Barthes từng nghĩ văn chương phải nhường chỗ cho tự thuật và, Thuận đã thực hành ý nghĩ ấy. Tất tật các nhân vật của Thuận không hoàn toàn là Thuận, đương nhiên, và, cũng không xa những chi tiết cá nhân Thuận, có thể, đó là cách để tự hiểu mình, chỉnh đốn và viết lại ký ức của mỗi người
Made in Vietnam có thể đọc online trên chính wordpress của Thuận; đây là hình thức viết quen thuộc của Thuận, ngay cả khi lấy T mất tích làm quyển vạch ra giới tuyến viết trước và sau T thì phong cách Made in Vietnam vẫn còn trở lại ở nhiều quyển khác, những câu chuyện dù bối cảnh VN đương đại hay xen kẽ trời Tây, nhưng vẫn sẽ nhắc nhiều đến thể chế, vết hằn lịch sử, di cư nhập cư và cách con người phải tồn tại qua những nút thắt cổ chai đó, người ta được sách vở dạy rằng: "tôi tư duy nên tôi tồn tại" còn các nhân vật của Thuận nói "ở VN cuộc sống dạy: "tôi tính toán nên tôi chưa chết""
Chinatown là quyển có phong cách viết và nhịp khác nhất trong 9 quyển, bắt đầu từ đây, ý nghĩ liên hệ nhân vật và người tạo ra nhân vật - nhà văn Thuận, hình thành; một người đọc thông thường tự nhiên sẽ hình thành ý nghĩ như vậy. Chinatown tôi đọc ngày 7 tháng 7 năm 2009, hôm nay nhìn lại nó tôi mới nhận ra gần như tròn 16 năm; nó vẫn lưu lại trong tôi là một quyển tiểu thuyết có cách viết, nhịp ấn tượng với tôi tại thời điểm đọc nó; hôm qua tôi vẫn chọn nó trong 2 quyển thích nhất của Thuận
Paris 11 tháng 8 là quyển yếu ớt nhất trong 9 quyển. Ngay cả so nó trong bộ 3 gồm cả chính nó, Made in Vietnam, Chinatown, tạo ra 3 cái tên với 3 vùng địa lý dù bối cảnh trở đi trở lại Paris Pháp, Saigon Hà Nội VN, thậm chí Nga... nhưng nó lại là tiểu thuyết đặc phong cách VN những năm 2000. Tại sao đã viết được Chinatown rồi Thuận lại có thể viết Paris 11 tháng 8 nhạt như thế; có thể xem là kết của một chặng
để mở một chặng mới, một cú tạt đường đổi hướng rồi xuất hiện T mất tích. Lần đọc lại này, T mất tích vẫn đứng đầu yêu thích của tôi trong 9 quyển Thuận viết. Nó đúng một tiểu thuyết mà người ta cầm đọc không cần ngó tên tác giả không cần care tác giả này từng đã viết gì và khi kết thúc quyển sách người ta nhận thức "tôi vừa đọc một tiểu thuyết", không một chút tác động định kiến. Một tiểu thuyết rất Pháp và, đến giờ tôi vẫn nghĩ về Céline, Houellebecq khi đọc T mất tích [nhân vật của T mất tích cũng nhắc đến Céline Đi đến cùng đêm]. Thuận thuộc về ngả ấy, có thể lúc viết T mất tích cũng là khoảng thời gian Thuận đọc và dịch Houellebecq, có thể. Cũng từ đây, một cảm giác lơ lửng về xã hội với những con người bức bối trong cái nhàm chán của đời sống được dựng nên và, trở đi trở lại trong những tiểu thuyết sau đó, dù không được làm tới cùng; chính lẽ đó, T mất tích, nhân vật T xuất hiện ngay từ cái tên nhưng cả quyển tiểu thuyết T mất tích, các nét rời rạc, nhân vật T chưa từng xuất hiện, T không phải nhân vật, tên của T có 2 loại dấu, trong con mắt ông chồng Pháp thì cái tên Á châu của T có dấu bên trên và bên dưới, dấu bên dưới không biết đặt vào chữ U hay  🙂. Sau T mất tích, tôi nghĩ Thuận khó viết được gì tiểu thuyết hơn. T mất tích thật
vì ngay sau là Vân Vy. Vân Vy là quyển nhiều đường. Đường ngọt tạo cho người đọc Thuận vui nhất thời với một câu chuyện có vẻ tình. Đọc nó cũng được, không đọc cũng không sao bởi ngay trước đó đã đọc T mất tích rồi, còn gì hơn được nữa ở Thuận
tiếp tục theo đà T mất tích thật là Thang máy Sài Gòn 2013 và Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư 2015. Cả 2 lại quay về phong cách Made in Vietnam; sau Chỉ còn 4 ngày... tôi đã nghĩ tôi dừng lại Thuận được rồi. Không còn gì
nhưng vẫn là tôi, thấy sách Thuận viết và dịch, tôi vẫn mua và, tôi phải chịu trách nhiệm nên 2 quyển Thư gửi Mina và Sậy là 2 quyển đọc mới hoàn toàn trong lần đọc một vệt 9 quyển lần này của Thuận. Nhân vật chính của Thư gửi Mina là nữ nhà văn gốc Việt sống ở Paris, tên Ma-đam Th 🙂, viết 30 bức thư gửi người bạn Mina gốc Afghanistan mà cô đã mất liên lạc sau ngày họ tốt nghiệp đại học ở Nga 🙂, 30 bức thư được viết trong khoảng hơn 1 năm nhưng tôi nghĩ Thuận đã lồng đã kể gần như đủ chi tiết của nhiều năm viết, đọc và dịch của Thuận [Thang máy Sài Gòn được nhắc đến nhiều nhất, có một quyển gì 2000 tôi nghe quen lắm mà tôi ngại mở ra tìm lại; chi tiết nằm đọc Xạ thủ nằm bắn (Thuận dịch), đọc Duras, Sartre, Modiano (Phố; nhờ thế tôi biết Thuận dịch một quyển của Modiano lấy tên Bé Ngọc, vào wordpress có thể thấy; trong Sậy thì Simenon, Tolstoy, AQ chính truyện Hồng lâu mộng... quyển mới nhất 2025 Thuận viết thẳng tiếng Pháp nhan đề cũng gì gì Tolstoy thì phải) điều tôi không thích là Thuận nhắc đến, trích dẫn nhiều tác giả, nhưng chỉ nhắc, trích những gì được đọc được biết đến phổ biến nhất của tác giả đó, tôi rất không thích điều này khi nhìn người khác đọc; thí dụ cứ Tolstoy là câu điển hình "các gia đình hạnh phúc giống nhau... bất hạnh..." rồi cứ Proust là Swann nhắc cho có]. Thư gửi Mina chỉ thay đổi hình thức giữa việc ta đang đọc tiểu thuyết văn xuôi và ta đang đọc tiểu thuyết là những bức thư [tự nhiên quên cái từ dành riêng cho hình thức tiểu thuyết là những bức thư, Julie hay nàng Heloise đó] còn câu chuyện vẫn là chủ đề quen thuộc. Sậy cũng như vậy [nhân vật chính học văn chương Sorbonne giống Thuận], dù bối cảnh ở Paris Pháp hay Saigon Hà Nội VN thì hôm nay, ta vẫn phải nhìn về những thể chế chính trị, nút vặn vết hằn quá khứ. Thư gửi Mina viết tốt hơn, Sậy 1/3 đầu cũng cho ấn tượng viết ổn định nhưng càng sau càng tuột, đến 1/3 cuối thấy rõ là vụn, nỗ lực vô vọng tìm một cái kết
sau này tôi vẫn có thể tiếp tục đọc Thuận, nếu thuận tiện 🙂 còn mảng Thuận dịch thì tôi vẫn thường theo dõi. Thuận định cư Pháp, một số từ khi viết về VN đương đại dùng hơi lạ, nhưng những đoạn viết về VN cho thấy một Thuận gắt, nó sẽ rất gần với một chỉ mục nhiều người đọc hay đọc ở blog nhilinh "thời chúng ta", Thuận trỏ và gọi tên thời chúng ta sắc hơn phần lớn chúng ta đang sống ở đây, lúc này. Một cá tính không phải vừa 🙂
ps. hôm lâu nói chuyện với một đứa tiểu iêu gần 35 tuổi rồi, trích một câu trong stt của bạn fb có từ "tuột xích" đại ý anh a cô b dân văn khoa tuột xích :))) đứa tiểu iêu này đọc hiểu kém, nó cái gì cũng đòi tra từ điển đầu tiên trong khi ngôn ngữ có tính tượng hình tượng thanh mô phỏng và cho cảm nhận rất tự nhiên, nhất là trong văn cảnh, màu sắc câu cú rõ ràng... nhưng nó cứ đòi phải tra từ, nghe không hiểu là cứ hỏi ngay [mà nhiều việc nếu nghe mà tự nhiên không hiểu thì có giải thích thế nào cũng không hiểu đâu], nó cứ hỏi tuột xích là ý làm sao; tôi bảo nghe câu văn không hiểu à, rồi giải nghĩa cho nó về tuột xích theo cách hiểu của tôi [tôi đã không hiểu sao, dù tôi chưa đọc nó bằng văn bản hay nghe tiền bối nào nói, tôi hay nói tôi nghèo mọi mặt trận là thế]. Nhưng tôi gần như chưa đọc từ "tuột xích" được in vào sách, trước đấy cũng chỉ thấy trong Thang máy Saigon, có lẽ các bạn làm mấy mảng chính trị, báo chí chính thống chắc sẽ nghe tiền bối nói nhiều và nhìn thấy nhiều; trong Thư gửi Mina, "tục xích" "tuột xích" cùng nhau xuất hiện và nó gắn với motif quen một thời chúng ta, được cử đi học đi công vụ ở Đức ở đâu đó thì "tuột xích"/"tục xích" ở Pháp hay đâu đó và không trở về VN - thời ấy người ta nói "dạng tuột xích"/thành phần tuột xích 🙂
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét