Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

11.12.21

đất





"Rồi im lặng, vợ chồng anh không nhúc nhích, câm nín, nhẫn nhục như ba cái bóng thoi thóp sống trong bóng đêm còn dầy đặc trên miếng đất thảm buồn tựa bãi tha ma"


chiều tối tôi chen vào lấy 1 tiếng đọc nốt Đất [1949, có người nói 1950, nhưng chắc chắn không phải như ai đấy bảo search ra 1940 :)))] của Ngọc Giao, buồn quá, cứ sụt sùi vừa đọc vừa soi văn bản, đến một đoạn vợ chồng Xã Bèo bị lính Pháp bắt mất trâu, hai vợ chồng ra đồng cày bừa thay phận con trâu, vợ làm trâu đi trước, chồng đẩy bừa theo sau con trâu người và nói "bu nó" thay cho lời với trâu "vắt, đi nào"... tôi lắc đầu rũ rượi cười ràn rụa nước mắt giời ơi "đời người mà đến thế này ư"


nhà Xã Bèo như bao nông dân chịu cảnh tản cư, từ vùng "tề" làng Nguyệt Đức - Thuận Thành [Bắc Ninh] theo chỉ đạo kháng chiến di cư tản cư lên Nhã Nam [Bắc Giang], cảnh di cư tản cư này cũng khiến đời người khổ vì sống, mà tôi từng đọc ở Cuốn sách không tên của Hồ Dzếnh; đọc đến chi tiết người vật gồng gánh nhau lên Nhã Nam Bắc Giang, tôi nhớ câu chuyện tôi nghe người lớn nói chuyện, những người giờ đây 70-80 tuổi và cả những người 50-60 tuổi kể rằng, trôi dạt hay đi bộ đội đóng quân ở Bắc Giang, đất Bắc Giang cằn cỗi bổ cuốc xuống, cuốc bật ngược bổ lại vào đầu mặt, một thứ đất cằn cỗi khô rạc không trồng nổi thứ gì và có món đặc sản là chuối ngố, chuối quả rất to mà không tài nào ăn nổi. Tức là khi đọc đến chi tiết nhà Xã Bèo, Lý Còng lên Nhã Nam, đã biết là khổ vì đất, khổ vì sống rồi, sau đó nhà Xã Bèo lại còn xin cấp đất và được cấp đất rừng Dĩnh Thép Yên Thế thì người vật đến ngã nước mà chết mất thôi. Và cảnh sống vất vưởng nơi đất khách ấy, Ngọc Giao như viết chính nỗi lòng mình, nhớ quê hương nhớ từ những món ăn quê nhà


như sau đấy tôi đọc lại Cha tôi, nhà văn Ngọc Giao thì con trai Ngọc Giao có nói Đất được Ngọc Giao viết lén trong vùng "tề" và như một chi tiết trong Đất thì có thể áng câu chuyện vào khoảng mùa đông 1947 và sát tết, người con trai của Ngọc Giao viết bài viết trên cũng sinh vào năm 1947, cũng gần miếu cụ Đề, rất nhiều chi tiết về cuộc tản cư chạy loạn ở Đất của gia đình Xã Bèo là câu chuyện chạy loạn của Ngọc Giao; một chi tiết con trai Ngọc Giao nói trong bài viết này, Ngọc Giao nhớ quê nhà, nhớ cả những món ăn như châu chấu rang ăn với cơm chan nước đậu, nhưng trong Đất, là nhớ món cua muối mặn chan nước đậu phụ nóng, chính xác là nhớ nước đậu ngọt bùi và trắng như sữa, vợ chồng Xã Bèo hỏi nhau rằng không biết ở trên miền rừng người ta có ăn nước đậu không nhỉ


Đất là một trong những tiểu thuyết tái hiện làng quê Bắc Bộ vô cùng đậm nét, ý văn và từ ngữ đượm hồi cố, về một đời sống đã rất xa tôi, làm tôi chợt nhận ra có thể chính vì thế mà mình không đọc nổi những gì văn học nước nhà sản sinh ra trong khoảng 30 năm gần đây mà bằng cách nào đó tôi - người thuộc thế hệ 8x mở ra đọc; câu chuyện của Đất làm tôi ngồi thừ ra sau khi gấp sách và nhẩm tính trong đầu, ông bà nội tôi khi ấy bao nhiêu tuổi, họ đã đi qua những năm tháng ấy thế nào. Ông nội tôi sinh năm 1929, thì thời gian khổ này ông tôi mười tám đôi mươi, các cụ đã sống qua cái thời mà khổ vì sống; tôi nghe bố tôi kể lại câu chuyện mà ông tôi đã kể với bố tôi, ông tôi mồ côi năm lên 10-11 tuổi nên phải theo chú ruột lên tận Yên Thế làm kéo xẻ lúc 12-13 tuổi, nhưng rồi khổ cực, bị bóc lột nên ông đi bộ một mình từ Yên Thế về lại làng Phú Đa Đức Thượng, gần về đến làng thì bị mẹ mìn lừa lôi đi, may biết hô hoán lên rồi bỏ chạy thục mạng nên mới về được làng; cũng trong những năm 40 của thế kỷ trước, ông nội tôi kinh qua nạn đói năm 45 Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, ông đi ra khỏi nhà nhìn xác người nằm chết rúm ró như bó rạ bị mưa vầy, trâu bò người vật nghiến qua


Đất lấy bối cảnh chính ở vùng "tề" nên số phận của nó, tại sao mà sau 72 năm, giờ mới lại xuất hiện; bạn nào từng đọc Tô Hoài sẽ nhớ chi tiết Tô Hoài, Ngọc Giao gặp và nói với nhau gì. Một số phận tiểu thuyết gắn với người viết ra nó thật nhiều gian truân; sau Đất, vẫn Xã Bèo, chúng ta có Xã Bèo người của đất, như trong bài Cha tôi, nhà văn Ngọc Giao nói, thì Xã Bèo người của đất là phần tiếp theo, nhưng có hay không thì tôi không chắc, hay đấy chỉ là phần vĩ thanh sau khi khép lại Đất, theo ấn bản 2021 của Thời Độ, bài viết lời hết sách của tác giả có tên Xã Bèo: người của Đất; cũng thông qua bài viết của con trai Ngọc Giao, tôi mới biết trước khi được in vào năm 1949 [có người nói năm 1950] thì Đất được đăng feuilleton và cũng không được thuận buồm xuôi gió



đây là những thứ cần note lại không đầu không cuối, phục vụ cho tôi đọc Ngọc Giao sau này, có thể tôi sẽ đọc đủ nếu có duyên tập hợp đủ sách, mượn hay thế nào đó, và có thể phải động vào rất nhiều thứ tôi sợ, như lịch sử chẳng hạn, giai đoạn 45-54 chẳng hạn, mà nói chung, lúc nào tôi cũng sợ lịch sử, có những thứ nhà trường và công cuộc giảng dạy đã làm sáng rực rỡ khiến tôi sợ, sợ nên ghét, ghét nên sợ và tránh, cho đến một lúc nào đấy ta phải rời xa cái rực rỡ phát sợ để đi vào cực điểm tối bởi sáng chẳng phải do tối đôn lên mà thành hay sao 



Không có nhận xét nào: