Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

15.8.24

người phụ nữ mẹ



quyển sách đọc lâu rồi, mãi gần đây vô tình mới biết tác giả Shin Kyung Sook là nữ nhà văn châu Á đầu tiên thắng giải The Man Asian Literary - giải thưởng cho tiểu thuyết hay nhất viết bằng tiếng Anh hoặc dịch sang tiếng Anh của nhà văn châu Á, và Shin Kyung Sook thắng giải với Please look after mom [tôi biết tin này vô tình do bạn gửi cho bài báo độ mấy năm trước đưa tin Shin Kyung Sook bị văn đàn Hàn tố đạo văn. Hãy chăm sóc mẹ giành giải thưởng người ta gọi là Man booker châu Á; hình như Man Group đã dừng tài trợ giải thưởng này ở châu Á sau vài năm, sự việc ấy cũng chừng 10 năm rồi, không biết giờ có nhà tài trợ hay quỹ nào không]


cả chiều dài câu chuyện, không xuất hiện câu Please look after mom - Hãy chăm sóc mẹ, nó chỉ xuất hiện khi câu chuyện khép lại, ngay sau nó là dấu chấm hết tiểu thuyết, khi nhân vật nhà văn trong truyện sau 9-10 tháng cùng cả gia đình không tìm được mẹ của mình đi lạc ở ga tàu Seoul, cô ấy đi du lịch và ngắm bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Chính lúc ấy, cô ấy nói câu cuối cùng khép lại tiểu thuyết: hãy chăm sóc mẹ


người ta thường biết những tiểu thuyết thế này sẽ kể câu chuyện gì, tôi nghĩ rất nhiều người đọc tiểu thuyết sẽ biết nó kể chuyện gì, thậm chí kể như thế nào dù không phải nhà văn; vậy hãy nói chi tiết khiến mình nhớ nhất về quyển sách đã đọc sau 13-14 năm gặp lại


đó là chi tiết nhân vật nhà văn nhớ lại, lúc này mẹ cô đã đi lạc nhiều ngày mà không có tung tích, cô nhớ lại một buổi chiều trở về nhà không báo trước, mẹ cô không kịp làm căn nhà trở nên sạch sẽ tươm tất như mọi khi được con cái báo trước sẽ về nhà; và cô được chứng kiến nhà cửa tuềnh toàng còn mẹ thì đau đầu đang nằm co mình như bất tỉnh, không thể khóc nổi vì đau, sau đó khi bà đã đỡ hơn, mẹ và con gái nói chuyện, không biết vì lẽ gì cô kể với mẹ rằng ở tư cách nhà văn, cô được mời đi nói chuyện với những người khiếm thị về quyển sách của mình được làm phiên bản chữ nổi và đó là cảm giác ngôn ngữ hạn hẹp bất lực, không ngôn ngữ nào nói được khi cô đứng trước hàng trăm người "không nhìn được", cô tự hỏi mình biết nhìn đi đâu khi nói [tôi nghĩ, tại sao không chọn nhắm mắt để nói chuyện với những người không nhìn được hay là, ta biến mình thành đôi mắt của họ, chẳng phải một người khiếm thị đọc tiểu thuyết của cô và đã hỏi cô về đất nước và chuyến tàu cô đi trong tiểu thuyết của cô hay sao]


đó là chi tiết khi cầm tờ rơi tìm mẹ đi in ở hiệu in photocopy, người đàn ông chủ hiệu mặc một bộ quần áo sờn và chất vải lạ ít gặp. Cô nhà văn vô tình nhận xét về bộ quần áo, người chủ hiệu nói với cô rằng mình bị dị ứng sợi vải, chỉ duy nhất loại vải mình đang mặc là không gây dị ứng, thế nên mẹ của ông đã tự khâu may cho ông những bộ quần áo như bộ đang mặc bằng loại vải đó, và khi mẹ ông mất, mở tủ quần áo của mình ra, ông nhận ra chỗ quần áo này đủ cho mình mặc tới tận cuối đời và bộ ông đang mặc chính là như thế. Nói đến đây cô nhà văn bất giác nhớ đến em gái nói chuyện với mình rằng, khi có chồng và 3 đứa con, cô ấy gần như căm ghét cái bếp căn nhà đang ở, chuyện nấu nướng dọn dẹp khiến cô ấy không hạnh phúc, thậm chí đã đập và ném đồ vật để giải toả, lúc ấy cô nghĩ đến mẹ mình - người phụ nữ cả đời phục vụ con cái ăn uống bếp núc, lại kiêm luôn trụ cột kinh tế gia đình làm lụng nuôi 4 đứa con, vậy mẹ chúng ta có hạnh phúc khi làm điều ấy không [bà mẹ nói, mẹ không tự hỏi mẹ có hạnh phúc hay không, mẹ bận bịu và mẹ làm việc mẹ phải làm thôi, có hôm mẹ đã đi ra sau nhà đập vỡ nắp chum đấy]; cô nhà văn nghĩ vậy và hỏi ông chủ hiệu rằng: ông có nghĩ rằng mẹ ông là người hạnh phúc không; chính ở đây Shin Kyung Sook ghi điểm với tôi, ông chủ hiệu nói rất lịch sự nhưng vẻ mặt thể hiện rằng, lời của cô là bất kính với người mẹ của tôi, ông nói: mẹ tôi không giống với phụ nữ ngày nay


cuốn tiểu thuyết này có một điểm tôi cho là ưu điểm, đó là dành một chương cho người phụ nữ mẹ được nói, như một ảo ảnh còn vương vấn thế gian và để như thế thay vì tìm một kết thúc cụ thể, trong đó bà nói về những bí mật giấu kín, những điều muốn nói [còn motif khi người thân mất tích, những người còn lại trong gia đình, mỗi người được dành các phần các chương các cảnh phim riêng, nhìn sự việc bằng con mắt điểm nhìn của mình, hồi tưởng... đó là điều thường gặp trong ngôn ngữ văn học và điện ảnh] ở chương này, người mẹ mất tích bày tỏ một mong muốn với cô con gái út, đại để: con là một đứa trẻ tài giỏi, con đã tự do cương nghị thể hiện mình, dắt mẹ đi đến trường đại học của anh con để biết sinh viên đã đấu tranh đòi dân chủ thế nào, anh con đã bị đánh bị dính xịt cay khi biểu tình vì điều gì... vậy tại sao con lại đẻ tận 3 đứa con để rồi từ bỏ tất cả những mơ ước tuổi trẻ và nếu đấy là lựa chọn của con vậy ít nhất hãy chọn hạnh phúc, tại sao con lại chọn lựa chọn mà con không hạnh phúc 


đó chính là cái nhìn của người biết và hiểu đau đớn là thế nào, nên chính họ, luôn muốn mang hạnh phúc đến cho người khác dẫu chịu thiệt thòi an phận về mình. Hết quyển sách, ngày ấy, tôi bị ám ảnh mãi trong tưởng tượng về một đôi dép màu xanh đã lằn vết trên ngón chân người, lằn nghiến vào lộ rõ xương và mưng mủ bốc mùi hoại tử ruồi nhặng bu vào - đó chính là hình ảnh người mẹ già bị lẫn và đi lạc ở thành phố lớn quanh các điểm mà các con bà từng ở, họ chỉ nhớ được những việc rất xa xôi khi bệnh tật chưa gặm nhấm đến vùng ký ức ấy


[...]


quyển sách có obi này của tôi chiều nay đáng gả sang nhà khác, nhưng đổi lịch nên ở thêm nhà tôi 1-2 ngày; tôi không định viết về những quyển sách kể những câu chuyện đánh động những tình cảm, cảm xúc tất phải có, điển hình như không thể điển hình hơn ở con người [nên khi nghe bạn fb bảo em học Ngữ văn Hàn quốc và đề tài em chọn làm tốt nghiệp là hình ảnh người mẹ trong văn chương đương đại Hàn, tôi nghĩ kiểu gì cũng có Hãy chăm sóc mẹ]... thay vì thế tôi thích nghe bạn bè kể với giọng của họ về những điển hình, tất phải có, vì chỉ cần có thể qua một vài từ hoặc chất giọng, ngữ điệu, biểu hiện cơ thể nét mặt hay sự lặng im của họ, tôi biết tình cảm, cảm xúc của họ... thế nhưng vừa rồi lại có một quyển Hãy chăm sóc mẹ nữa vào nhà tôi, quyển sách không obi, chất giấy ngà xốp hơn chất giấy quyển sách của tôi. Thế nên tôi ngồi nhàn quá sinh ra cầm điện thoại type :) 

Không có nhận xét nào: