Những kẻ tuyệt vọng của Minh Tran Huy [Trần Huy Ngọc Minh] - nữ tác giả Pháp gốc Việt có câu chuyện làm người đọc nghĩ nhiều đến Annie Ernaux [ngay cả chi tiết phá thai ở Những kẻ tuyệt vọng, cũng khiến nghĩ đến Ernaux; ngoài ra, Jane Austen, Emily Bronte, Edith Wharton...], lưu vong giai cấp; ở đây, nổi bật hơn, là lưu vong văn hoá. Giọng của Ernaux thì luôn trung tính, gọn, có thể cho là bàng quan, mỗi khi nói về xuất thân gốc gác của mình, còn Minh Tran Huy thì cầu kỳ, ẩn dụ, chất liệu cổ tích dân gian Việt Nam rất hay được sử dụng như một quy chiếu văn chương [một trong số đó là sự tích trầu cau, khi nghĩ lại sự tích này, tôi nghĩ đến 3 thứ trầu - cau - vôi nghiền nát cùng nhau tạo thành màu đỏ bã trầu, như máu, phải nghiền nát cùng nhau mới tạo ra thứ như máu, chung một huyết mạch; thật dã man, nghiền nát cùng nhau]
câu chuyện mở màn tưởng như một truyện trinh thám với các chương được kể xen kẽ nhau 2 giọng: Lise - nhân vật chính và Người kia - giọng khách quan, mà đến nửa sau người đọc mới đoán ra Người kia là giọng ai; rồi nhận ra nó là một truyện tâm lý tình cảm, tâm lý xã hội có một mở màn khoác vỏ bọc trinh thám "hai người họ không tài nào yêu nhau theo cùng một nhịp, mỗi người luôn chậm hay nhanh hơn người kia cho đến khi cái chết cuối cùng mới tìm được cho cả hai một thoả hiệp..." [chuyện ái tình không cho phép giọng nhỏ thì thầm trong mỗi người lên tiếng, dù nó luôn thì thầm thì thầm thì thầm những lời đúng, nhưng chuyện ái tình thì làm sao mà biết đúng sai được :)))]; đến những chương cuối lại như một truyện liêu trai, không khí gothic...
Những kẻ tuyệt vọng do Thuận dịch, là tiểu thuyết thứ 3 hay 4 của Minh Tran Huy, không biết những tiểu thuyết trước thế nào, nhưng Những kẻ tuyệt vọng có đoạn kết bị non, tôi đoán đây không phải tiểu thuyết đặc sắc nhất của Minh Tran Huy nên nếu có dịp thuận tiện, tôi sẽ tiếp tục đọc tác giả này, bởi yếu tố tôi đánh giá cao chính là giọng của cô ấy, chịu ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam nhưng không phải giọng văn chương Việt đương đại. Như Thuận, trong 9 quyển thì ngoài T mất tích, 8 quyển còn lại vẫn đậm màu văn chương Việt đương đại, 1 số trong đó đã xuất bản tại Pháp, quyển mới nhất Thuận còn viết thẳng tiếng Pháp. Còn Minh Tran Huy thì giọng văn chương Pháp, theo như Thuận nói trong Lời nói đầu, Minh Tran Huy cùng những tên tuổi khác "đang làm nên cái gọi là văn chương gốc Việt"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét