Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT
23.10.17
Chẻ sợi tóc
Đây là quyển thứ hai tôi đọc của Francois Mauriac. Quyển đầu tiên là Bí ẩn nhà Frontenac (sách in dạng song ngữ), đến giờ tôi cũng gần như không nhớ gì nhiều ngoài cảm giác gia đình êm đềm (hình như là hạnh phúc của chính gia đình Francois Mauriac). Bẵng đi đến hơn 10 năm tôi không hề nhớ chút gì đến Francois Mauriac thì đọc Giới nữ của Simone de Beauvoir, bà có nhắc đến một đôi lần Mauriac, và rồi vô tình, Người vợ cô đơn đến tay tôi sau đó ít ngày. Sách và người có mối duyên, tôi tin điều này trong thế giới những quyển sách. Có một thứ năng lượng của sách hay của tôi tỏa ra, hút vào thế nào đấy, và tìm cách thức đến được với nhau, tất nhiên dạng ất ơ như tôi, chẳng lý nào lại không bỏ thời gian để biết quyển sách “bảo” gì với mình :p [Tuy nhiên, sách không biết do dịch hay biên tập mà nhiều câu rõ ràng là đọc không hiểu gì, không thể luận ra được logic của “bừa” bãi]
Têre (Therese Desqueyroux) trong Người vợ cô đơn là người đàn bà có ý định giết chồng, đầu độc chồng bằng thạch tín. Bởi vì, Têra ghét chồng, bà lấy chồng không vì yêu và cũng không tìm kiếm tình yêu trong hôn nhân, chính xác hơn bà tìm một nơi trú ngụ, một điểm dừng như người đời cho rằng nên như thế (tình yêu và hôn nhân cần phải hiểu rõ nó là hai phạm trù khác hẳn nhau, cứ la ó đi :v).
Một người đàn bà thông minh, cương nghị nhận biết rõ vai trò hy sinh của người phụ nữ, nhìn ra vẻ đẹp của sự nén mình, của tự hủy và trói buộc nhưng cũng luôn luôn nhận thức rõ cá tính con người mình tràn ngập trong từng tế bào, choán đầy và chiếm lĩnh mình; khái tính, thẳng thắn không muốn đóng vai, làm những cử chỉ, nói ra những lời công thức của một Têra khác mà không phải Têra chính mình; tư duy cởi mở không chỉ dám đi theo đam mê đến cùng mà còn dám thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, khám phá cái xấu xa trong mình đến cùng… Người đàn bà như thế sống với một người chồng trưởng giả nề nếp thôn quê quá nhiều “vỏ” và không bao giờ ra khỏi cái vỏ của mình, tầm thường, thậm chí đần độn, kém tinh tế có thể xem như kẻ vô tâm tính “không bao giờ đặt mình vào địa vị của người khác”. Cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt chán chường bị đẩy đến hạn mức mặt trái của yêu. Ghét, người vợ ghét chồng của mình. Có ý định không chỉ một lần, đầu độc chồng và sau phiên tòa, nàng sống trong sự cô đơn tuyệt đối, tình yêu như sa mạc, tình phụ tử như sa mạc vì Têra “bao giờ cũng cần tìm thấy cái ta, cố gắng đuổi theo cái ta”. Một cá nhân chỉ sống cho mình, vì chính mình, tiên quyết không chịu làm thây ma khi đang sống, không chịu sống một cuộc sống không phải của mình thì nhất định là bơ vơ, hoảng sợ, hụt hẫng và hoang mang trong nhân gian không nơi bấu víu này. Nhưng cái ác, tội lỗi hay bất cứ điều gì được xem nằm ngoài đạo đức thông thường, chỉ cần ta dám nhìn nhận, dám trả giá đến cùng, chịu đựng lâu hơn lâu hơn nữa, nhìn kỹ vào trong mình hơn, nhìn kỹ vào, chẻ thật rõ ra như chẻ sợi tóc làm hai ba bốn năm, cởi bỏ nữa đi nữa đi nhẹ nữa nhẹ nữa vào, dùng nội lực bên trong mình soi rõ từng ngóc ngách suy nghĩ của mình. Biến nỗi đau, sự trả giá, chịu đựng, cô độc của mình thành trò chơi, thành lẽ sống, mục đích của đời mình, chiến đấu đến cùng, hành xác mình khổ sở bằng suy tư để nhằm hiểu cho rõ nội tâm mình thì linh hồn của cá nhân đó nhất định sẽ đến được vùng đất không còn sợ hãi, lo âu.
Francois Mauriac viết tàn nhẫn. Sự tàn nhẫn ở đây chính là ông không chỉ viết những câu thoại, dáng điệu, cử chỉ của nhân vật mà còn lột bỏ cái vỏ ngoài để rọi thứ ánh sáng tàn khốc vào những vùng sâu thẳm của tâm hồn, vào những động cơ tâm lý thầm kín mà chính đương sự cũng không ý thức nổi, ông không giấu giếm những cái xấu gai góc khám phá được ở mình, ở kẻ khác, ở con người. Sử dụng trang sách như sự kết tinh của cuộc giao phối giữa nhà văn và thực tại, ông tạo ra một thế giới hắc ám, một hỏa ngục trần gian của tội lỗi, cái ác với những giả dối, ích kỷ, biển lận, nhục dục… Người vợ cô đơn là một tiểu thuyết không có bóng dáng của những điều thực sự tốt đẹp hay những khuôn khổ theo luân lý và đạo đức thông thường. Trái tim của các nhân vật là những ổ rắn độc, khi đã bước chân vào con đường dục vọng, họ đi cho tới cùng, tới bờ vực thẳm, tới nơi có tiếng gọi của một thế giới khác “tiếng gọi của Thiên Ân”. Tiếng gọi Thiên Ân làm tôi nhớ rất nhiều đến những câu chuyện gần đây anh NL dịch Andersen, điển hình nhất là Anne Lisbeth: “… linh hồn của Anne Lisbeth đã ở tít trên cao, nơi không có nỗi sợ, khi mà người ta đã chiến đấu đến cùng…”
“Kể gì yêu xứ này hay xứ khác, những gốc thông hay những rừng phong, đại dương hay đồng bằng? Không có gì làm cho nàng lưu ý ngoài những gì sống, những con người máu thịt. “Không phải ta yêu những thành phố bằng đá, cũng không phải những buổi diễn thuyết, những bảo tàng, mà ta yêu cánh rừng sống động nó xào xạc, nơi những ham muốn cuồng bạo hơn bất kỳ trận cuồng phong nào sẽ đào xoáy. Tiếng rền rĩ của những gốc thông ở Ajơlu ban đêm làm cho ta xúc cảm vì nghe như tiếng người. Têra uống hơi say và hút đã nhiều”. Nàng cười một mình như thánh nhân. Nàng thoa phấn lên má, tô son lên môi rất tỉ mỉ, rồi ra đường và bước đi lang thang”
Sống là như chẻ sợi tóc, thành thật với mình trước nhất thì đời tất sẽ thành thật nhìn ta.
Tôi yêu Oscar Wilde, ông là tinh thần của một cuộc sống phóng khoáng, ở ngoài mọi ràng buộc của luân lý và đạo đức. Tôi thích những nhà văn mang đến thứ tinh thần ấy. Vì vậy, chắc sẽ tìm đọc thêm Francois Mauriac. Mà thế quái nào, Mauriac cũng cung thiên bình như Oscar Wilde, như nhiều nhà văn mình thích, thế quái nào í nhẻ :v [độc giả cung thiên bình cho hay]
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét