Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

25.7.24

đọc

 



hôm trước một bạn fb có bảo hôm nào tú viết về hành trình đọc sách đi, từ lúc nào, bắt đầu với sách gì, từ lúc nào biết định hình đọc tác giả nào, tác giả nào yêu thích etc. tất nhiên là tú không chơi được nội dung í rồi. Nhưng có một gợi ý sách cho chủ đề và những câu hỏi trên, một quyển sách thường thức thôi, dùng "thường thức" vì nó là kiểu sách "vỡ đất" mảnh đất trước khi tiến hành làm tơi đất để cày bừa trồng trọt: Thú đọc sách của Charles Van Doren. Theo cách nhìn nào đấy thì Doren và người đọc thiết lập một phòng đọc chung, Doren đọc sách cùng ta trong khi ta đang đọc chính những bình luận của ông về mỗi tác giả


quyển sách có bố cục:

- lời đầu sách của tác giả - câu chuyện về hành trình đọc của một cậu bé đã bắt đầu như thế nào, cho đến tận lúc cậu bé thành học giả, hay sau đó, không làm gì nữa, chỉ đơn giản tuổi già nghỉ ngơi, họ vẫn là một người đọc [đọc cùng vợ]; một hành trình không vắng bóng người thân, ở đây là người cha, luôn mua sách tặng bất kỳ dịp nào, không khuyến khích cũng không ngăn cấm việc quá hăng say đọc của con trai mà chỉ mong cậu bé hãy có lúc buông sách ra và ra ngoài với các hoạt động ngoài trời... và như tác giả có đúc kết, hãy đặc biệt dành nhiều thời gian hơn cho các tác phẩm đã ra đời ít nhất 100 năm và vẫn còn tham gia vào dòng chảy văn chương - đời sống


- phần tiếp theo là phần chính khi Doren tiến hành chia lịch sử văn học, các tác giả ông gợi ý đọc thành các thời kỳ, 15 thời kỳ [việc chia các thời kỳ và lý do chia thành các thời kỳ với tên gọi như: Thời đại Hoàng kim, Sau Sụp Đổ, Thời đại Bạc của Đế Chế, Thời Trung Cổ... cho đến gần hiện tại với tên gọi Mới hôm qua... có cách lý giải hay, đó là một cách chia mang tính cá nhân, đồng thời cũng là công trình học thuật theo cách hiểu, nghiên cứu của Doren] và mỗi thời kỳ, ông sẽ chọn ra những cái tên gắn với những tác phẩm ông cho là điển hình, có giá trị - theo lựa chọn cá nhân; rồi nêu nhận định đánh giá, bình luận của mình về những tác giả tác phẩm ấy, đôi lúc sẽ gắn thêm nhận định của tác giả khác về đối tượng của bình luận [ví như Thời đại Hoàng kim với Homer, Doren bình luận Iliad và nhắc đến Simone Weil bình luận Iliad]


ở phần này liếc qua mục lục đã thấy 2 cái: 1, ở phần Trung Cổ, sao lại xuất hiện cái tên Joseph Bédier [nửa sau thế kỷ 19 - nửa đầu thế kỷ 20] bên cạnh Augustine, Dante, Aquinas; 2, Henning Mankell của tôi bị in thành Nenning Mankell. Khi tiếp tục vào nội dung của phần chính này, sẽ có những lựa chọn hết sức kỳ lạ của Doren, thí dụ Thomas Mann của tôi lại không thấy nhắc đến Gia đình Buddenbrook, Rousseau của tôi lại chỉ có thiên về chính trị luận chứ không có văn chương, đặc biệt Balzac tuyệt đối thiếu khi chỉ chọn mỗi Lão Goriot hay Dostoievski tri kỷ của tôi lại chỉ có Tội ác và trừng phạt, Henry James sao có thể thiếu Những người châu Âu... cũng chính ở cái phần dễ lòi đuôi này nhất, dịch giả của nó không phải độc giả văn chương, người hiệu đính cũng chả hiểu đứng hiệu đính làm gì. Thế nên nó là một cú đúp, tác giả đọc chưa đủ nhiều cho công trình này, sự lựa chọn của ông bị bó hẹp, không tinh, và dịch giả của nó thì không phải độc giả văn chương, cứ nhìn tên các tác phẩm bị dịch sai là biết, có thể dịch sai vì khả năng ngôn ngữ vì không đọc không thâm niên đọc, nhưng nếu đọc ở một mức tầm trung thôi thì sẽ không dịch sai được tên các tác phẩm í, và một cách dễ dàng nhàn nhất là đã đọc chúng bằng tiếng Việt thì biết cái mình đọc là gì, khi dịch sách sẽ có căn cứ để khó sai [chưa nói tới phần nội dung từng cái tên, dịch giả hiểu sai ý của tác giả Doren viết, nên dịch luẩn quẩn]


- phần cuối của quyển sách Doren xây dựng kế hoạch đọc sách 10 năm cho một độc giả, mang tính gợi ý các đầu sách đọc mỗi năm và ưu tiên tác phẩm cổ điển, kế hoạch này ai bỡ ngỡ đang không có hướng đi thì theo; có một ý tôi thấy an ủi cho tất cả những cơn lười đọc của người biết chữ: không cần gấp gì, nếu người ta đọc 10 quyển này trong 1 năm thì mình có thể dùng 2 năm cho 10 quyển í; cái này là ý của tôi: miễn ta sẽ làm đúng cam kết ban đầu, không nhất thiết 10 năm mỗi năm 10 quyển, 5 quyển/năm cũng ảnh hưởng hoà bình thế giới gì đâu, miễn lên kế hoạch thì phải đọc như một cam kết đã ký với chính mình, túc tắc đọc theo tốc độ của mình mỗi ngày, đó là một hình thức tập luyện tinh thần - một hình thức khó, sự túc tắc này sẽ bảo toàn niềm vui và tận hưởng niềm vui đọc sách ấy thay vì cắm đầu cắm cổ đọc lấy số lượng, và hãy cố gắng sống, đủ lâu, để hoàn thành từng năm kế hoạch đọc ấy; tôi nghĩ, chính vì không biết có sống đủ lâu để đọc không nên người ta thường đọc nhiều hơn 10 quyển/năm và đồng thời cũng chính vì đã tham đọc, đôi khi có ý nghĩ, không phải đọc gì nữa vì đã đọc hết rồi nên không còn gì đọc nữa, cho nó nhàn, mà người ta sợ sống lâu, vì sống càng lâu thì càng nhiều cái đọc, làm sao có thể không đọc bất cứ gì khi phải sống mà đã trót biết chữ, bất tiện thật đấy


đây là toàn bộ ghi chú của tôi có bổ sung vài chỗ, ghi chú ở điện thoại khoảng 9 năm về trước cho Thú đọc sách. Hôm nay, 9r sáng khi đang đầu bù tóc rối đứng trước gương thì người đã chuyển khoản tiền mua sách pass Thú đọc sách, gọi cho tôi, hẹn 10h hơn sẽ đến chỗ hẹn để lấy sách; thế là tôi cầm lại quyển sách để xem có kẹp gì trong sách không, thấy tờ giấy lịch ngày trong đó ghi mấy chữ: vấn đề dịch thuật biên tập, quyển sách dành cho người thích review sách mà không cần đọc sách, Trung Cổ Joseph Bedier [gạch chân chữ Trung Cổ]. Sau khi lấy tờ giấy ra, tôi làm lại 1 tour nhìn những cái tên xem 9 năm qua tôi đã đọc thêm gì, những cái tên còn lạ với tôi không [hồi đó tôi chỉ đọc những cái tên tôi biết, phải như thế để bảo toàn sự ngây thơ đọc của mình khi đến với mỗi tác giả] thì thấy mảng thời đại của Homer cho đến thời Plutarch tôi gần như giậm chân tại chỗ, chả muốn động vào, nghe thôi đã ù tai vì thử nghĩ xem tôi đang ở đây, cầm Iliad Odyssey đọc thì hình như hơi khó cho tôi nghĩ về những con người suy nghĩ thời ấy; cũng chính sáng nay tôi rửa mắt bằng stt của bạn fb, bạn là người đọc nhiều và thừa nhận khó lòng đọc Iliad Odyssey và nói luôn là chưa đọc; còn thì 13 trên 15 giai đoạn còn lại theo cách chia của Doren, tôi đã tiến đáng kể, chính vì không còn bỡ ngỡ nên khó lòng dừng lại đọc những gì Doren viết về tác giả trước đây mình chưa đọc. Tự dưng có chút huênh hoang của trẻ con biết ít mà tưởng biết nhiều, tưởng chỉ mình mình biết, đó là: thôi hoàn thành rồi, khỏi đọc gì nữa cho nhàn; từ đấy lại nảy sinh một nỗi khổ: nhưng chữ nó cứ đập vào mắt thì phải làm sao, khổ, quá khổ




Không có nhận xét nào: