Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

16.5.25

sa mạc và biển cả



trong lúc giải lao, kiếm một quyển trinh thám đọc. Quá sẵn trước mắt, quyển duy nhất của Bussi chưa đọc trong nhà và, hình như là quyển Bussi còn lại duy nhất tới lúc này. So với những gì đã đọc Michel Bussi thì Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé, là quyển trinh thám yếu ớt, thậm chí gây thất vọng. Cái cứu vãn, giữ chân tôi đọc không bỏ sót không nhảy cóc, thậm chí nhiều đoạn đọc lại, không phải vì nó là một quyển trinh thám của Bussi mà tôi từng nói Bussi được dịch quyển nào tôi sẽ đọc quyển đó không bỏ qua, cũng không phải vì nó là một quyển sách về Hoàng tử bé [không phải taste của tôi], mà vì nó chứa nhiều chi tiết về Saint-Exupéry, tôi muốn biết người khác nghĩ gì về chúng. Quyển trinh thám này được xem như một tổng hợp các chi tiết cơ bản về Antoine de Saint-Exupéry [còn được gọi Saint-Ex, Tonio], cũng như các khả thể mà một tiểu thuyết có thể thâu về sự vụ mất tích của một phi công là nhà văn; vì chọn vụ mất tích hiện vẫn còn là một bí ẩn, liệu đến một ngày nào đó, tất cả chúng ta đều sẽ có vẻ như đã chết, nên Bussi hẳn đã đọc nhiều tài liệu, những lời chứng mâu thuẫn nhau và, cách nhìn văn bản Hoàng tử bé như một ẩn dụ ứng với các sự kiện của tác giả

tôi có linh cảm theo hướng ác cảm rằng, sẽ chẳng có gì cho tôi với những người thích Hoàng tử bé, họ càng cuồng Hoàng tử bé thì tôi càng phải tránh xa dẫu cho ngay ấn tượng ban đầu cho thấy tôi và họ hoàn toàn có thể hợp nhau thế nào [thứ duy nhất liên quan Hoàng tử bé, ngoài quyển sách, trong nhà tôi là một tranh khổ nhỏ do Sun mới vẽ tặng gần đây, thế nên tôi giữ; chứ những kẹp sách etc. Hoàng tử bé, vô tình lạc vào nhà tôi là tôi đẩy đi bằng hết]. Nhưng nếu họ là độc giả của Saint-Exupéry thì câu chuyện lại hoàn toàn khác; nhờ quyển trinh thám của Bussi mà tiện đường, đang từ nghỉ giải lao bằng một quyển trinh thám, tôi ngoặt sang đọc Saint-Exupéry trong nhà; cũng tiện, coi như được một vệt xem còn có thể đọc lại hay không; lúc trẻ tôi từng nghĩ Hoàng tử bé là thứ tôi có thể đọc lại qua mỗi năm, nhưng hóa ra dù đã đọc ít nhất 2 lần lúc trẻ nhưng tôi lại chẳng đọng lại gì, thậm chí nếu không đọc lại các trích dẫn Hoàng tử bé nhắc đi nhắc lại trong Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé, tôi còn chẳng thể nghĩ đã từng đọc nó

15.5.25

Mauriac thơ



lần đọc Mauriac này, đọc lại Bí ẩn nhà Frontenac nối vào đọc mới Sa mạc tình yêu và Người đàn bà đạo đức giả với mối nối bởi những nhân vật cậu bé ngưỡng tuổi 15-18 và cần tìm lại vài thứ. Với tôi, Bí ẩn nhà Frontenac như bán tự truyện của Mauriac, khiêm tốn thì tôi nghĩ nó chứa nhiều chi tiết, rất nhiều chi tiết của chính Mauriac

Bí ẩn nhà Frontenac đọc khoảng 20 năm trước, 8 năm trước lúc đọc Người vợ cô đơn là không còn nhớ gì về nhà Frontenac ngoài cảm giác hạnh phúc gia đình êm đềm mà tôi đánh đồng "hình như là hạnh phúc của chính gia đình Mauriac", tôi đã nghĩ là mình đã nhớ không nhầm. Sau hơn 20 năm đọc lại nhà Frontenac, đúng, tôi đã nhớ không nhầm, nhưng tôi cảm nhận khác xưa, không phải cảm giác êm đềm của hạnh phúc gia đình lấn át mà là cảm giác mọi thứ trôi tuột bất khả vãn hồi, bị xua đuổi khỏi thiên đường ấu thơ, ở độ tuổi 15-16 sớm mù mờ thấy tình cảnh này và ngoài 20 nhận ra sờ sờ một trình hiện sa mạc, làm sao để có ý chí tiếp tục nếu không có ý chí của Đấng nào đấy hiện hữu. Mauriac - nhà văn Công giáo, khí chất con người Công giáo và Bí ẩn nhà Frontenac là một tia sáng của tình yêu vĩnh cửu [theo con mắt người có đạo] được khúc xạ qua một dòng họ

que les oiseaux et les sources sont loin/ ce ne peut être que la fin du monde, en avancant [Rimbaud]

tôi đọc lại nhà Frontenac vì muốn tìm lại mấy đầu mối, tôi luôn nghĩ đây là bán tự truyện, đặc biệt là giai đoạn Mauriac thơ, Mauriac chưa đầy 20 tuổi. Cậu bé Yves Frontenac là hình ảnh thơ ấy, 15/16 tuổi cậu hay ngồi một mình lánh mọi người, cần và muốn một mình, lén viết những vần thơ "những gì vốn là bí mật của nó và Đức Chúa [...] họ hiểu gì về cái ngôn ngữ mà chính nó không phải lúc nào cũng có chìa khóa mở vào" mà anh trai cậu hay người khác đọc cho rằng đấy là thơ Rimbaud trong khi cậu còn chưa nghe đến Rimbaud bao giờ "Rimbaud là ai"; rồi những bài thơ được Paul Morisse duyệt, đăng trên Mercure de France; Yves nhận sự khích lệ của Gide [trong truyện, khi đã tới Paris (tất nhiên Bordeaux, quê hương của Mauriac, luôn xuất hiện trong tiểu thuyết của ông, cũng là nơi từ đó những cậu bé lớn lên, trưởng thành và từ đó mà đi), được các bà các cô hỏi nghĩ gì về Paludes của Gide, Yves nói mình chưa đọc nó; và ai cũng biết Gide và Mauriac có giai đoạn cỡ 40 năm correspondance], nhận sự ca ngợi của Thibaudet, gặp gỡ Barrès... và tôi còn phải tìm dấu vết, Balzac, Baudelaire rõ rồi [ông bố Michel của Yves là người kinh doanh mơ mộng luôn mang theo mình một quyển sách khổ nhỏ, một nhân vật làm ăn trong truyện bắt gặp ông Michel hôm ấy có La charogne của Baudelaire (chắc ông ấy muốn nói Une charogne) nằm vương vãi trong văn phòng và trong mắt nhân vật "bắt quả tang" này thì Baudelaire hiện lên như người viết ra thứ nhảm nhí và mong rằng người bạn làm ăn Michel của mình có chút ngượng ngập khi bị bắt chợt, không đọc những thứ nhảm nhí như vậy] nhưng tôi nhớ có một chi tiết mà khi đọc Sa mạc tình yêu với Maria Cross được bao nuôi, làm tôi nghĩ đến một người phụ nữ thoáng qua cũng của Mauriac nhưng ở quyển nào thì không nhớ, đọc lại nhà Frontenac mới tìm được bà Joséfa được người chú Xavier của Yves bao nuôi - người phụ nữ đáng kính dẫu thô sơ này thoáng cái đã biết nhìn nhận cô nàng của Yves là hạng đàn bà không hơn gì những cô ả xuất hiện trong truyện đăng feuilleton của Charles Mérouvel - một nhà văn hiểu rõ loại người ấy

Mauriac có con mắt ác hiểm nhìn bản tính con người - lòng tốt là đối trọng cho cái ác của thế gian, tương tự như vậy, là những cặp phạm trù đối trọng nhau, con mắt ấy vừa lọc lõi, vừa tinh hiểm, nhưng cũng rất nhân từ dẫu cho những con người ấy cầu nguyện Chúa rồi lại báng bổ Chúa và ngay cả nghịch âm ấy theo lối nhìn của Mauriac cũng nằm lòng Thiên Cơ, những con kiến người vẫn cần mẫn như không, không có vẻ gì nhớ đến những cực hình, vô vọng đã qua. Yves hiện lên qua mắt mọi người trong gia đình cũng vậy, hễ mọi người ồn ào vui vẻ thì nó cau có, nhưng hễ có việc xáo trộn trong nhà thì hình như mặt mày nó lại có vẻ hào hứng hồ hởi; có một cảnh Yves tóm con kiến vứt xuống hõm cát và nhìn nó leo lên rồi tụt xuống rồi lại leo lên rồi lại tụt xuống, cái phễu cát như con quái vật muốn nuốt chửng con kiến, cậu quan sát quan sát, rồi kiếm lá thông hớt con kiến ra, lúc này nó mềm oặt và bất lực, rồi nó tiếp tục bò đi cần mẫn như không có gì từng xảy ra, cậu nghĩ đến mình đến tiếng nói bên trong "giữa trật tự ghê tởm của thế giới, tình yêu đem lại sự đảo lộn tuyệt vời. Đó là bí mật của Chúa và những người theo gương Chúa... Ngươi được chọn vào việc đó, ta đã chọn ngươi để xáo trộn tất cả. Ngươi biết rõ ta là ai. Ta đã chọn ngươi"; dẫu tự đáp lại tiếng nói bên trong "Không! Không! Không!

và dẫu, Mauriac luôn yêu những tội lỗi, những con người chịu đọa thì sự luôn rõ ràng, đã luôn rõ ràng, những đứa con cứng đầu, trong tất tật, lại là đứa gần Chúa [Dieu] nhất "cậu sẽ không chọn, không gì bắt cậu phải chọn, có lẽ cậu đã sai khi nói "không" đáp lại giọng nói yêu cầu nọ mà có khi là của Chúa. Cậu sẽ không từ chối bất cứ ai. Có thể đó sẽ là bi kịch của cậu, từ đó nảy sinh tác phẩm; tác phẩm, đó là biểu hiện của sự giằng xé. Không từ chối cái gì, không từ chối cái gì cho mình. Mỗi khổ đau, mỗi đam mê đều đắp điếm cho tác phẩm, làm lời thơ bay bổng. Và vì nhà thơ chịu giằng xé nên nhà thơ được tha thứ "Je sais que Vous gardez une place au poète - dans les rangs bienheureux des saintes légions"..."

nhân vật Yves ở tuổi ngoài 20 phải mất nhiều năm về sau mới nhận thức được vị trí của mình, đánh giá được vinh quang của mình. "Vốn là người tỉnh lẻ, luôn kính phục những tài năng đã thành danh, một thời gian dài cậu chưa biết, lờ đi, rằng, chính cậu cũng là một tài năng: vinh quang nảy sinh âm thầm, mơ hồ, tìm đường đi như chuột chũi, chỉ xuất hiện trước ánh sáng sau một hành trình dài dưới lòng đất [...] Yves còn ngần ngại với chính mình, còn tảng lờ lời gọi mời của Paris, cưỡng lại tờ tạp chí tiên phong quan trọng nhất, thậm chí còn do dự chưa muốn gộp các bài thơ thành tập, cũng bởi một nỗi âu lo đang chờ cậu, thơ ca của cậu càng chinh phục nhiều trái tim, cậu sẽ càng cảm thấy mình nghèo đi, những kẻ khác sẽ tận hưởng nguồn nước mà lẽ chỉ mình cậu được uống đến tận cùng [...] và Yves Frontenac làm sao mà cảm thấy trước được sự kinh hoàng khi đứng trước cửa sổ phòng ngủ vào cái đêm tháng Chín ẩm ướt và êm ả ấy. Yves, bên cửa sổ, đọc lời cầu nguyện buổi tối trước những đỉnh núi nhấp nhô của Bourideys và trước vầng trăng đang lờ lững. Ông mong đợi tất tật, khấn lên tất tật, ngay cả khổ đau, nhưng nỗi xấu hổ vẫn tồn tại sau niềm cảm hứng của ông trong nhiều năm, để duy trì vinh quang của mình bằng sự giả dối. Và ông không lường trước được rằng vở kịch này sẽ được thể hiện từng ngày trên một tờ báo được xuất bản sau một cuộc chiến lớn; ông đành chấp nhận điều đó vì đã không viết gì trong nhiều năm. Và những trang viết kinh khủng này sẽ cứu vãn thể diện; chúng mang vinh quang nhiều hơn cho ông, hơn cả những bài thơ của ông [...]

đến đây, câu chuyện về Mauriac thơ, tiểu thuyết có thể chuyển tiếp sang Le Bloc-notes, Mémoires intérieurs, Ce que je crois, De Gaulle, Mémoires politiques

ps. Quyển Bí ẩn nhà Frontenac dịch chán quá, mỗi khi phải tự dịch, tôi chỉ muốn cắm luôn đầu vào ổ điện. Với tôi thì ngôn ngữ nào cũng gây điên tiết cả thôi, sao tiếng Pháp nó cứ nhiều cái phẩy phẩy trên đầu rồi dấu dấu, đánh máy tra từ nó hóc, mà không tự dịch không tự tra không được vì không phải lúc nào cũng đoán được từ do sự nhang nhác của từ tiếng Anh và tiếng Pháp; khi gõ những đoạn trong ngoặc kép cuối cùng trên, đến vài chữ, tôi nhận ra là tôi đã gõ nó trong một giấc mơ/đọc nó trong một giấc mơ và trong giấc mơ ấy tôi cứ đinh ninh là tỉnh dậy mình phải sửa nên ở đây tôi đã xóa những đoạn đó gõ theo sách in, thay vào là tôi tự dịch mà tôi biết là sẽ phải sửa. Post này sẽ phải sửa nhiều, vì những giới hạn lúc này của tôi với Mauriac, nhưng tôi phải dừng để đi tắm gội, quá nửa đêm rồi; không nghĩ để viết nó mà tôi phải chẻ làm mấy tăng trong một ngày, vì tôi ngủ dậy muộn quá, ham chơi quá; hôm nay tôi đã có một ngày sang chấn các thế hệ, ngồi chơi phỏm với mẹ và cháu trong tiếng nhạc thiền nhà hàng xóm, cùng lúc trong tiếng nhạc vàng của mẹ và một cái loa của đứa cháu bật "phải nhạc remix edm mới vui" và giờ đây là tiếng gào gọi về phòng của mèo 🙂


8.5.25

13 năm

rạng sáng mơ thấy M. đi khỏi chỗ của mình, chỉ còn mình em ở lại. Xung quanh rất nhiều lửa. M. cắt hết tóc và râu để lại, nhìn M. rất trẻ. M. nói 20 năm và bay đi

tỉnh dậy nằm khóc cho đến lúc này và, vẫn có một chút an ủi. Vì được thấy lại M. dù chỉ trong mơ, không phải lúc nào cũng được như vậy đâu, rất lâu rồi. Khoảnh khắc trở về và chia xa vẫn là một, nhưng M. nhớ phải về qua. Nhớ phải về qua

13 năm rồi, EMi sắp 18 tuổi, đã trở thành một cụ mèo trái nết 

7.5.25

Mauriac - La Pharisienne




Người đàn bà đạo đức giả - dịch nhan đề thế này thu hẹp tác phẩm, cầu cho ai đấy dịch lại vì nhiều câu trong này chắc chắn dịch sai, những cái sai quá rõ mà không cần phải tìm đọc nguyên tác; nhiều câu sai khủng khiếp với nhân vật cha đạo, ông cha đạo mà chỉ qua một bức thư cũng có thể nhận định một phụ nữ là Pha-ri-sêu/Pha-ri-si; khái niệm Pha-ri-sêu/Pha-ri-si, chỉ cần biết nó, giá cứ để yên nó nằm ở tên sách thì người đọc từng đọc Mauriac có thể tóm luôn được chủ đề quen thuộc của nhà văn Công giáo rồi. Dẫu quyển sách được in với thứ giấy không thể xấu hơn đen hơn, chữ in không thể mờ hơn khiến tôi vừa đọc vừa đoán, dịch thì sai từ nhan đề và, kinh nghiệm quyển sách cho tôi biết quyển nào ta phải thò dao rọc nhiều quá, lại còn thêm giấy đầu thừa đuôi thẹo thì... rất dễ dính xếp lộn trang hoặc thừa thiếu trang thế nào đấy [quyển của tôi trang 64 và 84 là một, nội dung trang 64 là gì với tôi lúc này... vẫn chưa đọc]... nhưng nó lại là quyển tôi thích nhất trong 4 quyển tôi đọc của Mauriac trong tiếng Việt

có những người chọn Chúa Trời cho mình nhưng, lại rất hoài nghi, không biết Chúa có chọn mình không; thực hành tôn giáo và đức tin hoàn toàn theo ngả giáo lý hình thức thì giống như nô lệ cố hắt bụi vào mắt chủ mình và trả hết phần của mình cho đến xu cuối cùng; phải rất lâu sau người ta mới nhìn thấy tình yêu chân chính, tình yêu mà người ta vẫn tưởng người ta tôn thờ và phụng sự trung thành nhưng thực ra lại không biết [cứ yêu thôi, con đường tự khắc đến bởi các con đường mà người gặp nhau không bao giờ là ngẫu nhiên]

nhưng tôi đâu thích La Pharisienne/The woman of the Pharisees theo hướng một tiểu thuyết màu sắc tôn giáo tâm linh, tôi vô đạo, tôi có tâm linh của riêng tôi [rất nhiều người có tôn giáo và là con người tôn giáo nhưng lại không có tâm linh], nhất là Mauriac, tôi chưa từng nghĩ mình đọc Mauriac theo hướng ấy. Với tôi, chỉ có sự vị văn học, sự biến văn học và đời sống của văn chương thôi. Mauriac với tôi là nhà văn yêu các nhân vật tội lỗi; giáo lý/đạo đức/tu khổ hạnh trong cái nhìn của Mauriac luôn là con đường cho tròn ngắn nhất dễ dàng nhất nên câu chuyện và các nhân vật luôn gây cho người đọc cảm giác khó chịu đựng, khó chịu đựng không lúc này thì lúc khác ngay cả với nhân vật được chấm vì cứ dần dần, từng chiếc cúc tuột khỏi tấm áo đạo đức tưởng như hoàn mỹ, hay, do ảo tưởng dày công dệt nên [có một chi tiết rất hay, cha đạo Caluy thích nhận những đứa trẻ hư vì ông biết chọn chỗ căng lưới, kiên nhẫn theo dấu và không nản chí (hình ảnh "lưới" chắc người nào theo đạo sẽ thấy quen, có câu gì đại ý, Thánh đồ phải trở nên những tay đánh lưới người; tích 4 môn đồ trở thành tay đánh lưới người, lưới người như lưới cá etc.) vì cho rằng chỉ nhận những đứa trẻ cứng đầu bất cần, những đứa trẻ đã hoặc sắp bị cuộc đời xô dạt, thậm chí từ chối Chúa Trời như Jean de Mirbel thì ông sớm hay muộn cũng lùa được con thú nhỏ về nhà và nhờ những con thú đáng được quan tâm ấy, ông sẽ sớm tìm được bản mẫu mình cần, cha đạo nghĩ như vậy, ông muốn chịu trách nhiệm về những đứa trẻ này trước Chúa Trời. Vấn đề ở đây không thuộc về đạo đức, phận sự; mà là sở thích của vị cha đạo. Nhân vật cha đạo Caluy rất sắc, ông có thể trỏ ngay người mẹ kế của nhân vật tôi kể chuyện, bà Brigitte Pian như một cái thùng cá, nhìn vào có thể thấy rõ từng động tác cá quẫy; hay, chỉ một câu trong bức thư đầu tiên, có thể xếp bà mẹ của Jean de Mirbel vào "các bà Pharisienne"]

theo lối nhìn ấy, nếu ai đấy nói Mauriac tàn nhẫn, Mauriac ác, tôi không phủ nhận [lại còn wit chứ]. Với lối nhìn và viết như vậy, con người tội lỗi, sa ngã, chịu đọa cũng hao mòn tâm trí không kém gì những con người trở nên đức hạnh [cũng dễ hiểu sao mà rất nhiều người, như tôi, ấn tượng về hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm của Mauriac (tìm đi đọc cho vui, thư viện các trường nhiều người chọn làm đề tài này lắm, trên đường tìm kiếm xem có ai nối Mauriac vào Dostoievski hay không, tôi thấy tỉ lệ chọn đề tài người phụ nữ trong văn chương Mauriac nhiều vô kể)], tức là, không phải ngày nào cũng gặp được một đức thánh hiền nhưng, không phải lúc nào cũng xuất hiện một kẻ khiến ta hãi hùng, kinh hoàng về sức méo mó sức đọa của con người [ai từng nói đại ý: việc hành hạ thể xác của kẻ tuyệt dục quyết tâm chế ngự mình là việc của con thú dữ, ý nhỉ]

bài học ở đây là gì :), không can thiệp vào cuộc sống của kẻ khác, bất kể đó là ý nguyện của ai sai khiến, điều này đương nhiên nhiều người coi là thần chú; nhưng, phải thêm nữa :), chớ có dại mở cửa ngó vào cuộc đời thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ n của họ [đặc biệt là người ta yêu :), Chúa Trời mong muốn một điều khó là ta yêu thương ngay cả kẻ thù của mình, nhưng thời gian sống nói với ta rằng, điều ấy vẫn dễ chịu hơn nhiều việc được kêu gọi đừng bao giờ căm ghét những kẻ ta yêu]; nhưng tiếp, chớ sợ câu trả lời của những câu hỏi ta luôn tìm kiếm [xin các Đấng tha cho cái mỏ hỗn chỉ biết nói sự thật ngây ngô của con]

ps. nối Mauriac vào Balzac thì rõ rồi, quyển Pharisienne này đặc biệt nhiều Balzac; nhưng cũng ở đây, trong có vài ngày, Lamartine, Fromentin đập vào mắt tôi mấy phát


5.5.25

Balzac - Dostoievski - Mauriac

 Balzac - Dostoievski - Mauriac 


đêm qua trong một đoạn đọc cha đạo và cậu bé 17 tuổi của Mauriac, lúc ấy cảm động cứ sụt sịt không rời sang đoạn khác được. Muốn nối Mauriac vào Dostoievski, không chỉ theo hướng những con người tôn giáo, dù cũng là có Chúa, giữa sự cơ cực vất vưởng của những linh hồn thiếu vắng Chúa và sự hiện hữu của Chúa; mà muốn nối 2 con người vào nhau trong lối nhìn bản tính con người gắn với mệnh cách của họ


nhưng đồng hồ đã chỉ 1 giờ sáng, nếu không ngủ ngay thì ngày mai lưng sẽ đau như trời giáng; thế là buông sách tắt đèn nhẩm thần chú: ngủ đi tú. Nhưng tim không nghỉ, tình chí không nghỉ thì mắt cưỡng chế chỉ là nhắm chứ không ngủ; tham vọng  lúc này còn đòi nối tiếp vào Balzac; đầu nó bắt đầu cò quay, nối Balzac - Dostoievski - Mauriac hay là lấy Mauriac làm trung gian vì Balzac - Dostoievski nối vào nhau trước thì cái nhìn của mình đang tỏ ra cao ngạo đấy :))) [nhưng Dostoievski là độc giả của Balzac mà, cũng có phải cao ngạo gì đâu nhỉ :p]... cứ hình dung những thứ mình sẽ viết thế rồi cũng chìm vào giấc ngủ với đủ mọi câu văn, trang sách mà không biết là mình viết hay đang đọc kẻ khác viết. Không khác gì một cuộc hành xác, bị đeo gông đày ải trong sa mạc


sáng ngồi dậy trên giường, kết cục vẫn là lưng đau như trời giáng, vì nằm nhưng ngủ không được mấy, thận có được nghỉ đâu. Vẫn đau lưng như dự đoán và lại còn không viết được cái mình muốn viết, vì nó qua mất rồi; chỉ tiếc vì đã không làm, lại một lần ngu


muốn viết một mail, để được đọc người khác viết, để được nghe ý người ta nói; nhưng tự thấy phải tự làm tự chịu. Tặc lưỡi lên vườn nhìn cây thì hoa đã héo tàn. Hoa héo hoa tàn rồi tú ạ, hết vị, thôi tú tự cấu chí mình đi :)))