Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

14.10.24

với cha

 


tôi là điển hình cho cái nhìn né tránh những gì văn chương làm với các mối quan hệ tình cảm đẹp theo cách đương nhiên là nó phải đẹp, hay dẫu nó có đẹp theo cách đương nhiên ấy thì với tôi cũng rất khó lay động ở tầng sâu [ở đây cách hiểu khác về, tình cảm đẹp không làm nên tác phẩm lớn, vẫn cứ đi được con đường của nó, thế mới đau]; vì cái đương nhiên ấy, không cần vời đến văn chương, con người lại còn xa lạ với nó hay sao khi đã là một con người. Tiếp tục sống một cuộc đời không thể bắt đầu lại đó là việc của một người bình thường hoàn thành các sự kiện cơ bản của phận người. Còn văn chương nghệ thuật, từ tất cả các điểm nhìn, quan sát quá trình ấy mà hun các mẫu, các mẫu này tác động lại con người đọc chúng theo cảm tri riêng

khi chọn thứ gì giải trí, hiếm khi, có thể nói là bần cùng bất đắc dĩ, tôi mới chịu để mình vào thế giới những gì nói về tình cảm, mối quan hệ của cha mẹ và con cái. Tôi dựng một tấm khiên trước thế giới ấy, nhưng không biết thế nào mà tấm khiên phản trắc ấy lại có gai lại còn quay mặt gai về phía tôi, thật đúng nòi phản trắc, đồng thời để chống để che chắn bịt lại thì nó còn có công năng đả thương tôi, không gì được cả không gì mất tất; mỗi khi một lực nhỏ tác động, dù một chút cựa rung thôi hay nện giã trái phá, gai nhọn đều khiến tôi đau đớn và tôi phải nghiến răng chấp nhận chịu đựng quan sát nó như không; tấn bi kịch nào cũng sẽ nên không, nó mất hình thái ban đầu bi kịch [dù vẫn nguyên ở đấy, thậm chí, có thể thành mê cung bi kịch], theo thời gian, Arnold Bennett Chuyện các bà vợ già đã nói lại với tôi điều ấy

Hãy về với cha, có sau Hãy chăm sóc mẹ 10 năm; trong câu chuyện vẫn xuất hiện một nhân vật tôi là cô con gái, một nhà văn. Cô nhà văn này có lần nói với cha mình rằng: công việc của con là sửa đi sửa lại những gì mình đã viết, dường như con đang lạc lối, con không còn biết con đường con vẫn luôn muốn đi, dường như con viết không phải vì con muốn viết, con viết vì kiếm sống

khi đọc được lời tâm sự này của nhân vật tôi nhà văn nói với cha cô ấy, tôi biết cô ấy nói thật. Nó giống với suy nghĩ của tôi khi đọc Hãy chăm sóc mẹ và giờ là Hãy về với cha rằng, người này viết nhưng không đặt cảm xúc của mình vào, một thứ văn chương "điêu" viết để lấy cảm xúc người đọc, không xuất phát điểm từ nhu cầu tự thân

biết điều ấy nhưng tôi vẫn thử quyển thứ 2 vì Shin Kyung Sook không phải cái tên mù mờ trên văn đàn quốc tế, thế nên phải đọc thì mới biết tránh. Tránh đầu tiên là mảng tình cảm gia đình; còn nỗi buồn trưởng thành và cô đơn giữa đô thị [mà các nhân vật của cô ấy trong 'chăm sóc mẹ' 'về với cha' được thể hiện tốt dù chiến lược văn bản tác giả không nhắm đến để đi sâu] thì nếu tiện, tôi sẽ thử tiếp, tôi không thích mình điêu, mà muốn không điêu thì phải đọc thôi

Không có nhận xét nào: