Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

29.6.24

Quagmire

 




Đầm lầy của David Biggs - nhà nghiên cứu lịch sử môi trường, là một đề tài hay. Một quyển sách chuyên khảo về lịch sử môi trường đồng bằng sông Cửu Long [ĐBSCL] - một vùng sông nước và vựa lúa lớn nhất của VN từ xưa tới nay [nhà văn Sơn Nam cũng có mấy đầu sách về chủ đề liên quan]; không chỉ kể câu chuyện về con người thích ứng và cộng sinh với môi trường sông nước từ đế chế Khmer cho đến hiện đại mà còn cho thấy chính vì không hiểu rõ về lịch sử vùng sông nước này mà người Pháp, sau đó là người Mỹ đã thất bại trong ý đồ của mình, ngay cả người Việt cũng đã có bài học đắt giá rằng phải thích ứng, hiểu về môi trường này thay vì chinh phục, biến đổi môi sinh theo ý muốn [cùng cồn cát dos d'âne - điểm giáp nước giữa dòng chảy và thuỷ triều, nhưng mỗi cách hiểu cũng đã nói lên sự khác biệt trong nhìn nhận và đối diện cùng một hiện tượng tự nhiên: lưng lừa - điểm chết - điểm gặp nhau (giáp nước)]. Gắn môi trường với lịch sử hình thành nó, hay chính xác là lịch sử khẩn hoang vùng ĐBSCL với nhiều đợt di dân đóng vai trò chủ đạo phát triển vùng sông nước từ người Khmer, Việt, Pháp, Mỹ mang đến một cái nhìn toàn diện, chi tiết về lịch sử cảnh quan, thiên nhiên và con người từ thời tiền thuộc địa, Pháp thuộc, chiến tranh Việt Pháp, VNCH với sự tham gia của Mỹ và cho đến tận ngày nay. Một quyển sách nhiều thông tin, phân tích giúp hiểu rõ hơn về một vùng địa lý, môi trường, từ đó có bài học về cách tương tác giữa con người và môi sinh, cùng các hệ quả của chính sách tư duy trong phát triển, trong tác động thay đổi cảnh quan mà ngày nay vẫn còn giá trị trên một vùng địa lý đặc biệt: không vùng đất nền 


bài học từ cổ xưa cho thấy thiên nhiên sẽ tự cân bằng và những nỗ lực thay đổi sẽ gây hậu quả không tiên đoán được. Thích ứng với môi trường, thuận theo nó nên là tư duy chủ đạo ở vùng ĐBSCL, sống với lũ thay vì chống lũ, để dòng chảy được tự nhiên thay vì thay đổi dòng chảy, lập đê ngăn mặn hay xẻ đê dẫn nước mặn vào chuyển thành nuôi trồng thuỷ hải sản..., chưa kể đến những thay đổi lớn từ bên ngoài như các đập thuỷ điện tại các quốc gia nằm ở thượng nguồn dòng Mekong làm thay đổi dòng chảy và phù sa, biến đổi khí hậu kéo theo mực nước biển dâng cao... những kịch bản nhìn thấy trước sẽ đe doạ cuộc sống và an ninh vùng ĐBSCL 


đây là một quyển sách thuộc những gì tôi ngại đọc, vì nó gắn với lịch sử nên tôi ngầy ngật cả tuần; mỗi ngày đọc một ít thì thấy hay hơn đọc liền, lâu lâu đọc, xem sơ đồ - không ảnh, tiến trình biến đổi cảnh quan, nạo vét sông, tạo kênh rạch đường đi... thì mới nhìn rõ tác động của bàn tay con người đã làm thay đổi cảnh quan thế nào. Nếu nó xuất bản trước chuyến đi miền Tây 7 ngày của tôi mùa hè 2019 thì tốt cho tôi, có lẽ tôi đã đọc nó sớm để đỡ sợ nhà thờ hồi giáo An Giang hay các nhà nguyện giáo phái Hoà Hảo gặp rất nhiều trên đường đi... nếu có lúc nào xuyên Việt, đi lòng vòng miền Tây 7-10 ngày lần nữa, có lẽ lúc ấy tôi cũng sẽ phải sờ đến nhà văn Sơn Nam, một nhà văn lúc nào tôi cũng tìm cách tránh. Cuối Đầm Lầy có một bài viết của chuyên viên khoa học Nguyễn Đức Hiệp hệ thống nội dung David Biggs trình bày cùng việc chỉ ra những điểm còn cần bổ sung và xem xét thông tin, đây là bài viết hỗ trợ cho việc đọc Đầm lầy. Những quyển sách chuyên khảo nên gắn Index, chú thích dưới mỗi trang vẫn chú thích như thường, nhưng cuối sách nên gắn Index để tiện tra cứu khi nhìn lại cả quyển sách các từ khoá có giá trị với mỗi người đọc khi tiếp cận và nhìn vào trọng tâm vấn đề họ nhắm tới



Không có nhận xét nào: