Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

18.6.24

hạnh ngộ




Hạnh ngộ trong bóng tối là quyển thứ 5 đọc của Otsuichi. Một câu chuyện được kể hay nhất với tôi trong 5 quyển đã đọc, tâm lý nhân vật cùng chiều tiến của câu chuyện, cách kể đan xen đổi chỗ 2 cái nhìn: một của người mù luôn là bóng tối và một của người buộc phải chọn bóng tối để ẩn thân... đều được viết tốt, nhất là 2/3 đầu truyện. Văn học Nhật - Hàn hiện đại, về ý tưởng và tư duy văn học luôn khiến tôi gật gù dù là một câu chuyện đời thường được kể hay một vụ án mạng hay thế giới liêu trai; ở Hạnh ngộ trong bóng tối là ý tưởng một tình huống hoàn toàn có thể xảy ra trong đời thực, gắn nó với một vụ án mạng cũng không lắt léo âm mưu gì, những thứ con người sẽ bị thôi thúc làm ngay làm luôn lúc này trong đời sống hiện đại Nhật nhiều áp lực: nghi phạm của vụ án mạng đẩy người vào đoàn tàu đang chạy, ẩn thân trong ngôi nhà của cô gái mù sống một mình gần hiện trường vụ án - tình huống dễ thấy và không thể đơn giản hơn nhưng lại thường không được khai thác dưới góc độ một câu chuyện văn học


người đọc bị hút vào câu chuyện một phần vì nó được kể, tâm lý nhân vật viết vừa khẩu vị chung. Một phần người đọc đang đối mặt với tò mò: chắc chắn tác giả sẽ cho một cái kết xứng đáng với những con người tốt đẹp này, nhưng bằng cách nào mới được chứ. Chính ở đây tham vọng cú twist làm hở câu chuyện về mặt logic; tôi băn khoăn không biết bản thảo

này của Otsuichi có được đọc lại [thường những tác giả hiện đại ăn khách ngoài người thân hoặc người mà tác giả nhắm đến để gửi gắm câu chuyện, còn có đội ngũ phía sau đọc bản thảo góp ý, thậm chí người của nxb], có đúng người đọc bản thảo tinh không. Ở cao trào mở thắt nút câu chuyện, câu chuyện đi về thời điểm đầu của dòng thời gian, tức trước và ngay sau án mạng, nhân vật nam chính là người đủ sắc sảo để biết tìm một nơi quan sát hiện trường án mạng, biết nơi đó là ngôi nhà của một cô gái mù - cô gái mà anh từng nhìn thấy suốt thời gian mỗi sáng đi tàu đi làm: cô đều mở cửa sổ đó, đều đứng ở đó, và một ngày cô mặc y phục lễ tang đứng đó gọi mẹ mẹ ơi hướng về nơi đoàn tàu lăn bánh, rồi một người phụ nữ cũng lên cùng khoang tàu với anh mặc y phục lễ tang cả chuyến đi cố ý không ngảnh mặt về hướng cửa sổ có cô gái đang gọi mẹ mẹ ơi; anh ta cũng biết lâu lâu cô gái mù được một người bạn dẫn đi ra ngoài, và nghe họ nói chuyện anh biết cô sống một mình vì thế nên đã chọn ẩn thân trong ngôi nhà đó; nhưng cũng chính anh ta khi vào ngôi nhà này sau án mạng lại tỏ ra bỡ ngỡ tò mò sao cô gái mù này lại sống một mình, gia đình cô đâu, ảnh trong nhà là cô hồi nhỏ chụp với người đàn ông có lẽ là bố cô thì chuyện gì xảy ra với ông ấy rồi sao cô lại sống một mình... ai đó cũng hoàn toàn đồng thời có thể bẻ lại tôi những lỗ hổng của một độc giả trinh thám chỉ ra về logic, nhưng ở đây có tồn tại lỗ hổng do twist viết nhanh 1/3 cuối [phải tạo hiệu ứng đối sánh với 2/3 đầu thôi, về kỹ thuật và dụng ý là thế] không hoàn toàn khớp với logic suy luận của nhân vật ở 1/3 đầu. Thế mới nói khi Poe tạo ra thể loại trinh thám thì đồng thời cũng tạo ra một type độc giả đặc biệt mang tên độc giả trinh thám, độc giả là sản phẩm sáng tạo của nhà văn [cái này Borges cũng từng nói thì phải], như hôm qua tôi hay tin Poe không nghiện thuốc phiện và không thể xem là nghiện rượu vì đó là người có thể nói không uống được rượu, tửu lượng lẹt đẹt [trong khi tôi đọc và nhớ là Poe nghiện rượu, thuốc phiện và có lạm dụng thuốc], Poe nghiện thuốc phiện là sáng tạo của Baudelaire 


câu chuyện hạnh ngộ này dành cho những người có xu hướng chọn và yêu thích cuộc sống một mình, sự cô độc có thể tự mình nhận biết, hay không còn nhận ra mình cô độc nữa rồi. Có người yêu thích một mình trong bóng tối vì hoàn cảnh đưa đến và họ chỉ còn biết chấp nhận; với tôi chấp nhận dễ hơn không chấp nhận, người bệnh yếu đuối lẹt đẹt như tôi thấy phản kháng mới khó [cứ phải rồ lên làm gì cho mệt, mọi chuyện muốn ra sao thì ra chẳng phải thế cho nhàn hay sao], chấp nhận thì dễ dàng với tôi hơn nhiều dẫu tôi cũng biết một nửa ngoài kia cả đời này phấn đấu để chấp nhận nhưng không làm sao để không phản kháng để không rồ lên [họ hay bị cuốn vào mê cung của buông với buông bỏ]. Cũng có người một mình cô độc, vui vẻ và giản đơn, đã như thế, hiện tại và sau này cũng vẫn thế; người khác nhìn vào chắc sẽ không sao hiểu nổi cách sống ấy, thậm chí nghĩ rằng thật đáng thương [thang hạnh phúc mỗi người quá chênh lệch] nhưng đời này có những người chỉ có thể sống thoải mái nếu được như thế mà thôi, một hạnh phúc giản dị, gọn ghẽ, nhẹ nhõm


hôm trước nói chuyện với một bạn fb, môi trường làm việc của bạn gắn với Nhật nhiều; suốt bao năm làm bạn fb luôn cảm nhận bạn ấy 1 mình nên cứ tưởng bạn con 1, hoá ra nhà đông anh em; gần đây bạn cởi mở hơn, sẽ bày tỏ là mình vui vì cuối tuần đọc được một tin nhắn một cái còm hay cuối tuần có thể trò chuyện online với ai đó... khi ngồi nói chuyện, cả tôi và bạn đều nói, thích ở một mình [với tôi có lẽ vì cảm thấy mệt mỏi nên có xu hướng muốn được yên thân], đồng thời tôi cảm tôi ở một mình là bình thường không nói chuyện với bất cứ ai cũng bình thường, nói chuyện với ai cũng bình thường [trực tiếp có thể còn khiến tôi căng thẳng nhẹ, dạ dày sẽ hơi cắn] vì tôi có thế giới phong phú trong sách của tôi [tôi nằm ngủ còn rực rỡ nữa], còn bạn thì sẽ vui khi có ai đó nói chuyện. Tại thời điểm, ngay trong cuộc nói chuyện, tôi nghĩ lý tưởng với những người như tôi là: sống cùng ai đó như một couple trong một không gian, có thể nhận biết sự hiện diện của người ta trong tương quan với mình nhưng mình và người ta ở một trạng thái vờ như giữ khoảng cách, thân thiết như thịt da của nhau nhưng giữ khoảng cách độc lập không phụ thuộc nhau; thật dã man khi lý tưởng về một trạng thái sống cũng là bộ môn khó như chịu tra tấn lưu đày, vì để được ở trạng thái ấy, 2 người hay tập thể nhỏ, phải cực hiểu nhau, có kinh nghiệm cảm xúc của mình của đối phương [mà muốn có kinh nghiệm thì phải từng trải nghiệm thôi] đồng thời phải chịu được nhau ở trạng thái ấy một cách thoải mái


hạnh ngộ - gặp nhau đôi tâm hồn được nghỉ ngơi





Không có nhận xét nào: