lần đầu tiên tôi đọc Kate DiCamillo là 1/6 [tôi có thói quen mua cho mình quà 1/6, thường là sách, ngày này tôi hay có chút mong ngóng được cho quà, tính khí trẻ con thế thì biết phải làm sao, thi thoảng tôi cũng vòi ai đó mua sách như món quà 1/6 cho tôi, nhưng tôi chưa từng vòi bất cứ gì từ bố mẹ mình] cách đây 15 năm, đó là Edward Tulane. Vì quá thích thỏ sứ, trong cùng năm 2010 ấy, tôi tiếp tục với Despereaux và Winn-Dixie. Khi đã đọc 3 quyển của DiCamillo rồi, tôi mới nhìn "DiCamillo" mà mình viết, tự hỏi cái họ này thì liên quan gì đến nước Mỹ chứ, chắc phải mạn nào đó Ý Tây Ban Nha etc.; hoá ra Kate DiCamillo là người gốc Ý. Thứ tự đọc của tôi chính vì thế như ảnh 1; sau đó, NN đã nhanh chóng xuất bản các tác phẩm mới của DiCamillo, rất nhanh chóng và tôi lần lượt đọc quyển thứ 4 năm 2011, quyển thứ 5 năm 2016 và quyển gần nhất là 2025
về sau, tôi mới biết thứ tự viết của DiCamillo như ảnh 2. Kate là người Mỹ gốc Ý, lớn lên ở Florida, chuyển đến sống ở Minnesota những năm hai mươi tuổi; chính nỗi nhớ nhà và mùa đông buốt giá ở Minnesota đã thôi thúc Kate viết Bởi vì Winn-Dixie, đó chính là tác phẩm đầu tay, không trách nó hồi cố, màu sắc cũng khác 2 quyển Despereaux và Edward Tulane ngay sau. Hôm qua đọc Raymie - Nữ hiệp mộng mơ, câu chuyện bối cảnh 1975 và chi tiết cho biết cô bé Raymie 10 tuổi, tôi liền nhẩm nhẩm 1965, vậy là tính cách, sở thích, tâm trạng... của các cô bé sinh năm 1965 vào thời điểm năm 1975 ở Florida sao [nơi Kate lớn lên], rồi tôi nghĩ có lẽ đang là một cách viết lại, viết tiếp và phóng tác chính mình, chỉnh đốn các ký ức, nhà văn đang thực hiện công việc ấy cho, trong và trên chính chất liệu là mình. Kate DiCamillo sinh năm 1964
sáng nay tôi có một đoạn voice chat với bạn nói về Ryu Murakami tác giả tôi đã gả đi từ 2 năm trước, bạn hỏi tôi còn sách của Ryu không vì bạn chỉ có quyển gần nhất ở Vn của ông í, lại là quyển tôi không có không đọc và không có ý định mua. Tôi nghĩ về những nhà văn tôi đã đọc, đã gả đi tủ sách khác; một cảm giác khoan khoái dễ chịu, không tiếc nuối. Tình cảm đã có giữa các bên, dù có ở đâu, lúc nào thì đã có những ngày, những trải nghiệm thuộc về nhau; tính sở hữu gay gắt không còn tồn tại nữa [bảo không lưu luyến là nói dối lòng, điêu dân], ai cũng cần đi tiếp và tiếp tục những trải nghiệm vì chỉ cần ai đó sẽ đến, ai đó đến, tiến tới chủ động thì đều là người xứng đáng, như câu chuyện thỏ sứ Edward Tulane
ps. những sách trong khoảng đọc 3-4 năm gần đây, còn rất ít quyển tôi ký vào và ghi ngày tháng đọc xong; còn thò bút viết vì còn nghĩ "của mình, mãi là của mình" nhưng mà làm gì có thứ gì mãi là của mình; ký ức kỉ niệm [y dài i ngắn, thói quen] là thứ sở hữu duy nhất, chẳng phải rồi cũng bồng bềnh một phần... bình thản thôi, bà già
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét