Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT
1.8.16
Cái ác
Tôi đọc trinh thám bởi một trong những điểm thu hút tôi ở mảng văn học này chính là cái ác cái bệnh hoạn dị hợm ở trong chính con người. Tôi thích có cái nhìn chăm chú vào cái ác.
Kẻ nhắc tuồng và Người ru ngủ nằm trong cùng series về đặc vụ Mila Vasquez của Donato Carrisi làm tôi luôn có cảm giác mình đang đứng trước hình ảnh mô phỏng của một khúc khải huyền "trong kinh Thánh, đó là thời điểm tận thế, khi mà mọi tội lỗi của con người bị phơi bày để phán xét". Chúng làm tôi bị xoay vòng trong suy nghĩ cái ác chỉ sản sinh ra cái ác, đúng không; hay cái ác còn phục vụ cho cái thiện. Cái ác luôn có thể được chứng tỏ bởi nó để lại dấu vết còn cái thiện thì không, ta chỉ có thể chứng kiến cái thiện. Hay là cái thiện rất chóng qua, không thể ghi nhận lại được vì cái thiện sạch sẽ, không để lại rác rưởi nhơ bẩn như cái ác. Thế nào? FTW
Giả thuyết về cái ác nói rằng: Cái thiện của một số người luôn trùng với cái ác của một số người khác. Và nó đúng cả theo chiều ngược lại. Như vậy, cái thiện biến thành cái ác rồi biến thành cái thiện rồi lại trở thành cái ác. Nó là một sự xoay vòng chu kỳ mang tính bất diệt của sự sống và cái chết.
Trong Phật pháp có khái niệm thuận hạnh và nghịch hạnh. Một cái để chỉ những gì thuộc về nhu mì mềm mỏng dịu dàng. Còn một cái để chỉ những gì thuộc về hà khắc răn đe quở phạt mà đôi khi để đạt được thuận hạnh thì ta phải sử dụng nghịch hạnh. Và chấp nhận quả, thì ta điềm nhiên phải chấp nhận sự hoán đổi xoay vòng của thuận hạnh nghịch hạnh thuận hạnh nghịch hạnh... như một tất yếu chi phối toàn vũ trụ.
Tôi là người rất dễ bị thu hút bởi những thứ thuộc về tôn giáo tín ngưỡng tâm linh, thuộc về cái thiêng. Nên tôi thường trêu bạn bè rằng, tôi là kẻ rất dễ đi theo các giáo phái, mà giáo lý của giáo phái nào cũng vậy, luôn có xuất phát điểm từ nhưng điều rất nhiều ánh sáng, thánh thiện - tất nhiên tôi yêu nó. Và cái gì cũng có hình bóng, hình bóng của cái rất nhiều sáng thì cũng đậm đặc tối - dĩ nhiên tôi tò mò và cũng bị nó thu hút (cũng là một dạng yêu bị thoái hóa thành ám ảnh, tò mò). Cho đến giờ, thứ tôi kém thiện cảm nhất về chủ đề này, có lẽ vẫn là hầu đồng; là do tôi có người mẹ chạy theo niềm tin ấy. Tôi không lý giải được sự kém thiện cảm này ở mình.
Sau khi kết thúc hai tập này, tôi thêm yêu Umberto Eco hơn nữa bởi một câu văn trong hàng nghìn trang tôi đọc của ông và về ông, đại ý: địa ngục là thiên đàng nhìn từ hướng khác (và tất nhiên cũng có chiều ngược lại). Và tôi vẫn tin mạnh mẽ hơn nữa ý nghĩ của mình: con người vốn luôn luôn thuộc về một cái gì đấy tôn giáo tín ngưỡng tâm linh-cái thiêng.
Nói như vậy để biết là ngay sau đây, con Lốc sẽ đến với Thiêng và Phàm, sau một cú con thú trong con người của Mặt trời mù (Curzio Malaparte) và một cú kép cái ác trong Kẻ nhắc tuồng, Người ru ngủ (Donato Carrisi)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét