt đối. Nhịp của nó không phải là những dấu ngắt văn bản, nếu quá tin tưởng vào dấu ngắt thì sẽ rơi bẫy; và để biết mình có đúng nhịp hay không, đọc thành tiếng là biết ngay mình lố, nó khiến ta đọc thành tiếng trong đầu, tiếng không thanh


với văn bản này, thật khó để tránh các lỗi, cũng không biết quy lỗi này là lỗi gì vì nhiều từ được dùng quái, nó trình hiện khác bình thường nhưng không phải bất thường, khó cho việc soát văn bản. Và đây là sửa, ngoài những sửa này thì cái ta tưởng sai mới là đúng, và tưởng sai đọc lại một vài nhịp thì mới thấy để như thế có ý của nó: 

- tr 52 dòng 11 dưới lên: "người thằng cuộc" sửa thành "người thắng cuộc"

- tr 106 dòng 12 trên xuống và tr 154 dòng 5 trên xuống: sửa "rốt cuộc tôi cùng" thành "rốt cuộc tôi cũng"

- tr 107 dòng 3 trên xuống: "khốn khố" sửa thành "khốn khổ" 

- tr 109 dòng 9 trên xuống: "trỗng rỗng" sửa thành "trống rỗng"

- tr 129 dòng 2 dưới lên: sửa "quỵ lỵ" thành "quỵ luỵ"

một lỗi được chỉ ra, "trong" in thành "trong trong" nhưng hiện tôi chưa nhìn ra, có lẽ phải đọc 2 lần chứ 1 lần rưỡi thì vẫn sót; update: tr 151 dòng 14 dưới lên "trong trong" bỏ bớt một "trong" :)


với bản dịch quái [ác] này, có lẽ để chép thì sẽ rơi vào đúng trường hợp người yêu thơ Đinh Hùng chép thơ Đinh Hùng, cứ chép là kiểu gì cũng sai với văn bản; và tôi đoan chắc rằng, đưa văn bản cho 10 người đọc thành tiếng thì xác suất đọc không lố chữ là rất rất nhỏ, phải gọi là ngang đánh đố

vì nó là một quyển sách đọc nhịp chậm, như đêm thì chậm với người mơ người tỉnh, người ngủ thì khác


dưới đây là X - Vào lúc một giờ sáng, có rất nhiều bài tôi thích [như bài ăn kỉ niệm XVII - Bán cầu lẩn trong một mái tóc, chẳng hạn], thích đoạn thích hình ảnh còn đọng lại trong tôi [nhiều lắm], tôi sẽ để dành để lúc nào hứng, mở ra tìm, và đọc lại, tôi biết mình sẽ dễ dàng tìm được chính cái mình muốn tìm ở khoảng nào trong trang, ở trang bên trái hay bên phải, thậm chí cả từ ngữ, tôi biết chắc chắn thế, với riêng quyển này vì nó là Baudelaire, một gì đấy rất riêng, bông hoa bất khả so sánh [lấy ý trong XVIII - Thỉnh du; bông tuy líp đen và bông thược dược xanh - hỡi bông hoa bất khả so sánh, hoa tuy líp tìm thấy lại và hoa thược dược phúng dụ] tôi chọn Vào lúc một giờ sáng vì nó làm tôi 2 đêm một giờ sáng vẫn chưa đi vào cơn ngủ ở thế giới này được [có lẽ một giờ sáng lúc này là một giờ sáng thứ 3] và phải ở lần đọc sau lần 1 tôi mới ồ, hoá ra có một bài, gọi là chương đi, tên là Vào lúc một giờ sáng và ở lần đọc này tôi thấy nó hợp tâm trạng của tôi hiện tại; Baudelaire cũng là người rất đêm về sáng, còn tôi thì kết thúc văn bản này cũng lúc một giờ sáng


ps. bìa sách bập bềnh cong đấy chứ không phải do mắt nhìn ảnh thế nào cứ thấy cong cong đâu, mở qua mở lại đọc nhiều nên thế, văn bản này không đọc lướt được, cũng không đọc một lần một câu một đoạn được

và thật lạ khi gọi Baudelaire là Charles Baudelaire, cũng như Rilke là Rainer Maria Rilke 


X

Vào lúc một giờ sáng


Rốt cuộc! một mình! [...]. Được vài tiếng nữa, chúng ta sẽ sở hữu sự im lặng, nếu không phải là ngơi nghỉ. Rốt cuộc! ách bạo chúa của khuôn mặt con người đã biến đi, và tôi sẽ chỉ còn phải chịu đau đớn bởi chính tôi.


Rốt cuộc! vậy là tôi đã được phép thoải người vào một cuộc tắm bóng tối! Trước hết, khoá cửa hai vòng cho chặt đã. Cứ như thể vòng xoay chìa khoá ấy sẽ làm tăng thêm cho tôi niềm cô độc và củng cố các chiến luỹ giờ đây ngăn cách tôi với thế giới.


Cuộc sống khiếp hãi! Thành phố khiếp hãi! [...]


Phẫn với tất cả và phẫn với tôi, tôi những muốn cứu chuộc mình và hửng lên một chút trong im lặng và niềm cô độc của đêm. Tâm hồn của những ai tôi từng yêu, tâm hồn của những ai tôi từng ngợi ca, hãy tiếp sức cho tôi, nâng đỡ tôi, đẩy xa khỏi tôi lời dối trá và những mây khói băng hoại của thế giới, và Người, thưa Đức Chúa! hãy trao tôi ân huệ [...]