Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

3.10.22

Đò chiều - Trúc Khê Ngô Văn Triện




Tuyển tập Thơ văn Trúc Khê (Ngô Văn Triện) hai tập trong ảnh, tôi bỏ qua tập 1 và bắt đầu đọc vào luôn tập 2 khi ngó thấy tập 1 là tiểu thuyết lịch sử, danh nhân truyện ký [Hùng Vương diễn nghĩa, Trần Thủ Độ, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát]


tập 2 thì tôi bập vào tiểu thuyết Đò chiều trước tiên, thế lại thành hay; bởi sau đó, tôi gần như chắc chắn Đò chiều có nhiều chi tiết lấy từ chính cuộc đời của Trúc Khê, ít nhất đây là tiểu thuyết bán tự truyện

chi tiết ngay đầu truyện, nhân vật Quân nghĩ mình "từ ngày trở lại đất Hà Nội, đối với các bạn cũ tôi chẳng tìm đến ai cả. Vì không biết các bạn ấy có còn muốn chơi với mình nữa hay đã coi là vật bất tường mà muốn tránh xa" ứng với giai đoạn Trúc Khê gặp rắc rối với chính quyền thuộc địa, nhưng con mắt của người đi lần lại lịch sử là tôi, thì không lần ra được cụ thể rắc rối, hoạt động gì khiến Trúc Khê gặp các vấn đề với chính quyền, "nhân một việc biến, chàng đã phải rời khỏi Hà Nội một thời gian mấy năm đằng đẵng"

chi tiết nhân vật Quân ở căn gác nhà số 67 trước vườn hoa Cửa Nam thì sau này tôi biết ở đó là địa chỉ nhà in. Ngay sau đoạn nhân vật Quân nói mình ở căn gác nhà 67, Quân đứng lại thẩn thơ bên Bờ Hồ và lan man nghĩ lại những chuyện cũ, đoạn này là cỡ 2-3 trang "tiểu sử"

chi tiết hay nhất có lẽ là mối tình của Quân với người phụ nữ tên Lục Hà. 2 câu thơ Quân đọc cho Lục Hà nghe trong Đò chiều có thể lấy từ chính tập thơ Chợ chiều: "Tôi còn ước muốn gì hơn nữa./ Gặp gỡ nhau trong buổi chợ chiều"; về sau, khi trở ngược đọc các bài thơ trong tập Chợ chiều được tuyển vào tuyển tập này thì mệt mề ghê, không có bài thơ nào tên Chợ chiều. Nhưng cái hay là có bài thơ Thần hoa. Ở đây có một đầu mối: Ngân Giang đến thăm nhưng Trúc Khê đương ngủ trưa, nữ sĩ để bài thơ lại rồi về. Tỉnh dậy Trúc Khê làm bài Thần hoa [1940] và bài thơ này đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1949. Hoàn cảnh ra đời bài thơ, chính là một chi tiết trong tiểu thuyết Đò chiều và bản thân cái tên Lục Hà trong Đò chiều và Ngân Giang nữ sĩ ngoài đời, là thế đấy. Ngân Giang có bài thơ Suối ngọc gửi Trúc Khê: Chẳng qua là định mệnh/ Thiếp nào phụ cố nhân; còn Trúc Khê thì làm bài thơ Vụng tu để đáp lại. Mối tình đúng là như Đò chiều "gặp gỡ nhau trong buổi chợ chiều" [không biết có nên đi tìm thơ của Ngân Giang không, Ngân Giang có tập thơ]



phần Tạp văn - Bút ký - Biên khảo ngắn, tôi có để ý đến bài Trả lời ông Phan Khôi về câu chuyện vũ trụ quan của Khổng Tử [có vẻ không chỉ bài này, mà Trúc Khê đụng Phan Khôi đáng kể], cuối bài này Trúc Khê chua một câu theo đúng ngữ điệu của Phan Khôi: "hình như ông Phan Khôi đến hay nói mò" :))). Hôm nào có thời gian và tôi nhớ ra được, tôi phải đi tìm Trúc Khê - Phan Khôi luận chiến chủ đề Nguyễn Trãi [làm sao đỡ phải đọc thì tốt]

các bài khác, tôi để ý là Kim Vân Kiều lục, Khảo về Đạo giáo [bài này tôi thích, đọc 2-3 lần dù ít nhớ] và đặc biệt thích bài Những tài liệu mới về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm [đêm ấy đọc chi tiết Đoàn Thị Điểm bấm tay liệu việc (chắc bấm độn) và bà ốm, từ giã vào năm Bính Dần, ngày 11.9; tự nhiên rùng mình] bài này cung cấp nhiều thông tin về Đoàn Thị Điểm và Chinh phụ ngâm, tôi vốn có để ý Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương thì không


phần dịch thơ, Trúc Khê dịch Lý Bạch nhiều, có thích bài Ký viễn, lần đầu đọc bài này của Lý Bạch; Đỗ Phủ thì thích bài Giai nhân. Thật ra không thích thơ dịch, đọc nguyên tác ra nhịp, hiểu đâu thì hiểu, thích là thích thôi. Cũng không hiểu sao đọc Trúc Khê làm tôi lại đi tìm hiểu Đỗ Mục, đến giờ tôi cũng không nhớ được duyên do


trong tuyển tập có trích một số Truyền kỳ mạn lục Trúc Khê dịch, hôm rồi khi đọc lại tôi mới hay rằng tôi không nhớ đoạn kết của Chuyện người con gái Nam Xương, đọc lại mới ồ hoá ra kết là thế, trước đi học mình chẳng nhớ gì. Phần Tình sử dịch từ nguyên bản tiếng Trung, tôi thích truyện Vương Sinh [vì tôi hay nằm mơ việc xảy ra thật, truyện này để lại cho tôi mối tơ vò] và Vương Kiều; tôi thích chất tình liêu trai của 2 truyện này


hôm nay cố gắng đọc tập 1 của tuyển tập, thôi cố gắng được Cao Bá Quát [có bài tựa của Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố] và Nguyễn Trãi [Hoa Bằng viết tựa]. Hùng Vương diễn nghĩa và Trần Thủ Độ thì không cố nổi, không thể chịu nổi lịch sử cho dù là tiểu thuyết lịch sử


tìm kiếm trên mạng, Trúc Khê Ngô Văn Triện không có gì thêm ngoài mấy bài thơ, và vẫn không có bài thơ nào tên Chợ chiều. Dưới các bút danh khác cũng không thêm gì, ngay cả Cẩm Khê. Lạc vào trang nào đó của Ngô tộc, không có gì. Có vẻ để tìm được sách của Ngô Văn Triện dưới các bút danh không phải chuyện đơn giản. Còn để tìm đường thông sang người bạn Nhượng Tống của Trúc Khê thì lại càng cần cái sàng mắt lưới mau hơn nữa, phải tinh, việc này ngoài sức. Trong tuyển tập này có duy nhất một bài liên hoàn ngâm thơ 18.08.1940 tại nhà Trúc Khê ở Xuân Phương Từ Liêm, người dự ngoài Trúc Khê còn có Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Ngọc Giao và hoạ sĩ Nguyệt Hồ [Ngọc Giao và hoạ sĩ ngồi dự, không ngâm thơ]; trong thơ có bài đề tặng Trúc Đình, Viên Nguyệt, Trần Huyền Trân, có nhắc đến Vũ Canh Sinh Vũ Trọng Thuỵ


đây là lao lục [lao động chữ nghĩa] chứ không phải cái đọc hưởng thụ của tôi, phước thay tôi hiếm khi nào phải đọc mà khổ thế này :))))



Không có nhận xét nào: