Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

16.5.25

sa mạc và biển cả



trong lúc giải lao, kiếm một quyển trinh thám đọc. Quá sẵn trước mắt, quyển duy nhất của Bussi chưa đọc trong nhà và, hình như là quyển Bussi còn lại duy nhất tới lúc này. So với những gì đã đọc Michel Bussi thì Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé, là quyển trinh thám yếu ớt, thậm chí gây thất vọng. Cái cứu vãn, giữ chân tôi đọc không bỏ sót không nhảy cóc, thậm chí nhiều đoạn đọc lại, không phải vì nó là một quyển trinh thám của Bussi mà tôi từng nói Bussi được dịch quyển nào tôi sẽ đọc quyển đó không bỏ qua, cũng không phải vì nó là một quyển sách về Hoàng tử bé [không phải taste của tôi], mà vì nó chứa nhiều chi tiết về Saint-Exupéry, tôi muốn biết người khác nghĩ gì về chúng. Quyển trinh thám này được xem như một tổng hợp các chi tiết cơ bản về Antoine de Saint-Exupéry [còn được gọi Saint-Ex, Tonio], cũng như các khả thể mà một tiểu thuyết có thể thâu về sự vụ mất tích của một phi công là nhà văn; vì chọn vụ mất tích hiện vẫn còn là một bí ẩn, liệu đến một ngày nào đó, tất cả chúng ta đều sẽ có vẻ như đã chết, nên Bussi hẳn đã đọc nhiều tài liệu, những lời chứng mâu thuẫn nhau và, cách nhìn văn bản Hoàng tử bé như một ẩn dụ ứng với các sự kiện của tác giả

tôi có linh cảm theo hướng ác cảm rằng, sẽ chẳng có gì cho tôi với những người thích Hoàng tử bé, họ càng cuồng Hoàng tử bé thì tôi càng phải tránh xa dẫu cho ngay ấn tượng ban đầu cho thấy tôi và họ hoàn toàn có thể hợp nhau thế nào [thứ duy nhất liên quan Hoàng tử bé, ngoài quyển sách, trong nhà tôi là một tranh khổ nhỏ do Sun mới vẽ tặng gần đây, thế nên tôi giữ; chứ những kẹp sách etc. Hoàng tử bé, vô tình lạc vào nhà tôi là tôi đẩy đi bằng hết]. Nhưng nếu họ là độc giả của Saint-Exupéry thì câu chuyện lại hoàn toàn khác; nhờ quyển trinh thám của Bussi mà tiện đường, đang từ nghỉ giải lao bằng một quyển trinh thám, tôi ngoặt sang đọc Saint-Exupéry trong nhà; cũng tiện, coi như được một vệt xem còn có thể đọc lại hay không; lúc trẻ tôi từng nghĩ Hoàng tử bé là thứ tôi có thể đọc lại qua mỗi năm, nhưng hóa ra dù đã đọc ít nhất 2 lần lúc trẻ nhưng tôi lại chẳng đọng lại gì, thậm chí nếu không đọc lại các trích dẫn Hoàng tử bé nhắc đi nhắc lại trong Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé, tôi còn chẳng thể nghĩ đã từng đọc nó

15.5.25

Mauriac thơ



lần đọc Mauriac này, đọc lại Bí ẩn nhà Frontenac nối vào đọc mới Sa mạc tình yêu và Người đàn bà đạo đức giả với mối nối bởi những nhân vật cậu bé ngưỡng tuổi 15-18 và cần tìm lại vài thứ. Với tôi, Bí ẩn nhà Frontenac như bán tự truyện của Mauriac, khiêm tốn thì tôi nghĩ nó chứa nhiều chi tiết, rất nhiều chi tiết của chính Mauriac

Bí ẩn nhà Frontenac đọc khoảng 20 năm trước, 8 năm trước lúc đọc Người vợ cô đơn là không còn nhớ gì về nhà Frontenac ngoài cảm giác hạnh phúc gia đình êm đềm mà tôi đánh đồng "hình như là hạnh phúc của chính gia đình Mauriac", tôi đã nghĩ là mình đã nhớ không nhầm. Sau hơn 20 năm đọc lại nhà Frontenac, đúng, tôi đã nhớ không nhầm, nhưng tôi cảm nhận khác xưa, không phải cảm giác êm đềm của hạnh phúc gia đình lấn át mà là cảm giác mọi thứ trôi tuột bất khả vãn hồi, bị xua đuổi khỏi thiên đường ấu thơ, ở độ tuổi 15-16 sớm mù mờ thấy tình cảnh này và ngoài 20 nhận ra sờ sờ một trình hiện sa mạc, làm sao để có ý chí tiếp tục nếu không có ý chí của Đấng nào đấy hiện hữu. Mauriac - nhà văn Công giáo, khí chất con người Công giáo và Bí ẩn nhà Frontenac là một tia sáng của tình yêu vĩnh cửu [theo con mắt người có đạo] được khúc xạ qua một dòng họ

que les oiseaux et les sources sont loin/ ce ne peut être que la fin du monde, en avancant [Rimbaud]

tôi đọc lại nhà Frontenac vì muốn tìm lại mấy đầu mối, tôi luôn nghĩ đây là bán tự truyện, đặc biệt là giai đoạn Mauriac thơ, Mauriac chưa đầy 20 tuổi. Cậu bé Yves Frontenac là hình ảnh thơ ấy, 15/16 tuổi cậu hay ngồi một mình lánh mọi người, cần và muốn một mình, lén viết những vần thơ "những gì vốn là bí mật của nó và Đức Chúa [...] họ hiểu gì về cái ngôn ngữ mà chính nó không phải lúc nào cũng có chìa khóa mở vào" mà anh trai cậu hay người khác đọc cho rằng đấy là thơ Rimbaud trong khi cậu còn chưa nghe đến Rimbaud bao giờ "Rimbaud là ai"; rồi những bài thơ được Paul Morisse duyệt, đăng trên Mercure de France; Yves nhận sự khích lệ của Gide [trong truyện, khi đã tới Paris (tất nhiên Bordeaux, quê hương của Mauriac, luôn xuất hiện trong tiểu thuyết của ông, cũng là nơi từ đó những cậu bé lớn lên, trưởng thành và từ đó mà đi), được các bà các cô hỏi nghĩ gì về Paludes của Gide, Yves nói mình chưa đọc nó; và ai cũng biết Gide và Mauriac có giai đoạn cỡ 40 năm correspondance], nhận sự ca ngợi của Thibaudet, gặp gỡ Barrès... và tôi còn phải tìm dấu vết, Balzac, Baudelaire rõ rồi [ông bố Michel của Yves là người kinh doanh mơ mộng luôn mang theo mình một quyển sách khổ nhỏ, một nhân vật làm ăn trong truyện bắt gặp ông Michel hôm ấy có La charogne của Baudelaire (chắc ông ấy muốn nói Une charogne) nằm vương vãi trong văn phòng và trong mắt nhân vật "bắt quả tang" này thì Baudelaire hiện lên như người viết ra thứ nhảm nhí và mong rằng người bạn làm ăn Michel của mình có chút ngượng ngập khi bị bắt chợt, không đọc những thứ nhảm nhí như vậy] nhưng tôi nhớ có một chi tiết mà khi đọc Sa mạc tình yêu với Maria Cross được bao nuôi, làm tôi nghĩ đến một người phụ nữ thoáng qua cũng của Mauriac nhưng ở quyển nào thì không nhớ, đọc lại nhà Frontenac mới tìm được bà Joséfa được người chú Xavier của Yves bao nuôi - người phụ nữ đáng kính dẫu thô sơ này thoáng cái đã biết nhìn nhận cô nàng của Yves là hạng đàn bà không hơn gì những cô ả xuất hiện trong truyện đăng feuilleton của Charles Mérouvel - một nhà văn hiểu rõ loại người ấy

Mauriac có con mắt ác hiểm nhìn bản tính con người - lòng tốt là đối trọng cho cái ác của thế gian, tương tự như vậy, là những cặp phạm trù đối trọng nhau, con mắt ấy vừa lọc lõi, vừa tinh hiểm, nhưng cũng rất nhân từ dẫu cho những con người ấy cầu nguyện Chúa rồi lại báng bổ Chúa và ngay cả nghịch âm ấy theo lối nhìn của Mauriac cũng nằm lòng Thiên Cơ, những con kiến người vẫn cần mẫn như không, không có vẻ gì nhớ đến những cực hình, vô vọng đã qua. Yves hiện lên qua mắt mọi người trong gia đình cũng vậy, hễ mọi người ồn ào vui vẻ thì nó cau có, nhưng hễ có việc xáo trộn trong nhà thì hình như mặt mày nó lại có vẻ hào hứng hồ hởi; có một cảnh Yves tóm con kiến vứt xuống hõm cát và nhìn nó leo lên rồi tụt xuống rồi lại leo lên rồi lại tụt xuống, cái phễu cát như con quái vật muốn nuốt chửng con kiến, cậu quan sát quan sát, rồi kiếm lá thông hớt con kiến ra, lúc này nó mềm oặt và bất lực, rồi nó tiếp tục bò đi cần mẫn như không có gì từng xảy ra, cậu nghĩ đến mình đến tiếng nói bên trong "giữa trật tự ghê tởm của thế giới, tình yêu đem lại sự đảo lộn tuyệt vời. Đó là bí mật của Chúa và những người theo gương Chúa... Ngươi được chọn vào việc đó, ta đã chọn ngươi để xáo trộn tất cả. Ngươi biết rõ ta là ai. Ta đã chọn ngươi"; dẫu tự đáp lại tiếng nói bên trong "Không! Không! Không!

và dẫu, Mauriac luôn yêu những tội lỗi, những con người chịu đọa thì sự luôn rõ ràng, đã luôn rõ ràng, những đứa con cứng đầu, trong tất tật, lại là đứa gần Chúa [Dieu] nhất "cậu sẽ không chọn, không gì bắt cậu phải chọn, có lẽ cậu đã sai khi nói "không" đáp lại giọng nói yêu cầu nọ mà có khi là của Chúa. Cậu sẽ không từ chối bất cứ ai. Có thể đó sẽ là bi kịch của cậu, từ đó nảy sinh tác phẩm; tác phẩm, đó là biểu hiện của sự giằng xé. Không từ chối cái gì, không từ chối cái gì cho mình. Mỗi khổ đau, mỗi đam mê đều đắp điếm cho tác phẩm, làm lời thơ bay bổng. Và vì nhà thơ chịu giằng xé nên nhà thơ được tha thứ "Je sais que Vous gardez une place au poète - dans les rangs bienheureux des saintes légions"..."

nhân vật Yves ở tuổi ngoài 20 phải mất nhiều năm về sau mới nhận thức được vị trí của mình, đánh giá được vinh quang của mình. "Vốn là người tỉnh lẻ, luôn kính phục những tài năng đã thành danh, một thời gian dài cậu chưa biết, lờ đi, rằng, chính cậu cũng là một tài năng: vinh quang nảy sinh âm thầm, mơ hồ, tìm đường đi như chuột chũi, chỉ xuất hiện trước ánh sáng sau một hành trình dài dưới lòng đất [...] Yves còn ngần ngại với chính mình, còn tảng lờ lời gọi mời của Paris, cưỡng lại tờ tạp chí tiên phong quan trọng nhất, thậm chí còn do dự chưa muốn gộp các bài thơ thành tập, cũng bởi một nỗi âu lo đang chờ cậu, thơ ca của cậu càng chinh phục nhiều trái tim, cậu sẽ càng cảm thấy mình nghèo đi, những kẻ khác sẽ tận hưởng nguồn nước mà lẽ chỉ mình cậu được uống đến tận cùng [...] và Yves Frontenac làm sao mà cảm thấy trước được sự kinh hoàng khi đứng trước cửa sổ phòng ngủ vào cái đêm tháng Chín ẩm ướt và êm ả ấy. Yves, bên cửa sổ, đọc lời cầu nguyện buổi tối trước những đỉnh núi nhấp nhô của Bourideys và trước vầng trăng đang lờ lững. Ông mong đợi tất tật, khấn lên tất tật, ngay cả khổ đau, nhưng nỗi xấu hổ vẫn tồn tại sau niềm cảm hứng của ông trong nhiều năm, để duy trì vinh quang của mình bằng sự giả dối. Và ông không lường trước được rằng vở kịch này sẽ được thể hiện từng ngày trên một tờ báo được xuất bản sau một cuộc chiến lớn; ông đành chấp nhận điều đó vì đã không viết gì trong nhiều năm. Và những trang viết kinh khủng này sẽ cứu vãn thể diện; chúng mang vinh quang nhiều hơn cho ông, hơn cả những bài thơ của ông [...]

đến đây, câu chuyện về Mauriac thơ, tiểu thuyết có thể chuyển tiếp sang Le Bloc-notes, Mémoires intérieurs, Ce que je crois, De Gaulle, Mémoires politiques

ps. Quyển Bí ẩn nhà Frontenac dịch chán quá, mỗi khi phải tự dịch, tôi chỉ muốn cắm luôn đầu vào ổ điện. Với tôi thì ngôn ngữ nào cũng gây điên tiết cả thôi, sao tiếng Pháp nó cứ nhiều cái phẩy phẩy trên đầu rồi dấu dấu, đánh máy tra từ nó hóc, mà không tự dịch không tự tra không được vì không phải lúc nào cũng đoán được từ do sự nhang nhác của từ tiếng Anh và tiếng Pháp; khi gõ những đoạn trong ngoặc kép cuối cùng trên, đến vài chữ, tôi nhận ra là tôi đã gõ nó trong một giấc mơ/đọc nó trong một giấc mơ và trong giấc mơ ấy tôi cứ đinh ninh là tỉnh dậy mình phải sửa nên ở đây tôi đã xóa những đoạn đó gõ theo sách in, thay vào là tôi tự dịch mà tôi biết là sẽ phải sửa. Post này sẽ phải sửa nhiều, vì những giới hạn lúc này của tôi với Mauriac, nhưng tôi phải dừng để đi tắm gội, quá nửa đêm rồi; không nghĩ để viết nó mà tôi phải chẻ làm mấy tăng trong một ngày, vì tôi ngủ dậy muộn quá, ham chơi quá; hôm nay tôi đã có một ngày sang chấn các thế hệ, ngồi chơi phỏm với mẹ và cháu trong tiếng nhạc thiền nhà hàng xóm, cùng lúc trong tiếng nhạc vàng của mẹ và một cái loa của đứa cháu bật "phải nhạc remix edm mới vui" và giờ đây là tiếng gào gọi về phòng của mèo 🙂


8.5.25

13 năm

rạng sáng mơ thấy M. đi khỏi chỗ của mình, chỉ còn mình em ở lại. Xung quanh rất nhiều lửa. M. cắt hết tóc và râu để lại, nhìn M. rất trẻ. M. nói 20 năm và bay đi

tỉnh dậy nằm khóc cho đến lúc này và, vẫn có một chút an ủi. Vì được thấy lại M. dù chỉ trong mơ, không phải lúc nào cũng được như vậy đâu, rất lâu rồi. Khoảnh khắc trở về và chia xa vẫn là một, nhưng M. nhớ phải về qua. Nhớ phải về qua

13 năm rồi, EMi sắp 18 tuổi, đã trở thành một cụ mèo trái nết 

7.5.25

Mauriac - La Pharisienne




Người đàn bà đạo đức giả - dịch nhan đề thế này thu hẹp tác phẩm, cầu cho ai đấy dịch lại vì nhiều câu trong này chắc chắn dịch sai, những cái sai quá rõ mà không cần phải tìm đọc nguyên tác; nhiều câu sai khủng khiếp với nhân vật cha đạo, ông cha đạo mà chỉ qua một bức thư cũng có thể nhận định một phụ nữ là Pha-ri-sêu/Pha-ri-si; khái niệm Pha-ri-sêu/Pha-ri-si, chỉ cần biết nó, giá cứ để yên nó nằm ở tên sách thì người đọc từng đọc Mauriac có thể tóm luôn được chủ đề quen thuộc của nhà văn Công giáo rồi. Dẫu quyển sách được in với thứ giấy không thể xấu hơn đen hơn, chữ in không thể mờ hơn khiến tôi vừa đọc vừa đoán, dịch thì sai từ nhan đề và, kinh nghiệm quyển sách cho tôi biết quyển nào ta phải thò dao rọc nhiều quá, lại còn thêm giấy đầu thừa đuôi thẹo thì... rất dễ dính xếp lộn trang hoặc thừa thiếu trang thế nào đấy [quyển của tôi trang 64 và 84 là một, nội dung trang 64 là gì với tôi lúc này... vẫn chưa đọc]... nhưng nó lại là quyển tôi thích nhất trong 4 quyển tôi đọc của Mauriac trong tiếng Việt

có những người chọn Chúa Trời cho mình nhưng, lại rất hoài nghi, không biết Chúa có chọn mình không; thực hành tôn giáo và đức tin hoàn toàn theo ngả giáo lý hình thức thì giống như nô lệ cố hắt bụi vào mắt chủ mình và trả hết phần của mình cho đến xu cuối cùng; phải rất lâu sau người ta mới nhìn thấy tình yêu chân chính, tình yêu mà người ta vẫn tưởng người ta tôn thờ và phụng sự trung thành nhưng thực ra lại không biết [cứ yêu thôi, con đường tự khắc đến bởi các con đường mà người gặp nhau không bao giờ là ngẫu nhiên]

nhưng tôi đâu thích La Pharisienne/The woman of the Pharisees theo hướng một tiểu thuyết màu sắc tôn giáo tâm linh, tôi vô đạo, tôi có tâm linh của riêng tôi [rất nhiều người có tôn giáo và là con người tôn giáo nhưng lại không có tâm linh], nhất là Mauriac, tôi chưa từng nghĩ mình đọc Mauriac theo hướng ấy. Với tôi, chỉ có sự vị văn học, sự biến văn học và đời sống của văn chương thôi. Mauriac với tôi là nhà văn yêu các nhân vật tội lỗi; giáo lý/đạo đức/tu khổ hạnh trong cái nhìn của Mauriac luôn là con đường cho tròn ngắn nhất dễ dàng nhất nên câu chuyện và các nhân vật luôn gây cho người đọc cảm giác khó chịu đựng, khó chịu đựng không lúc này thì lúc khác ngay cả với nhân vật được chấm vì cứ dần dần, từng chiếc cúc tuột khỏi tấm áo đạo đức tưởng như hoàn mỹ, hay, do ảo tưởng dày công dệt nên [có một chi tiết rất hay, cha đạo Caluy thích nhận những đứa trẻ hư vì ông biết chọn chỗ căng lưới, kiên nhẫn theo dấu và không nản chí (hình ảnh "lưới" chắc người nào theo đạo sẽ thấy quen, có câu gì đại ý, Thánh đồ phải trở nên những tay đánh lưới người; tích 4 môn đồ trở thành tay đánh lưới người, lưới người như lưới cá etc.) vì cho rằng chỉ nhận những đứa trẻ cứng đầu bất cần, những đứa trẻ đã hoặc sắp bị cuộc đời xô dạt, thậm chí từ chối Chúa Trời như Jean de Mirbel thì ông sớm hay muộn cũng lùa được con thú nhỏ về nhà và nhờ những con thú đáng được quan tâm ấy, ông sẽ sớm tìm được bản mẫu mình cần, cha đạo nghĩ như vậy, ông muốn chịu trách nhiệm về những đứa trẻ này trước Chúa Trời. Vấn đề ở đây không thuộc về đạo đức, phận sự; mà là sở thích của vị cha đạo. Nhân vật cha đạo Caluy rất sắc, ông có thể trỏ ngay người mẹ kế của nhân vật tôi kể chuyện, bà Brigitte Pian như một cái thùng cá, nhìn vào có thể thấy rõ từng động tác cá quẫy; hay, chỉ một câu trong bức thư đầu tiên, có thể xếp bà mẹ của Jean de Mirbel vào "các bà Pharisienne"]

theo lối nhìn ấy, nếu ai đấy nói Mauriac tàn nhẫn, Mauriac ác, tôi không phủ nhận [lại còn wit chứ]. Với lối nhìn và viết như vậy, con người tội lỗi, sa ngã, chịu đọa cũng hao mòn tâm trí không kém gì những con người trở nên đức hạnh [cũng dễ hiểu sao mà rất nhiều người, như tôi, ấn tượng về hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm của Mauriac (tìm đi đọc cho vui, thư viện các trường nhiều người chọn làm đề tài này lắm, trên đường tìm kiếm xem có ai nối Mauriac vào Dostoievski hay không, tôi thấy tỉ lệ chọn đề tài người phụ nữ trong văn chương Mauriac nhiều vô kể)], tức là, không phải ngày nào cũng gặp được một đức thánh hiền nhưng, không phải lúc nào cũng xuất hiện một kẻ khiến ta hãi hùng, kinh hoàng về sức méo mó sức đọa của con người [ai từng nói đại ý: việc hành hạ thể xác của kẻ tuyệt dục quyết tâm chế ngự mình là việc của con thú dữ, ý nhỉ]

bài học ở đây là gì :), không can thiệp vào cuộc sống của kẻ khác, bất kể đó là ý nguyện của ai sai khiến, điều này đương nhiên nhiều người coi là thần chú; nhưng, phải thêm nữa :), chớ có dại mở cửa ngó vào cuộc đời thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ n của họ [đặc biệt là người ta yêu :), Chúa Trời mong muốn một điều khó là ta yêu thương ngay cả kẻ thù của mình, nhưng thời gian sống nói với ta rằng, điều ấy vẫn dễ chịu hơn nhiều việc được kêu gọi đừng bao giờ căm ghét những kẻ ta yêu]; nhưng tiếp, chớ sợ câu trả lời của những câu hỏi ta luôn tìm kiếm [xin các Đấng tha cho cái mỏ hỗn chỉ biết nói sự thật ngây ngô của con]

ps. nối Mauriac vào Balzac thì rõ rồi, quyển Pharisienne này đặc biệt nhiều Balzac; nhưng cũng ở đây, trong có vài ngày, Lamartine, Fromentin đập vào mắt tôi mấy phát


5.5.25

Balzac - Dostoievski - Mauriac

 Balzac - Dostoievski - Mauriac 


đêm qua trong một đoạn đọc cha đạo và cậu bé 17 tuổi của Mauriac, lúc ấy cảm động cứ sụt sịt không rời sang đoạn khác được. Muốn nối Mauriac vào Dostoievski, không chỉ theo hướng những con người tôn giáo, dù cũng là có Chúa, giữa sự cơ cực vất vưởng của những linh hồn thiếu vắng Chúa và sự hiện hữu của Chúa; mà muốn nối 2 con người vào nhau trong lối nhìn bản tính con người gắn với mệnh cách của họ


nhưng đồng hồ đã chỉ 1 giờ sáng, nếu không ngủ ngay thì ngày mai lưng sẽ đau như trời giáng; thế là buông sách tắt đèn nhẩm thần chú: ngủ đi tú. Nhưng tim không nghỉ, tình chí không nghỉ thì mắt cưỡng chế chỉ là nhắm chứ không ngủ; tham vọng  lúc này còn đòi nối tiếp vào Balzac; đầu nó bắt đầu cò quay, nối Balzac - Dostoievski - Mauriac hay là lấy Mauriac làm trung gian vì Balzac - Dostoievski nối vào nhau trước thì cái nhìn của mình đang tỏ ra cao ngạo đấy :))) [nhưng Dostoievski là độc giả của Balzac mà, cũng có phải cao ngạo gì đâu nhỉ :p]... cứ hình dung những thứ mình sẽ viết thế rồi cũng chìm vào giấc ngủ với đủ mọi câu văn, trang sách mà không biết là mình viết hay đang đọc kẻ khác viết. Không khác gì một cuộc hành xác, bị đeo gông đày ải trong sa mạc


sáng ngồi dậy trên giường, kết cục vẫn là lưng đau như trời giáng, vì nằm nhưng ngủ không được mấy, thận có được nghỉ đâu. Vẫn đau lưng như dự đoán và lại còn không viết được cái mình muốn viết, vì nó qua mất rồi; chỉ tiếc vì đã không làm, lại một lần ngu


muốn viết một mail, để được đọc người khác viết, để được nghe ý người ta nói; nhưng tự thấy phải tự làm tự chịu. Tặc lưỡi lên vườn nhìn cây thì hoa đã héo tàn. Hoa héo hoa tàn rồi tú ạ, hết vị, thôi tú tự cấu chí mình đi :)))

30.4.25

Saigon





đây là 3 quyển tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam, mang đến 3 trạng thái khác nhau cho người đọc

trong đó, Một người Mỹ trầm lặng [thuộc kế hoạch Graham Greene dài của tôi, hiện trong nhà có 5q tiếng Việt, 1q tiếng Anh, và tôi đang chờ thêm] là giai đoạn Mỹ những năm 40 - 50 thế kỷ trước ở VN [Graham Greene đến VN lần đầu khoảng 1942-1943 và gần 10 năm sau mới trở lại]


Ở lưng chừng thời gian, thiên về những dai dẳng hậu chiến, những người Mỹ tham chiến và người dân VN. Quyển này tôi đọc vào khoảng mùa hè 2010; giờ đây, tôi không còn nhớ gì ngoài cảm giác về nó, một văn chương hồi cố tiết chế và ám ảnh, có lúc nó gây trầm cảm như người lính hậu chiến [thi thoảng đọc truyện trinh thám, nếu nhân vật là quân nhân, sẽ bắt gặp cảm giác này về chấn thương tâm lý của họ], có lúc nó lại gây cảm giác cái nhìn xa lạ không còn nhận ra của một người nước ngoài trở lại nơi mình tham chiến


Saigon khó gọi là tiểu thuyết [2 tập, tổng khoảng 1000 trang]. Nó như một truyện dài mang thông điệp hoà giải và thể hiện cái nhìn khách quan của một người kể chuyện muốn người đọc hiểu về các bên trong cuộc chiến, về tình thế lịch sử thế giới và khu vực thời điểm ấy; không nhiều văn chương, từng giai đoạn lịch sử chiến tranh hiện ra chia rõ Saigon thành từng phần theo diễn tiến thời gian và cuộc chiến, từ lúc nhân vật chính Joseph Sherman 15 tuổi, con một thượng nghị sĩ Mỹ đến VN lần đầu, cập cảng Saigon những năm 1920 Pháp thuộc đến khi Joseph ở tuổi 63 với hình ảnh do người vợ thứ 2, nhìn từ trên chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh rời Saigon kết thúc chiến tranh ở VN 30/4/1975: ông vẫn còn ở trong hỗn loạn đám đông tìm đứa cháu ngoại của mình để đưa nó rời Saigon sang Anh; trải qua gần 50 năm gắn bó đời mình vào dòng chảy lịch sử cách mạng VN, từ cuộc chiến trong cái nhìn của một đứa trẻ mới lớn, đến lúc là một phi công giai đoạn Mỹ viện trợ, cố vấn, rồi trở lại VN như một nhà báo nhà nghiên cứu trong giai đoạn Mỹ trực tiếp tham chiến... với những người thân bất đồng quan điểm như ông bố thượng nghị sĩ hay em trai CIA, hay hai con trai đều là lính Mỹ tham chiến, người thì bỏ mạng, người thì sang chấn tâm lý sau khi được phía VN trả lại tự do, còn con gái lai lại là người cán bộ cách mạng 


Saigon của Anthony Grey mạnh về tài/tư liệu lịch sử [viết về các trận đánh như diễn ra trước mắt, có thể vì xuất thân là nhà báo và quá quen thuộc với các cuộc chiến ở TQ] là kết quả của quá trình đào bới rất nhiều nguồn tài/tư liệu; Saigon xuất bản 1982 và phải tận 6-7 năm sau Anthony Grey mới đặt chân VN lần đầu, nên lối thoại trong truyện không thật, tâm lý nhân vật cũng nhẹ tều [tôi đã nói ngay từ đầu là nó không nhiều văn chương]. Có thể dùng nó làm sách cho người mù lịch sử như tôi, tìm kiếm người đọc Saigon ở VN không cho mấy kết quả, trong khi nó được đọc nhiều ở nước ngoài, không chỉ các cựu binh Mỹ [thấy có còm của một người đàn ông Mỹ sn 1950 nói rằng quá nửa các bạn cùng khoá ông đã sang VN tham chiến và quyển sách dù là một tiểu thuyết nhưng đã kể một câu chuyện nhiều sự thật] mà cả những người muốn hiểu về mối quan hệ Mỹ - VN, hiểu về VN và các phong trào cách mạng thế kỷ trước; sách in ở VN năm 1988 do nxb Lý luận nxb Trẻ tpHCM làm, sách giai đoạn í nhiều lỗi, chưa kể Saigon có nhiều chi tiết nhạy cảm chính trị nên nhiều đoạn bị cắt hoặc tự nhiên đang đọc thấy đứt gãy thì tự hiểu kiểm duyệt; thấy bảo sau này đã được dịch lại và người dịch đã viết thêm, sửa chữa một số thông tin rồi in ấn ở hải ngoại dưới tên Trăng huyết


gần đây nhà nhà nói chuyện xem diễu hành kỉ niệm; mẹ tôi là người mấy hôm vừa rồi nói với tôi "ngày này dân Saigon ăn mừng lễ lớn lắm đấy nhỉ" và nhiều người Saigon không như mẹ tôi nghĩ. Tôi đọc Saigon vì đến lúc tôi đọc thôi, mấy ngày trước tôi ngủ mơ mình lại là bộ đội [lần nữa, nữa], một người đàn ông khoảng 4x tuổi, mũ cối ba lô màu bộ đội trên vai, tôi đi rừng lội suối ở một vùng núi trung du phía Bắc để tìm một đứa bé trai 10 tuổi với mong muốn nhận đứa trẻ về nuôi. Trở về từ giấc mơ, trong vô thức cảm nhận rõ mình đang sắp gần kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, tôi bốc trúng 2 quyển Saigon của Anthony Grey trong một lần nhìn lướt chỗ sách đập vào mắt, sách đã ở nhà tôi gần 10 năm, tôi đã để nó ở chỗ dễ thấy để đọc sớm [vì tôi cứ nghĩ Saigon là một cái tên sẽ chỉ có Saigon hiện lên thời VNCH, đọc rồi mới biết nó tái hiện cả 50 năm chiến tranh trên đất nước mình] nhưng với sách vở trong nhà hiện nay, tôi lần lữa mãi cho tới hôm qua hôm kia vào đợt nhịn ăn, nhịn ăn thì trí nhớ và đầu óc làm việc tập trung hơn, tôi đọc nó

27.4.25

passion - morality



một quyển của Francois Mauriac đọc 8 năm trước, Người vợ cô đơn, bản dịch Mặc Đỗ https://www.facebook.com/share/1AKZsYTJTD/?mibextid=wwXIfr

đọc xong Sa mạc tình yêu, ai theo dõi chương trình xuất bản của Forma sẽ nhận ra ngay một đối ứng: Giống như là chết của Maupassant, mối quan hệ của một người đàn ông với cả hai mẹ con 'hãy cẩn thận, bạn của tôi, ông sẽ yêu con gái tôi say đắm đấy'; và, Sa mạc tình yêu của Francois Mauriac, mối quan hệ của hai bố con với một người phụ nữ 'người ta có bao giờ nghĩ rằng dục vọng của người cha chính là thứ thường xuyên ngăn cách họ với con trai hơn cả'

bầu không khí của Sa mạc tình yêu giống như nhan đề của nó: sự tra tấn và tuyệt vọng, nếu nói nó gây bức bối, bất lực, tình trạng tự cô lập như muốn thôi sống vì không thể thôi muốn [và, cái mình muốn và thực tế được trao cho...] cũng vẫn là nhẹ [nhưng nó là một câu chuyện có lối nhìn hay về dục vọng con người; cả ba nhân vật trong vòng mối quan hệ đều là những nhân vật hết sức đáng nhớ và đặc biệt văn học, nhất là Maria Cross (cái tên Maria thật đạo, đặt cùng họ cross ư); Mauriac từng khiến tôi choáng ngợp với Therese Déqueyroux của Người vợ cô đơn]; của passion dục vọng tình yêu ham muốn thể xác, của morality ý chí, sự cứu rỗi và tội lỗi [rất tôn giáo giáo lý] - passion và morality, một cặp bất hủ, người có đạo thường gọi đó là nan đề [trong một đoạn, nhân vật người bố - bác sĩ nói với Maria Cross, đại ý: phải tin vào sức mạnh ý chí của mình, tin rằng có khả năng kiểm soát tất tật các con thú hoang trong mình mà đó hoàn toàn không phải con người thật của ta - lời nói như một đơn thuốc bác sĩ kê cho bệnh nhân; nhưng đến đoạn cuối của tiểu thuyết, lần gặp cuối của họ thì nó điển hình cho minh hoạ: bác sĩ không thể nuốt trôi đơn thuốc mình kê]

tất cả đan xen trong ngẫu nhiên kỳ lạ của dòng thời gian mỗi nhân vật, trong tưởng tượng-sự hiểu-sự biết về cái được coi là tình yêu của mỗi người họ, dường như, chúng chưa từng 'đính hôn', dẫu người ta vẫn nghĩ về cùng một yêu-tình yêu; tức thời, sa mạc thình lình hiện ra và, đến cuối cùng, điều duy nhất còn lại là sa mạc

20.4.25

to Marshal


rạng sáng tôi mơ tôi là một người đàn ông gây ra những giọt nước mắt tan vỡ trong mắt bạn gái mình; khó chịu đựng quá, tôi quyết định mở mắt dậy 🤦🏻‍♀️

trong mơ tôi đọc một trang sách ngoại văn, nội dung nó là gì đấy gửi tới Marshal, trong đó nói về một bản nhạc. Vì tò mò bản nhạc ấy nên tôi đi nghe nó, tai nghe đang thút nút 2 lỗ tai thì người phụ nữ của tôi ở đầu kia căn phòng nói nói nói, cô ấy nói trong cố gắng để tôi buộc phải nghe vì tôi biết cô ấy vẫn nói nội dung gói gọn, vẫn, chỉ là: tôi đã đọc cái cô ấy mới viết chưa

rồi chúng tôi cãi nhau, không kiềm chế được nữa, tôi rời bàn, rời trang sách to Marshal đứng dậy vẫn với dây tai nghe lòong thoong trên người nhưng âm thanh đã dừng lại:
- tôi: anh không thể lúc nào cũng đọc cái mà anh không thích chỉ vì anh iêu em và vì em là người viết ra chúng
- cô ấy: anh đang nói, anh đang khẳng định là anh không như trước đây nữa, anh không còn là anh như trước đây nữa
- tôi: ok, có thể, anh đã iêu những thứ em viết, anh iêu em hay, ở chiều ngược lại, em hiểu thế cũng được, nhưng không phải lúc nào cũng... bây giờ... anh *vò tóc trên đầu, quay đi, nhìn cửa sổ*
- cô ấy: còn bây giờ... cái gì
- tôi: anh vẫn iêu em, chỉ là, anh không thích, không thích những gì em viết, không thể đọc em viết... thậm chí, anh không thích em khi anh hiểu anh đang đọc và người viết chúng là em, anh không thể thích nổi người viết ra những gì... rỗng tuếch tẻ ngắt như thế

thế là cô ấy với đôi mắt, khuôn mặt của tất tật những gì vỡ vụn trong trường nhìn của tôi. Khó chịu đựng quá tôi cất tiếng nói trong đầu: mở mắt, mở mắt dậy tú ơi

đứng trước gương trong nhà tắm, tôi nhớ đến câu chuyện không đầu cuối chiều hôm qua; tôi và đứa bé gái 7 tuổi nhìn nốt ruồi trên cánh tay nhau, chỉ ra những nốt ruồi tương đồng của 2 cô cháu. Rồi nó vén bụng bảo con có nốt ruồi ở bụng, cô có không; chị gái tôi ngồi bên nói nó: không được vén hở áo cao thế, nhớ chưa, mình là con gái; đứa trẻ vâng ạ và quay qua tôi, cô có nốt ruồi ở bụng không; tôi cười khì khì bảo hình như không có, nhưng cô đố con có nốt ruồi ở nách như cô :))); nó cũng cười khì khì chạy đi giơ 2 nách trước gương và ngặt nghẽo "không có, con không có ở nách trời ơi"; lúc này bà chị gái tôi lườm nguýt 2 đứa tôi "có làm gì, nốt ruồi ở nách đào hoa"; tôi đang định nói suy nghĩ của mình thì bà í nghe ra điệu bộ tôi tính mỏ hỗn, bà í dập "tao nói sai à, thế không đúng à, mày thử nghĩ mày xem, mày chưa đủ hay sao". Tôi hết nói gì

một cuộc sống khác, tôi là đàn ông phũ như thế sao, là nam hay nữ thì tôi cứ nhất định phải nói đúng điều trong đầu trong tim gan phèo phổi mình ra hay sao, hỡi ôi tú

đầu ngày báo hiệu nực; xuống nhà gặp Loan cãi nhau tiếp. Tôi chỉ nói với Loan mẹ mong đi viện để bị kết án thêm những gì nữa à mà cứ suốt ngày nhắc bệnh viện kêu đau ốm: ung thư 13 năm rồi, cao huyết áp mỡ máu tiểu đường u tuyến giáp rối loạn tuần hoàn máu não, sỏi thận gan nhiễm mỡ, thoát vị đĩa đệm thoái hoá đốt sống lưng, đau thần kinh toạ... thế là Loan chửi tôi vắt nóc con mất dạy phản động các kiểu các kiểu

mới được non nửa ngày đã thấy thêm một ngày nữa bế mạc

18.4.25

Leopardi

không thể không cô độc 



14.4.25

con chó săn trong sân



mở màn Thành phố trộm đã gây cho tôi chút phân vân, sao nó lại mở màn như cảnh đầu của một bộ phim không phải khẩu vị của mình thế này; đại để tác giả David chuyên viết kịch bản phim [David Benioff chuyển thể Người đua diều thành phim đấy] về các nhân vật siêu anh hùng biến đổi gene, rồi khi được đề nghị viết một bài chân dung tự thuật cho một tạp chí thì bỗng nhận ra mình đã sống một cuộc đời nhàm chán, trong lúc vật vã viết cho xong bài theo đơn đặt hàng kia thì quyết định mình không muốn viết về đời mình, mình muốn viết về Leningrad và ông nội chính là một kho những câu chuyện về Leningrad, người đã đoạt mạng 2 tên lính Đức khi chưa 18 tuổi. Và giờ đây, câu chuyện Thành phố trộm bắt đầu được ghi dựa trên lời người ông kể và đứa cháu nội - tác giả David bật máy ghi âm; một số chi tiết người ông nói "cháu là nhà văn cơ mà. Bịa bừa đi"

mở màn này ban đầu chưa thấy quen đâu, cho đến khi vào chuyện, chương 1, đúng như một bộ phim, David đã ghi đúng lời kể của ông nội, nhân vật xưng "ta", thí dụ "cháu chưa bao giờ chịu đói như thế cả, cháu cũng chưa bao giờ bị rét như thế. Khi bọn ta ngủ..." và ngay sau đó, câu chuyện cho biết bối cảnh của Thành phố trộm là mùa đông năm 1941 trong cuộc phong toả Leningrad tàn bạo của quân Đức. Tức là mặt trận phía Đông 1941 - 1945

đến đây thì tôi cũng sẽ như nhiều người, lập tức nghĩ đến Kaputt của Malaparte; không ngờ đến cuối sách, David Benioff có lời vinh danh Kaputt và đặc biệt là một quyển tên 900 ngày của Harrison Salisbury [lúc nào tiện tôi phải tìm hiểu mới được]

mở màn gây chút lăn tăn cho tôi, nhưng ngay sau đó, đã khiến tôi ngấu nghiến vì thích các nhân vật, chắc nhiều người cũng thấy như tôi, bộ đôi nhân vật Kolya và Lev quá thu hút [nhiệm vụ bất khả thi trong hoàn cảnh lúc ấy: phải kiếm về một tá trứng]; hồi bé tôi thần tượng những anh lớn cùng chơi như Kolya lắm [tôi là đứa em gái bé tí trong mắt các anh, lúc nào cũng được các anh cho làm bình vôi, bao bọc (giờ ở đây chỉ còn lại 2-3 anh, vì phần lớn đã không qua được giai đoạn "nghiện nghẹo", trết vì shock thuốc, thậm chí HIV); chính thế, tôi nghĩ mình không bao giờ thực sự đi vào thế giới của bọn con trai được :))); đọc bản dịch này, đúng là một phong cách giang hồ thế giới hồi bé tôi nhìn các anh lớn]

tên văn bản Con chó săn trong sân là một truyện Kolya hay kể; tôi thích câu chuyện nên dùng nó luôn; bản dịch có một từ, lâu lắm rồi tôi mới gặp "đằng thằng" 🙂

11.4.25

đọc Diêm Liên Khoa [Yan Lianke] tiếp

 



sau đúng gần 10 năm mới tiếp tục đọc Diêm Liên Khoa. Lần trước đọc theo thứ tự: Người tình phu nhân sư trưởng, Kiên ngạnh như thuỷ, Phong nhã tụng. Lần này tiếp tục với 4 quyển: Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn, Đinh Trang mộng, Ngày tháng năm, Tứ thư và thứ tự theo đúng trình tự sáng tác/xuất bản sẽ như trong ảnh

cứ tưởng sẽ không thể đọc tiếp Diêm Liên Khoa nhưng hoá ra vẫn có thể đọc trong hưởng thụ, đặc biệt là Tứ thư; câu chuyện Tứ thư không mới [trí thức trong guồng quay cối xay lịch sử, đại nhảy vọt, học tập cải tạo, "ăn thịt người"...; nhất là chương cuối mang tên Bản thảo, một lời ẩn dụ như cái nhìn toàn cuộc lịch sử từ trên cao cho Tứ thư và số phận con người trong guồng quay lịch sử, chế độ; mình vẫn hay đùa mọi người, nếu TQ có Nobel Văn học, khả năng cao réo Diêm Liên Khoa vì những Kiên ngạnh như thuỷ, Phong nhã tụng quá hợp tiêu chí Nobel (trong địa hạt châu Á, chắc khó lòng réo Murakami vì viết quá cá nhân), giờ có thể thêm Tứ thư], nhưng cách viết và cấu tứ của nó là điểm nhấn trong cả 7 quyển của Diêm Liên Khoa mình đọc

Nàng Kim Liên là một hình thức viết lại cho những gì đã quen, gột hình ảnh gắn với tên nàng Kim Liên của Kim Bình Mai và một phần Thuỷ Hử [bảo lúc nào có thời gian muốn đọc Tây Du Ký và Kim Bình Mai mà cứ lần lữa]; nói viết lại vì cùng nàng Kim Liên, cùng một vài nét tương đồng, chi tiết giống nhau nhưng nàng Kim Liên của Diêm Liên Khoa không phải Phan Kim Liên của 2 tác phẩm kể trên. Nàng Kim Liên lúc này xuất hiện ở vùng đất gắn với Diêm Liên Khoa: Bá Lâu [mà 10 năm trước, bản dịch thường dùng Bả Lâu], đây cũng là vùng đất của Ngày tháng năm; câu chuyện cũng dễ đoán, không mới, dễ đọc và khi gấp sách lại, người ta bùi ngùi như bao câu chuyện làng quê TQ [hay phim TQ về đề tài nông thôn]

bùi ngùi khi gấp sách lại, trong 7 quyển thì Đinh Trang mộng đứng đầu; tiểu thuyết khiến người đọc và ngay cả Diêm Liên Khoa là tác giả, cũng không khỏi hụt hẫng, áy náy vì mang đến sự đọc/viết đau đớn cho nhau. Văn học TQ thường làm người ta cười chua chát [không thể gọi là cười, vì cười đau đớn thế này thì ai dám định nghĩa khóc] ngay cả khi họ đang viết về một hiện thực tàn khốc đến phi lý; ở đây là căn bệnh AIDS những năm 90 thế kỷ trước và thập niên đầu thế kỷ này, xuất phát từ việc vận động người nông dân đi bán máu, làm giàu từ bán máu, bán máu thành kế sinh nhai và từ đấy cuộc sống của một vùng quê thay đổi tất tật, xoá sổ sự sống một thôn trang [câu chuyện được Diêm Liên Khoa viết dựa trên chuyện thật về một vùng quê khi Diêm Liên Khoa theo chân bác sĩ nhân chủng học cùng nhóm hoạt động đến trong vai trò người động viên tinh thần]. Một câu chuyện ám ảnh

trong 7 quyển thì Ngày tháng năm là một màu sắc hy vọng sáng sủa hoàn toàn khác với 6 quyển còn lại. Cũng vẫn là vùng đất Bá Lâu, nhưng Bá Lâu trong hạn hán. Cả làng đều bỏ đi tìm nguồn sống, nhân vật câu chuyện chỉ còn lại ông lão 72 tuổi, con chó mù và một cây ngô ông lão gieo hạt chăm nom như một tia hy vọng mỏng manh cho một tương lai không biết có thành quả, có đến hay không; cây ngô lúc này cũng trở thành một nhân vật quan trọng khi người đọc được chứng kiến từng trạng thái sinh tồn của nó, được ông lão và con chó mù chăm nom, cắt đặt thay phiên nhau bảo vệ tia hy vọng; ở phía bên kia, tạo kháng lực cho ông lão, con chó mù và cây ngô là chuột và sói và tất nhiên, cả ông Trời [sao mãi không mưa]. Người đọc thường sẽ biết motif quen thuộc Ngày tháng năm, nhưng vẫn đọc, vì đó là một câu chuyện về hy vọng và người ta thường sẽ dõi theo hy vọng của kẻ khác như thầm cầu nguyện nuôi hy vọng chính mình [như mình dõi theo thì hy vọng của kẻ khác cũng được nuôi thêm hơn nữa], thêm nữa, đây là một câu chuyện lạ nếu đã quen đọc Diêm Liên Khoa

có lẽ về sau tôi vẫn có thể đọc Diêm Liên Khoa. Tứ thư sáng tác 2010, câu chuyện không mới nhưng Diêm Liên Khoa dám viết lung tung không vì việc xuất bản, chuẩn bị tinh thần "văn học đút ngăn kéo" không trông đợi được xuất bản, gọi là phản đồ của viết lách, hoàng đế của viết lách chứ không phải nô lệ của bút mực, dám triệt để tự do giải phóng từ ngữ và luận thuật cho việc viết như nói bạt mạng, bạ đâu nói đó về hàng ngàn hàng vạn trí thức [hình như 23300 trí thức] còn sống và đã chết cùng thời kỳ lịch sử bị lãng quên... "trời phải đổ mưa. Cô dâu phải về nhà chồng. Phản đồ thì cứ việc là phản đồ thôi". Người ta dám viết một câu chuyện không mới với cách viết mới. Tôi không có lý do gì không đọc và tiếp tục đọc, dẫu với tôi, văn học TQ luôn cho tôi cảm giác họ cường điệu, làm quá, kịch quá; nếu đơn vị xuất bản tiện xuất bản vài qua quyển nữa thì tôi cũng sẽ tiện gom gom đọc một thể; tôi quen với việc đọc xong thì đẩy đi rồi, cần đọc muốn đọc thì tìm cách đưa về nhà đọc, đọc xong không quá lưu luyến như xưa, đều có thể đẩy đi được 🙂


9.4.25

ỉu xìu




tôi nói khi mình thấy khó lòng chịu đựng con người [bao gồm cả chính mình, tất nhiên], cuộc đời [tất nhiên, gồm cả đời mình, tất nhiên rồi], tất tật etc. tôi có xu hướng đọc Céline, Houellebecq. Bởi ngủ khó. Như thế thì bất hạnh. Mà như thế thì, sẽ yên lòng hơn khi thấy bất hạnh của kẻ khác. Đúng là đang bất hạnh, ta sẽ lên giường ngủ dễ hơn, gần như là bình tâm, yên lòng, khi thấy những bất hạnh của kẻ khác dẫu chẳng ai hiểu cho hết được bất hạnh của kẻ khác [nghịch lý chói gắt]


chiều nay, trong một lúc đầu óc lấp đầy bỏng ngô, nhìn từ lối mình là Schopenhauer, tôi tóm Michel Houellebecq qua Serotonine làm truyền nhân [Houellebecq thuộc lối Schopenhauer ư :))), chắc nhiều người thấy đây là nghịch âm, vì Houellebecq ít nhắc Schopenhauer, vì người ta cho rằng Schopenhauer là bi quan etc.], tôi bừng sáng cái tên Die Welt als Wille und Vorstellung và tôi không chấp nhận một cái nhan đề sách dịch nào hiện nay cho Die Welt als Wille und Vorstellung [một dạo người ta cãi nhau nhiều về Wille về Vorstellung, càng đọc người ta nói tôi càng không hiểu người ta nói gì và phải hiểu Schopenhauer nói gì khi đọc người ta nói về Schopenhauer]


có Schopenhauer ở đây, là trong Serotonin [Thuận dịch], Houellebecq nhắc tới Schopenhauer khi đưa ra cùng một từ yêu nhưng ở đàn ông và đàn bà nó là hai hiện thực hoàn toàn khác nhau [nhiều triết gia cũng nói rồi, như là, tình yêu là đích đến tiên quyết và tối thượng với phụ nữ nhưng nó lại chỉ là một phần trong đời người đàn ông etc.]; ở đàn ông là một kết thúc một hoàn thiện còn ở đàn bà là một bắt đầu một ra đời; còn Schopenhauer thì sao, tình yêu là bản năng duy trì nòi giống, yếu tố quyết định gắn kết trong tình yêu không phải cảm xúc cá nhân mà là bản năng giống loài. Trong 2-3 trang gần như cuối Serotonin, Houellebecq làm một pha chặt một lúc 2 nhân vật của tôi, cả Goethe và Thomas Mann [dù là nhân vật của tôi nhưng tôi không hề khó chịu, tôi còn lấy làm khoái trí vì lối nhìn của Houellebecq, kiểu lão được lắm, chởi Goethe chởi Mann của tôi, được lắm; cũng may mắn cho tôi là tôi chưa đọc gì mấy Maurice Blanchot, chứ tình cảnh của Blanchot trong Serotonin còn ẹ hơn :))) một cô nàng người tình cũ của nhân vật chính Florent Claude Labrouste (tên chán thật) - một cô nàng chán phèo với sự nghiệp diễn viên chưa hé nở đã lụi, được đề nghị một công việc đọc những đoạn trích của Blanchot trên đài "chưa bao giờ em ngờ được ở đời có những thứ kinh tởm như thế, thật không thể tưởng tượng nổi người ta dám đề nghị công chúng nghe những thứ ngu xuẩn đến thế" và nhân vật Florent nói không có ý kiến gì về Blanchot và trích ngay ý kiến của Cioran nói rằng Blanchot là tác giả lý tưởng để học cách đánh máy bởi vì người ta "không bị nghĩa của câu từ làm gián đoạn" :)))] trong pha này, Houellebecq nhại theo giọng của Proust cuối Đi tìm thời gian đã mất "nhà văn hoàn toàn không cần những cuộc chuyện trò tri thức mà cần những mỗi tình dịu dàng của các thiêu nữ đương hoa" và Houellebecq muốn thay "những thiếu nữ đương hoa" bằng "những cái hĩm ẩm ướt" [tr322, trong mấy trang áp chót này, có rất nhiều thứ có thể xem là cái nhìn của Houellebecq về văn chương một số nhân vật; tôi hơi bất ngờ cái tên Conan Doyle, cũng giống như ở Plateforme tôi bất ngờ khi Houellebecq réo tên Agatha Christie với The Hollow]. Gần đây, tôi hay xem những video của các cô gái Thái vẫn còn mặc trang phục váy quấn quấn, họ nấu ăn và thường kèm theo cụm từ đại ý nấu theo cách "my countryside" nhìn họ chế biến thực phẩm tôi theo con mắt của phụ nữ nghĩ bụng: nếu mình là đàn ông, chắc gout của mình là những người phụ nữ như thế này, hết sức thuần tuý, những người đàn bà đơn giản [người ngợm hình thức dịu dàng, ngoan, nhà cửa cơm nước, chiều chồng], nhìn họ, điệu bộ, cử chỉ, cách làm bếp, cách ăn cách uống [dẫu Chúa mới biết những cô gái Thái này có phải là gái hay không] hết sức tự nhiên, phồn thực, thuận phục [nghe Hầu tước Sade nhỉ, nhiều khi tôi cứ miên man nghĩ về cuộc sống của người vợ Hầu tước Sade, 2 con người khác nhau nhiều như thế, giống nhau nhiều thì nguy rõ ràng rồi, nhưng khác nhau nhiều đến như thế, thế mà trường đoạn dài bà ấy có vẻ tôn thờ ủng hộ lối sống của Hầu tước Sade; trong Serotonin, Houellebecq cho nhân vật Florent của mình mở tuyển tập Hầu tước Sade ra và tưởng tượng mình đóng vai trò gì, hành động thế nào tư thế ra sao trong những tranh minh hoạ ở tuyển tập; các nhân vật của Houellebecq rất hay có ý nghĩ và tưởng tượng buồn cười, bắn một đứa trẻ, con riêng của người tình cũ thì thế nào (gần như đã tiến hành chứ không còn trong giới hạn tưởng tượng) hay giết một người tình khó ưa thì đi tù đời sống sẽ ra sao trong tù, được thoát khỏi những thủ tục hành chính nhưng khả năng cao sẽ bị hành hung hãm hiếp trong tù etc. etc.]; tôi liền nghĩ đến Houellebecq trong Plateforme đi Thái để tận hưởng du lịch tình dục và ở Serotonine vẫn thường nhắc đến việc đi Thái để giải quyết vấn đề khơi lại ham muốn tình dục etc.


"thế giới" như là sự biểu hiện trước tiên của cơ thể và cơ thể là biểu hiện theo/đi sau của thế giới. Serotonin hay các hormone trong cơ thể cũng vậy, là cách để hiểu biết về thế giới/sự vụ và thế giới/sự vụ biểu hiện: sự trơ cứng của những rạn nứt. Không hẳn là tôi buồn hay tôi chán hay tôi trết vì sầu não mà là ra sức duy trì trạng thái vĩnh viễn nếu nhìn vào tất tật những gì quanh nó: bình lặng, ổn định, không có khả năng tăng, cũng không có khả năng giảm; nghe thật khốn khổ, nhưng nếu không duy trì trạng thái bình lặng ổn định chán ngán đứng yên này thì trơ cứng chuyển sang rạn hết nứt hết, mèo còn cái gì để mà nhìn vào nơi từng là chỗ cho rạn với nứt với trơ cứng hồ như ịn vào. Nói rồi, đang bất hạnh, ta sẽ lên giường ngủ dễ hơn, gần như là bình tâm, yên lòng, khi thấy những bất hạnh của kẻ khác. Nên, tôi đọc Céline, đọc Houellebecq; tôi không bi quan, tôi đang lạc quan nhìn bất hạnh do kẻ khác viết 

2.4.25

Mạc Ngôn đỏ



quyển sách vào nhà gần 20 năm, nhờ nó mà lần thứ 2 trong đời tôi bị móc mất ví ở cùng một đoạn đường chỉ vì mải xem sách. Thời ấy như nhiều người, tôi vẹo người sa vào đọc văn học TQ, không may cho tôi là tôi vớ ngay phải Mạc Ngôn; giai đoạn đọc TQ của tôi cũng rất nhanh chóng kết thúc, không để lại mặn mà gì nhiều [yếu tố sex trong văn học TQ là cái tôi ngán nhất, mỗi lúc thấy có mùi hương xa đưa tới là tôi lại nghĩ "lại nữa à" "lại nữa"; tôi gọi sex này là sex lồ lộ, sex thô; tôi đã đọc rất nhiều người, viết về sex trần tục, tả nó như đúng những gì nó là, không tránh né nhưng màu sắc điềm nhiên ấy lại khiến việc đọc, đọc mà không bị rơi vào cái hũ nút thô thiển, hiện tôi đang đọc một quyển vh Pháp như thế, đang phải đọc dè (ăn dè)], giờ có lẽ tôi chỉ có thể đọc lại một số ít, như Lý Nhuệ, chẳng hạn. Sau khi gập Tổ tiên có màng chân lại, tôi nghĩ tôi và Mạc Ngôn dừng lại ở đây; lấy tên Mạc Ngôn là "không nói" mà sao nói [viết] cơ man là lan man, nói lắm. Tổ tiên có màng chân định danh là tiểu thuyết, cấu trúc gồm 6 giấc mộng, trong đó chỉ cần qua 2 giấc mộng: giấc mộng thứ nhất Châu chấu đỏ và giấc mộng thứ năm Cô Hai đến ngay sau đó, có thể biết ngay, nhắc đến Mạc Ngôn là nghĩ đến Cao Mật [làng Đông Bắc]; cả 6 giấc mộng có thể xem là 6 truyện dài, duy nhất có giấc mộng thứ ba Tổ tiên có màng chân và giấc mộng thứ tư Báo thù là có sự liền mạch với nhau
[...]

hôm trước có bạn fb vào ib lấy quyển Tổ tiên có màng chân mà tôi đăng pass; rồi chị ấy hỏi Mạc Ngôn nhà em còn gì; bảo: đây là quyển Mạc Ngôn duy nhất lạc vào nhà [lúc í tôi quên mất, tôi còn có Người tỉnh nói chuyện mộng du, nhưng lâu lắm rồi chả thấy nó đâu, hay tôi sút đi rồi mà không hay biết; ngay cái quyển Tổ tiên cũng là tỉnh nói chuyện mộng du mà], ngay cả khi Mạc Ngôn nobel thì tôi chỉ càng thêm khẳng định mình đã chí lý không đọc Mạc Ngôn từ lâu; rồi nghe bạn fb nói, đại ý, không phải ai cũng đọc được, cũng thích Mạc Ngôn; tôi đâm tò mò, người đọc Mạc Ngôn hùng hậu lắm à, sao lại thích được văn chương này chứ, tò mò nên tôi tìm kiếm trường người đọc Mạc Ngôn ở vn, nhất là Tổ tiên có màng chân, vì tôi đọc nó mà không thấy có chút hưởng thụ nào, phải cụ thể cho chắc ăn, sợ mình vịt nghe sấm. Thì chính cái tôi cần tìm lại thấy rất ít thông tin, bài viết nào cũng chỉ lướt qua đúng tiểu thuyết tôi băn khoăn; thậm chí tôi đọc cả 2 luận án tiến sĩ [1 của đh Huế đh sư phạm, dùng lý thuyết liên văn bản nhìn tiểu thuyết của Mạc Ngôn; 1 thì được hoàn thành tại Viện Văn học, Học viện KHXH, Viện KHXH Vn về Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Mạc Ngôn] thì đều nhắc đến nhiều tác phẩm khác của Mạc Ngôn, Tổ tiên chỉ được nhắc cho có tên, ngay cả khi trong luận văn phân tích yếu tố giấc mơ/giấc mộng, ảo mộng và hiện thực trong tiểu thuyết Mạc Ngôn [đặc biệt có một bài đăng báo lấy chủ đề giấc mơ/giấc mộng trong văn chương Mạc Ngôn cũng chỉ viết có 2 câu về Tổ tiên] trong khi Tổ tiên có màng chân là tiểu thuyết tỉnh nói chuyện mộng, tảng băng trôi trên mặt nước và tảng băng ngầm, cấu trúc rõ ràng đánh số giấc mộng từ một đến sáu

không có ai viết cho tôi đọc về cái tôi tò mò. Tôi nhìn quyển Mạc Ngôn Tổ tiên có màng chân, trong nhà hết sức ái ngại. Tôi sút nó đi thật là chí lý 🙂

1.4.25

louisiana




12 năm nô lệ là câu chuyện có thật của Solomon Northup - một người da đen tự do ở New York bị bắt cóc làm nô lệ năm 1841 và được giải cứu tại đồn điền trồng bông ở Louisiana năm 1853. Sau 12 năm nô lệ, tìm lại được gia đình, trở về đoàn tụ trong tư cách một người tự do Solomon Northup đã kể câu chuyện của mình như một tự truyện và David Wilson chấp bút, biên tập. Câu chuyện một thời đã qua của nước Mỹ thế kỷ 19, đặc biệt gắn với lịch sử một số bang miền Nam [Louisiana, Texas; năm 1968 chính hai giáo sư sử học chuyên nghiên cứu lịch sử vùng Louisiana đã làm sống lại câu chuyện của Solomon Northup và 12 năm nô lệ được phát hành trở lại] vẫn duy trì "thể chế dị hợm": chế độ nô lệ


28.3.25

sự thật là con gái của thời gian



bạn nào thích lịch sử Anh nói chung, hay riêng thời Cuộc chiến Hoa hồng thì đọc Con gái của thời gian đi. Josephine Tey viết, với mình, không đặc sắc văn chương nhưng câu chuyện ngoài việc logic sắc bén, nó còn nhiều thông tin và gọn

thanh tra Alan Grant nằm trên giường bệnh chán nản được bạn mang đến cho một loạt các bức chân dung, vì vốn Grant là người rất thích nhìn ảnh chân dung người khác để định vị trí cho người trong ảnh, quan toà hay bị cáo [có lẽ bệnh nghề nghiệp, có 1 pha anh ta nhìn ra phạm nhân chỉ bởi người 40t mà mặt không nếp nhăn, bởi 1 lối nhìn: 40t mà không nếp nhăn thì hẳn thiếu trách nhiệm và trăn trở với mọi sự trên đời, rất thích hợp cho vị trí làm mà không cần quan tâm hậu quả hay thiện ác]. Trong loạt ảnh cầm xem giết thời gian, có vua Richard Đệ Tam, người vốn được xem là tàn ác, gã gù độc địa, kẻ giết 2 cháu ruột để bảo vệ vương vị, theo như sách giáo khoa sử và các sách sử dành cho người học để đi thi nêu ra; Grant ấn tượng với gương mặt trong ảnh và khi biết đó là Richard III đầy tai tiếng tàn ác, Grant hồ nghi [nhìn mặt bắt hình dong hiếm khi sai, nó sai chỉ bởi người nhìn nó, nhìn mà không thấy, nhìn ra sai]. Từ vị trí thanh tra cảnh sát điều tra vụ án, Grant chuyển sang vị trí của người điều tra học thuật - sử gia. Đây cũng là điều tôi luôn thích ở những người nghiên cứu đúng nghĩa, họ trở thành những người điều tra, lần theo nhân vật của mình, biết nghi ngờ, đặt nghi vấn và giải quyết nó [nhiều khi tới độ ám ảnh]

cái hay của việc lật lại một kết luận lịch sử suốt 400 năm trong quyển sách này là nỗ lực suy luận của các nhân vật điều tra học thuật dựa trên các căn cứ lịch sử [sách giáo khoa là thứ gây thất vọng nhất, tiểu thuyết theo nghĩa nào đấy nếu biết nhặt chi tiết thì không hề tồi, thậm chí như trong Con gái của thời gian thì Thomas More lại vô cùng bịa đặt (giai đoạn Thomas More viết về Richard III thì More mới chỉ khoảng 5 tuổi, khi Richard III bị tiếm ngôi và bị xử thì More chỉ khoảng chập 8 tuổi; lứa tuổi mà thiên về một thằng bé nghe người lớn kể lại, cái nhìn và sự kiện có đáng tin không; chưa tính đến, lợi ích chép sử cho vị vua tiếp theo khiến người ta thích bẻ cong sự thật theo đúng ý: lịch sử thuộc về phe thắng lợi]. Thường các tiểu thuyết sẽ chọn một giai đoạn lịch sử và các nhân vật để đưa vào đó các sự kiện [sự thật/một phần sự thật/hư cấu] để tái tạo sự kiện lịch sử theo cách hiểu và theo kết cục đã định sẵn/hậu truyện có kết cục theo ý tác giả; còn Josephine Tey cho các nhân vật của mình đơn thuần sử dụng logic suy luận đối chiếu nhiều nguồn văn bản lịch sử [một nhân vật trong truyện có nói, đại ý: sự thật không nằm trong các bản tường thuật mà nằm trong các sổ kế toán; tôi thấy điều này luôn đúng, tức là, lịch sử thật sự được viết dưới những dạng thức không chủ ý để trở thành lịch sử 🙂 kể từ khi mọi thứ quy ra tiền/vàng, tiền/vàng được dùng làm vật mang giá trị mua bán, còn sống thì con người còn bị lưu vào các bút toán thu chi mua bán; và các sổ kế toán biết nói sự thật ngay cả khi nó ghi khống :)))], không ngại đặt nghi ngờ và tìm cách trực diện lật lại sự kiện lịch sử 400 năm trước đã được định sẵn kết chung

hoá ra Shakespeare viết Richard III là chính ông Richard - đối tượng của điều tra học thuật trong quyển tiểu thuyết này. Và hoá ra Richard III được minh oan từ thế kỷ 17, Horace Walpole làm điều tương tự vào thế kỷ 18, thế kỷ 19 cũng có người làm điều này, thế kỷ 20 thông qua nhân vật Grant và cộng sự, Josephine Tey gián tiếp làm công việc lật lại sự kiện lịch sử, mang một lối nhìn khác cho người đọc về một vị vua

sự thật là con gái của thời gian, không phải con gái của quyền lực" [Bacon]

25.3.25

Erich Fromm




lại thêm 3 quyển của một nhân vật không bao giờ nghĩ mình sẽ sờ tới, nhưng sách vào nhà thì trước sau cũng phải sờ thôi, nhất là khi biết The art of loving từng có bản dịch ở vn của Tuệ Sỹ từ năm 1969 - Tâm thức luyến ái và một bản dịch khác tên Phân tâm học về tình yêu, cũng năm 1969. Thì phải sờ xem thế nào. Hạnh phúc và tình yêu, những tình cảm, năng tính yêu thương... làm gì có chuyện dễ thế, không miễn phí, không dễ dàng hưởng được... rất nhiều công trình viết về tình yêu, thì đúng thôi, nhưng khó hiểu là, rất nhiều người đọc nó để "học". Tại sao lại học. Khởi thuỷ là hành động, phải hành động thì mới nhận được sự giáo dục, giống như yêu, tình yêu mang đến sự giáo dục; thay vì học nó để hành động yêu, giống như [chờ] được yêu. Tôi cần bởi tôi yêu, thay cho, tôi yêu bởi tôi cần. 


Xã hội tỉnh táo và Trốn thoát tự do là 2 quyển đúng trình hiện lúc này. Đều là những công trình nghiên cứu cách đây chừng 70 năm nhưng nó chỉ ra và phân tích cặn kẽ tâm lý của xã hội văn minh cùng những công dân tự tha hoá phân liệt của nó [quyển Trốn thoát tự do thiên về phân tích cấu trúc tính cách con người hiện đại]. Baudelaire từng đặt một câu, đại ý: Còn lại gì cho thế giới con người trong tương lai... chúng ta sẽ tàn lụi bởi chính cái thứ mà chúng ta cho rằng mình sống nhờ nó. Cũng vậy, Tolstoy chỉ ra việc tất cả những gì con người làm, để làm gì, để đạt được điều gì, các cá nhân cũng như toàn bộ các quốc gia coi thứ được gọi là văn minh làm nền văn minh thực sự dễ dàng làm sao; chính vì nhìn nhận sai nên cái được coi là văn minh thì dễ làm và chấp nhận được còn nhìn nhận đúng về văn minh đòi hỏi nỗ lực khắc khổ vì thế sự nhìn ra luôn bị đại đa số khinh thường và chán ghét, bởi nó phơi bày sự dối trá của cái được gọi là văn minh


"thế kỷ 19 vấn đề là Chúa đã chết, còn trong thế kỷ 20 vấn đề là con người đã chết. Thế kỷ 19 vô nhân đạo có nghĩa là độc ác, còn trong thế kỷ 20 điều đó có nghĩa là sự tự tha hoá. Nguy cơ trong quá khứ là con người trở thành nô lệ. Hiểm hoạ trong tương lai là con người có thể trở thành người máy". Tôi thấy chưa bao giờ con người thoát định mệnh trở thành nô lệ, do và cho chính mình, xã hội môi trường mà con người dựng lên; tưởng là mình tự do, thoát khỏi những ràng buộc của mình của xã hội, tưởng như mình nhận thức rõ về mình về thế giới... nhưng nhầm to, nhận thức về mình luôn là nhận thức sai trệch nhiều nhất, loanh quanh vẫn giống Tôn Ngộ Không trong tay Phật Tổ Như Lai [đúng tên ông Phật í không nhỉ; hôm lâu bạn tôi gửi tôi một stt của một người có vẻ elite, stt í viết nghe có vẻ văn minh nào là chết thì không cần áo quan không cần tổ chức rộng rãi không này không kia... tôi đá mắt đọc lướt mấy giây bảo đứa gửi cho mình: cái ông viết cái này sao mà lắm không thế, thời này bị điên à, thoát khỏi cái không không, cái có để đi vào mê cung của đủ thứ mê cung không, không cái mèo gì mà lắm không thế, rõ dở hơi, lần sau đừng gửi tôi đọc mấy người rồ thế này nhớ, tôi ghét nhất cái bọn vờ vịt, không nhiều thế này thì là cụ của có cụ của dục vọng, thể hiện, chứ không cái mèo gì]. Đang thế kỷ 21, những cỗ máy người, người máy hoá sẽ phá huỷ thế giới và chính chúng bởi không chịu nổi nỗi buồn chán của một cuộc sống vô nghĩa


tôi vẫn câu cũ, học giả viết gì mà dài dòng khó hiểu thế :)))

24.3.25

queer




nếu không phải vì sắp gả đi thì chắc không biết đời nào tôi mới sờ đến quyển sách trong ảnh; vì cái logo Phụ nữ tùng thư tủ sách giới và phát triển :))); tôi không định đọc Butler, cũng không muốn đọc Butler đọc nhân vật nào đấy 


người đọc tương tác với văn bản, tiếp nhận và diễn giải là một phần làm nên sự biến văn học, từ đấy mà người ta dựng lịch sự văn học. Nhiều người đọc Hegel, Lacan đề cập Antigone rồi; với tôi, lối của Hegel quá straight vì đứng ở điểm nhìn của Creon, Antigone - Creon, thân tộc - nhà nước; Lacan thì tôi hứng thú hơn dù dựa vào lời thơ của dàn đồng ca để nói thay, cảm thay cho người xem/đọc, Antigone từ phương diện mỹ học, sức hấp dẫn khó cưỡng của cái đẹp, cái chết của Antigone nằm trong ranh giới của Tưởng [imaginary] và chớm khởi đầu/vượt giới hạn có thể sống của Tượng [symbolic]; còn cách đọc của Judith Butler thì quá queer [nó hứa hẹn mở ra nhiều diễn giải cho văn bản đã thường quá ổn định về ý nghĩa; nhưng với tôi, phải đúng đã, cách đọc queer cũng tốt, nhưng phải đúng đã] - queer theo nghĩa của Butler để chỉ lệch chuẩn, bên lề của chuẩn, thậm chí hỗn chuẩn, khó khuôn định vào một quy chuẩn/định nghĩa, độ mở của khả thể, kháng cự định nghĩa etc.


Butler đứng ở góc nhìn Antigone và từ góc nhìn ấy Butler đọc Antigone trong đối thoại Hegel đọc Antigone [Butler dùng chính Hegel chống lại Hegel], Lacan đọc Antigone. Butler đề xuất một khả thể đọc khác, theo đó, Antigone không thuộc cái nhìn chính trị, cũng không đại diện thân tộc theo nghĩa lý tưởng. Antigone là một trường hợp lệch chuẩn và cần nhìn nhận Antigone như một chủ thể, chủ thể này tham gia vào bi kịch, tất tật những rắc rối sự vụ đều bởi ham muốn của chính nàng. Antigone chôn anh hai lần và ở lần 2 khi bị bắt, trước mặt bạo chúa Creon, Antigone hành động bằng ngôn từ, khẳng định việc mình làm và nói rằng sẽ không phủ định việc mình đã làm; như vậy tức là lặp lại hành động chôn cất đã thực hiện trước đó và đương đầu với quyền lực của người đứng đầu dựa trên một quyền lực khác - quyền của ham muốn. Vậy tức là, 1. hiện diện chính trị bằng việc nói ở nơi không được phép nói, 2. rắc rối giới - Creon cảm thấy mình bị xúc phạm, nam tính của Creon dường như bị tính cương cường của một nam tính nơi Antigone đe doạ "nếu cô ta không bị trừng phạt thì cô ta mới là đàn ông, chứ không phải ta", "chừng nào ta còn sống thì không người đàn bà nào được nắm quyền", 3. vẫn là ham muốn, khẳng định chủ quyền của một chủ thể ham muốn [subject of desire] - không có vinh quang nào lớn hơn việc chôn cất người anh này, vì người anh này là duy nhất với nàng, không ai thay thế được [Goethe có nói gì đấy về đoạn này, đại ý, Goethe muốn ai đó chứng minh rằng đoạn này, lời của Antigone là ai đó nhét vào chứ không phải Sophocles, để tí tôi kiếm lại link dán bên dưới, dán cả George Eliot đọc Antigone nữa The Antigone and its moral, Lessing cũng có, Levi-Strauss nữa, nhưng ngại tìm lại quá; nhìn chung nhiều sinh viên Mỹ chọn Antigone (may quá người ta cũng chán ngán Freud với Oedipus rồi) hoặc chọn cách đọc Antigone của Hegel, Lacan, Eliot... làm đề tài, hồi lâu lâu tôi search, lạc vào trang của các trường, file pdf đọc vui phết] - vẫn là dục vọng, ham muốn, hành động hướng về đối tượng ham muốn. Đến đây thì đúng câu nói của Butler "cuộc đời đáng sống hơn khi ta không bị giam cầm trong những phạm trù không phù hợp với mình, những phạm trù áp đặt và lấy đi tự do của mình". Giữa hành động và cái chết của Antigone không phải quan hệ nhân quả, Creon không giết Antigone, mà Antigone lựa chọn hành động, Creon chỉ xua Antigone đến một cái chết sống ngay khi chưa được sống ngay khi còn đang sống vì Antigone là một trường hợp bất tất, lệch chuẩn không khớp vào định chế nào, chính Antigone mới là tác giả cái chết của mình. Qua cách đọc queer của Butler về Antigone, ở đây là yêu sách của Antigone thì Butler đặc biệt phục hồi vị trí cho ham muốn, quyền được có quyền ham muốn, đề xuất một lối nhìn khả thể của ham muốn trong định chế thân tộc, nhà nước


tôi vẫn câu cũ, học giả viết gì mà khó hiểu thế :))) nên tôi rất ngại đọc học giả viết. Bản thân tác phẩm là tác phẩm, ý nghĩa là ý nghĩa với riêng mỗi người đọc, mỗi ý nghĩa ấy lại gần như có thể xem là duy nhất, ý nghĩa nào thì cũng là ý nghĩa và không ý nghĩa nào là giống với ý nghĩa nào

23.3.25

tẫn liệm

 



khi internet có ở Vn, tôi ở tuổi thanh thiếu niên. Càng về sau, tốc độ phát triển công nghệ, tôi càng không còn đủ ngây ngô ngờ nghệch để tin vào cái gọi là bảo mật thông tin. Chuyện chính quyền, nhà nước theo dõi kiểm soát từng cá nhân dưới gầm trời chế độ của họ là điều tôi thấy nằm trong suy nghĩ "ai ai cũng biết" và về lý thuyết, đấy là chuyện "ai cũng biết cả", thậm chí, nhà nước chế độ còn sẵn sàng tìm mọi cách để kiểm soát theo dõi con dân của mình, đấy cũng là điều "ai ai cũng hay". Nó nằm trong tư duy của phần lớn người dân, không cứ ở quốc gia đang phát triển hay phát triển, quốc gia văn minh thì cũng vậy mà độc tài chuyên chế thì cũng không khác. Tôi luôn nghĩ trên đời không có cụm từ công bằng dân chủ văn minh; công bằng là khái niệm phi tự nhiên, như muốn nói không có sự tồn tại của Thượng Đế, mọi sự sinh diệt đi con đường của nó, vốn dĩ đã không công bằng, đó mới là tự nhiên; dân chủ văn minh là những từ lừa mị, càng phát triển người ta càng nghĩ ra nhiều phương cách, lạm dụng ngôn ngữ và các hình thức để che giấu sự thật, dân chủ văn minh thực chất là tẩm liệm đẫm nước hoa để bọc cho kín những gì ở phía nghịch của dân chủ văn minh - tẫn liệm dân chủ văn minh (kứt bọc nhiều lớp mùi thơm)]


tự truyện của Snowden xứng là một phim hành động, tiểu thuyết trinh thám [xưa có truyện Dữ liệu tử thần, cho thấy đời sống một cá nhân số hoá nó nhỏ hẹp thế nào]. Và khi có một câu chuyện để kể, thì người ta lại phải có "hoa của trời" để kể câu chuyện ấy ra, thiên tư ấy không gì bù đắp được, ngay cả khi Snowden có được cầm tay dắt đến các lớp các khoá học viết văn, cũng vẫn viết ra sản phẩm chuyện kể mang tính hoài sơn vô thưởng vô phạt 

9.1.25

sốt



so với nhiều tiểu thuyết đề tài lò thiêu, nạn diệt chủng người Do Thái thì Cơn sốt lúc bình minh là một quyển dễ đọc [ngay cả khi so với 2 quyển văn học Hungary cùng đề tài, đều do GVC dịch (Không số phận, Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời) thì nó lại càng nhẹ, như bông gòn]. Đề tài bối cảnh này, sức nặng vẫn là những chi tiết liên quan đến giai đoạn đen tối đó, đôi khi nó chỉ là nửa câu văn, một vài chữ, một chữ, hay chỉ là một khoảng trống không gì cả nhưng đủ nói lên điều đã xảy ra. Quyển sách này cũng vậy; lời kết của nó cũng gây ấn tượng cho tôi hơn bản thân câu chuyện tình và khát khao sống của những người trẻ tuổi trong thời đoạn lịch sử đen tối ấy

nội dung của nó đã được nói gần như đủ ở text bìa sau của quyển sách. Mở ra đọc tất nhiên không còn gì nhiều, nhưng vẫn phải đọc, chẳng phải sao, song tôi không hy vọng gì. Người viết nó là đạo diễn, Gárdos Péter, ông nhận lại chồng thư của bố mẹ mình ngay khi bố mất và khởi sự viết câu chuyện của bố mẹ mình, hoàn thành sau 10 năm. Đọc câu đầu tiên thấy tác giả chọn xưng "cha tôi" làm chủ điệu là thấy một lựa chọn văn chương kì lạ rồi, thấy tiếc luôn rồi, và vì quá quen với ngôn ngữ điện ảnh tham tình tiết nên khi viết tiểu thuyết Péter đã giữ đặc sản điện ảnh này cho ngôn ngữ văn học, tạo ra một tiểu thuyết với tôi là bị phí. Với ngồn ngộn đất thế này, vào tay nhà văn khác, câu chuyện có độ vươn nẩy tốt [quyển sách này ngay tay gấp trước đã có lỗi câu, đi tầm 20 trang lại thêm lỗi nữa ("mép giường" thành "m giường") khiến tôi ngập ngừng, tôi hay sợ sách biên tập sót nhiều lỗi]

Tôi đã nghĩ người ta nhận phán xét lá phổi chỉ cho phép sống 6 tháng thì phải có lý do gì đặc biệt lắm cho nỗ lực dùng thời gian còn lại để viết thư gửi tới 117 cô gái [nếu tôi nhớ đúng] chứ; nhưng khi đọc tới câu "muốn lấy vợ" tôi mặt đần thối ra, tôi xuẩn hay thế giới ngông cuồng thật rồi; chỉ có 6 tháng để sống mà người ta cống hiến nó cho sự nghiệp lấy vợ á. Và câu chuyện này chắc chắn hư cấu đâu đó, điều ấy đương nhiên, nhưng có những mốc thời gian là thực, nó là minh chứng đã gặp rất nhiều, rằng, nhiều khi bác sĩ tuyên án tử nhưng trước khi thi hành án tử thì nhiều người phải qua án sống chung thân hơi bị dài, như nhân vật chính của truyện là đã sống 52 năm có lẻ kể từ lúc bác sĩ hô chỉ sống được 6 tháng

sốt cũng tốt, nó là phản ứng cơ thể. Trong cơn sốt tất tật đều tệ hại, thế giới như ốm to. Sau cơn sốt, mọi thứ dường như sáng rỡ, bừng tỉnh hơn, thế giới có màu khác. Nếu có nó để làm ranh giới phân định các chu kỳ mê man rồi bừng tỉnh, như chết và còn sống etc. cũng tốt :) [mỗi khi nghĩ đến một cuộc sống treo với án như vậy, tôi đều nghĩ đến Núi thần, dẫu đó gần như là tôi ghét nhất trong những gì Thomas Mann viết, nhiều đoạn nhân vật nam chính của Cơn sốt cũng làm tôi nghĩ đến Núi thần]. Tên quyển sách, ngay từ text bìa đã cho tôi biết câu chuyện theo hướng nào, nhưng cái tên ấy vẫn khiến tôi tò mò. Tai hại thật cái con mèo tò mò này

6.1.25

lưu đày và sự sống




tập truyện ngắn của Angela Carter gồm 11 truyện có thể xem như một tập các truyện kể cổ tích theo phong cách Carter mang màu sắc Gothic. Người đọc luôn có cảm giác ngay khi vừa đọc từng truyện rằng, mình đã nhận ra truyện ngắn này Carter đang kể câu chuyện cổ tích, dân gian nào, nhưng truyện kể của Carter lại được khai thác theo lối đi âm lạnh của chốn thiếu ánh sáng, phá bỏ giới hạn về trí tưởng tượng của một người khi nghĩ về những câu chuyện cổ tích mình từng nghe [qua tập truyện ngắn này, khi tìm hiểu tôi mới hay rằng nhiều truyện cổ tích, dân gian có dị bản khác xa với nội dung mà ta vẫn thường quen, ở đây nên nhắc đến Charles Perrault]. Carter có một trí tưởng tượng, tôi dùng từ bạo liệt; những truyện kể của Carter làm tôi nghĩ đến một người - hầu tước Sade; màu sắc của kẻ đồ tể dịu dàng, hay sự tương đồng của nhân tình âu yếm và kẻ tra tấn chăm sóc [Baudelaire], hay kết cục của lưu đày hành xác là kết cục của sự sống [nói theo Leopardi thì thế giới cũng như phụ nữ, thuộc về kẻ nào quyến rũ nó, tận hưởng nó và quá tay với nó]


lời bạt đặt cuối sách của Helen Simpson viết về sự nghiệp sáng tác của Angela Carter cho rằng 3 truyện xếp ở vị trí 4-5-6 trong tập truyện không có sự ăn nhập; còn tôi thì thấy vị trí ấy chỉ dành riêng cho truyện số 6: Mèo đi hia; tôi nói không ăn nhập vì không khí truyện ngả ngớn tục tĩu tươi vui ánh sáng lạc quẻ quá, nó được lấy bối cảnh ở Ý, làm tôi nghĩ đến các câu chuyện trong Mười ngày của Boccaccio, khác hẳn màu sắc Gothic và nhiều hình ảnh, kí hiệu, biểu tượng về máu, da thịt trần truồng, lông, tuyết, gương, hoa, lồng nhốt... xuất hiện dày đặc ở 10 truyện còn lại trong tập truyện ăn nhập nhau như nhà nhiều hành lang. Helen Simpson nhìn nhận truyện Căn phòng máu là viên pha lê sáng của không chỉ riêng tập Căn phòng máu, mà còn trong cả sự nghiệp của Carter; tôi không có ý định lúc này đọc nhiều Carter nhưng truyện đó sẽ được chọn vì những ẩn dụ của nó, sẽ được chọn nếu có lúc nào tôi nhắc đến Colette nhưng không phải truyện ngắn tôi thấy hay trong tập, nó quá sáo, đặc mùi phim ảnh truyền hình phương Tây xưa, với cái kết không thể chán hơn; điều duy nhất tôi thích ở truyện ngắn này, là ý một chi tiết, đại ý: chiếc chìa khoá căn phòng cấm được bày ra cốt để người ta đi vào nó và chết vì tò mò [nó cũng không khác gì ẩn dụ, luật được dựng cốt để người ta phạm vào, luật được dựng nên với các khe hở không phải là sự ngẫu nhiên]. Truyện tôi thích nhất trong tập là Thần dụ trẻ; một truyện viết đặc biệt đẹp, không cố gắng lồng ghép ẩn dụ hay cố phải gợi các chi tiết để người đọc nghĩ đến câu chuyện cổ tích, dân gian nào ngoài cái tên của nó Thần dụ trẻ [The Erl King], truyện ngắn ấy như tên gọi và như khu rừng của Thần dụ trẻ vậy: trông mọi thứ có vẻ thế nào thì chính xác nó là như thế


đọc tập truyện này, tôi biết người bạn nào của tôi sẽ tò mò về nó :)) vì đầu óc của người ấy luôn tưởng tượng tất tật mọi thứ theo hướng đồi truỵ và máu M, dù chính nó cứ khơi khơi nói tôi máu M :))))