Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

15.9.24

giao lộ



xây dựng câu chuyện về một thành phố nơi những người đã chết đến được thành phố này, dừng lại mãi mãi ở độ tuổi mà họ ra đi và sẽ biến mất khỏi thành phố khi không ai còn sống nhớ đến họ; theo nghĩa nào đấy thì chừng nào một ai đó đã chết còn được một ai đó sống nhớ đến, kể về thì chừng đó người đã chết đang sống một cuộc sống khác. Những câu chuyện về khoảnh khắc vượt giao lộ sống - chết rất khác nhau, như nhiều tỷ con người ở thế giới này không ai sống một cuộc sống giống ai. Nhưng khi kể về cái chết của mình, tôi dám nói, người ta có khuynh hướng kể về nó chi tiết, tường tận, cường điệu nó hơn; dẫu đâu có bao nhiêu cách đâu, nếu không phải do trái tim thì sẽ do cái đầu đã mang người ta vào cõi chết; và dẫu chỉ có vậy ai cũng giống như ai nhưng đường vào cõi chết thì không ai giống ai cả; chắc hẳn không bao giờ có hai câu chuyện giống nhau, ngay cả khi do một bệnh dịch lan tràn gây ra số lượng lớn những cái chết 


"rất nhiều xã hội Phi châu chia con người thành ba loại: những người còn sống trên mặt đất, người sasha và người zamani. Những người vừa mới lìa trần đã có một khoảng thời gian sống cùng với những người còn sống là sasha, những-người-chết-đang-sống. Họ chưa hoàn toàn chết vì họ vẫn sống trong ký ức của những người còn sống, có thể được gọi về trong tâm trí người sống, có thể được tái tạo trong nghệ thuật, và có thể được người sống mang họ về thực tại trong các câu chuyện kể. Khi người cuối cùng biết vị tổ tiên kia chết đi, vị sasha đó sẽ rời bỏ tình trạng sasha để trở thành zamani, người chết. Được khái quát gọi là tổ tiên, người zamani không bị quên lãng mà thay vào đó, họ được hết mực kính trọng, thờ bái. Rất nhiều zamani... còn lưu danh lại. Nhưng họ không còn là người-chết-đang-sống. Bản chất hai trạng thái khác nhau"


điều gì xảy ra nếu không ai còn sống để nhớ về những người đã ra đi. Khi bối cảnh là cuối thế kỷ 21 một bệnh dịch đã lấy đi mạng sống của xã hội loài người, thành phố giao lộ kia tràn ngập người đến cùng một lúc và có lẽ một người ở Nam Cực là người còn sống sót duy nhất và không có gì chắc chắn sẽ tiếp tục. Không còn ai để nhớ về ai nữa hay về một loài người đã từng sống. Thế là hết; từ cuối cùng của loài người là nothing như Claude Lévi Strauss nói. Một người có thể nhớ có thể lưu ký ức về bao nhiêu người và ngoài ràng buộc sinh học, tâm trí thì điều gì tạo nên mỗi người; sinh mệnh của ta, trạng thái sinh tồn của ta đơn giản ta là người có quyền tối thượng quyết định nó hay nó thuộc về tất tật những người ta đã lưu dấu vết trong ký ức của họ 


một câu chuyện dễ đoán, không mới mẻ, tôi đọc nó hơn 10 năm trước, sách gả đi nên phải hoàn thiện ghi chú lưu trong laptop; nó gợi nhiều đến Người truyền ký ức, hay như sau này tôi có đọc The memory police của Yoko Ogawa... nhưng những băn khoăn thì vẫn ở lại, những câu chuyện để kéo giãn vùng giảm chấn những băn khoăn


ps. hôm trước nằm trong phòng nghe gió bão rít giật, tôi đọc một tin về căn hầm loài người lưu trữ các loại hạt giống thực vật trên toàn thế giới ở Nam Cực và bài viết nói, nếu một ngày sự sống loài người đi đến diệt vong thì bạn biết bạn sẽ phải đi đâu để tìm "nó" đấy. Tôi không nghĩ vậy, những cây mãi xanh, dẫu có con người hay không 


Không có nhận xét nào: