Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

31.5.16

Hoàng hôn vĩnh hằng



Tôi phủ đầu luôn bằng một nhận định của Umberto Eco mà không gì có thể chuẩn xác thông tuệ hơn được nữa :p. "Sách cũng giống như cái thìa, cái búa, bánh xe hay cái kéo. Một khi đã phát minh ra chúng rồi, bạn không thể làm tốt hơn được nữa"
Cuộc trò chuyện giữa Umberto Eco (U.E) và Jean-Claudel Carrière (J-C.C) dưới dự dẫn dắt của Jean-Philippe de Tonnac được gói gọn trong một quyển sách mà nhan đề cũng rất "đặc" sách: Đừng mơ từ bỏ sách giấy
Điều hiển nhiên là J-C.C sẽ nói về điện ảnh, cũng tự nhiên như không khí U. E kiểu gì cũng phải có văn hóa Trung Cổ, hội họa lịch sử văn chương triết học Châu Âu cổ. Và hai nhà sưu tầm sách có hạng này, dĩ nhiên đều cùng nhau nói về sách.
Tôi đọc quyển sách này quá lâu, lâu hơn mức bình thường rất nhiều chỉ bởi hai con người này quá uyên bác, trí tuệ, sắc sảo và thừa chua cay. Từng phát ngôn của họ khiến ta phải tra cứu, phải phì cười khi hiểu ra, phải nhệch mép cười méo một cái và thậm chí phải ngồi bật dậy làm gì thì làm :p
U.E có khoảng 50.000 quyển sách hiện đại và 1.200 đầu sách cổ còn J-C.C thì 2.000 tác phẩm cổ/30.000-40.000 quyển chưa kể bộ sưu tập truyện cổ tích, truyền thuyết, ngoài ra J-C.C còn nổi tiếng vì bộ sưu tập siêu thực (à, theo J-C.C sách cổ là sách được in ở thế kỷ XV các cụ nhé). Qua rất nhiều ngã tư và cột đèn, qua nhiều chủ đề nặng vô cùng, quả thật đây là quyển sách quá nặng với tôi, nếu bạn từng đọc U.E với lượng kiến thức Trung Cổ, lịch sử triết học tôn giáo ông ấy nhồi nhét vào tiểu thuyết thì bạn sẽ hình dung sơ lược về những gì mà tôi nói là "nặng" khi đọc cuộc trò chuyện dài của hai ông già này. Thì, tất nhiên các chương tôi thích nhất là các chương về sách, thi thoảng tôi bắt gặp những nhận định, câu chuyện, chia sẻ hài hước thông minh, quá nhiều trí tuệ của họ về những nhà văn mà tôi từng đọc như Racine, Cervantes, Victor Hugo, Flaubert, George Sand, Anatole France, Borges, Milan Kundera, Rushdie... phần lớn còn lại, chúng quá sức với một độc giả chỉ dừng ở mức độ nghiện đọc mà không chú tâm vào đọc cái gì như tôi (đối tượng đầu chỉ để mọc tóc thì đọc chuyên cần nhiều khi cũng là một dạng tai hại, rất dễ góp thêm vào thế giới một dạng ngớ ngẩn; nhân tiện U.E có nói sơ qua về sự phân biệt của ông với 3 hình thái đần độn-ngu xuẩn-ngớ ngẩn). Đặc biệt là chương cuối, chương tôi muốn đọc ngay khi mở mục lục: Làm gì với thư viện của mình sau khi chết, tôi cũng từng đặt câu hỏi này với một người tôi rất ngưỡng mộ và anh cố tình không trả lời thẳng thắn vì hình như chưa trả lời được heheheh
Victor Hugo từng nói: "Thứ nọ sẽ giết chết thứ kia. Sách in sẽ giết chết nhà thờ", thực tế chỉ cho thấy sự lu mờ của các công trình, còn nó vẫn song song cùng tồn tại. Giờ đây, người ta đang cho rằng e-book sẽ áp đảo sách in thì tôi lấy lòng quả cảm chuột nhắt của mình đảm bảo rằng e-book không đủ lý do để tống khứ sách in ra khỏi thói quen đọc nói chung, sách in vẫn cứ tồn tại, e-book sẽ chỉ là công cụ hỗ trợ cho cái bền vững mà thôi; máy vi tính, thiết bị điện tử với tất cả các thế mạnh của nó cũng cần có điện (tương lai khủng hoảng năng lượng đấy, các cụ ạ). Còn sách thì không. Cuốn sách giống như bánh xe. Khi đã phát minh ra nó, con người không thể tiến xa hơn nữa. Còn nếu một ngày điều xảy ra với con người giống như cuốn tiểu thuyết 451 độ F (Ray Bradbury) dựng: nền văn minh như bị quỷ ám, nền văn minh tồn tại chế độ mà có lực lượng đi đốt sách thì hãy nghĩ đến Romain Gary từng viết một câu đầy quy thuận thế giới trong Chó trắng: "nền văn minh nổ tung chính ở nơi nó đạt đến cực điểm hùng mạnh và giàu có". Nếu điều ấy đến (mà rất có thể là sẽ đến), nếu có một cuộc khủng hoảng sinh thái lớn tiêu diệt loài người hoặc một lý do gì đấy mà chúng ta biến mất thì "Tôi luôn nhớ trong đầu câu cuối cùng của tác phẩm "Thần thoại học" (Mythologiques) của Lévi-Strauss: "Tức là không có gì". "Không có gì" là từ cuối cùng. Từ cuối cùng của chúng ta (J-C.C).

Nhớ nhé, không-có-gì :3. Lũ gà mất cả thế kỷ để học cách không chạy qua đường cơ mà, nên để nhận ra một cái gì đấy, tôi sợ con người không có đủ thời gian, nói như Naipaul thì con người luôn sống trong hoàng hôn vĩnh hằng hehehe

*********-***********************-**
U.E có niềm đam mê với việc sưu tầm những cuốn sách liên quan đến việc sai lầm và không đúng, những điều ngu xuẩn, ông hài hước hóa nỗi lo của mình với lửa bằng lý do căn hộ ông sống từ lúc 3 tuổi đến 10 tuổi nằm ngay dưới căn hộ của ông đội trưởng đội cứu hỏa thành phố. Tuổi thơ của U.E bị ám ảnh bởi mối đe dọa từ lửa (lại nhắc đến lửa, đáng ra tôi nên đọc 451 độ F cùng thời với quyển này thì thích hơn). Còn nỗi ám ảnh của tôi là mối, mà như hai ông có khuyên thì nên dùng một cái đồng hồ báo thức loại cổ lỗ, kêu tích tắc liên hồi và rung ì ì khi có báo thức đặt vào giữa đống sách để đuổi lũ mối đi chỗ khác chơi. Tôi e ngại mối đến mức mà cứ đêm đêm không ngủ được, tôi đều có vẻ như nghe thấy tiếng gì đấy zột zoạt cọt kẹt kẽo kẹt rất nhỏ trong đống sách. Tiếp đó là nước (chứ không phải lửa, dù tôi cũng được trải nghiệm một lần năm 19 tuổi, đang ngủ thì ho sặc sụa vì khói, mở mắt ra thấy ngọn nến đang đốt đống sách ôn thi ĐH bốc cháy ngùn ngụt, đáng ra tôi nên hiểu là: đừng học nữa, đúng là đồ kon ngu Lốc, điều hiển nhiên như thế mà cũng không nhận ra :3), mỗi đêm mưa tôi đều bật dậy như kẻ mộng du chạy lên chạy xuống xem mưa to gió lớn cỡ nào, sách siếc có gặp nguy hay không, hoặc thậm chí như robot có công tắc báo thức, cứ hôm nào gió mát như sắp mưa là tôi tỉnh ngủ 2-3 lần trong đêm :v
U.E nói rằng phải đến 50 tuổi thì ông mới thực sự đam mê sách. Nên tôi rất thích thú khi nghĩ rằng mình chỉ đang mon men thích các quyển sách mà thôi. Lạc vào việc mua sách thời @, ta dễ dàng bắt gặp chính mình đọc những quyển sách bị lãng quên, xuất bản cách thời @ khoảng 20-30 năm nhưng vẫn có trang chưa được rạch, ta gọi những quyển sách ấy là thế giới sách cũ chưa rạch :p hay vui hơn nữa là những lề sách, giữa các dòng chữ ta bắt gặp những chú thích, ghi chú của người đọc trước mà đôi khi những điều ấy gợi hứng khởi phản bác rất là hăng (cái này rất hay hehehe)
ps: trang 216-217 có câu chuyện về chứng nghiện đọc, trang 219 về Le Grand Meaulnes, và Anatole France heheeheh

Không có nhận xét nào: