Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

7.2.17

Nơi vạn vật bắt đầu và, kết thúc



(Almost everything comes from nothing)

Họ nói, họ muốn sinh con đẻ cái vì muốn bộ gen của mình được lưu lại trên thế gian này. Cứ như vậy, họ tin rằng đời đời con cháu mình có mang chuỗi xoắn kép DNA từ chính họ, cũng như họ mang những chuỗi xoắn DNA từ tổ tiên của mình
Còn theo một thuyết nào đấy thì từ vụ nổ của các ngôi sao mà cấu thành nên thế giới tiền con người, rồi thế giới ấy hình thành và phát triển thành thế giới ngày nay. Tôi được nặn thành từ việc nhặt trong bao la 2-3 phân tử này, 5-7 phân tử kia... cũng như em nhặt 2-3 phân tử kia, 5-7 phân tử này, để rồi đến cuối, chúng ta cũng tan thành tro bụi trong thiên hà và để lại đúng những gì đã tạo nên ta năm xưa, thậm chí phong phú hơn. Vậy thì không cần đến bộ gen của sinh sản, chúng ta cũng góp vào, để lại vũ trụ bao la này một cái gì đấy về thể xác, không ít thì nhiều. Chỉ có điều, chúng ta chấm dứt một đời về thể xác mà thôi.
Thế giới bao la và cũng thật nhỏ bé, khi tan thành triệu triệu tỉ tỉ phân tử, điều gì sẽ còn lại. Tôi và em có gặp lại nhau nữa không? Nếu cuộc đời này lúc nào cũng chỉ như lần đầu gặp gỡ thì sao? :). Cứu cánh cho những bi quan của tôi, tôi có niềm tin vào cách vận hành của nghiệp. Nghiệp là gì? Đức Phật nói: “Này các Tỳ Khưu, chính ý chí (tư tâm sở - cetana, 1 trong 52 tâm sở có mặt trong tất cả các tâm) ta gọi là nghiệp". Nghiệp: theo nghĩa phổ thông là hành động, là việc làm, song như một thuật ngữ, nghiệp có nghĩa là ý chí hay ý lực. Khi làm một điều gì, ý chí nằm đằng sau hành động ấy, và chính ý chí hay ý lực được gọi là nghiệp. Đức Phật giải thích rằng, do có ước muốn làm, lúc đó người ta mới hành động qua thân, qua lời nói, và qua tâm ý. Bất luận làm điều gì, đều có một loại nghiệp nào đó, tức là phải có một ý lực, ý chí, và ý hành. Nghiệp hay ý chí có tiềm lực cho quả, và tiềm lực này là một năng lực rất lớn. Nghiệp tức ý chí, không chấm dứt cùng với cái chết về thể xác của đời này, mà nó cứ tiếp tục và tiếp tục mãi

Dài dòng như thế bởi đây là ý nghĩ mạnh mẽ nhất tôi có được từ tiểu thuyết Bản đồ mây của David Mitchell, "Linh hồn bay ngang đời như mây băng qua trời, và dù hình thù hoặc màu sắc hoặc kích cỡ một đám mây luôn thay đổi nhưng nó vẫn là một đám mây và linh hồn cũng thế. Ai có thể nói mây được thổi đến từ đâu hay linh hồn sẽ thành ai vào ngày mai". Một tiểu thuyết gồm 6 câu chuyện mà trong mỗi truyện, nhân vật chính với đam mê (tình yêu thương), niềm tin và ý chí của mình tạo ra một năng lực rất lớn thay đổi thế giới mà họ sống. Và chính cái tổng hòa ấy không chỉ thay đổi họ với tự do ý chí của riêng mình mà còn để lại một cái gì đấy, những tiêu bản tiếp tục cho sau này, cứ tiếp tục và tiếp tục. Phải nói ngay từ đầu là tôi cảm thấy hơi thất vọng và hụt hẫng không nhỏ khi đọc xong quyển sách hơn 600 trang này (ai bảo đi nghe nhiều người khen quá nên kỳ vọng cao ngất trời), bởi tham vọng của tác giả vượt quá khả năng nên nó tạo ra một sự lỏng lẻo và gượng ép, mà suốt 4-5 ngày nay tôi mất ngủ mỗi khi nghĩ đến cái lỏng lẻo gượng ép này. Nó lỏng lẻo gượng ép thật hay là tôi ngủ nhiều hóa ngu, đọc chỉ để đọc mà không thấy gì :v
Bản đồ mây gồm 6 câu chuyện theo trình tự thời gian như thiên sử thi về loài người, từ câu chuyện thứ nhất thế kỷ 19 (1849-1850) đến câu chuyện thứ sáu vào thế kỷ tương lai, có thể là 22-23, hậu tận thế (mà tác giả gọi là sau Sụp Đổ). Dung lượng hơn 600 trang được viết theo trình tự các câu chuyện đánh số 1-2-3-4-5-6-5-4-3-2-1. Cách bài binh bố trận quay vòng lần 1 từ 1 đến 6 và vòng lần 2 cài số lùi về từng số đến 1 thế này thôi thúc độc giả phải tiếp tục và tiếp tục, nhưng chính vì thế cũng khiến không ít người cảm thấy đứt truyện giữa chừng và nếu không kiên nhẫn thì sẵn sàng ngừng luôn cũng không chết ai vì ở lượt đi 1 đến 6 thì câu chuyện 1-2 chưa rõ rồi sẽ thế nào, mọi chuyện đang ở mức mông lung, truyện 3 thì nhờ tính gây cấn như một câu chuyện trinh thám điều tra bị dừng ở cao trào nên níu người đọc lại được, truyện 4 thì lại làm giảm hứng thú vì nó lại dừng ở mông lung, truyện 5 thì sự tò mò lại tiếp tục, cho đến 6 thì người ta hoàn toàn có thể hiểu tham vọng của tác giả. Với những người đọc tinh ý, thì có thể nắm bắt được tham vọng này luôn từ nửa vòng đi đầu, thông qua chi tiết vết chàm trên người các nhân vật chính, một kiểu tiêu bản qua thời gian, hay chúng ta thường gọi là kiếp sau, người ở câu chuyện sau là kiếp sau của người ở câu chuyện trước, người ở câu chuyện sau sẽ đọc, sẽ xem về người ở câu chuyện trước; vòng lần 2 chỉ là ghép nốt các mảnh ghép vào nhau để hoàn tất thông điệp và tham vọng của tác giả. Thế còn người đọc bị ngủ quên thì sao :v, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp cho rằng cái ông tác giả này bôi ra quá nhiều, phải gọi là một tổng thể lầy lội. Tôi cũng nghĩ rằng hơi quá dài, có nhiều đoạn chán không thể tả nổi, phần lớn rơi vào câu chuyện số 4 về khổ nạn của lão xuất bản sách Timothy Cavendish, nhiều đoạn năng lực viết trinh thám điều tra của David Mitchell hạn chế, non tay, nên viết câu chuyện thứ 3 về cô phóng viên theo đuổi sự thật lò phản ứng Hydra nhàm chán, quá nhẹ đô, có khi chỉ hợp để chuyển thể riêng câu chuyện này thành phim hành động cho thật nhiều đấm đá bom đạn máu me vào để người ta chỉ cần cốt truyện cho có còn đâu là oánh đấm cho hợp xu hướng phim hành động lên ngôi :'), rồi các chi tiết ở nửa sau câu chuyện thứ 5 (câu chuyện tôi thích nhất) dù là dụng ý của tác giả nhưng các chi tiết về búp bê nhân bản vô tính bị vứt trên cầu, chuyến đi mạo hiểm vào nơi xử lý các nhân bản vô tính... thì vụng quá, người đọc tinh tí là thấy ngay một cái bẫy phơi sẵn, hơi mất đi tính bất ngờ, tiếc quá, câu chuyện số 5 này vô cùng sáng chói, ai da da tôi tiếc quá :(
Cụ thể nó như này, phần này có tiết lộ nội dung *cảnh báo*
- Câu chuyện thứ nhất ở thế kỷ 19 (1849-1850) được viết dưới dạng nhật ký hải trình của công chứng viên người Mỹ Adam Ewing (AE) từ Sydney đến California, AE bất đắc dĩ giúp đỡ một nô lệ da đen tự giải phóng mình, Autua lên tàu tìm đến một cuộc sống khác. Từ hành động này Autua đã giúp AE thoát khỏi cái chết do chính người cùng màu da với mình đầu độc, nó thay đổi cái nhìn của AE về vấn đề nô lệ, chủ nghĩa bãi nô và vạch định một cam kết của chính AE cho sự nghiệp bãi nô.
- Câu chuyện hai được viết dưới dạng những bức thư từ một lâu đài ở Bỉ (năm 1931) của chàng nhạc sỹ lưỡng tính, bị gia đình tước quyền thừa kế, đang trong cảnh nợ nần ngập lụt, phải đi làm trợ lý cho một ông nhạc sỹ già nhiễm bệnh giang mai, nói đúng ra là khơi thông lại nguồn cảm hứng sáng tác của ổng nhưng thực chất là bị bắt chẹt, sau quan hệ xác thịt với phu nhân chủ lâu đài và đem lòng yêu con gái của ông bà nhưng ái tình rơi vào tuyệt vọng, cảm hứng sáng tác thì bị chèn ép... chàng nhạc sỹ quyết hoàn thành bản Lục tấu Vân đồ và tìm đến cái chết mong thoát khỏi thế giới mình đang sống, niềm đam mê, tình yêu của chàng là thứ duy nhất còn lưu lại hậu thế
- Câu chuyện thứ 3 được viết dưới dạng truyện trinh thám, về cô phóng viên theo đuổi sự thật lò phản ứng Hydra, một câu chuyện mô típ cũ mòn không có gì mới, sự can đảm, dũng cảm giúp cô ấy theo đuổi sự thật đến cùng dù trải qua bao phen nguy nan
- Câu chuyện thứ 4 kể về khổ nạn của tay xuất bản sách Timothy Cavendish trong cơn bĩ cực bị anh trai cho ăn cú lừa phải sống trong viện dưỡng lão như trong trại uống thuốc lú và quyết tâm của Cavendish cùng các bạn già nhằm thoát khỏi cái nơi lú lẫn ấy mà về với cuộc sống đích thực của mình
- Câu chuyện 5, câu chuyện về tương lai, câu chuyện về người nhân bản vô tính. Đây là câu chuyện tôi vô cùng thích (nhất định không tiết lộ nội dung :v), thích nhất trong chuỗi 6 truyện của tiểu thuyết Bản đồ mây, tôi thích nó bởi tính sáng tạo, tư duy văn học của tác giả, chiều sâu của câu chuyện, dù vậy đoạn kết chắc do quá tham vọng truyền tải thông điệp (có rất nhiều thứ có thể chém về câu chuyện số 5 này nhưng tôi thực sự chả biết chém gì, vì kiểu gì thì kiểu cũng phải chém về thứ tôi rất ngu và sợ: Nhà nước toàn quyền, thể chế, chính trị, giai tầng, tự do ý chí thông qua bản tuyên ngôn, cá nhân chết đi để nhân rộng ý chí còn mãi... tôi chỉ biết là tôi thích nó nhất, thế thôi :v) nên tác giả viết hơi vội, gượng và hụt hơi ở đoạn cuối, tôi tiếc ngây ngất.
- Câu chuyện 6 là câu chuyện hàng trăm năm sau của câu chuyện 5. Đây là câu chuyện tôi thích thứ hai sau câu chuyện 5. Tôi là người thích đọc những gì có tí liên quan đến thuyết mạt thế, tất nhiên không phải kiểu là kẻ ngồi hô đâm mạnh nữa vào đâm nữa đi khi hay tin vật thể lạ lao vào Trái Đất, tất nhiên tôi không phải người í :v, nhưng tôi là người nếu biết ngày tận thế sẽ đến (mà chắc chắn là sẽ đến) thì ung dung thủng thẳng nằm ôm mèo gặm súc cù là và đọc sách :)). Câu chuyện 6 kể về thế giới sau Sụp Đổ. Thế giới hậu loài người sẽ chỉ còn tìm thấy sự sống ở một vài mảnh đất, thung lũng, còn phần lớn trở thành mảnh đất chết. Con người hiện nay và tương lai gần của chúng ta sẽ được gọi dưới danh xưng Người Xưa và được nhận định là chính Người Xưa tự tạo ra cơn Sụp Đổ của mình, Người Xưa mất đi kỹ năng để xây dựng xã hội cùng nhau chung sống. Người Xưa có Trí Thông Minh chiến thắng bệnh tật, khoảng cách, duy trì nòi giống và biến những điều như phép màu thành chuyện bình thường nhưng nó không giúp Người Xưa chiến thắng được lòng tham của con người: "nhiều đồ đạc hơn, nhiều thực phẩm hơn, tốc độ nhanh hơn, cuộc sống dài hơn, dễ dàng hơn, quyền lực hơn (...) Dù cho toàn Thế Giới rất rộng lớn nhưng không đủ lớn cho cơn đói đó và nó khiến cho Người Xưa xé toạc bầu trời, đun sôi biển và đầu độc đất đai bằng nguyên tử điên cuồng rồi gieo rắc những mầm mống hư hỏng khắp nơi, vì thế nhiều dịch bệnh mới ra đời, trẻ con sinh ra bị quái thai dị dạng. Cuối cùng, đầy cay đắng, nhanh như chớp mắt, các quốc gia vỡ thành những bộ lạc man rợ và Thời đại Văn minh chấm dứt, trừ một vài nơi rải rác vẫn còn le lói chút lửa tàn cuối cùng"
"Cơn đói khát của con người đã sinh ra nền Văn minh, nhưng cũng chính cơn đói khát của con người đã tiêu diệt nó"
"Cái gì làm chiến tranh bùng phát? Ý chí cầm quyền, cốt lõi của bản chất con người. Mối đe dọa bạo lực, nỗi lo sợ bạo lực hay chính bạo lực là công cụ của ý chí đáng sợ này (...). Nhà nước toàn quyền chỉ thuần túy là bản chất con người bị thổi phồng lên ở cấp độ khổng lồ. Do đó, nhà nước là những chủ thể mà luật pháp được viết ra bởi bạo lực (...). Chiến tranh là một trong hai bạn đồng hành vĩnh cửu của nhân loại"
"Ý chí cầm quyền của chúng ta, khoa học của chúng ta, và chính những khả năng đã nâng chúng ta từ khỉ lên người hoang dã, lên người hiện đại, là những khả năng sẽ bóp chết người hiện đại trước khi thiên niên kỷ này kết thúc"

Mặc cho những thế giới tương lai nhân bản vô tính (trước Sụp Đổ), sau Sụp Đổ là những trường đoạn tôi vô cùng thích như đoạn cao trào đầy luyến láy réo rắt trầm bổng nhanh chậm liên tục và liên tục của bản giao hưởng thì Bản đồ mây kết thúc một cách vô cùng êm đềm như một bản giao hưởng (bản Lục tấu vân đồ ở câu chuyện số 2) mở màn bằng nốt nhạc nào thì êm đềm kết thúc ở chính những nốt nhạc đó, trang 609 kết truyện là một trang thông điệp hết sức êm đềm như thế. Tôi đành ngậm ngùi tự bằng lòng, ờ thôi thế cho nhân loại có thời gian nghiền ngẫm ăn năn sám hối, chứ cái gì cũng thích phải bị trả giá nổ tung nổ bùm bùm bùm như pháo hoa rồi le lói xám xịt đúng kiểu tận thế, hậu loài người theo ý mình thì ác quá :))
Khi đọc hết quyển tiểu thuyết dày này, thì hãy tin rằng bạn ở đây và chính tại lúc này luôn mang một ý nghĩa nào đấy nhé, một việc nhỏ tí ti nào đó phải hoàn thành hoặc một thông điệp gì đó phải gửi đi, dù chỉ là một hạt cát trên sa mạc thì di chuyển một hạt cát cũng sẽ dẫn đến thay đổi dòng chảy lịch sử, còn tin là mình sinh ra không được lập trình để thay đổi lịch sử nữa hay không? hahaha who are we? just a speck of dust within the galaxy

Không có nhận xét nào: