Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

30.5.18

ánh sáng cong

Hôm trước nhân nói chuyện với bạn về tính giãn nở của thời gian gắn với không gian; không-thời gian và vật chất gắn với nhau trong hệ quy chiếu của nó. Bạn thì khăng khăng bảo không có thời gian nhanh hay chậm trong không gian vật chất Abc xyz, cũng không có thời gian ngừng lại, thời gian là dòng chảy đâu cũng như đâu, mọi vật mất đi thì không-gian thời gian vẫn còn đó. Mình thì phản bác mọi vật mất đi thì không-thời gian gắn với mọi vật ấy cũng mất đi theo. Mình ngu quá lại cứ lấy ví dụ xa vòi vọi hố đen trên tận tít bầu trời bao la làm cái gì. Thế là mình muốn diễn giải quan điểm về thứ mình tin, mình đâm đầu vào ánh sáng cong, nguyên lý hằng số vận tốc của ánh sáng trong chân không, nghịch lý sinh đôi... tóm lại là thuyết tương đối hẹp và thuyết tương đối rộng (thuyết tương đối đặc biệt) Người chuyển động càng nhanh, thời gian của anh ta càng chậm lại; nếu anh ta chuyển động với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng thì thời gian của người đó gần như đứng lại với người đứng yên. Do đó đồng hồ của người chuyển động chạy chậm hơn đồng hồ của người đứng yên quan sát, thời gian bị “giãn nở” ra. Tất cả thời gian đều được “chuyển tải” thông qua vận tốc ánh sáng, từ đấy sinh ra cái nguyên lý hằng số của ánh sáng trong chân không Tương tự như thế thì vật chất lớn khi bị hút vào hố đen với vận tốc lớn gần bằng vận tốc ánh sáng, nếu ta đứng bên ngoài quan sát thì thời khắc ấy như một thước phim quay chậm hoặc dừng lại. Lực hút của hai vật chất đủ lớn lúc ấy bẻ cong không gian và thời gian. Vân vân và vân vân, sau cùng mình mèo cần nói tiếp vấn đề ấy với bạn vì xét cho cùng ai cũng sẽ chiến đấu vì cái người ta muốn tin và đôi khi nó là rào chắn hạn chế chính ta. Biết đâu các thế kỷ sau những kết luận của Albert Einstein lại bị bác bỏ thì sao 🙂 3 quyển sách này là 3 quyển duy nhất mình có trong nhà gồm tiểu sử, niên biểu, thư từ và các bài viết của Albert Einstein [3 quyển trùng nhau ít thôi]... tập trung chủ yếu vào tính nhân văn và chủ nghĩa nhân bản của ông - Ông khuyên / quan điểm: khoa học là một thứ tuyệt vời nếu người ta không phải sống bằng nó, bạn nên dành phần lớn thời gian làm công việc thực tiễn như nghề giáo, thợ đóng giày [ông thì là người gác hải đăng] hoặc một lĩnh vực phù hợp với tài năng của bạn để kiếm sống và dành thời gian còn lại cho nghiên cứu, theo đuổi đam mê, có như vậy mới tránh được sức ép của “công bố hay là chết”, điều làm hao mòn niềm vui trong công việc sáng tạo và đưa một người đến chỗ công bố những kết quả hời hợt. Như vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng có thể sống một cuộc sống bình thường và hài hoà ngay cả khi không được ân huệ đặc biệt từ các vị thần của nghệ thuật và khoa học - Ông là một triết gia “Triết học giống như một bà mẹ đã sinh ra và trang bị tất cả cho các ngành khoa học còn lại. Người ta vì thế không nên đánh giá thấp bà mẹ ấy trong sự nghèo khổ và trần trụi mà phải hy vọng rằng cũng vẫn còn chút lý tưởng Don Quichote hiện thân trong lũ con của bà để chúng không trở thành những kẻ nhỏ nhen” - Ông là một nghệ sĩ vĩ cầm đúng nghĩa và cây vĩ cầm là người bạn đồng hành không rời. Ông yêu Bach, Mozart, Schubert, ngưỡng mộ Beethoven hơn là yêu thích [Beethoven với tôi quá bi tráng và riêng tư] - Ông cô đơn, sinh ra làm một kẻ cô độc, sống tách rời và xa vắng với con người, bị “say sóng” bởi con người, có lúc đến mức tuyệt vọng trước những cuộc giết chóc khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại - Dù thành công hay thất bại thì “bản thân tôi cũng chỉ là một mảnh nhỏ của nó”, “mọi thứ liên quan đến sự sùng bái cá nhân luôn khiến tôi đau khổ”. Ông phải chịu đựng sự nổi tiếng quá sức cũng như sự chống báng rất ác liệt, ngày hôm qua được thần tượng hoá, ngày hôm nay bị căm ghét và phỉ nhổ, ngày mai bị lãng quên, rồi ngày kia lại được phong thánh nên sự cứu rỗi duy nhất là óc khôi hài và ông giữ nó chừng nào ông còn hơi thở - Ông với tư cách một người theo đuổi khoa học, mối quan tâm của ông là Vũ trụ, ông tin tưởng rằng có một tinh thần vô cùng ưu việt so với tinh thần của con người đang ngự trị trong các định luật của vũ trụ, mà đối diện với nó chúng ta với sức lực khiêm tốn của mình phải lùi bước khiêm nhường. Vì vậy, theo đuổi khoa học dẫn đến một loại cảm xúc tôn giáo đặc biệt, thực sự căn bản khác với tín ngưỡng của những người ngây thơ hơn [cái này ai đọc Thiêng và Phàm của Mircea Eliade sẽ hiểu]. Tín ngưỡng của ông là sự ngưỡng mộ vô hạn đối với cấu tạo của thế giới. “Tôi muốn biết Chúa đã tạo ra thế giới như thế nào. Tôi không quan tâm đến hiện tượng này hay hiện tượng kia hoặc quang phổ của phân tử này hay kia. Tôi muốn biết những ý tưởng của Chúa; tất cả phần còn lại chỉ là tiểu tiết”. - Khi được hỏi về những vinh dự, Einstein nói mình tham gia nhiều hội khoa học, giáo sư thỉnh giảng... nhưng không nói đến Nobel 1921 chỉ bởi giải thưởng này được trao cho đề tài Hiệu ứng quang điện năm 1905 của ông, trong khi thuyết tương đối rộng đã được các đoàn thám hiểm Anh công bố số liệu đo độ cong của ánh sáng khi đi qua mặt trời thì Uỷ ban Nobel vẫn chống lại thuyết này [25 năm sau khi Einstein mất, Uỷ ban Nobel vẫn không có dấu hiệu công nhận thuyết này :v] - Khi muộn phiền, chán nản “đừng đọc báo, hãy thử tìm vài người có suy nghĩ giống mình, đọc sách của những nhà văn tuyệt vời như Kant, Goethe, Lessing... hãy luôn tin rằng mình đang sống trên sao Hoả giữa các sinh vật ngoài hành tinh và hãy thôi bận tâm đến hoạt động của những sinh vật đó, hãy kết bạn với vài chú thỏ... hãy nhớ rằng những người tinh tế hơn và cao quý hơn luôn cô độc, nhất thiết phải như vậy; và vì thế, họ có thể tận hưởng được sự tinh khiết trong không gian của riêng họ [*] Albert Einstein cho rằng “cong” theo đúng nghĩa thì nó không có nghĩa chính xác giống như trong ngôn ngữ hằng ngày

Không có nhận xét nào: