Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

16.3.21

giếng

 




[không phải giếng của HM đâu]

khoảng mấy tháng trước tôi đọc một đoạn thơ Cây đoạn của Wilhelm Muller, có hình ảnh cái giếng. Giếng được đào sâu dưới lòng đất, nơi có nước ngầm không ngừng tuôn chảy; hình ảnh tiềm tàng uẩn khúc, là nguồn nuôi dưỡng sự sống, nhưng đồng thời cũng có thể lấy đi sự sống của những sinh vật rơi xuống giếng [lại nói chuyện kinh dị Nhật đi, vì nó là cánh cổng dẫn xuống thế giới âm phủ, nước của nó là nước cửu tuyền]


Orhan Pamuk pha loãng các ẩn dụ. Hy Lạp phương Tây Oedipus giết cha và Ba Tư phương Đông Rustam giết con trai Sohrab; bi kịch cha và con trai, lịch sử-ký ức và hiện đại, vong thân, chạy trốn/ rũ bỏ định mệnh và sự vị tất yếu. Và Istanbul [Thổ Nhĩ Kỳ] giữa phương Tây và Đông, giữa mới và cũ, hiện đại và truyền thống, được chọn thì mới được chọn lựa "có thể cô sinh ra đã có tóc đỏ nhưng tôi chọn thành người tóc đỏ"


cái giếng [nghĩa trang, đại dương, vùng đất, thành trì] của mỗi người - những gì xảy ra, gắn với "chốn" ấy là trở lực để ta tiến đến một cuộc đời nhìn vào có vẻ, trông như là bình thường. Cem nghĩ "giấc mơ trở thành nhà văn của tôi chóng lụi tàn vì tôi đã bỏ thày Mahmut lại dưới đáy giếng"; dẫu không ai nói được thế nào là một cuộc đời bình thường, dường như bình thường và bất thường chỉ là ranh mong manh của thời khắc ta nhận ra không phải ta đào cái giếng xuống lòng đất, đến trung tâm sâu bên trong, mà ta đi lên, nhìn ngắm những gì trên cao và các vì sao; và đôi khi thò đầu nhìn xuống hun hút, thậm chí nhảy xuống giếng, đối diện, chấp nhận cái giếng thì mọi sự mới ở đúng vị trí của sự sống thay vì mờ mịt vô tri trong vòng xoay


Nàng Tóc Đỏ, một câu chuyện hay. Tôi rất thích lựa chọn những câu chuyện cổ xưa để bắt đầu cái giếng Orhan Pamuk - Đỏ và Istanbul; nhưng ông viết câu chuyện tệ hại, có thể người đào giếng này tay mỏi rồi, bận việc khác rồi; đào một cái giếng quá sâu hết lớp đất này đến lớp vỉa khác cứng mềm địa chất phức tạp mà vẫn chưa đến nguồn nước; một người đào giếng phải có niềm tin kiên định đến mức cố chấp, tàn phá mọi thứ và chính mình thì mới đủ khả năng giữ vững những gì thâm căn cố đế mình muốn làm và làm. Mà giải Nobel là phát công phá, Orhan Pamuk không tránh được sức tàn phá của nó


định mệnh là tất yếu, chạy khỏi định mệnh cũng là tất yếu, số phận sẽ dội lại ta không đường này thì đường khác một chung cuộc khốc liệt nồng nực như nhau, đi đường nào thì cũng gặp sự điên rồ cả, có thế nào thì cũng sẽ khóc thôi. Phản kháng hay thoả hiệp là lựa chọn, được chọn thì mới được chọn lựa. Oedipus là Oedipus, bởi đầy đủ cả ba sự kiện giết cha, ngủ với mẹ và giải câu đố của Nhân Sư. Chính thế bi kịch có sức sống vĩnh hằng, chính thế mà ta là con người, còn nơi đâu như cõi người, bình thường và bất thường cũng là "thường" với sự quay vĩnh cửu khốc liệt của vũ trụ. 


ps. việc Cem bỏ đi để lại thày Mahmut dưới đáy giếng làm tôi nhớ đến một truyện tôi đọc cách đây 5-6 năm, khi nó còn là bản dịch thô thì tôi thế nào đấy lại mó tay vào biên, tác giả trẻ, văn phong hơi cổ quái của văn học Anh thì phải. Cô gái nhân vật chính trong lúc cãi nhau với bạn trai vô tình xô đẩy anh người yêu ngã ra trước đầu xe và bị xe tông bất tỉnh. Tuổi trẻ mù mịt và sự hoảng loạn, cô gái đã bỏ mặc người yêu và bỏ chạy; sống vất vưởng qua các thành phố 15-20 năm với mặc cảm mình đã giết người, mình đã giết người yêu

những giếng hun hút

hình ảnh cái giếng, nó thế nào, nhắm mắt nhớ lại hồi bé khi đứng chấp chới trò chuyện với cái giếng đi


Văn Cao viết gì í nhỉ 🙂

Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn.

Không có nhận xét nào: