Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

23.7.25

Anne Fine




đây là tác giả viết truyện thiếu nhi hiện đại tôi thích nhất. Ảnh 1 là thứ tự xuất bản nguyên tác. Ảnh 2 là thứ tự đọc của tôi, mở màn là 2011 với Những em bé bột và Trò đùa của Tulip. Đến giờ với tôi ấn tượng vẫn là Trò đùa của Tulip [The Tulip touch], ngay sau đó là Những em bé bột; 4 quyển của NN tôi đọc trong yêu thích chung cuộc và tôi vẫn sẽ đọc Anne Fine nếu tiện có sách, nhưng bảo ấn tượng như Tulip hay Em bé bột thì không. Trò đùa của Tulip cũng là quyển có màu sắc khác hẳn trong sự nghiệp của Anne Fine; câu chuyện được Anne Fine viết trong dòng sự kiện về một vụ án có thật, tôi nhớ mang máng thế, 2 đứa trẻ 10 tuổi đã cùng nhau khiến 1 đứa bé 2 tuổi tử vong; tất nhiên câu chuyện Tulip không kể về vụ án ấy, nhưng sự kiện này tiếp tục nỗi suy tư âu lo mang tính kinh điển: bản chất là xấu xa tội lỗi hay do nuôi dưỡng môi trường; điều khiến Anne Fine chọn cái kết lửng cho Trò đùa của Tulip là trong sự kiện có thật kia, cách một bộ phận người lớn phản ứng như những người vô sự không liên quan, gần như là đòi trừng trị 2 đứa trẻ 10 tuổi theo lối, nhốt chúng lại và ném chìa khoá đi

năm ngoái trong một đợt thanh lý sách hộ bạn, bạn tôi không có đủ Anne Fine vì cô ấy mua theo tôi, chứ không đọc nên không cập nhật sách Anne Fine đủ; trong số người vào hỏi mua Anne Fine, có hỏi tôi có quyển abc xyz của Anne Fine không, tôi nói có nhưng khả năng cao sẽ không pass, khi nào gặp tôi sẽ vợt hộ. Trong lúc nói chuyện qua lại về Anne Fine, chúng tôi cùng nhau nói về Trò đùa của Tulip, ý nghĩ của chúng tôi về cái ác tồn tại trong mỗi đứa trẻ [nên tôi đã có ý nghĩ, nếu gặp quyển bạn ấy thiếu, tôi sẽ vợt và tặng luôn vì đây là người duy nhất đọc Anne Fine mà tôi biết tại thời điểm đó]

nhờ đọc Anne Fine tôi mới biết ngoài Carnegie dành riêng cho văn học thiếu nhi-thanh thiếu niên thì còn có Whitbread hạng mục cho văn học thiếu nhi [quyển Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm của Mark Haddon giành giải này]. Vừa rồi tôi băn khoăn tại sao những năm gần đây tôi không đọc trúng quyển văn học thiếu nhi-thanh thiếu niên nào giải này, thì mới hay biết Whitbread đã đổi nhà tài trợ, thành giải Costa [Costa hình như là công ty con hay một nhánh của Whitbread thì phải] và giải này cũng ngừng hoạt động từ 2022


22.7.25

Tim Bowler - Mark Haddon



2 tác giả Anh viết cho thiếu nhi - thanh thiếu niên; Tim Bowler viết đều tay hơn còn Mark Haddon quyển Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm, 16-17 năm trước khi đọc nó lần đầu, tôi quá thích nên đã ngồi gõ lại nó để lưu vào blog, nhưng đến quyển Bùm thì tôi hạ nhiệt hẳn; cũng không rõ trong khoảng 5-7 năm gần đây, 2 tác giả này có quyển nào được dịch thêm chưa, nhất là Tim Bowler có vẻ ít người đọc, từ 14 năm trước ngay khi BV làm đầu đầu tiên đã như rơi vào thinh lặng rồi

hôm trước có đứa tiểu iêu bảo nó không hợp văn học Anh nên chưa để ý Edith Wharton vội; tú bảo tú cứ đọc theo cách các quyển sách chỉ dẫn tú đi tiếp nhưng tú luôn ưu ái văn học Anh, chất phớt ăng-lê, dù tú đọc nhiều Pháp, Đức :p


Berlie Doherty

 


văn học thiếu nhi - thanh thiếu niên, tôi đọc nhiều Newbery, nhưng thích Carnegie hơn. Berlie Doherty đến với tôi lần đầu khoảng 15-16 năm trước với Dear Nobody [ngôn ngữ dịch miền Nam], một câu chuyện điển hình lứa tuổi thanh thiếu niên, không lạ lẫm chút nào, cuối cấp - trước thềm Đại học, Cao đẳng bỗng nhiên có bầu, hai đứa trẻ tồng ngồng mới lớn tính thế nào và khi nhìn vào nó, lịch sử mỗi gia đình, những câu chuyện tình yêu tuổi trẻ, các cuộc hôn nhân thế hệ trước còn lành lặn hay đã tan tành đều lần lượt được nhìn lại với con mắt tỉnh táo khách quan đúng nghĩa hơn; kết chuyện không trọn vẹn như nhiều kịch bản ngoài đời chúng ta đã biết, trọn vẹn theo nghĩa dù là quyết định của hai đứa trẻ hay của những người lớn thì cũng đều là những quyết định đã tính nhiều bước, kết chung cuộc; nhưng kết chuyện của Dear Nobody là một cách giải quyết cho mỗi cá nhân được độc lập là chính mình, cho dù vì bất cứ ai thì trên hết hãy cho mình được là chính mình đã

1-2 năm sau Dear Nobody, Hoàng tử bất đắc dĩ và Mặc cả ở xứ tiên, đến với tôi. Màu sắc của chúng là màu sắc thần tiên kỳ ảo, du dương trí tưởng tượng bồng bềnh như mộng một giấc đẹp ngay khi ta đang thức

ps. một nhân vật thày giáo dạy Văn [2 đứa trẻ nhân vật chính, 1 đứa sẽ cao đẳng nhạc, 1 đứa sẽ đại học văn] trong Dear Nobody có nói, đại ý: ngôn ngữ là sức mạnh, văn chương là tình yêu, thi ca là cái nuôi dưỡng tâm hồn. Tự nhiên tôi thấy người lười như tôi sao lại "giàu có" như thế này được, tôi tiếp tục nạp dinh dưỡng bằng một bài thơ của Yeats 😛

19.7.25

Kate DiCamillo

 





lần đầu tiên tôi đọc Kate DiCamillo là 1/6 [tôi có thói quen mua cho mình quà 1/6, thường là sách, ngày này tôi hay có chút mong ngóng được cho quà, tính khí trẻ con thế thì biết phải làm sao, thi thoảng tôi cũng vòi ai đó mua sách như món quà 1/6 cho tôi, nhưng tôi chưa từng vòi bất cứ gì từ bố mẹ mình] cách đây 15 năm, đó là Edward Tulane. Vì quá thích thỏ sứ, trong cùng năm 2010 ấy, tôi tiếp tục với Despereaux và Winn-Dixie. Khi đã đọc 3 quyển của DiCamillo rồi, tôi mới nhìn "DiCamillo" mà mình viết, tự hỏi cái họ này thì liên quan gì đến nước Mỹ chứ, chắc phải mạn nào đó Ý Tây Ban Nha etc.; hoá ra Kate DiCamillo là người gốc Ý. Thứ tự đọc của tôi chính vì thế như ảnh 1; sau đó, NN đã nhanh chóng xuất bản các tác phẩm mới của DiCamillo, rất nhanh chóng và tôi lần lượt đọc quyển thứ 4 năm 2011, quyển thứ 5 năm 2016 và quyển gần nhất là 2025

về sau, tôi mới biết thứ tự viết của DiCamillo như ảnh 2. Kate là người Mỹ gốc Ý, lớn lên ở Florida, chuyển đến sống ở Minnesota những năm hai mươi tuổi; chính nỗi nhớ nhà và mùa đông buốt giá ở Minnesota đã thôi thúc Kate viết Bởi vì Winn-Dixie, đó chính là tác phẩm đầu tay, không trách nó hồi cố, màu sắc cũng khác 2 quyển Despereaux và Edward Tulane ngay sau. Hôm qua đọc Raymie - Nữ hiệp mộng mơ, câu chuyện bối cảnh 1975 và chi tiết cho biết cô bé Raymie 10 tuổi, tôi liền nhẩm nhẩm 1965, vậy là tính cách, sở thích, tâm trạng... của các cô bé sinh năm 1965 vào thời điểm năm 1975 ở Florida sao [nơi Kate lớn lên], rồi tôi nghĩ có lẽ đang là một cách viết lại, viết tiếp và phóng tác chính mình, chỉnh đốn các ký ức, nhà văn đang thực hiện công việc ấy cho, trong và trên chính chất liệu là mình. Kate DiCamillo sinh năm 1964

sáng nay tôi có một đoạn voice chat với bạn nói về Ryu Murakami tác giả tôi đã gả đi từ 2 năm trước, bạn hỏi tôi còn sách của Ryu không vì bạn chỉ có quyển gần nhất ở Vn của ông í, lại là quyển tôi không có không đọc và không có ý định mua. Tôi nghĩ về những nhà văn tôi đã đọc, đã gả đi tủ sách khác; một cảm giác khoan khoái dễ chịu, không tiếc nuối. Tình cảm đã có giữa các bên, dù có ở đâu, lúc nào thì đã có những ngày, những trải nghiệm thuộc về nhau; tính sở hữu gay gắt không còn tồn tại nữa [bảo không lưu luyến là nói dối lòng, điêu dân], ai cũng cần đi tiếp và tiếp tục những trải nghiệm vì chỉ cần ai đó sẽ đến, ai đó đến, tiến tới chủ động thì đều là người xứng đáng, như câu chuyện thỏ sứ Edward Tulane

ps. những sách trong khoảng đọc 3-4 năm gần đây, còn rất ít quyển tôi ký vào và ghi ngày tháng đọc xong; còn thò bút viết vì còn nghĩ "của mình, mãi là của mình" nhưng mà làm gì có thứ gì mãi là của mình; ký ức kỉ niệm [y dài i ngắn, thói quen] là thứ sở hữu duy nhất, chẳng phải rồi cũng bồng bềnh một phần... bình thản thôi, bà già


nữ hiệp mộng mơ




lâu lắm rồi, tôi xem the voice Mỹ hay một chương trình cuộc thi hát nào đó ở Mỹ [không phải Anh dù tôi thích xem the voice Anh, Đức hơn, tôi nhớ rõ Mỹ vì người Anh nói khó nghe rõ lắm, còn Đức thì tôi chịu rồi], có một cô gái trả lời phỏng vấn lý do cô ấy đến với cuộc thi, đại ý: cô ấy muốn xuất hiện trên phương tiện đại chúng, càng vào được sâu các vòng trong thì càng tốt vì cô ấy mong rằng ở nơi nào đó bố cô ấy nhận ra con gái của mình đã lớn khôn và tài giỏi thế nào, ông đã bỏ đi khi cô 17 tuổi và gần 10 năm rồi cô chưa được nhìn thấy ông, chỉ muốn nói, nếu lúc này ông có vô tình nhìn thấy con gái, rằng, con rất nhớ bố...


cô bé Raymie trong truyện cũng như vậy, muốn tham gia cuộc thi, mong chiến thắng, để ở đâu đó, người bố bỏ đi cùng người phụ nữ khác có thể nhìn thấy cô bé và trở về. Một ý nghĩ và hành động can đảm, thừa nhận mình cần một ai đó, ngay cả khi người ta không đặt mình ở vị trí quan trọng. Không ngạc nhiên khi nhân vật 10 tuổi này đã luôn hành động như một nữ hiệp. Một nữ hiệp mộng mơ - Raymie Nightingale [tôi đổi họ cho nhân vật đấy :), Nightingale là cái họ gắn với lịch sử điều dưỡng, cũng là một nữ hiệp]

14.7.25

giọng nhỏ thì thầm



Những kẻ tuyệt vọng của Minh Tran Huy [Trần Huy Ngọc Minh] - nữ tác giả Pháp gốc Việt có câu chuyện làm người đọc nghĩ nhiều đến Annie Ernaux [ngay cả chi tiết phá thai ở Những kẻ tuyệt vọng, cũng khiến nghĩ đến Ernaux; ngoài ra, Jane Austen, Emily Bronte, Edith Wharton...], lưu vong giai cấp; ở đây, nổi bật hơn, là lưu vong văn hoá. Giọng của Ernaux thì luôn trung tính, gọn, có thể cho là bàng quan, mỗi khi nói về xuất thân gốc gác của mình, còn Minh Tran Huy thì cầu kỳ, ẩn dụ, chất liệu cổ tích dân gian Việt Nam rất hay được sử dụng như một quy chiếu văn chương [một trong số đó là sự tích trầu cau, khi nghĩ lại sự tích này, tôi nghĩ đến 3 thứ trầu - cau - vôi nghiền nát cùng nhau tạo thành màu đỏ bã trầu, như máu, phải nghiền nát cùng nhau mới tạo ra thứ như máu, chung một huyết mạch; thật dã man, nghiền nát cùng nhau]

câu chuyện mở màn tưởng như một truyện trinh thám với các chương được kể xen kẽ nhau 2 giọng: Lise - nhân vật chính và Người kia - giọng khách quan, mà đến nửa sau người đọc mới đoán ra Người kia là giọng ai; rồi nhận ra nó là một truyện tâm lý tình cảm, tâm lý xã hội có một mở màn khoác vỏ bọc trinh thám "hai người họ không tài nào yêu nhau theo cùng một nhịp, mỗi người luôn chậm hay nhanh hơn người kia cho đến khi cái chết cuối cùng mới tìm được cho cả hai một thoả hiệp..." [chuyện ái tình không cho phép giọng nhỏ thì thầm trong mỗi người lên tiếng, dù nó luôn thì thầm thì thầm thì thầm những lời đúng, nhưng chuyện ái tình thì làm sao mà biết đúng sai được :)))]; đến những chương cuối lại như một truyện liêu trai, không khí gothic...

Những kẻ tuyệt vọng do Thuận dịch, là tiểu thuyết thứ 3 hay 4 của Minh Tran Huy, không biết những tiểu thuyết trước thế nào, nhưng Những kẻ tuyệt vọng có đoạn kết bị non, tôi đoán đây không phải tiểu thuyết đặc sắc nhất của Minh Tran Huy nên nếu có dịp thuận tiện, tôi sẽ tiếp tục đọc tác giả này, bởi yếu tố tôi đánh giá cao chính là giọng của cô ấy, chịu ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam nhưng không phải giọng văn chương Việt đương đại. Như Thuận, trong 9 quyển thì ngoài T mất tích, 8 quyển còn lại vẫn đậm màu văn chương Việt đương đại, 1 số trong đó đã xuất bản tại Pháp, quyển mới nhất Thuận còn viết thẳng tiếng Pháp. Còn Minh Tran Huy thì giọng văn chương Pháp, theo như Thuận nói trong Lời nói đầu, Minh Tran Huy cùng những tên tuổi khác "đang làm nên cái gọi là văn chương gốc Việt"

12.7.25

trong hiệu sách



vui và buồn, đọc để mà thở dài :))). Được gợi hứng từ "Weird Things Customers Say in Bookshops" của Jen Campbell [bản dịch tiếng Việt của nxb Kim Đồng trong ảnh], Shaun Bythell viết The Diary of a Bookseller ghi lại hơn 1 năm những chuyện trong và xoay quanh hiệu sách cũ mở ở thị trấn quê nhà. Shaun Bythell đã trải qua những ngày nhộn nhịp, căng thẳng, trầm lắng, khó hiểu kì quặc và nhận ra, như George Orwell nói trong Bookshop Memories [một quyển sách ảnh hưởng đến Bythell nhiều và nghĩ, đáng ra mình nên đọc nó trước khi mua lại hiệu sách cũ The Book Shop ở tuổi 31] rằng: many of the people who came to us were of the kind who would be a nuisance anywhere but have special opportunities in a bookshop [cái tính quái ác của tôi đến đây lại cười, may quá nó còn biết thở dài]

một thị trấn là một thị trấn khi và chỉ khi nó có hiệu sách. Nếu không có, nó biết, có thể người ta vẫn gọi nó là thị trấn, nhưng, nó cũng biết, nó không lừa được ai cả


9.7.25

Thuận



Barthes từng nghĩ văn chương phải nhường chỗ cho tự thuật và, Thuận đã thực hành ý nghĩ ấy. Tất tật các nhân vật của Thuận không hoàn toàn là Thuận, đương nhiên, và, cũng không xa những chi tiết cá nhân Thuận, có thể, đó là cách để tự hiểu mình, chỉnh đốn và viết lại ký ức của mỗi người

Made in Vietnam có thể đọc online trên chính wordpress của Thuận; đây là hình thức viết quen thuộc của Thuận, ngay cả khi lấy T mất tích làm quyển vạch ra giới tuyến viết trước và sau T thì phong cách Made in Vietnam vẫn còn trở lại ở nhiều quyển khác, những câu chuyện dù bối cảnh VN đương đại hay xen kẽ trời Tây, nhưng vẫn sẽ nhắc nhiều đến thể chế, vết hằn lịch sử, di cư nhập cư và cách con người phải tồn tại qua những nút thắt cổ chai đó, người ta được sách vở dạy rằng: "tôi tư duy nên tôi tồn tại" còn các nhân vật của Thuận nói "ở VN cuộc sống dạy: "tôi tính toán nên tôi chưa chết""

Chinatown là quyển có phong cách viết và nhịp khác nhất trong 9 quyển, bắt đầu từ đây, ý nghĩ liên hệ nhân vật và người tạo ra nhân vật - nhà văn Thuận, hình thành; một người đọc thông thường tự nhiên sẽ hình thành ý nghĩ như vậy. Chinatown tôi đọc ngày 7 tháng 7 năm 2009, hôm nay nhìn lại nó tôi mới nhận ra gần như tròn 16 năm; nó vẫn lưu lại trong tôi là một quyển tiểu thuyết có cách viết, nhịp ấn tượng với tôi tại thời điểm đọc nó; hôm qua tôi vẫn chọn nó trong 2 quyển thích nhất của Thuận

Paris 11 tháng 8 là quyển yếu ớt nhất trong 9 quyển. Ngay cả so nó trong bộ 3 gồm cả chính nó, Made in Vietnam, Chinatown, tạo ra 3 cái tên với 3 vùng địa lý dù bối cảnh trở đi trở lại Paris Pháp, Saigon Hà Nội VN, thậm chí Nga... nhưng nó lại là tiểu thuyết đặc phong cách VN những năm 2000. Tại sao đã viết được Chinatown rồi Thuận lại có thể viết Paris 11 tháng 8 nhạt như thế; có thể xem là kết của một chặng

để mở một chặng mới, một cú tạt đường đổi hướng rồi xuất hiện T mất tích. Lần đọc lại này, T mất tích vẫn đứng đầu yêu thích của tôi trong 9 quyển Thuận viết. Nó đúng một tiểu thuyết mà người ta cầm đọc không cần ngó tên tác giả không cần care tác giả này từng đã viết gì và khi kết thúc quyển sách người ta nhận thức "tôi vừa đọc một tiểu thuyết", không một chút tác động định kiến. Một tiểu thuyết rất Pháp và, đến giờ tôi vẫn nghĩ về Céline, Houellebecq khi đọc T mất tích [nhân vật của T mất tích cũng nhắc đến Céline Đi đến cùng đêm]. Thuận thuộc về ngả ấy, có thể lúc viết T mất tích cũng là khoảng thời gian Thuận đọc và dịch Houellebecq, có thể. Cũng từ đây, một cảm giác lơ lửng về xã hội với những con người bức bối trong cái nhàm chán của đời sống được dựng nên và, trở đi trở lại trong những tiểu thuyết sau đó, dù không được làm tới cùng; chính lẽ đó, T mất tích, nhân vật T xuất hiện ngay từ cái tên nhưng cả quyển tiểu thuyết T mất tích, các nét rời rạc, nhân vật T chưa từng xuất hiện, T không phải nhân vật, tên của T có 2 loại dấu, trong con mắt ông chồng Pháp thì cái tên Á châu của T có dấu bên trên và bên dưới, dấu bên dưới không biết đặt vào chữ U hay  🙂. Sau T mất tích, tôi nghĩ Thuận khó viết được gì tiểu thuyết hơn. T mất tích thật

vì ngay sau là Vân Vy. Vân Vy là quyển nhiều đường. Đường ngọt tạo cho người đọc Thuận vui nhất thời với một câu chuyện có vẻ tình. Đọc nó cũng được, không đọc cũng không sao bởi ngay trước đó đã đọc T mất tích rồi, còn gì hơn được nữa ở Thuận

tiếp tục theo đà T mất tích thật là Thang máy Sài Gòn 2013 và Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư 2015. Cả 2 lại quay về phong cách Made in Vietnam; sau Chỉ còn 4 ngày... tôi đã nghĩ tôi dừng lại Thuận được rồi. Không còn gì

nhưng vẫn là tôi, thấy sách Thuận viết và dịch, tôi vẫn mua và, tôi phải chịu trách nhiệm nên 2 quyển Thư gửi Mina và Sậy là 2 quyển đọc mới hoàn toàn trong lần đọc một vệt 9 quyển lần này của Thuận. Nhân vật chính của Thư gửi Mina là nữ nhà văn gốc Việt sống ở Paris, tên Ma-đam Th 🙂, viết 30 bức thư gửi người bạn Mina gốc Afghanistan mà cô đã mất liên lạc sau ngày họ tốt nghiệp đại học ở Nga 🙂, 30 bức thư được viết trong khoảng hơn 1 năm nhưng tôi nghĩ Thuận đã lồng đã kể gần như đủ chi tiết của nhiều năm viết, đọc và dịch của Thuận [Thang máy Sài Gòn được nhắc đến nhiều nhất, có một quyển gì 2000 tôi nghe quen lắm mà tôi ngại mở ra tìm lại; chi tiết nằm đọc Xạ thủ nằm bắn (Thuận dịch), đọc Duras, Sartre, Modiano (Phố; nhờ thế tôi biết Thuận dịch một quyển của Modiano lấy tên Bé Ngọc, vào wordpress có thể thấy; trong Sậy thì Simenon, Tolstoy, AQ chính truyện Hồng lâu mộng... quyển mới nhất 2025 Thuận viết thẳng tiếng Pháp nhan đề cũng gì gì Tolstoy thì phải) điều tôi không thích là Thuận nhắc đến, trích dẫn nhiều tác giả, nhưng chỉ nhắc, trích những gì được đọc được biết đến phổ biến nhất của tác giả đó, tôi rất không thích điều này khi nhìn người khác đọc; thí dụ cứ Tolstoy là câu điển hình "các gia đình hạnh phúc giống nhau... bất hạnh..." rồi cứ Proust là Swann nhắc cho có]. Thư gửi Mina chỉ thay đổi hình thức giữa việc ta đang đọc tiểu thuyết văn xuôi và ta đang đọc tiểu thuyết là những bức thư [tự nhiên quên cái từ dành riêng cho hình thức tiểu thuyết là những bức thư, Julie hay nàng Heloise đó] còn câu chuyện vẫn là chủ đề quen thuộc. Sậy cũng như vậy [nhân vật chính học văn chương Sorbonne giống Thuận], dù bối cảnh ở Paris Pháp hay Saigon Hà Nội VN thì hôm nay, ta vẫn phải nhìn về những thể chế chính trị, nút vặn vết hằn quá khứ. Thư gửi Mina viết tốt hơn, Sậy 1/3 đầu cũng cho ấn tượng viết ổn định nhưng càng sau càng tuột, đến 1/3 cuối thấy rõ là vụn, nỗ lực vô vọng tìm một cái kết

sau này tôi vẫn có thể tiếp tục đọc Thuận, nếu thuận tiện 🙂 còn mảng Thuận dịch thì tôi vẫn thường theo dõi. Thuận định cư Pháp, một số từ khi viết về VN đương đại dùng hơi lạ, nhưng những đoạn viết về VN cho thấy một Thuận gắt, nó sẽ rất gần với một chỉ mục nhiều người đọc hay đọc ở blog nhilinh "thời chúng ta", Thuận trỏ và gọi tên thời chúng ta sắc hơn phần lớn chúng ta đang sống ở đây, lúc này. Một cá tính không phải vừa 🙂

ps. hôm lâu nói chuyện với một đứa tiểu iêu gần 35 tuổi rồi, trích một câu trong stt của bạn fb có từ "tuột xích" đại ý anh a cô b dân văn khoa tuột xích :))) đứa tiểu iêu này đọc hiểu kém, nó cái gì cũng đòi tra từ điển đầu tiên trong khi ngôn ngữ có tính tượng hình tượng thanh mô phỏng và cho cảm nhận rất tự nhiên, nhất là trong văn cảnh, màu sắc câu cú rõ ràng... nhưng nó cứ đòi phải tra từ, nghe không hiểu là cứ hỏi ngay [mà nhiều việc nếu nghe mà tự nhiên không hiểu thì có giải thích thế nào cũng không hiểu đâu], nó cứ hỏi tuột xích là ý làm sao; tôi bảo nghe câu văn không hiểu à, rồi giải nghĩa cho nó về tuột xích theo cách hiểu của tôi [tôi đã không hiểu sai, dù tôi chưa đọc nó bằng văn bản hay nghe tiền bối nào nói, tôi hay nói tôi nghèo mọi mặt trận là thế]. Nhưng tôi gần như chưa đọc từ "tuột xích" được in vào sách, trước đấy cũng chỉ thấy trong Thang máy Saigon, có lẽ các bạn làm mấy mảng chính trị, báo chí chính thống chắc sẽ nghe tiền bối nói nhiều và nhìn thấy nhiều; trong Thư gửi Mina, "tục xích" "tuột xích" cùng nhau xuất hiện và nó gắn với motif quen một thời chúng ta, được cử đi học đi công vụ ở Đức ở đâu đó thì "tuột xích"/"tục xích" ở Pháp hay đâu đó và không trở về VN - thời ấy người ta nói "dạng tuột xích"/thành phần tuột xích 🙂

8.7.25

T mất tích thật




chưa cần đọc 2 quyển gần nhất của Thuận xuất bản ở VN thì tôi cũng biết Thuận khó lòng viết được gì hay hơn T mất tích; đọc lại T mất tích vẫn thấy đáng, sau T mất tích thì T mất tích thật. Một tiểu thuyết rất Pháp, khác hẳn Paris 11 tháng 8 tên và bối cảnh Pháp nhưng lại là tiểu thuyết rất VN trong giai đoạn những năm 2000 [chán è sorry]

7.7.25

the owl

 


quyển đầu tiên đọc của Patricia Highsmith là Người lạ trên tàu, Highsmith thực hành văn chương homage Poe, Dostoievski không thể tuyệt vời hơn; nên đã tiếp tục đọc Tiếng cú kêu [một nhân vật trong Tiếng cú kêu cũng đọc Quỷ và băn khoăn sao Kirilov phải nói nhiều thế trước khi chọn cái chết, Kirilov thực sự đã nghĩ gì về sự hiện hữu của Thượng Đế, nhân vật này còn biết giữa Yeats, Keats và Blake thì chọn đọc ai mới đúng vào thời điểm mà các suy nghĩ của họ nảy ra...]

một quyển trinh thám thiên về tâm lý nhân vật, đây là thế mạnh của Highsmith và nhiều người chỉ chuyên đọc trinh thám chắc sẽ tiếp tục gặp thử thách với tác giả và phong cách trinh thám này. Tiếng cú kêu thực sự gây bức bối cho người đọc, đọc nó cảm thấy nhộn nhạo trong lòng, lo thay cho các nhân vật mà mình đã chọn lựa đứng về phía họ ngay từ những dòng đầu tiên cho thấy mình đã lựa chọn được nhân vật của mình. Tại sao lo à; vì các kịch bản cuộc đời cho ta bài học, những người không sợ nhiều, cái mà phần đông thường sợ, thì cách hành động, tư duy cuộc sống, số phần của họ sẽ phải chịu các lực giáng khủng khiếp hơn [Ông Trời cho chơi game khó, có thể nghĩ ông ấy là trẻ con thích trêu cợt và hay ghen với con người cũng chẳng ngoa đâu, có gì sai à]. Ở đây là cái chết, nhân vật của truyện đã có những nhìn thấy trước như vậy, tiếng cú kêu
với họ là hiện thân của điều đó [tí nữa tôi phải search xem phiên bản phim của truyện này mới được, xem đạo diễn chọn khuôn mặt diễn viên thế nào, vì tâm lý tất tật các nhân vật trong truyện và phản ứng của họ đều khiến tôi ít nhất cũng phải nhướn mày tự hỏi "thật ư, làm thế nói thế được à"]

tên nguyên tác The cry of the owl làm tôi nhớ đến một bài thơ The owl của Edward Thomas tôi đọc hồi mấy năm trước, tìm hiểu về Edward Thomas cũng vì từ hướng Walter de la Mare của tôi thôi

ps. sách hơi nhiều lỗi typo cho dung lượng khoảng 450 trang khổ cơ bản cỡ chữ to [đọc sách XBK, Forma rồi, nhìn sách gì cũng thấy chữ to như quả trứng gà :p]

#Tiếng_cú_kêu
#Patricia_Highsmith

1.7.25

Marie-Aude Murail



một tác giả hiện đại có mảng riêng viết cho thanh thiếu niên tôi thích. Không giống Neil Gaiman, tôi nghĩ đã đủ, có thể khép lại; tôi vẫn sẽ tiếp tục đọc Marie-Aude Murail, nếu còn được dịch

4 quyển trong ảnh, tôi đọc Oh Boy năm 2010, ngay sau đó là Nỗi niềm anh trông trẻ 2011, vài năm sau Người anh không lớn và gần nhất, hôm nay vừa dứt Tiểu thư Charity. Còn thứ tự sáng tác và xuất bản thì như trong ảnh. Quyển ít ấn tượng nhất là Nỗi niềm anh trông trẻ, 3 quyển còn lại tôi không biết mình thích quyển nào hơn 🙂

charity



lâu lắm mới đọc một quyển tiểu thuyết có thể xem là viết cho thanh thiếu niên, độc giả trẻ, tất nhiên, tuổi nào cũng đọc được nó chứ, mà cảm thấy dễ chịu thích thú như thế này. Nó sẽ là nguồn cảm hứng cho người bị xem là "không đổ vừa" cái khuôn của các chuẩn mực, cũng như "không thích hợp" để làm gì đấy; nhưng nguồn cảm hứng này không viết những lời suông như cháo súp mềm uống ực cũng xong. Một cách để thuần hoá con chim hoang dã của mình và nhận ra giọng chủ của nó, đó là giữ nó luôn hoạt bát, ý chí hoạt bát và sự cần mẫn kiên trì, đừng quên kỷ luật sẽ đưa ta đến được nơi mà dục vọng chỉ có thể "muốn" và, ở đó, tài năng được chín muồi chính trong sự cô độc; hãy nhớ

Tiểu thư Charity được Marie-Aude Murail viết nhiều màu sắc kịch, dựa trên thời thơ ấu và một quãng trưởng thành của Beatrix Potter; lấy bối cảnh nước Anh cũng gần khoảng niên thiếu của Beatrix, những năm 80-90 của thế kỷ 19; thế nên đã có Oscar Wilde và Bernard Shaw xuất hiện, ngay cả thời điểm Wilde ngồi 2 năm tù cũng là sự kiện được nhắc đến. Tôi luôn thích thế giới các tiểu thuyết châu Âu thế kỷ 18, 19 nên Tiểu thư Charity có đúng các tiêu chí cơ bản, đặc biệt câu chuyện dựa trên một phần tiểu sử của Beatrix Potter của tôi, lại được viết bởi một tác giả hiện đại tôi yêu thích; tôi thích nó có thể xem là đương nhiên

nhân vật Charity trong gần 500 trang sách luôn làm người ưa mơ mộng, sống cô độc khép mình như tôi [nhưng tôi không là người mơ mộng] tự nhủ, rất có thể, nếu mình là người quảng giao, không nhút nhát, không cô đơn, mình đã sống khác, không làm bạn với sách vở cây cối các con vật và như vậy, thật đáng tiếc quá, chỉ một lần đến để ăn và bị ăn [theo Hamlet]. Tôi nhìn thấy một phần mình qua nhân vật Charity, tất nhiên, ý chí sự nhân hậu kiên trì chăm chỉ của cô ấy, tôi không tính đến rồi 🙂 [nhân vật nam chính trong truyện đã nói một câu vừa thật vừa cợt, đại ý, tên là Charity thì hẳn người ta phải dễ chịu lắm]

trong không khí lúc này, từ tiểu thư Charity - nhân vật có tâm hồn sống động, tụng Shakespeare đến thuộc, không chỉ kịch mà cả sonnet, tôi muốn quay lại đọc Shakespeare và Jane Austen [tôi nhìn tôi, luôn thấy mình gần thế giới các tiểu thuyết của Austen], mảng kịch của Oscar Wilde và Bernard Shaw [tôi đã bỏ ngang Shaw đang giữa truyện ngắn, khi đọc các nhân vật của Tiểu thư Charity trích dẫn lời kịch của Wilde và Shaw, tôi thấy hứng thú lại; tác giả Marie-Aude Murail đã đề lời cảm ơn đầu sách tới chú thỏ của Beatrix Potter, chú quạ của Charles Dickens (tất nhiên rồi) và Oscar Wilde, Bernard Shaw chính vì như vậy, những thoại kịch đã đóng góp rất nhiều màu sắc cho quyển sách]

ps. sách có khoảng 20 lỗi typo