Việc vừa đọc vừa lướt giống như tìm bắt sợi dây ý tưởng, còn cụ thể hóa nó thì phải đọc-lướt-hệ thống lại. Đến lần đọc Diêm Liên Khoa này mới phát hiện ra mình đọc đảo lộn trật tự quá trình sáng tác của tác giả, nó đóng vai trò đáng kể khi muốn tìm hiểu về một người viết. Tôi đã đi theo trình tự xuất bản ở VN: Người tình phu nhân sư trưởng - Phong nhã tụng - Kiên ngạnh như thủy (trình tự đúng phải là Kiên ngạnh như thủy - Người tình phu nhân sư trưởng - Phong nhã tụng) và tôi hiểu vì sao Người tình phu nhân sư trưởng lại được xuất bản trước nhất, có thể nó đánh vào một cốt truyện tiếp cận nhiều nhóm độc giả hơn hết, dù gì mối tình vụng trộm của một anh lính cần vụ trẻ tuổi với người vợ 32 tuổi của ông tư lệnh sư đoàn bị bất lực, liệt dương chắc chắn sẽ thu hút sự tò mò của số đông người đọc hơn chuyện tình (cũng vụng trộm) của đôi trai gái hừng hực làm Cách mạng trong Kiên ngạnh như thủy, và chắc chắc là ăn đứt tấn bi kịch của tri thức trong Phong nhã tụng, nhỉ
Về ý tưởng tiểu thuyết, Người tình phu nhân sư trưởng và Kiên ngạnh như thủy đều xoay quanh thời kỳ cao điểm tôn thờ cá nhân lãnh tụ, thần tượng (1967) và cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (1966-1976) được coi như một hiện thực hoang đường-thời kỳ Cách mạng đầy biến thái bệnh hoạn hoang đường ở đất nước này. Ở cả Người tình phu nhân sư trưởng và Kiên ngạnh như thủy, dường như các nhân vật chỉ có thể đạt tới khoái lạc xác thịt khi được làm tình bên cạnh những hình tượng, cuốn sách Đỏ, khẩu hiệu của Mao Chủ Tịch, những khẩu hiệu Vì nhân dân phục vụ, những ca khúc Cách mạng trên loa đài... tình dục có khả năng đưa con người ta đến được miền đất phiêu ziêu cực lạc thì tinh thần, ý chí "làm Cách mạng" hay lấy sự tôn thờ cá nhân lãnh tụ ra để minh chứng cho đỉnh cao tình yêu với những con người trong hai cuốn tiểu thuyết này cũng vậy, có thể xem đã đưa họ đến cõi trên cao, nắm bắt được kích thước của "Vĩnh Hằng Cách mạng" (ha, Cách mạng ơi là Cách mạng) chính vì thế tôi mới nói hai cuốn tiểu thuyết này viết về một giai đoạn hoàn toàn biến thái của Trung Quốc, đặc biệt là cuốn Kiên ngạnh như thủy, cảnh có thể xem là đỉnh cao ung bệnh chính là ở chùa Trình (khoảng trang 400), đôi uyên ương làm Cách mạng cực kỳ bệnh hoạn, có thể xem như ăn mù tạt ở xứ Tàu đi . Cuối cùng thì sao, người Cách mạng lại bắn súng vào não sau người Cách mạng. "Cách mạng vẫn chưa thành công, đồng chí à, bạn vẫn cần cố gắng"
Phong nhã tụng cũng vẫn là chủ nghĩa hiện thực hoang đường nhưng nó là mặt của giới trí thức đương đại, nếu coi Phong nhã tụng là cuốn tiểu thuyết của Hèn Đại Nhân thì cũng chẳng hề sai. Đọc Phong nhã tụng, tôi thực sự kiên nhẫn, đi hết từ ngớ người này đến ngơ ngẩn khác, không khỏi ngạc nhiên con người trí thức có thể hèn đến mức như vậy hay cái hèn này là đỉnh cao của sự bỉ đời. Đến tận trang 390 tôi mới tóm được cái mình sẽ viết về, tức là đến cao trào bao nhiêu mủ chất trong tim kẻ trí thức như được nặn ra hết thì tôi mới chạy lại trong đầu mình từ đầu tới giờ tôi đã đi cùng cái anh trí thức Hèn Đại Nhân này qua những gì
Có rất nhiều tác giả đã quyết định gắn mình vào một vùng lãnh thổ (nghĩ ngay đến một tác giả VN tôi đặc biệt quan tâm, Nguyễn Bình Phương gắn mình vào vùng đồi núi phía bắc), Lý Nhuệ là vùng nào nhỉ (quên xừ nó tên), có thể sắp tới tôi cố gắng đọc Mạc Ngôn hơn nữa với Cao Mật, còn Diêm Liên Khoa là quê hương Bả Lâu, dãy núi Bả Lâu ( ý tưởng sáng tác cuồng vọng mà tản mạn của tác giả: Năm tháng Bả Lâu). Tại sao tôi lại quyết định đọc Diêm Liên Khoa liền 3 tiểu thuyết? Vì ông tạo dựng câu chuyện của mình với những tình tiết gần như là hoang đường, hoàn toàn không thể xảy ra trong cuộc đời được, nhưng những hoang đường ấy lại biểu đạt một quá khứ rất thật, hiện thực trần trụi thê lương, một tấn bi hài kịch cười không được khóc không xong.
Người tình phu nhân sư trưởng và Phong nhã tụng được dịch bởi Vũ Công Hoan, còn Kiên ngạnh như thủy là Minh Thương, cảm quan người đọc ngay từ những trang đầu tiên, ví như tôi là kẻ đã đọc hai quyển Người tình phu nhân sư trưởng và Phong nhã tụng của Diêm Liên Khoa trước thì ngay khi bập vào Kiên ngạnh như thủy đã nghĩ ngay, ồ, đây mới là thứ dịch có thể tóm đúng văn của Diêm Liên Khoa này; ôi zởi, sao giờ mới xuất bản đúng giọng văn của Diêm Liên Khoa chứ hahaha.
ps: lần sau không chơi đọc một mạch cả mấy quyển của một tác giả Trung Quốc đâu, ngán thấy cụ cố luôn
10 nhận xét:
Cho mình hỏi bạn mua cuốn phong nhã tụng ở đâu vậy?Mình ở Hà nội mà chả thấy chỗ nào bán cả
Phong nhã tụng được xuất bản cách đây khoảng 5-6 năm rồi bạn ạ, sách bán ế lắm. Mình mua từ hồi xưa, còn nếu bây giờ thì bạn sẽ phải tìm ở các cửa hàng sách cũ hoặc các dịp hội sách nhiều nhà xuất bản í, thì họ tạp pín lù sẽ bày bán giảm giá. Như lần gần nhất mình vợt được cho một người bạn là ở hội sách công viên Thống Nhất giá 20k
Có duyên sẽ gặp mà, sách và người cũng có mối duyên đấy
"Người tình phu nhân sư trưởng" và "Phong nhã tụng" được dịch bởi Vũ Công Hoan bạn nhé, không phải Nguyễn Công Hoan.
cảm ơn bạn, khi nào ngồi máy mình sẽ sửa; hiện dùng điện thoại nên chưa biết sửa trên giao diện mới của blogspot
Chào chị, cảm ơn về bài review của chị. Em có được đọc 1 đoạn trong cuốn Phong Nhã Tụng và thấy rất hay nhưng tìm hoài không mua được. Không biết chị có thể nhượng lại em cuốn này được không ạ? Em xin lỗi nếu làm phiền chị nha! Cảm ơn chị nhiều!
Chào chị, cảm ơn về bài review của chị. Em có được đọc 1 đoạn trong cuốn Phong Nhã Tụng và thấy rất hay nhưng tìm hoài không mua được. Không biết chị có thể nhượng lại em cuốn này được không ạ? Em xin lỗi nếu làm phiền chị nha! Cảm ơn chị nhiều!
Chào chị, cảm ơn về bài review của chị. Em có được đọc 1 đoạn trong cuốn Phong Nhã Tụng và thấy rất hay nhưng tìm hoài không mua được. Không biết chị có thể nhượng lại em cuốn này được không ạ? Em xin lỗi nếu làm phiền chị nha! Cảm ơn chị nhiều!
mình không bán/nhượng sách. Hình như sắp tới có một đơn vị sẽ tái bản đầu sách này; nếu bạn muốn bản cũ, để lại email, khi nào gặp sách, mình sẽ mua và gửi tặng. Email của mình emidelicate@gmail.com
mình có 1 cuốn này, bạn nào muốn mua mail mình hungns126@gmail.com
Cuốn Người tình phu nhân sư trưởng bạn có bán không ạ?
Đăng nhận xét